Điểm báo ngày 16/7/2018

(CDC Hà Nam)

 

Thí điểm kết nối mạng để kiểm soát nguồn gốc, giá thuốc; Giảm giá nhiều dịch vụ y tế; Hà Nội chấn chỉnh công tác giao nhận trẻ sơ sinh trong cơ sở y tế

 

Thí điểm kết nối mạng để kiểm soát nguồn gốc, giá thuốc

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, đến nay, toàn bộ các nhà thuốc, tủ thuốc tại bốn tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định đã hoàn thành ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng để kiểm tra xuất xứ, giá thuốc mua vào, bán ra. Các thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc sẽ được kết nối giữa nhà cung cấp với khách hàng và chuyển cho cơ quan quản lý khi được yêu cầu. Đây là giai đoạn thí điểm của dự án ứng dụng công nghệ thông tin kết nối nhà thuốc của Bộ Y tế. Thời gian tới, Cục Quản lý Dược sẽ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng tại các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc với lộ trình: Nhà thuốc từ ngày 1/1/2019; quầy thuốc từ 1/1/2020, tủ thuốc trạm y tế xã từ 1/1/2021. Hiện, cả nước có 41,394 cơ sở bán lẻ thuốc. (Nhân dân, trang 5).

Giảm giá nhiều dịch vụ y tế

Từ 15.7, nhiều dịch vụ y tế được điều chỉnh giá, sẽ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia bảo biểm y tế và cả các bệnh viện.

PGS-TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết giá dịch vụ y tế quy định tại Thông tư 37 (có hiệu lực thực hiện đến trước ngày 15.7.2018), mức giá bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương; chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản.

Tuy nhiên, sau thời gian hơn hai năm thực hiện, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN đã khảo sát, tính toán chi phí thực tế và thống nhất nguyên tắc điều chỉnh giá của một số dịch vụ, tập trung vào các dịch vụ có số lượng sử dụng lớn. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT(có hiệu lực từ 15.7.2018) thay thế Thông tư 37.

Dịch vụ sử dụng nhiều cần giảm giá

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế): Có 88 giá dịch vụ y tế được điều chỉnh, trong đó đáng chú ý là giảm giá 70 dịch vụ, gồm: 6 giá khám bệnh, bình quân giảm 17%; 34 giá ngày giường bệnh, bình quân giảm 6% và 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, bình quân giảm 24%. Điều chỉnh tăng 9 dịch vụ, gồm: 7 giá ngày giường chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu, bình quân điều chỉnh tăng 5% và 2 dịch vụ xét nghiệm.

Cùng với đó, Thông tư 15 cũng bổ sung giá của 9 dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh sử dụng các dịch vụ này sẽ được bảo biểm xã hội (BHXH) thanh toán; điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp CT Scanner, nội soi) theo nguyên tắc không tính chi phí thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù trong giá dịch vụ do thuốc và các loại vật tư này có nhiều loại, mỗi người bệnh sử dụng khác nhau mà Quỹ bảo biểm y tế (BHYT) sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá trúng thầu.

Ông Liên chia sẻ, việc tăng, giảm giá phụ thuộc vào chi phí đầu vào như điện, nước, vật tư, hóa chất… hiện có một số chi phí tăng lên, một số loại lại giảm do đấu thầu. Do đó, mức giá viện phí được xây dựng từ năm 2012, 2015 theo Thông tư 37 không còn phù hợp. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục sắp xếp lại 18.000 dịch vụ y tế thành nhóm từ 2.000 – 3.000 dịch vụ y tế/nhóm để xây dựng giá cho các dịch vụ này.

Cùng với đó điều chỉnh giá tại Thông tư 15 còn giúp việc kiểm soát lạm dụng chỉ định dịch vụ. “Thực tế cho thấy, đối với những dịch vụ có số lượng sử dụng nhiều thì cần phải giảm giá để hạn chế việc chỉ định trong các trường hợp không cần thiết”, ông Nam Liên nói.

Cam kết về chất lượng dịch vụ

Theo Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), việc điều chỉnh giảm giá dịch vụ y tế lần này có hạn chế, khiến phía bệnh viện (BV) có thể “thiệt thòi”, bởi mức giá vẫn chỉ tính chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa kết cấu chi phí quản lý theo lộ trình giá dịch vụ công quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP. Tiền lương vẫn tính ở mức lương cơ sở 1.150.000 đồng, chưa tính theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng (theo quy định tại Nghị định 72/2018/NĐ-CP của Chính phủ điều chỉnh mức tiền lương cơ sở từ 1.7.2018 là 1.390.000 đồng), nên thời gian tới vẫn phải tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

Ông Nam Liên cũng xác nhận việc điều chỉnh giá lần này sẽ góp phần tăng khả năng cân đối Quỹ BHYT đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT, nhưng đối với các cơ sở khám chữa bệnh có bị ảnh hưởng là giảm nguồn thu dịch vụ y tế. Nhưng Bộ Y tế đã có chỉ đạo các BV tăng cường tiết kiệm chi phí để nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời đối với các chi phí để bảo đảm hoạt động thường xuyên, nếu nguồn thu không bảo đảm thì đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành. Các BV phải dành đủ từ 3 – 5% số thu tiền ngày giường, tiền khám bệnh và ưu tiên sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, bàn, ghế, giường, tủ cho các phòng khám, phòng điều trị… Về phía người bệnh, giá dịch vụ giảm nên phần đồng chi trả của người bệnh giảm, việc điều chỉnh cũng làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Về việc người dân lo ngại chất lượng dịch vụ y tế giảm với các dịch vụ điều chỉnh giảm giá, ông Nam Liên cho biết thêm với khung giá dịch vụ y tế thực hiện trong hai năm qua có một số yếu tố làm giảm chi phí. Cụ thể: tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng, các BV nhất là tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư nâng cấp, được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên nên chất lượng dịch vụ tăng, chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh tại các huyện trên địa bàn tỉnh được thực hiện nên tần suất khám, chữa bệnh/thẻ BHYT tăng, dẫn đến số lượt khám bệnh/bàn khám, số lượt siêu âm, chụp X-quang, CT Scanner, nội soi tai mũi họng, công suất sử dụng giường bệnh tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng – làm giảm được chi phí tính cho một dịch vụ.

Cùng với đó, giá một số thuốc, vật tư, hóa chất giảm do công tác đấu thầu, đặc biệt là đấu thầu tập trung tại Bộ Y tế, BHXH VN và nhiều địa phương thực hiện góp phần làm giảm chi phí về thuốc, vật tư, hóa chất để thực hiện dịch vụ. “Do đó, các dịch vụ điều chỉnh giá lần này áp dụng trên cơ sở đã được Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH VN khảo sát, tính toán chi phí thực tế và thống nhất nguyên tắc điều chỉnh giá, tập trung vào các dịch vụ có số lượng sử dụng lớn, không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế trong điều trị”.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cũng cam kết, Bộ Y tế đã và đang thực hiện để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh và tăng khả năng cân đối quỹ BHYT thông qua việc tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở; có các hỗ trợ tuyến y tế cơ sở (xã, huyện) phải làm tốt dự phòng, nâng cao sức khỏe, quản lý, theo dõi, điều trị các bệnh không lây nhiễm, phát hiện sớm bệnh tật để giảm chi phí điều trị cho người dân nói chung và quỹ BHYT. Hiện tại danh mục dịch vụ y tế và thuốc thiết yếu khi khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã đã được mở rộng; nhân lực đang được củng cố, nâng cao chất lượng, các BV huyện vùng khó khăn đang được tăng cường các bác sĩ tuyến trên về làm việc. (Thanh niên, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 7; An ninh thủ đô, trang 6).

Hà Nội chấn chỉnh công tác giao nhận trẻ sơ sinh trong cơ sở y tế

Tin từ Sở Y tế Hà Nội, liên quan đến vụ việc giao nhầm trẻ sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì vào năm 2012, cuối tuần qua, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, chấn chỉnh công tác giao nhận trẻ sơ sinh và yêu cầu rà soát trong toàn ngành… (An ninh thủ đô, trang 2).

Đề nghị truy tố chủ phòng khám khiến hơn 100 trẻ bị sùi mào gà

Công an tỉnh Hưng Yên vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án, đề nghị Viện KSND tỉnh truy tố bà Hoàng Thị Hiền (SN 1969, quê quán Khoái Châu, Hưng Yên), về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” do để xyả ra việc 103 trẻ bị sùi mào gà.

Tài liệu điều tra thể hiện,  bà Hiền là chủ phòng khám tư nhân ở xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu. Mặc dù không có giấy phép hoạt động, không đủ trình độ chuyên môn khám chữa bệnh nhưng từ năm 2015, bà Hiền vẫn thực hiện thủ thuật làm giãn bao quy đầu cho các cháu nhỏ, với giá từ 300.000 đến 500.000 đồng/trường hợp. Trong thời gian từ năm 2016 đến tháng 7-2017, bà Hiền đã thực hiện thủ thuật trên cho 103 cháu nhỏ ở 2 huyện Khoái Châu và Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên). Do dụng cụ y tế và đồ vật khám chữa bệnh không đảm bảo tiệt trùng nên các bé đã mắc bệnh sùi mào gà. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Hà Nội: Nhiều trường hợp mắc sởi do chưa tiêm hoặc quên tiêm chủng

Y tế Hà Nội cho biết, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn thành phố. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 200 ca mắc sởi.

Dù chưa có ca tử vong, các chuyên gia y tế lo ngại, sởi có thể bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Số mắc hiện tại gấp 3 lần cả năm 2017

Theo thống kê từ đầu năm đến hết ngày 10/7, Hà Nội đã có 233 trường hợp bệnh nhân mắc sởi, chưa có bệnh nhân tử vong, số mắc tăng hơn 3 lần với năm 2017 (cả năm 2017 mới có hơn 60 trường hợp mắc bệnh). Theo đó, bệnh sởi đã xuất hiện ở 139 xã, phường, thị trấn của 29 quận, huyện. Đặc biệt các quận nội thành có số mắc cao hơn như: Bắc Từ Liêm (22 trường hợp), Nam Từ Liêm (21 trường hợp), Hà Đông (17 trường hợp), Hoàng Mai (17 trường hợp), Đống Đa (14 trường hợp)…

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, hiện đối tượng mắc bệnh chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, trong đó nhóm dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. “Hầu hết các trường hợp mắc sởi là do không tiêm, hoặc chưa được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh sởi; nguyên nhân chủ yếu là do trẻ bị ốm nên hoãn tiêm và bị tiêm muộn, cha mẹ không đưa trẻ đi tiêm hoặc đi tiêm không đúng lịch nên chưa có đủ miễn dịch” – ông Cảm thông tin.

Các chuyên gia cũng cho biết, mùa hè cũng là mùa thuận lợi cho các loại virut sinh sôi, phát triển, trong đó có virut gây bệnh sởi; bệnh lại dễ lây lan nên nếu không kiểm soát ngay từ đầu, rất có khả năng bùng phát thành dịch.

Phòng dịch sởi lây lan

Trước tình hình trên, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản khẩn chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành, các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi. Đồng thời, khuyến cáo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân và vệ sinh phù hợp; tăng cường vệ sinh tay, kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh phòng, khu vực khám bệnh, cấp cứu hồi sức tích cực và các khu vực khác trong BV.

Sở Y tế yêu cầu các BV phân loại bệnh nhân ngay tại khu vực phòng khám và có biển chỉ dẫn tại cổng BV; bố trí khu điều trị cách ly theo quy định và tổ chức điều trị tốt cho bệnh nhân, bảo đảm chuyển tuyến an toàn, tránh lây nhiễm; khuyến cáo người bệnh, người nhà bệnh nhân sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân và vệ sinh phù hợp… Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng tiến hành rà soát điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, vật tư y tế để bảo đảm công tác điều trị bệnh sởi. Các BV tăng cường công tác khám và điều trị cho các bệnh nhân mắc sởi; tổ chức tập huấn các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi do Bộ Y tế ban hành cho nhân viên có tham gia chẩn đoán và điều trị bệnh sởi, đặc biệt là khu vực phòng khám, khu cấp cứu, điều trị bệnh nhân sởi.

Theo ông Cảm, để phòng bệnh sởi tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất. Hiện nay, Hà Nội đã tổ chức tiêm chủng hằng tuần thay vì hằng tháng như trước đây để tạo điều kiện cho nhiều trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Các trung tâm y tế cũng đang rà soát số trẻ nằm trong diện tiêm chủng mở rộng, bảo đảm trẻ được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh sởi theo đúng quy định. Người dân cần coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng để ngăn không cho dịch bệnh bùng phát. Đặc biệt, ông Cảm khuyến cáo, trước xu hướng gia tăng số trẻ mắc sởi khi chưa đến tuổi tiêm chủng, phụ nữ trước khi mang thai cần đi tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi – Rubella (tối thiểu 3 tháng trước khi mang thai) để phòng bệnh cho cả mẹ và con. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 27/3/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 12/8/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận