Chăm sóc trẻ bị ho hậu COVID -19

(CDC Hà Nam)

Phần lớn trẻ em sau nhiễm COVID-19 có triệu chứng nhẹ, điều trị ngoại trú và các triệu chứng sẽ khỏi sau 2-8 tuần. Tuy nhiên sau khi khỏi bệnh vẫn có một số trẻ có hội chứng hậu COVID-19 cấp tính. Trẻ bị ho thường khó chịu, cổ họng có nhiều đờm nhớt nên rất dễ nôn trớ. Vì vậy, cha mẹ nên chú ý áp dụng một số cách sau giúp hạn chế nôn trớ, đảm bảo cung cấp đủ lượng và chất dinh dưỡng cho trẻ.

 Hậu COVID-19, trẻ thường có triệu chứng hô hấp

Hội chứng sau nhiễm COVID-19 cấp tính khi các triệu chứng xuất hiện sau ≥ 04 tuần khi trẻ đã khỏi bệnh và không giải thích được bởi bất kỳ chẩn đoán nào khác. Trong đó, triệu chứng hô hấp như ho, khó thở là thường gặp nhất. Trong khi cơ thể đang trên đà phục hồi sau mắc COVID-19, người bệnh có thể vẫn bị ho khan dai dẳng hoặc ho có đờm.

Cách chăm sóc khi trẻ bị ho

Hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ em đa phần liên quan đến đường hô hấp, như ho nhiều, ho kéo dài, hụt hơi, khó thở. Theo các chuyên gia hô hấp, ho là một phản xạ tự nhiên bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể đào thải chất nhầy, chất bẩn, tác nhân lạ như virus, vi khuẩn… xâm nhập vào vùng cổ họng gây viêm nhiễm đường hô hấp nên khi trẻ bị ho, cha mẹ không nên quá lo lắng mà cần theo dõi và chăm sóc như sau:

 Cho trẻ uống nhiều nước ấm sẽ giúp đờm loãng ra, trẻ dễ chịu hơn, có thể giúp giảm ho. Ngoài nước lọc ấm có thể cho trẻ uống các loại nước khác như: Nước táo, nước chanh ấm cũng có hiệu quả. Mật ong cũng có tác dụng làm giảm ho, có thể pha với nước ấm hay nước trái cây (tùy vào sở thích của trẻ). Mỗi lần 2.5 – 5ml, uống ngày 2 lần vào buổi sáng và tối. Không cho trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong.

Cần chú ý vệ sinh mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý để thông thoáng đường thở, giảm các triệu chứng ho, khò khè, nghẹt mũi…

 Tắm rửa thường xuyên cho trẻ bằng nước ấm để làm sạch mồ hôi, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, ngủ ngon và nhanh khỏi bệnh hơn.

 Vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ của trẻ sạch sẽ, thông thoáng. Không hút thuốc lá, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ. Khói thuốc lá, bụi bặm, virus, vi khuẩn… bám trên các vật dụng hàng ngày có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị ho và ho lâu khỏi.

 Không tự ý dùng thuốc giảm ho cho trẻ khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ. Trong trường hợp trẻ có biểu hiện ho kéo dài, ho ngày càng tăng, mệt mỏi, nôn trớ, ho có đờm nhiều, khó thở… cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị đúng cách.

Chế độ ăn uống cho trẻ bị ho hậu COVID-19

Đối với trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe sau nhiễm COVID-19 thường rất khó chịu, mệt mỏi. Trẻ bị ho dễ nôn trớ, quấy khóc, ăn kém. Trẻ ăn ít dễ bị thiếu chất, suy dinh dưỡng làm cho khả năng hồi phục kém hơn. Hội chứng hậu COVID-19 có thể diễn ra từ vài tuần đến vài tháng khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu, ăn uống không ngon miệng.

Về chế độ dinh dưỡng, cơ bản trẻ vẫn cần duy trì ăn uống sinh hoạt bình thường. Đó là phải đầy đủ dưỡng chất, các nhóm thực phẩm, rau xanh, trái cây. Uống đủ nước các loại. Cha mẹ hướng dẫn con các bài tập hít thở tại nhà. Trẻ thường hay bị ho kéo dài nên các bậc cha mẹ nên chú trọng bữa ăn với các thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt như cháo, súp, các loại ngũ cốc, củ quả hầm.

Hồng Hạnh

Bài viết liên quan

‘Thần dược’ chà là chống ung thư, chữa liệt dương, viêm khớp

Ngọc Nga

Tế bào dạ dày có thể tiết insulin để trị tiểu đường

Ngọc Nga

Có thêm hơn 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong tháng Bảy

CDC Hà Nam