Điểm báo ngày 24/8/2018

(CDC Hà Nam)

 

Công tác phòng chống tham nhũng của bộ y tế: gương mẫu, đi đầu, thống nhất cao; Kiên quyết giảm thời gian chờ khám của người dân

 

Công tác phòng chống tham nhũng của bộ y tế: gương mẫu, đi đầu, thống nhất cao

Ngày 23-8, tại Đà Nẵng, khai mạc Hội nghị công tác phòng, chống tham nhũng; triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác đấu thầu và tập huấn công tác đấu thầu toàn quốc năm 2018, do Bộ Y tế tổ chức.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Bộ Y tế chủ trì hội nghị. Tới dự hội nghị có lãnh đạo Ban Nội chính TW, Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo Cục, Vụ, Viện các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và lãnh đạo Sở Y tế địa phương.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố căn cứ các nội dung được quán triệt trong kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng (ngày 25/6/2018), đặc biệt là nội dung Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải gương mẫu, đi đầu, có sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; trái lại, phải mạnh dạn làm để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát.

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng và công tác đấu thầu trong ngành y tế lần này có ý nghĩa quan trọng. Để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng, chống  tham nhũng của Bộ Y tế đến năm 2021.

Theo đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của CBVC, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng chống tham nhũng. Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức cán bộ; kiểm soát tài sản, thu nhập, tăng cường công khai minh bạch trong thực thi công việc…

Về công tác đấu thầu, Bộ Y tế đã tổ chức phân cấp, phân quyền trong công tác đấu thầu thuốc: Đấu thầu tập trung Quốc gia, đấu thầu tập trung cấp địa phương và cơ sở y tế tự đấu thầu. Việc đấu thầu thuốc tập trung tại địa phương đã thực hiện nhiều năm nay và mang lại hiệu quả kinh tế, lựa chọn được thuốc chất lượng cao hơn với giá rẻ hơn. Đấu thầu mua thuốc tập trung Quốc gia được Bộ Y tế thực hiện từ năm 2017. Kết quả đấu thầu lần 1 năm 2017 đối với 5 hoạt chất đã tiết kiệm được 17% so với giá kế hoạch. Trong đó, các biệt dược tiết kiệm được khoảng 6,9% so với giá kế hoạch gói thầu; các thuốc generic tiết kiệm được 33% so với giá kế hoạch.

Về đấu thầu trang thiết bị y tế, hiện tại đang thí điểm đấu thầu tập trung một số mặt hàng tại một số tỉnh, thành phố. Bộ Y tế đang dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu tập trung trang, thiết bị y tế.

Về công tác đấu thầu trong ngành y tế, yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế rà soát hạ tầng, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đấu thầu qua mạng, từ năm 2018 trở đi thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 40% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 30% các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế; tăng cường giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện Chỉ thị 47 đối với các chủ đầu tư, bên mời thầu để những chính sách này thực sự đi vào đời sống. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Nhân dân, trang 5; Lao động, trang 2).

 

Kiên quyết giảm thời gian chờ khám của người dân

“Giám đốc cơ sở khám, chữa bệnh và người trực tiếp chỉ định phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các trường hợp chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú, kéo dài thời gian điều trị nội trú không đúng theo các quy định về chuyên môn y tế” – đây là một trong những nội dung được thể hiện tại Chỉ thị số 847/CT- BYT về các giải pháp để bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế khi thực hiện điều chỉnh giá khám chữa bệnh (KCB) do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký ban hành.

Truyền thông, vận động người dân thay đổi thói quen chỉ đến khám buổi sáng

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố, các cơ sở KCB trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc các giải pháp nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ KCB. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế bố trí, điều tiết nhân lực và các buồng khám phù hợp với nhu cầu khám bệnh của người dân. Đặc biệt là vào các thời điểm cao điểm để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Bác sĩ và nhân viên y tế có đủ thời gian để khám, tư vấn cho người bệnh.

Đối với việc khám, cấp thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Y tế, các cơ sở y tế tuyến trên phải tuyên truyền, giải thích, tư vấn và chuyển người bệnh về tuyến y tế cơ sở để theo dõi, quản lý, cấp phát thuốc. Các đơn vị y tế tuyến cơ sở phải báo cáo Sở Y tế để bảo đảm đủ thuốc, tăng cường đào tạo, tập huấn về chuyên môn để y tế cơ sở thực hiện việc theo dõi, quản lý, điều trị đối với các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính theo phân tuyến.

Đồng thời, các cơ sở y tế tiếp tục thực hiện nghiêm và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình khám bệnh, giảm thủ tục hành chính và giảm thời gian chờ khám bệnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các BV phải tăng cường công tác truyền thông, vận động để người dân thay đổi thói quen chỉ đến khám vào buổi sáng. Đối với người mắc bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính trong trường hợp chỉ đến khám để cấp thuốc hoặc cho đơn thuốc, không phải thực hiện xét nghiệm cần hướng dẫn và hẹn khám vào buổi chiều để giảm áp lực khám vào buổi sáng tại BV.

“Đồng thời các BV tuyến trên phải tập trung khám, chữa các bệnh theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, các bệnh mà tuyến dưới không thực hiện được; phải tuyên truyền, vận động, tư vấn để các trường hợp đến khám, kiểm tra sức khỏe nhưng không cần điều trị hoặc tái khám ở BV tuyến trên thì đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là tuyến y tế cơ sở để vừa bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT, vừa giảm tải cho các BV tuyến trên” – Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày

Đối với việc chỉ định sử dụng dịch vụ, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú, Bộ trưởng yêu cầu giám đốc các cơ sở KCB phải tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, đúng các quy định chuyên môn trong việc chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng; tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú theo đúng quy định; nâng cao chất lượng điều trị để giảm thời gian điều trị nội trú của người bệnh.

Các cơ sở KCB thực hiện nghiêm các giải pháp giảm quá tải, trường hợp quá tải phải chuyển người bệnh xuống tuyến dưới, sang các cơ sở KCB khác trên địa bàn. Chỉ được kê thêm giường để người bệnh không phải nằm ghép đối với trường hợp thực sự quá tải. Không kê thêm giường bệnh trong trường hợp không sử dụng hết số giường theo kế hoạch được giao.

Thực hiện đúng quy định về danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT theo quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BYT của Bộ Y tế. Tăng cường và thường xuyên kiểm tra để tránh các trường hợp áp dụng sai mức giá dịch vụ, giá thuốc, vật tư y tế, tính sai số ngày điều trị nội trú…

Các cơ sở y tế cũng phải chú trọng công tác dinh dưỡng, tiết chế, kiểm soát nhiễm khuẩn, giặt là đồ vải trong bệnh viện; kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thuốc và Điều trị của BV; tăng cường kiểm tra việc kê đơn, bình bệnh án, tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh; phòng ngừa và giảm thiểu các tai biến, sự cố y khoa… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Cảnh báo dịch sốt xuất huyết bùng phát trở lại Hà Nội

Theo ghi nhận từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 384 trường hợp mắc sốt xuất huyết và phân bổ rải rác tại 144 xã, phường, thị trấn của 28 quận, huyện, thị xã và chưa ghi nhận ca bệnh nào tử vong… Các chuyên gia y tế hàng đầu cũng nhận định, dịch bệnh này có thể gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11/2018, thậm chí là bùng phát thành dịch chỉ sau một vài tháng, bên cạnh đó, sau đợt ngập kéo dài tại các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai cũng là yếu tố nguy cơ dễ bùng phát trở lại… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Đẩy mạnh đề án y tế cơ sở

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có chỉ thị yêu cầu sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ ở y tế để nắm bắt các thông tin và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT, trường hợp vượt quá thẩm quyền báo cáo UBND cấp tỉnh hoặc Bộ Y tế để xem xét, giải quyết. Đặc biệt, các Sở Y tế cần triển khai ngay Đề án Y tế cơ sở theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Chương trình số 1379/CTr-BYT và Hướng dẫn số 1383/HD-BYT của Bộ Y tế, đẩy mạnh việc triển khai Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 18/10/2017 của Bộ  Y tế về quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Tiếp tục củng cố nâng cao hệ thống thanh tra y tế

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Thanh tra Bộ Y tế đã triển khai 19 đoàn thanh tra, kiểm tra, xác minh và đã ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 674 triệu đồng… Trong thời gian tới, Thanh tra Bộ Y tế tiếp tục xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng công tác hệ thống thanh tra y tế, cộng tác viên thanh tra y tế và mạng lưới cán bộ thanh tra của thủ trưởng, thanh tra nhân dân tại các đơn vị trực thuộc. Tích cực thực hiện phương châm phòng ngừa, kịp thời uốn nắn, hạn chế sai phạm, đồng thời phát hiện xử lý nghiêm sai phạm.. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 14/12/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/10/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/2/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận