Điểm báo 03/12/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo 03/12/2018

Cần 90.000 đơn vị máu để phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị; Bảo tồn và phát huy giá trị cây thuốc Việt – Bài 1: “Vàng xanh” đang cạn kiệt; Khánh thành hơn một tháng, 2 bệnh viện mới vẫn đóng cửa; Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020; Để giảm nguy cơ mắc ung thư phổi: Ngừng hút thuốc càng sớm càng tốt!…

Cần 90.000 đơn vị máu để phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị

Tại ngày hội hiến máu “Trái tim tình nguyện” diễn ra sáng 2-12 tại Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương Phạm Tuấn Dương cho biết, theo tính toán của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, trong 3 tháng dịp Tết, Viện cần tiếp nhận tối thiểu khoảng 90.000 đơn vị máu để phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị. Hàng trăm ca phẫu thuật, hàng nghìn bệnh nhân vẫn đang rất cần những giọt máu quý giá trong điều trị. Hưởng ứng Ngày Quốc tế Người tình nguyện (5-12), Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hà Nội và Hội Thanh niên Vận động tổ chức ngày hội hiến máu “Trái tim tình nguyện” lần thứ X trong 2 ngày 1 và 2-12 tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.

Với thông điệp “Nối vòng tay tình nguyện-Hiến giọt máu yêu thương,” ngày hội chính là cầu nối để cộng đồng cùng chung tay góp sức vì người bệnh cần máu. Ngày hội dự kiến sẽ tiếp nhận tối thiểu 2.000 đơn vị máu, góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu nói chung, đặc biệt là khan hiếm nhóm máu O dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Chương trình “Trái tim tình nguyện” tổ chức ngay những ngày đầu tiên của tháng 12 chính là sự kiện mở màn cho chuỗi các sự kiện hiến máu lớn dịp cuối năm 2018, trước và sau Tết Nguyên đán 2019. Hàng loạt các sự kiện hiến máu khác cũng sẽ được tổ chức như: ngày hội Chủ nhật Đỏ, Lễ hội Xuân hồng tại nhiều địa phương trên cả nước hay các ngày hội do tình nguyện viên vận động hiến máu phối hợp tổ chức tại Hà Nội như Tết đoàn viên, Tết hồng cho em… (An ninh Thủ đô, trang 2; Tuổi trẻ, trang 14).

 

Bảo tồn và phát huy giá trị cây thuốc Việt – Bài 1: “Vàng xanh” đang cạn kiệt

Với thế mạnh về nguồn dược liệu phong phú, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã tích lũy được những bài thuốc, kinh nghiệm truyền thống trong sử dụng các loại cây, con làm thuốc, hình thành nên một kho tàng khổng lồ mang bản sắc riêng từng dân tộc, từng vùng miền. Gần 1.300 bài thuốc dân gian trên cả nước đã được ngành y tế tổng hợp, đưa vào nghiên cứu, phục vụ công tác phòng và chữa bệnh cho người dân.

Tuy nhiên, trước thực trạng y học cổ truyền đang dần bị “lu mờ”, hướng đi đúng đắn và phù hợp nhất của ngành dược hiện nay là dựa vào lợi thế sẵn có đó là nguồn dược liệu trong nước để phát triển. Cùng với xu thế hội nhập, xu hướng “trở về thiên nhiên”, việc nghiên cứu, sử dụng và phát triển lợi ích từ các loại thảo dược hứa hẹn mang lại những nguồn lợi to lớn, ngăn chặn những căn bệnh thế kỷ, kéo dài tuổi thọ con người.

Với điều kiện tự nhiên đặc thù và thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam có hàng ngàn loại cây dược liệu phong phú, trong đó nhiều loại quý hiếm được xem là “vàng xanh” của con người. Tuy nhiên, đáng buồn là nguồn dược liệu phong phú này, từ các tỉnh miền núi phía Bắc cho tới miền Trung và Tây Nguyên, lâu nay đã rơi vào tình trạng cạn kiệt, thậm chí nhiều loài đã bị tuyệt chủng… do nạn chặt phá, khai thác tràn lan để xuất lậu sang bên kia biên giới.

Bán qua biên giới

Lâu nay, tại nhiều tỉnh thành miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La được xem là vùng đất của cây dược liệu với nhiều loại có giá trị cao về kinh tế và chữa bệnh. Tuy nhiên, do thiếu chiến lược bảo tồn, quy hoạch phát triển và buông lỏng quản lý nên nhiều loại dược liệu đã bị khai thác vô tội vạ.

Tại Sa Pa, Lào Cai – nơi có có Vườn Quốc gia Hoàng Liên, chúng tôi bắt gặp không ít đồng bào dân tộc gùi hàng bó cây thuốc từ trong rừng ra. Đây là vùng có khí hậu Á nhiệt đới, với hệ thực vật phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loài quý hiếm.

Tại vườn quốc gia, các nhà khoa học đã phát hiện được 2.024 loài thực vật bậc cao, thuộc 200 họ, có 66 loài trong sách đỏ Việt Nam… Với hệ thực vật đa dạng, phong phú, Vườn Quốc gia Hoàng Liên được ví như là kho thuốc quý của Việt Nam, nhưng đáng tiếc là kho thuốc này ngày càng cạn kiệt vì tình trạng khai thác vô tội vạ.

Ông Phạm Xuân Phòng, Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện Sa Pa, chia sẻ: “Thời gian qua, với lợi thế về khí hậu thổ nhưỡng, địa phương đã đẩy mạnh công tác bảo tồn cây dược liệu, chế biến bảo quản nguồn dược liệu phục vụ chữa bệnh, chăm sóc cộng đồng, nhưng thực tế hiện nay, nhiều loại cây thuốc quý vẫn trong tình trạng cạn kiệt do bị khai thác tràn lan. Thậm chí nhiều loại cây thuốc nếu trước đây chỉ một buổi vào rừng Hoàng Liên là có thể lấy được cả bao tải, còn bây giờ có khi mấy ngày trời cũng chỉ kiểm được vài ngọn, như: Bách xanh, Thiết sam, Thông đỏ, Đinh tùng, Dẻ tùng. Ngoài ra, một số loại khác như Hoàng Liên gai, Tam thất hoang, Tế tân nam cũng đang ít đi”.

Theo tìm hiểu tại nhiều huyện của tỉnh Cao Bằng, cũng như nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, lâu nay người dân đua nhau vào rừng chặt phá lấy cây thuốc để bán cho đầu nậu xuất sang Trung Quốc.

Đào tận gốc, trốc tận rễ

Rời Vườn Quốc gia Hoàng Liên, chúng tôi tới huyện Thạch An, Cao Bằng, theo tỉnh lộ 229, ngoằn ngoèo qua những dãy núi đá sừng sững, với những vạt rừng bị chặt phá nham nhở làm nương rẫy là địa bàn xã Đức Xuân. Bà Nông Thị Ca, chủ một điểm thu mua cây dược liệu ở Đức Xuân, cho biết, nếu như trước đây những loại cây thuốc như Na dây, Chà vằng…, mỗi ngày có thể thu mua được vài tấn của bà con người Tày, Nùng đi rừng bán cho, thì bây giờ cũng chỉ mua được vài tạ vì trong rừng đâu còn nhiều.

Theo Hội Đông y tỉnh Cao Bằng, trên địa bàn Cao Bằng có tới hàng chục điểm thu mua cây thuốc, xuất bán hàng chục ngàn tấn cây thuốc mỗi năm sang biên giới, nên dù có tới trên 600 loài cây thuốc quý hiếm, nhưng nhiều loại ngày càng ít đi.

Việc khai thác tràn lan nhiều loại cây thuốc, dược liệu suốt thời gian dài vừa qua tại nhiều địa phương phần lớn là để bán sang Trung Quốc. Phần còn lại hết sức hạn chế là phục vụ cho nhu cầu sản xuất thuốc chữa bệnh trong nước. Ở Cao Bằng và Lạng Sơn, tại các huyện có cửa khẩu với Trung Quốc, nhiều tư thương phối hợp với các đầu nậu của Trung Quốc lập ra các trạm thu mua dược liệu tại địa phương.

Tùy theo từng đợt và nhu cầu dược liệu phía tư thương Trung Quốc yêu cầu mà các trạm thu mua đặt hàng với người dân địa phương vào rừng khai thác. Thậm chí, ngoài những cây dược liệu quen thuộc có trong Dược điển được tư thương Trung Quốc mua thường xuyên, thì có những thời điểm, phía họ đặt mua cả những loại cây mà chúng ta không hề hiểu biết hết công dụng, chỉ có tên gọi địa phương hay tên gọi của Trung Quốc.

Thống kê của Hội Đông y Cao Bằng, mỗi năm có khoảng 300.000 tấn cây dược liệu của địa phương bị khai thác đưa sang biên giới bán. Trong khi đó, ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông y Lạng Sơn, cho biết, những năm trước chỉ cần đi vào rừng đã tìm thấy cây thuốc, nhưng nay nhiều cây đã không còn vì nạn “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Thậm chí, nhiều khu rừng nguyên sinh, đặc dụng ở Hữu Lũng, Mẫu Sơn, Lộc Bình…, cũng bị khai thác cạn kiệt nhiều loại dược liệu quý hiếm để xuất bán sang biên giới nên nhiều loại cây thuốc quý như Đẳng sâm, Kê huyết đằng, Xuyên khung… chỉ còn lại rất ít.

Khi cần nhập lại, mất hết tinh chất

Dưới góc độ vừa là nhà nghiên cứu, vừa sản xuất, kinh doanh, PGS-TS Trần Văn Ơn, Trưởng bộ môn Thực vật, Đại học Dược Hà Nội, Chủ tịch – Giám đốc Công ty DK Pharma, Bộ Y tế, cho biết, hiện nay cả nước có trên 60 loại dược liệu có giá trị kinh tế rất cao nhưng lại được phía Trung Quốc thu mua của người dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc với giá vài chục ngàn đồng/kg, nhưng sau đó về chiết xuất làm ra những loại thuốc bán với giá trị kinh tế rất cao. Thậm chí, không ít doanh nghiệp trong nước phải nhập trở lại chính những loại dược liệu đó nhưng giá thành tăng lên gấp nhiều lần.

PGS-TS Trần Văn Ơn cũng cho biết, có khoảng 45 loại cây dược liệu từng là thế mạnh của Việt Nam đang phải nhập khẩu trở lại như: Bạch biển đậu, Binh lang, Hoắc hương, Xạ can, Hồng hoa, Bồ công anh, Cẩu tích… để phục vụ sản xuất Đông dược trong nước. Thậm chí, khi chúng ta nhập khẩu dược liệu trở lại, cơ quan chức năng đã phát hiện có không ít loại đã bị chiết xuất, hút hết hàm lượng các tinh chất.

Nhiều loại cây thuốc bị khai thác tràn lan và buôn bán tự phát đang khiến cho nguồn tài nguyên quý giá của đất nước ngày một suy thoái, cùng với đó là sự mất cân bằng đa dạng sinh học.

Trước thực trạng này, không ít chuyên gia nghiên cứu về dược liệu và y học cổ truyền cho rằng, nhà nước, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn việc khai thác cây thuốc hoang dã trong rừng để cung cấp nguyên liệu cho nước ngoài qua đường buôn bán tiểu ngạch. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Khánh thành hơn một tháng, 2 bệnh viện mới vẫn đóng cửa

Hai bệnh viện vẫn chưa đi vào hoạt động đó là BV Bạch Mai và BV Việt Đức mới (ở Phủ Lý, Hà Nam). Hơn một tháng trước, ngày 21/10, khu khám bệnh của hai bệnh viện được khánh thành hết sức long trọng. Là 2 trong số 5 bệnh viện được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ mức trên 4.000 tỉ đồng/bệnh viện, Bạch Mai và Việt Đức mới được kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực quá tải tại hai cơ sở chính hiện có ở Hà Nội … (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020

Năm 2018 là năm thứ 10 liên tiếp HIV/AIDS ở VN được khống chế, giảm cả 3 chỉ tiêu: số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong. Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra tại Lễ phát động Thánh hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2018 nhân mít tinh Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS được BYT tổ chức tại TP. HCM cuối tuần qua … (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Để giảm nguy cơ mắc ung thư phổi: Ngừng hút thuốc càng sớm càng tốt!

Theo ghi nhận của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2018, ung thư phổi tại Việt Nam được xếp thứ 2 trong số các bệnh ung thư hiện nay. Đây là căn bệnh phổ biến với số ca mắc mới và tử vong gần như tương đương nhưng lại rất khó để phát hiện sớm bệnh. Đáng lưu ý, hầu như các trường hợp mắc ung thư phổi đều liên quan đến khói thuốc lá. Chính vì vậy, cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh này là ngừng hút thuốc càng sớm càng tốt. Thủ phạm hàng đầu… khói thuốc

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư quốc gia cho biết, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới ở cả nam và nữ. Theo Globocan năm 2018, trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu ca mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 24 nghìn ca mắc mới và hơn 20 nghìn ca tử vong do căn bệnh này.

Thực tế việc điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện K cho thấy, 2/3 số bệnh nhân mắc ung thư phổi được phát hiện đều ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn. Điều này cũng lý giải vì sao số ca mắc mới gần tương đương với số người tử vong. PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, với giai đoạn muộn, ở người bệnh đã xuất hiện đầy đủ các biểu hiện như: Tức ngực, ho, khó thở…, thậm chí là di căn khiến việc điều trị không đạt hiệu quả cao.

Thế nhưng, để phát hiện sớm ung thư phổi là rất khó. Căn bệnh này thường không có triệu chứng sớm điển hình, dễ nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác. Thêm vào đó, các phương pháp cũ như chụp X-quang, xét nghiệm đờm, cho đến phương pháp mới nhất hiện nay là sàng lọc bệnh bằng chụp CT liều thấp nhưng hiệu quả đều không thực sự rõ ràng. Trong khi, đây lại là bệnh tiến triển rất nhanh. Có thể bệnh nhân mới chụp X-quang 6 tháng trước chưa phát hiện dấu hiệu bất thường, nhưng 6 tháng trôi qua đã mắc ung thư phổi giai đoạn muộn.

Điều đáng nói là gần như tất cả trường hợp mắc ung thư phổi đều liên quan đến hút thuốc lá. PGS.TS Lê Văn Quảng cảnh báo,lứa tuổi mắc ung thư phổi thường ở độ ngoài 50. Tuy nhiên, tại Bệnh viện K cũng ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Đơn cử như trường hợp một thiếu niên 15 tuổi phát hiện mắc ung thư phổi 3 năm trước và đã tử vong sau 2 năm điều trị. Trường hợp khác là một phụ nữ đang điều trị ung thư phổi. Dù hai trường hợp này đều không hút thuốc lá nhưng lại thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động từ người thân…

GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Có tới 85-90% ca mắc ung thư phổi là do hút thuốc. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20-40 lần người không hút thuốc. Tỷ lệ mắc ung thư phổi tăng dần theo số lượng thuốc lá/ngày, thời gian hút thuốc ở cả người hút thuốc chủ động và thụ động.

Nâng cao kiến thức về dự phòng bệnh

Theo PGS.TS Lê Văn Quảng, các liệu pháp mới trong điều trị nội khoa, cho đến việc áp dụng liệu pháp điều trị trúng đích, nhất là liệu pháp điều trị miễn dịch – một tiến bộ lớn của y học gần đây đã giúp kéo dài thêm cuộc sống cho những bệnh nhân mắc ung thư phổi ở giai đoạn muộn.

Thế nhưng, việc điều trị bệnh này hiện còn khó khăn. Tỷ lệ bệnh nhân kéo dài được cuộc sống sau 5-6 năm là rất ít. Chính vì vậy, việc nâng cao kiến thức về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi hết sức quan trọng, cần nhận được sự quan tâm đặc biệt của ngành Y tế nói riêng và xã hội nói chung. PGS.TS Lê Văn Quảng đưa ra khuyến cáo, đối tượng mắc ung thư phổi chủ yếu ở lứa tuổi trên 50, đặc biệt là ở người có tiền sử hút thuốc lá hoặc thường xuyên hút thuốc lá thụ động. Vì vậy, những người từ 50 tuổi trở lên, những đối tượng có nguy cơ cao như: Người hút thuốc lá, người thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động… nên chủ động đi tầm soát ung thư phổi khoảng 6 tháng đến 1 năm/lần.

Còn theo Tiến sĩ Hoàng Đình Chân, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm ung thư phổi không chỉ được khuyến cáo với những người đang hút thuốc mà cả những người đã bỏ thuốc. Bởi ngay cả khi dừng hút, tác hại của thuốc lá vẫn còn tồn tại từ 10 đến 15 năm trong cơ thể. Đó là do hắc ín (hay còn gọi là nhựa thuốc lá) – chính là sự lắng lại của khói thuốc có chứa nhiều chất gây ung thư nhưng lại không thể loại bỏ ngay khỏi cơ thể.

Khi khói thuốc được hít vào phổi, các chất nhựa lắng đọng và bám vào các khoang chứa khí của phổi. Sau một thời gian, những phần bị nhựa thuốc lá bám sẽ gây ra bệnh ung thư và các bệnh về phổi. Để đào thải các chất này khỏi cơ thể phải có thời gian lâu dài. Chính vì vậy, trên thực tế, có trường hợp dù đã bỏ thuốc lá hơn chục năm nhưng vẫn mắc ung thư phổi. Do đó, không hút thuốc lá là biện pháp tốt nhất để hạn chế ung thư phổi. (Hà Nội mới, trang 5).

 

BV Quân Y 103: Ghép thận – Thắp lên những hy vọng sống

Ngày 30/11 vừa qua, BV Quân Y 103 đã thực hiện thành công ca ghép thận thứ 400 sau 26 năm (1992-2018) ca ghép thứ nhất mở đầu cho chuyên ngành ghép thận tại VN. Dấu mốc quan trọng này đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế, những người thầy thuốc quân đội. Từ đó đến nay, ghép thận trở thành một hoạt động thường quy của BV, đã và đang thắp lên niềm tin, hy vọng sống cho những người mắc bệnh hiểm nghèo … (Hà Nội mới, trang 5).

 

Gắp thành công dị vật đường thở bé 6 tuổi

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố HCM vừa kịp thời nội soi đường thở gắp dị vật cho bé trai hít sặc phải “mẩu nhựa cứng” khi chơi ném cát cùng bạn, dị vật gây bít lòng phế quản đoạn sâu, xẹp toàn bộ nửa phổi phải.

Cha mẹ của cậu bé P.N. 6 tuổi, ở Cần Đước, Long An đã đưa em đến khoa cấp cứu Bệnh viện trong tình trạng em liên tục ho sặc sụa.

Theo lời kể của gia đình, trước đó, em N. chơi ném cát với bạn cùng xóm và bất chợt có cảm giác hít sặc, ho liên tục và khó thở. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã nhận thấy rõ hội chứng xâm nhập và tắc nghẽn tại phổi phải, hình ảnh chụp X-quang ngực tức thì không cho thấy rõ có dị vật lạ.

Tuy nhiên, sau khi hội chẩn với TS.BS Trịnh Hồng Nhiên, trưởng khoa Hô Hấp Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, ông đã chú ý đến vùng bẫy không khí trong phim chụp x-quang phổi, kết hợp với phim CT scan ngực cho thấy: có sự hiện diện của một vật thể lạ trong phế quản, dạng hình trụ, bít lòng hoàn toàn nhánh phế quản S9 dẫn tới việc không khí không thể đi qua hoàn toàn vật thể, gây tắc và xẹp toàn bộ nửa phổi phải. Các bác sĩ quyết định, việc soi phế quản bắt buộc phải thực hiện. Kết quả là một mẩu nhựa cứng khô mà bác sĩ Nhiên và ekip của ông từng mường tượng trước đó là cục đá được gắp ra. Dị vật được lấy ra hết sức cẩn thận và cũng đầy thử thách, do nó nằm sâu và trơn trợt, lại kẹt bít lòng phế quản đã phù nề, viêm trợt do bị chèn ép. Phim chụp X-quang ngực sau đó cho thấy dấu hiệu thông khí phổi tốt, tình trạng xẹp phổi phải đã được giải quyết triệt để. BS CK1. Nguyễn Cát Phương Vũ Khoa Hồi Sức tích cực Chống độc cho biết,Những năm gần đây, đến những địa điểm vui chơi trẻ em ngoài các trò chơi như game, cầu trượt, vườn cổ tích, câu cá… còn rộ lên trò chơi “xúc hạt”, lắp ráp robot bằng các hạt nhựa nhỏ, xâu vòng…hoặc trò chơi dưới bãi cát đá nhân tạo. Nhìn vào khu vực chơi trò này chúng ta thấy rất nhiều các em nhỏ từ 2 đến 6 tuổi. Chủ yếu là trẻ tự chơi còn bố mẹ thì ngồi bên ngoài quan sát hoặc xem điện thoại. Tuy đây là những trò chơi thú vị nhưng nếu không để ý, sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm.

Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào mồm, hoặc ném qua lại khi chơi cùng nhau. Dị vật bị rơi vào đường thở khi hít vào mạnh hoặc sau một một trận cười, khóc, ngạc nhiên, sợ hãi… Cũng nên thận trọng với những thức ăn có thể làm cho trẻ mắc dị vật như: hạt đậu lạc, ngô bắp, vỏ tôm, cua… để hạn chế những tai biến đáng tiếc xảy ra. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 09/6/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 18/8/2020

CDC Hà Nam

“Nguy cơ dịch bệnh vẫn còn xung quanh chúng ta”

CDC Hà Nam

Để lại bình luận