Phòng ngừa biến chứng bệnh đái tháo đường

(CDC Hà Nam)

 

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một tình trạng tăng đường huyết mạn tính do thiếu insulin tương đối hoặc tuyệt đối của tụy. Đồng thời, các rối loạn glucid, protein, lipid, điện giải có thể dẫn tới hôn mê hoặc tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Hậu quả của các rối loạn chuyển hóa là gây tổn thương các mạch máu và các biến đổi ở mắt, thận, tăng huyết áp, nhiễm trùng răng, miệng, da, phổi, đường tiết niệu v.v.

Kiểm tra đường huyết xác định bệnh Đái tháo đường

* Đái tháo đường týp 2 là một bệnh tiến triển tịnh tiến, biến chứng của bệnh luôn phát triển theo thời gian mắc bệnh:

– Biến chứng cấp tính: Hôn mê nhiễm toan ceton, hạ glucose máu, hôn mê tăng glucose máu không nhiễm toan ceton và các bệnh nhiễm trùng cấp…

          – Biến chứng mạn tính: Xơ vữa mạch vành, bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, xơ vữa mạch não, bệnh mạch máu ngoại vi, bệnh võng mạc, bệnh lý cầu thận, bệnh lý thần kinh, loét ổ gà, loét chân, bệnh mạch máu ngoại vi…

          * Phòng ngừa nhiễm toan ceton, hạ đường huyết ở người đái tháo đường có thể ngăn ngừa được, mọi người bệnh cần nắm những kiến thức cần thiết và sự chăm sóc của thầy thuốc:

– Biết cách tự theo dõi lượng glucose máu và ceton nước tiểu.

– Đến ngay cơ sở y tế khi có mắc thêm một bệnh khác, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như buồn nôn, sốt, đau bụng, ỉa chảy hoặc nồng độ glucose máu cao, ceton trong nước tiểu dai dẳng..v.v. Đây là những dấu hiệu báo trước khả năng nhiễm toan ceton.

– Không bao giờ được tự ý giảm liều tiêm insulin, hoặc tự ý bỏ thuốc ngay cả khi mắc một bệnh khác.

– Xử trí khi có biểu hiện hạ đường huyết: Nguyên nhân có thể do người bệnh thực hiện chế độ ăn quá khắt khe, dùng thuốc quá liều hoặc luyện tập quá mức. Khi có các biểu hiện cồn cào, vã mồ hôi, hoa mắt… nên cho người bệnh uống nước đường, ăn bánh, kẹo (cần mang theo đường, bánh, kẹo hoặc các đồ ngọt khác để phòng cơn hạ đường huyết) sau đó đi kiểm tra lại tại các cơ sở y tế.

          * Phòng ngừa biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường:

– Bệnh nhân bị đái tháo đường thường có tăng huyết áp, là yếu tố nguy cơ chính của bệnh mạch vành, đột quỵ và biến chứng mạch máu nhỏ. Vì vậy, cần đo huyết áp định kỳ ở mỗi lần thăm khám (Nếu huyết áp tâm thu ≥ 130mmHg hay huyết áp tâm trương ≥80 mmHg cần phải kiểm tra lại huyết áp vào ngày khác). Chẩn đoán tăng huyết áp khi kiểm tra lại có huyết áp tâm thu ≥140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥90 mmHg. Người có huyết áp tâm thu từ 130-139 mmHg và/hoặc tâm trương 80-89 mmHg cần điều trị bằng cách thay đổi lối sống trong thời gian tối đa là 3 tháng. Sau đó nếu vẫn chưa đạt được mục tiêu huyết áp, cần điều trị bằng thuốc hạ huyết áp. Bệnh nhân có tăng huyết áp nặng hơn (HA tâm thu ≥140 và/hoặc HA tâm trương ≥90 mmHg) vào thời điểm chẩn đoán hay khi theo dõi cần điều trị bằng với thuốc hạ huyết áp kết hợp với thay đổi lối sống (bao gồm giảm cân nếu có thừa cân; chế độ ăn dành cho người tăng huyết áp, bao gồm giảm muối và tăng lượng kali ăn vào; hạn chế uống rượu và tăng hoạt động thể lực).

– Rối loạn lipid máu: Đo chỉ số lipid máu (xét nghiệm lipid máu ít nhất hàng năm); thay đổi lối sống (để điều chỉnh rối loạn lipid máu, thay đổi lối sống tập trung vào giảm lượng mỡ ăn vào, tăng chất xơ, hoạt động thể lực ở mức độ hợp lý…) và điều trị bằng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.

– Bệnh thận do đái tháo đường: Ít nhất mỗi năm một lần, đánh giá albumin niệu và mức lọc cầu thận ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 và có tăng huyết áp phối hợp.

– Bệnh võng mạc do ĐTĐ: Bệnh nhân ĐTĐ típ 2 cần được khám mắt toàn diện, đo thị lực tại thời điểm được chẩn đoán bệnh ĐTĐ.

– Bệnh thần kinh do ĐTĐ: Bệnh nhân cần được đánh giá về bệnh thần kinh ngoại biên tại thời điểm bắt đầu được chẩn đoán ĐTĐ típ 2, và 5 năm sau khi chẩn đoán bệnh tiểu đường típ 1, sau đó ít nhất mỗi năm một lần.

– Khám bàn chân: Bệnh nhân ĐTĐ phải được kiểm tra bàn chân vào mỗi lần khám bệnh. Đánh giá bàn chân ít nhất mỗi năm một lần để xác định các yếu tố nguy cơ của loét và cắt cụt chi. Nguyên nhân biến chứng bàn chân do tổn thương mạch máu và thần kinh tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Biểu hiện là da bàn chân khô, bong, nứt nẻ, mất cảm giác, móng chân dày, bờ, nặng hơn là loét bàn chân, hoại tử ngón chân… Do đó, người bệnh không nên chườm nóng hoặc ngâm chân vào nước nóng >30oC sẽ gây phồng rộp bàn chân; không cắt móng chân sát da, không dứt, không giật các xước măng rô ở phần da thừa, không chọc vỡ các nốt phỏng rộp, không đi giày cao gót, giày, dép chật hoặc đi chân đất.

          * Thay đổi lối sống

– Để tránh thừa cân, béo phì, mỡ máu cao, ngoài chế độ dùng thuốc, người bệnh nên chú ý việc duy trì chế độ tập luyện thể dục thể thao, vận động nhẹ nhàng, như: Đạp xe, đi bộ, cầu lông, bóng chuyền hơi, thể dục theo nhóm, làm việc nhà, làm vườn… ít nhất 1 tiếng/ngày. Hoạt động thể lực ở các mức độ phù hợp:

+ Mức độ vừa: Làm tăng nhịp tim so với bình thường, thực hiện ít nhất 30 phút/ ngày x 5 ngày/ tuần)

+ Mức độ nặng: Làm tăng nhịp tim và nhịp thở, thực hiện ít nhất 75 phút/ tuần.

+ Hạn chế hoạt động tĩnh tại hoặc thói quên tĩnh tại. Nếu do công việc phải ngồi, thì cứ sau 1 giờ nên giải lao 5 phút.

– Người bệnh ĐTĐ không những phải tuân thủ chế độ dùng thuốc của thầy thuốc, luyện tập thể lực mà còn chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Tùy từng bệnh nhân, tình trạng bệnh, loại hình hoạt động, các bệnh lý, biến chứng đi kèm để thiết lập chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên, khuyến cáo về nguyên tắc chung chế độ dinh dưỡng cho mọi bệnh nhân:

+ Bệnh nhân béo phì, thừa cân cần giảm cân, ít nhất 3-7% so với cân nặng nền.

+ Nên dùng các loại carbohydrat hấp thu chậm có nhiều chất xơ, không chà xát kỹ như gạo lứt, bánh mì đen…

+ Chất đạm khoảng 1-1,5 gam/kg cân nặng/ngày ở người không suy chức năng thận. Nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần. Người ăn chay thường xuyên có thể bổ sung nguồn đạm từ các loại đậu (đậu phụ, đậu đen, đậu đỏ).

– Nên chú trọng dùng các loại mỡ có chứa acid béo không no như dầu ô liu, dầu mè, dầu lạc, mỡ cá. Cần tránh các loại mỡ dư thừa từ bữa trước và tránh  rán, chiên ngập dầu mỡ.

– Giảm muối trong bữa ăn, mỗi người chỉ nên ăn dưới 5 gam muối một ngày, trẻ em cần ăn ít hơn nữa.

– Chất xơ ít nhất 15 gam mỗi ngày.

– Các yếu tố vi lượng: Bổ sung các yếu tố vi lượng nếu thiếu như sắt ở bệnh nhân ăn chay thường xuyên…

– Uống rượu/bia điều độ: Một lon bia (330 ml)/ngày, rượu vang đỏ khoảng 150-200ml/ngày.

– Ngưng hút thuốc lá, thuốc lào…

          Phòng bệnh ĐTĐ bao gồm phòng để không bị bệnh; khi có nguy cơ mắc bệnh, để không tiến triển thành bệnh và loại trừ các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Khi đã mắc bệnh, phòng để bệnh không tiến triển nhanh và giảm thiểu tối đa các biến chứng của bệnh nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

 

BSCKI. Nguyễn Trung Kiên

Phó Khoa PCBKLN&DD

Bài viết liên quan

20 trường hợp mắc bệnh nền khi nhiễm SARS-CoV-2 sẽ dễ có nguy cơ cao

Ngọc Nga

CDC Hà Nam tiếp tục thông tin về xét nghiệm 02 trường hợp nghi nhiễm SARS-COV-2 trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Ngọc Nga

Tập huấn kỹ năng Đảm bảo an ninh an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm

CDC Hà Nam

Để lại bình luận