Bảo vệ sức khỏe từ lựa chọn thức ăn

(CDC Hà Nam)

Có mối liên quan chặt chẽ giữa dinh dưỡng với sức khỏe và bệnh tật. Chế độ ăn có ảnh hưởng lớn trong việc duy trì sức khỏe, cải thiện năng lực và trí tuệ…

Những năm gần đây, khoa học dinh dưỡng phát triển đã xác nhận có mối liên quan chặt chẽ giữa dinh dưỡng với sức khỏe và bệnh tật. Chế độ ăn có ảnh hưởng lớn trong việc duy trì sức khỏe, cải thiện năng lực và trí tuệ…

Vi chất – hàm lượng nhỏ vai trò lớn

Cả đời người chúng ta chỉ cần khoảng 1 muỗng cà phê iod, 3 muỗng cà phê vitamin A nhưng sự thiếu hụt nó đang gây nên cho thế giới những tổn thất to lớn: hàng triệu người thiếu iod bị bướu cổ, chậm phát triển thể chất và trí tuệ, hàng triệu trẻ em và bà mẹ thiếu vitamin A đã bị mù mắt và tử vong, hàng triệu phụ nữ trong giai đoạn sinh sản bị thiếu máu do thiếu sắt…

 

bao-ve-suc-khoe-tu-lua-chon-thuc-an-1

Có khoảng 40 vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe con người. Nếu chúng ta không quan tâm đến chúng trong khẩu phần ăn hàng ngày thì rất dễ có nguy cơ bị thiếu hụt bởi lẽ sự thiếu hụt này xảy ra từ từ, đến khi các triệu chứng nặng xuất hiện chúng ta mới nhận ra rằng mình thiếu vi chất dinh dưỡng. Việc bổ sung vi chất có tính toàn cầu như bổ sung iod, sắt, vitamin A vào thực phẩm đã có tác dụng phòng được các bệnh bướu cổ, thiếu máu thiếu sắt, nguy cơ mù lòa do thiếu vitamin A. Thức ăn được bổ sung vitamin, khoáng chất nhiều là bột mì, gạo, muối, bột trẻ em, sữa, nước uống, gia vị, đường.

Yếu tố quan trọng cấu thành bữa ăn hợp lý

Có nhiều yếu tố cấu thành “bữa ăn hợp lý”. Một trong những chất ít được quan tâm nhất nhưng lại đóng vai trò khá quan trọng là chất xơ thực phẩm. Chất xơ thực phẩm được định nghĩa là những phần ăn được của thực vật hoặc chất tương tự carbohydrate, không tiêu hóa và hấp thu được trong ruột non người, nhưng bị lên men một phần hoặc hoàn toàn trong ruột già.

Trong thực phẩm chất xơ có hai loại, loại hòa tan trong nước và loại không hòa tan. Chúng có nhiều trong rau, quả, đậu, vỏ hạt ngũ cốc. Khi ăn chất xơ từ các nguồn này đồng thời còn giúp cung cấp cho cơ thể nhiều dưỡng chất thiết yếu khác như: các vitamin, khoáng chất; các chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe của con người. Tuy vậy, ngày nay các chất xơ thực phẩm tinh chế cũng đang rất phổ biến. Một trong những chất xơ tinh chế đang được sử dụng ngày càng rộng rãi hiện nay là oligofructose, một chất xơ tan có tác dụng giúp bảo vệ đường tiêu hóa và tăng cường hấp thụ khoáng chất, được bổ sung nhiều trong các loại sữa bột.

Những chất xơ thực phẩm có tính nhớt cản trở sự hấp thu acid mật ở hồi tràng, kết quả cholesterol “xấu” (LDL) được lấy từ máu về gan để tổng hợp bù lượng acid mật mất theo phân. Hiệu ứng này làm giảm lượng cholesterol “xấu” trong máu, có lợi cho việc phòng ngừa và điều trị bệnh tim mạch. Thực phẩm có lượng chất xơ thích hợp thường có thể tích lớn hơn so với thực phẩm cùng mức năng lượng nhưng nghèo xơ thực phẩm. Khối thực phẩm lớn hơn cần thời gian ăn lâu hơn. Đồng thời, người ta có thể ăn no với lượng calorie ít hơn, no lâu hơn. Tất cả các điều này sẽ giúp điều trị hiệu quả bệnh béo phì, chứng triglyceride máu cao (cũng liên quan đến bệnh tim mạch). Khi vào đường tiêu hóa, chất xơ thực phẩm hút nước làm phân mềm xốp, giúp nhuận tràng, phòng chống táo bón.

Một số nghiên cứu còn cho thấy chất xơ giúp phòng bệnh loét tá tràng và ung thư vùng tâm vị dạ dày.Các tác dụng có lợi như trên của chất xơ thực phẩm chỉ có được khi ta ăn chúng một lượng hợp lý, mà theo Viện Dinh dưỡng là khoảng 300g rau/ngày, quả chín ăn theo khả năng, đồng thời phải uống đủ nước (tương đương 1,5 – 2l/ngày)

Acid béo thiết yếu và vi sinh vật có lợi cho đường ruột

Trong đường ruột của cơ thể có trên 400 chủng vi khuẩn sinh sống, tạo ra một hệ vi khuẩn ruột. Hệ vi khuẩn ruột có thể chia thành hai nhóm: nhóm vi khuẩn có lợi, làm tăng cường sức khỏe và nhóm vi khuẩn có thể gây bệnh.

Bình thường, nhóm vi khuẩn có lợi chiếm ưu thế, chiếm đa số, có từ 106 – 1.010 vi khuẩn /gam phân, còn nhóm vi khuẩn gây bệnh là nhóm thiểu số, chỉ có dưới 106 vi khuẩn /gam phân. Một khi nhóm vi khuẩn gây bệnh chiếm ưu thế hơn nhóm vi khuẩn có lợi thì sẽ gây bệnh cho cơ thể. Vi khuẩn có lợi chính ở hệ vi khuẩn ruột là lactobacilli và bifidobacteria. Các vi khuẩn có lợi cho sức khỏe có chức năng cạnh tranh không cho vi khuẩn gây bệnh định cư ở đường ruột, kích thích miễn dịch chống nhiễm trùng, giúp tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, tổng hợp một số vitamin nhóm B và vitamin K. Sữa chua là một đồ ăn có chứa lactobacillus.

DHA (Docosaheaenoic Acid) và ARA (Arachidonic Acid) là những thành phần acid béo thiết yếu, có nhiều trong dầu thực vật, dầu cá, dầu đậu nành là thành phần quan trọng của màng tế bào, thành phần quan trọng của não và võng mạc, rất cần thiết cho sự phát triển tinh thần, trí tuệ và thị lực cho trẻ em.

Việc bảo đảm sức khỏe không chỉ có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học mà còn phải kết hợp tập luyện thân thể hằng ngày và một tinh thần thoải mái.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

Bài viết liên quan

Hà Nam: 27 mẫu xét nghiệm ngày 12/07/2020 đều có kết quả âm tính với SARS-COV-2

Mậu Ngọ

Trẻ thấp còi, cha mẹ có nên tự ý bổ sung hormone tăng trưởng?

Ngọc Nga

Phát động toàn dân nhắn tin ủng hộ phòng, chống COVID-19

Ngọc Nga

Để lại bình luận