Điểm báo ngày 07/12/2022

(CDC Hà Nam)
Bộ trưởng Đào Hồng Lan ký Bản ghi nhớ hợp tác về chăm sóc sức khoẻ giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế Phúc lợi Hàn Quốc; Hơn 10.200 loại thuốc, vaccine, sinh phẩm được Bộ Y tế gia hạn giấy đăng ký lưu hành; Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu đẩy nhanh việc sử dụng CCCD gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh BHYT; Hà Nội vẫn phát hiện hàng chục ổ dịch sốt xuất huyết mới trong 1 tuần…

Bộ trưởng Đào Hồng Lan ký Bản ghi nhớ hợp tác về chăm sóc sức khoẻ giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế Phúc lợi Hàn Quốc

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tham gia đoàn tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp Nhà nước Đại Hàn Dân Quốc từ ngày 4- 6/12/2022; Bộ trưởng cũng đã ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Bộ Y tế và Phúc lợi Đại Hàn Dân Quốc.
Nhận lời mời của Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Yoon Suk-yeol, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thăm cấp Nhà nước Đại Hàn Dân Quốc từ ngày 4-6/12/2022.
Chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đang kỷ niệm trọng thể 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/12/1992-12/12/2022).
Chiều 5/12, tại thủ đô Seoul, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tham gia đoàn tháp tùng Chủ tịch nước và ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Y tế và Phúc lợi Đại Hàn Dân Quốc về hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Việc ký kết Bản ghi nhớ lần này giúp thúc đẩy hợp tác toàn diện trong lĩnh vực y tế với Hàn Quốc, tạo điều kiện cho các bên trao đổi hợp tác, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực y tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt Bản ghi nhớ được ký đúng vào dịp 2 nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc.
Các nội dung chính hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong thời gian tới bao gồm:
Lĩnh vực chính sách Y tế;
Lĩnh vực vaccine và sinh học;
Lĩnh vực chính sách dân số… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Hơn 10.200 loại thuốc, vaccine, sinh phẩm được Bộ Y tế gia hạn giấy đăng ký lưu hành

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa gia hạn giấy đăng ký lưu hành thêm 46 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nâng tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn qua 5 đợt lên đến con số hơn 10.200 loại.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Nguyễn Thành Lâm vừa ký quyết định về việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với 46 thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất trong nước và nước ngoài, trong đó có 10 thuốc được sản xuất trong nước và 36 thuốc nước ngoài.

Các thuốc được gia hạn đợt này bao gồm các loại thuốc thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID); thuốc điều trị hướng thần và bổ thần kinh; thuốc điều trị xơ gan, viêm gan cấp và mãn tính, gan nhiễm mỡ; thuốc điều trị phụ khoa; thuốc điều trị tăng huyết áp; thuốc điều trị nhiễm khuẩn; thuốc điều trị bệnh hô hấp; thuốc điều trị viêm dạ dày cấp, mãn tính; thuốc điều trị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản…

Đây là đợt công bố thứ 5 của Bộ Y tế về gia hạn hiệu lực số đăng ký, đồng thời đây là số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế… có giấy đăng ký lưu hành hết hạn ngày 31/12/2022 được công bố gia hạn hiệu lực số đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP ngày 29/4/2022 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Như vậy tổng 5 lần gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vaccine và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế đã có 10.202 giấy đăng ký được gia hạn trong 6 tháng qua.

Liên quan đến việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành của thuốc, hiện nay Bộ Y tế được giao làm đầu mối để đánh giá hiệu quả cũng như tác động của Nghị quyết 30 của Quốc hội năm 2021 trong công tác phòng chống dịch.

Căn cứ vào kết quả đánh giá cũng như tình hình thực tế hiện nay, Bộ Y tế cũng đưa vào trong đề xuất Quốc hội tiếp tục cho Bộ Y tế thực hiện việc gia hạn tự động giấy đăng ký lưu hành thuốc để có thể giải quyết tối đa các thuốc cần gia hạn giấy đăng ký lưu hành đảm bảo được nguồn cung cấp thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Về lý do, theo Bộ Y tế tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường dẫn đến nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định hiện hành; số lượng hồ sơ gia hạn cần giải quyết rất lớn (trên 14.000 hồ sơ) và tiếp tục tăng lên, nhân lực thẩm định hồ sơ thiếu trầm trọng.

Việc gia hạn này không ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc do các thuốc này đã được đăng ký lưu hành nhiều năm tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới (trong đó có nhiều quốc gia quản lý dược chặt chẽ).

Trường hợp không gia hạn kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hoạt động cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ở mọi chuyên khoa, ở tất cả các tuyến điều trị.

Về lâu dài cần có cơ chế gia hạn tự động đối với thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành. Chính phủ đã đề xuất cơ chế này trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu đẩy nhanh việc sử dụng CCCD gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh BHYT

Theo Bộ Y tế, qua gần 9 tháng triển khai thí điểm khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp, số lượng người dân đi khám, chữa bệnh BHYT được cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu thông tin BHYT qua CCCD gắn chíp còn rất thấp và tỷ lệ tra cứu thành công cũng rất thấp…
Bộ Y tế vừa có văn bản đôn đốc triển khai thực hiện khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp gửi Sở Y tế các tỉnh, thành; các bệnh viện/ viện có giường bệnh trực thuộc Bô Y tế; cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ, ngành; Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam.

Trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa ký ban hành cho biết cuối tháng 2/2022, Bộ Y tế đã có công văn gửi các đơn vị về việc hướng dẫn triển khai thí điểm khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip hoặc qua ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNelD).

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cũng đã có các văn bản BHXH các tỉnh, thành phố chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai thí điểm sử dụng CCCD gắn chíp khi tiếp đón người bệnh đi khám, chữa bệnh BHYT.

Theo số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam, tỉnh đến ngày 18/11/2022, toàn quốc đã có 11.726 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp (đạt tỷ lệ 92% tổng số cơ sở khám, chữa BHYT trong toàn quốc) với 4.797.796 lượt tra cứu thông tin BHYT bằng CCCD khi tiếp đón người bệnh đến khám, chữa bệnh BHYT, trong đó có 2.942.327 lượt tra cứu thành công.

Tỷ lệ tra cứu thành công đạt 61,33% trên tổng số lượt được tra cứu. Tỷ lệ lượt KCB có tra cứu bằng CCCD gắn chip trên tổng số lượt khám, chữa bệnh (Tổng số lượt khám, chữa bệnh tính từ 1/3/2022 18/11/2022 có khoảng 110 triệu lượt khám, chữa bệnh) mới chỉ đạt khoảng 4,36%.

Từ các số liệu báo cáo nêu trên có thể thấy qua gần 9 tháng triển khai thí điểm, số lượng người dân đi khám, chữa bệnh BHYT được cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu thông tin BHYT qua CCCD gắn chíp còn rất thấp và tỷ lệ tra cứu thành công cũng rất thấp.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thuộc quyển quản lý rà soát tình hình triển khai thí điểm thực hiện khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip hoặc qua ứng dụng VNeID của Bộ Công an theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ Y tế.

Bộ Y tế lưu ý khi có khó khăn, vướng mắc đề nghị thủ trưởng đơn vị trực tiếp trao đổi với cơ quan BHXH cấp tỉnh và phối hợp với PC 06 công an cấp tỉnh để kịp thời tháo gỡ, giải quyết.

Các đơn vị nghiêm túc tổ chức thực hiện theo đúng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, phấn đấu đến hết năm 2022 đạt tỷ lệ 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong toàn quốc triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip với 20% người dân khi đi khám, chữa bệnh BHYT có thực hiện tra cứu thông tin BHYT qua CCCD gắn chip hoặc qua ứng dụng VNeID.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng hiện có để người dân được biết và hiểu về những tiện lợi, lợi ích mang lại, từ đó dần dần thay đổi thói quen sử dụng CCCD gắn chíp hoặc cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh khi đi khám, chữa bệnh BHYT.

Đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền (bằng văn bản) về các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Bộ Y tế nêu rõ Sở Y tế chịu trách nhiệm tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị thuộc quyền quản lý; thủ trưởng y tế thuộc Bộ, ngành trực tiếp báo cáo khó khăn, vướng mắc của các đơn vị mình, gửi về Bộ Y tế (qua Vụ Bảo hiểm y tế) để được xem xét, giải quyết.

Bộ Y tế nhấn mạnh triển khai sử dụng CCCD gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Đề án 06 (Theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ), góp phần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp đón người bệnh, minh bạch thông tin, chống các hành vi gian lận, lợi dụng để trục lợi quỹ BHYT, vì vậy Bộ Y tế yêu cầu thủ trương các đơn vị nghiêm túc tổ chức thực hiện theo đúng các qui định, hướng dẫn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Hà Nội vẫn phát hiện hàng chục ổ dịch sốt xuất huyết mới trong 1 tuần

Trong tuần vừa qua, số mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục tăng hơn so với tuần trước đó nhưng tốc độ tăng có giảm, mức tăng là 0,5%…
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 25-11 đến 2-12), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.442 ca mắc SXH (tăng 0,5% so với tuần trước). Một số quận, huyện có số mắc cao như: Hoàng Mai (187 ca), Phú Xuyên (141 ca), Hà Đông (131 ca), Đống Đa (104 ca).

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 16.314 ca mắc SXH (tăng gấp 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó đã có 18 ca tử vong.

Cũng trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 55 ổ dịch SXH mới tại 15 quận, huyện; nhiều nhất là quận Đống Đa với 14 ổ dịch, tiếp đến là Hoàng Mai với 10 ổ dịch, Thanh Trì có 5 ổ dịch…

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã có 1.292 ổ dịch SXH tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 178 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện.

CDC Hà Nội cho rằng, thời tiết chuyển rét có thể khiến tốc độ gia tăng của dịch SXH chậm lại, song cũng vì thế có thể xuất hiện tâm lý chủ quan. Điều này là rất đáng quan ngại bởi dịch SXH trên địa bàn vẫn đang trong giai đoạn cao điểm.

Theo phân tích từ các chuyên gia y tế dự phòng, dù nhiệt độ miền Bắc đang giảm nhưng chưa đủ để hạn chế sự hoạt động của muỗi vằn truyền bệnh SXH. Vì vậy, người dân không được chủ quan trong phòng bệnh. (An ninh Thủ đô, trang 4).

Nước ta có thêm 362 ca Covid-19, 1 bệnh nhân tử vong

Chiều 6-12, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 362 ca Covid-19 (giảm 65 ca so với ngày trước đó). Ngoài ra, hiện có 72 bệnh nhân nặng đang phải thở ô xy (tăng 21 trường hợp so với hôm qua) và có thêm 1 bệnh nhân tử vong tại Tây Ninh.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.518.511 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.403 ca nhiễm).

Về tình hình điều trị, có thêm 151 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.609.139 ca. Ngoài ra, hiện có 72 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó, 61 ca thở ô xy qua mặt nạ, 4 ca thở ô xy dòng cao HFNC và 7 ca thở máy xâm lấn.

Về số bệnh nhân tử vong, ngày 5-12, ghi nhận thêm 1 ca tử vong tại Tây Ninh.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.178 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam xếp thứ 26/230 quốc gia, vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Về tình hình tiêm chủng, theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 264.761.289 liều, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.121.634 liều; tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.835.315 liều và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 17.804.340 liều. (Hà Nội mới, trang 7).

BV Ung bướu TPHCM sau 2 năm đi vào hoạt động: Thu không đủ chi, hoạt động cầm chừng

BV Ung Bướu TPHCM, cơ sở 2 tại TP. Thủ Đức được đưa vào hoạt động chính thức từ cuối năm 2020 nhằm giảm tải áp lực quá tải cho cơ sở 1. Tuy nhiên, sau 2 năm đi vào hoạt động, nhiều phòng ốc dù rất mới nhưng trống bệnh nhân, máy móc dù có hoạt động nhưng cầm chừng, gặp khó khăn vận hành (Chi tiết xem báo Lao động, trang 1).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 25/01/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 01/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 24/7/2019

CDC Hà Nam