Điểm báo ngày 05/3/2019

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 05/3/2019

Bộ Y tế: Chưa đình chỉ tiêm vaccine ComBE Five ở Bình Định, chỉ tạm ngừng để đánh giá; Tạo hình vành tai miễn phí từ sụn sườn cho 60 trẻ; Bệnh sởi tiếp tục có xu hướng gia tăng…

 

Cứu du khách bị biến chứng tim mạch hiểm nghèo

Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho một du khách Nhật Bản bị lóc động mạch chủ loại A ở thể rất phức tạp.

Nam bệnh nhân O.O. 67 tuổi, là du khách Nhật Bản. Khoảng 8 giờ sáng ngày chủ nhật, ngày 17-2, trên đường đi tham quan Hà Nội, bệnh nhân đột ngột bị mất ý thức và hôn mê, nên đã được chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt – Pháp với chẩn đoán ban đầu nghi là tai biến mạch não. Nhưng trên phim chụp cắt lớp vi tính sọ não và hệ mạch máu vùng nền cổ thấy có hình ảnh nghi lóc động mạch chủ. Thăm khám hệ mạch ngoại vi thấy không bắt được mạch và thiếu máu rõ ở tay và chân phải.

Do xác định là biến cố tim mạch phức tạp, nên ngay lập tức, các bác sĩ trực của Bệnh viện Việt – Pháp đã hội chẩn gấp trực tuyến với PGS, TS Nguyễn Hữu Ước -Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức. Theo đó, bệnh nhân được chẩn đoán là lóc động mạch chủ loại A thể phức tạp (lóc lên mạch máu nuôi não và tay phải, lóc vào mạch nuôi chân phải gây thiếu máu chi rất nặng), suy hô hấp phải thở máy, suy tuần hoàn khá nặng phải dùng thuốc trợ tim liều cao, với nguy cơ chắc chắn tử vong ngay nếu không được phẫu thuật kịp thời.

Tuy có rủi ro rất cao đối với trường hợp này, song phẫu thuật có thể mang lại vài phần trăm cơ may sống sót cho bệnh nhân. Do là phẫu thuật chuyên khoa tim mạch rất phức tạp, nên Bệnh viện Việt Pháp đã chuyển cấp cứu bệnh nhân tới Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức để điều trị.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, mọi công tác cấp cứu đã được chuẩn bị hết sức nhanh chóng để tiếp đón, hồi sức, xét nghiệm và sớm phẫu thuật tim hở để cứu bệnh nhân, kể cả các thủ tục pháp lý cần thiết như: điện thoại đồng ý phẫu thuật của vợ bệnh nhân gọi từ Nhật Bản sang, sự chấp thuận của công ty du lịch Việt Nam và Nhật Bản, thông báo cho Sứ quán Nhật … Do vậy, chỉ sau hai giờ đã hoàn thiện đầy đủ các thăm dò tối thiểu nhất để chuyển bệnh nhân sang phòng mổ cấp cứu.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Tú, một thành viên chính của kíp mổ cho biết, với kinh nghiệm hơn 200 ca mổ cấp cứu lóc động mạch chủ loại A của Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức trong gần 10 năm, chưa có trường hợp nào lại diễn biến nặng và phức tạp như bệnh nhân này. Quá trình phẫu thuật diễn ra hết sức cam go, căng thẳng, kéo dài hơn 10 giờ, với hầu hết các kỹ thuật khó và phức tạp nhất của phẫu thuật tim hở, như: hạ thân nhiệt sâu (xuống 24oC), ngừng tuần hoàn tạm thời nửa người dưới, cấp máu não chọn lọc cả hai bên, sửa van động mạch chủ, thay đoạn động mạch chủ lên bằng mạch nhân tạo, tưới máu chi chọn lọc rồi lấy huyết khối động mạch và mở cân cho chân phải để cố bảo tồn chi.

PGS, TS Nguyễn Hữu Ước, trưởng kíp mổ cho biết, sau quá trình nỗ lực phẫu thuật rất phức tạp và hồi sức sau mổ rất nặng nề với nhiều phương tiện hồi sức hiện đại, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện dần qua từng ngày. Tới nay, tri giác của bệnh nhân đã cải thiện, có thể nhận biết người thân, chức năng thận đã phục hồi, chân phải được bảo tồn với chức năng cải thiện tốt, và đã được ngừng thở máy hỗ trợ, rút ống nội khí quản. Gia đình bệnh nhân đã từ Nhật sang thăm và rất xúc động, cảm ơn, khâm phục các thầy thuốc Việt Nam đã cố gắng cứu sống người thân của họ dù mắc bệnh rất hiểm nghèo. Nếu không có các biến chứng nhiễm trùng hoặc suy tạng khác, thì bệnh nhân có thể được ra viện trong 2-3 tuần nữa.

Thành công này tiếp tục khẳng định năng lực hệ thống y tế chuyên sâu của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong việc phát triển kinh tế và du lịch, với số lượng du khách quốc tế tăng rất nhanh trong những năm qua, trong đó có rất nhiều du khách tiềm ẩn nguy cơ biến cố tim mạch. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 8: “Du khách Nhật Bản bị hôn mê đột ngột khi đang tham quan Hà Nội”

 

Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất

Thời gian qua, ngành giáo dục tích cực triển khai các hoạt động giáo dục thể chất (GDTC), thể thao trong trường học nhằm giúp học sinh, sinh viên hình thành kỹ năng vận động, phát triển thể lực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động nêu trên, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; thay đổi hình thức giáo dục theo hướng linh hoạt, phù hợp nhu cầu, thể trạng người học…

Công tác GDTC, thể thao trường học thời gian qua mặc dù được các địa phương, nhà trường quan tâm thực hiện và đạt một số kết quả đáng khích lệ, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Thống kê của Bộ GD và ĐT cho thấy, cả nước hiện chỉ có 31% số lượng cơ sở giáo dục mầm non có phòng giáo dục phát triển thể chất, trong khi 80% số trường tiểu học, THCS và THPT thiếu nhà tập thể dục, thể thao; 99,6% số trường thiếu bể bơi; giáo dục đại học có 36% số trường thiếu nhà tập luyện thể dục, thể thao và thiếu bể bơi là 87%. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên thể dục giáo dục phổ thông còn thiếu về số lượng, cơ cấu chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đó, cấp tiểu học chỉ có khoảng 20% số trường có giáo viên chuyên trách; hơn 90% giờ học thể dục ở cấp tiểu học do giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy, cho nên chất lượng còn thấp… Không chỉ vậy, cấu trúc nội dung chương trình ở các cấp học chưa bảo đảm tính thống nhất, thiếu cân đối về nội dung; một số trường xem nhẹ hoạt động này…

Theo Trưởng phòng Chính trị, Tư tưởng (Sở GD và ĐT tỉnh Hải Dương) Tăng Văn Hợp, thực trạng cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy môn thể dục (từ lớp một đến lớp 12) tại địa phương thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Phần lớn các trường hiện còn thiếu diện tích sân tập, nhà đa năng còn ít, không có đường chạy, sân ném bóng. Nội dung các giờ học thể dục nhịp điệu, chạy tiếp sức, nhảy xa, cầu lông lặp đi lặp lại khiến giáo viên, học sinh thường xuyên cảm thấy đơn điệu, nhàm chán. Đáng chú ý, có những giờ học về chạy bền, đẩy tạ, thể dục nhịp điệu, nhảy xa ưỡn thân, học sinh rất sợ, ngại học, cho nên không phát huy được tính tích cực luyện tập của các em…

Nhìn từ góc độ là cơ sở đào tạo, TS Nguyễn Duy Quyết, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội cho biết, thực tế, các trường đại học chuyên ngành GDTC, các khoa GDTC của các trường đại học chủ yếu xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận nội dung, một chiều. Trong đó, phần thực hành chủ yếu tập trung phát triển kỹ năng, kỹ xảo thực hiện động tác và thành tích thể thao, chưa chú ý nhiều đến việc phát triển các năng lực khác cần thiết của người học. Vì vậy, khi sinh viên ra trường, công tác tại các cơ sở giáo dục đã bộc lộ nhiều hạn chế về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Không chỉ vậy, chương trình đào tạo giáo viên hiện nay không thống nhất giữa các trường, thiếu cân đối về nội dung; chưa quan tâm thỏa đáng việc trang bị cho sinh viên những kiến thức, năng lực tổ chức các hoạt động thể thao. Mặt khác, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về sân tập, nhà tập, bể bơi, thiết bị dạy học, là một trong những khó khăn, bất cập cần khắc phục. Theo TS Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa GDTC – Quốc phòng, Trường đại học Quy Nhơn (Bình Định), Bộ GD và ĐT cần sớm hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên GDTC phổ thông; điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng dành phần lớn chỉ tiêu đào tạo đội ngũ này cho các trường đại học sư phạm, các khoa sư phạm trong các trường đại học. Trưởng phòng Chính trị, Tư tưởng (Sở GD và ĐT tỉnh Hải Dương) Tăng Văn Hợp cũng đề xuất Bộ GD và ĐT xây dựng chương trình giảng dạy theo hướng bảo đảm tính hệ thống, khoa học, linh hoạt, phù hợp thực tế của các địa phương. Tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên nắm bắt kịp thời nội dung, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới để triển khai phù hợp thực tiễn.

Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, GDTC là thành tố quan trọng trong quá trình đào tạo con người hoàn thiện đức, trí, thể, mỹ. Mặc dù vậy, việc thực hiện hoạt động này trong các nhà trường chưa được chú trọng, bị coi là môn phụ; nhiều thầy giáo, cô giáo cảm thấy “mặc cảm” trước đồng nghiệp. Bộ GD và ĐT nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các địa phương, nhà trường đề cập khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu sân chơi, bãi tập, thiết bị phục vụ cho việc dạy và học GDTC. Phương án xã hội hóa cần được các địa phương tính tới nhiều hơn. Bộ GD và ĐT sẽ rà soát để ban hành các văn bản nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa GDTC trong nhà trường, bảo đảm chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Các trường đại học sư phạm thể dục thể thao, khoa sư phạm GDTC tập trung xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tăng cường kỹ năng cho cả người dạy, người học, kỹ năng xử lý tình huống, tăng thực hành… Trong khi đó, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bám sát mục tiêu, nội dung chương trình, từ đó vận dụng các hoạt động GDTC, thể thao một cách linh hoạt, phù hợp điều kiện của địa phương, thể trạng học sinh; tạo sự hứng khởi cho cả người dạy và người học… (Nhân dân, trang 5)

 

Tạo hình vành tai miễn phí từ sụn sườn cho 60 trẻ

PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư cho biết từ ngày 1-9/3 bệnh viện phối hợp với Đoàn chuyên gia phẫu thuật tạo hình đến từ Hoa Kỳ tiến hành khám, tư vấn và phẫu thuật miễn phí cho 60 bệnh nhân bị dị tật vành tai.

Theo đó, các chuyên gia sẽ phẫu thuật cho khoảng 60 bệnh nhân bị các dị tật vành tai, khiếm khuyết vành tai do tai nạn… bằng sụn sườn và vạt da tự do. Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, phương pháp này giúp ích rất lớn cho bệnh nhân trong việc định hướng chức năng nghe, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, đẹp không kém gì so với vành tai tự nhiên. Trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị khuyết tật vành tai tại Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư có xu hướng gia tăng đáng kể. Đa số trẻ em bị thiểu sản vành tai độ 3, không có hoặc có rất ít khung sụn vành tai.

PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh nhận định, vành tai tuy nhỏ nhưng có tác dụng trong việc định hướng âm thanh, hoặc đơn giản như việc đeo kính, đeo khẩu trang nếu không có vành tai thì rất khó khăn. Việc áp dụng phương pháp chỉnh hình vành tai bị khiếm khuyết vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa giúp người bệnh tự tin hơn trong cuộc sống, giao tiếp xã hội và sớm hòa nhập cộng đồng.

Để tạo hình vành tai, các bác sĩ sẽ phẫu thuật tạo khung sụn lấy từ sụn xương sườn, tạo hình khung sụn vành tai giống hệt vành tai thật. Sau đó tiến hành cấy vào vị trí vành tai, dựng vành tai lên để có góc giống với vành tai thật. Trung bình một cuộc phẫu thuật chỉnh hình vành tai thì 1 sẽ mất khoảng 4-5 giờ đồng hồ bao gồm việc lấy sụn, tạo hình sụn và cấy vào tai. Ở những thì 2, thì 3 việc chỉnh hình vành tai đơn giản và đỡ mất thời gian hơn. Đây là phẫu thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công tạo hình mới tạo được vành tai hoàn chỉnh, nếu sơ sảy dễ nhiễm trùng khó khắc phục…

Lứa tuổi để phẫu thuật lý tưởng thường từ 9-10 tuổi trở lên. Ở độ tuổi này, trẻ đáp ứng đủ tiêu chuẩn về cân nặng, sức khỏe để tiến hành gây mê trong một cuộc phẫu thuật kéo dài. Điều quan trọng nữa là đảm bảo lấy được đủ sụn tạo hình vành tai. Trong khi đó, ở người lớn, xương sườn thường bị xương hóa, phần sụn lấy được ít hơn, việc tạo hình vành tai cũng bị hạn chế hơn.

So với phương pháp tạo hình vành tai bằng silicon thì việc tạo hình vành tai bằng vật liệu tự thân từ sụn xương sườn dễ thích nghi với cơ thể hơn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân nên thăm khám định kỳ để bác sĩ đánh giá sự tiến triển của phần sụn. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh nhân mới phẫu thuật cần tránh va chạm vào vùng vành tai phẫu thuật vì trong vành tai là sụn cứng, ngoài là màng da rất mỏng dễ làm tổn thương da và sụn. (Tiền phong, trang 6)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 3: “Nhiều trẻ được phẫu thuật di tật vành tai miễn phí”

 

Hơn 40 học sinh tiểu học nhập viện do ăn nhầm bột thông bồn cầu

Sáng 4/3, 44 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 của trường Bắc An (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) phải nhập viện cấp cứu do ăn phải bột thông bồn cầu.Theo điều tra ban đầu, sáng nay cô giáo Cao Thị Hà mua 4 gói bột thông bồn cầu, cất dưới gầm cầu thang của trường để cuối giờ mang về nhà. Trong giờ ra chơi, một học sinh lớp 5A lấy ra ăn, chia cho các bạn cùng lớp và các em lớp dưới.  Ông Lê Quang Đức, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Hải Dương cho biết: “Các cháu đã được cấp cứu và sơ cứu, sau đó chuyển lên bệnh viện tỉnh. Hiện nay một số cháu cũng đã ổn định, có thể ra viện nhưng một số cháu vẫn cần phải theo dõi”. Lực lượng Công an Hải Dương đang điều tra. (Lao động, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 3: “44 học sinh bị ngộ độc vì ăn nhầm bột thông bồn cầu”

 

Bệnh sởi tiếp tục có xu hướng gia tăng

Ngày 4-3, theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 25-2 đến 3-3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 76 trường hợp mắc sởi, tăng 7 trường hợp so với tuần trước.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 336 trường hợp mắc sởi, tại 27/30 quận, huyện, thị xã và 126/584 xã, phường, thị trấn, tăng hơn 15 lần so với cùng kỳ năm 2018. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sởi là quận Hoàng Mai, quận Thanh Xuân, quận Nam Từ Liêm, quận Hà Đông, huyện Gia Lâm…

Phân tích dịch tễ bệnh nhân sởi năm 2019 cho thấy, nhóm bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi (chưa đến độ tuổi tiêm phòng) chiếm 24,1%; nhóm bệnh nhân từ 9 đến 11 tháng tuổi chiếm 8%; nhóm bệnh nhân từ 1 đến 5 tuổi chiếm 17,6%; nhóm bệnh nhân từ 6 đến 15 tuổi chiếm 23,4%. Điều đáng nói, khoảng 90% trường hợp mắc sởi do chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Không chỉ tại Hà Nội, dịch sởi tiếp tục có xu hướng gia tăng trên cả nước, từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 8.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có gần 900 trường hợp dương tính với sởi, không có trường hợp tử vong. (Hà Nội mới, trang 1)

 

Bộ Y tế: Chưa đình chỉ tiêm vaccine ComBE Five ở Bình Định, chỉ tạm ngừng để đánh giá

Sau vụ việc bé gái 2 tháng tuổi ở Bình Định tử vong sau tiêm vaccine ComBE Five, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này có những động thái mới đảm bảo chất lượng, an toàn của tiêm vaccine.

Liên quan đến vụ việc bé gái 2 tháng tuổi ở Bình Định tử vong sau tiêm vaccine ComBE Five 4 tiếng tại trạm y tế xã, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho biết, rà soát lại quy trình bảo quản lạnh vaccine, quy trình khám sàng lọc, tư vấn cho người nhà trước khi tiêm đều đảm bảo đúng quy định của Bộ Y tế.

Nguyên nhân ban đầu được đưa ra là bé tử vong do phản ứng nặng sau tiêm chủng. Bên cạnh đó, sau khi tìm hiểu kỹ từ người nhà về tiền sử bệnh của trẻ thì có nghi ngờ bé bị bệnh tim bẩm sinh.

Trong thời gian tới, y tế Bình Định sẽ đẩy mạnh khâu khám sàng lọc, thời gian để bác sĩ khai thác tiền sử bệnh của trẻ kỹ càng hơn. Bên cạnh đó, có thể phải tính toán, hoãn tiêm đối với các trẻ suy dinh dưỡng, mặc dù không nằm trong diện chống chỉ định trong tiêm chủng.

Bình Định đã áp dụng chỉ tiêm vào buổi sáng, để đề phòng trường hợp trẻ có phản ứng muộn, người nhà dễ quan sát, phát hiện và có biện pháp xử trí kịp thời.

Ngoài ra, một vấn đề nữa mà lãnh đạo ngành Y tế Bình Định đang tính toán là không tổ chức tiêm chủng vào thứ Bảy, Chủ nhật. “Từ trước đến nay chúng ta cứ mặc định tiêm chủng vào cuối tháng, có thể trùng vào thời điểm cuối tuần, nhưng đây là những ngày các cơ sở y tế có số y bác sĩ trực ít hơn bình thường” – ông Hùng nói.

Sở Y tế tỉnh này cũng tăng cường đưa khuyến cáo của Bộ Y tế với người nhà về việc theo dõi trẻ trong 48 giờ sau tiêm chủng. 60 – 70% trường hợp phản ứng nặng thường xuất hiện khoảng 6 – 7 giờ sau tiêm chủng; trường hợp phản ứng tức thì hoặc 30 – 60 phút sau khi tiêm rất ít.

“Đây là thông tin cần được các phụ huynh quan tâm để theo dõi sát tình trạng của trẻ sau tiêm chủng. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu quấy khóc, tím tái, sốt cao, co giật… thì cần đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời” – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cho hay.

PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đến thời điểm này, cơ quan chức năng chưa có quyết định đình chỉ tiêm đối với lô vaccine “5 trong 1” ComBE Five mà chỉ tạm ngừng đánh giá nguyên nhân.

Trong thời gian này, trẻ vẫn được tiêm vaccine Combe Five ở những lô khác. Những trường hợp trẻ phản ứng sau khi tiêm vaccine Combe Five có sốt cao, quấy khóc hơn ngày thường… là những phản ứng thông thường.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế), phân tích kết quả đánh giá trước đó cho thấy trong số hơn 100.000 liều vaccine “5 trong 1” ComBE Five đã được tiêm, tỉ lệ trẻ gặp phản ứng sau tiêm nằm trong giới hạn an toàn.

Ông Trần Đắc Phu cho hay tai biến trong tiêm chủng luôn có dù tỉ lệ rất thấp. Năm 2018 có gần 27.800 trường hợp phản ứng sau tiêm chủng được ghi nhận, trong đó có 32 phản ứng nặng, 3 trẻ trong số này đã tử vong. Đặc biệt, có 3 trẻ gặp phản ứng nặng sau tiêm chủng vaccine dịch vụ, cả 3 trường hợp này đều ở Hà Nội, các cháu đều được cấp cứu kịp thời.

Nguyên nhân gây phản ứng sau tiêm, có 68% các trường hợp được kết luận là do phản ứng quá mẫn cảm với vaccine (sốc phản vệ), 19% các trường hợp là không rõ nguyên nhân, 13% là do trùng hợp với bệnh sẵn có của trẻ. Do đó theo quy định việc bồi thường tai biến tiêm chủng được Việt Nam thực hiện trong 2 năm qua với khoảng 10 trường hợp. (Gia đình & Xã hội, trang 6)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 2: “Bộ Y tế không dừng tiêm vắc-xin ComBE Five”

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 27/8/2018

admin

Điểm báo ngày 12/1/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 4/10/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận