Điểm báo ngày 06/12/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 06/12/2018

Thu tiền của sinh viên thực hành tại bệnh viện, nên hay không?; An toàn thực phẩm và trách nhiệm truyền thông; Hơn 100 người nhiễm ấu trùng sán dây lợn…

 

An toàn thực phẩm và trách nhiệm truyền thông

An toàn thực phẩm (ATTP) luôn được Nhà nước và xã hội quan tâm sâu sắc. Đây cũng là một chủ đề chính được đăng tải thường xuyên trên các phương tiện báo chí, truyền thông trong những năm gần đây, giúp công chúng ngày càng ý thức hơn tới quy trình sản xuất, cách thức tạo ra thực phẩm họ tiêu dùng hằng ngày, đồng thời đề cao vấn đề an toàn và dinh dưỡng. Đáng chú ý, báo chí truyền thông, qua những bài viết giàu tính phát hiện, cũng đã cảnh báo về quy trình sản xuất nông nghiệp không an toàn.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách thấu đáo và toàn diện, thực tế vẫn còn tình trạng thông tin về ATTP thiếu khoa học, thiếu chính xác, thậm chí thông tin nhằm phục vụ mục đích không trong sáng, vụ lợi, được “cường điệu hóa”. Trong thời đại thông tin bùng nổ, sự phát triển của mạng xã hội thì những biến tướng này càng trở nên đáng sợ và lan rộng. Điều này cho thấy, trách nhiệm to lớn của báo chí chính thống không chỉ phải cung cấp thông tin một cách khoa học, đầy đủ, giúp công chúng có kiến thức tiêu dùng mà còn phải là những cơ quan giúp Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp định hướng, dẫn dắt dư luận và giảm tin đồn thất thiệt, các luồng dư luận xấu.

Trong buổi hội thảo có chủ đề về an toàn thực phẩm và vai trò của truyền thông khoa học mới được tổ chức ở Hà Nội cuối tháng 11 vừa qua, một chuyên gia nước ngoài đã thẳng thắn cho rằng, việc không cung cấp thông tin đầy đủ tới công chúng về những tiêu chí đánh giá này đã làm tăng sự lo lắng của người dân và dẫn tới những hiểu lầm tai hại trong sản xuất thực phẩm nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung.

Nước ta có tới 24,5 triệu hộ nông dân chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ, năng suất, chất lượng sản phẩm phụ thuộc nhiều vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, lạm dụng vật tư nông nghiệp đầu vào, cũng như thiếu kiểm soát đối với sản phẩm nguyên liệu; thiếu truy xuất nguồn gốc… đang là các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Vấn đề mấu chốt là cần một nền tảng pháp lý chuẩn khoa học và sự tham gia của nhiều bên để thực thi các phương thức thực hành nông nghiệp bền vững. Nông dân, cơ quan quản lý, các đơn vị sản xuất – phân phối, và bản thân các cơ quan báo chí, truyền thông đều có trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc đưa nông sản an toàn, đủ dinh dưỡng tới người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho công tác truyền thông về vấn đề ATTP, an toàn nông nghiệp chưa đầy đủ, đồng bộ cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nêu trên. Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung chỉ đạo xây dựng hệ thống thông tin ATTP theo hướng là hệ thống thông tin mở, tin cậy, cập nhật về vệ sinh ATTP. Một mặt phục vụ yêu cầu công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Mặt khác hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thực hiện các quy định về vệ sinh ATTP; giúp người tiêu dùng nhận biết, truy xuất thông tin về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm an toàn. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình, đưa tin về ATTP – một vấn đề đặc biệt nhạy cảm và quan trọng với nhà sản xuất và người tiêu dùng. (Nhân dân, trang 1).

 

Ngăn chặn thực phẩm “bẩn” từ địa phương

Sau hơn 3 năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định mở rộng thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 100% số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu góp phần ngăn chặn thực phẩm “bẩn” từ chính quyền địa phương. Những kết quả bước đầu

Theo Quyết định 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 9-9-2015 về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã có tổng số 232 người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 10 quận, huyện và 20 xã, phường (mỗi thành phố 5 quận, huyện và 10 xã, phường). Sau hơn 3 năm triển khai đã ghi nhận những chuyển biến tích cực về an toàn thực phẩm tại các địa bàn thí điểm.

Riêng tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, việc hình thành và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm đã giúp cho việc xử lý vi phạm nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt tăng, số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn giảm. Đặc biệt, ở các quận, huyện, xã, phường thí điểm thanh tra chuyên ngành, nhận thức tuân thủ pháp luật của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, của người tiêu dùng cũng được nâng lên rõ rệt, có tác dụng lan tỏa đến các địa phương khác.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm TP Hà Nội, 10 tháng năm 2018, trên địa bàn thành phố đã thực hiện 938 đoàn thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó, có 745 đoàn liên ngành, 193 đoàn kiểm tra chuyên ngành của nông nghiệp, công thương, y tế. Các đoàn đã thanh tra, kiểm tra 102.098 lượt cơ sở, qua đó phát hiện lập biên bản, xử phạt 6.810 cơ sở hơn 25 tỷ đồng, hủy sản phẩm của 120 cơ sở. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, các địa phương thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm còn gặp khó khăn về nhân lực thực hiện, thiếu cán bộ chuyên trách, có chuyên môn về an toàn thực phẩm, đặc biệt là cấp xã, phường. Thêm vào đó, còn tâm lý sợ sai, ngại va chạm khi thi hành nhiệm vụ, thậm chí, tình trạng nể nang làng xóm, họ hàng cũng làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính…

Cần thiết nhân rộng mô hình

Ngày 26-11-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 47/2018/QĐ-TTg thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai. Riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 100% đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã sẽ triển khai thí điểm; tại 7 tỉnh, thành phố còn lại, sẽ có tối đa 25% số đơn vị hành chính cấp huyện và 25% đơn vị hành chính cấp xã tham gia thí điểm. Thời gian thực hiện thí điểm là 1 năm, bắt đầu từ ngày 10-1-2019.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, với một địa bàn rộng, tập trung số lượng lớn các cơ sở kinh doanh thực phẩm như Hà Nội, việc nhân rộng mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã là rất cần thiết. Tuy nhiên, để mô hình này tiếp tục đạt được những hiệu quả đề ra, các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm. Cụ thể, tăng tần suất thanh tra chuyên ngành, tập trung thanh tra đột xuất các địa bàn trọng điểm, thức ăn đường phố, các nhóm hàng nổi cộm, như: Rau, thịt…, đặc biệt là tập trung kiểm tra những sản phẩm có nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm và truy xuất tận nguồn gốc nếu phát hiện sai phạm. Sau khi xử lý vi phạm hành chính cần công khai danh sách các cơ sở vi phạm, các cơ sở bị đóng cửa và những cơ sở chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết.

Cũng theo ông Trần Văn Chung, cùng với việc mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, hiện Hà Nội đã triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm với 3 cấp, gồm: Thành phố, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Các điểm cảnh báo nhanh thực hiện công tác tiếp nhận các thông tin phản ánh về an toàn thực phẩm, từ đó chuyển thông tin đến các đoàn thanh tra chuyên ngành để tiến hành kiểm tra, sau đó đưa ra các biện pháp cảnh báo cho cộng đồng. Đây là một trong những nỗ lực của thành phố nhằm siết chặt hơn nữa chất lượng thực phẩm, bảo đảm sức khỏe và quyền lợi cho người tiêu dùng, trước mắt là phát huy hiệu quả trong công tác cảnh báo nhanh, phát hiện sớm các vi phạm về an toàn thực phẩm trong dịp Tết năm nay. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Đắk Lắk: Giám đốc Sở Y tế nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất

Theo kết quả kiểm phiếu được công bố của HĐND tỉnh Đắk Lắk, trong 28 người giữ chức vụ do HĐND bầu, ông Doãn Hữu Long – Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk là người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất.

Từ ngày 4 đến ngày 6/12/2018 HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021) tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 7. Tham dự, có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk cùng các sở ngành ở địa phương. Nhiều vấn đề kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, Y tế… được thông qua.

Trước phiên chất vấn diễn ra vào chiều 5/12, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 28 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu, với 3 loại phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. 79/84 đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk có mặt đã tham gia bỏ phiếu.

Ông Y Biêr Niê – Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk là người có phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất

Ông Y Biêr Niê, Chủ tịch HĐND tỉnh có 75 phiếu tín nhiệm cao, 4 phiếu tín nhiệm, không có phiếu tín nhiệm thấp.

Người có phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là ông Doãn Hữu Long – Giám đốc Sở Y tế, với 13 phiếu (chiếm tỷ lệ 15,48%); 28 phiếu tín nhiệm cao (chiếm tỷ lệ 33,33%), 38 phiếu tín nhiệm (chiếm tỷ lệ 45,24%).

Người có số tín nhiệm thấp thứ hai là ông Y Ring Adrơng – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, với 11 phiếu (chiếm tỷ lệ 13,09%).

Đây là lần đầu tiên HĐND tỉnh Đắk Lắk tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo cụ thể nội dung công việc, chức trách nhiệm vụ, lập bảng kê khai tài sản làm cơ sở để đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm. (Tiền phong, trang 2).

 

Hơn 100 người nhiễm ấu trùng sán dây lợn

Sau khi Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM công bố kết quả 108/904 người nhiễm ấu trùng sán dây lợn (heo gạo) tại các xã Phú Nghĩa, Đắk Ơ, Bù Gia Mập của huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) đã khiến nhiều người dân lo lắng.

Qua công tác giám sát, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM đã phát hiện ổ bệnh sán dây lợn ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Nghi ngờ heo bị nhiễm ấu trùng sán dây, viện đã cử đoàn công tác đến địa phương để điều tra, thu thập mẫu thịt heo nghi nhiễm bệnh để xét nghiệm, đồng thời tổ chức xét nghiệm ấu trùng bệnh heo gạo cho nhân dân khu vực.

Kết quả, mẫu thịt heo bị nhiễm ấu trùng sán dây lợn với mật độ 50 – 70 ấu trùng/kg thịt. Sau khi có kết quả xét nghiệm, viện đã kết hợp với Trung tâm Y học dự phòng quân đội phía Nam (Bộ Quốc phòng) và các đơn vị y tế địa phương tiến hành điều tra xét nghiệm máu, chẩn đoán huyết thanh bệnh ấu trùng sán dây lợn tại các xã nói trên. Kết quả, 108/904 mẫu máu nhiễm ấu trùng sán dây lợn, chiếm tỷ lệ 11,95 %. Trong đó, xã Phú Nghĩa chiếm 9,19% (26/283), xã Đắk Ơ 14,9% (48/322), xã Bù Gia Mập 11,37% (34/299). Khảo sát một vòng quanh huyện Bù Gia Mập cho thấy, hiện trên địa bàn huyện, nguồn thực phẩm sử dụng chính trong các lễ cưới hỏi, ma chay chủ yếu là thịt heo, trâu, bò. Chính khâu chế biến thức ăn ngay tại nhà cũng như nguồn gốc vật nuôi tại địa phương tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ấu trùng bệnh.

Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập đã phản hồi danh sách những trường hợp dương tính với sán dây lợn về các trạm y tế xã để tuyên truyền, tư vấn những trường hợp này nên về Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới khám, xét nghiệm và điều trị. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước Quách Ái Đức, nước ta đã phát hiện ít nhất 55 tỉnh, thành có các bệnh sán dây lợn, nhưng tỷ lệ mẫu máu nhiễm ấu trùng sán dây lợn ở Bình Phước cao so với tỷ lệ chung trên toàn quốc (2% – 6%). Nguyên nhân có thể do Bình Phước là vùng người dân có tập quán chăn nuôi heo thả rông để lấy thịt ăn.

Hiện Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã có công văn chỉ đạo đến trung tâm y tế các huyện, thị xã tăng cường các biện pháp phòng chống giun sán như: giám sát các hộ chăn nuôi, đặc biệt các hộ nuôi heo thả rông để phát hiện và xử lý; tuyên truyền đến người dân về việc chăn nuôi gia súc, gia cầm đúng cách; tư vấn thực hiện vệ sinh môi trường, đảm bảo ăn chín, uống sôi, không sử dụng thịt heo, thịt bò sống hoặc tái; sử dụng thực phẩm hoặc rau phải rửa bằng nguồn nước sạch để đảm bảo vệ sinh; rửa tay trước khi chế biến các món ăn để đảm bảo không nhiễm ấu trùng sán. (Sài Gòn giải phóng, trang 6)

 

Thu tiền của sinh viên thực hành tại bệnh viện, nên hay không?

Từ tháng 11-2017, theo Nghị định 111/2017/NĐ-CP, các BV được phép thu tiền thực hành của sinh viên, học viên. Điều này đã tạo nên một cơn “khủng hoảng” giữa các trường đại học y (ĐHY) với các bệnh viện (BV) là cơ sở thực hành. Điều này khiến sinh viên lo bị tăng học phí và ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo của trường ĐHY.

Tại Hội nghị “Đổi mới giáo dục y khoa toàn quốc” diễn ra 2 ngày cuối tuần vừa qua, đây là nội dung “nóng” nhất với những ý kiến khá gay gắt của lãnh đạo nhiều trường ĐHY.

Từ nhiều thập kỷ qua, việc hợp tác giữa Trường ĐHY Hà Nội với các BV lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Xanh Pôn, Nhi Trung ương, BV K, Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn tồn tại “tự nhiên như hơi thở, như trong một nhà” như lời của GS. Trần Bình Giang – Giám đốc BV Việt Đức. Bởi 2 bên đều có lợi khi trường y có nơi thực hành cho sinh viên, học viên, còn các BV có một lực lượng lao động rất lớn mà không phải trả tiền.

Nhưng một số BV lại “đòi tiền” Trường ĐHY với lý do: Mỗi ngày có hàng trăm sinh viên, học viên đến BV thực hành, sẽ tiêu hao điện, nước, xà phòng, bông băng, cồn, gạc vv… trong khi BV phải tự chủ về kinh phí. Rồi giảng viên của Trường ĐHY đến BV làm việc thì “khó quản”, vì không phải người của BV; BV mất công đào tạo cán bộ thành nghề thì họ lại chuyển đi BV khác; có giảng viên của trường làm lãnh đạo khoa ở BV, nhưng khi nghỉ hưu ở trường, BV vẫn không biết…

Tuy nhiên, có một thực tế là qui định chưa thấy cái lợi lớn hơn nhiều mà các BV được hưởng. Đó là hàng ngàn sinh viên, học viên Trường ĐHY, như ĐHY Hà Nội– nơi luôn tuyển sinh với điểm đỗ đại học cao ngất ngưởng – chính là nguồn nhân lực chất lượng cao mà các BV được sử dụng “không công”.

Mỗi ngày, hàng ngàn bác sĩ nội trú, chuyên khoa vừa học, vừa phục vụ bệnh nhân tại các BV, hỗ trợ rất hiệu quả cho các BV khám, chữa bệnh, đặc biệt là trong cấp cứu. Ở các BV tuyến cuối luôn quá tải thì đây chính là lực lượng quý giá giúp cho chủ trương giảm tải của Bộ Y tế trở thành hiện thực, vì các BV không thể đủ nhân lực.

Trong các “tua” trực, 100% sinh viên và bác sĩ nội trú, chuyên khoa làm thâu đêm. Ở BV ngoại khoa hàng đầu như Việt Đức, với hàng trăm ca phẫu thuật mỗi ngày, thì việc có các sinh viên phụ mổ là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, các giáo viên của các Trường ĐHY Hà Nội là những chuyên gia hàng đầu, ăn lương của trường nhưng đến BV làm việc “không công”, hoặc được BV trả công “bèo bọt” so với mức lương vài trăm triệu mà các BV tư sẵn sàng trả cho họ.

Hiện nay, BV Bạch Mai đang có tới 168 cán bộ của Trường ĐHY Hà Nội, BV Việt Đức có 69 người, đều là các chuyên gia giỏi. Họ vừa giảng dạy sinh viên, vừa trực tiếp khám, chữa bệnh như bác sĩ của BV, nhiều người còn làm quản lý: lãnh đạo BV, Khoa, Trung tâm vv…

Theo GS. Trần Bình Giang: “Nếu không có những chuyên gia giỏi của Trường ĐHY Hà Nội, thì nhiều bệnh nhân ở BV Việt Đức đã không có cơ hội sống”.

Việc cho phép các BV thu tiền của sinh viên thực hành dường như đã “thương mại hóa” vấn đề vô cùng nhạy cảm là giáo dục ở ngành y tế. Bất hợp lý nhất chính là không nhìn thấy giá trị về tri thức của đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, sinh viên ở ngôi trường nổi tiếng này lớn gấp nhiều lần giá trị vật chất mà một số BV đang đòi. Vì vậy đã làm “xáo trộn” một truyền thống vốn tốt đẹp giữa các BV lớn với Trường ĐHY –nơi đào tạo hầu hết các cán bộ lãnh đạo, bác sĩ của các BV.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc do qui định cho phép các BV thu tiền của sinh viên đến thực hành, trong ngày 3 và 4-12, Hiệu trưởng Trường ĐHY Hà Nội đã có hàng loạt buổi làm với 10 BV là cơ sở đào tạo, thực hành của trường. May mắn, hầu hết các BV đều nhìn rõ điều mà Nghị định 111 “không thấy” là quyền lợi các BV được hưởng.

Vì thế, hầu hết các BV đều nhất trí duy trì mối quan hệ truyền thống để tiếp tục hợp tác. Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, Giám đốc BV K cho biết sẵn sàng hỗ trợ thêm thầy và trò Trường ĐHY đến BV thực hành. BV K và BV Đống Đa còn đề nghị Trường ĐHY Hà Nội cử thêm cán bộ và sinh viên đến để “đỡ” cho BV.

Các BV Bạch Mai, Việt Đức, Xanh Pôn, Đống Đa vv… đều nhất trí không thu phí các sinh viên, học viên đến thực hành. GS. Trần Bình Giang cho hay: “Chút tiền còm ấy đáng gì với hoạt động của một BV đầu ngành như Việt Đức”. BV Y học Cổ truyền tha thiết đề nghị được trở thành cơ sở đào tạo của ĐHY Hà Nội.

Trong số các BV, duy chỉ có BV Nhi Trung ương vẫn đòi thu tiền thực hành của sinh viên, học sinh trường y. Để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc mà các BV đưa ra, GS. Tạ Thành Văn –Hiệu trưởng Trường ĐHY Hà Nội cho biết, tới đây Trường sẽ rà roát lại toàn bộ các lĩnh vực hợp tác để có qui chế phối hợp. Cán bộ được cử đến các BV phải có sự đồng ý của lãnh đạo nhà trường và BV, thay cho trước đây chỉ do Trưởng Bộ môn của trường quyết định. Tăng cường thông tin 2 chiều giữa BV và nhà trường để quản lý cán bộ và sinh viên tốt hơn.

Việc Trường ĐHY Hà Nội và các BV bắt tay nhau giải quyết “cuộc khủng hoảng”, sẽ tạo tiền lệ để các Trường ĐHY và các BV trên cả nước thoát ra khỏi vướng mắc do mối quan hệ hợp tác trong đào tạo – thực hành bị “thương mại hóa” kể từ cuối năm 2017. (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Gánh nặng ung thư

Bệnh ung thư ngày càng gia tăng, trong khi đó chi phí cho chẩn đoán, điều trị cũng ngày càng tăng, là gánh nặng lớn cho người bệnh và cả hệ thống y tế.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc mới ung thư (UT) tại VN không ngừng gia tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương khoảng 115.000 ca. Số tử vong gấp 9 lần tai nạn giao thông

Với 20 năm công tác chuyên ngành, TS-BS Bùi Vinh Quang, Giám đốc Bệnh viện (BV) Ung bướu Hà Nội, cho biết tại VN, theo ước tính chưa đầy đủ, mỗi năm có khoảng 126.000 ca mắc mới và 94.000 ca tử vong do UT, gấp 9 lần con số tử vong do tai nạn giao thông. Ước tính đến năm 2020 sẽ có tối thiểu 189.344 ca UT mới mắc.

TS Vinh Quang lưu ý, tại VN tính chung cả 2 giới, 5 loại UT có tỷ lệ mắc nhiều nhất gồm: UT gan (chiếm 15,4%), UT phổi (14,4%), UT dạ dày (10,6%), tiếp theo là UT vú, UT đại tràng. Trong đó, UT phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do UT ở phụ nữ. Mỗi năm VN có khoảng 22.000 ca mắc mới và 19.500 bệnh nhân (BN) tử vong do UT phổi.

BV Ung bướu TP.HCM thực hiện việc ghi nhận UT quần thể TP.HCM (population-based) và ghi nhận UT BV (hospital based) từ năm 1995 đến nay.

Theo đó, mỗi năm có hàng chục ngàn trường hợp UT mắc mới, gồm các BN có hộ khẩu tại TP.HCM và ở các tỉnh lên điều trị tại TP.HCM. Công trình được sự hợp tác của các BV lớn trong TP và được giám sát về kỹ thuật và chất lượng số liệu bởi Cơ quan Nghiên cứu UT quốc tế (IARC) của WHO. Công trình nghiên cứu trong hơn 20 năm từ 1995 đến nay đã có các kết luận như sau: Tại TP.HCM tỷ lệ bệnh mắc UT từ 130 – 145/100.000 dân. Ở nam giới, chỉ riêng 5 loại UT đứng đầu là phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày và đầu cổ. Còn ở nữ, 5 UT đứng đầu là vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi và tuyến giáp.

Nguy cơ bởi ô nhiễm, thực phẩm “bẩn”…

“Theo tôi hiện nay UT phổi, đường tiêu hóa bao gồm gan, khoang miệng, thực quản, dạ dày, đại trực tràng đang có xu hướng gia tăng mạnh nhất. Có thể do ô nhiễm các chất độc hại, thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất nông sản thực phẩm, hóa chất bảo quản, quá trình chế biến thực phẩm sử dụng thực phẩm cháy, thực phẩm hun khói, lối sống ăn uống không hợp lý, sử dụng rượu bia thuốc lá, ăn thức ăn nhiều mỡ động vật ít các thành phần chất xơ và vitamin A, C, E là các yếu tố nguy cơ gây UT”, TS Bùi Vinh Quang khuyến cáo và cho biết thêm: “Với UT phổi thì thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh này. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 90% số lượng ca UT phổi có hút thuốc lá và những người hút 40 bao trong 1 năm có nguy cơ bị UT phổi cao gấp 20 lần so với người không hút thuốc. Trong khi đó, UT gan do mắc viêm gan B, C và xơ gan do rượu”.

Theo TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, ô nhiễm không khí đã được chính thức phân loại là nguyên nhân gây UT bởi IARC. Theo IARC, ô nhiễm không khí từ giao thông và khói công nghiệp là nguyên nhân gây UT phổi và cũng liên quan đến UT bàng quang. Vấn đề thực phẩm gây UT thường là do các chất bảo quản, tạo màu và bao bì chứa thực phẩm. Hiện nay IARC thường xuyên cập nhật và công bố các chất có thể sinh UT (tùy mức độ nguy cơ được đánh số từ 1 – 3).

Gánh nặng tài chính

Chia sẻ về gánh nặng UT, TS-BS Vinh Quang cho hay chẩn đoán và điều trị UT là một khó khăn lớn đối với BN cũng như BS. Vì chẩn đoán và điều trị UT cần độ chính xác cao về giải phẫu bệnh học và giai đoạn bệnh. Chẩn đoán giai đoạn của bệnh UT hiện nay được sử dụng nhiều xét nghiệm tiên tiến như chụp CT64, CT128, CT256 dãy, chụp cộng hưởng từ, PET-CT… những xét nghiệm này có giá thành rất cao, trung bình 2,5 – 10 triệu đồng tùy theo xét nghiệm.

Đặc biệt, trong chẩn đoán giai đoạn bệnh của một số UT thì chụp PET-CT cũng được khuyến cáo nên dùng cho độ nhạy và độ đặc hiệu cao góp phần cho quá trình điều trị, chi phí làm cũng dao động từ 23 – 30 triệu đồng. Chính vì lý do đó ngay trước khi điều trị UT thì việc chẩn đoán bệnh cũng là một khó khăn về mặt tài chính đối với BN và gia đình cũng như với BHYT.

Ngoài ra, điều trị UT gồm 3 phương pháp chính là phẫu thuật, hóa chất và xạ trị, có thể thêm điều trị nhắm trúng đích và điều trị miễn dịch.

Phẫu thuật UT thường rất rộng triệt căn nên có tính tàn phá cao. Việc phẫu thuật vi phẫu, phẫu thuật tạo hình sau điều trị UT (như UT vú, đầu cổ) nhằm mang lại thẩm mỹ cho BN đang được triển khai nhưng chi phí là khá cao.

Đặc biệt, trong lĩnh vực xạ trị nhiều phương pháp mới cũng đang được áp dụng cho điều trị UT đầu cổ, phổi, tuyến tiền liệt, vú… Như xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ trị điều biến liều theo thể tích hình cung VMAT đang thực hiện mang lại hiệu quả cao hạn chế tác dụng phụ nhưng giá thành của một ngày điều trị cũng cao, thường từ 1,5 – 1,7 triệu đồng.

Hóa chất cho điều trị cũng là một vấn đề (trung bình điều trị hóa chất một đợt khoảng 10 – 30 triệu đồng tùy từng phác đồ) vì chủ yếu bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn và cần có hóa chất bổ trợ hoặc hóa chất điều trị triệt căn nên ít nhất cũng từ 4 – 6 đợt điều trị.

Bên cạnh đó là điều trị trúng đích và điều trị miễn dịch có mang lại hiệu quả khả quan trên lâm sàng và cũng đang được áp dụng tại VN. Để điều trị được thuốc này BN cần làm một số xét nghiệm quan trọng và khá đắt đỏ, khi điều trị thuốc cũng cần phải chi phí một lượng tiền khá lớn. Ví dụ như điều trị UT phổi không tế bào nhỏ có đột biến gien EGFR cũng phải tốn khoảng 40 – 50 triệu đồng/tháng. Điều trị UT gan bằng thuốc điều trị trúng đích tốn khoảng 110 – 120 triệu đồng/tháng. (Thanh niên, trang 2).

 

Tháng hành động Quốc gia về dân số năm 2018:Đẩy mạnh công tác chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên

Tháng Hành động Quốc gia về Dân số năm nay với chủ đề: “Chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi”. Đây cũng là một trong những khó khăn thách thức trong công tác dân số hiện nay. Trên thực tế, vị thành niên, thanh niên hiện nay đã có sự thay đổi về tập quán và văn hóa, như lập gia đình ở độ tuổi muộn hơn và gia tăng quan hệ tình dục trước hôn nhân. Trên cả nước, nhiều tỉnh, thành phố đã long trọng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia về Dân số.

Cần đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa đối với công tác Dân số và Phát triển

Ngày 4/12, Ban Chỉ đạo Công tác dân số Nghệ An phối hợp với Sở Y tế tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia về Dân số năm 2018 tại huyện Yên Thành (Nghệ An). Đến dự buổi lễ có ông Võ Thành Đông – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cùng đại diện Sở, ban, ngành liên quan.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Thành Đông nhấn mạnh: “Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền giáo dục, song tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV ở vị thành niên, thanh niên vẫn có xu hướng gia tăng, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, các khu công nghiệp tập trung.

Bên cạnh đó, kiến thức, kỹ năng cơ bản về bảo vệ, chăm sóc SKSS của vị thành niên, thanh niên còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, các em vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS. Mặt khác, khi tiếp xúc, giáo dục cho vị thành niên, thanh niên thì mọi người đều có ý e dè, né tránh không muốn nhắc đến nội dung chăm sóc SKSS, trong khi chính đối tượng này lại rất cần được hướng dẫn đầy đủ và sâu sắc. Đây là những thách thức rất lớn đối với công tác chăm sóc SKSS cho vị thành niên, thanh niên trong thời kỳ mới.

Theo số liệu báo cáo chính thức của Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em (Bộ Y tế) tình trạng phá thai ở Việt Nam đang ở mức rất cao với 250.000 – 300.000 ca mỗi năm. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ năm 2017, cứ 1.000 ca phá thai có 15 trường hợp ở độ tuổi vị thành niên. Cứ 100 ca phá thai ở phụ nữ tuổi 15 – 49 thì có 62 ca mang thai ngoài ý muốn. Đây là các con số báo cáo chính thức, các con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều. Những con số rất đáng lo ngại này càng đòi hỏi chúng ta phải có nỗ lực lớn hơn nữa, đầu tư nhiều hơn nữa để giảm thiểu đến mức thấp nhất các trường hợp mang thai ngoài ý muốn ở vị thành niên, thanh niên”.

Ông Võ Thành Đông cũng nhấn mạnh, các địa phương cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa đối với công tác Dân số và Phát triển. Phải coi việc thực hiện chính sách dân số là nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng Sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế, dân số. Từng bước cải thiện chất lượng dân số và phát huy lợi thế cơ hội “dân số vàng” để thực hiện thành công sự nghiệp CNH – HĐH quê hương, đất nước.

Nâng cao chất lượng dân số Thủ đô trong giai đoạn tới

Sáng 5/12, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thường Tín (Hà Nội) tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động Quốc gia về Dân số năm 2018 và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12).

Phát biểu tại Lễ phát động, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, cùng với cả nước, Hà Nội luôn quan tâm và chú trọng công tác DS-KHHGĐ. Trong những năm qua, thành phố luôn kiên trì chỉ đạo công tác dân số, đầu tư cho mục tiêu ổn định quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, tập trung nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô và đất nước.

Những năm gần đây, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác DS-KHHGĐ chuyển hướng sang Dân số và Phát triển theo tinh thần của Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, năm 2018, công tác dân số của thành phố đã đạt được những thành tựu đáng kể như: Tỷ suất sinh ước đạt 15,13‰ giảm 0,17‰ so với năm 2017; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 6,6%, giảm 0,1% so với năm 2017; tỷ số giới tính khi sinh ước đạt 113,5 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ lệ sàng lọc trước sinh ước đạt 75% số bà mẹ mang thai; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh ước đạt 84,1% số trẻ sinh ra.

Như vậy, trong nhiều năm qua, thành tựu của công tác dân số Thủ đô từng bước ổn định về quy mô, giảm tỷ suất sinh, giảm tỷ lệ sinh con 3+, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tuổi thọ trung bình, tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng… Đặc biệt là cải thiện cơ cấu dân số về tuổi, làm cho nhóm dân số trong độ tuổi lao động chiếm đa số trong tổng số dân cư. Theo cơ cấu tuổi dân số hiện tại Hà Nội đang trong thời kỳ “Dân số vàng” tạo tiền đề cho phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.

Tuy nhiên, ông Hạnh cũng đánh giá, mặc dù công tác dân số trên địa bàn Thủ đô đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội chung của thành phố, nhưng trong giai đoạn hiện nay, công tác dân số đang đứng trước những khó khăn, bất cập mới do quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng.

“Tỷ lệ sinh con thứ 3 có giảm nhưng chưa ổn định, chất lượng dân số còn chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô, do đó cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng dân số Thủ đô trong giai đoạn tới. Tỷ số giới tính khi sinh của thành phố vẫn còn ở mức cao có xu hướng giảm nhưng không bền vững. Biến động dân số cơ học hàng năm lớn, do đó khó khăn trong việc quản lý dữ liệu dân cư trên địa bàn ảnh hưởng đến hoạt động xã hội và phục vụ dịch vụ trên địa bàn Thủ đô. Tuổi thọ của người dân tăng cao, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh, vì thế già hóa dân số đang là một thách thức lớn của Hà Nội đòi hỏi phải có một kế hoạch chủ động ứng phó và những chính sách phù hợp nhằm đảm bảo tốt hơn sức khỏe, an sinh xã hội và quyền lợi của người cao tuổi, tầm vóc, thể lực của thanh niên tuy có cao hơn so với bình quân chung của cả nước nhưng còn hạn chế so với các nước trong khu vực”, ông Hạnh cho biết.

Với nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác dân số đối với sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế – xã hội Thủ đô và nâng cao chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân. Để đảm bảo công tác dân số trên địa bàn TP Hà Nội, thực hiện có hiệu quả, tạo ra sự chuyển biến rõ nét, chất lượng và sự ổn định trong công tác dân số, trong thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đề nghị nghị bộ máy làm công tác dân số ở các cấp tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục theo chuyên đề tại địa bàn; tăng cường lồng ghép giữa truyền thông và cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe nhân các chiến dịch; chú trọng mở rộng đối tượng vận động là cha mẹ, ông bà… để giáo dục, động viên con em trong việc tham gia tư vấn, khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ.

Bên cạnh đó, cổ vũ và tạo mọi điều kiện để vị thành niên, thanh niên tích cực học tập, lao động, chủ động tham gia các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục lành mạnh nói riêng; đảm bảo để vị thành niên, thanh niên được quan tâm chăm lo toàn diện và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. (Gia đình & Xã hội, trang 22).

 

Những sai phạm tại dự án BV Nhi đồng TP.HCM: Thiết bị khám chữa bệnh thiết kế không phù hợp

Kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM nêu rõ: Thời điểm kiểm tra, còn một số thiết bị chưa đưa vào sử dụng được do thiết kế không phù hợp khám, chữa bệnh cho bệnh nhi.

Mua thiết bị y tế chất lượng thấp

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), đối với việc thẩm định cấu hình, tính năng kỹ thuật trang thiết bị y tế (TTBYT), công tác tư vấn lập cấu hình chi tiết kỹ thuật TTBYT của dự án do Công ty CP tư vấn đầu tư Nam Sài Gòn thực hiện, thời gian từ tháng 1.2015 đến tháng 5.2016 mới hoàn thành.

Theo báo cáo của Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP, hiện một số TTBYT còn thiếu về số lượng và danh mục để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho bệnh nhi như: máy đo pH thực quản 24 giờ, máy trở kháng cho trẻ em, máy siêu âm tim 3D, tấm thu kỹ thuật số cỡ nhỏ của máy X-quang kỹ thuật số di động, máy X-quang quanh chóp… Có 9 danh mục thiết bị được cung cấp chưa đưa vào sử dụng được do lập cấu hình chưa phù hợp với bệnh nhi.

Đối với việc thẩm định cấu hình, tính năng kỹ thuật, theo kết luận của TTCP, Bộ Y tế có văn bản giao Sở Y tế TP.HCM tổ chức thẩm định cấu hình, chi tiết kỹ thuật đối với danh mục thiết bị có giá dự toán dưới 1 tỉ đồng (368 danh mục) trong khi chưa có căn cứ pháp lý để giao, là chưa thực hiện hết nhiệm vụ quy định tại khoản 2, điều 2 Quyết định 125/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đề án 125). Ngoài ra, việc thẩm định cấu hình và ban hành văn bản thỏa thuận cấu hình, chi tiết kỹ thuật còn thiếu thống nhất theo quy định của đề án 125, như: bổ sung, loại bỏ một số tiêu chuẩn kỹ thuật còn thiếu căn cứ, thiếu thuyết minh (như loại bỏ tiêu chuẩn ISO 13485 – tiêu chuẩn quản lý đối với nhà sản xuất thiết bị y tế) đối với gói thầu thiết bị chống nhiễm khuẩn dẫn đến yêu cầu kỹ thuật của gói thầu thấp; nhiều thiết bị trúng thầu do doanh nghiệp trong nước sản xuất chất lượng thấp, phát sinh lỗi và trục trặc trong quá trình sử dụng.

Hơn nữa, việc bàn giao, nghiệm thu đưa vào sử dụng nhiều gói thầu bị chậm tiến độ so với yêu cầu hợp đồng từ 4 tháng đến 1 năm; 18 gói thầu chậm tiến độ; 7 gói thầu phải gia hạn hợp đồng 1 lần; 11 gói thầu phải gia hạn hợp đồng 2 lần. Việc bàn giao thiết bị đến thời điểm thanh tra chưa hoàn thành; nhiều thiết bị sau khi bàn giao chưa lắp đặt được do chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng. “Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của BV Nhi đồng TP. Thời điểm kiểm tra, còn một số thiết bị chưa đưa vào sử dụng được do thiết kế không phù hợp với công tác khám, chữa bệnh đối với bệnh nhi hoặc chưa đáp ứng về yêu cầu kỹ thuật”, kết luận thanh tra nêu.

Nhiều liên danh, nhà thầu bị phạt

Trong dự án BV Nhi đồng TP, liên danh Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1) – Yooil (Hàn Quốc) trúng gói thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình). Tổng công ty xây dựng VN (VNCC) được Ban Quản lý dự án (QLDA) chỉ định gói thầu tư vấn quản lý dự án. Liên danh ICIC – CONINCO là đơn vị tư vấn giám sát dự án. Dự án được khởi công vào ngày 6.12.2014 và khánh thành vào ngày 1.6.2018, trễ 18 tháng năm so với tiến độ ký kết.

Theo kết luận của TTCP, trong quá trình thực hiện hợp đồng, VNCC không làm tròn trách nhiệm, không đảm bảo điều hành và quản lý dự án theo đúng tiến độ đề ra; chưa thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát, đôn đốc các nhà thầu dẫn đến dự án không đáp ứng được tiến độ đề ra; không bố trí đủ nhân lực theo yêu cầu hợp đồng; vi phạm Nghị định 59/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng và Nghị định 48/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng. VNCC bị Ban QLDA phạt vi phạm hợp đồng gần 2 tỉ đồng (tương đương 12%).

Liên danh ICIC – CONINCO chưa thực hiện hết trách nhiệm của hợp đồng, đôn đốc tiến độ chưa hiệu quả dẫn đến dự án không đảm bảo đúng tiến độ thực hiện; chưa tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Điều này dẫn đến hồ sơ quản lý chất lượng chưa đúng với thời điểm thi công. Cơ sở quản lý chất lượng là hồ sơ thiết kế nhưng không được phát hành và trình duyệt đúng quy định dẫn đến hồ sơ quản lý chất lượng không có cơ sở để nghiệm thu. Do đó, liên danh này bị phạt 1,2 tỉ đồng. Nhà thầu thiết kế Yooil chưa phối hợp tốt với nhà thầu khác trong việc lập cấu hình và dây chuyền công nghệ TTBYT, do đó thời gian phối hợp thông tin đầu vào TTBYT kéo dài; thiếu hụt nhân lực làm tiến độ triển khai thiết kế chậm 12 tháng; hồ sơ thiết kế thiếu chi tiết, không thống nhất giữa các bản vẽ xây dựng, kiến trúc và cơ điện nên mất nhiều thời gian điều chỉnh… Còn nhà thầu thi công CC1 chậm tiến độ thi công đối với các hạng mục cọc do phải xử lý phần cọc bị lỗi; tiến độ thực hiện 2 gói thầu khí y tế, khí sạch và nội thất phòng mổ không đảm bảo đúng tiến độ. Tại một số thời điểm, CC1 chậm huy động nhân công, thiết bị dẫn đến công tác thi công chậm; nhà thầu chính không kiểm soát được tiến độ của nhà thầu phụ… Do thực hiện dự án không đúng tiến độ, CC1 bị phạt 125 tỉ đồng.

Xử lý giám đốc Ban QLDA các thời kỳ

TTCP đề nghị UBND TP kiểm điểm, rút kinh nghiệm; chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan kiểm điểm trách nhiệm và có biện pháp khắc phục các tồn tại đã nêu. TTCP đề nghị UBND TP phê duyệt tổng dự toán dự án BV Nhi đồng TP đảm bảo chính xác, đúng theo quy định. Liên quan đến dự toán, Ban QLDA phải điều chỉnh giảm tổng dự toán dự án trình UBND TP phê duyệt, số tiền điều chỉnh giảm là trên 107 tỉ đồng (giảm do sai định mức 23,2 tỉ đồng, sai khối lượng gần 90 tỉ đồng và phát sinh tăng hơn 5,8 tỉ đồng). TTCP đề nghị Sở Y tế, Ban QLDA cùng BV Nhi đồng TP rà soát, bổ sung những TTBYT chất lượng cao, cần thiết để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh… Sở Y tế chỉ đạo Ban QLDA kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo, cá nhân giám đốc Ban QLDA từng thời kỳ liên quan đến thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm. Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị, cá nhân liên quan trong việc thẩm định thiết kế, tổng dự toán của dự án chậm so với quy định và có biện pháp khắc phục… (Thanh niên, trang 22).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 20/9/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/9/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 18/1/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận