Điểm báo ngày 04/9/2018

(CDC Hà Nam)

Gần 30.000 lượt khám chữa bệnh, 46 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông; Bệnh sởi đến sớm; Cảnh báo nguy cơ dịch bệnh ở trẻ nhỏ; 2 bệnh nhi được cứu sống nhờ ghép gan.

Gần 30.000 lượt khám chữa bệnh, 46 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông

Chiều 3-9, Sở Y tế Hà Nội thông tin cho biết, qua tổng hợp số liệu từ các bệnh viện của thành phố, trong 3 ngày nghĩ lễ Quốc khánh năm nay (từ 1 đến 3-9), các bệnh viện của thành phố tiếp nhận tổng cộng 29.007 lượt khám chữa bệnh, trong đó có tới 3.503 ca khám cấp cứu.

Đáng chú ý, số bệnh nhân vào khám cấp cứu do tai nạn giao thông tăng mạnh so với ngày thường. Nếu như 1-9, các bệnh viện của Hà Nội tiếp nhận 219 ca vào khám do tai nạn (trong đó có 56 ca tai nạn giao thông) thì ngày 2-9 tăng lên 245 ca (97 ca tai nạn giao thông), ngày 3-9 tiếp tục tăng lên 249 ca (94 ca tai nạn giao thông). Trong 2 ngày 2 và 3-9, tại các bệnh viện của Hà Nội, đã có 2 ca bị chấn thương sọ não phải phẫu thuật, 3 ca tử vong.

Bên cạnh đó, ở dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đã tiếp nhận và vận chuyển cấp cứu 279 lượt yêu cầu, với tổng số 191 bệnh nhân cấp cứu. Đáng chú ý, có tới 41 ca vận chuyển cấp cứu 115 do tai nạn giao thông, 2 ca tai nạn do đánh nhau, 3 ca khác tử vong tại nhà. Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, địa bàn Hà Nội không xảy ra ngộ độc thực phẩm (An ninh thủ đô, trang 4).

Bệnh sởi đến sớm

Những ngày gần đây, các bệnh viện (BV) nhi trên địa bàn TPHCM liên tục ghi nhận hàng chục ca trẻ mắc bệnh sởi nhập viện. Các chuyên gia cảnh báo, bệnh sởi có thể lây lan rộng trong trường hợp trẻ mắc sởi chưa đến tuổi chích ngừa vaccine hoặc chích vaccine không đầy đủ.

Nhìn con mới 8 tháng tuổi đang nằm trong phòng cách ly, chị H. (quê Đồng Tháp) vô cùng xót xa. Con chị sốt li bì, ban sởi nổi dày đặc khắp người. Trước đó 1 tuần, cha của bé bị sốt, nổi ban, đi khám thì được chẩn đoán là sốt phát ban và cho thuốc về nhà uống. Sau đó vài ngày thì đến đứa con. Đưa đi khám gần nhà, bác sĩ cũng chẩn đoán là bé bị sốt phát ban và kê thuốc về nhà tự điều trị. Tuy nhiên, không những thuyên giảm mà bé ngày càng sốt cao, ban ngày càng dày đặc nên gia đình cấp tốc đưa bé vào BV Nhi đồng 1. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị mắc sởi.

Cũng trong tình trạng phải thở oxy hỗ trợ, bé P.T.N. (8 tháng tuổi, quê Long An) được đưa đến BV Nhi đồng 1 vào đêm 31-8. Theo lời kể của bà ngoại bệnh nhi, trước đó bé mới đi nong tim tại BV Nhi đồng 1 về vài ngày thì bắt đầu nổi vài nốt ban trên mặt, sốt và tiêu chảy. Đến tối thì nổi ban đầy người, sốt cao nên gia đình đưa bé quay trở lại BV Nhi đồng 1 và được chẩn đoán mắc sởi.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi đồng 1, cho biết: “Vài tuần trước, đơn vị đã tiếp nhận rải rác các ca mắc sởi. Đa số các bé nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho nhiều, nổi ban, viêm phổi. Đặc biệt, có 3 trường hợp mắc sởi chưa tới 9 tháng tuổi, nghĩa là chưa đủ tháng để tiêm vaccine phòng sởi. Thông thường, ở độ tuổi này, ban sởi không điển hình, chăm sóc khó khăn, trẻ dễ bị bội nhiễm. Đáng lưu ý, các bé bị sởi do lây nhiễm từ phụ huynh, do đó, không loại trừ nguyên nhân phụ huynh không biết bị nhiễm bệnh nên đã vô tình lây bệnh cho con”.

Trước đó, trong khuôn khổ hoạt động giám sát ca sốt phát ban nghi sởi triển khai tại TPHCM trong tháng 8-2018 tại BV Nhi đồng 2, các bác sĩ đã phát hiện 25 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, hầu hết các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh, thành  khu vực phía Nam. Trong đó, có 15 trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với sởi. Ngoài 8 trường hợp trẻ bị bệnh dưới 9 tháng tuổi thì những trẻ còn lại đều chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ vaccine sởi.

Thông tin từ bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn TP có 5 ca bệnh sởi rải rác xuất hiện ở các quận, huyện. Điều đáng mừng là các ca bệnh này hoàn toàn không có mối liên hệ dịch tễ với nhau. Trong bối cảnh bệnh sởi đang gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các tỉnh phía Bắc của Việt Nam thì nguy cơ bệnh dịch  lây lan giữa các vùng có các cá thể và cộng đồng chưa miễn dịch với virus sởi là dễ xảy ra. Bởi vậy, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo khẩn trương triển khai các hoạt động kiểm soát bệnh sởi trong BV và trong cộng đồng. Trong đó, Sở Y tế yêu cầu các BV triển khai việc khám sàng lọc, phân luồng cách ly ngay các trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo các trường hợp khác đến khám bệnh. Đồng thời bố trí khu vực cách ly để điều trị với người bệnh nghi hoặc nhiễm sởi tại các khoa truyền nhiễm (Sài gòn giải phóng, trang 3). 

Cảnh báo nguy cơ dịch bệnh ở trẻ nhỏ

Bộ Y tế cho biết từ đầu năm 2018 đến nay cả nước có 1.553 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 744 trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với sởi, có một trường hợp tử vong do sởi tại tỉnh Hưng Yên. Riêng tại TP.HCM đã có 5 trường hợp mắc sởi. Hiện các trường hợp mắc sởi ở khu vực phía nam nhập vào các BV nhi tại TP.HCM đáng báo động.

Tại Hà Nội, theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, trên địa bàn đã ghi nhận các ca mắc sởi tại hầu hết các quận, huyện, thị xã; 90% người mắc sởi chưa tiêm vắc xin và nhiều trường hợp dưới 1 tuổi.

Trước tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, TP đề nghị tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi; xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai sử dụng vắc xin sởi – rubella để tiêm chủng cho trẻ từ 1 – 4 tuổi tại huyện có nguy cơ cao trên địa bàn 6 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa…

Ngoài sởi, Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết trong các ngày nghỉ lễ vừa qua, trung bình mỗi ngày có 130 – 150 bệnh nhi được gia đình đưa đến khám, có ngày lên đến gần 200 em. Các bệnh nhi vào viện do sốt, viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm tai giữa, có trường hợp phải nhập viện do viêm phổi…

Các bác sĩ cũng lưu ý thời tiết mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, nên các gia đình cần theo dõi các triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết như sốt cao vọt, đau đầu, đau cơ, đặc biệt là khi xuất hiện ban hay xuất huyết trên da, chảy máu cam… cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để khám và điều trị (Thanh niên, trang 9).

2 bệnh nhi được cứu sống nhờ ghép gan

Bệnh viện Nhi Trung ương vừa thực hiện ghép gan thành công cho 2 trẻ nhỏ bị mắc bệnh về gan rất nặng và hiếm gặp. Bệnh nhi đầu tiên là bé trai 4 tuổi (ở Thanh Hóa) bị teo mật bẩm sinh, xơ gan, nguy cơ tử vong cao. Ca ghép gan cho bệnh nhi hoàn thành sau 12 giờ với một phần gan ghép từ người cho là bà nội bệnh nhi. Bệnh nhân thứ hai là bé trai 15 tuổi (ở Hà Nội) mắc bệnh Wilson – bệnh rối loạn chuyển hóa đồng do đột biến gen – đã điều trị 5 năm, bị xơ gan giai đoạn cuối, nguy cơ tử vong cao. Qua sàng lọc từ những người thân hiến tạng tự nguyện, người chú họ (31 tuổi) đáp ứng các tiêu chuẩn và đã tình nguyện hiến một phần gan phải để nối dài sự sống cho cháu mình. TS Phạm Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật nội soi nhi khoa, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, cho biết Bệnh viện Nhi Trung ương là một trong những bệnh viện đầu tiên tiến hành ghép gan cho trẻ nhỏ. Đây là kỹ thuật cao, cần sự vận hành đồng bộ nhiều chuyên khoa cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên gia. Sau ghép gan, cơ hội kéo dài sự sống sau 5 năm là 80% – 90% (Sài gòn giải phóng, trang 7).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 08/2/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 10/1/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 09/5/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận