Điểm báo ngày 01/6/2022

(CDC Hà Nam)
Đậu mùa khỉ có thể tự khỏi và phòng ngừa bằng vaccine; TPHCM: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng 46,4% so với cùng kỳ; Ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ ra sao?; Vụ “bay lắc” tại Bệnh viện Tâm thần: Cán bộ y tế bị vô hiệu hóa như thế nào?; Hệ thống y tế cơ sở tại TPHCM: Tập trung quản lý, điều trị các bệnh mãn tính, không lây nhiễm

Đậu mùa khỉ có thể tự khỏi và phòng ngừa bằng vaccine

Ngày 31-5, Bộ Y tế đã công bố bộ tài liệu hỏi đáp về bệnh đậu mùa khỉ do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giải đáp. Người mắc đậu mùa khỉ thường có các triệu chứng như: sốt, nhức đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, năng lượng thấp, sưng hạch bạch huyết và phát ban hoặc tổn thương trên da. Phát ban thường bắt đầu trong vòng 1-3 ngày sau khi bắt đầu sốt.

Tổn thương có thể phẳng hoặc hơi gồ lên, chứa đầy dịch trong hoặc hơi vàng, sau đó có thể đóng vảy, khô dần và rụng. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Chúng cũng có thể xuất hiện trên miệng, bộ phận sinh dục và mắt. Đáng lưu ý, WHO cho biết, các triệu chứng của bệnh thường kéo dài từ 2-4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị.

WHO cho biết, bệnh đậu mùa ở khỉ có thể lây từ động vật sang người. Đặc biệt, bệnh đậu mùa khỉ cũng lây từ người sang người qua tiếp xúc gần. Virus cũng có thể lây từ người đang mang thai sang thai nhi qua nhau thai. Để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm, WHO khuyến cáo cần hạn chế tiếp xúc với những người đã nghi ngờ hoặc xác nhận mắc bệnh. Người mắc đậu mùa khỉ nên đeo khẩu trang và người tiếp xúc gần cũng cần đeo khẩu trang, sử dụng găng tay nếu phải tiếp xúc trực tiếp với tổn thương của người bệnh. Đồng thời, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc chất tẩy rửa tay có chứa cồn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.

WHO cũng cho biết, một số loại vaccine phòng ngừa bệnh đậu mùa hiện nay vẫn có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Cùng với đó, một loại vaccine mới hơn được phát triển cho bệnh đậu mùa (MVA-BN, còn được gọi là Imvamune, Imvanex hoặc Jynneos) đã được phê duyệt vào năm 2019 để sử dụng trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ nhưng chưa được phổ biến rộng rãi. WHO đang làm việc với nhà sản xuất để cải thiện khả năng tiếp cận. Những người đã được tiêm vaccine ngừa bệnh đậu mùa trước đây vẫn còn tác dụng bảo vệ khỏi bệnh đậu mùa khỉ.

Theo GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), qua giám sát, Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ nhưng Bộ Y tế tiếp tục đề nghị Sở Y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Thanh niên, trang 14).

 

TPHCM: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng 46,4% so với cùng kỳ

Ngày 31-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, hiện số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục có xu hướng gia tăng trong tuần từ 20-5 đến 26-5.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 10.052 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 46,4% với cùng kỳ năm 2021 (6.867 ca); trong đó, số ca SXH nặng là 194 ca, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).

Trong tuần 21 (từ ngày 20-5 đến 26-5), thành phố ghi nhận 1.402 ca bệnh SXH, tăng 457 ca (48,4%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca SXH tăng ở cả trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Trong tuần hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. Ghi nhận thực tế cho thấy số ca bệnh SXH tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận huyện, TP Thủ Đức. Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường 7 (quận 8); xã Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh); phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân); xã Tân An Hội (huyện Củ Chi); phường Tây Thạnh (quận Tân Phú).

Ở bệnh TCM, trong 5 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận 3.699 trường hợp, với 96% trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5 tuổi. Trong tuần 21, thành phố ghi nhận thêm 1.070 ca bệnh TCM, tăng 481 ca (81,7%) so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.

Số ca bệnh TCM tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận huyện, TP Thủ Đức. Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường 4, phường 5 (quận 8), xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), phường An Lạc (quận Bình Tân), Thị trấn Nhà Bè (huyện Nhà Bè), phường 11 (quận Tân Bình) (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ ra sao?

Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên ngay khi có thông tin về bệnh (từ Tổ chức Y tế thế giới – WHO) ngành y tế đã triển khai các giải pháp ứng phó từ sớm. Bệnh đậu mùa khỉ còn mới tại nước ta, đến nay có 20 quốc gia đã ghi nhận hơn 400 trường hợp mắc bệnh.

Giám sát người về từ vùng có dịch

Theo định nghĩa của WHO, đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh lây nhiễm từ động vật, có nghĩa là bệnh có thể lây lan từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền giữa người với người. Thời gian ủ bệnh từ 5 – 21 ngày, thông thường từ 6 – 13 ngày.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện các đơn vị vẫn đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với WHO, kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó.

Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn chuyên môn, các biện pháp phòng tránh, triệu chứng lâm sàng của bệnh đậu mùa khỉ.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, đặc biệt là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ như Benin, Cameroon, CH Trung Phi, CHDC Congo, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, CH Congo, Sierra Leone và Nam Sudan. Khi phát hiện, báo cáo ngay sở y tế để phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.

Tại TP.HCM, Sở Y tế TP giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) củng cố hệ thống giám sát tại các cửa khẩu của TP để giám sát sớm người mắc bệnh như giám sát qua máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tìm triệu chứng ở người nhập cảnh, đặc biệt là người đến từ các quốc gia đang lưu hành dịch. Đồng thời có kịch bản xử lý khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ.

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, cần sàng lọc và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, báo ngay về HCDC để xử lý kịp thời.

Không lây như COVID-19, nhưng cần phát hiện sớm

Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ thông thường không được coi là có tính truyền nhiễm cao. Bệnh lây nhiễm qua tiếp xúc vật lý gần gũi với người có nguy cơ làm lây nhiễm để gây lây nhiễm giữa người với người. Nguy cơ đối với toàn cộng đồng là thấp.

Bác sĩ Ngô Thanh Hà, Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) cho hay đậu mùa khỉ có hai chủng, một chủng là nguồn gốc từ Congo, tỉ lệ tử vong là 10%. Còn chủng khác lưu hành ở Tây Phi, tỉ lệ tử vong chỉ có 1%. Hiện tại chủng đang lưu hành ở Anh và châu Âu là chủng ở Tây Phi.

Theo nghiên cứu trên thế giới, bệnh đậu mùa khỉ là nhóm virus tương đối đồng nhóm với đậu mùa ở người. Nghiên cứu trên thế giới, vắc xin đậu mùa tương đối có hiệu quả trên đậu mùa khỉ, đồng thời cải thiện trong điều trị.

Bác sĩ Hà thông tin, hiện tại bệnh viện đã thành lập các đơn vị tiếp nhận thông tin bệnh này. Nếu người đi từ vùng dịch tễ về, khi liên hệ bệnh viện qua đường dây nóng thì sẽ được cách ly và điều trị sớm cho người bệnh. Tốt nhất, bệnh nhân nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ cần được phát hiện sớm kịp thời cách ly. Trong trường hợp phát hiện ở giai đoạn muộn cũng nên đến bệnh viện để truy vết, cách ly, điều trị phòng ngừa, hỗ trợ và theo dõi người tiếp xúc gần. Phòng bệnh rất quan trọng với cộng đồng.

Một chuyên gia lĩnh vực truyền nhiễm tại TP.HCM cho biết bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện những đợt dịch cục bộ, rải rác vài vùng ngoài châu Phi từ lâu nhưng cũng tự ổn định mà không cần can thiệp nhiều. Do đó tính lây lan không thể như các loại virus hô hấp, người dân không cần quá lo lắng về loại bệnh này.

Điều quan trọng hơn hết là các cơ sở khám chữa bệnh trong nước kịp thời phát hiện triệu chứng nghi ngờ của người bệnh vì người mắc bệnh này có biểu hiện bên ngoài “rầm rộ”, bệnh nhân không thể điều trị tại nhà nên phải đến bệnh viện chữa trị (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Vụ “bay lắc” tại Bệnh viện Tâm thần: Cán bộ y tế bị vô hiệu hóa như thế nào?

Theo cáo trạng mới ban hành của Viện KSND TP Hà Nội Nguyễn Xuân Quý (SN 1983, trú tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cùng 5 bị can liên quan bị truy tố về 3 tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”, “Mua bán trái phép chất ma tuý” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”. Trong đó, Nguyễn Xuân Quý có 1 tiền án, 2 tiền sự và 3 lần bị khởi tố song chưa xét xử.

Liên quan, Đỗ Thị Lưu (SN 1969) – cựu Trưởng khoa Phục hồi chức năng và y học cổ truyền bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Nguyễn Minh Huệ (SN 1980) và Bùi Thi Hạt (SN 1984) – cựu điều dưỡng viên và hộ lý khoa Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền bị truy tố về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” và Nguyễn Anh Vũ (SN 1986) – cựu kỹ thuật viên Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền truy tố về tội “Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý”.

Theo cáo trạng, Nguyễn Xuân Quý bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quyết định của VKSND huyện Thanh Trì về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Đối tượng điều trị tại Phòng tầng 2, Khoa phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Quý khai không mắc bệnh tâm thần nhưng lợi dụng việc này để trốn tránh việc chấp hành bản án.

Cuối năm 2020, khi Khoa phục hồi chức năng chuyển về khu nhà mới, Quý được điều trị một mình phòng bệnh tầng 2, không có bệnh nhân ở cùng. Lợi dụng sơ hở của cán bộ khoa, Quý đánh chìa khóa riêng để tự do đưa người lạ vào khoa này để mua bán, tổ chức sử dụng ma túy.

Đối tượng còn tự thiết kế phòng mình thành 3 buồng, ngăn ngoài cùng để giường bệnh điều trị. Buồng giữa Quý lắp đặt hệ thống loa công suất lớn, âm ly, đèn nháy, bàn DJ để “bay lắc”. Một buồng trong cùng, Quý kê giường và các vật dụng khác để nghỉ ngơi, sinh hoạt.

Sau khi cải tạo xong, Quý đã nhiều lần tổ chức các bữa tiệc sử dụng ma túy và bay lắc ở đây cho bạn bè, người thân đến thăm và một số nhân viên y tế như Vũ, Huệ, Hạt. Viện kiểm sát xác định, Quý cùng đồng bọn đã tổ chức thành công 3 bữa tiệc ma túy tại phòng này.

Điển hình như tối 1-2-2021, Quý được Huệ mời dự tiệc sinh nhật chị ta ở phòng cán bộ, cạnh nơi điều trị của Quý. Đối tượng sau đó cảm ơn bằng cách cho Huệ và bạn bè mượn phòng “bay lắc” để sử dụng ma túy từ 22h đến 5h sáng hôm sau.

Một lần khác, Huệ, Hạt, Vũ còn lên tận phòng Quý để xin ma túy mang xuống phòng âm nhạc của khoa cùng sử dụng. Ngoài cáo buộc trên, Viện kiểm sát xác định, Quý thường xuyên mua bán ma túy ngay tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1.

Quý khai, mua ma túy của một người không lõ lai lịch ở Nghệ An và được giao đến tận phòng điều trị. Nhận hàng, Quý và Ngọc chia thành các hộp, cất giấu lên trần phòng điều trị để tránh bị phát hiện.

Khách mua ma túy, Quý thường đưa vào phòng riêng của đối tượng để thỏa thuận về số lượng, giá cả. Đàn em đi giao hàng sẽ được Quý sẽ trả công bằng cách cho sử dụng miễn phí ma túy trong phòng điều trị.

Về hành vi “bảo kê” cho Quý lộng hành ở bệnh viện, Viện kiểm sát xác định, Đỗ Thị Lưu là trưởng khoa, chịu mọi trách nhiệm về công tác chuyên môn, quản lý hành chính và nhân sự của khoa. Ngoài việc điều trị tự nguyện cho bệnh nhân tâm thần, khoa của Lưu còn điều trị cho 10 bị can đang áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, trong đó có Quý.

Quý khai, hàng tháng nộp cho Lưu từ 6-10 triệu đồng tiền buồng bệnh để được tự do sử dụng và đưa bạn bè đến bay lắc mà không bị nhắc nhở. Quý còn khai rằng, từng bị trưởng khoa Lưu đe dọa sẽ nhận xét vào bệnh án là sức khỏe tốt để đi chấp hành án, không được điều trị tại khoa.

Sau khi nhận tiền của Quý, Lưu đưa cho tổ công đoàn 2-3 triệu đồng mỗi tháng để nhập quỹ. Tổ trưởng công đoàn có viết chi tiết các khoản thu nhưng sau đó Lưu chỉ đạo tiêu hủy hết sổ sách nên không thể nhớ từng khoản. Quá trình điều tra, Lưu khai, Quý 4 lần chúc mừng khoa với tổng số tiền là 8,5 triệu đồng.

Về việc Quý tự cải tạo buồng bệnh, cựu Trưởng khoa Phục hồi chức năng và y học cổ truyền cho rằng có nghe cán bộ khoa phản ánh và lên nhắc nhở nhưng Quý không thực hiện. Bị can Lưu cũng phủ nhận việc thu tiền phòng hàng tháng của Quý.

Ngoài hành vi bao che cho Quý, cơ quan công an xác định, bị can Lưu còn lợi dụng chức vụ trưởng khoa của mình để thu, nhận tiền trái phép của bệnh nhân và người nhà họ. Lưu thông qua quỹ công đoàn để chia cho mỗi cán bộ, nhân viên trong khoa trung bình 600.000 đồng mỗi tháng. Bị can Lưu chia tiền cho 38 cán bộ trong khoảng 24 tháng với tổng số 384 triệu đồng. Hiện các nhân viên trong khoa nhận thức đây là tiền hưởng lợi bất chính nên đã nộp lại 247 triệu đồng.

Sau khi xảy ra vụ án, ông Vương Văn Tịnh (Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1) bị kỷ luật cách chức vì đã đã buông lỏng quản lý, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị, để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội trong phạm vi bệnh viện, hậu quả rất nghiêm trọng (An ninh thủ đô, trang 15).

 

Hệ thống y tế cơ sở tại TPHCM: Tập trung quản lý, điều trị các bệnh mãn tính, không lây nhiễm

Chiều 31-5, Sở Y tế TPHCM tổ chức Hội nghị “Nâng cao năng lực y tế cơ sở” nhằm tháo gỡ những tồn tại, bất cập khiến y tế cơ sở chưa thể phát huy năng lực, thực hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, khám chữa bệnh chỉ là một mảng trong rất nhiều lĩnh vực mà các trạm y tế phải đảm trách. Nhiệm vụ của các trạm y tế là quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn. Hiện Sở Y tế đang thực hiện chuyển đổi hoạt động của các trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình để chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.

Sắp tới đây, Sở Y tế TPHCM và Bảo hiểm xã hội TPHCM sẽ phối hợp triển khai gói Can thiệp thiết yếu các bệnh không lây nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trạm y tế (gói WHO PEN).

Theo đó, gói WHO PEN sẽ có 7 nội dung chính gồm: Quản lý nguy cơ bệnh tim mạch – tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản – bệnh phổi tắc nghẽn, chẩn đoán sớm bệnh ung thư, giáo dục sức khỏe, tư vấn bỏ thuốc lá, tự chăm sóc và chăm sóc giảm nhẹ. “Các trạm y tế vẫn sẽ thực hiện khám chữa bệnh nhưng tập trung vào quản lý, điều trị các bệnh mãn tính không lây nhiễm theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Trước đó, để gỡ khó cho các trạm y tế, HĐND TPHCM đã ra Nghị quyết về các chính sách đặc thù nhằm củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn. Nghị quyết này đã góp phần động viên, khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho các bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh tham gia chương trình thực hành tại bệnh viện gắn với thực hành tại trạm y tế cũng như thu hút bác sĩ đã nghỉ hưu quay trở lại công tác tại trạm y tế.

Tuy nhiên, theo nhiều đại diện trung tâm y tế quận/huyện và trạm y tế, hiện nay khó khăn lớn nhất của các trạm y tế là không đủ thuốc thiết yếu để phục vụ nhu cầu người bệnh (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Bài viết liên quan

Sốt xuất huyết Dengue và bệnh Chikungunya do muỗi đốt có biểu hiện như nào?

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 30/5/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 05/11/2018

Ngọc Nga