Điểm báo ngày 02/4/2021

(CDC Hà Nam)
Vụ bệnh nhân lập ‘phòng bay’: Tạm đình chỉ Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sử dụng món quà quý báu vắc xin COVID-19 theo tinh thần bình đẳng trong tiếp cận

Vụ bệnh nhân lập ‘phòng bay’: Tạm đình chỉ Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1

Liên quan việc bệnh nhân lập “phòng bay” sử dụng trái phép chất ma túy trong khoa điều trị tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 (H.Thanh Trì, Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Y tế có quyết định tạm đình chỉ Giám đốc bệnh viện này.

Bộ Y tế cũng đã cử đoàn công tác làm việc tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1. Theo Bộ Y tế, đây không chỉ là vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà còn là những vi phạm nghiêm trọng quy trình quản lý bệnh viện và các quy chế, quy trình chuyên môn trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế có quyết định tạm đình chỉ công tác Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 Vương Văn Tịnh, để làm rõ trách nhiệm trong sự việc nêu trên. Lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 tạm đình chỉ công tác chuyên môn đối với các cá nhân liên quan, gồm: bác sĩ Đỗ Thị Lưu, Trưởng khoa Phục hồi chức năng và y học cổ truyền; điều dưỡng Tạ Thị Thêm, điều dưỡng trưởng Khoa Phục hồi chức năng và y học cổ truyền. Đây là khoa trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý. Việc đình chỉ nhiệm vụ với các trường hợp trên nhằm phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ vụ việc.

Thông tin từ thành viên đoàn công tác của Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ đã yêu cầu bệnh viện này báo cáo, làm rõ một số vấn đề, trong đó có yêu cầu làm rõ, có hay không hành vi dung túng Nguyễn Xuân Quý, người đang là bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, đã bị Công an TP.Hà Nội bắt vì hành vi “mua bán trái phép chất ma túy”, “tàng trữ trái phép chất ma túy” và “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” tại phòng bệnh nội trú của bệnh viện này. (Thanh niên, trang 3; Tuổi trẻ, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Lao động, trang 1)

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sử dụng món quà quý báu vắc xin COVID-19 theo tinh thần bình đẳng trong tiếp cận

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh Việt Nam chắc chắn cùng với bạn bè quốc tế, sử dụng món quà vô cùng quý báu vắc xin COVID-19 theo đúng tinh thần bình đẳng tiếp cận vắc xin. Thời gian qua, cách thức tổ chức tiêm chủng vắc xin COVD-19 ở Việt Nam là hết sức cẩn trọng…

Chiều ngày 1/4, tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã diễn ra Lễ tiếp nhận 811.200 liều vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên của COVAX Facillity thông qua UNICEF.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các Đại sứ Quán các nước tài trợ cho COVAX Facillity tham dự Lễ tiếp nhận.

Phát biểu tại lễ tiếp nhận, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gửi cảm ơn sự giúp đỡ hết sức quý báu của các quốc gia, tổ chức quốc tế, rất nhiều tổ chức cá nhân đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam cùng đấu tránh chống lại đại dịch COVID-19 và giúp Việt Nam tiếp cận được nguồn vắc xin phòng COVID-19. Hôm nay là lô đầu tiên đã về đến Việt Nam.

“Tôi chân thành cảm ơn tất cả các bạn”- Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đại dịch COVID-19 là một thách thức rát lớn đối với toàn nhân loại nhưng đây cũng là dịp để chúng ta cùng nắm tay nhau chứng minh rằng với sự đoàn kết của tất cả các tổ chức và mọi người dân ở một cộng đồng, quốc gia và trên toàn thế giới, cùng nắm tay nhau thì có thể cùng nhau vượt qua thách thức như thế này và chúng ta đang kiên trì, kiên cường vượt qua.

Theo Phó Thủ tướng, điều đáng quý, không chỉ chúng ta chiến thắng bản thân, bảo vệ cuộc sống của người dân, trong lúc khó khăn, giá trị tốt đẹp của từng con người, cộng đồng, cả nhân loại lại được nhân lên.

“Nhờ sự nỗ lực các nhà khoa học, chúng ta đã nghiên cứu làm ra vũ khí chống lại virus gây COVID-19. Các nước giàu không chỉ vì riêng mình, với sự điều phối chung của các tổ chức quốc tế cùng chia sẻ, đóng góp tri thức, tiền của để các nước chưa phát triển, chưa làm được vắc xin được tiếp cận nguồn vắc xin trong lúc còn rất khan hiếm, quý báu. Giá trị đấy tiếp tục duy trì kể cả sau này để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc”- Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Đồng thời Phó thủ tướng chia sẻ: Chúng ta có mặt hôm nay không phải đeo khẩu trang, bắt được thay nhau, không phải tự nhiên mà có mà là sự nỗ lực của tất cả người dân, không chỉ người dân Việt Nam, cả người nước ngoài đang phải ở lại Việt Nam vì đại dịch.

“Một lần nữa, tôi cám ơn nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế, trong thời gian qua đã ở Việt Nam. Mong rằng trong lúc khó khăn vì đại dịch, tự mình tìm thấy ở mình, tìm thấy người bạn tình cờ tìm thấy những điều hết sức gần gũi”- Phó Thủ tướng bày tỏ.

Cách thức tổ chức tiêm chủng vắc xin COVD-19 ở Việt Nam là hết sức cẩn trọng dù khẩn trương

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam là nước đang là phát triển, vẫn còn rất nghèo, chúng tôi ý thức được rằng không để dịch bùng phát diện rộng trước hết vì lợi ích người dân Việt Nam nhưng cũng là giúp cộng đồng quốc tế khống chế dịch bệnh.

Ngay từ đầu Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, Bộ Y tế, Bộ Khoa học công nghệ, các nhà khoa học Việt Nam tập trung nghiên cứu phân lập virus, nghiên cứu phát triển được những kit thử phát hiện virus và đang rất tích cực nỗ lực nghiên cứu, phát triển vắc xin cùng cộng đồng quốc tế, cùng chung tay chống lại đại dịch.

“Thế giới chắc chắn còn nhiều biến động trong tương lai, chúng ta không ai mong muốn nhưng luôn luôn sẵn sàng có dịch bệnh mới. Cuộc chiến chống dịch lần này, mang lại rất nhiều khó khăn, tổn thất về người, về của nhưng cũng mang lại cho chúng ta giá trị tốt đẹp để cùng bước tới tương lai”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Cảm ơn đại diện UNICEF, WHO, Điều phối viên Liên Hợp quốc, Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng chỉ 2 tháng “ngồi với nhau”, vắc xin phòng COVID-19 đã về tới Việt Nam.

Nhấn mạnh Việt Nam chắc chắn cùng với bạn bè quốc tế, sử dụng món quà vô cùng quý báu này theo đúng tình thần bình đẳng tiếp cận vắc xin với tất cả mọi người, Phó Thủ tướng thông tin: Thời gian qua, cách thức tổ chức tiêm chủng vắc xin COVD-19 ở Việt Nam là hết sức cẩn trọng dù khẩn trương.

“Đến giờ phút này, tất cả những điều nhiều nơi quan ngại về vắc xin, cơ bản ở Việt Nam đã thực hiện tốt. Tôi hoàn toàn tin, nếu 20% dân số được tài trợ vắc xin chắc chắn sẽ vượt qua được thách thức rất lớn của nhân loại”- Phó Thủ tướng nêu rõ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Cứu sống bệnh nhân bị mảnh gỗ đâm xuyên mắt, sọ não

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) vừa mổ thành công cho 1 trường hợp nữ bệnh nhân T.T.H, 40 tuổi, dân tộc Sán Chí, ở Bắc Kạn, nhập viện do tai nạn lao động – cành cây xuyên qua hốc mắt vào sọ não.

Trên các phim sọ cho thấy hình ảnh dị vật xuyên từ hốc mắt bên phải qua lỗ thị giác, qua thành ngoài xoang hang phải, qua bờ trên xương đá qua lều tiểu vào. Dị vật cắm vào tiểu não phải sát thân não gây tổn thương chảy máu và khí dọc đường đi của dị vật.

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cùng các chuyên gia Bệnh viện Mắt Trung ương quyết định: Lấy bỏ nhãn cầu và lấy bỏ dị vật trong hố mắt và trong sọ

Ca phẫu thuật thành công, hiện bệnh nhân tiếp tục được điều trị và theo dõi tổn thương nhiễm trùng và chảy máu sau mổ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Tiếp nhận hơn 811 nghìn liều vắc-xin phòng Covid-19

Chiều 1-4, tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bộ Y tế tổ chức lễ tiếp nhận 811.200 liều vắc-xin phòng Covid-19 (đợt một) do COVAX Facility tài trợ.

Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam dự. Phát biểu ý kiến tại lễ tiếp nhận, Phó Thủ tướng chân thành cảm ơn sự giúp đỡ hết sức quý báu của các quốc gia, tổ chức quốc tế, cá nhân đối với nhân dân Việt Nam, giúp Việt Nam tiếp cận được nguồn vắc-xin phòng Covid-19. Việt Nam là nước đang phát triển, luôn ý thức không để dịch bùng phát diện rộng, trước hết vì lợi ích người dân Việt Nam, nhưng cũng là giúp cộng đồng quốc tế khống chế dịch bệnh… Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam khẳng định: Việt Nam sẽ sử dụng món quà vô cùng quý báu này theo đúng tinh thần bình đẳng tiếp cận vắc-xin với tất cả mọi người. Thời gian qua, cách thức tổ chức tiêm chủng vắc-xin Covid-19 ở Việt Nam rất cẩn trọng.

Ngoài lô vắc-xin lần này, COVAX Facility cam kết cung cấp cho Việt Nam 3.364.800 liều vắc-xin phòng Covid-19, dự kiến vào tháng 5-2021. Các lô còn lại trong cam kết 30 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của COVAX Facility sẽ về đến Việt Nam vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Toàn bộ 30 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được COVAX Facility cung cấp miễn phí cho
Việt Nam, thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mua và cung ứng. (Nhân dân, trang 1; Công an nhân dân, trang 1)

 

Chuyển đổi số ngành y tế quan trọng nhất là tạo tiện ích cho người dân, cơ quan quản lý

“Quan trọng nhất trong chuyển đổi số của ngành y tế là phải tạo tiện ích cho người dân cũng như cơ quan quản lý, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Ngành y tế cải tiến mạnh mẽ từ ứng dụng công nghệ thông tin

Thông tin tại cuộc họp Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các đơn vị ngành y tế ngày 30/3, Cục Công nghệ thông tin cho biết, đến ngày 30/6/2020, Bộ Y tế đã công bố 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 4, về đích trước thời hạn Chính phủ giao; Cổng dịch vụ công của Bộ Y tế khai trương tháng 11/2019, 100% dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế đã được kết nối với Cổng dịch vụ công Bộ Y tế; 107 thủ tục hành chính được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt chỉ tiêu do Chính phủ giao.

Ngành y tế cũng thúc đẩy số hóa ngành dược để phục vụ quản lý được tốt hơn. Về thiết lập Cổng thông tin Công khai giá trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã và đang công khai giá các thiết bị y tế cũng như cấu hình thiết bị y tế, tiến tới công khai giá trúng thầu của các gói thầu thiết bị y tế sẽ giúp cho các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm thiết bị y tế tham khảo, lập dự toán nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả.

Hiện có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Một số bệnh viện đã sử dụng mạng xã hội trong tương tác bệnh nhân như bệnh viện tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM; phát triển ứng dụng bệnh án điện tử cho bệnh nhân; ứng dụng điện toán đám mây ở Nghệ An, Tiền Giang, Kon Tum….

Đã có 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Lần đầu tiên một số bệnh viện đã thí điểm đưa ứng dụng “điện toán biết nhận thức” hỗ trợ điều trị ung thư tại Bệnh viện K (năm 2017), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ (năm 2018), Quảng Ninh (năm 2018)… Một số bệnh viện ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giám sát phác đồ điều trị nội trú, ngoại trú (cho phép sử dụng cận lâm sàng và thuốc với mã ICD tương ứng; cảnh báo tương tác thuốc và sử sụng thuốc).

Ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh đạt được một số kết quả như hoàn thành xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe cá nhân, phần mềm tiêm chủng mở rộng, ngân hàng dữ liệu ngành dược, ứng dụng công khai y tế, các ứng dụng hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19,… Xây dựng phần mềm quản lý tiêm chủng triển khai trên cả nước, đã có trên 6,2 triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý.

Gắn chặt việc ứng dụng công nghệ thông tin với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc chuyển đổi số hay ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế là nhiệm vụ vừa mang tính chính trị vừa mang tính chuyên môn, gắn chặt với hoạt động quản lý và hoạt động thường ngày của Bộ Y tế.

Gắn chặt việc ứng dụng công nghệ thông tin với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị” –GS.TS Nguyễn Thanh Long nêu rõ và khẳng định từ nay việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu có cả phần đánh giá về ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị. “Đối với đơn vị trực thuộc Bộ là các đồng chí cấp trưởng vụ/cục/thanh tra/văn phòng phải chịu trách nhiệm” – ông nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành y tế cũng nhấn mạnh, việc quản lý về dữ liệu y tế chỉ duy nhất Bộ Y tế có quyền quản lý, khai thác, sử dụng và bảo mật thông tin sức khoẻ của người dân theo hình thức cơ bản là tập trung và thường kỳ cập nhật thông tin lên hệ thống dùng chung.

Quan trọng nhất trong chuyển đổi số của ngành y tế là phải tạo tiện ích cho người dân cũng như cơ quan quản lý, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng lưu ý việc lấy hồ sơ sức khoẻ người dân là trung tâm của mọi trung tâm, Bộ trưởng cho hay hiện đã có hơn 97,5 triệu hồ sơ sức khoẻ cá nhân được quản lý. Đây là trung tâm để triển khai các dịch vụ khác như đăng ký khám chữa bệnh online, quản lý thông tin chống dịch…

Lấy ví dụ từ lĩnh vục y tế dự phòng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhắc lại yêu cầu về việc tiêm chủng online, có nghĩa là cập nhật thông tin tiêm chủng vaccine của mỗi người lên hệ thống QR-code để tiến hành thực hiện “hồ sơ vaccine”. Thông tin này sẽ cập nhật đầy đủ lịch trình tiêm chủng của mỗi người dân, link với hồ sơ sức khoẻ điện tử.

Đối với lĩnh vực khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu từ ngày 1/7 các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện cập nhật thông tin khám chữa bệnh ngoại trú điện tử, không được dùng giấy như hiện nay. Hiện 42 mẫu bệnh án đã có trên hệ thống. Điều này quản lý được tình trạng đi khám nhiều lần. “Như thế chắc chắn sẽ không còn chuyện 2 tháng người dân đi khám 80 lần” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công, sớm đưa vào ứng dụng AI trong hoạt động cấp phép của ngành y tế…

Về vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu cần có sự thống nhất giữa các bệnh viện, tránh tình trạng như hiện nay mỗi bệnh viện có đến vài ngân hàng.

Nhất trí phần mềm – nền tảng V20 là tổng hợp tất cả những nội dung liên quan đến báo cáo và thống kê vì cập nhật thường xuyên từ tuyến xã trở nên. Khi tuyến xã cập nhật thì tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương đều có thể nắm bắt được. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu rà soát lại những nội dung báo cáo, thống kê trong nền tảng này để tạo thuận lợi cho việc triển khai.

Đối với vấn đề khám chữa bệnh từ xa, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay Bộ Y tế chỉ quản lý các điểm cầu bệnh viện, còn bệnh viện kết nối với các điểm cầu khác là do bệnh viện chủ động. Quan trọng nhất là phải phát huy được hiệu quả giúp rút ngắn khoảng cách y tế giữa tuyến trên và tuyến dưới, giúp người bệnh tuyến dưới được thụ hưởng y tế chất lượng cao của tuyến trên…

Nhất trí tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công của ngành, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động của cơ quan Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin và yêu cầu các vụ/cục liên quan đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện hạ tầng để dự kiến đến tháng 7/2021, đưa vào ứng dụng AI trong hoạt động cấp phép của Cục Quản lý Dược và Cục An toàn thực phẩm… (Gia đình & Xã hội, trang 5)

 

Việt Nam sẽ đủ vắc-xin cho các nhóm ưu tiên

Sáng 1/4, 811.200 liều vắc-xin phòng COVID-19 đầu tiên từ COVAX Facility về tới Việt Nam. Vắc-xin do UNICEF mua và cung ứng thông qua COVAX dự kiến sẽ cung cấp đủ cho các nhóm ưu tiên thuộc 20% dân số Việt Nam.

Đánh giá những liều vắc-xin COVID-19 đầu tiên từ COVAX là “món quà vô cùng quý báu”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam sẽ sử dụng theo đúng tinh thần “bình đẳng trong tiếp cận với vắc-xin cho tất cả mọi người”.

Ngay khi về đến Việt Nam, lô vắc-xin 811.200 liều vừa được chuyển đến bảo quản tại kho của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, sau đó Bộ Y tế sẽ điều phối phân bổ để tiêm chủng tại 63 tỉnh, thành phố trong tháng 4. Dự kiến, hơn 3,3 triệu liều vắc-xin tiếp theo sẽ được cung ứng vào tháng 5. Các lô còn lại trong cam kết 30 triệu liều vắc-xin của COVAX sẽ về đến Việt Nam vào cuối năm nay và đầu năm sau. Toàn bộ 30 triệu liều này cung cấp miễn phí cho Việt Nam, thông qua UNICEF mua và cung ứng.

“Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng với Chính phủ Việt Nam đạt được dấu mốc quan trọng này trong công tác ứng phó với đại dịch COVID-19. Thành tựu này là minh chứng cho sự đoàn kết toàn cầu và nhiều quốc gia và các đối tác đã hợp tác với nhau để mang lại lợi ích quan trọng cho sức khỏe cộng đồng. Tôi đánh giá cao Việt Nam vì những nỗ lực vượt bậc để tạo điều kiện đưa vắc-xin của COVAX vào Việt Nam”, TS Park Ki-dong, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết.

Vắc-xin do UNICEF mua và cung ứng thông qua COVAX dự kiến sẽ cung cấp đủ cho các nhóm ưu tiên thuộc 20% dân số Việt Nam. Bà Rana Flowers, Đại diện UNICEF, cảm ơn các quốc gia đã hào phóng ủng hộ tài chính cho COVAX Facillity.

Bà nói: “Chúng tôi hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam trong việc hỗ trợ lập kế hoạch, đào tạo và truyền thông, cũng như mua và cung cấp thêm bơm kim tiêm, hộp an toàn và tủ lạnh chuyên dụng bảo quản vắc-xin. Chỉ khi vắc-xin phòng COVID-19 được triển khai đến toàn thể người dân ở khắp mọi miền Việt Nam, thì cuộc sống và nền kinh tế mới có thể trở lại bình thường”.

Nắm tay nhau vượt qua đại dịch

Phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận lô vắc-xin đầu tiên từ COVAX Facility, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam chân thành cảm ơn sự giúp đỡ hết sức hiệu quả và quý báu của cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế, quốc gia bè bạn và nhiều tổ chức, cá nhân giúp nhân dân Việt Nam cùng chống lại đại dịch nói chung, đặc biệt là giúp Việt Nam tiếp cận nguồn vắc-xin COVID-19.

Phó Thủ tướng nhận định: “Đại dịch COVID-19 là thách thức rất lớn của toàn nhân loại. Điều đáng quý không chỉ chiến thắng bệnh tật, bảo vệ cuộc sống của người dân mà trong lúc khó khăn, giá trị tốt đẹp nhất của từng con người, từng cộng đồng, dân tộc và cả nhân loại lại được nhân lên”.

Ông cho rằng, thế giới chắc chắn sẽ còn nhiều biến động trong tương lai, dù không mong muốn, vì vậy, phải luôn luôn sẵn sàng tình huống sẽ có những dịch bệnh mới.

“Lần chống lại đại dịch COVID-19, cả thế giới gặp rất nhiều khó khăn và cả tổn thất về người, về của, nhưng cũng sẽ đem lại cho chúng ta các giá trị tốt đẹp để cùng bước tiếp tới tương lai”, ông nói.

Theo Phó Thủ tướng, với sự điều phối chung của các tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển có điều kiện kinh tế đã chung tay chia sẻ, đóng góp tri thức và vật chất để các nước đang phát triển hay chưa tự mình phát triển được vắc-xin được tiếp cận nguồn vắc-xin phòng COVID-19 lúc này đang rất khan hiếm. “Chúng ta có mặt hôm nay không phải đeo khẩu trang, được bắt tay nhau, không phải tự nhiên mà có”, ông nói. Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng, nếu chương trình thực hiện đúng mục tiêu ban đầu (20% dân số thế giới được tiếp cận vắc-xin), chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua đại dịch. (Tiền phong, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 12/12/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/4/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/10/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận