Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa xuân – hè

(CDC Hà Nam)

                                                                                            

Hiện nay, đang là thời điểm giao mùa xuân – hè, nền nhiệt độ trong ngày thay đổi liên tục, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển, trong đó có các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và lây truyền qua véc tơ như: Cúm các chủng, sởi,rubella, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản B, viêm não mô cầu… Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh với vai trò là cơ quan thường trực phòng, chống dịch của tỉnh đã chủ động tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các đơn vị liên quan, cũng như chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư hóa chất, triển khai các hoạt động phòng chống chủ động, do đó tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát và dự báo kịp thời.

Qua thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận 47 trường hợp mắc/nghi mắc sởi; 6 trường hợp mắc tay – chân – miệng; 31 trường hợp mắc thủy đậu; 495 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy;  3 trường hợp mắc sốt xuất huyết … Tất cả các trường hợp nhiễm bệnh đều được phát hiện, tư vấn và điều trị kịp thời, do đó không có bệnh nhân nặng, tử vong do bệnh dịch. Những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm dễ lây lan đều được điều tra, xử lý, cách ly nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây truyền dịch bệnh ra cộng đồng. Do đó, so với các địa phương trong nước, tình hình dịch bệnh tại Hà Nam đến thời điểm hiện tại được đánh giá tương đối ổn định.

Tiêm vacxin là biện pháp phòng chống dịch bệnh tốt nhất cho trẻ

Theo Thạc sỹ, bác sỹ Trần Đắc Tiến – Phó trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Trong thời điểm giao mùa xuân – hè như hiện nay, một số bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gia tăng và lây lan mạnh, rất dễ bùng phát dịch như sởi, cúm các chủng, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản B, Sốt xuất huyết, viêm não do não mô cầu, quai bị… Đặc biệt, thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 là thời điểm thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh, rất dễ gây thành dịch bệnh sốt xuất huyết.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, trong thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu với Sở Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh. Đề xuất với UBND tỉnh phương án tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Phun hóa chất phòng chống dịch bệnh

Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện/thành phố, các xã/phường/thị trấn tăng cường công tác điều tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các yếu tố nguy cơ, ca bệnh, ổ dịch, đặc biệt các bệnh dịch thường gặp trong thời điểm giao mùa xuân -hè. Phối hợp với các đơn vị y tế trực tiếp điều tra, lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, làm xét nghiệm chẩn đoán và thông báo sớm kết quả để các cơ sở y tế có hướng điều trị và phòng chống dịch có hiệu quả. Chỉ đạo các các đơn vị y tế tuyến huyện, xã tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh: giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống; thu gom, xử lý phế thải loại bỏ nơi sinh sản của muỗi; chủ động phun thuốc diệt muỗi định kỳ, nằm màn để chống muỗi đốt; chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh đối với các bệnh có vắc xin dự phòng như sởi, cúm, quai bị,… tổ chức tuyên truyền sâu rộng các biện pháp phòng chống dịch chủ động đến các khu dân cư, trường học, doanh nghiệp….trên địa bàn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Ngành chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo 3 cấp từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và tuyến xã.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng trong việc phân tích, dự báo xu hướng phát triển của bệnh dịch, trên cơ sở đó đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả. Tăng cường chế độ thông tin, báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm tại các tuyến; thực hiện tốt việc báo cáo và quản lý bệnh truyền nhiễm bằng phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm trực tuyến, phân công cán bộ bảo đảm thường trực phòng chống dịch 24/24 giờ; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thuốc, vật tư, hoá chất sẵn sàng đáp ứng nhanh khi có dịch xảy ra. Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tiếp tục duy trì nghiêm túc việc tiêm phòng cho trẻ, rà soát các trường hợp chưa được tiêm phòng đầy đủ, thông báo, đôn đốc gia đình cho trẻ đến tiêm, tiến hành tiêm bổ sung cho trẻ sớm nhất có thể. Đồng thời tuyên truyền để những bà mẹ đang có ý định mang thai chưa được tiêm phòng một số loại dịch bệnh như cúm các loại, sởi, quai bị, Rubella nên chủ động tiêm phòng trước khi mang thai 3 tháng và tiêm vắc xin phòng uốn  ván đủ 2 mũi trở lên trước khi sinh.

Cùng với các hoạt động kiểm tra, giám sát, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trên địa bàn cũng được đẩy mạnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp với Báo Hà Nam, Đài Phát Thanh – Truyền Hình tỉnh truyền thông các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người dân qua các phương tiện truyền thông đại chúng; đồng thời truyền thông gián tiếp qua tờ rơi, băng rôn, áp phích, tranh tuyên truyền; cùng với đó, hoạt động truyền thông trực tiếp của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và cộng tác viên y tế thôn bản tại từng hộ gia đình, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, hội họp thường kỳ của các ban ngành, đoàn thể, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… cũng được đẩy mạnh. Qua đó ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Chị Phạm Thị Thu, phường Hai Bà Trưng (thành phố Phủ Lý) chia sẻ: Tôi có con nhỏ, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết việc tiêm phòng giúp trẻ tránh được một số bệnh, vì vậy theo lịch được khuyến cáo tôi đều đưa con đến Trạm y tế phường để tiêm phòng các mũi đúng thời gian, vì vậy con tôi rất khỏe mạnh, ít khi bị ốm đau.

Theo Thạc sỹ, bác sỹ Trần Đắc Tiến, để chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của Ngành Y tế, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tại gia đình, như: Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sạch sẽ; không nên tụ tập ở những nơi đông người để tránh lây nhiễm bệnh và có chế độ nghỉ ngơi, làm việc hợp lý, tích cực luyện tập thể dục, thể thao, bổ sung thức ăn giàu vitamin để tăng sức đề kháng cho cơ thể; tích cực phối hợp với Ngành Y tế trong hoạt động tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch, triển khai các hoạt động chống dịch tại cộng đồng. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh dịch, người dân không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đến ngay các cơ sở y tế để khai báo, để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời./.

                                                                                                                                                        Mậu Ngọ

Bài viết liên quan

Những ai đến 31 địa điểm của Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh cần liên hệ cơ quan y tế

Ngọc Nga

Hơn 1.700 trường hợp đã được xét nghiệm với SARS-CoV-2 trong ngày 30/5

Mậu Ngọ

Nói chuyện bình thường có thể làm văng các giọt hô hấp quá 2 mét

Ngọc Nga

Để lại bình luận