Đây mạnh các biện pháp tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá trong học sinh

(CDC Hà Nam)

 Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam đã phối hợp với ngành giáo dục và các trường học trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại thuốc lá đối với học sinh, nhất là học sinh cấp trung học. Qua đó, góp phần từng bước thay đổi nhận thức, hành động của học sinh, khuyến khích các em tích cực tham gia vận động người thân từ bỏ thói quen hút thuốc lá.

Theo chị Đinh Thị Hạnh – Phụ trách Khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) cho biết: Bên cạnh công tác tuyên truyền cho các đối tượng là công chức, viên chức làm việc tại các công sở, cho đối tượng người dân trong cộng đồng, chúng tôi xác định thêm một đối tượng cần phải hướng truyền thông tới, đó chính là các em học sinh THCS, THPT. Bởi đây là lứa tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, muốn tập làm người lớn, muốn thể hiện mình và cũng rất dễ bị lôi kéo, rủ rê tập hút thuốc lá, nếu không có sự kiểm soát, nhắc nhở thì lâu dần sẽ bị nghiện thuốc lá. Điều đó mang tới nhiều hệ lụy, đặc biệt về sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng cho học sinh…

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Liêm Thuận huyện Thanh Liêm

Để thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen hút thuốc (nếu có), vừa xây dựng thêm một đội ngũ tuyên truyền viên là học sinh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã chủ động phối hợp tổ chức tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá trong trường học. Việc tuyên truyền cho học sinh trong các trường học được áp dụng theo hai hình thức: tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề và tuyên truyền gián tiếp thông qua phát tờ rơi. Mặc dù số buổi tuyên truyền tại các trường học trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, song trên thực tế đã mang lại nhiều giá trị tích cực. Được biết, tại mỗi buổi tuyên truyền trong trường học, các cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đều xây dựng khung chương trình tuyên truyền tương đối đầy đủ, đảm bảo không chỉ cung cấp cho học sinh nhiều kiến thức về tác hại của thuốc lá, các bệnh có thể mắc do hút thuốc lá (trong đó có hút thuốc thụ động), sự ảnh hưởng của hút thuốc lá tới kinh tế gia đình, những tác động tiêu cực của thuốc lá đối với xã hội… Qua đó, còn tạo cho học sinh thêm một “sân chơi” để các em có thể bày tỏ quan điểm, sự hiểu biết của mình về thuốc lá. Vì vậy, tại các buổi nói chuyện chuyên đề, thường không có tình trạng người nói, người nghe một chiều, học sinh được trả lời các câu hỏi do tuyên truyền viên đưa ra trong phần giao lưu, tình huống đơn giản. Thậm chí, nhiều học sinh còn mạnh dạn đặt câu hỏi dành cho tuyên truyền viên để tìm hiểu thêm những kiến thức chưa biết, chưa rõ, tạo tính hiệu quả cho việc tuyên truyền.

Đối với hoạt động tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá, nhiều trường học bày tỏ mong muốn được phối hợp với ngành chức năng để tổ chức được thường xuyên các buổi nói chuyện chuyên đề, giúp cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường học có điều kiện được tiếp cận với những thông tin, kiến thức bổ ích tự điều chỉnh thói quen của bản thân, đồng thời tham gia tuyên truyền cho người hút thuốc sống và làm việc xung quanh. Trong phạm vi trường học, công tác tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá cho học sinh đã được quan tâm khi tự tổ chức được các buổi sinh hoạt ngoại khóa có nội dung tuyên truyền về tác hại thuốc lá. Nhiều trường còn xây dựng các đội xung kích, sao đỏ thực hiện việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn ngừa kịp thời các trường hợp học sinh hút thuốc trong nhà trường. Nội dung tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá còn được lồng ghép với nội dung các môn học có liên quan, xây dựng các mô hình trường học không khói thuốc… Công tác tuyên truyền phòng chống THTL trong các nhà trường đã trở thành hoạt động nền nếp, thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh.

Phát tờ rơi tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá cho các em học sinh

Bên cạnh đó, nhiều nhà trường còn phối hợp chặt chẽ với gia đình và các tổ chức, đoàn thể tại địa phương tuyên truyền, vận động cha mẹ, người thân học sinh gương mẫu không hút thuốc lá. Tăng cường thực hiện các quy định cấm hút thuốc lá trong trường học thông qua việc đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ giáo dục chung của từng năm học; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào nội quy trường học; xây dựng trường học không khói thuốc lá; cấm cán bộ, giáo viên, học sinh hút thuốc lá trong khuôn viên trường học. Ở nhiều trường học, việc thực hiện quy định không hút thuốc lá trong trường học còn trở thành một trong những tiêu chuẩn cho bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng hằng năm… Qua công tác kiểm tra, theo dõi, tình trạng cán bộ, giáo viên, học sinh hút thuốc trong trường học gần như được kiểm soát.

Tuy nhiên, do lực lượng cán bộ truyền thông còn mỏng nên chưa tổ chức được nhiều buổi tuyên truyền tại các trường học; số lượng tờ rơi, tờ gấp phục vụ công tác truyền thông gián tiếp cho học sinh còn hạn chế; vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, giáo viên hút thuốc; ở các hàng quán bán tại cổng trường vẫn còn tình trạng lén lút bán thuốc lá lẻ cho học sinh… nên tính hiệu quả của công tác tuyên truyền phòng chống THTL mới dừng lại trong phạm vi các trường học. Vì vậy, ngoài việc tích cực, chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc quản lý kinh doanh của các hàng quán cổng trường và ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên ngành giáo dục trong việc làm gương cho học sinh tham gia phòng chống tác hại thuốc lá.

Thanh Huyền (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Hút thuốc lá –  Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Mậu Ngọ

Những độc chất chứa trong khói thuốc lá

Mậu Ngọ

Khói thuốc lá gây ra rất nhiều tác hại đối với sức khỏe con người nói chung và sức khỏe sinh sản của phụ nữ nói riêng

CDC Hà Nam