Chuyên gia tư vấn cách phòng COVID-19 cho mẹ bầu hiệu quả

(CDC Hà Nam)

Bên cạnh những người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, người cao tuổi… thì các chị em phụ nữ mang thai cũng rất lo lắng bởi trong giai đoạn thai kỳ, sức khỏe và khả năng đề kháng của người mẹ giảm, trong khi chưa có vắc xin phòng hoặc thuốc điều trị COVID-19.

Hình dạng của virus SARS-CoV-2 (ảnh minh hoạ)

Bệnh COVID-19 có lây từ mẹ sang con?

Trên thế giới hiện ghi nhận 1 số trường hợp mắc bệnh COVID-19 khi đang mang thai. Cũng như các đối tượng khác, đa số phụ nữ mang thai mắc COVID-19 có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ hoặc trung bình (thể bệnh viêm đường hô hấp trên hoặc viêm phổi nhẹ). Một số rất ít mắc bệnh thể nặng. Đến nay, chỉ mới có một trường hợp được báo cáo là một phụ nữ mang thai 30 tuần nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nặng phải thở máy, đã được mổ lấy thai cấp cứu và hồi phục sức khỏe tốt.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết: “Mang thai là thời điểm mà cơ thể có rất nhiều thay đổi. Mẹ bầu sẽ dễ bị nhiễm bệnh nếu hệ miễn dịch suy yếu. 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ để em bé trưởng thành, nếu không may mẹ mắc bệnh, dù là bất kỳ bệnh lý nào thì cũng đều đưa đến những nguy cơ.

Đầu tiên là việc dùng thuốc. Bởi khó khăn lớn nhất của các bác sĩ là có rất nhiều thuốc chống chỉ định cho người phụ nữ mang thai vì nó tác động xấu tới em bé. Thứ 2 là bé có nguy cơ dị tật bẩm sinh, hoặc có thể sinh non, nhẹ cân, thiếu tháng, mang sẵn các bệnh mà mẹ truyền cho bé trong quá trình mang thai. Do đó, khi đã mang thai chị em phụ nữ cần đặc biệt quan tâm tới sức khỏe. Nhất là trong mùa dịch COVID-19 thì càng phải lưu tâm hơn nữa”.

Dinh dưỡng là chìa khóa quan trọng nhất

Thời kỳ trong bào thai, dinh dưỡng của trẻ phụ thuộc vào dinh dưỡng của mẹ. Nguồn dinh dưỡng từ mẹ sẽ theo máu qua nhau thai đến cung cấp cho con. Như vậy, dinh dưỡng đúng và đủ trong thời kỳ mang thai rất quan trọng, là “lá chắn” mang tên sức đề kháng giúp mẹ tránh mắc bệnh, đủ sức để sinh con, mau hồi phục sức khỏe sau sinh, có đủ sữa cho con bú.

Theo BS Ngọc Diệp, đối với những mẹ bầu có thai nhi tăng trưởng tốt, không có vấn đề về sức khỏe như tăng huyết áp, đường huyết bình thường, không thiếu vi khoáng, canxi, không bị vọp bẻ khi mang thai thì vẫn thực hành chế độ dinh dưỡng như trước giờ vẫn áp dụng.

“Điều quan trọng bắt buộc phải nhớ là cung cấp đầy đủ năng lượng. Vì nếu không đủ thì tất cả các tế bào, trong đó có bạch cầu – tế bào tạo ra kháng thể và các cơ quan sản xuất ra bạch cầu sẽ hoạt động kém hiệu quả. Đồng thời, các tế bào khác như hồng cầu cũng không tăng trưởng tốt. Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển của thai nhi.

Trong tháng đầu thai kỳ, các chị em ăn như lúc chưa mang thai, nhu cầu khuyến nghị là 2.200 kcal/ngày. Từ tháng thứ 2, thứ 3 thì cần tăng thêm khoảng 50 kcal/ngày so với bình thường. Nghĩa là, các chị em có thể uống thêm 1 ly sữa hoặc ăn thêm nửa bát cơm với một chút đồ ăn là có thể đạt được nhu cầu năng lượng.

Ở quý 2 của thai kỳ, các chị em cần ăn tăng thêm khoảng 250 kcal/ngày so với khi không mang thai. Từ quý 3 cần tăng nhiều hơn nữa, khoảng 450 kcal/ngày. Với những mẹ bầu bị ốm nghén thì nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày”.


Mẹ bầu nên ăn đa dạng thực phẩm (ảnh minh hoạ)

Bổ sung vi khoáng đúng cách: Nâng cao sức đề kháng, đẩy lùi dịch bệnh

BS Diệp nhấn mạnh yếu tố thứ 2 cần tuân thủ trong chế độ dinh dưỡng, đó là tăng thêm lượng chất đạm. Ngoài ra, mẹ bầu cũng đừng quên bổ sung thêm chất béo, nhất là Omega-3, vừa giúp xây dựng màng tế bào, hệ thống thần kinh của thai nhi, vừa cung cấp năng lượng, hấp thu các vitamin tan trong dầu, nâng cao hệ miễn dịch cho mẹ.

“Bên cạnh những yếu tố dinh dưỡng trên thì mẹ bầu cần ăn đủ chất bột đường, các loại vitamin như vitamin A, B, đặc biệt quan trọng là B1 và B9, vitamin C, vitamin D, E. Ngoài ra không thể thiếu được các chất khoáng, trong đó quan trọng nhất là sắt, kẽm, selen, i-ốt và canxi. Đây là những loại vitamin và chất khoáng sẽ giúp cho hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động một cách hoàn hảo” – BS Ngọc Diệp cho biết.

Tuy nhiên, BS Diệp cho rằng, để đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, khoáng chất thông qua thực phẩm gần như rất khó thực hành. Đó là lý do, khi đi khám thai gần như tất cả các bác sĩ sản khoa đều sẽ cho thuốc uống bổ sung. Những chỉ định này đều nằm trong khuôn khổ chung của Bộ Y tế.

“Khi mang thai nhu cầu dinh dưỡng tăng lên rất nhiều, tối thiểu là phải bổ sung sắt và acid folic. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Nhi đồng Liên hiệp quốc, sau khi tiến hành nghiên cứu can thiệp trên diện rộng đã đưa ra khuyến nghị việc bổ sung một tổ hợp các vitamin và khoáng chất sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn nhiều so với đơn chất.

Vì thế, để có chế độ dinh dưỡng đáp ứng được nhu cầu khuyến nghị và sự tăng trưởng của thai nhi và sức khỏe của mẹ, chị em phụ nữ cần áp dụng đủ cả 3 biện pháp. Đó là ăn uống đầy đủ, chọn lựa thực phẩm cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và cuối cùng là biết lựa chọn và sử dụng các thực phẩm bổ sung đúng cách” – BS Ngọc Diệp nhấn mạnh.

Mẹ bầu cần lưu ý gì trong mùa dịch COVID-19?

Dịch bệnh COVID-19 mặc dù đang diễn tiến phức tạp, nhưng các chuyên gia y tế đều cùng quan điểm, cần cẩn trọng nhưng không nên quá hoang mang, nếu tìm hiểu thông tin và thực hành đúng thì không sẽ không còn lo sợ nữa.

– Câu “thần chú” chống virus của cả thế giới chính là “rửa tay thường xuyên”: Mẹ bầu nên rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với các bề mặt có nguy cơ nhiễm khuẩn như nút bấm thang máy, tay nắm cửa ra vào công ty, điện thoại, bàn làm việc…

Hãy chắc chắn rửa tay đúng cách với dung dịch hoặc xà phòng dưới vòi nước trên 20 giây. Ngoài ra, cần bỏ thói quen đưa tay lên mắt, mũi, miệng vì tay có nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn.

– Hạn chế tối đa tiếp xúc nơi đông người, tụ tập trong không gian kín: Trong trường hợp phải đến những nơi đông người (khám thai, sử dụng phương tiện công cộng…), cần đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Tuyệt đối không sờ vào mặt trước khẩu trang.

– Giữ tinh thần lạc quan: Tin tức về COVID-19 tràn ngập khiến mẹ bầu lo lắng. Đáng ngại là trong thời gian mang thai, phụ nữ thường có những cảm xúc tiêu cực, có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi.

Do đó, mẹ bầu hãy tập thư giãn, chú tâm vào những điều tích cực thay vì các điều tiêu cực. Giấc ngủ đủ và sâu cũng rất quan trọng với bà bầu, giúp thai phụ khỏe mạnh, tăng sức đề kháng và miễn dịch. Đảm bảo ngủ mỗi ngày ít nhất 8 giờ, nên ngủ trưa 30 phút đến 1 giờ.

“Để giảm tình trạng lo lắng quá mức, mẹ bầu cũng chỉ nên xem thông tin trên các phương tiện đại chúng chính thống, đặc biệt là tin nhắn từ Bộ Y tế, chúng ta đọc và hướng dẫn thực hành theo. Thông tin trên các trang mạng xã hội thì cần phân biệt rõ mạng xã hội nào nên tin và không nên tin” – BS Diệp trấn an.

Cuối cùng, mẹ bầu không nên làm việc quá sức, giữ môi trường sống trong lành, thoáng đãng, tránh khói thuốc lá, bụi.

(Suckhoedoisong.vn)

 

 

 

Bài viết liên quan

Ăn gì để giảm đau bụng trong kỳ kinh nguyệt?

Ngọc Nga

Dinh dưỡng – yếu tố cần thiết đối với người nhiễm HIV

Ngọc Nga

Những điều cần biết về Vitamin A

Ngọc Nga

Để lại bình luận