Sữa học đường – cải thiện tầm vóc và phát tiển trí tuệ thế hệ tương lai

(CDC Hà Nam)

         Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước, những năm qua tỉnh Hà Nam đã đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ thông qua nhiều quyết sách quan trọng. Sự quan tâm đó được thể hiện rõ hơn qua Chương trình Sữa học đường (SHĐ), đây là Chương trình nằm trong Đề án lớn của Chính phủ về nâng cao thể lực, tầm vóc và trí tuệ của người Việt Nam đến năm 2030. PV Kiểm soát Bệnh tật Hà Nam đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ Nguyễn Thanh Dương – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, thủ trưởng cơ quan thường trực về Chương trình SHĐ tỉnh Hà Nam xung quanh nội dung này!       

          PV: Xin ông cho biết, Chương tình SHĐ tại Hà Nam đã được triển khai như thế nào?

Thạc sỹ Nguyễn Thanh Dương: Thực hiện Quyết định số 1430/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình SHĐ cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, với sự tham mưu tích cực của Ngành Y tế và Ngành Giáo dục, Chương trình Sữa học đường được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt triển khai thí điểm từ tháng 3/2017, mỗi huyện/thành phố lựa chọn 5 trường mầm non để thực hiện nhằm rút kinh nghiệm trước khi triển khai nhân rộng đến các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Sau khi tổng kết Chương trình thí điểm SHĐ tại 30 trường mầm non, rút kinh nghiệm từ thực tế, Ban chỉ đạo chương trình SHĐ của tỉnh năm 2017 đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2459/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt Đề án “Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018-2020”.

PV: Năm đầu triển khai Chương trình này, ông gặp khó khăn gì?

Thạc sỹ Nguyễn Thanh Dương: Năm đầu tiên triển khai, chúng tôi cũng gặp những khó khăn nhất định, như: Là hoạt động cần sự phối hợp liên ngành nên cần có sự chỉ đạo sâu sát của các ngành và sự tích cực của đội ngũ cán bộ chuyên môn. Thực hiện kế hoạch thí điểm theo năm tài chính nhưng lại là hai năm học của trẻ nên gặp khó khăn trong việc nắm bắt số lượng trẻ và điều tiết các hoạt động. Nơi bảo quản sữa tại các trường có nhiều khó khăn, các bậc cha mẹ chưa hiểu hết ý nghĩa của Chương trình và tầm quan trọng trong việc uống sữa và bổ sung dinh dưỡng cho trẻ. Một số gia đình còn lo lắng với chủng loại và chất lượng sữa, thậm chí còn sợ con thừa chất dinh dưỡng…

  Tuy nhiên, sau khi vận động, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua họp phụ huynh, sự tích cực của hệ thống Y tế, Giáo dục và chất lượng của sữa học đường những thắc mắc của các bậc phụ huynh đã từng bước được giải đáp thỏa đáng và nhận được sự đồng thuận cao từ nhà trường và các bậc phụ huynh.

PV: Vậy kết quả bước đầu ra sao, thưa ông?

Thạc sỹ Nguyễn Thanh Dương: Tỷ lệ tham gia uống sữa của trẻ tại 30 trường đạt 102% so với chỉ tiêu ban đầu. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo. Có sự tham gia chỉ đạo sâu sát của các cấp chính quyền, sự phối hợp chỉ đạo triển khai rất tốt giữa hai ngành Y tế và Giáo dục, sự tích cực, chủ động và hỗ trợ cần thiết của đơn vị cung ứng sữa. Và quan trọng nhất là sự đồng thuận rất cao của nhân dân, cha mẹ học sinh tại các xã có trường tham gia thí điểm.

PV: Chương trình này có là bắt buộc? Trong trường hợp không muốn sử dụng có được không, thưa ông?

Thạc sỹ Nguyễn Thanh Dương: Chương trình này hoàn toàn tự nguyện. Các bậc phụ huynh có con học tại các trường triển khai Chương trình có quyền tham gia, đồng thời không tham gia nếu không muốn.

PV: Vậy ở Năm học 2018-2019, Chương trình SHĐ đã được triển khai tổ chức thế nào?

Thạc sỹ Nguyễn Thanh Dương: Năm học này, Chương trình đã tiếp tục triển khai mở rộng thêm 30 trường mầm non và 32 trường tiểu học, nâng tổng số trường tham gia lên 92 trường.

Ngay từ những tháng trước khi khai giảng năm học, chúng tôi đã khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo, hoàn thiện các quy trình đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà thầu cung ứng sữa; phối hợp với Ngành giáo dục chuẩn bị các điều kiện tại các trường tham gia đề án. Bên cạnh đó, đã tổ chức tập huấn triển khai Chương trình Sữa học đường cho giáo viên các trường tham gia đề án. Nội dung tập huấn, như: Vai trò, nhu cầu các chất dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng trong việc cải thiện thể chất cho trẻ, công nghệ sản xuất và chế biến sữa; các bước triển khai Chương trình, một số lưu ý trong quá trình triển khai, công tác giáo dục sức khỏe trong trường học, vệ sinh trường mầm non, vệ sinh phổ thông. Giải đáp các thắc mắc tất cả những ý kiến các học viên còn lo lắng, băn khoăn. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo mà các cháu đã được uống sữa ngay từ những ngày đầu của năm học mới.

PV: Thời gian vừa qua, có địa phương đã từng xảy ra ngộ độc tập thể từ sản phẩm sữa của Chương trình SHĐ, qua đó, nhiều bậc phụ huynh không an tâm về chất lượng và cho rằng thời hạn sử dụng của sữa không còn dài, đồng thời sữa trong Chương trình lại có mẫu mã khác, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Thạc sỹ Nguyễn Thanh Dương: Đây là sữa học đường, không phải sữa lưu thông trên thị trường, vì vậy trong các văn bản mời thầu chúng tôi yêu cầu các nhà cung cấp có sản phẩm riêng cho chương trình này. Về chất lượng, tôi xin chia sẻ một số điểm đặc biệt của sữa trong Chương trình như:

Thứ nhất, sữa trong Chương trình là sữa được Công ty sản xuất theo hợp đồng của Đề án. Công ty sữa sản xuất theo kế hoạch đặt hàng đã được gửi theo năm học và kế hoạch tiêu thụ cụ thể từng tháng. Mỗi sản phẩm sữa đều có thời hạn sử dụng 6 tháng, nhà sản xuất sẽ tiến hành các bước pha chế, thử nghiệm, lưu kho theo dõi theo đúng quy trình, khi giao nhận đều được kiểm tra giữa các bên nên không thể có sữa không còn hạn sử dụng được cấp phát.

Thứ hai, đây là mặt hàng được Chương trình trợ giá, sản phẩm chỉ được cung cấp cho Chương trình, không thể lẫn với các loại sữa khác lưu thông trên thị trường, do đó sản phẩm không in mã vạch, đơn vị cung ứng chịu toàn bộ trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.

Thứ ba, sữa được sản xuất có hàm lượng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng cần thiết và phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của lứa tuổi mầm non, tiểu học. Đặc biệt, sắp tới khi Bộ Y tế ban hành quy chuẩn về tiêu chuẩn sữa trong Chương trình Sữa học đường thì đơn vị cung ứng sẽ thực hiện bổ sung, điều chỉnh chất lượng sữa theo đúng tiêu chuẩn này.

Đơn vị cung ứng là Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk, đây là nhà sản xuất sữa có uy tín trên thị trường, họ cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm sữa cung ứng cho Chương trình. Trong trường hợp không may xảy ra, nhà sản xuất cũng đã mua bảo hiểm tới từng hộp sữa, do vậy các bậc phụ huynh cũng tuyệt đối yên tâm về chất lượng sản phẩm.

PV: Vậy trong thời gian tới, Chương trình này sẽ tiếp tục được triển khai thế nào, thưa ông?

Thạc sỹ Nguyễn Thanh Dương: Theo Đề án, năm 2019 sẽ triển khai ở 152 trường, trong đó có 90 trường mầm non và 62 trường tiểu học. Đến năm 2020, Chương trình sẽ tiếp tục nhân rộng lên 208 trường, trong đó có 116 trường mầm non (đạt 100%) và 92 trường tiểu học (đạt 75,0%) trên địa bàn tỉnh.

PV: Xin cám ơn ông đã tham gia trò chuyện!

Thanh Hội (thực hiện)

Bài viết liên quan

Hội nghị giới thiệu Dự án Hành trình đầu đời giai đoạn 03, năm 2022-2023

CDC Hà Nam

Người ăn chay trường thiếu vi chất dinh dưỡng

CDC Hà Nam

Hà Nam: 78 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2

Ngọc Nga

Để lại bình luận