Điểm báo ngày 03/4/2019

(CDC Hà Nam)
Anti vắc-xin hay là hành động gọi “thần chết” đến gần con mình hơn; Yêu cầu cung ứng đủ vắc xin “5 trong 1” và “6 trong 1” cho người dân; Quản lý dịch bệnh bằng… bản đồ; …

Anti vắc-xin hay là hành động gọi “thần chết” đến gần con mình hơn

“Anti vắc-xin” là từ chỉ hành động phản đối vắc-xin, không cho trẻ tiêm vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Trào lưu này đang lan rộng toàn cầu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), anti vắc-xin nằm trong top 10 “mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu” năm 2019.

Theo các chuyên gia y tế khẳng định, trào lưu anti vắc-xin vô cùng nguy hiểm, có thể tạo điều kiện để dịch bệnh bùng phát, có thể khiến những đứa trẻ đang khỏe mạnh phút chốc bị tàn phế bởi những di chứng nặng nề của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Một trong những chiến thuật được các thành viên nhóm anti vắc-xin dùng nhiều nhất là đánh vào cảm xúc bằng những câu chuyện. Họ kể những trường hợp tai biến mà họ cho rằng do vắc-xin gây ra, nhằm khơi gợi thương cảm và từ đó che mờ lý trí của người đọc, khiến không phân định nổi đúng sai. Họ đưa ra bằng chứng cũng chỉ là những bằng chứng phân nửa để đánh lừa người đọc. Những cái nhìn nhận về vắc-xin chỉ theo một chiều mà không thấy tác dụng sâu xa của nó. Chưa kể trong các thông điệp họ gửi đi cho mọi người có nhiều sai sót cơ bản về thuật ngữ khoa học và kiến thức y khoa cơ bản, rất dễ khiến những người còn đang phân vân có nên cho con tiêm vắc-xin hay không hiểu sai về công dụng của vắc-xin.

Khi nhìn thấy những bài viết của nhóm anti vắc-xin có đến hơn 5 nghìn lượt share, ai đó sẽ chợt rùng mình nhẩm tính: nếu 5 nghìn lượt người share này là 5 nghìn người sẽ không tiêm phòng cho con mình, rồi mỗi người sẽ tác động thêm một người nữa thôi thì sẽ có hơn 10 nghìn đứa trẻ không được tiêm phòng. Quá đáng sợ!

Dựa trên báo cáo từ WHO, số liệu thống kê đưa trên Bloomberg cho thấy từ đầu năm 2018 đến nay, bệnh sởi đã gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu. Theo thống kê này, dịch sởi đang lây lan nhanh ở một số nước châu Á và châu Âu, ở châu Phi và Trung Đông. Ngay cả Mỹ, quốc gia có nền y tế tiên tiến cũng phải lo sợ trước dịch sởi. Theo WHO, trong năm qua, đã có khoảng 82.600 người tại 47 quốc gia châu Âu được thống kê (dân số gần 900 triệu người) đã mắc bệnh sởi. Đây được xem là mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Và trong số đó có 72 trường hợp đã tử vong.

Biến chứng của sởi tuy hiếm nhưng số người bị nhiễm tăng thì khả năng bị biến chứng cũng tăng theo. Biến chứng thần kinh thường gặp nhất của sởi là viêm não. Cứ 1.000 ca mắc sởi sẽ có từ 1 đến 3 người bị viêm não nguyên phát xảy ra trong giai đoạn phát ban và có 10% đến 15% trong số đó tử vong, 25% số người bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Cái chết đến với những người bị viêm não là do khi bị viêm, não sẽ sưng nề và to ra. Tuy vậy, não được chứa và bảo vệ bên trong hộp sọ vốn là một hộp xương rất cứng chắc nên không thể phình to ra theo nó được. Kết quả là nó sẽ nén phần thân não bên dưới. Thân não là vùng não chỉ huy những hoạt động duy trì sự sống còn cho cả cơ thể, trong đó bao gồm cả hoạt động hít thở và lưu thông máu. Khi bị đè ép quá mức nó sẽ ngừng hoạt động.

Không chỉ với bệnh sởi, năm 2018, một số quốc gia châu Âu cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ gia tăng bệnh do sai lầm của người dân tin rằng việc tiêm chủng là không cần thiết. Đơn cử rõ nhất là bệnh ho gà.

Từ những năm 1980 trở lại đây, bệnh ho gà dường như đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Số lượng các ca mắc bệnh tăng nhanh trong vài năm qua, đặc biệt là ở Mỹ. Theo một bài báo được đăng trên tạp chí Các bệnh truyền nhiễm lâm sàng cho thấy, bệnh ho gà có tính chu kỳ tự nhiên và thời gian lặp lại thường từ 3 – 5 năm/lần. Nhưng trong một vài thập kỷ qua, chu kỳ này dường như được rút ngắn hơn và số trường hợp mắc bệnh cũng gia tăng đáng kể. Một số người cho rằng, nguyên nhân của điều này là do nhiều bậc cha mẹ đã nhất quyết không tiêm chủng cho con mình vì lo sợ những rủi ro và các phản ứng phụ.

Theo WHO, tiêm vắc-xin giúp loài người ngăn ngừa 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm. Sẽ có thêm 1,5 triệu ca tử vong khác được ngăn ngừa nếu tình trạng vi phạm khuyến cáo tiêm chủng toàn cầu được cải thiện. Đó là sự do dự trước vắc-xin, hay theo cách gọi thông dụng là phong trào anti vắc-xin. “Sự do dự đối với vắc-xin – miễn cưỡng hoặc từ chối tiêm dù có sẵn vắc-xin đe dọa đảo ngược tiến trình giải quyết các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin” – WHO nhận định.

Tại nước ta, hẳn nhiều người vẫn chưa quên dịch sởi năm 2014, dịch bạch hầu năm 2015 xảy ra đều do không tiêm chủng. Và bệnh ho gà (một trong những bệnh có thể gây tử vong ở trẻ), mà Việt Nam từng khống chế tốt đang có dấu hiệu quay trở lại.

Có một sự thật không thể chối cãi là: Khi có những đứa trẻ phải chết vì dịch bệnh, thì những người truyền bá anti vắc-xin không ở đó để khắc phục, mà họ “lặn mất tăm”. Không biết với lương tâm của người cha người mẹ, họ có đau lòng khi thấy 1 ca tử vong, 1 đứa trẻ phải từ giã sự sống chỉ vì hành động ngang ngược của cha mẹ: anti vắc-xin.

Khi niềm tin mù quáng của cha mẹ: từ chối tiêm chủng để con được an toàn, rất dễ dẫn đến những cái kết đau lòng. Vì vậy hơn lúc nào hết, cha mẹ hãy là người thông thái, nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch để phòng bệnh (Sức khỏe & Đời sống, trang 12).

 

Yêu cầu cung ứng đủ vắc xin “5 trong 1” và “6 trong 1” cho người dân

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu các sở y tế; các bệnh viện; các Viện: Vệ sinh dịch tễ trung ương, Pasteur TP Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang, Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế; các cơ sở sản xuất, đăng ký, nhập khẩu vắc xin đảm bảo cung ứng vắc xin phòng bệnh.

Ngày 21-2, Cục Quản lý dược đã có công văn 1900 gửi các đơn vị yêu cầu đảm bảo cung ứng vắc xin phòng bệnh phối hợp bạch hầu, ho gà, uốn ván (bao gồm cả vắc xin phối hợp phòng thêm các bệnh viêm gan B, bại liệt, bệnh do Hib, gọi tắt là vắc xin “5 trong 1” và vắc xin “6 trong 1”.

Tuy nhiên, những ngày qua, nhu cầu vắc xin “5 trong 1” và vắc xin “6 trong 1” trong tiêm chủng dịch vụ tăng cao tại một số địa phương, đặc biệt là tại Đà Nẵng.

Vì vậy, Cục Quản lý dược yêu cầu các đơn vị khẩn trương báo cáo công tác triển khai ý kiến chỉ đạo tại công văn trên. Trong đó nêu rõ thông tin chi tiết về việc đặt hàng mua vắc xin, tình hình kiểm định vắc xin trước khi lưu hành và các giải pháp đã thực hiện khi nhu cầu tiêm chủng tăng đột biến.

Trước mắt, để đảm bảo cung ứng kịp thời vắc xin “5 trong 1” và vắc xin “6 trong 1” tại một số địa phương, Cục Quản lý dược đề nghị các đơn vị cung ứng ưu tiên cung ứng ngay lượng vắc xin còn tồn kho và lượng vắc xin sắp nhập kho cho các cơ sở tiêm chủng đang thiếu vắc xin đột biến như báo chí phản ánh, hoặc theo sự điều phối của Cục Quản lý dược hay Cục Y tế dự phòng nhằm tránh hiện tượng thừa, thiếu cục bộ vắc xin.

Đối với vắc xin đã nhập khẩu về và chờ Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế (NICVB) kiểm định, NICVB tập trung nguồn lực để khẩn trương kiểm định vắc xin theo đúng chỉ đạo của Cục Quản lý dược (Hà Nội mới, trang 5).

 

Tỷ lệ mất an toàn y khoa chiếm 10% nguyên nhân tử vong trong bệnh viện

Ngày 2-4, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo triển khai một số hướng dẫn về an toàn người bệnh và bảo đảm an toàn phẫu thuật.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ mất an toàn trong y khoa chiếm từ 6% đến 12% số lượt điều trị nội trú và chiếm tới 10% nguyên nhân tử vong bệnh viện. Điều đáng nói, khi sự cố y khoa không mong muốn xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân. Riêng với người bệnh, sự cố y khoa khiến họ phải chịu thêm ảnh hưởng tới sức khỏe, bị khuyết tật tạm thời hay vĩnh viễn, thậm chí tử vong… Do đó, việc bảo đảm an toàn người bệnh và an toàn phẫu thuật là mục tiêu sống còn của hệ thống y tế Việt Nam.

Hiện tại, Bộ Y tế đã xây dựng bộ Tiêu chí đánh giá mức độ và chất lượng phẫu thuật, nhằm cải thiện an toàn trong phẫu thuật và giảm những ca tử vong không đáng có do phẫu thuật và các biến chứng liên quan. Bộ Tiêu chí này sẽ tác động tích cực tới 3 triệu ca phẫu thuật mỗi năm ở nước ta (Hà Nội mới, trang 5).

 

99% nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội được kết nối mạng

Ngày 2-4, theo báo cáo về tiến độ triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 6.890 cơ sở cung ứng thuốc đang hoạt động, trong đó có 1.129 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, 3.372 nhà thuốc, 2.389 quầy thuốc.

Tính đến ngày 31-3, tổng số cơ sở cung ứng thuốc thực hiện kết nối mạng là 5.279/6.890 (đạt 76,6%), trong đó có 3.341/3.372 nhà thuốc (đạt 99%) và 1.617/2.389 quầy thuốc (đạt 67,7 %).

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, việc kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc về cơ bản đạt tiến độ đề ra.

Tuy nhiên, Tổ Công tác thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc tại 11 quận, huyện, thị xã cho thấy, tại một số huyện tiến độ kết nối quầy thuốc tư nhân còn chậm.

Đơn cử như huyện Quốc Oai chỉ có 15/100 quầy thuốc có kết nối mạng (đạt 15%), tiếp đến là huyện Thanh Oai có 12/63 quầy thuốc kết nối mạng (đạt 19%), huyện Mỹ Đức (9/28 quầy thuốc kết nối mạng, đạt 32%).

Huyện Sóc Sơn còn 141 quầy thuốc tư nhân, Hoài Đức còn 93 quầy thuốc tư nhân và huyện Chương Mỹ còn 66 quầy thuốc tư nhân chưa kết nối mạng.

Bên cạnh đó, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông giữa các cơ sở cung ứng thuốc hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) chưa ban hành chuẩn yêu cầu dữ liệu đầu ra, chuẩn kết nối liên thông đối với những cơ sở bán buôn thuốc. Mặt khác, một số cơ sở đã thực hiện kết nối liên thông nhưng chưa cập nhật đầy đủ, thường xuyên dữ liệu hoạt động quản lý kinh doanh thuốc.

Theo ông Trần Văn Chung, thành phố đang chỉ đạo khẩn trương hoàn thành 100% cơ sở cung ứng thuốc được kết nối mạng. Chính vì vậy, thời gian tới, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc thực hiện kết nối sử dụng phần mềm trong quản lý hoạt động kinh doanh cho các cơ sở cung ứng thuốc, cơ quan chức năng của Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động bán thuốc kê đơn, chất lượng kết nối liên thông tại nhà thuốc, quầy thuốc…

Cụ thể, Tổ Công tác thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện và kết quả thực hiện của UBND quận, huyện, thị xã, đồng thời tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các nhà thuốc chưa cập nhật thường xuyên, đầy đủ dữ liệu theo quy định.

Còn UBND quận, huyện, thị xã sẽ tổ chức kiểm tra chất lượng việc thực hiện kết nối liên thông của các nhà thuốc, quầy thuốc tư nhân và xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền (Hà Nội mới, trang 5).

 

Quản lý dịch bệnh bằng… bản đồ

Hệ thống WebGIS (Geographical Information System) quản lý bệnh truyền nhiễm được trình bày dữ liệu dưới dạng bản đồ. Hiện hệ thống đã kết nối thông tin đến 79 bệnh viện, với 349 tài khoản người dùng và lưu trữ gần 50.000 ca bệnh; triển khai cho toàn bộ 322 phường, xã và giám sát 17.394 tổ, khu phố.

Hệ thống được xây dựng từ năm 2016, với sự hợp tác giữa Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM (gọi tắt là Trung tâm) và Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), Sở KH-CN TPHCM.

Người mở đường

Người đầu tiên có những tìm tòi, trăn trở với GIS là cử nhân Nguyễn Đình Dũng, công tác tại Trung tâm. Hôm chúng tôi gặp, anh Dũng đang xuống quận 9 để giám sát tình hình dịch bệnh tại cơ sở cũng như nắm lại kết quả của việc ứng dụng phần mềm GIS được áp dụng tại địa bàn.

Công tác ở Trung tâm từ năm 2013, anh Dũng được lãnh đạo Trung tâm tin tưởng giao trọng trách nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin địa lý và quản lý dịch bệnh trên địa bàn thành phố (nói cách khác là số hóa công tác thông tin và quản lý).

Lúc đầu nhận nhiệm vụ và đi vào nghiên cứu thực hiện, anh Dũng còn chưa biết phải gắn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin từ đâu để xây dựng phần mềm quản lý khoa học hiện đại, vì mọi thứ trước đây đều phải làm thủ công. Anh phải vừa làm vừa sửa chữa, khắc phục để có một phần mềm hoàn thiện nhất. Đến đầu năm 2016, với sự quyết tâm và sự hỗ trợ của đồng nghiệp, phần mềm GIS ra đời và được đưa vào ứng dụng thực tế với tên gọi: Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý vào quản lý dịch bệnh tại TPHCM.

Anh Dũng kể, sau khi “thai nghén” được 3 tháng, với sự vào cuộc của thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm và thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga, bộ khung của phần mềm hoàn thành, bắt đầu được thí điểm tại 6 phường xã; sau 1 năm thì triển khai cho 24 quận huyện toàn thành phố.

“Vì cần quản lý đến từng ca nhiễm bệnh, nên bản đồ phải chính xác đến từng hộ dân. Ngoài ra, phải làm sao để các thao tác trên phần mềm tối giản nhất để dễ sử dụng, đó là một trong những trăn trở mà chúng tôi đang nghiên cứu để hoàn thiện”, anh Dũng nói.

Chung tay vì cộng đồng

Đồng hành, giải bài toán “xây dựng bản đồ hành chính” với anh Nguyễn Đình Dũng là nhóm chuyên viên Khưu Minh Cảnh, Trương Minh Tùng và Lâm Quang Hà (GIS, Sở KH-CN TPHCM).

Từ những bản đồ giấy, các quận huyện, phường xã cung cấp, nhóm chuyên viên phải vẽ, định vị lại từng tổ, khu phố, ấp trên máy tính. Sau khi các bước phức tạp này hoàn thành, thông qua thuật toán, phần mềm có thể khoanh vùng ổ dịch tại các phường xã một cách tự động và nhanh chóng, giúp cơ quan chức năng có thể phản ứng kịp thời với mọi tình hình, diễn biến mới của dịch, bệnh.

Bên cạnh chức năng quản lý dịch tễ thông qua các chức năng quản trị hệ thống chuyên dụng, công cụ nhập xuất dữ liệu nhanh định dạng Excel, hệ thống này còn có thể quản lý các ca bệnh, báo cáo thống kê nhanh, khoanh vùng ổ dịch được chính xác và nhanh chóng hơn; từ đó, định hướng không gian ca bệnh trên bản đồ để hỗ trợ các công tác phun hóa chất, diệt muỗi… tại địa phương. Ngoài ra, phần mềm này còn giúp tăng độ chính xác, tránh các ca bệnh trùng lắp trong báo cáo thống kê do các đơn vị đưa lên.

Hàng ngày, các bệnh viện trên địa bàn TPHCM sẽ chuyển thông tin ca bệnh (tên, tuổi, địa chỉ, ngày phát bệnh, ngày nhập viện) về Trung tâm. Trung tâm sẽ nhập dữ liệu và chuyển thông tin ca bệnh về các phường xã, quận huyện thông qua phần mềm GIS. Tùy vào thời gian mắc bệnh và mức độ nguy hiểm, vị trí của người mắc bệnh sẽ hiện lên những màu sắc khác nhau (màu đỏ: nguy hiểm, màu xanh: an toàn…).

Căn cứ vào màu sắc và những số liệu đi kèm, cơ quan chức năng sẽ có những đánh giá mức độ lan rộng của dịch bệnh để có kế hoạch xử lý phù hợp.

Ông Quách Đồng Thắng, Trưởng phòng Phát triển công nghệ, Sở KH-CN TPHCM, cho biết: “Trước đây, khi có dịch bệnh, cán bộ y tế tại các phường xã phải mất rất nhiều thời gian để thu thập dữ liệu, lập hồ sơ và báo cáo từng trường hợp nhằm khoanh vùng vùng dịch và tuyên truyền. Nhưng nay, với phần mềm GIS, tất cả dữ liệu được đồng bộ từ cấp thành phố đến cấp phường xã ngay khi nhận được thông tin từ bệnh viện hay trung tâm y tế. Các nhân viên y tế cũng có thể nhập thông tin về các ca dịch bệnh mới, hay tìm hiểu thông tin của bệnh nhân mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị điện tử…”.

Giới chuyên môn nhận định, phần mềm GIS là sáng kiến hay, khi áp dụng vào thực tế đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, làm giảm kinh phí, nhân lực, trang thiết bị, hóa chất trong phòng dịch; giúp quản lý số liệu một cách đồng bộ và thống nhất; xử lý ổ dịch nhanh; giảm thiểu được các biểu mẫu hành chính (Sài Gòn giải phóng, trang 6).

 

Bệnh nhi ung thư tử vong, bác sĩ điều trị bị tạm đình chỉ chờ điều tra

Bệnh viện (BV) K T.Ư cho biết đã tạm đình chỉ công tác TS-BS Phạm Thị Việt Hương, Phó trưởng khoa Nội nhi, để phục vụ điều tra nguyên nhân tử vong của một bệnh nhi.

Ngày 2.4, Bệnh viện (BV) K T.Ư cho biết đã tạm đình chỉ công tác TS-BS Phạm Thị Việt Hương, Phó trưởng khoa Nội nhi, để phục vụ điều tra nguyên nhân tử vong của bệnh nhi (BN) Lê Bảo N. (7 tuổi, quê xã Tây Cốc, H.Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ).

BN tử vong tại BV K trong quá trình điều trị u lympho ác tính không Hodgkin giai đoạn III, do TS-BS Phạm Thị Việt Hương trực tiếp điều trị.

Đại diện lãnh đạo BV K khẳng định sẽ không bao che nếu phát hiện thiếu sót, sai phạm trong quá trình điều trị cho BN. Hiện tại BV đang phối hợp chặt chẽ và chờ kết luận của cơ quan CSĐT.

Trước đó, ngày 21.2, bé N. được gia đình đưa đến khám tại BV K và nhập viện khoa nội nhi với chẩn đoán: U lympho ác tính không Hodgkin giai đoạn III dòng tế bào B lớn lan tỏa.

Đang trong đợt điều trị, ngày 13.3, BN có biểu hiện đau bụng âm ỉ, các xét nghiệm xác định tình trạng nhiễm trùng nặng, hạ bạch cầu mức độ 4. Dù được điều trị tích cực và theo dõi sát tại khoa hồi sức cấp cứu nhưng do tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, BN đã tử vong lúc 7 giờ 45 ngày 14.3.

Theo phản ánh của gia đình, trong quá trình điều trị bác sĩ Hương có thái độ không thân thiện, khi BN có diễn biến bất thường về sức khỏe, mệt nhiều nhưng bác sĩ điều trị không quan tâm, không giải thích tình trạng bệnh; bác sĩ chỉ định truyền đạm sữa khi thể trạng quá yếu là không phù hợp.

Gia đình yêu cầu BV thông tin trung thực về nguyên nhân gây tử vong cũng như thông tin khách quan về sai sót (nếu có) của đội ngũ y bác sĩ, trong đó có bác sĩ Hương, về ca trực có liên quan đến cái chết của BN N (Thanh niên, trang 5; Công an nhân dân, trang 2).

 

Kiểm điểm điều dưỡng gây phiền hà người nhà bệnh nhân

Ngày 2.4, Sở Y tế TP.Đà Nẵng cho biết đã kiểm điểm điều dưỡng Đ.T.A.N của Bệnh viện Y học cổ truyền (9 Trần Thủ Độ, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) do gây phiền hà cho người nhà bệnh nhân. Tối 9.3, người nhà bệnh nhân H.M (phòng yêu cầu 201) xuống phòng hành chính để mượn thiết bị điều khiển (vì ti vi trong phòng không dung được) thì điều dưỡng N nói thứ bảy, chủ nhật không có điều khiển, chỉ thứ hai mới có. Khi người nhà bệnh nhân ý kiến, điều dưỡng N mới đưa điều khiển nhưng lại báo.. tự đi mua pin… Theo Sở Y tế điều dưỡng N nhận lỗi về thái độ ứng xử chưa đúng mực, xử lý tình huống chưa linh hoạt… và đã xin lỗi người nhà bệnh nhân, đồng thời bị bệnh viện kiểm điểm… (Thanh niên, trang 9).

 

Nhiều học sinh bị rối loạn tiêu hoá sau bữa ăn bán trú

Cuối tuần qua, Báo CAND đã nhận được thông tin của một số phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân (Hà Nội) phản ánh về việc nhiều học sinh có biểu hiện bị rối loạn tiêu hóa sau bữa ăn bán trú tại trường.

Chiều 2-4, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Thanh Xuân và lãnh đạo Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc đã có buổi trao đổi với phóng viên Báo CAND và một số cơ quan báo chí về vấn đề này.

Theo Báo cáo số 08/BC-THTX ngày 1- 4 của Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc cho thấy, thực đơn mà các con ăn trong buổi trưa và buổi ăn phụ ngày 29-3 là bún giò gà và bánh kem cuộn Hải Hà. Thực phẩm buổi trưa có đầy đủ nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng, đối chiếu với hóa đơn khớp với hồ sơ nhà cung cấp.

Toàn bộ thực phẩm đều được nhà trường lưu mẫu đúng quy định. Bếp ăn được phân chia theo quy trình bếp một chiều, khu sơ chế riêng, khu nấu, khu chia thức ăn chín riêng, dụng cụ thái thức ăn sống, thức ăn chín để riêng và có tủ sấy bát cho toàn bộ học sinh bán trú.

Khoảng 11h15′ ngày 29-3, các con ăn buổi trưa, hiệu trưởng và hiệu phó đều ăn cùng món bún giò gà với học sinh. 13h40′, các con ăn bữa phụ là bánh cuộn Hải Hà và đến 15h15′, các con uống sữa theo chương trình sữa học đường. Đến 18h30′, khi hiệu trưởng và nhân viên văn phòng ra về, nhà trường không ghi nhận trường hợp cháu nào bị đau bụng, đi ngoài.

Tuy nhiên, đến 10h30′ ngày 30-3, theo thông tin phụ huynh phản ánh, có 17 học sinh có biểu hiện đau bụng, đi ngoài khi ở nhà vào đêm 29-3. Ngay trong tối ngày 30-3, Phòng Y tế quận, Trung tâm Y tế quận và lãnh đạo Phường Thanh Xuân Bắc đã đến trường làm việc, kiểm tra và niêm phong mẫu thức ăn, sữa học đường của ngày 29-3.

Đến 21h ngày 30-3, theo phản ánh của phụ huynh học sinh, không có học sinh nào nhập viện. Riêng học sinh Bùi Thái An (lớp 4A4) đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Bưu điện để xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán em bị rối loạn tiêu hóa.

Ngày 31-3, Trung tâm Y tế quận đã đến làm việc với nhà trường, lấy mẫu nước uống của học sinh, lưu mẫu thực phẩm (đã niêm phong từ tối ngày 30-3) để đi xét nghiệm. Đến ngày 1-4, các học sinh đều đã đi học bình thường và tham gia đầy đủ các hoạt động của nhà trường.

Thông tin thêm về vụ việc, bà Đỗ Thị Tố Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc cho biết: Toàn trường hiện có khoảng 1.150 học sinh ăn bán trú, mỗi suất ăn trị giá 25 nghìn đồng (bao gồm bữa ăn phụ). Toàn bộ thực phẩm và đầu bếp chế biến bữa ăn tại trường đều do Công ty Hương Việt Sinh cung cấp.

Quan điểm của nhà trường là luôn đặt an toàn thực phẩm lên hàng đầu và rất chú trọng đến sức khỏe của học sinh. Ngay từ đầu năm học, thực hiện chủ trương của quận, nhà trường đã tăng cường vai trò của ban phụ huynh trong việc giám sát bữa ăn bán trú. Khi giao nhận thực phẩm buổi sáng hàng ngày đều có sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

“Tuy nhiên, nhà trường cũng tự nhận thấy việc lên thực đơn trong bữa ăn bán trú ngày 29-3 chưa hợp lý, cần rút kinh nghiệm và sẽ có sự điều chỉnh. Khi có kết quả xét nghiệm, nhà trường sẽ công bố công khai đến phụ huynh và báo chí”- bà Nga nói.

Tại buổi làm việc, PV Báo CAND đã đặt một số câu hỏi: Quy trình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú của UBND Quận Thanh Xuân thể hiện trong các văn bản là chặt chẽ, nhưng việc kiểm soát, “test” nguồn nguyên liệu thực phẩm hằng ngày được tiến hành thủ công hay có sử dụng công nghệ?

Sau sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc, tuy chưa xảy ra hậu quả lớn nhưng lãnh đạo Phòng và nhà trường sẽ rút ra bài học kinh nghiệm gì để hạn chế thấp nhất những rủi ro liên quan đến chất lượng bữa ăn bán trú?

Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân trả lời rằng, 1 ngày Quận Thanh Xuân có khoảng 20.000 học sinh ăn bán trú và quy trình của Quận đề ra là “việc làm thật, không phải văn bản đề ra rồi để đấy. Ban chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm do đồng chí Phó Chủ tịch quận làm trưởng ban thường xuyên kiểm tra đột xuất đối với các trường. Phòng Y tế cũng kiểm tra đột xuất. Phòng Giáo dục cũng kiểm tra bữa ăn theo chức năng của mình”.

Theo ông Hữu, xảy ra cái gì liên quan đến an toàn thực phẩm sẽ là “đại họa nên chúng tôi không thể buông lỏng quản lí”.Về “test” thực phẩm, Quận “test” bằng thiết bị có hóa chất, 73.000 đồng/lượt test. Nhưng “test” rau, thịt, cá, nước…, một ngày 10 mẫu test, sẽ có hai hạn chế, đó là: 2 tiếng mới có kết quả, các trường đều phải chờ, nếu cứ chờ sẽ muộn bữa ăn của các con. Trong quá trình thực hiện đã nảy sinh những hạn chế.

“Test” tất cả các loại thực sự quá tốn kém, nếu các cơ quan quản lí tốt, xác minh được nguồn gốc thực phẩm, đến tận vườn, tận chuồng để xác minh thì cùng một vườn rau, không cần ngày nào cũng “test” được. Chúng ta phải có trách nhiệm chung trước bữa ăn của các con. Phải tính lại sao cho khoa học, hiệu quả.

Tôi đang có ý kiến là 10 mẫu test sẽ mất 730.000 đồng, tính số tiền “test” cả tháng của một trường rất lớn, chúng tôi đang đề xuất “test” theo mẫu có nên không?”, ông Hữu cho biết.

Sau sự việc này, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận sẽ chỉ đạo các trường rà soát, điều chỉnh thực đơn bữa ăn bán trú sao cho hợp lí hơn (Công an nhân dân, trang 2).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 30/1/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/4/2019

CDC Hà Nam

Thủ tướng chỉ thị tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

CDC Hà Nam

Để lại bình luận