Cách nhận biết và phòng bệnh tiêu chảy

(CDC Hà Nam)

                                              

Tiêu chảy là tình trạng đi đại tiện phân lỏng hoặc tóe nước, đi từ 3 lần trở lên trong vòng 24 giờ. Các triệu chứng kèm theo: nôn, mất nước, rối loạn điện giải, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

Bệnh có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn. Bệnh thường xuất hiện ở các khu đông dân cư, sử dụng chung nguồn nước để sinh hoạt… Với thời tiết nắng nóng như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Tiêu chảy là bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn và có liên quan chặt chẽ đến môi trường, an toàn thực phẩm và thói quen của người dân. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, nhiễm Rotavirus là nguyên nhân chính gây tiêu chảy nặng. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác: Do cho trẻ ăn bổ sung sớm, thức ăn bổ sung không phù hợp, dị ứng thức ăn hoặc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, dùng kháng sinh kéo dài không theo chỉ định của bác sỹ.

Triệu chứng của bệnh thường điển hình là đầy bụng, sôi bụng, tiêu chảy liên tục nhiều lần, lúc đầu phân lỏng sau nhiều nước có thể đục như nước vo gạo; Nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn sau nôn ra toàn nước có thể có màu vàng nhạt, kèm theo người mệt lả, da khô, khát nước, mạch nhanh, huyết áp tụt, tay chân lạnh có thể co rút chân, tay… Đó là biểu hiện mất nước từ nhẹ đến nặng. Tất cả các triệu chứng trên diễn biến rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới tử vong. Để phòng bệnh tiêu chảy người dân hãy thực hiện:

Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; mỗi gia đình nên có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa qua xử lý để bón cây trồng; bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh; hạn chế ra vào vùng đang có dịch.

          Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: Thực hiện ăn chín, uống sôi. Không uống nước lã; không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được chế biến và nấu chín, các thức ăn còn sống, như: nem chua, gỏi, tiết canh…; Chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng; các thức ăn đã nấu chín hoặc thức ăn còn dư, để từ bữa trước sang bữa sau phải được bảo quản tốt.

           Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch: Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của các gia đình phải được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối… chảy vào. Ở những nơi không có nước máy mà đang có dịch tiêu chảy thì tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng Cloramin B. Cấm đổ phân, chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống giếng, ao, hồ, sông, suối…

          Xử trí khi có người bị tiêu chảy cấp: Phải đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời. Không được để bệnh nhân ở nhà hoặc mua thuốc tự điều trị, vì có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm lây lan bệnh dịch sang cho gia đình và cộng đồng.

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ để phòng bệnh tiêu chảy. Ảnh minh họa

Tiêu chảy là một bệnh điều trị đơn giản nhưng nếu xử trí không đúng và kịp thời có thể dẫn đến tử vong do bị mất nước và mất chất điện giải. Đặc biệt, khi trẻ bị tiêu chảy, bà mẹ và người chăm sóc trẻ cần thực hiện: Cho trẻ uống nước nhiều hơn bình thường để phòng mất nước và muối, không đợi đến khi trẻ quá khát. Hãy cho trẻ bú mẹ nhiều lần hơn và thời gian mỗi bữa bú lâu hơn. Sử dụng ORESOL, nước cháo muối, nước cơm, nước gạo rang, nước hoa quả tươi, nước dừa (không đường) hay nước đun sôi để nguội.

Không cho trẻ uống các dung dịch làm tăng tiêu chảy như nước uống có ga, nước trà đường, nước trái cây đóng chai, cà phê… Không tự ý dùng thuốc, đặc biệt là kháng sinh và thuốc cầm ỉa chảy.

          Khi trẻ bị tiêu chảy phân lỏng từ 3 lần trở lên trong 24 giờ, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.        

 

Bác sỹ Đỗ Duy Hòa

Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm

 

Bài viết liên quan

Phát động thi đua ‘Hà Nam đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19’

Ngọc Nga

Chủ động giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh truyền nhiễm

Ngọc Nga

Khám sức khỏe định kỳ – “sợi dây” gắn kết doanh nghiệp với người lao động

Ngọc Nga

Để lại bình luận