Điểm báo ngày 06/4/2021

(CDC Hà Nam)
Hà Nội chuẩn bị tiêm 50 nghìn liều vắc xin phòng Covid-19 đợt 2; Bệnh viện Chợ Rẫy là Trung tâm đào tạo vùng của Hội Thận học quốc tế; Nhiều nước thông báo số ca mắc Covid-19 tăng mạnh…

 

Đẩy nhanh xây dựng y tế điện tử

Ngày 2-4 vừa qua, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có buổi làm việc với lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh để chọn UBND phường 27 làm nơi triển khai lập hồ sơ sức khỏe (HSSK) điện tử đầu tiên của thành phố. Qua đó, làm mô hình thực tế để nhân rộng khi triển khai ở 23 phường, xã còn lại của thành phố trong năm 2021.

Sở Y tế thành phố chọn giải pháp sử dụng mã QR code để người dân tự khai báo dữ liệu sức khỏe cơ bản qua điện thoại thông minh. Đây là giải pháp ứng dụng công nghệ số để lập HSSK điện tử được ngành y tế quyết tâm triển khai vì những lợi ích thiết thực mà các giải pháp thủ công trước đây không thể có được. Đó là tiết kiệm thời gian, công sức và kinh phí thực hiện nhưng chất lượng dữ liệu bảo đảm chính xác hơn. Cùng với đó, ngành y tế thành phố sẽ triển khai đồng thời ứng dụng (app) “HSSK điện tử” trên điện thoại thông minh để người dân lưu lại những thông tin sức khỏe cơ bản đã khai báo và có thể chủ động cập nhật, bổ sung thông tin khi cần.

Để HSSK điện tử thật sự thuận tiện cho người dân, nhiều ý kiến cho rằng, bảng hướng dẫn sử dụng mã QR code để khai báo cần được trình bày thật rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Tổ trưởng dân phố sẽ tham gia làm cộng tác viên để phân phát các bảng hướng dẫn đến từng hộ gia đình; tổ chức phổ biến, hướng dẫn cách khai báo qua QR code, cũng như cần có số điện thoại nóng để người dân gọi khi cần hỏi. Bên cạnh đó, ứng dụng cần được thiết kế sao cho thuận tiện, đơn giản nhất cho người khai báo (như nhập dữ liệu về ngày, tháng, năm; dữ liệu về huyết áp,…) và phân cấp, chịu trách nhiệm về quản lý, giám sát, chủ động tiến độ khai báo theo cấp phường, xã; cấp quận, huyện; cấp thành phố. Sở Y tế thành phố dự kiến bắt đầu triển khai tại phường 27, quận Bình Thạnh ngay trong tháng 4-2021 và đến tháng 6-2021 sẽ triển khai đồng loạt tại 23 phường, xã của thành phố.

Hướng đến xây dựng y tế điện tử, thời gian qua, Sở Y tế thành phố cũng triển khai các hoạt động như “Y tế trực tuyến”, “Khai báo y tế điện tử” và từng bước phát huy hiệu quả trong công tác quản lý của ngành. Nhiều sự việc vi phạm trong lĩnh vực khám, chữa bệnh đã được phát hiện kịp thời nhờ thông tin từ người dân, cơ quan báo chí qua cổng y tế trực tuyến. Trong khi đó, với việc khai báo y tế điện tử, ngành y tế thành phố cũng phát hiện và khoanh vùng những trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 để đưa đi cách ly, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Việc triển khai thêm HSSK điện tử cho thấy sự quyết liệt trong quá trình chuyển đổi số hóa ngành y tế thành phố nhằm góp phần đẩy nhanh việc xây dựng đô thị thông minh. (Nhân dân, trang TPHCM)

 

52.413 người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19

Theo thông báo của Bộ Y tế, ngày 5-4 Việt Nam ghi nhận sáu ca mắc Covid-19 là các người bệnh được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Cụ thể, người bệnh thứ 2.632 ngày 31-3, từ Ăng-gô-la nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN88 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bắc Giang.

Người bệnh thứ 2.633 và 2.634, ngày 3-4, từ Nhật Bản nhập cảnh tại sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN319 và chuyến bay VN5319 đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại thành phố Đà Nẵng. Người bệnh thứ 2.635 và 2.636 ngày 2-4 từ Nhật Bản nhập cảnh tại sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN311 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Quảng Nam. Người bệnh thứ 2.637 (là chuyên gia, quốc tịch Ấn Độ) ngày 1-4, từ Ấn Độ nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay 6E9471 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP Hồ Chí Minh. Hiện các người bệnh được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2; Bệnh viện Phổi Đà Nẵng; Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam; Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Trong ngày, có 33 người bệnh được công bố khỏi bệnh.

★ Cùng ngày, Bộ Y tế cho biết, từ ngày 29-3 đến 4-4, có 9.158 người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Như vậy, tính đến ngày 4-4, cả nước có tổng cộng 52.413 người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố. Đối tượng tiêm vắc-xin là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị người bệnh mắc Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương. Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin Covid-19, để sớm đưa số vắc-xin do COVAX viện trợ vào sử dụng.

★ Ngày 5-4, 50 cán bộ y tế tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tỉnh Gia Lai hoàn thành cách ly y tế 14 ngày để trở về các đơn vị tiếp tục công tác. Cùng với đó, UBND tỉnh Gia Lai đã quyết định giải thể Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 (địa chỉ 132 Tôn Thất Tùng, TP Pleiku) và bàn giao trang thiết bị cho các cơ quan, đơn vị liên quan. (Nhân dân, trang 8)

 

Nhiều nước thông báo số ca mắc Covid-19 tăng mạnh

Theo TTXVN và tin nước ngoài, với 103.558 bệnh nhân được xác nhận trong ngày 5-4, số ca mắc Covid-19 trong một ngày tại Ấn Độ lần đầu vượt 100.000 người. Riêng bang Ma-ha-ra-stra có thêm 57.074 ca. Chính quyền bang ban bố các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.

★ Cùng ngày, Trung Quốc đại lục ghi nhận 32 ca mắc, mức cao nhất trong hơn hai tháng qua. Trong đó, có 15 ca lây nhiễm trong cộng đồng và đều được ghi nhận tại tỉnh Vân Nam, nơi bùng phát ổ dịch mới.

★ Hàn Quốc cũng đứng trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 4, khi ngày thứ 5 liên tiếp ghi nhận số ca mắc vượt ngưỡng 500 người. Giới chức y tế kêu gọi người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Tại Nhật Bản, các biện pháp hạn chế bắt đầu được áp dụng ở sáu thành phố, với hiệu lực trong một tháng.

★ Tại khu vực Đông – Nam Á, Phi-li-pin ghi nhận thêm 11.028 ca mắc trong ngày 4-4. Bộ Y tế Phi-li-pin đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho hơn 1,7 triệu nhân viên y tế và người cao tuổi. Tại Thái-lan, thêm 96 ca được xác nhận, hầu hết là các ca lây nhiễm trong nước. Cam-pu-chia cũng có thêm 44 ca mắc Covid-19…

★ Tại châu Âu, số ca mắc Covid-19 tại Pháp tăng thêm 66.794 người chỉ trong một ngày, trong khi số ca tử vong tăng thêm 185 người. Trong khi đó, Thủ tướng Đức A.Méc-ken cảnh báo áp đặt phong tỏa triệt để và nhất quán trên cả nước, gồm cả hạn chế đi lại vào ban ngày.

★ Trong khi đó, tình hình dịch tại Bồ Đào Nha có xu hướng lắng dịu, khi trong 24 giờ chỉ ghi nhận 193 ca mắc, con số thấp nhất kể từ ngày 25-8-2020. Tại Séc, chính phủ cũng không khuyến nghị gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp để phòng dịch sau khi hết hiệu lực ngày 11-4 tới.

★ Bộ Y tế Cu-ba ngày 4-4 xác nhận 1.162 ca mắc Covid-19, số ca mắc theo ngày cao nhất tại Cu-ba kể từ khi dịch bùng phát. Cùng ngày, Pê-ru xác nhận ngày có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất, với 294 người chết. Tại Cô-lôm-bi-a, Tổng thống I.Đu-kê ban bố các biện pháp hạn chế mới tại một số thành phố.

★ Tại Ca-na-đa, tổng số bệnh nhân Covid-19 đã vượt mốc một triệu ca, đưa Ca-na-đa trở thành quốc gia thứ 23 trên thế giới có hơn một triệu ca bệnh. Trong khi đó, Mỹ thông báo, đến ngày 5-4, đã thực hiện tiêm hơn 165 triệu liều và phân phối gần 208 triệu liều vắc-xin trên cả nước.

★ Một loạt nước ở khu vực Trung Đông thông báo thêm các ca mắc và tử vong do Covid-19. I-ran có thêm 161 người chết trong ngày 4-4. I-rắc xác nhận thêm 5.368 ca mắc. Cô-oét có thêm 1.203 ca mắc. I-xra-en cũng xác nhận 140 ca mắc và bảy ca tử vong do Covid-19…

★ Li-bi vừa tiếp nhận lô vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên, trong bối cảnh hệ thống y tế quốc gia đang chật vật ứng phó tình trạng số ca mắc mới tăng mạnh. Bộ Y tế Li-bi cho biết, hơn 100.000 liều vắc-xin Sputnik V của Nga đã được chuyển tới thủ đô Tơ-ri-pô-li của Li-bi.

★ Tại châu Phi, với 365 ca mới, số bệnh nhân Covid-19 tại Ma-rốc tăng lên 498.197 người. Tại Ghi-nê Bít-xao, chính phủ chính thức khởi động chiến dịch tiêm chủng quốc gia.

★ Theo trang worldometers.info, đến tối 5-4, toàn cầu đã ghi nhận gần 131,96 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 2,86 triệu ca tử vong; hơn 106,27 triệu bệnh nhân đã bình phục. (Nhân dân, trang 8)

 

Thêm 33 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh

Trong ngày 5.4, có thêm 33 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số 2.637 bệnh nhân ghi nhận tại Việt Nam từ đầu dịch đến nay, đã có 2.416 ca được điều trị khỏi;

Ngày 5.4, Bộ Y tế thông báo ghi nhận 6 bệnh nhân (BN) Covid-19 mới là các ca nhập cảnh. Các ca mắc mới là BN thứ 2.632 – 2.637 tại Việt Nam, được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Bắc Giang (1 ca), Đà Nẵng (2 ca), Quảng Nam (2 ca) và TP.HCM (1 ca).

Theo Bộ Y tế, trong ngày 5.4, có thêm 33 BN Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số 2.637 BN ghi nhận tại Việt Nam từ đầu dịch đến nay, đã có 2.416 ca được điều trị khỏi; 1.603 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Hiện, 27.478 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch được theo dõi sức khỏe, phòng dịch Covid-19. (Thanh niên, trang 4)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Thêm 33 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh”

 

Bệnh viện Chợ Rẫy là Trung tâm đào tạo vùng của Hội Thận học quốc tế

Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết vừa được Hội Thận học quốc tế (ISN – trụ sở tại Brussels, Bỉ) có văn bản chính thức công nhận là một trong 21 trung tâm đào tạo vùng của ISN trên toàn thế giới.

Ngày 5.4, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy cho biết vừa được Hội Thận học quốc tế (ISN – trụ sở tại Brussels, Bỉ) có văn bản chính thức công nhận là một trong 21 trung tâm đào tạo vùng của ISN trên toàn thế giới. Theo văn bản công nhận của ISN, BV Chợ Rẫy trở thành Trung tâm đào tạo vùng với thời hạn 5 năm (2021 – 2026), sau đó sẽ tiếp tục được gia hạn nếu đáp ứng các tiêu chí của ISN.

BV Chợ Rẫy sẽ phụ trách đào tạo tại VN cũng như các nước trong khu vực về các lĩnh vực liên quan đến thận, gồm: thận tổng quát, lọc máu, lọc màng bụng và ghép thận. Việc đào tạo được thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau, như: tiếp nhận nghiên cứu sinh; tổ chức hội thảo đào tạo về các chủ đề thận học phù hợp với tình hình khu vực; chia sẻ kiến thức chuyên môn thông qua chương trình “Đại sứ giáo dục” hoặc chương trình “Giáo dục y tế thường xuyên” của ISN…

Tại khu vực châu Đại Dương và Đông Nam Á, có 3 BV được ISN lựa chọn trở thành Trung tâm đào tạo vùng, gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 BV tại Malaysia và 1 BV tại Thái Lan. Các trung tâm đào tạo vùng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của ISN hướng đến mục tiêu điều trị bệnh về thận tại các nước đang phát triển. (Thanh niên, trang 4)

 

Bệnh quai bị có thể thành dịch trở lại

Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây thành dịch do virus quai bị gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ em và lứa tuổi thanh thiếu niên. Bệnh quai bị được giới chuyên môn cảnh báo có khả năng thành dịch trở lại, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa.

Xuất hiện nhiều ca bệnh

Theo báo cáo từ các phòng khám của Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TPHCM), từ tháng 2 đến nay ghi nhận hàng chục trẻ mắc bệnh quai bị. May mắn, tất cả đều ở thể nhẹ, không có trường hợp biến chứng nặng và thành phố không phải công bố ổ dịch.

Theo bác sĩ CK2 Dư Tuấn Quy, Phó trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi đồng 1, bệnh quai bị do virus quai bị thuộc nhóm Paramyxovirus gây nên; lây truyền theo đường hô hấp, qua các bụi nước của hơi thở, truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành. Bệnh quai bị rất phổ biến, có đặc điểm dịch tễ rõ ràng, thường phát bệnh trong giai đoạn chuyển mùa, có nguy cơ bùng lên thành dịch ở những nơi tập trung đông người như nhà trẻ, trường học…

Sau khi tiếp xúc với virus quai bị khoảng 14-24 ngày (giai đoạn ủ bệnh đã có thể lây lan), người bệnh có biểu hiện sốt cao từ 38-39°C, đau đầu, chán ăn, cảm giác khó nuốt, khó nói chuyện và đau nhức các khớp xương. Bên cạnh đó, vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, lan ra vùng trước tai và lan xuống dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài, có khi sưng lan đến ngực gây phù trước xương ức. Tuyến mang tai trong bệnh quai bị thường sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng từ từ trong khoảng 1 tuần.

Song song với các tổn thương ở tuyến nước bọt, virus quai bị còn gây viêm tinh hoàn (có thể gây vô sinh ở nam giới), viêm màng não, viêm não, viêm tụy cấp, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi kẽ, viêm đa khớp…

Bác sĩ Dư Tuấn Quy cảnh báo: “Chúng tôi lo nhất là trẻ không được tiêm vaccine hoặc tiêm không đủ mũi, có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh, lây lan trong cộng đồng; đặc biệt trong tháng 4 đến tháng 5, đây là thời điểm bệnh quai bị xuất hiện mạnh ở khu vực phía Nam”.

Th.S-BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM), cho biết, gần đây khoa Nam học thường xuyên tiếp nhận các trường hợp nam giới đến khám và điều trị hiếm muộn, vô sinh do tai biến của bệnh quai bị. Các bệnh nhân lứa tuổi phổ biến từ 20-35, trong đó nhiều trường hợp chưa lập gia đình. Bệnh nhân đến khám có tiểu sử bị viêm tinh hoàn từ biến chứng của bệnh quai bị, hậu quả của viêm tinh hoàn là teo tinh hoàn, dẫn đến giảm thể tích tinh hoàn. Theo bác sĩ Dũng, các trường hợp này mắc bệnh quai bị do chưa từng tiêm phòng bệnh, chưa có miễn dịch với bệnh.

Vaccine + 5K

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) TPHCM, chia sẻ, trong danh mục 24 bệnh truyền nhiễm cần phải kiểm soát có tên bệnh quai bị. Tuy tỷ lệ tử vong rất thấp (khoảng 1/10.000 trường hợp mắc), nhưng đây là căn bệnh có những biến chứng nguy hiểm. Bệnh quai bị đã cơ bản được kiểm soát nhờ vai trò của công tác truyền thông và tiêm chủng. Trẻ em được phòng ngừa quai bị hiệu quả nhờ mũi tiêm vaccine 3 trong 1 (sởi – Rubella – quai bị), trong đó, mũi 1 được tiêm khi trẻ 12-15 tháng tuổi, mũi 2 được tiêm khi trẻ từ 4-6 tuổi hoặc sớm hơn khi có dịch bệnh xảy ra.

“Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác tiêm chủng ít nhiều bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là nhiều phụ huynh có tâm lý e ngại, lo lắng nên không cho trẻ đến cơ sở y tế để tiêm chủng đúng lịch”, bác sĩ Lê Hồng Nga cho hay.

Bác sĩ Lê Hồng Nga khẳng định, biện pháp phòng ngừa có hiệu quả nhất đối với bệnh quai bị là tiêm vaccine phòng bệnh, bắt đầu từ 12 tháng tuổi trở lên, để cơ thể miễn dịch với bệnh quai bị trong một thời gian dài hoặc có thể suốt đời. Trường hợp những người đã tiếp xúc với bệnh nhân mắc quai bị mà chưa tiêm vaccine phòng quai bị thì cần tiêm ngay để có thể bảo vệ bản thân tránh lây nhiễm. Lưu ý, cần tiêm vaccine phòng quai bị không quá 72 giờ sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh. Đồng thời, trên địa bàn thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19, bao gồm các nguyên tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế và không tập trung nơi đông người) nhằm đảm bảo việc tiêm chủng diễn ra an toàn, hiệu quả. Do đó phụ huynh không nên lo lắng thái quá, cần cho trẻ đến các cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng theo đúng độ tuổi, đúng lịch và số lượng mũi vaccine tiêm chủng.

Bên cạnh đó, khi người thân mắc bệnh quai bị, người nhà cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Người bị bệnh phải nghỉ tại nhà để cách ly (khoảng 10 ngày), tránh lây lan cho người khác. Đặc biệt, không cho người bệnh vận động nhiều vì dễ gây biến chứng; đắp khăn ấm vùng tuyến mang tai, mặc quần lót nâng dịch hoàn để giảm đau, giảm căng; vệ sinh cá nhân và tẩy uế sát trùng các chất dịch tiết.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần phân biệt bệnh quai bị và bệnh bạch hầu vì kiểu sưng của 2 bệnh này gần giống nhau. Trẻ mắc bệnh bạch hầu sẽ bị sưng một lúc ở 2 bên hàm, cổ bạnh ra, sốt cao, người lừ đừ. Bệnh bạch hầu phải được điều trị, cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ rất dễ gây tử vong. (Sài Gòn giải phóng, trang 4)

 

Quyết định có ý nghĩa quan trọng đối với những người làm công tác dân số trên cả nước

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định 496/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp. Để làm rõ hơn về Đề án này, PV Báo Gia đình và Xã hội đã có cuộc trao đổi với ông Lương Quang Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế.

Thưa ông, là đơn vị được giao đầu mối xây dựng Đề án, xin ông cho biết, tại sao lại có sự ra đời của Đề án này?

– Như chúng ta đã biết, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 137/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW. Trong đó, Bộ Y tế được giao xây dựng Đề án nghiên cứu mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về dân số và phát triển giai đoạn 2021-2030.

Bộ Nội vụ được giao xây dựng mô hình và tổ chức bộ máy chuyên trách làm công tác dân số các cấp; Nghiên cứu và xây dựng Đề án quy định cơ chế phối hợp liên ngành về dân số và phát triển; Nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm mạng lưới cộng tác viên thực hiện công tác dân số, gia đình và trẻ em ở cộng đồng.

Ngày 10/3/2020, tại phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã họp và thông qua Nghị quyết 28/NQ-CP, trong đó thống nhất chuyển 3 nhiệm vụ của Bộ Nội vụ sang Bộ Y tế và lồng ghép vào nội dung Đề án nghiên cứu mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về dân số và phát triển giai đoạn 2021-2030 thành một Đề án với tên gọi Đề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp.

Triển khai nhiệm vụ của Chính phủ giao, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập Đề án với đại diện các Bộ, ban ngành liên quan trong đó, Tổng cục Dân số là cơ quan đầu mối để tham mưu, giúp việc cho Bộ Y tế để xây dựng Đề án này.

Ban soạn thảo đã tiến hành xây dựng dự thảo Đề án và lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Chi cục DS-KHHGĐ về nội dung của Đề án và trình lên Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, ngày 30/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án này.

Ông có thể nêu tóm tắt những nội dung chính của Đề án để độc giả được biết?

– Trong Quyết định phê duyệt Đề án có 6 phần: Quan điểm; mục tiêu; mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp liên ngành, mạng lưới cộng tác viên; nhiệm vụ, giải pháp; kinh phí và tổ chức thực hiện.

Tựu chung lại, Đề án này có 3 nội dung căn bản nhất, đó là: Đề án đã đưa ra mô hình về tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển ở các cấp. Thứ hai là cơ chế phối hợp liên ngành về công tác dân số và phát triển. Thứ 3 là việc lồng nghép nhiệm vụ về gia đình và trẻ em đối với cộng tác viên dân số.

Đối với nội dung thứ nhất về mô hình tổ chức bộ máy, Thủ tướng Chính phủ quyết định giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp như hiện nay; bố trí một viên chức dân số thuộc Trạm Y tế xã, cộng tác viên dân số tại các thôn, bản, tổ dân phố.

Về cơ chế phối hợp liên ngành dân số và phát triển, Quyết định nêu rõ: Tăng cường thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành ở trung ương và địa phương. Căn cứ tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành, thành lập tổ chức phối hợp liên ngành ở trung ương, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không phát sinh tổ chức, biên chế.

Tăng cường, kiện toàn các tổ chức phối hợp liên ngành về dân số – kế hoạch hóa gia đình hiện nay để thực hiện nhiệm vụ phối hợp liên ngành về dân số và phát triển ở địa phương, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không phát sinh tổ chức, biên chế.

Về mạng lưới cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em: Triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ của cộng tác viên dân số với công tác gia đình và bảo vệ trẻ em.

Thưa ông, theo nội dung Đề án, thời gian tới, về mô hình tổ chức bộ máy, sẽ giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp như hiện nay. Vậy mô hình bộ máy dân số như hiện nay cụ thể là như thế nào? Việc giữ mô hình này có phù hợp với thực tiễn công tác dân số và tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ làm dân số hay không?

– Khi xây dựng Đề án này, chúng tôi đã nghiên cứu lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển của ngành dân số để cùng nhìn lại mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số xem được thiết kế như thế nào trong suốt chiều dài lịch sử của ngành.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã nghiên cứu một số mô hình quản lý nhà nước về công tác dân số của các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… để tham khảo.

Trong quá trình xây dựng Đề án, Ban soạn thảo đã đưa ra 2 phương án khác nhau về tổ chức bộ máy làm công tác dân số. Một là, giữ nguyên tổ chức bộ máy như hiện nay. Hai là thành lập cơ quan cấp Bộ quản lý nhà nước về công tác dân số và phát triển.

Qua quá trình lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các Bộ, ban ngành, địa phương và đặc biệt là những người làm công tác dân số trên cả nước thì tất cả các đại biểu đều đồng tình là lựa chọn mô hình 1, tức là giữ ổn định như hiện nay.

Giữ ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển như hiện nay nghĩa là ở Trung ương là Tổng cục Dân số thuộc Bộ Y tế. Tại tuyến tỉnh, Chi cục DS-KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế. Tại cấp huyện là Phòng Y tế thuộc UBND. Nơi nào không có Phòng Y tế thì sẽ bố trí một cán bộ để quản lý về y tế trong đó có công tác dân số tại văn phòng HĐND, UBND. Bên cạnh đó, đối với đơn vị sự nghiệp làm công tác dân số ở cấp huyện sẽ giữ ổn định như hiện nay. Còn tại cấp xã, bố trí một viên chức dân số thuộc Trạm Y tế xã, cộng tác viên dân số tại các thôn, bản, tổ dân phố.

Về việc giữ mô hình này có phù hợp với thực tiễn công tác dân số và tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ làm dân số hay không? Như tôi vừa phân tích bên trên, mô hình đưa ra dựa trên các chủ trương, chính sách của Đảng, các bằng chứng nghiên cứu khoa học, các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, lấy ý kiến của các bên liên quan, những người trực tiếp làm công tác dân số. Vì vậy, có thể nói mô hình này phù hợp với mong muốn của số chung đội ngũ những người làm công tác dân số trên cả nước.

Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai Đề án trên phạm vi cả nước sẽ đem lại ý nghĩa như thế nào đối với công tác dân số ở nước ta hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh tổ chức bộ máy làm dân số có nhiều biến động, nhất là ở cấp huyện, thưa ông?

– Quyết định có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những người làm công tác dân số trên cả nước. Bởi như chúng ta đã biết, trong thời gian vừa qua, tổ chức bộ máy làm công tác dân số của nước ta có nhiều biến động đặc biệt là tại tuyến cơ sở. Việc chia tách, sáp nhập hoặc xây dựng Đề án sáp nhập đã tạo nên những xung động về mặt tâm lý gây nên những dao động và ảnh hưởng đến tâm huyết của những cán bộ làm công tác dân số trên cả nước.

Do đó, Quyết định được ban hành sẽ làm cho đội ngũ làm công tác dân số yên tâm hơn, vững vàng hơn về tổ chức bộ máy khi vẫn được giữ ổn định như hiện nay tại tất cả các cấp. Điều này có thể xóa bỏ một phần nào đó những dao động, băn khoăn, trăn trở hoặc những lo lắng, hoang mang trước đây. Khi những người làm công tác dân số yên tâm, họ sẽ tiếp tục gắn bó, tâm huyết với nghề, từ đó, đem lại hiệu quả cao trong công tác dân số ở địa phương.

Điều kỳ vọng nhất của ngành Dân số khi xây dựng và đưa vào triển khai Đề án này là gì thưa ông?

– Chúng tôi kỳ vọng giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp như hiện nay theo đúng như Quyết định mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Đồng thời tiếp tục được củng cố, tăng cường mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện thành công các nhiệm vụ chuyên môn.

Xin ông cho biết, thời gian tới, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế sẽ có phương án như thế nào để Đề án được triển khai đồng bộ, có hiệu quả trên phạm vi cả nước?

– Tại Quyết định phê duyệt Đề án, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì thực hiện đề án, hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đề án; kiểm tra, đánh giá và tổng hợp tình hình thực hiện đề án định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chủ trì rà soát, xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật về dân số và phát triển; thành lập tổ chức phối hợp liên ngành ở trung ương.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn, triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em tại cơ sở. Việc triển khai này sẽ được vận dụng một cách linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn tại từng địa phương. Sau đó, Bộ Y tế sẽ đánh giá hiệu quả thực hiện.

Như vậy, sắp tới, Bộ Y tế sẽ có văn bản hướng dẫn đối với các địa phương về 3 nội dung căn bản của Đề án là giữ ổn định bộ máy tổ chức làm công tác dân số. Tăng cường phối hợp liên ngành và triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm gia đình và trẻ em.

Chúng tôi trông đợi rằng, ở địa phương sẽ triển khai đúng Quyết định này, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giữ vững ổn định tổ chức bộ máy như hiện nay để triển khai một cách hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn về dân số và phát triển trên địa bàn, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra.

Xin trân trọng cảm ơn ông!  (Gia đình & Xã hội, trang 7)

 

Tuyển Việt Nam được tiêm vắc-xin phòng COVID-19

Ngày 5/4, HLV Park Hang Seo và nhiều thành viên dự kiến của đội tuyển Việt Nam được tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

Việc tiêm vắc-xin COVID-19 được tiến hành tại Bệnh viện Quân y 108 (Hà Nội). Những thành viên đầu tiên của đội tuyển Việt Nam, bao gồm Ban lãnh đạo đội tuyển, HLV trưởng Park Hang Seo, các trợ lý, đội ngũ bác sĩ và các cán bộ chuyên môn, cán bộ phục vụ đội tuyển đã được tiêm phòng. Đây là sự ưu tiên của Chính phủ đối với các thành viên tuyển Việt Nam chuẩn bị làm nhiệm vụ quốc tế trong năm nay, trước mắt là tham dự Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á tại UAE tháng 6 tới.

Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn cho biết, ông cảm thấy ổn sau khi tiêm. “Bác sĩ chỉ lưu ý hạn chế vận động mạnh, chú ý theo dõi sức khoẻ. Về cơ bản, sau khi tiêm tôi thấy bình thường. Các thành viên đội tuyển Việt Nam cũng cho biết họ không thấy vấn đề gì”, ông Tuấn nói với PV Tiền Phong.

Trợ lý HLV Vũ Hồng Việt vui vẻ nói rằng, cảm giác sau khi tiêm vắc-xin “như say cà phê”. “Tuy nhiên, sau khi tiêm khoảng 30 phút thì ổn. Y tá kiểm tra lại sức khoẻ rồi cho chúng tôi về”, ông kể.

Theo kế hoạch dự kiến, đội tuyển Việt Nam sẽ hội quân trở lại vào ngày 10/5 với 34 cầu thủ, sau khi vòng 13 LS V-League 2021 kết thúc. HLV Park Hang Seo cùng các cộng sự vẫn đang theo dõi phong độ các cầu thủ tại các giải chuyên nghiệp quốc gia nhằm tuyển chọn lực lượng cho đợt tập trung. Để đảm bảo đủ thời gian miễn dịch sau khi tiêm theo khuyến cáo của Bộ Y tế, toàn bộ 45 cầu thủ trong danh sách sơ bộ đều được tiêm phòng COVID-19.

Căn cứ lịch thi đấu của cầu thủ tại các giải chuyên nghiệp quốc gia, kế hoạch tiêm phòng của đội tuyển được chia làm 5 đợt. Đợt đầu tiên được thực hiện sáng 5/4. Đợt 2 diễn ra vào ngày 8/4 với 17 cầu thủ thuộc biên chế CLB Hà Nội, Sài Gòn, Bình Định, Hà Tĩnh. Đợt 3 vào ngày 9/4 với 7 cầu thủ thuộc biên chế CLB HAGL. Đợt 4 vào ngày 13/4 với 16 cầu thủ thuộc biên chế các CLB Hải Phòng, SHB Đà Nẵng, Becamex Bình Dương, SLNA, Thanh Hóa, TPHCM, Than Quảng Ninh, Long An và đợt 5 vào ngày 17/4 với 5 cầu thủ thuộc CLB Viettel. (Tiền phong, trang 16)

Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 6: “Đội tuyển bóng đá Việt Nam tiêm vaccine Covid-19”

 

Việt Nam sẽ đạt mục tiêu cung cấp vắc xin phòng COVID-19 cho 20% dân số cuối năm 2021

Theo Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam: lô vắc xin phòng COVID-19 gồm 811.200 liều về đến Việt Nam ngày 1/4 là lô vắc xin đầu tiên trong tổng số 4,1 triệu liều vắc xin của COVAX tài trợ dự kiến sẽ có mặt tại Việt Nam đến cuối tháng 5/2021. Cùng với những lô vắc xin tiếp theo sẽ được tiếp nhận sau tháng 5, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu cung cấp vắc xin cho 20% dân số đến cuối năm 2021

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho hay lô vắc xin đầu tiên của COVAX gồm 811.200 liều đã về tới Việt Nam được xem là thời khắc lịch sử, một tin mừng với người dân Việt Nam và là một yếu tố giúp thay đổi cục diện chống dịch COVID-19.

Đây cũng là thời điểm bước ngoặt, đánh dấu tầm nhìn, sự chung tay của cộng đồng quốc tế, các tập đoàn tư nhân và các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, UNICEFF, WHO… để cùng thế giới kiểm soát đại dịch.

“Thành công của Chính phủ Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh thời gian qua được thế giới đánh giá rất cao. Trong khi nhiều quốc gia không hành động hoặc chậm thì Việt Nam rất quyết đoán. Thành quả đó giúp Việt Nam không phải phong toả toàn quốc, hệ thống y tế vẫn hoạt động hiệu quả, người dân không trải qua hoảng loạn, lo lắng”- ông Kamal nhấn mạnh.

Cũng theo ông Kamal, chúng ta công nhận rằng vắc xin là một loại hàng hóa công cộng cần được tiếp cận bình đẳng bởi mọi quốc gia dù giàu hay nghèo và mọi người dân, đặc biệt các nhóm dân số nghèo và dễ bị tổn thương nhất.

Không quốc gia nào là an toàn cho đến ngày thế giới sạch bóng COVID-19. Không quốc gia nào có thể đơn độc đánh bại COVID-19 tái mở cửa hoàn toàn hay chứng kiến kinh tế phát triển rực rỡ. Một quốc gia chỉ có thể hồi phục khi toàn bộ các quốc gia khác đạt miễn dịch cộng đồng do 75-80% dân số đã được tiêm chủng.

“Đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục quấy phá, các biến chủng đang phát triển mạnh và tạo ra nhiều virrus với sức chống chọi tốt hơn. Chúng ta phải thực hiện tiêm chủng cho người dân toàn cầu để tạo miễn dịch cộng đồng trên toàn thế giới, từ đó ngăn chặn sự xuất hiện của những thể đột biến nguy hiểm”- Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Kamal cho hay, lô vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên gồm 811.200 liều về đến Việt Nam ngày 1/4 là lô vắc xin đầu tiên trong tổng số 4,1 triệu liều vắc xin dự kiến sẽ có mặt tại Việt Nam đến cuối tháng 5/2021.

Cùng với những lô vắc xin tiếp theo sẽ được tiếp nhận sau tháng 5, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu cung cấp vắc xin cho 20% dân số đến cuối năm 2021.

Mặc dù những thách thức trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang gây khó khăn cho việc ấn định trước ngày và lượng vắc xin tiếp nhận, song COVAX vẫn lạc quan trong việc có thể cung cấp lượng vắc xin đủ cho tối đa 20% dân số tại các quốc gia đủ điều kiện trước thời điểm cuối năm nay.

“Một lần nữa xin khẳng định, WHO và UNICEF sẽ sát cánh cùng các quốc gia để đảm bảo đưa vắc xin đến những đối tượng ưu tiên một cách hiệu quả nhất có thể, với ưu tiên hàng đầu là tính an toàn”- ông Kamal nói và thông tin thêm: UNICEF cũng sẽ mua khoảng 400 tủ đông bảo quản vắc xin và hơn 2000 tủ đông loại nhỏ, hộp lạnh, xe tải đông lạnh và ống tiêm cho Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên chở ống tiêm sẽ tới Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

“Mặc dù vắc xin an toàn và hiệu quả là yếu tố có thể thay đổi cục diện tình hình, nhưng trước mắt, chúng ta vẫn phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo sức khỏe cộng đồng như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn và tránh nơi đông người.

Việc được tiêm vắc xin không có nghĩa là chúng ta được phép chủ quan và đặt bản thân cũng như người khác vào tình thế rủi ro..”- ông Kamal lưu ý.

Sự xuất hiện của các biến thể đang là một mối lo ngại và càng chứng minh tầm quan trọng của hành động tập thể: Ngăn chặn virus thông qua các biện pháp đảm bảo sức khỏe cộng đồng hiện có, cũng như mở rộng sản xuất và triển khai tiêm vắc xin nhanh nhất có thể sẽ đóng vai trò tối quan trọng.

Các hành động phối hợp để theo dõi chủng virus, hợp tác trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất vắc xin, cùng với việc tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với vắc xin là những yếu tố cần thiết để đón đầu ngăn chặn virus.

Bộ Y tế, thông qua Chương trình Tiêm chủng Mở rộng, đã có kinh nghiệm lâu năm và đáng tin cậy trong việc cung cấp vắc xin an toàn.

“Chúng tôi thừa nhận sẽ có rất nhiều việc phải làm để đạt được điều này, và chúng tôi sẽ sát cánh cùng Bộ trưởng Bộ Y tế để giải quyết sự bùng phát COVID-19, và đảm bảo trong suốt năm nay sẽ có nhiều người dân Việt Nam được tiêm vắc xin nhất có thể”- ông Kamal nói.

Mục tiêu toàn cầu trong năm nay là cung cấp 2 tỷ liều vắc xin và 1 tỷ ống tiêm nhằm trợ giúp trước hết cho 92 quốc gia đủ điều kiện và tiếp đó hỗ trợ 190 quốc gia trên toàn thế giới. Tính đến ngày hôm nay, chỉ 5 tuần sau đợt cung cấp đầu tiên, COVAX đã vận chuyển 33 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 đến 73 quốc gia đủ điều kiện. Việc vắc xin được chia sẻ một cách công bằng là một thành quả rất đáng ghi nhận.

Tất nhiên, việc vận chuyển vắc-xin tới sân bay mới chỉ là bước đầu tiên trong công tác của những quốc gia được tiếp nhận vắc xin. Từ bước đầu tiên này, các nước cần phân phối vắc xin miễn phí theo nhóm ưu tiên COVAX trong kế hoạch quốc gia. Nhóm ưu tiên hàng đầu là các cán bộ y tế và nhân viên chống dịch tuyến đầu làm việc tại các cơ sở cách ly… Nhóm ưu tiên thứ hai là người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên và người có bệnh lý nền, có khả năng nhiễm virus cao hơn.

Liên Hợp Quốc nhiệt liệt khuyến khích mỗi quốc gia cung cấp miễn phí tất cả các loại vắc xin cho người dân, bên cạnh vắc xin COVAX. Người dân trên mọi miền đất nước cần được tiếp cận vắc xin bất kể khả năng chi trả. Đặc biệt, cần chủ động cung cấp vắc xin đến nhóm dân số nghèo và có hoàn cảnh khó khăn nhất, bất kể nơi họ sinh sống. Với tôn chỉ không để ai bị bỏ lại phía sau, các quốc gia cần đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin từ 75-80% theo mức khuyến nghị. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Lọt bẫy thẩm mỹ chui đội lốt “viện thẩm mỹ”

Các biển hiệu “thẩm mỹ viện”, “viện thẩm mỹ”… gắn tại nhiều tòa nhà sang trọng làm cho người có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp lầm tưởng đây là những cơ sở y tế có chuyên môn cao, có thể thực hiện tất cả kỹ thuật thuộc chuyên khoa thẩm mỹ.

Chưa có chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ theo quy định nhưng phía sau cánh cửa của cơ sở này khiến cơ quan chức năng bất ngờ, bởi hệ thống giường lưu bệnh, đèn phẫu thuật và các trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc.

Đặc biệt, “viện thẩm mỹ” chui này còn được phát hiện có treo các panô quảng cáo đào tạo nâng cao cho bác sĩ, y tá các dịch vụ cắt mí, nâng mũi, tiêm filler…

Tay ngang làm đẹp ở “viện thẩm mỹ”

Thực trạng các cơ sở thẩm mỹ “chui” đội lốt “viện thẩm mỹ”, “thẩm mỹ viện”, “trung tâm thẩm mỹ” hoạt động ngày một sôi động ở các thành phố lớn.

Dưới vỏ bọc này, cộng các chiêu thức quảng cáo lôi cuốn, người có nhu cầu dễ “lạc vào mê cung” của các “tay ngang” làm đẹp. Thống kê từ đầu tháng 3 đến nay đã có trên 20 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trá hình ở TP.HCM được ngành y tế phối hợp với lực lượng công an “đột kích” phát hiện.

Mang tên “Viện thẩm mỹ quốc tế Mộc Trà” (Q.11, TP.HCM) nhưng giới hạn nghề nghiệp được cấp phép của cơ sở này chỉ là thẩm mỹ chăm sóc da. Dù chỉ được chăm sóc da nhưng cơ sở này đã đánh lận con đen “lấn sân” thực hiện các phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.

Cuộc kiểm tra đột xuất của cơ quan chức năng gần đây cho thấy cơ sở này được trang bị hệ thống phẫu thuật khép kín với các phòng, giường và đèn phẫu thuật.

Không chỉ thế, nơi đây như một “bệnh viện thu nhỏ” khi có đầy đủ các loại thuốc kháng sinh, thuốc tê, máy monitor theo dõi sinh hiệu, nồi hấp thanh trùng, máy hút đàm nhớt, bình oxy, rác thải phẫu thuật, trang thiết bị y tế khác…

“Tại phòng vệ sinh của cơ sở này còn có 1 bình thủy tinh hút dịch bên trong có chứa máu đỏ tươi khoảng 15ml, trên labo có dụng cụ phẫu thuật đã qua sử dụng. Ngoài ra chúng tôi ghi nhận cơ sở này còn có các quảng cáo khám chữa bệnh và các hợp đồng phẫu thuật thẩm mỹ” – một cán bộ đoàn kiểm tra nói.

Mới đây cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện “Viện thẩm mỹ Janhee” và “Nha khoa Janhee” trên cùng một địa chỉ ở quận 3 nhưng cung cấp các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ không phép.

Hoặc như “Viện thẩm mỹ 792 C-R” hoạt động không phép trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình). Với tên “rất kêu”, cơ sở này thu hút sự quan tâm của người đến làm đẹp.

Thời điểm kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện có nhiều khách hàng đang chờ “làm đẹp”, trong đó đang có 4 khách hàng thực hiện dịch vụ phun môi, phun lông mày, trị sẹo, tế bào gốc, lăn kim, tiêm sẹo lồi, cấy collagen, trị chàm…

Đoàn kiểm tra còn phát hiện có một lượng cơ số thuốc sát trùng, kháng sinh, dịch truyền rất lớn đựng trong các thùng hoặc đã phân theo bịch nhưng chủ cơ sở không cung cấp được hóa đơn, chứng từ, xuất xứ nguồn gốc.

Nhiều người bị “lọt bẫy” do lầm tưởng

PGS Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng tăng cao, đặc biệt ở giới nữ ở độ tuổi từ 18-50. Mặt khác, làm đẹp bây giờ đủ mọi thành phần từ người có thu nhập cao đến người có thu nhập thấp, từ người có trình độ học vấn cao đến người lao động bình thường…

Và để đáp ứng nhu cầu có thật này, ngày càng có nhiều cơ sở cung cấp các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp và thẩm mỹ xuất hiện.

Theo thống kê, chỉ riêng trên địa bàn TP.HCM hiện có 19 bệnh viện thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 212 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và chỉ có 21 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (xăm, phun thêu) đã công bố trên cổng thông tin Sở Y tế TP.

Trong khi đó, có khoảng 2.000 cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng. “Nhưng không phải tất cả cơ sở cung ứng các dịch vụ làm đẹp đều thuộc sự quản lý của ngành y tế”, bác sĩ Thượng nhấn mạnh.

Việc phân biệt các cơ sở này với nhau hiện rất khó, bởi hầu hết đều chọn biển hiệu với các tên hoành tráng như “thẩm mỹ viện”, “viện thẩm mỹ”, “trung tâm thẩm mỹ”, hay tên một số doanh nghiệp “công ty TNHH bệnh viện…” trong giấy phép kinh doanh dễ làm cho người dân bị lầm tưởng đây là những cơ sở y tế có chuyên môn cao, có thể thực hiện tất cả kỹ thuật thuộc chuyên khoa thẩm mỹ.

“Đây cũng chính là một trong những kẽ hở để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế lấn sân sang lĩnh vực y tế và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép”, ông Thượng khẳng định.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Thượng, là do chưa có quy định về đặt tên biển hiệu đối với các cơ sở làm đẹp nên rất khó biết cơ sở nào là dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (không thuộc lĩnh vực y tế); cơ sở nào là dịch vụ thẩm mỹ (gửi văn bản thông báo về Sở Y tế trước khi hoạt động) và cơ sở nào là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (thuộc Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và danh mục kỹ thuật).

Và để tránh sự nhầm lẫn này, ông Thượng cho rằng rất cần bổ sung các quy định về tên biển hiệu và tên doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ thẩm mỹ, chuyên khoa thẩm mỹ.

“Chiêu” dùng tên bệnh viện đặt tên cho phòng khám

Bệnh viện Chợ Rẫy nhiều năm qua khá đau đầu trước việc bị một số đối tượng lợi dụng sử dụng tên tuổi của đơn vị để đặt tên cho phòng khám, công ty. Đặc biệt trên các trang Facebook, fanpage các đối tượng còn đăng tải nhiều thông tin quảng cáo các dịch vụ thẩm mỹ gây hiểu lầm cho người dân.

Ngoài các “Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy Sài Gòn”, “Khoa phẫu thuật thẩm mỹ viện Chợ Rẫy” đang “làm mưa làm gió” tại TP.HCM, ở miền Tây cơ sở thẩm mỹ phẫu thuật “chui” lấy tên “Chợ Rẫy – cơ sở Cần Thơ” đã khiến nhiều người lầm tưởng tìm đến phẫu thuật.

Mới đây ngày 16-3, cơ sở này bị thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng do cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động.

Ông Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – khẳng định đây là hành vi giả mạo, sử dụng thương hiệu, uy tín bệnh viện này để đánh lừa người dân. Đơn vị đã rất nhiều lần gửi đơn đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh xử lý nhưng đến nay vẫn tái diễn. (Tuổi trẻ, trang 14)

 

Hà Nội chuẩn bị tiêm 50 nghìn liều vắc xin phòng Covid-19 đợt 2

Chiều 5-4, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo cùng các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày, số ca mắc mới tăng 11%, vào khoảng 582.000 ca/ngày. Còn tại Việt Nam, từ ngày 29-3 đến 5-4 ghi nhận thêm 40 ca mắc mới đều là người nhập cảnh. Riêng tại Hà Nội, từ ngày 16-2 đến nay, đã qua 49 ngày không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước đã được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn ở mức cao, vì tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đồng thời tiếp tục xuất hiện thêm các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2. Trong khi đó, các chuyên gia tiếp tục nhập cảnh, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Đặc biệt, hiện nay, dịch bệnh tại các nước khu vực Đông Nam Á vẫn gia tăng. Do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các đối tượng nhập cảnh trái phép vào nước ta là rất lớn.

Thời điểm hiện tại, thành phố đang triển khai xét nghiệm sàng lọc cho trường hợp nguy cơ tại các điểm di tích và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, từ ngày 29-3 đến 5-4, các cơ sở khám, chữa bệnh đã khám sàng lọc 1.478 trường hợp có triệu chứng ho, sốt, khó thở; xét nghiệm sàng lọc cho 3.414/26.000 nhân viên y tế và 89 bệnh nhân nội trú. Kết quả, tất cả đều âm tính với vi rút SARS-CoV-2.

Riêng tại huyện Mỹ Đức, từ ngày 3-4, Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên sàng lọc Covid-19 cho 152 người tham gia kinh doanh dịch vụ ăn uống, người chở đò, người bán vé, ban quản lý khu di tích, công an huyện, xã tham gia phân luồng du khách tại khu di tích chùa Hương và kết quả đều âm tính.

Về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, từ ngày 29-3 đến 5-4, Sở Y tế và các đơn vị liên quan đã tổ chức tiêm cho 260 người. Như vậy, tính từ ngày 9-3 cho đến nay đã tiêm cho 7.679 người và hiện sức khỏe đều bình thường. Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 năm 2021.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ngày 1-4, Việt Nam đã tiếp nhận lô vắc xin Covid-19 đầu tiên với 811.200 liều do chương trình Covax Facility hỗ trợ. Với lô vắc xin này, Hà Nội được phân bổ 50 nghìn liều. Như vậy, đối tượng và địa bàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đợt 2 sẽ rộng hơn đợt 1. Sở Y tế cũng tăng cường tập huấn công tác khám sàng lọc cho các đơn vị tiêm chủng, đồng thời thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, bảo đảm an toàn và công bằng trong sử dụng vắc xin phòng dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, báo cáo của các quận, huyện: Long Biên, Hoàn Kiếm, Ba Vì, Chương Mỹ, Phú Xuyên cho thấy, các địa phương vẫn tiếp tục duy trì và tăng cường các biện pháp phòng dịch. Đặc biệt, thời gian qua, các địa phương đã tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Đơn cử như quận Hoàn Kiếm đã tiến hành xử phạt 223 trường hợp với số tiền khoảng 445 triệu đồng, huyện Chương Mỹ xử phạt 17 trường hợp với số tiền hơn 29 triệu đồng…

Về công tác phòng dịch tại các điểm di tích, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhận xét, thời gian qua, qua kiểm tra cho thấy, các điểm di tích triển khai khá tốt công tác phòng, chống dịch, trong đó có việc thực hiện “thông điệp 5K” (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sắp tới vào tháng Ba âm lịch sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội. Do đó, các điểm di tích, lễ hội cần tiếp tục duy trì và tăng cường các biện pháp phòng dịch. “Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan và các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác phòng dịch tại các hoạt động này”, bà Trần Thị Vân Anh nói.

Riêng Sở Du lịch Hà Nội, hiện đã thành lập 2 đoàn thanh tra và kiểm tra các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trước và trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương; dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới, trong đó tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng duy trì 7 tổ công tác kiểm tra công tác phòng dịch tại các bến xe và các cửa ngõ ra, vào Thủ đô trong dịp nghỉ lễ sắp tới.

Tăng cường giám sát dịch tại cửa khẩu, bệnh viện và cộng đồng

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng một lần nữa nhấn mạnh về nguy cơ dịch luôn hiện hữu trên địa bàn thành phố, đồng thời cho rằng, theo kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, khi tình hình đang bình thường, chỉ cần một sự cố xuất hiện tại một điểm nào đó thì dịch đã lan đến các tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội.

Chính vì vậy, đồng chí Chử Xuân Dũng đề nghị các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì công tác phòng dịch một cách thường xuyên và liên tục. “Hiện, thành phố đã nới lỏng các hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Do đó, để bảo đảm an toàn, công tác phòng dịch luôn phải đặt lên hàng đầu. Chúng ta cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của trung ương và thành phố về công tác phòng dịch”, đồng chí Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Đề cập đến các biện pháp phòng dịch trong thời gian tới, đồng chí Chử Xuân Dũng yêu cầu tiếp tục tăng cường và duy trì công tác tuyên truyền để người dân nắm được tình hình dịch bệnh của thế giới và Việt Nam, tránh tâm lý lơ là, chủ quan. Cùng với đó, các tổ chức, cơ quan, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh… và nhân dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp theo thông điệp “5K” của Bộ Y tế.

“Các đơn vị, sở, ngành, các nhà máy, xí nghiệp, công ty, nhà hàng… cần duy trì việc tự kiểm soát phòng dịch và chịu trách nhiệm về công tác này tại đơn vị mình phụ trách”, đồng chí Chử Xuân Dũng nói.

Riêng đối với Sở Y tế Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác giám sát dịch tại cửa khẩu, tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng nhằm chủ động phát hiện và xử trí sớm các ca mắc. Cụ thể, triển khai xét nghiệm sàng lọc tại các cơ sở khám, chữa bệnh đối với nhân viên y tế và các bệnh nhân có nguy cơ.

Đặc biệt, tới đây, khi thành phố chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 đợt 2 với số lượng và quy mô rộng hơn, ngành Y tế Thủ đô cần tiếp tục chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng cho công tác tiêm chủng, bảo đảm việc tiêm chủng diễn ra an toàn, đúng đối tượng theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Sở Y tế cần phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tuyệt đối bảo đảm công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng chí Chử Xuân Dũng cũng yêu cầu công an thành phố chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, nắm bắt địa bàn, xử lý nghiêm các đối tượng nhập cảnh trái phép và chủ các cơ sở lưu trú có người nhập cảnh trái phép.

“Các quận, huyện, thị xã phải bảo đảm giám sát chặt chẽ đối với trường hợp hoàn thành cách ly tập trung đủ 14 ngày và cả những trường hợp được điều trị khỏi Covid-19 khi trở về địa phương. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại trụ sở cơ quan, các địa điểm kinh doanh dịch vụ, lễ hội, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, địa điểm công cộng, tập trung đông người tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại cộng đồng”, đồng chí Chử Xuân Dũng lưu ý. (Hà Nội mới, trang 1)

Cung chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 4: “Hà Nội mở rộng đối tượng tiêm chủng với 50.000 liều vaccine Covid-19 trong đợt 2”

 

Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương I kiểm điểm

Ngày 5-4, Bộ Y tế có Công văn số 2422/BYT-TCCB gửi ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương I về việc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong vụ án liên quan bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý – người có tiền sử bệnh tâm thần, đã sử dụng phòng điều trị là nơi “bay lắc” và giao dịch mua, bán ma túy.

Theo đó, ngày 1-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án liên quan đến Nguyễn Xuân Quý, là bệnh nhân điều trị bắt buộc tại Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần trung ương I.

Bệnh nhân này đã có hành vi mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy tại Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần trung ương I và tự ý mang các vật liệu, dụng cụ đến ăn, cải tạo buồng bệnh thành nơi sinh hoạt riêng với mục đích sử dụng và tàng trữ trái phép chất ma túy.

Hành vi vi phạm pháp luật trên xảy ra có sự tham gia và làm ngơ của một số cán bộ, viên chức, người lao động trong bệnh viện.

Ngày 1-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có Quyết định số 1770/QĐ-BYT về việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương I để làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành bệnh viện khi để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.

Căn cứ theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18-9-2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Y tế đề nghị ông Vương Văn Tịnh trên cương vị là người đứng đầu đơn vị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nêu trên tại Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần trung ương I. Bộ Y tế đề nghị ông Vương Văn Tịnh gửi bản kiểm điểm về Bộ Y tế trước ngày 7-4-2021 để báo cáo Ban Cán sự đảng xem xét, quyết định.

Trước đó, như Báo Hànộimới đưa tin, sáng 1-4, Ban Cán sự đảng Bộ Y tế đã họp khẩn, xem xét các vấn đề liên quan tới vụ vi phạm pháp luật tại Bệnh viện Tâm thần trung ương I, sau khi Công an thành phố Hà Nội phát hiện đường dây buôn bán và sử dụng ma túy tại đây.

Ngay sau cuộc họp, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác bao gồm lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Vụ Pháp chế và Thanh tra Bộ Y tế tới làm việc tại Bệnh viện Tâm thần trung ương I.

Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Tâm thần trung ương I tạm đình chỉ công tác chuyên môn để hợp tác với cơ quan điều tra đối với các cá nhân liên quan, bao gồm: Bác sĩ Đỗ Thị Lưu, Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền; điều dưỡng Tạ Thị Thêm, Điều dưỡng trưởng Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, nơi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý. (Hà Nội mới, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 25/11/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/11/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 03/3/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận