Điểm báo ngày 01/10/2021

(CDC Hà Nam)

Linh hoạt trong nới lỏng giãn cách; Hà Nội: Phong toả tạm thời nhà D Bệnh viện Việt Đức vì phát hiện ca dương tính SARS-CoV-2; Ứng dụng PC-Covid đã được đưa lên App Store và Google Play; Bên trong bệnh viện dã chiến quân đội: Kiên nhẫn và… kiên nhẫn; Người tiêm mũi 2 đủ 14 ngày hoặc vừa khỏi COVID-19: không buộc phải xét nghiệm định kỳ

Linh hoạt trong nới lỏng giãn cách

Từ hôm nay (1.10), TP.HCM áp dụng các biện pháp mới tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từng bước phục hồi, pt kt – xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến dịch bệnh. Tại cuộc họp báo hôm qua (30.9), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình nhấn mạnh, đến nay TP cơ bản kiểm soát được dịch, tuy nhiên vẫn còn một số phường, khu phố, tổ dân phố vẫn đang ở cấp 3 và lấn sang cấp 4 theo đánh giá của Bộ Y tế. Quan điểm của TP là không ồ ạt mở cửa, mà sẽ mở từng bước để đảm bảo an toàn sk cho người dân. “Mở cửa tới đâu, an toàn tới đó. Dần đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới”, ông Bình chia sẻ.

Đồng ý với quan điểm của chính quyền TP.HCM, ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, mong người dân TP đồng lòng, đồng hành với chính quyền để kiểm soát dịch bệnh, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn TP. Quan điểm là an toàn tới đâu mở cửa tới đó. Với sản xuất thì cũng an toàn mới sản xuất, và sản xuất phải an toàn.

“Việc mở cửa của TP cũng phải đáp ứng sát sao phù hợp đặc thù của TP. Linh hoạt hết mức có thể. Linh hoạt từng không gian, đặc thù của từng khu vực và linh hoạt về thời gian. Mở cửa có lộ trình, và có độ co giãn, tức đóng ngay lập tức nếu có yếu tố dịch tễ nguy cơ, và nới lỏng nếu có yếu tố dịch tễ tốt hơn”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh và cho rằng nếu một người lơ là, một cộng đồng lơ là, một tập thể lơ là thì không tránh khỏi và không loại trừ khả năng TP phải “đóng cửa” trở lại.

“TP.HCM vẫn ưu tiên luồng xanh. Còn người dân không có việc cần thiết thì không di chuyển ra TP. Trường hợp cần thiết thực hiện theo hướng dẫn của Sở GTVT”, Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình nói và nhấn mạnh: “TP mở lại các hoạt động, người dân có đủ điều kiện tham gia lưu thông chỉ đi lại nội ô TP. Người dân ở lại TP tiếp tục tham gia hoạt động sản xuất, được chích vắc xin; người dân khó khăn sẽ được nhận gói hỗ trợ hoặc túi an sinh; nếu có nhu cầu về quê ở các tỉnh thì đi có tổ chức, được cho phép qua các tỉnh. Còn đi xe cá nhân sẽ không qua được các chốt kiểm soát”.

Theo ông Lê Hòa Bình, TP sẵn sàng đón người dân, công nhân tham gia sản xuất đã về quê, trở lại TP.HCM, đặc biệt là 5 tỉnh lân cận (Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu). Nhưng TP và 5 tỉnh này sẽ phối kết hợp để đưa người dân trở lại TP bằng phương tiện xe chung, không tự ý đi xe cá nhân.

Thông tin thêm, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết Công an TP duy trì 12 chốt chính giáp ranh các tỉnh và 39 chốt phụ quận, huyện cũng giáp ranh với các tỉnh. 51 chốt này phối hợp công an địa phương lân cận để kiểm soát ra vào TP.HCM. Còn tất cả chốt nội thành sẽ giải tỏa, nhưng công an vẫn duy trì thường xuyên kiểm tra, tuần tra lưu động để đảm bảo an toàn. “Công an TP.HCM sẽ tăng cường kiểm soát đột xuất trên đường một cách ngẫu nhiên 24/24”, đại tá Quang nói.

Lý giải việc TP lập chốt kiểm soát, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình khẳng định việc giữ các chốt kiểm soát này nhằm tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn cho người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận. Theo ông Bình, mỗi một tỉnh, thành có mức độ phủ vắc xin và dịch bệnh khác nhau, nên việc kiểm soát này cũng nhằm hạn chế, không cho người dân tự ý đi liên tỉnh, để đảm bảo sức khỏe cho chính mình (Thanh niên, trang 3).

Hà Nội: Phong toả tạm thời nhà D Bệnh viện Việt Đức vì phát hiện ca dương tính SARS-CoV-2

Chiều 30/9, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội có báo cáo nhanh trường hợp dương tính SARS-CoV-2 mới tại Bệnh viện Việt Đức. Bệnh nhân tên P.Đ.T, nam, sinh năm 1972, địa chỉ tại xóm 6, Mỹ Hòa, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Bệnh nhân là người nhà vào chăm sóc em rể điều trị tại khoa Ung Bướu Bệnh viện Việt Đức từ ngày 19/9, khi vào có xét nghiệm kháng nguyên âm tính tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 29/9, Bệnh viện Việt Đức xét nghiệm PCR trước khi ra viện, kết quả nghi ngờ, CDC Hà Nội khẳng định dương tính. Hiện tại lực lượng chức năng tạm thời phong tỏa tòa nhà D Bệnh viện Việt Đức, lấy mẫu toàn bộ người nhà, bệnh nhân, nhân viên y tế trong tòa nhà, khoảng 1.400 người. Liên quan đến ca bệnh này, CDC Hà Nội cũng thông báo tìm người trên địa bàn thành phố Hà Nội có đến làm việc, khám chữa bệnh hoặc chăm sóc người bệnh tại Tầng 8, Nhà D, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 40 Tràng Thi, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội kể từ ngày 19/9/2021 đến 30/9/2021. Người đến địa chỉ trên liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thoại đến số 0969.082.115/ 0949.396.115 để được tư vấn hỗ trợ (Tiền phong, trang 13; An ninh thủ đô, trang 6; Nhân dân, trang 8).

Ứng dụng PC-Covid đã được đưa lên App Store và Google Play

Sáng 30.9, ứng dụng chống dịch thống nhất PC- Covid đã được đưa lên các kho ứng dụng App Store và Google Play. Khi tải về để cài đặt trên điện thoại, người dùng có thể thấy ứng dụng này được đồng bộ hóa với Bluezone (những người đã cài đặt Bluezone), không phải nhập lại thông tin cá nhân. Ứng dụng được trang bị 9 tính năng chính, gồm: thẻ Covid- 19; khai báo y tế; khai báo di chuyển nội địa; thông tin tiêm vắc xin, xét nghiệm; cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; quét mã QR; truy vết tiếp xúc gần, bản đồ nguy cơ, phản ánh.

Trong đó, tính năng quan trọng của ứng dụng chính là thẻ Covid-19 với 3 trạng thái xanh, vàng, đỏ. Thông tin và màu thẻ sẽ được cập nhật tự động hóa dựa trên số lượng tiêm 1 mũi hay 2 mũi, xét nghiệm âm tính hay dương tính.

PC-Covid được liên thông để thực hiện đối soát, xác thực với các nguồn dữ liệu lớn, quan trọng, gồm: cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý); cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội VN quản lý); cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng (Bộ Y tế quản lý) và cơ sở dữ liệu về xét nghiệm Covid-19. Dự kiến ứng dụng này sẽ thay thế toàn bộ các ứng dụng khai báo y tế hiện nay (trừ Sổ sức khỏe điện tử sẽ được phát triển theo hướng riêng phục vụ ngành y tế).

Tuy nhiên, trong ngày hôm qua, khi nhiều người cài đặt  đã gặp các lỗi như chậm hoặc không đồng bộ hóa được dữ liệu với những người đã cài sẵn Bluezone. Với những người chưa cài Bluezone còn gặp khó khăn khi nhập thông tin hoặc mã xác nhận gửi về quá chậm. Ngoài ra, một số lỗi hiển thị khác như người đã tiêm 2 mũi vắc xin, nhưng chỉ hiển thị thông tin tiêm 1 mũi…

Đại diện Trung tâm CN phòng, chống dịch quốc gia cho biết dự kiến hôm nay (1.10) sẽ họp báo công bố chính thức về ứng dụng PC-Covid. Trong quá trình liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng, nền tảng, có thể xảy ra một số trục trặc, các đơn vị liên quan đang khẩn trương khắc phục cũng như đồng bộ hoá dữ liệu (Thanh niên, trang 4; An ninh thủ đô, trang 6; Tiền phong, trang 2).

Bên trong bệnh viện dã chiến quân đội: Kiên nhẫn và… kiên nhẫn

Đa số bệnh nhân vào BV đều có tâm trạng nặng nề, lo lắng và bất ổn. Chính vì vậy, việc giữ không gian yên bình, vui vẻ, nhiều năng lượng tích cực là rất cần thiết trong suốt quá trình điều trị. Nửa tháng ở BV dã chiến truyền nhiễm 5D, các y bác sĩ nói thẳng với chúng tôi: “Các báo chí tôn vinh thì cũng tốt thôi. Nhưng chẳng thấy ai kể lại chuyện nhân viên y tế phải kiên nhẫn, kiên trì với các bệnh nhân quậy phá, thần kinh không bình thường” và bảo: “Đó mới là thử thách thực sự với y bác sĩ vào chống dịch”…

“Tâm sự đêm khuya”

Ở BV dã chiến truyền nhiễm 5D, các khu bệnh nhân đều dán tờ giấy A4 “Đường dây nóng, số điện thoại tiếp nhận – giải đáp kiến nghị, phản ánh của người dân” ghi rành mạch số điện thoại di động của đại tá Nguyễn Văn Chinh (Giám đốc) và trung tá Dương Ngọc Tuyển (Phó giám đốc). Bệnh nhân mới vào nhập viện, thấy thiếu thốn hay thắc mắc bất cứ thứ gì cũng gọi “đường dây nóng”.

Thấy được trả lời ngay, bệnh nhân lại… bảo nhau cùng gọi hỏi từ cái chổi quét nhà, giờ ăn, cơm nguội hay nóng cho đến tư vấn chữa trị. Với những bệnh nhân khác thường, 2 số điện thoại này là thú vui duy nhất, trong những đêm khó ngủ, cần nói chuyện – tâm sự với ai đó. Những ngày ở BV, mỗi buổi sáng, thấy đại tá Chinh mặt mũi bơ phờ, mắt thâm quầng, y như rằng đêm qua có bệnh nhân liên tục gọi điện, nhá máy, không cho ngủ. “Rất mệt. Nhưng lỡ trong mấy chục cuộc gọi ấy, có bệnh nhân cần kíp thực sự thì sao?”, đại tá Chinh lắc đầu.

Dỗ dành khám bệnh

“BV dã chiến là xã hội thu nhỏ, bởi các bệnh nhân vào điều trị có đủ mọi hoàn cảnh, tính cách, mối quan hệ, cách ứng xử…”, thiếu tá Trần Văn Hải, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, khẳng định vậy và kể: Ngày 5.8.2021, anh T.T.T (34 tuổi, ở KP.5, P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức, TP.HCM) xét nghiệm PCR tại trung tâm y tế địa phương ra kd dương tính. Ngay lập tức, anh T. được địa phương chuyển vào BV dã chiến 5D điều trị tại Khoa Vừa 1. Ngày 15.8, bệnh nhân T. được chuyển sang Khoa Hồi sức cấp cứu trong tình trạng loạn thần kích thích, hoang tưởng bị sát hại và không hợp tác điều trị.

Từ ngày 15 – 16.8, bệnh nhân T. nhiều lần cầm dao (mang theo để gọt trái cây) đe dọa, rượt đuổi các nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ… Dẫu biết tiếp xúc với bệnh nhân có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng các y bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu đã dùng mọi biện pháp, trong đó có cả vận động và… dỗ dành, để bệnh nhân đồng ý ngồi im thực hiện xét nghiệm. Sau mấy lần cho kết quả âm tính, bệnh nhân T. được xuất viện, trở về địa phương.

Cả ngàn người chịu đựng vài người

Đa số bệnh nhân vào BV đều có tâm trạng nặng nề, lo lắng và bất ổn. Chính vì vậy, việc giữ không gian yên bình, vui vẻ, nhiều năng lượng tích cực là rất cần thiết trong suốt quá trình điều trị. Ngược lại, sự căng thẳng, ức chế sẽ phát sinh và có khi, sự “châm ngòi” từ cá nhân 1 người bệnh sẽ kéo theo hội chứng đám đông bức xúc, rất nguy hiểm với tâm lý toàn BV.

Trường hợp của bệnh nhân T.Đ.Đ (39 tuổi, ở tổ 9, KP.Tây B, P.Đông Hòa, TP.Dĩ An, Bình Dương) là một ví dụ. Nhập viện ngày 22.8 do dương tính Covid-19, bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại Khoa Nhẹ. Nằm điều trị được mấy ngày, anh này chuyển trạng thái loạn thần, liên tục quát mắng chửi bới và gây phiền nhiễu đến người khác.

Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, bệnh nhân Đ. tự ý rời phòng ở, xuống sân chung giữa 2 nhà A3 và A5, liên tục hò hét, chửi bới gây gổ với các bệnh nhân khác. Ngày 1.9, chúng tôi chứng kiến bệnh nhân Đ., sau khi chửi bới gây gổ ngoài sân, đã xông vào phòng điều trị của Khoa Nặng la ó hò hét, cản trở hoạt động của kíp trực.

Cao điểm là tối 1.9, bệnh nhân Đ. lao vào phòng điều trị bệnh nhân nặng, đập phá vật tư thiết bị y tế, trèo lên giường các bn đang điều trị, rút dây thở ô xy, quăng quật các máy thở. Trước sự phản ứng kịch liệt của các bệnh nhân đang điều trị, Ban giám đốc BV phải nhờ công an can thiệp. Khi các dân quân, lực lượng bảo vệ vây bắt, bệnh nhân Đ. xé rào chạy ra khỏi khu cách ly hòng trốn chạy. Cả chục người phải rất vất vả mới đưa được bệnh nhân vào xe cứu thương, chuyển BV khác, ngay trong đêm. Khi xe chở bệnh nhân Đ. chuyển bánh, cả ngàn bệnh nhân đang tập trung theo dõi trên các lầu đồng loạt vỗ tay, thở phào hò reo mừng… “thoát nạn”.

Xin được ở lại làm tình nguyện viên

Rất nhiều bệnh nhân kết thúc điều trị tại BV dã chiến 5D xin được ở lại. Một số, do được chăm sóc chu đáo, cảm động nên muốn đóng góp sức mình làm tình nguyện viên. Đa số là công nhân, người ld ngoại tỉnh, làm thuê làm mướn thì xin ở lại để có chỗ ở, mỗi ngày được 3 bữa cơm ăn bởi có bị trả về nơi tạm trú, cũng lại ru rú thất nghiệp. Rất nhiều người còn không có chỗ về bởi người thân, bạn bè, hàng xóm sợ hãi bệnh dịch, tẩy chay, xa lánh. Mới đây nhất, một bệnh nhân nữ ở TP.HCM, trước khi xuất viện, gọi điện báo tin cho chồng, nhưng anh này một mực bắt ở lại, không cho về. Quá chán nản, bệnh nhân đã uống thuốc ngủ tự tử, khi kíp trực cấp cứu, phát hiện thêm lưỡi dao lam ở ngay trong tay áo, bệnh nhân định rạch tay, nếu thuốc… không ngấm.

Thiếu tá Trần Nam Sơn, Chủ nhiệm chính trị BV, cho biết: “Trước giờ bệnh nhân lên xe về lại địa phương, anh em phải đi kiểm tra các phòng bệnh, ngõ ngách để tìm bệnh nhân trốn ở lại. Đã có trường hợp, người khỏi bệnh sang tận khu nhà ở của y bác sĩ, hòng không phải về. Có nhóm đồng bào dân tộc, không nói được tiếng phổ thông, cứ giơ tay xin ở lại” và trầm giọng: “Biết là về nhà sẽ sống rất khó khăn. Nhưng quy định, không làm khác được”.

Nhiều anh em trong BV kể: Một số bệnh nhân khi xuất viện, ném cả chăn, màn, gối, chiếu bộ đội (cấp mượn trong quá trình điều trị) vào thùng rác, chỗ đựng đồ quét dọn, nhà vệ sinh và khu đất hoang sau tòa nhà… Cán bộ chiến sĩ vừa tìm người trốn ở lại, vừa thu dọn các quân trang của chính mình, đã nhường cho bệnh nhân (Thanh niên, trang 22).

Người tiêm mũi 2 đủ 14 ngày hoặc vừa khỏi COVID-19: không buộc phải xét nghiệm định kỳ

 “Người đã tiêm đủ mũi hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng không phải xét nghiệm định kỳ” – Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa hướng dẫn ngày 30-9 đối với việc xét nghiệm tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Với quy định rất mới này, số lượng người phải xét nghiệm định kỳ sẽ giảm xuống.

Xét nghiệm cho người đã tiêm đủ liều vắc xin như thế nào là vấn đề rất được quan tâm, nhất là khi số người tiêm đủ mũi đã ở mức trên 9 triệu người và đang tăng rất nhanh, khi trên 32 triệu người đã tiêm mũi 1 cho đến nay đang được thúc đẩy để tiêm mũi 2.

Xét nghiệm sẽ giảm ra sao?

Theo Bộ Y tế, cơ sở sản xuất kinh doanh phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc với tất cả người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 (có sốt, ho, khó thở…) và thực hiện xét nghiệm định kỳ cho người lao động.

Tuy nhiên hướng dẫn mới nhất, lần đầu tiên áp dụng: người đã tiêm đủ liều vắc xin, liều cuối cùng đã tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng thì không phải xét nghiệm. Nếu có, chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc.

Hướng dẫn này cũng mở ra một quy định mới với cơ sở sản xuất kinh doanh tự xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên. Cụ thể đơn vị tự xét nghiệm phải được hướng dẫn của trung tâm kiểm soát dịch bệnh cấp tỉnh hoặc trung tâm y tế cấp huyện, test nhanh kháng nguyên sử dụng nằm trong danh mục đã được cấp đăng ký lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế.

Cơ sở sản xuất kinh doanh tự xét nghiệm sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng test, quy trình và kết quả xét nghiệm, trung tâm y tế cấp huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện và xử lý, báo cáo khi có ca dương tính.

Với quy định này, việc triển khai xét nghiệm và phí xét nghiệm cũng sẽ giảm đi, khi các cơ sở sản xuất kinh doanh có thể tự mua sắm và triển khai xét nghiệm tại đơn vị.

Với lái xe vận chuyển hàng hóa từ khu vực giãn cách xã hội sang khu vực có cấp độ giãn cách thấp hơn phải có phiếu xét nghiệm tại cơ sở y tế. Người đã tiêm đủ liều vắc xin cũng được áp dụng quy định này. Việc di chuyển liên tỉnh cũng áp dụng được quy định này, do nhiều tỉnh thành hiện vẫn yêu cầu di chuyển từ tỉnh khác tới phải có xét nghiệm âm tính.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Bộ Y tế cho hay quy định “người tiêm đủ liều hoặc khỏi bệnh thì áp dụng miễn xét nghiệm” cũng áp dụng trong trường hợp này. Trường hợp tỉnh thành nào yêu cầu cứng hoặc gây ảnh hưởng tới đi lại, di chuyển của người dân là vi phạm quy định chung đã ban hành.

Bộ Y tế đề nghị giảm ít nhất 20% giá xét nghiệm

Bộ Y tế cũng có dự thảo hướng dẫn mức phí xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2. Theo Bộ Y tế, quy định tại hướng dẫn này được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương, liên quan đến việc lấy mẫu, bảo quản, trả kết quả xét nghiệm và chi phí kit xét nghiệm thực hiện thực thanh thực chi áp dụng đối với từng phương pháp thực hiện xét nghiệm.

Cụ thể, mức giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên tối đa 32.000 đồng/xét nghiệm cộng với chi phí mua kit test nhanh (tính theo giá test nhanh trúng thầu vào bệnh viện).

Nếu giá test trúng thầu là 135.000 đồng/test (thị trường có nhiều loại test có giá công bố rẻ hơn), bệnh nhân bảo hiểm sẽ được chi trả 80% của 167.000 đồng, đồng chi trả 20%, bệnh nhân không bảo hiểm trả 167.000 đồng.

So với mức hiện hành tại nhiều bệnh viện (thường từ 200.000 đồng trở lên), mức phí dự kiến mới có giảm ít nhất từ 20%. Nếu giá test nhanh trúng thầu rẻ (đã có nhà cung cấp cho biết đang mời các địa phương mua test nhanh giá dưới 70.000 đồng/test), phí xét nghiệm nhanh kháng nguyên có thể dưới 100.000 đồng/xét nghiệm, giảm hơn 1/2 so với hiện hành.

Nếu xét nghiệm kháng nguyên nhanh trên máy miễn dịch, chi phí xét nghiệm sẽ tăng thêm 35.000 đồng/xét nghiệm.

Với xét nghiệm PCR từ bệnh phẩm dịch hầu họng trong trường hợp mẫu đơn, bao gồm phí dịch vụ lấy mẫu và bảo quản bệnh phẩm là 80.000 đồng/xét nghiệm; phí xét nghiệm và trả kết quả 114.000 đồng/xét nghiệm, cộng với chi phí test kit tính theo giá trúng thầu vào bệnh viện.

Trường hợp giá test kit trúng thầu là 300.000 đồng/test, phí xét nghiệm PCR sẽ là 494.000 đồng/xét nghiệm mẫu đơn. Mức này như vậy sẽ còn chỉ gần 1/2 so với mức Bộ Y tế hướng dẫn và áp dụng trước ngày 1-7-2021 là 734.000 đồng/xét nghiệm. Trong khi đó, khi áp dụng giá 734.000 đồng, cơ sở y tế nào cũng cho rằng bị “lỗ”, nên nhiều cơ sở đã áp dụng mức 800.000 – 1.000.000 đồng/mẫu.

Trường hợp lấy mẫu gộp, dự kiến giá gộp 5 que tại thực địa, chi phí xét nghiệm khoảng 170.000 đồng/mẫu. Xét nghiệm gộp 5 mẫu tại phòng xét nghiệm giá khoảng 214.000 đồng/xét nghiệm. Mức giá này đã bao gồm cả test xét nghiệm. Nhưng nếu giá test trúng thầu rẻ hơn mức 300.000 đồng/test, chi phí xét nghiệm sẽ rẻ hơn nữa.

Như vậy, chi phí xét nghiệm đang phụ thuộc rất nhiều vào giá test xét nghiệm. Bộ Y tế mới có thông báo hiện giá xét nghiệm đã rẻ hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên nếu so sánh với mức giá test xét nghiệm ở nhiều quốc gia, giá bán tại Việt Nam còn khá cao. Nếu triển khai đàm phán giá, mua sắm tập trung hoặc hình thức nào hợp lý thì giá test xét nghiệm sẽ rẻ hơn nữa, chi phí cho xét nghiệm cũng sẽ giảm hơn, đỡ gánh nặng cho người lao động và các doanh nghiệp.

Bộ Y tế cho biết dự kiến quy định mới về giá xét nghiệm sẽ được áp dụng từ ngày 1-11 tới, nhưng người dân có đề nghị cần áp dụng sớm hơn (Tuổi trẻ, trang 14; An ninh thủ đô, trang 2).

Ngọc Nga tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 10/8/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/7/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/11/2019

CDC Hà Nam