Dấu hiệu nhận biết bệnh tâm thần trong mùa thi

(CDC Hà Nam)
Mùa thi cũng trùng với mùa hè, các yếu tố thời tiết không thuận lợi như nắng, nóng, độ ẩm cao, tia cực tím, hiệu ứng nhà kính, môi trường ô nhiễm…

cộng với việc ôn thi vô cùng căng thẳng khiến nhiều thí sinh phát ốm, một số cháu thậm chí còn bị rối loạn tâm thần. Vậy các dấu hiệu nào chỉ báo trẻ có thể mắc các rối loạn về tâm thần cha mẹ cần nhận biết và phát hiện kịp thời để phòng tránh những hệ lụy do rối loạn tâm thần ở thí sinh gây ra.

Để nhận biết các dấu hiệu tâm thần, chúng ta cần chú ý đến các triệu chứng sau:

Mất ngủ

Các cháu học sinh đang tuổi ăn, tuổi ngủ, không nói thì mọi người đều biết giấc ngủ quan trọng với các cháu như thế nào. Nhìn chung, các cháu cần được ngủ tối thiểu 8 giờ mỗi ngày. Giấc ngủ của các cháu nên được phân bố hợp lý giữa ngủ tối và ngủ trưa. Ngủ trưa 1-1,5 giờ là hợp lý, còn giấc ngủ tối sẽ vào khoảng 7 giờ. Độ dài của giấc ngủ như vậy đảm bảo cho các cháu được nghỉ ngơi, có sức để hôm sau học tiếp.

Cần nhớ rằng các bệnh tâm thần ở tuổi học sinh đều bắt đầu bằng hiện tượng mất ngủ. Với trầm cảm, bệnh nhân sẽ khó vào giấc ngủ, khó giữ giấc ngủ, dậy sớm, tổng thời lượng ngủ trong ngày dưới 4-5 giờ. Các cháu hay cáu gắt, than phiền mệt mỏi dù không làm gì, ăn ít, ăn mất ngon và sút cân. Ngoài ra, các cháu hay bi quan, chán nản, cho rằng mình kém cỏi, không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình.

Khi thấy con em mình bị mất ngủ, mệt mỏi, bi quan, chán ăn, hay cáu gắt… tốt nhất cha mẹ nên đưa các cháu đến khám bác sĩ tâm thần vì rất có thể cháu đã bị rối loạn trầm cảm.

Mệt mỏi vô cớ là một biểu hiện của rối loạn tâm thần trong mùa thi.

Mệt mỏi vô cớ là một biểu hiện của rối loạn tâm thần trong mùa thi.

Lo lắng quá mức

Mùa thi khiến các cháu đối diện với nhiều nhiệm vụ nặng nề. Chính áp lực học hành khiến các cháu lo lắng. Điều này có mặt tích cực vì là động lực để các cháu học tập. Tuy nhiên, nếu thấy con em mình tỏ ra lo lắng quá mức, bồn chồn, đứng ngồi không yên thì bố mẹ phải quan tâm cho thấu đáo. Các cháu luôn than phiền đau đầu, đánh trống ngực, hoa mắt, chóng mặt, ra nhiều mồ hôi, căng cứng cơ, chóng mỏi, khó chú ý và khó vào giấc ngủ. Các triệu chứng này là biểu hiện của lo âu lan tỏa. Rối loạn này khiến các cháu luôn trong tâm trạng bất an, đầy bụng, khô miệng, khó nuốt, sợ học, sợ thi không đỗ, sợ đến trường, đến lớp…

Khi thấy con em mình có những triệu chứng nói trên, các bậc cha mẹ nên đưa các cháu đến khám bác sĩ tâm thần vì rất có thể cháu đã bị rối loạn lo âu lan tỏa.

Mệt mỏi vô cớ

Mệt mỏi là triệu chứng hay gặp trong nhiều bệnh, nó ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sức khỏe của các cháu khiến các cháu không thể học tập được. Mệt mỏi vô cớ gặp trong trầm cảm, trong lo âu và trong rất nhiều bệnh cơ thể khác. Dù do nguyên nhân gì thì chúng ta không thể coi thường vì rõ ràng nó ảnh hưởng đến khả năng học tập của các cháu. Khi thấy con em mình có những biểu hiện của mệt mỏi vô cớ, các bậc cha mẹ nên đưa các cháu đến khám tại chuyên khoa tâm thần vì rất có thể cháu đã bị rối loạn tâm thần.

Sử dụng máy tính, điện thoại di động, internet, mạng xã hội quá nhiều

Các cháu có thể lý luận rằng mình cần máy tính, điện thoại, mạng xã hội để phục vụ cho việc học tập, ôn thi. Tuy nhiên, dù lý do gì thì những yếu tố trên sẽ  lấy đi rất nhiều thời gian, sức lực của thí sinh. Cái mà thí sinh nhận được khi sử dụng quá nhiều các thiết bị này là mờ mắt, đau đầu, căng thẳng và mệt mỏi… Đó là chưa kể đến việc lạm dụng máy tính, điện thoại để chơi game, vào mạng xã hội xem phim… quá nhiều làm sao nhãng việc học hành.

Vấn đề đặt ra ở đây là các cháu có thể dùng máy tính, điện thoại di động… mỗi ngày mấy giờ là đủ? Câu trả lời là càng ít, càng tốt. Mốc thời gian tối ưu là dưới 2 giờ mỗi ngày. Với mốc thời gian này đủ cho các cháu làm mọi việc cần thiết phục vụ cho học tập. Tuy nhiên, nhiều cháu sẽ phản đối vì chúng đã nghiện game, nghiện mạng xã hội nói riêng và nghiện internet nói chung. Không có những thứ đó, các cháu sẽ bực bội, cáu gắt. Tuy nhiên, bố mẹ cần phải cương quyết trong việc hạn chế các cháu về thời gian sử dụng các thiết bị này. Nếu cần, hãy thu điện thoại, cắt internet… để các cháu có thể tập trung vào học hành tốt hơn.

Tóm lại, trong mùa thi do nhiều lý do khác nhau như đã nêu thời tiết nóng bức, áp lực thi cử nặng nề… khiến cho các thí sinh rất dễ mắc các rối loạn tâm thần. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên quan tâm đến sức khỏe tâm thần của con em mình trong mùa thi, kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường có liên quan đến các rối loạn tâm thần như đã nêu. Đồng thời tạo cho trẻ một môi trường học tập thuận lợi, thoải mái, khoa học, giúp trẻ đạt được kết quả thi cử như mong muốn của bản thân và gia đình.

PGS. TS. Bùi Quang Huy6

 

 

Bài viết liên quan

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

Ngọc Nga

COVID-19 ảnh hưởng tới người bệnh Parkinson như thế nào?

Ngọc Nga

Vững vàng hơn qua những ngày chống dịch

Mậu Ngọ

Để lại bình luận