Điểm báo 21/01/2019

(CDC Hà Nam)

Điểm báo 21/01/2019

Tuổi trẻ Yên Bái hăng hái hiến máu cứu người; Bệnh sởi bùng phát khắp nơi; Cảnh báo các bệnh dễ bùng phát dịp Tết Nguyên đán; Quyết liệt nhiều biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh…

 

Tuổi trẻ Yên Bái hăng hái hiến máu cứu người

Sáng 20/1, hàng trăm cán bộ các sở ngành và thanh niên tỉnh Yên Bái tham gia chương trình “Chủ nhật đỏ lần XI – 2019” được tổ chức tại TP Yên Bái. Nối tiếp chương trình Chủ nhật đỏ – ngày hội hiến máu cứu người, sáng 20/1, Báo Tiền Phong phối hợp với Tỉnh Đoàn, Sở Y tế, Công an tỉnh Yên Bái tổ chức ngày “Chủ nhật đỏ lần XI – 2019” tại trung tâm huấn luyện thuộc Công an tỉnh Yên Bái với sự tham gia của hàng trăm cán bộ, đoàn viên thanh niên địa phương. Phát biểu khai mạc chương trình, Nhà báo Trần Công Hùng – Trưởng ban Pháp luật, Phó giám đốc phụ trách Khối Truyền thông điện tử Báo Tiền Phong cho biết, trải qua 11 năm liên tiếp tổ chức (2009-2019), Chủ nhật Đỏ đã trở thành hoạt động thường niên, có quy mô trên toàn quốc với ý nghĩa toàn xã hội chung tay chia sẻ dòng máu của mình vì tính mạng của những người bệnh cần truyền máu. “Đây là hoạt động rất ý nghĩa của tuổi trẻ toàn quốc nói chung và tuổi trẻ các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng, góp chung vào nghĩa cử cao đẹp cứu người. Tôi mong rằng, đây sẽ là một hoạt động nhân đạo thường xuyên, sự chia sẻ đậm tính nhân văn không chỉ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán hằng năm”, Nhà báo Trần Công Hùng nói. Trong ảnh: Hàng trăm cán bộ các đơn vị sở ngành và thanh niên tỉnh Yên Bái đăng ký kiểm tra sức khỏe trước khi hiến máu. Chị Đoàn Thị Thanh Tâm – Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái thăm hỏi những thanh niên tham gia hiến máu sáng 20/1. Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái, Chủ nhật Đỏ lần XI – 2019 tổ chức tại tỉnh Yên Bái ngoài các đơn vị nghiệp vụ còn có hàng trăm thanh niên học tập, công tác, sinh sống tại địa phương tham gia. Ngoài vận động thanh niên, người dân tham gia hiến máu cứu người, ban tổ chức “Chủ nhật Đỏ” tại tỉnh Yên Bái còn dành một số suất quà hỗ trợ những hộ gia đình khó khăn tại địa phương đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Bệnh sởi bùng phát khắp nơi

Đầu năm 2019, bệnh sởi bùng phát ở địa phương dù các tỉnh đã nỗ lực phòng chống, tiêm ngừa vét, tiêm bù từ những tháng cuối năm 2018. Ngày 21.1 Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đi kiểm tra công tác phòng chống sởi tại TP.HCM. Theo Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) TP.HCM, năm 2018 toàn TP có 1.691 trường hợp nghi sởi, trong đó có 1.167 ca nhập viện điều trị nội trú. Từ tháng 9.2018, trung bình có 30 ca sởi nhập viện/tuần, nhưng thời điểm hiện nay là 100 ca/tuần. Qua thống kê năm 2018, có 855 trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi mắc sởi, trong đó 95% trẻ chưa được tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Trẻ tiêm vắc xin sởi mũi 1 đạt 95%, nhưng tiêm mũi 2 chỉ đạt khoảng 60%, trong khi chỉ tiêu của Bộ Y tế mũi 2 phải đạt 90%.

Theo TTYTDP tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 267 ca mắc bệnh sởi, tập trung chủ yếu ở TP.Biên Hòa, trong khi cùng kỳ năm trước không ghi nhận ca nào.

Bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (TTYTDP tỉnh Đồng Nai), cho biết trong 267 ca sởi hầu hết chưa được tiêm phòng. Những bệnh nhi này chưa tới tuổi tiêm, một số do tiêm sót, số còn lại là trẻ vãng lai từ nơi khác đến.

Trung tâm phòng chống bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết từ đầu năm đến nay ghi nhận tại Hà Nội có 28 ca mắc sởi, trong đó có 9 ca người lớn. Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, các ca sởi người lớn mắc trên nền bệnh mãn tính khiến bệnh nặng hơn; nguy hiểm hơn là đã ghi nhận sởi mắc ở phụ nữ mang thai, khiến sinh non…

Năm 2018 cả nước có 9.741 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng 23 lần so với năm 2017. Cục Y tế dự phòng cảnh báo nguy cơ dịch sởi tiếp tục gia tăng trong mùa đông xuân này.

Từ tháng 12.2018 – 1.2019, 24 quận huyện của TP.HCM đã tổ chức tiêm ngừa sởi – rubella bổ sung cho trẻ 1 – 5 tuổi tại 2.187 trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình, cộng đồng với 163.699 trẻ được tiêm. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 15% trẻ từ 1 – 5 tuổi chưa được tiêm mũi bổ sung.

TTYTDP TP tiếp tục kêu gọi phụ huynh đưa con đi tiêm ngừa sởi bổ sung tại trạm y tế phường xã đến hết tháng 1.2019. TTYTDP tỉnh Đồng Nai cho biết cuối tháng 1.2019 sẽ rà soát, tiêm vét gần 20.000 liều vắc xin sởi.

Để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi. Tổ chức chiến dịch tiêm sởi – rubella tại 33 huyện của 6 tỉnh là Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La trong tháng 8.2018 cho 261.331/264.462 trẻ từ 1 – 5 tuổi được tiêm vắc xin sởi – rubella, đạt tỷ lệ 96,15%.

Bộ Y tế tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch, chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella cho trẻ 1- 5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2018 – 2019, cho khoảng 4,2 triệu trẻ tại 418 huyện của 57 tỉnh, TP nguy cơ cao.

Ngày 20.1, Sở Y tế Bình Định cho biết, trong vòng 1 tuần qua, trên địa bàn tỉnh này đã ghi nhận 9 ổ dịch sốt xuất huyết mới, trong đó H.Hoài Nhơn có 4 ổ, TX.An Nhơn 3 ổ, 2 ổ còn lại ở H.Phù Cát và H.Phù Mỹ. Tổng số ca mắc sốt xuất huyết mới được phát hiện trong tuần là 233 ca (tăng 122 ca so với tuần trước đó), nâng tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay lên 360 ca. (Thanh niên, trang 4, An ninh Thủ đô, trang 7, Tuổi trẻ, trang 14, Khoa học & Đời sống, trang 15; Tiền phong, trang 6).

 

Cảnh báo các bệnh dễ bùng phát dịp Tết Nguyên đán

Tại cuộc họp về phòng chống dịch bệnh mùa lễ hội và Tết Nguyên đán năm 2019 diễn ra cuối tuần qua, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, nhiều dịch bệnh dễ có nguy cơ bùng phát trong dịp Tết, như sởi, tay chân miệng, liên cầu khuẩn lợn hay cúm gia cầm động lực cao.

Không chủ quan với dịch bệnh mùa đông xuân

Ông Phu cho hay, trong dịp Tết và lễ hội 2019, điều kiện khí hậu đông xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi làm cơ thể con người giảm sức đề kháng, nên người yếu nhất là trẻ em không thích nghi kịp rất dễ nhiễm bệnh. Hơn nữa, điều kiện thời tiết này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, nhất là với các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, sởi, Rubella, liên cầu lợn, tiêu chảy.

Riêng với bệnh sởi đang bùng phát dịch, Cục trưởng Trần Đắc Phu cho biết năm 2018, đặc biệt 3 tháng cuối năm có trên 9.700 người mắc sốt phát ban nghi sởi, số có xét nghiệm dương tính với bệnh sởi gần 2.000 ca. So với cùng kỳ 2017, số sốt phát ban nghi sởi cao gấp 21 lần, số có dương tính với bệnh sởi tăng 13 lần. Trong các tuần đầu năm 2019, tiếp tục ghi nhận bệnh nhân sởi cả người lớn và trẻ em ở nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam – vùng vốn không “truyền thống” của bệnh sởi như: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM dịch cũng gia tăng mạnh. Trong số trẻ mắc bệnh, thống kê của Bộ Y tế cho thấy có trên 50% chưa tiêm chủng, gần 40% tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, có 10% các cháu tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa sởi. Ông Phu cũng cảnh báo về bệnh liên cầu lợn, mặc dù chỉ ghi nhận rải rác, lẻ tẻ chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc, nhưng tỷ lệ tử vong vì mắc liên cầu lợn rất cao. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín, không mua bán, giết mổ lợn ốm hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. “Điều đáng nói, ngay cả lợn khỏe cũng có thể nhiễm khuẩn liên cầu lợn, do vậy tuyệt đối không ăn tiết canh lợn”, ông Phu nhấn mạnh.

Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, với những người mắc bệnh mạn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn nhất là với người già và trẻ em. “Hơn nữa sự gia tăng sử dụng thực phẩm và giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết và mùa lễ hội 2019 làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói.

 

Quyết liệt nhiều biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh

Để phòng chống bệnh trong dịp Tết Nguyên đán, ông Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh; tăng cường công tác phòng chống bệnh xâm nhập, bệnh lưu hành, phòng chống bệnh sởi, rà soát, đánh giá, xác định đối tượng, độ tuổi, vùng nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh để tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung, tiêm vét vắc-xin phòng bệnh.

Bộ Y tế cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. Công tác giám sát cũng được tăng cường tại cộng đồng và cửa khẩu, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch xâm nhập, lây lan ra diện rộng.

“Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường công tác điều trị bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết và sẵn sàng cung ứng thuốc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởi. Tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”- ông Phu cho biết thêm.

8 khuyến cáo phòng chống dịch bệnh sởi của Bộ Y tế
1. Chủ động thực hiện tiêm chủng vắc-xin, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sở. Đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc-xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc-xin sởi cần được tiêm vắc-xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ.

2. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày.

3. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi. Làm sạch đồ chơi bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

4. Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 – 2 lần/ngày.

5. Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, phòng điều trị hàng ngày.

6. Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh.

7. Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.

8. Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Đồng loạt thanh kiểm tra, loại thực phẩm “bẩn” khỏi thị trường

Các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho người tiêu dùng trong dịp Tết Kỷ Hợi và mùa lễ hội 2019 đang được các cơ quan ban ngành của các địa phương đẩy mạnh, nhằm kịp thời loại bỏ thực phẩm “bẩn” ra khỏi thị trường.

Hà Nội: Tập trung kiểm tra ATTP liên tục mặt hàng rượu

Theo Ban chỉ đạo liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội, một trong những mặt hàng được thành phố tập trung kiểm tra ATTP nhiều và liên tục từ nay đến Tết Nguyên đán là rượu, nhằm ngăn ngừa rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc…

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 24 Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 3 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ở xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức), phát hiện gần 4.000 sản phẩm đóng gói các loại: Ô mai, thịt bò khô, hạt hạnh nhân, mứt hoa quả… không có chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Còn tại điểm giao giữa đường Võ Nguyên Giáp và đường Võ Chí Công thuộc địa phận quận Tây Hồ, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện một xe ô tô vận chuyển gần 2,4 tấn bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, để chủ động đảm bảo ATTP phục vụ người dân đón Tết an toàn, từ nay đến Tết Nguyên đán, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh các thực phẩm tiêu thụ phổ biến trong dịp Tết. Sở Y tế cũng đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn của thành phố vào cuộc một cách đồng bộ, tích cực và có trách nhiệm. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Y tế Hà Nội cũng đã kiện toàn 4 đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm… Đặc biệt, nhằm lưu ý người dân về các vấn đề liên quan đến ngộ độc rượu, rượu cồn công nghiệp methanol trong dịp Tết này, Chi cục ATVSTP Hà Nội phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường lấy mẫu rượu để giám định, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc. Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng yêu cầu các Đội Quản lý thị trường trên địa bàn nắm chắc diễn biến thị trường, thường xuyên tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở chuyên kinh doanh rượu, các cơ sở dịch vụ ăn uống có kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng…

Đồng thời, phải tăng cường phối hợp kiểm tra, tái kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đã bị xử lý vi phạm để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng rượu không rõ nguồn gốc trên địa bàn.

  1. Hồ Chí Minh: Lập các đoàn thanh kiểm tra ATTP đến tận xã, phường

Rạng sáng 19/1, Đội Quản lý An toàn thực phẩm liên quận, huyện 12, Hóc Môn và Củ Chi (Ban Quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh) phối hợp cùng các đơn vị chức năng bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh phụ phẩm bò trên đường Nguyễn Thị Kiểu, Khu phố 1, phường Hiệp Thành, quận 12, TP. Hồ Chí Minh.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện 3 thùng nhựa lớn đựng sách bò đen thui, bốc mùi được ngâm trong nước trắng đục cùng một máy trộn bê tông loại nhỏ được cắm điện sẵn bên cạnh; hàng chục kg cuống bò, tim bò, lòng bò bày trên nền đất, dụng cụ cáu bẩn; nhiều kg phổi, gan bò chảy dịch, bốc mùi hôi. Theo bà Nguyễn Thị Xuân – Chủ hộ kinh doanh, bà kinh doanh phụ phẩm bò đã vài năm nay, nguồn hàng lấy từ lò mổ tại huyện Gò Dầu (Tây Ninh). Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được những hồ sơ liên quan nguồn gốc thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Sau khi cân, đoàn kiểm tra ghi nhận bà Xuân lưu trữ và kinh doanh hơn 1.200kg phụ phẩm bò. Đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục làm rõ nguồn gốc, chất lượng những phụ phẩm này và sẽ có hướng xử lý theo đúng quy định. Trước đó, đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh), kiểm tra quy trình truy xuất nguồn gốc thịt heo tại chợ.

Được biết, TP. Hồ Chí Minh đã thành lập các đoàn chuyên ngành, liên ngành đến cấp xã, phường để thực hiện thanh tra, kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết nhưng có yếu tố nguy cơ cao về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ sở sản xuất, làng nghề chế biến thực phẩm tết, điểm kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đều thuộc đối tượng kiểm tra trong cao điểm. Thời gian đẩy mạnh hoạt động kiểm tra từ nay đến 25/3/2019. Bên cạnh đó, Ban Quản lý ATTP của TP. Hồ Chí Minh cũng thành lập riêng 12 đoàn kiểm tra chuyên ngành liên quan việc này. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Tự ý uống thuốc nam điều trị u thực quản, “đánh cược” mạng sống của mình

Các bác sĩ Khoa Ngoại bụng 2, bệnh viện K vừa tiếp nhận bệnh nhân ở Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nhập viện trong tình trạng nuốt nghẹn, đau tức vùng ngực, khó thở khi tự ý điều trị bệnh bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Bệnh nhân là T. T. H. 48 tuổi trú tại xã Sông Lô, Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nhập viện trong tình trạng nuốt nghẹn, đau tức vùng ngực, khó thở khi tự ý điều trị bệnh bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Người nhà bệnh nhân cho biết cách đây 4 năm, chị H. đã phát hiện có khối u lành tính ở thực quản, tuy nhiên vì chủ quan nên chị không điều trị triệt để mà về nhà tiêm thuốc và uống thuốc nam. Đến nay khi bệnh tình không thuyên giảm và có phần xấu đi, chị H. mới đồng ý đến Bệnh viện K khám và điều trị.

Sau khi được thăm khám, làm các chỉ định xét nghiệm, siêu âm, chụp CT lồng ngực và nội soi, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có u cơ lớn thực quản 8cm ôm quanh thực quản 1/3 trên.

Chị H. cho biết: “Trước đó khi thấy u thực quản nhưng đã không điều trị ở bệnh viện mà nghe nhiều người mách bảo, tôi đã tiêm 1 lần thuốc và uống thuốc nam do “thầy lang” trong làng kê đơn. Tốn nhiều tiền bạc để mua thuốc và tiêm nhưng chẳng những khối u không nhỏ đi mà ngày càng to hơn. Tôi quá lo lắng nên đến bệnh viện kiểm tra thì mới hiểu, việc làm của mình đã lại hậu quả nguy hiểm như thế nào”.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật ngay lập tức vì nếu kéo dài, khối u ngày càng phát triển dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong ăn uống, khó thở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Kíp phẫu thuật gồm các bác sĩ ThS.BS Đoàn Trọng Tú, Trưởng khoa và ThS. BS Nguyễn Minh Trọng, ThS.BS. Hoàng Lê Minh khoa Ngoại bụng 2, bệnh viện K đã tiến hành phẫu thuật nội soi bóc tách thành công khối u thực quản đường kính 8cm cho bệnh nhân H.

Phương pháp này đảm bảo về tính thẩm mỹ, không để lại sẹo như mổ mở thông thường, giảm đau sau mổ tốt và đặc biệt là bệnh nhân có thể hồi phục nhanh chóng.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân H. đã dần ổn định, tiếp tục được theo dõi và điều trị.

Theo các bác sĩ việc người bệnh tự ý tiêm truyền, sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc đã được các bác sĩ cảnh báo rất nhiều, tuy nhiên không ít người vẫn rỉ tai nhau đến các “thầy lang” mua thuốc nam về uống, thậm chí tiêm vào cơ thể loại thuốc mà bản thân họ cũng không biết là thuốc gì. Tâm lý có bệnh thì vái tứ phương đã để lại những hậu quả khôn lường.

Nhiều bệnh nhân đến khám nếu phát hiện những khối u thì thường hoang mang với quan điểm chữa bệnh không muốn đụng chạm dao kéo tức là phẫu thuật. Nghe lời mách bảo mà nhiều người đã tự lấy lá trong  vườn, cây thuốc nam không rõ nguồn gốc để uống hoặc đắp vào các u, cục nổi lên với hy vọng những khối u đó sẽ “biến mất”. Thế nhưng, xẹp đâu không thấy, hậu quả ngày càng nặng nề hơn và không ít người đã rất hối hận chỉ vì “đánh cược” mạng sống của mình theo kiểu chữa bệnh mách bảo.

“Mỗi người cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của mình, người bệnh nên tin tưởng và tuân thủ theo phác đồ điều trị khoa học, tránh tâm lý buông xuôi, chữa bệnh theo những lời mách bảo để rồi tiền mất mà thêm tật.” – ThS.BS Đoàn Trọng Tú, Trưởng khoa Ngoại bụng 2 khuyến cáo. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Lần đầu tiên tại Việt Nam, bệnh viện huyện mổ chữa gãy chân cho cụ 103 tuổi

Bị ngã từ trên giường xuống, cụ Nguyễn Thị Nghiêm (103 tuổi, xã Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội) bị gãy xương đùi phải, được gia đình đưa lên bệnh viện tuyến trung ương nhưng bác sĩ cho bó bột chứ không mổ vì cụ đã quá cao tuổi. Về được vài ngày, cụ phải đến bệnh viện huyện cấp cứu. Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội cho biết), các bác sĩ của viện này vừa phẫu thuật cấp cứu thành công một cụ bà 103 tuổi, bị gãy xương đùi trên, tình trạng nguy kịch đến mức người nhà cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý để lo hậu sự. Theo đó, bệnh nhân là cụ bà Nguyễn Thị Nghiêm. Cụ Nghiêm là mẹ liệt sỹ. Đầu tháng 1-2019, do bị ngã từ trên giường đập hông và đùi phải xuống đất nên cụ Nghiêm bị đau dữ dội. Sau tai nạn, cụ Nghiêm được gia đình đưa thẳng lên bệnh viện tuyến thành phố rồi chuyển sang bệnh viện tuyến trung ương để chụp chiếu, điều trị.

Kết quả chụp chiếu cho thấy, cụ Nghiêm bị gãy xương đùi phải. Dù gia đình đã xin được mổ, nhưng do tuổi quá cao, kèm theo nhiều bệnh tật của tuổi già, tiềm ẩn nhiều rủi do vì thế các bệnh viện đều chỉ định bó bột và cho xuất viện.

Bó bột về nhà được vài ngày, cụ Nghiêm vẫn xuất hiện đau nhiều, phù chân phải và sức khỏe ngày càng yếu đi. Lần này, cụ Nghiêm được người nhà đưa đến bệnh viện huyện cấp cứu.

Bác sĩ chuyên khoa II Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất – người thực hiện ca phẫu thuật cho cụ Nghiêm cho biết, thời điểm cụ Nghiêm nhập viện, người thân của cụ chia sẻ gia đình đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho trường hợp xấu nhất, nhưng thấy cụ đau đớn ở chỗ chân gãy nên đã khẩn cầu bệnh viện còn nước còn tát, cố gắng phẫu thuật cho cụ. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, cụ Nghiêm được khám và chẩn đoán gãy đầu trên xương đùi phải, đã bó bột. Bác sĩ Kiên cho biết, tình trạng của cụ Nghiêm khá nặng, nếu phẫu thuật sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi do vì tuổi cụ quá cao.

“Chúng tôi đã phải cân nhắc rất nhiều về việc có nên thực hiện phẫu thuật cho cụ hay không. Trước nỗi niềm trăn trở vì bệnh nhân là mẹ liệt sĩ, lại phải chịu những nỗi đau về thể xác khi tuổi đã cao, vì thế tôi cùng tập thể các y bác sĩ đã quyết định nhận mổ cho cụ” – BS Kiên chia sẻ.

Sau gần 4 giờ hồi sức và phẫu thuật, ca mổ cho bệnh nhân đã diễn ra thành công vào lúc 19h15 phút ngày 8-1-2019. Quá trình phẫu thuật rất phức tạp vì do tuổi quá cao nên chân của bệnh nhân đã biến dạng, bị teo. Đặc biệt sau mổ, bệnh nhân còn bị suy thận, suy tim, tràn dịch, tràn khí màng phổi…

Nhưng với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa và sự nỗ lực của các y bác sĩ, Bệnh viện Thạch Thất đã điều trị thành công. Sau 10 ngày phẫu thuật, cụ Nghiêm đã ổn định và được xuất viện về với gia đình.

Được biết, trong 1 năm trở lại đây, Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất đã mổ thành công 3 ca gãy đầu trên xương đùi ở bệnh nhân gần 100 tuổi nhưng đây là lần đầu tiên trong cả nước tại một bệnh viện tuyến huyện đã mổ thành công cho bệnh nhân 103 tuổi bị gãy cổ xương đùi.  (Sức khỏe & Đời sống, trang 2; An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 02/10/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 18/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/10/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận