Dự phòng thiếu vitamin A cho trẻ em và phụ nữ sau sinh

(CDC Hà Nam)

Vitamin A là một loại vitamin tan trong chất béo, có vai trò quan trọng vào nhiều chức phận trong cơ thể, như tăng trưởng, chức năng thị giác, bảo vệ biểu mô, tăng cường miễn dịch cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn…

Nhu cầu cơ thể con người cần mỗi ngày một lượng vitamin A rất nhỏ, nhưng do cơ thể không tự tổng hợp được nên lượng vitamin A này hoàn toàn phải được cung cấp từ thức ăn. Khi khẩu phần ăn mất cân đối, thức ăn không cung cấp đủ vitamin A, dẫn đến cơ thể bị thiếu hụt vitamin A. Ở trẻ nhỏ đang bú, nguồn vitamin A là sữa mẹ, trong thời kỳ này, nếu bữa ăn của người mẹ thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ.

Thiếu vitamin A thường hay xảy ra ở trẻ em dưới 3 tuổi; trẻ dưới 5 tuổi bị mắc sởi, viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng; bà mẹ đang cho con bú. Hậu quả do thiếu vitamin A sẽ làm trẻ chậm phát triển nhất; làm giảm sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật, trẻ dễ bị nhiễm trùng (nhiễm khuẩn và thiếu vitamin A là một vòng luẩn quẩn bệnh lý dẫn tới nguy cơ tử vong cao); thiếu vitamin A nặng sẽ gây nên các tổn thương ở mắt, được gọi là “khô mắt”, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả mù vĩnh viễn.

Giải pháp phòng chống thiếu vitamin A cấp thời nhằm giải quyết nhanh tình trạng khô mắt gây nên hậu quả mù ở trẻ là việc bổ sung vitamin A liều cao cho các đối tượng nguy cơ (trẻ em và bà mẹ) định kỳ theo quy định của Chương trình phòng chống thiếu vitamin A. Tại Hà Nam, công tác phòng, chống bệnh thiếu vitamin A và khô mắt được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh từ năm 1997 đến nay. Công tác này được triển khai với mục đích dự phòng, tăng lượng dự trữ vitamin A trong gan, tăng cường khả năng chống bệnh thiếu vitamin A của mỗi người. Mặc dù, vitamin A được dùng với liều cao, nhưng chương trình bổ sung vitmain A với mục đích phòng bệnh trong những năm qua có độ an toàn cao. Những tác dụng phụ có thể xảy ra, như: đau đầu, buồn nôn, nôn rất hiếm gặp, và nếu có thường là nhẹ, không cần phải điều trị. Tuy nhiên, nếu sử dụng vitmain A quá liều quy định gây ra tình trạng biều hiện ngộ độc gan, biến đổi xương, đau khớp, đau đầu, nôn, da khô, bong vẩy, phồng thóp ở trẻ nhỏ. Vì vậy, chúng ta cần lưu ý không được dùng quá liều quy định, tuyệt đối không dùng cho phụ nữ đang mang thai và dùng tuân thủ theo chỉ định của bác sỹ.

Bên cạnh việc bổ sung vitamin A liều cao, giải pháp cơ bản và lâu dài để giải quyết vấn đề thiếu vitamin A là cải thiện bữa ăn, bảo đảm ăn uống hợp lý, cân đối các chất dinh dưỡng và tăng cường vitamin A vào thực phẩm v.v.

BSCKI. Nguyễn Trung Kiên

Phó Khoa PCBKLN&DD

Bài viết liên quan

“Tiện” nhưng không “lợi”

hanh phan

Thiếu vitamin A và bệnh khô mắt

hanh phan

Cần sự phối hợp tốt giữa 3 môi trường

hanh phan

Để lại bình luận