Điểm báo ngày 21/11/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 21/11/2018

2 người tử vong do uống nước từ lá cây lạ; Làn sóng người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam: Kỹ thuật cao, chi phí rẻ; 19% số ca ung thư dạ dày liên quan đến việc ăn thiếu rau và trái cây; 89% bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế

 

2 người tử vong do uống nước từ lá cây lạ

Chiều 20-11, ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, liên quan trong sự việc bị ngộ độc xảy ra tại nhà dân ở thôn Xuân Dục nghi do uống nước từ lá cây lạ trồng tại vườn nhà, nạn nhân là ông Hoàng Xuân Th. (58 tuổi, trú tại thôn Xuân Dục) cũng đã tử vong. Hiện gia đình chuyển thi thể ông từ bệnh viện Thừa Thiên – Huế về nhà để tổ chức mai táng.

Trước đó, vào chiều ngày 15-11, ông Th. và vợ là Phan Thị H. (58 tuổi) có triệu chứng đau bụng, đi ngoài, mệt mỏi, nôn mửa… nghi do bị ngộ độc. Ngay sau đó, hai vợ chồng ông Th. được đưa đến Trạm Y tế xã Kỳ Tân để khám, chuyền nước nhưng vẫn không khỏi nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh điều trị. Sau đó, cả hai vợ chồng ông Th. được chuyển tiếp vào một bệnh viện tại Thừa Thiên – Huế để cấp cứu.

Đến ngày 18-11, bà H. tử vong, còn ông Th. trong tình trạng hôn mê sâu, nguy kịch, tiên lượng xấu. Đến chiều tối 19-11, ông Th. tử vong.

Theo lãnh đạo xã Kỳ Tân và nhiều người dân địa phương cho biết, ông Th. có tiền sử bị bệnh gout. Trước khi xảy ra sự việc, ông Th. và vợ có lấy một loại lá cây lạ trồng tại vườn nhà (cây này có lá giống như lá cây lạc (đậu phộng), hoa màu vàng được gia đình ông Th. đưa về nhà trồng từ lâu nay, nhưng chưa rõ là cây gì, tác dụng ra sao) rồi đem phơi khô nấu nước uống. Sau khi uống một thời gian thì có triệu chứng bị ngộ độc nặng.

Trước đó, ông Th. và vợ cũng đã nhiều lần sử dụng loại lá cây này để nấu nước uống nhưng chưa có triệu chứng gì (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

Làn sóng người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam: Kỹ thuật cao, chi phí rẻ

Trong khi nhiều người Việt có điều kiện kinh tế đang đổ xô đi kiếm tìm những dịch vụ y tế đắt đỏ ở nước ngoài thì vẫn tồn tại một “làn sóng” khác, đó là người nước ngoài đổ xô đến tìm dịch vụ y tế ở Việt Nam. Một nghịch lý khám chữa bệnh tại Việt Nam: Trong thì chê- ngoài thì muốn. Kỹ thuật cao, chi phí rẻ chính là những điểm cộng để thu hút bệnh nhân người nước ngoài đến khám chữa bệnh… (Lao động, trang 1).

19% số ca ung thư dạ dày liên quan đến việc ăn thiếu rau và trái cây

Ngày 19-11, tại Hà Nội đã diễn ra “Hội thảo quốc tế về kiểm soát chế độ ăn uống liên quan đến bệnh không lây nhiễm tại Châu Á: Tiếp cận khu vực để nâng cao năng lực đáp ứng” – do Viện Vệ sinh dịch Tễ Trung ương đứng ra tổ chức. Theo các báo cáo tại hội thảo này, bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống đang gia tăng ở nhóm trẻ tuổi, gây ra gáng nặng kinh tế lâu dài cho xã hội.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ dinh dịch Tễ Trung ương cho biết, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và quá trình đô thị hóa, môi trường thực phẩm và thói quen ăn uống của cộng đồng đang có những thay đổi bất hợp lý.

“Đây là thời điểm không sớm nhưng cũng không quá muộn để suy nghĩ nghiêm túc và hành động nhanh chóng để cải thiện môi trường thực phẩm và hành vi lựa chọn thực phẩm, tiến tới kiểm soát các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống” – GS Đặng Đức Anh nói.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm, hiện tại, Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là bệnh tim mạch, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư. Ước tính có đến 8/10 ca tử vong ở Việt Nam là do bệnh không lây nhiễm.

Cụ thể, Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp. Gần 60% số này chưa được phát hiện bệnh và trên 80% chưa được quản lý điều trị. Hơn 3 triệu người bị tiểu đường thì gần 70% chưa phát hiện bệnh…

Theo các chuyên gia, chế độ ăn ít rau và trái cây có liên quan đến 19% trường hợp ung thư dạ dày và ruột, 31% bệnh nhân thiếu máu tim cục bộ và 11% đột quỵ. Chế độ ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác…

Trong khi đó, điều tra của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy, hơn 50% người trưởng thành ở nước ta ăn thiếu rau hoặc trái cây. Người dân ăn muối nhiều gấp 2 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Mặt khác, tỷ lệ thừa cân béo phì ở nước ta cũng đang tăng nhanh.

“Dinh dưỡng hợp lý và thực phẩm lành mạnh là ưu tiên hàng đầu trong dự phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe người dân” – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh (An ninh thủ đô, trang 8).

89% bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế

Đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán thuốc ARV nguồn quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2019 đối với các cơ sở điều trị HIV/AIDS do Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức ngày 20-11.

Nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính bền vững cho tiếp cận thuốc ARV cho người nhiễm HIV trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế đang giảm dần và có thể sẽ chấm dứt hỗ trợ cung cấp dịch vụ trực tiếp sau năm 2020, Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu y tế và dân số giai đoạn 2016-2020 đã quy định “từ năm 2019, thanh toán thuốc từ Quỹ Bảo hiểm y tế cho các đối tượng có thẻ BHYT”.

Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á cam kết nhanh chóng đạt được mục tiêu 90-90-90 do UNAIDS khởi xướng. Việt Nam đã làm rất tốt việc kiểm soát dịch HIV. Dịch HIV ở VIệt Nam hiện tập trung vào một số nhóm nguy cơ cao như nhóm người nghiện chích ma tuý, phụ nữ mại dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới. Tỷ lệ lây nhiễm HIV cả nước đã giảm đáng kể trong suốt một thập kỷ qua nhưng vẫn còn nhiều quan ngại về tình trạng nhiễm HIV gia tăng ở các nhóm nguy cơ cao đặc biệt là nam quan hệ tình dục đồng giới ở các khu vực thành thị như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lân cận.

Trong khi nguồn thuốc ARV viện trợ từ tổ chức quốc tế ngày càng cạn kiệt, việc tiếp tục điều trị ARV thông qua nguồn thuốc do BHYT chi trả là cơ chế tài chính bền vững cho điều trị thuốc kháng virus ở VIệt Nam.

Bà Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, kể từ năm 2017 khi BHXH thanh toán cho các dịch vụ liên quan xét nghiệm, tải lượng virus, công khám, số người bệnh HIV/AIDS có thẻ BHYT tăng lên. Đặc biệt từ đầu năm 2018, sau khi Bộ Y tế đưa ra khung kế hoạch mua thẻ BHYT, các địa phương được bố trí ngân sách nên đồng loạt mua thẻ BHYT cho người nhiễm. Đến hết năm 2018, con số này sẽ đạt 90%.

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, đến nay đã có 190 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh, thành phố nhận thuốc ARV nguồn BHYT, tương ứng hơn 48 nghìn bệnh nhân trong năm 2019. 90% trong tổng số 433 cơ sở điều trị HIV/AIDS đã ký hợp đồng, 85% đã thanh toán ít nhất một dịch vụ nguồn BHYT đến hết 31-10-2018.

Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT chung tại 63 tỉnh, thành phố đạt 89%, trong đó có bốn tỉnh đạt 100% như Ninh Thuận, Lai Châu, Cà Mau, Cao Bằng; có 42 tỉnh đạt hơn 90% và hiện còn khoảng 6 tỉnh đạt từ 70-80% (Nhân dân, trang 8).

40.000 người tử vong/năm do thuốc lá ở Việt Nam

Ngày 20.11 tại TP. Hội An (Quảng Nam) diễn ra hội nghị các nước ASEAN về xây dựng TP không thuốc lá lần thứ 6. Hội nghị do Quỹ Phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá – Bộ Y tế phối hợp với Liên minh PCTH của thuốc lá Đông Nam Á, Tổ chức Y tế thế giới khu vực tây Thái Bình Dương tổ chức.

Theo Quỹ PCTH của thuốc lá, tại VN, nhờ đẩy mạnh xây dựng các mô hình TP du lịch không khói thuốc tại các tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Hội An, Huế, Hạ Long, Nha Trang… cũng như nhiều cơ quan, đơn vị đưa quy định cấm hút thuốc lá nơi làm việc vào quy chế nội bộ cơ quan, thưởng phạt rõ ràng… đã giúp giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc từ 47,4% năm 2010 xuống còn 45,3% năm 2016; nữ giới giảm từ 1,4% xuống còn 1,1%.

Đặc biệt, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động năm 2016 giảm đáng kể so với năm 2010, như tại các trường đại học, cao đẳng 16,4%; trên các phương tiện giao thông công cộng 15%; tại nơi làm việc 13,3% (Thanh niên, trang 3).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 15/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo 12/02/2019

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 01/11/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận