Điểm báo ngày 05/4/2021

(CDC Hà Nam)
Lập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; 2.383 bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam đã được điều trị khỏi; Tiêu tùng gan, thận vì tin quảng cáo “thần y”; 50 phút cân não cứu trẻ bị bệnh tim hiếm gặp

Lập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân

Hồ sơ sk điện tử mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và đã được triển khai ở hơn 50 tỉnh thành cả nước. Riêng tại TP.HCM từ tuần qua bắt đầu thí điểm tới người dân. Việc triển khai lập hồ sơ sk điện tử (HSSKĐT) do SYT TPHCM chủ trì, bắt đầu thí điểm cho khoảng 22.000 nhân khẩu ở P.27 (Q.Bình Thạnh), thời gian hoàn thành dự kiến vào quý 2/2021. Theo lộ trình của TP.HCM, trong năm 2021 có 24 phường, xã trên địa bàn được triển khai và đến 2025, người dân toàn TP được lập HSSKĐT.

3 giai đoạn hoàn thiện

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết phần mềm cho HSSKĐT đã được BYT xây dựng, và lộ trình lập được Sở chia thành 3 giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn 1 lập dữ liệu hành chính của HSSKĐT có mã định danh. Giai đoạn này sử dụng dữ liệu sẵn có từ nguồn dữ liệu BHYT do Bộ Y tế chuyển về các sở y tế, trong đó mã định danh cho HSSKĐT được Bộ Y tế chọn là số thẻ BHYT. Tuy nhiên, dữ liệu này không bao gồm danh sách người dân chưa tham gia BHYT. Về cơ bản, giai đoạn 1 đã xong phần dữ liệu của người dân tham gia BHYT và tiếp tục bổ sung, cập nhật dữ liệu của người dân chưa tham gia BHYT.

Giai đoạn 2 chuẩn bị triển khai, sẽ lập dữ liệu về tiền sử sức khỏe và các thông tin cơ bản về sức khỏe, do chính người dân khai báo thông tin qua điện thoại thông minh với giải pháp sử dụng mã QR code (tiết kiệm được thời gian, công sức và kinh phí thực hiện nhưng chất lượng dữ liệu sẽ đảm bảo chính xác hơn khai báo thủ công). Ở giai đoạn này, việc cập nhật dữ liệu dân cư theo thời gian thực là rất cần thiết. Sở Y tế cũng đã có kế hoạch liên thông dữ liệu dùng chung của TP.HCM, trong đó có ngành y tế. Ngoài ra, Sở Y tế đã xây dựng app (ứng dụng) trên điện thoại thông minh để chính người dân có thể dùng mã QR code truy cập, tự bổ sung, cập nhật tình hình sức khỏe cơ bản của mình khi thấy cần thiết (ví dụ như dị ứng thức ăn, nhóm máu…).

Giai đoạn 3 cập nhật, liên thông dữ liệu sức khỏe khi người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế, các phòng khám của các cơ sở y tế khác, hoặc sau khi nhập viện điều trị tại các bệnh viện. Đây là giai đoạn hoàn chỉnh của HSSKĐT.

Người dân được lập dữ liệu miễn phí

Sở Y tế cho biết theo quy trình thu nhập dữ liệu cơ bản ban đầu, UBND phường và đơn vị nghiệp vụ của Sở lập danh sách người dân thường trú, tạm trú trên 6 tháng tại địa bàn, gửi về Sở Y tế. Sở sẽ tạo QR code và mã số HSSKĐT (là mã số BHYT), in ra và phát cho từng hộ gia đình, người dân (kèm tờ hướng dẫn chi tiết) thông qua cán bộ phường, xã. Mỗi người dân 1 mã số nên khi quét QR code đăng nhập thì sẽ được gửi tin nhắn OTP để đăng nhập vào.

Một điều đặc biệt là người dân tự khai báo thông tin sức khỏe cơ bản qua phần mềm trên điện thoại thông minh. Các thông tin sức khỏe cơ bản được người dân tự khai báo trên ứng dụng gồm: cân nặng, chiều cao, dữ liệu về huyết áp, tiền sử bệnh tật… Sẽ có số điện thoại để người dân khi cần thắc mắc gọi để được giải đáp, hướng dẫn. Người dân không phải tốn bất kỳ chi phí nào cho công tác lập HSSKĐT.

Những người cao tuổi, neo đơn, người không có điện thoại thông minh sẽ được cán bộ phường, xã, tổ dân phố hỗ trợ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hỗ trợ cho đối tượng này, mà chỉ có người được cấp quyền mới được làm. Trước khi thực hiện, Sở Y tế sẽ tập huấn cho cán bộ phường, xã để triển khai cho người dân.

“Sở Y tế sẽ tạo ra một ứng dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân trên điện thoại thông minh. Người dân đã khai báo HSSKĐT, khi cần kiểm tra lại thông tin thì sẽ vào ứng dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân để theo dõi, thậm chí có thể bổ sung thông tin mới nếu có, hoặc trước đó chưa ghi vào”, ông Thượng nói.

Theo Sở Y tế, khi hoàn thành giai đoạn lập dữ liệu về tình hình sức khỏe cơ bản của người dân, ngành y tế TP.HCM sẽ có những thông tin quan trọng về tình hình sức khỏe của người dân TP, như tỷ lệ người béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, ung thư, tim mạch… Ngoài ra còn biết tỷ lệ người dân đã tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, ngay cả vắc xin Covid-19… Đây là cơ sở quan trọng và thật sự có ý nghĩa để TP.HCM có những chính sách, kế hoạch trọng tâm, hành động cụ thể… nhằm không ngừng nâng cao công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.

“Yếu tố bảo mật thông tin sức khỏe đã được đặt ra ngay từ đầu, được cá nhân hóa. Khi có ứng dụng (dự kiến trong quý 2/2021), việc dùng mã QR code khai báo qua điện thoại thông minh buộc phải nhập mã OTP để khai báo (tương tự như việc truy cập, cập nhật thông tin trong HSSK cá nhân)”, ông Thượng nhấn mạnh khi có lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân (Thanh niên, trang 2).

 

2.383 bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam đã được điều trị khỏi

Ngày 4.4, BYT thông báo 5 ca nhập cảnh dương tính, là các bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 2.627 – 2.631 tại Việt Nam. Tất cả được cách ly ngay sau nhập cảnh, tại Bắc Giang 3 ca (BN 2627 – 2629) và Tây Ninh 2 ca (BN 2630 – 2631). Trong đó, 3 BN 2627 – 2629 nhập cảnh trên cùng chuyến bay Việt Nam88 từ Angola ngày 31.3, hiện được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh (Hà Nội). 2 BN 2630 – 2631 cùng có địa chỉ tại P.Thác Mơ, TX.Phước Long, Bình Phước, từ nước ngoài nhập cảnh cửa khẩu Mộc Bài tỉnh Tây Ninh, đang được điều trị tại Trung tâm y tế Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh).

Bộ Y tế cho biết trong số 2.631 BN Covid- 19 ghi nhận tại Việt Nam từ đầu dịch đến nay, 2.383 ca đã được điều trị khỏi. 27.478 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly y tế, phòng dịch Covid-19 trong cộng đồng. Đến ngày 4.4, 52.335 người thuộc nhóm ưu tiên đã được tiêm vắc xin tại Việt Nam (Thanh niên, trang 3).

 

Tiêu tùng gan, thận vì tin quảng cáo “thần y”

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương gần đây liên tục cấp cứu nhiều trường hợp sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc được quảng cáo trên mạng dẫn tới bị đau bụng dữ dội, men gan tăng vọt hàng chục lần và phải nhập viện cấp cứu. Đã có ít nhất 2 bệnh nhân rơi vào cảnh này trong 2 tuần qua do sử dụng thuốc nam trị bệnh theo quảng cáo trên mạng.

Suy gan, suy thận… vì thuốc “trời ơi”

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, một trong hai người bệnh này 25 tuổi, đã uống thuốc “gia truyền” 20 ngày nay mà theo quảng cáo là để… sinh con trai. Sau khi uống thuốc, bệnh nhân mệt mỏi, men gan tăng gấp 20 lần so với bình thường, trong khi bình thường men gan chỉ tăng 2-3 lần đã là nguy hiểm.

“Bệnh nhân tới sớm nên chưa tổn thương nặng tới mức vàng da, vàng mắt. Qua xét nghiệm cho thấy bệnh nhân không bị viêm gan siêu vi B, C, HIV, tình trạng men gan tăng cao là do gan bị nhiễm độc thuốc nam” – bác sĩ Vũ Minh Đức, khoa nội tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết.

Một bệnh nhân khác (73 tuổi, bị đau khớp và viêm gan B đã nhiều năm) cũng gặp tình trạng tương tự. Bệnh nhân nhập viện hôm 30-3 trong tình trạng suy gan, suy thận, khó thở…

Chồng bệnh nhân cho biết vợ ông đã sử dụng thuốc nam và tưởng đã khỏi bệnh, nhưng thời điểm trước khi nhập viện, ông thấy bà có các mảng bầm tím dưới da nên đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, người vợ được chẩn đoán đã suy gan, suy thận… cũng do ngộ độc thuốc nam.

Đây không phải là những trường hợp cá biệt, đã “trả tiền thật để rước bệnh về mình” do tin vào quảng cáo thuốc “trời ơi” trên mạng.

Bệnh viện Xanh Pôn từng đã tiếp nhận bệnh nhân nam 56 tuổi, mắc tiểu đường lâu năm, đồng thời mắc viêm gan B, ung thư gan, sử dụng thuốc tiêm điều trị tiểu đường.

Nghe theo “thần y” mạng, tháng 10-2020 bệnh nhân bỏ điều trị, chuyển sang uống thuốc nam (4 viên/ngày); gói thuốc không rõ thành phần, bao bì, nơi sản xuất, cũng không có chứng nhận cấp phép, nhưng quảng cáo có công dụng điều trị tiểu đường và suy thận.

Vài ngày đầu, chỉ số đường huyết của bệnh nhân có giảm, nhưng càng ngày càng mệt mỏi, ăn uống kém, cuối tháng bệnh nhân vào viện trong tình trạng huyết áp tụt, ý thức chậm, thở nhanh, đau bụng… Các chỉ số xét nghiệm đều rất kém, đe dọa ngừng hô hấp, ngừng tim.

Không chỉ đe dọa tính mạng, thậm chí đã có nhiều trường hợp tử vong do dùng thuốc (có chứa chất cấm) mua qua mạng. Tại Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm một hai năm trước đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp biến chứng nặng, thậm chí tử vong do uống “tiểu đường hoàn” – thuốc điều trị tiểu đường có chứa phenformin, chất đã bị cấm từ năm 1978.

Quảng cáo thuốc: lừa tất cả mọi người

Có rất nhiều hành vi nguy hại được các đơn vị quảng cáo sử dụng để đánh lừa người tiêu dùng. Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho hay chính ông cũng từng bị đội ngũ bán thuốc thông qua gọi điện quảng cáo, gọi điện mời mua sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc phạm vi Cục An toàn thực phẩm quản lý.

GS Nguyễn Thanh Liêm – chuyên gia về nhi khoa, nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, người “quen mặt” trên truyền thông – thì bị sử dụng ảnh chụp và gắn một cái tên “trời ơi” vào để quảng cáo trên mạng.

PGS Lưu Thị Hồng, nguyên vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), cũng gặp tình huống tương tự khi một nhóm đơn vị quảng cáo đã sử dụng ảnh và tên của bà Hồng (ghi rõ là Lưu Thị Hồng nhưng nhập nhèm đơn vị bà Hồng làm việc là Trung tâm y học cổ truyền) để quảng cáo loại “kem bôi nở ngực” và “kem uống nở ngực” giá 360.000 – 850.000 đồng/sản phẩm.

“Có đến hàng chục mẫu quảng cáo kiểu này, mỗi mẫu sử dụng một ảnh khác nhau nhưng tên trên quảng cáo đều là tên tôi. Chúng tôi đã gọi cho đơn vị quảng cáo sản phẩm có ghi trên mạng xã hội, thậm chí nhắn tin vào số điện thoại và tin nhắn trên fanpage của họ thì họ xóa tin ngay hoặc trả lời rằng không biết tôi là ai. Làm sao để dân mạng không bị lừa nữa, điều này làm tôi rất trăn trở” – bà Hồng nói với Tuổi Trẻ.

“Có rất nhiều hình thức đánh lừa người tiêu dùng. Có khi họ dùng ảnh chụp các phóng viên của VTV hoặc cơ quan thông tấn, báo chí lớn rồi dùng biện pháp kỹ thuật gắn tên sản phẩm vào ảnh, kiểu như bài báo đó đang nói về sản phẩm của họ; có khi họ dùng tên, ảnh của giáo sư, bác sĩ uy tín bằng chiêu ảnh bác sĩ thì gắn tên khác, tên bác sĩ thì gắn ảnh khác…, từ đó đánh lừa những người không biết hoặc không tìm hiểu kỹ. Từ chiêu này, họ bán những sản phẩm bình thường, thậm chí chất lượng kém, với giá cao” – đại diện một đơn vị chuyên truyền thông chính thống cho thuốc chữa bệnh nói (Tuổi trẻ, trang 15).

 

50 phút cân não cứu trẻ bị bệnh tim hiếm gặp

Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Trẻ em – Bệnh viện Nhi T.Ư mới đây cứu sống trẻ sơ sinh bằng phương pháp đốt điện. Đây là một thành tựu vượt bậc trong can thiệp tim mạch điều trị rối loạn nhịp trẻ em.

Ngày 14/3, Trung tâm Tim mạch Trẻ em nhận được yêu cầu hội chẩn từ xa từ các bác sĩ khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc). Bệnh nhân L.P.T., 9 ngày tuổi, nặng 3,5 kg, nhập viện trong tình trạng nguy kịch do rối loạn nhịp tim nhanh hiếm gặp khi tim đập đến 300 lần/phút (bình thường 120-180 lần/phút). Bé T. được vận chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Nhi T.Ư. Bé được kiểm soát cơn tim nhanh bằng thuốc, nhưng cơn tim nhanh liên tục tái phát sau 9 lần cắt cơn bằng thuốc, toàn trạng trẻ xấu đi nhanh chóng với các dấu hiệu sốc tim tiến triển. Các chuyên gia quyết định chọn giải pháp cuối cùng là triệt đốt tim nhanh bằng năng lượng tần số radio trực tiếp qua đường dẫn vào buồng tim. Các rối loạn huyết động biến mất ngay sau đó, toàn trạng nhanh chóng được phục hồi sau 50 phút can thiệp.

TS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Trẻ em, cho biết, chẩn đoán và điều trị các rối loạn nhịp tim ở trẻ em là thách thức đối với hầu hết bác sĩ nhi khoa. Từ năm 2016 đến nay, Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận khoảng 300 trẻ nhỏ cân nặng dưới 15kg được đốt điện, trong đó có 17 bệnh nhi là trẻ sơ sinh, tỷ lệ thành công ngang tầm một số trung tâm điện sinh lý hàng đầu trên thế giới. TS Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Khám và chẩn đoán các bệnh tim mạch – Trung tâm Tim mạch Trẻ em, cho hay, tình trạng nhịp tim nhanh kịch phát ở trẻ có đặc tính xuất hiện và mất đi đột ngột, có thể kéo dài vài phút đến hàng giờ với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, trẻ không được cha mẹ phát hiện sớm khiến cơn tim nhanh kịch phát xảy ra nhiều lần, gây nguy hiểm tính mạng.

Đối với trẻ lớn, đốt điện được coi là phương pháp lựa chọn ưu tiên. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ tuổi, phương pháp này tiềm ẩn nguy cơ tai biến trong quá trình làm thủ thuật cao hơn. Vì vậy, để thực hiện được phương pháp này an toàn, đòi hỏi nhiều yếu tố như đội ngũ y bác sĩ nhiều kinh nghiệm, trang thiết bị đầy đủ, đáp ứng yêu cầu chuyên môn khi có tình huống bất thường xảy ra (Tiền phong, trang 6).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 07/5/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/01/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/9/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận