Tiêm vắc xin – biện pháp phòng bệnh hiệu quả

(CDC Hà Nam)

                                                                                                                                                         

Tiêm vắc-xin phòng bệnh có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa một số bệnh truyền nhiễm đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và các đối tượng có nguy cơ cao. Việc tiêm vắc xin không chỉ phòng bệnh cho chính bản thân mỗi người mà còn tạo miễn dịch phòng bệnh cho cả cộng đồng, giúp cho cộng đồng tránh được các dịch, bệnh truyền nhiễm có vắc xin dự phòng.

Trong những năm qua, chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã được triển khai ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế cũng như sự đảm bảo chuyên môn của các đơn vị triển khai và sự tham gia của người dân trong tỉnh nên công tác tiêm chủng đảm bảo an toàn, tỷ lệ tiêm chủng luôn đạt kết quả cao đã góp phần quan trọng trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Năm 2017 toàn tỉnh có 15.402/15.529 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin trong chương trình TCMR, đạt 99,2% kế hoạch. Nhiều năm liền, Hà Nam đã bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, không ghi nhận các ca bệnh bạch hầu, một số bệnh truyền nhiễm có số mắc giảm đến hàng chục lần.

Thực tế cho thấy, trước đây, khi chưa có vắc xin tiêm chủng, đã có rất nhiều trẻ em tử vong vì những căn bệnh truyền nhiễm, như: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm não Nhật Bản… Từ khi khoa học tìm ra được vắc xin phòng bệnh, trẻ em hoàn toàn có thể được bảo vệ nhờ vắc xin. Do đó, nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm chủng không đầy đủ hoặc không đúng lịch sẽ có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, dẫn đến tàn tật và tử vong, thậm chí gây bùng phát dịch lớn trong cộng đồng. Chẳng hạn như biến chứng của bệnh sởi: Viêm phổi nặng, viêm não, viêm tai giữa, mờ hoặc loét giác mạc, suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em; bệnh uốn ván gây tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời,… Tuy nhiên, để công tác tiêm chủng đạt hiệu quả, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tham mưu với Sở Y tế, Ủy ban Nhân dân tỉnh những biện pháp tích cực, chủ động, phù hợp, khả thi để triển khai thực hiện chương trình TCMR đạt hiệu quả cao. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện báo, đài; tích cực vận động cộng đồng đưa con trẻ đi tiêm chủng luôn được thực hiện đều đặn. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng luôn cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn tại Trung ương để nâng cao kiến thức, kỹ năng làm công tác tiêm chủng.

Nhờ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm chủng cũng như thực hiện TCMR cho trẻ nên nhiều gia đình đã thấy rõ lợi ích và đã tích cực đưa trẻ đi tiêm phòng. Bởi vì, chi phí cho việc đưa trẻ đi tiêm vắc xin rẻ hơn rất nhiều so với chi phí để chữa bệnh. Chị Nguyễn Thị Nga, ở phường Minh Khai (TP. Phủ Lý), tâm sự: “Qua thông tin đại chúng cũng như được cán bộ y tế tuyên truyền tôi đã biết được lợi ích của việc tiêm chủng cho trẻ. Vì vậy, 2 cháu nhà tôi đều được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch nên các cháu phát triển khoẻ mạnh”.

Tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế xã Kim Bình (thành phố Phủ Lý)

Có thể thấy, tiêm vắc xin là việc làm cần thiết để phòng bệnh, đặc biệt là đối với trẻ em từ những ngày đầu đời. Nó giống như một chiếc áo giáp bảo vệ trẻ khỏi những mầm bệnh nguy hiểm bên ngoài. Thực tế, tiêm vắc xin không chỉ để bảo vệ sức khỏe của riêng trẻ mà còn mang lại rất nhiều lợi ích cho gia đình và cộng đồng, như: giúp trẻ có cơ hội sống khỏe mạnh nhờ được tiêm phòng; tiết kiệm chi phí và thời gian; bảo vệ những người thân yêu bên cạnh… Trước kia, số mũi tiêm gần như tương đương với số bệnh cần phòng ngừa, khiến việc tiêm phòng gặp nhiều khó khăn cho trẻ và phụ huynh, nhưng hiện nay đã có vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh trong 1 mũi. Đây là loại vắc xin được đưa vào chương trình TCMR, chỉ một mũi tiêm có thể phòng được nhiều bệnh giúp số lần tiêm ít hơn, giúp trẻ ít đau hơn, ít tác dụng phụ hơn. Đồng thời, lịch tiêm chủng đơn giản giúp các bậc phụ huynh dễ nhớ và ít tốn thời gian hơn cho việc đưa trẻ đi tiêm chủng. Chị Nguyễn Thị Phương Thanh, phường Trần Hưng Đạo (TP Phủ Lý), chia sẻ: Thời điểm tôi sinh cháu lớn chưa có vắc xin 5 trong 1, mỗi lần đi tiêm về cháu quấy khóc vất vả lắm, khi sinh cháu thứ hai thì bắt đầu triển khai tiêm loại vắc xin này. Tôi thấy rất vui vì chỉ một mũi tiêm con mình phòng được nhiều bệnh.

Có thể thấy, các bệnh truyền nhiễm, bệnh hiểm nghèo thường gây ra rất nhiều ảnh hưởng cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Trong đó, trẻ em được xem là đối tượng bị tác động nhiều nhất, do cơ thể còn yếu, khả năng đề kháng chưa hoàn thiện, chưa phát triển ổn định, vì thế dễ bị tác nhân lạ xâm nhập. Tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cần thiết và đúng thời điểm không chỉ giúp cơ thể tạo ra sức đề kháng ngăn ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm, việc này còn khiến người bệnh phòng tránh được nguy cơ suy dinh dưỡng, tàn tật và tử vong. Theo ThS Trần Đắc Tiến – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Hà Nam hiện có

116/116 xã/ phường/ thị trấn có điểm tiêm chủng cố định tại Trạm Y tế. Tỷ lệ miễn dịch đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi hàng năm đều đạt trên 95% quy mô xã/phường/thị trấn. Để giữ vững thành tích và góp phần tăng tỷ lệ TCMR trên địa bàn ngày một tốt hơn, thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo cơ quan chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt việc quản lý đối tượng trên hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác tiêm chủng từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường giám sát hỗ trợ tiêm chủng tại các điểm trên địa bàn, đảm bảo thực hiện an toàn trong tiêm chủng.

Như vậy, việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch không chỉ có tác dụng phòng bệnh đối với trẻ, mà còn là quyền và trách nhiệm của các bậc cha mẹ, góp phần vào việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con em mình cũng như khẳng định tính ưu việt của công tác TCMR trong phòng bệnh cho trẻ em. Vì sức khỏe của trẻ em, các bà mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch tại các cơ sở y tế.

Phan Hạnh      

 

Bài viết liên quan

Hà Nam: Thông báo 23 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

Ngọc Nga

Cách ứng phó với đau cơ

CDC Hà Nam

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Hà Nam đang ở chu kỳ thứ 2 của dịch bệnh, phải khoanh vùng dập dịch thật nhanh

Ngọc Nga

Để lại bình luận