Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

(CDC Hà Nam)

Trong những năm gần đây, công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Bởi đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe và thể chất cho con người. Đồng thời còn giúp ổn định chất lượng dân số và sự phát triển của xã hội được bền vững.

Hiện nay, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) là một chiến lược mang ý nghĩa quốc gia, vì vậy các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chức năng trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng đầu tư cho công tác này. Nhìn lại tình trạng SDDTE những năm trước đây, mới thấy được những thành tựu và kết quả mà tỉnh ta đã đạt được đối với công tác này trong thời gian qua là rất đáng kể. Theo số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 17,4% năm 2010 xuống còn 12,9% năm 2016, bình quân giảm 0,7%/năm. Mục tiêu trong những năm tiếp theo, để giảm tỷ lệ SDDTE dưới 5 tuổi xuống mức thấp nhất cần có sự quan tâm, chỉ đạo của Chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp, cùng với sự nỗ lực của toàn xã hội.

Hiện nay, đời sống sinh hoạt của người dân đã có nhiều cải thiện, chất lượng bữa ăn trong các gia đình được nâng lên nhưng sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng còn khá rõ nét. Một số nơi thuộc vùng nông thôn nhiều gia đình còn thiếu ăn, thiếu mặc, nói gì đến việc cải thiện bữa ăn đảm bảo đủ chất cho trẻ. Bên cạnh đó, việc nhận thức của đại bộ phận nhân dân về dinh dưỡng vẫn còn nhiều hạn chế nên tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em khá cao. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, song nguyên nhân chủ yếu vẫn là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cộng với việc đông con nên điều kiện dành cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ rất hạn chế. Nhiều gia đình không mấy chú trọng tới bữa ăn hợp lý và đủ dinh dưỡng cho trẻ. Thường cho trẻ ăn cùng chế độ của người lớn nên trẻ khó hấp thụ thức ăn, dẫn đến tình trạng con em mình bị suy dinh dưỡng cũng không hay. Chị Nguyễn Thị Chinh, ở xã Mỹ Thọ (huyện Bình Lục) tâm sự: “Chúng tôi ở nông thôn, còn khó khăn lắm… Thôi thì nhà có gì thì ăn nấy, không để bị đói là được rồi”.

Kiểm tra sự phát triển của trẻ tại Trạm Y tế phường Lam Hạ (Tp Phủ Lý).

Thực tế cho thấy, mức thu nhập trung bình của người dân ở các vùng nông thôn không quá thấp, tuy nhiên gánh nặng về chi phí sinh hoạt hàng ngày lại rất nhiều nên vấn đề tạo cho trẻ một nhu cầu dinh dưỡng hợp lý và thường xuyên là rất khó. Mặt khác, nhiều phụ huynh còn thiếu kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh, chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ, vì thế đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh biết được tác dụng của sữa mẹ đối với trẻ nhỏ nhưng vì công việc nên phải cho trẻ ăn dặm sớm hơn so với tuổi để yên tâm lúc vắng nhà.

Công tác truyền thông là một trong những giải pháp rất quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống suy dinh dưỡng. Do đó, tại các địa phương công tác truyền thông đã triển khai rộng khắp, bao phủ ở tất cả 116 xã/phường/thị trấn và thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Với nội dung trọng tâm là tư vấn, hướng dẫn người dân kiến thức thực hành dinh dưỡng, nhằm thay đổi hành vi cho người dân trong việc nuôi con bằng sữa mẹ và chế biến bữa ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng. Đặc biệt, những hoạt động này được đẩy mạnh hơn vào các đợt chiến dịch, như: Ngày vi chất dinh dưỡng, tuần lễ dinh dưỡng và phát triển, tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… để từ đó người dân có thể chủ động phòng chống SDDTE và cải thiện bữa ăn cho gia đình. Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức lồng ghép hoạt động dinh dưỡng với các hoạt động liên quan thông qua tuyên truyền như ngày dân số Việt Nam 26/12, ngày gia đình Việt Nam 28/6, ngày Quốc tế phụ nữa 8/3…. Tích cực tổ chức các buổi giao lưu nói chuyện chuyên đề cho các đối tượng là phụ nữ có thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi và cán bộ liên ngành tại 6 huyện/thành phố, đồng thời mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức phòng chống suy dinh dưỡng cho cán bộ làm công tác dinh dưỡng tại địa phương.

Theo Bs CKI. Nguyễn Trung Kiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Để đạt được những kết quả cao hơn trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng cũng như hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, cần vận động các địa phương thực hiện xã hội hoá công tác dinh dưỡng, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục, tăng cường phổ biến kiến thức về dinh dưỡng và tư vấn dinh dưỡng đến mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tích cực tổ chức tập huấn chuyên môn cho mạng lưới cán bộ dinh dưỡng tuyến tỉnh, huyện, xã, nhất là đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng tại các tổ, thôn, xóm và tổ chức tuyên truyền, tư vấn kiến thức dinh dưỡng cho người dân. Đặc biệt là việc chú trọng hướng dẫn thực hành dinh dưỡng đúng cho các đối tượng là thanh niên, phụ nữ mới kết hôn, phụ nữ mang thai và người nuôi trẻ.

Thiết nghĩ, để giảm thiểu tình trạng SDDTE, trách nhiệm không chỉ dừng lại ở các đơn vị chuyên môn, mà cần có sự chung sức, đồng lòng của cả cộng đồng xã hội, đặc biệt là người trực tiếp nuôi, chăm sóc trẻ. Qua đó, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng dân số, tạo nguồn lực vững mạnh cho đất nước.

                                                                                                                                                      Phan Hạnh

Bài viết liên quan

Bộ Y tế khuyến cáo đón Tết đảm bảo an toàn, lành mạnh

Ngọc Nga

Vi chất dinh dưỡng giúp nâng cao sức khỏe và tăng sức đề kháng phòng chống COVID-19

Ngọc Nga

Bộ Y tế: Người dân cần cảnh giác với lừa đảo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

Ngọc Nga

Để lại bình luận