Điểm báo ngày 08/4/2019

(CDC Hà Nam)
Đi 10.000 bước chân hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới; Cúm A/H1N1 vào mùa, nhiều bệnh nhân nặng; Mắc bệnh hiểm, bệnh nhân được cứu sống nhờ Bảo hiểm y tế chi trả gần 2 tỷ đồng; …

Đi 10.000 bước chân hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới

Ngày 7-4, tại Hà Nội Bộ Y tế, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Công ty cổ phần viễn thông Vietnamobile tổ chức chương trình “Ngày sức khỏe thế giới năm 2019 – Hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam và tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu lần thứ VIII”.

Chương trình năm nay, còn tổ chức Lễ Tuyên dương 10 gương mặt Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu là một hoạt động mới, ý nghĩa. Năm nay với mục tiêu hướng đến y tế cơ sở, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và hưởng ứng Năm thanh niên tình nguyện, Hội đồng đã lựa chọn 10 gương mặt tiêu biểu, điển hình trong hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, nổi bật trong chuyên môn và nghiên cứu khoa học, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, 10 gương mặt năm nay được đánh giá tiêu biểu cho 4 lĩnh vực chọn xét, và là những điển hình tiên tiến cho thầy thuốc trẻ cả nước học tập, hướng tới đảm bảo công bằng y tế.

Sau Lễ phát động, các đại biểu, thầy thuốc trẻ và Đoàn viên thanh niên đã hăng hái tham gia chương trình đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới và chương trình sức khỏe Việt Nam – “Đi bộ 10.000 bước chân”, với hơn 5.000 người tham gia, Nhà tài trợ Vietnamobile đã chuyển giao số tiền 250 triệu đồng vào Quỹ hoạt động an sinh xã hội, để triển khai các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân, bao gồm: Tặng 10 phần quà cho bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ 1000 suất ăn tình thương và ủng hộ bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh (Công an nhân dân, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Thanh niên, trang 3; An ninh thủ đô, trang 3; Tiền phong, trang 3).

 

Cúm A/H1N1 vào mùa, nhiều bệnh nhân nặng

Cúm mùa là một bệnh phổ biến có thể xuất hiện quanh năm, nhiều nhất là vào những thời điểm giao mùa như thời gian hiện nay. Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết đang điều trị cho 4 bệnh nhân cúm trong tình trạng rất nặng. Hiện tại, BV Bệnh nhiệt đới trung ương đang điều trị cho 4 bệnh nhân trong đó có thai phụ N.H.T bị nhiễm cúm A khi đang mang thai 31 tuần. Ngay khi được xác định nhiễm cúm, bệnh nhân đã được theo dõi sát sao vì thuộc nhóm nguy cơ cao. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, tình trạng của thai phụ diễn tiến nhanh trong vòng 12 giờ đồng hồ, suy hô hấp nặng, suy đa tạng, nên đã phải chạy ECMO – hệ thống tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể. Đây được coi là biện pháp cuối cùng để cứu sống bệnh nhân này.

Theo các bác sĩ, virus cúm thường gây tổn thương ở phổi, diễn tiến rất nhanh, dẫn đến suy hô hấp, nên nếu ở nhóm có nguy cơ cao thì cần được theo dõi sát sao và điều trị kịp thời, nếu không có thể dẫn đến tử vong. Bệnh cúm có thể tự khỏi nếu ở thể nhẹ, nhưng người dân không nên chủ quan do virus cúm biến đổi rất nhanh. Các gia đình nên chủ động phòng bệnh bằng biện pháp tiêm chủng mỗi năm một lần, kể cả người lớn và trẻ nhỏ (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Vụ Nhật thu hồi 18.000 chai tương ớt Chin-su:  Phụ gia axit benzoic: Sao Nhật không cho mà Việt Nam vẫn dùng?

Thông tin lô tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản, do có chất phụ gia axit benzoic cấm lưu hành tại Nhật, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Để làm rõ thêm việc kiểm soát phụ gia, chất bảo quản trong chế biến thực phẩm, Thanh Niên đã phỏng vấn bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế.

Xin bà cho biết về phụ gia axit benzoic? Chất này có được sử dụng trong chế biến thực phẩm tại VN không?

Cho đến thời điểm này Cục An toàn thực phẩm (ATTP) chưa nhận được thông tin chính thức của cơ quan quản lý về ATTP của Nhật Bản cũng như từ Mạng lưới Cơ quan ATTP quốc tế (INFOSAN) về việc sản phẩm tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản cũng như nguyên nhân bị thu hồi. Tuy nhiên, qua kênh thông tin phản ánh từ các cơ quan báo chí, nguyên nhân thu hồi do sản phẩm đó có chất bảo quản là axit benzoic.

Axit benzoic là phụ gia thực phẩm (chống nấm mốc) được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cho phép sử dụng mà VN và Nhật Bản đều là thành viên của Codex. Hiện có 186 nước như Mỹ, Úc, Cananda… dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex.

Tại VN phụ gia thực phẩm axit benzoic cũng được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau và Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30.11.2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng axit benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1 gr/kg sản phẩm tương ớt.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào mỗi quốc gia, việc quy định sử dụng phụ gia thực phẩm cũng sẽ khác nhau, trên cơ sở thói quen sử dụng sản phẩm, công nghệ sản xuất.

Do đó, không loại trừ việc một chất được chấp nhận tại quốc gia này nhưng không chấp nhận ở quốc gia khác; và ngay cả khi cùng cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm nhưng tại mỗi nước có thể quy định khác nhau về hàm lượng sử dụng hoặc đối tượng sử dụng. Do đó, khi cơ quan quản lý thực phẩm quyết định thu hồi thì có thể do việc sử dụng chất đó không phù hợp tại quốc gia đó.

Với việc một phụ gia thực phẩm bị cấm tại Nhật Bản trong khi VN vẫn chấp nhận, khiến người tiêu dùng lo ngại cơ quan quản lý về ATTP của VN đang dễ dàng chấp nhận cho lưu hành sản phẩm có chất lượng kém hơn, sử dụng phụ gia dễ dàng hơn so với sản phẩm xuất khẩu?

Chúng ta nên hiểu đúng về vấn đề này. Trong nước đã có các quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm của VN được quy định tại Thông tư 27 và Thông tư 08 của Bộ Y tế ban hành về quy định sử dụng phụ gia thực phẩm.

Theo đó, tại VN axit benzoic được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, bao gồm cả sản phẩm tương ớt, hàm lượng: 1 gr axit benzoic/1 kg sản phẩm.

Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) thống nhất lấy tiêu chuẩn Codex để tham chiếu khi có các tranh chấp về thương mại đối với thực phẩm. Mỗi chất khi được Codex quyết định đưa vào sử dụng hay không chấp nhận sử dụng trong chế biến thực phẩm đều được căn cứ trên các nghiên cứu chặt chẽ. Các nước thành viên Codex sẽ tham chiếu các tiêu chuẩn để đưa ra quy định phù hợp cho quốc gia mình.

Một số quốc gia có quy định riêng dựa trên các nghiên cứu về mức tiêu thụ thực phẩm, thói quen sử dụng thực phẩm của nước họ. Vì vậy, khi Nhật Bản hoặc quốc gia nào khác không cho phép sử dụng phụ gia đó tại thị trường của họ nhưng VN vẫn chấp nhận sử dụng thì không có nghĩa sản phẩm trong nước không an toàn hay được chấp nhận dễ dàng, mà vấn đề là quy định cụ thể về phụ gia thực phẩm được đưa ra căn cứ theo mức độ sử dụng sản phẩm thực phẩm của mỗi nước.

Qua sự việc lô tương ớt Chin-su 18.000 chai bị thu hồi tại Nhật Bản, bà có lưu ý gì với các nhà sản xuất trong việc sử dụng phụ gia thực phẩm? Cơ quan quản lý trong nước có giám sát chất lượng các sản phẩm xuất khẩu không?

Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm cần lưu ý khi chế biến thực phẩm cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ATTP, trong đó có quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm như: sử dụng đúng hàm lượng, đúng đối tượng thực phẩm và đảm bảo độ tinh khiết theo quy định. Và các công ty nhập – xuất khẩu mặt hàng thực phẩm thì cần tìm hiểu rất kỹ các quy định về ATTP tại mỗi nước vì có thể sản phẩm đủ điều kiện với quốc gia này nhưng không đáp ứng yêu cầu với quốc gia khác, cũng như ghi nhãn mác cần tuân thủ nghiêm ngặt khi vào các thị trường xuất khẩu mới.

Theo quy định tại điều 41 luật ATTP về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm xuất khẩu: đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của VN và phù hợp với quy định về ATTP của nước nhập khẩu theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau. Vì thế, doanh nghiệp VN khi xuất khẩu nếu có yêu cầu của nước nhập khẩu về giấy chứng nhận của cơ quan quản lý về ATTP của VN thì cơ quan quản lý, bộ ngành liên quan sẽ xem xét và cấp giấy chứng nhận (Thanh niên, trang 4; Tiền phong, trang 6; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Mắc bệnh hiểm, bệnh nhân được cứu sống nhờ Bảo hiểm y tế chi trả gần 2 tỷ đồng

Sau 3 tháng điều trị liên tục tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương vì mắc bệnh bạch cầu dạng tủy cấp, bệnh nhân Lê Minh Vương (26 tuổi) đã được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán 100% chi phí điều trị, với tổng chi phí lên tới hơn 1,99 tỷ đồng.

Những ngày qua, câu chuyện cậu bé Vì Quyết Chiến (13 tuổi, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) đạp xe hơn 103 cây số xuống Hà Nội để thăm em đang nằm viện khiến nhiều người cảm động.

Em trai của Chiến là bé Vì Văn Lực (2,5 tháng tuổi) đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương với tình trạng sinh non tháng; chẩn đoán mắc: Viêm phúc mạc thai nhi; vàng da, ứ mật; ruột ngắn, rối loạn chuyển hoá; suy dinh dưỡng.

“Có thể thấy bệnh nhân mắc nhiều bệnh lý phức tạp, điều trị rất tốn kém. Hiện số tiền điều trị của bệnh nhân này dự tính đã trên 100 triệu đồng. Toàn bộ chi phí này sẽ được quỹ BHYT thanh toán vì bệnh nhân có thẻ BHYT cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi. Đây là điều rất may vì hoàn cảnh gia đình bé cũng rất khó khăn”- bác sĩ điều trị trực tiếp cho bé Lực cho biết.

Đây chỉ là một trong số hàng nghìn, hàng triệu người có cơ hội được tiếp cận điều trị, có cơ hội được cứu sống nhờ có BHYT.

Thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, đã có rất nhiều bệnh nhân tham gia BHYT, khi điều trị tại các bệnh viện ở Hà Nội được quỹ BHYT chi trả, đồng chi trả với số tiền rất lớn, lên đến hàng tỷ đồng.

Chỉ tính riêng khoảng 20 bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả mệnh giá lớn trong năm 2018 vừa qua, có tới 13 bệnh nhân được chi trả từ 1 đến 2 tỷ đồng và trong đó rất nhiều trường hợp nếu không có BHYT chi trả thì họ đã không thể có cơ hội tiếp cận điều trị, cơ hội để được duy trì sự sống.

Đơn cử, ngoài trường hợp bệnh nhân Lê Minh Vương đã được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị, với tổng chi phí lên tới hơn 1,99 tỷ đồng trong hơn 3 tháng điều trị bạch cầu dạng tủy cấp thì cũng tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, bệnh nhân Hoàng Minh Vũ (9 tuổi) được BHYT chi trả tới gần 1,64 tỷ đồng (100% chi phí điều trị) vì mắc bệnh máu hiếm gặp – Thiếu yếu tố VIII di truyền.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Phạm Thị Nguyệt (40 tuổi), sau 1 tháng nằm điều trị vì mắc bệnh tim (hẹp hở vai hai lá) đã được quỹ BHYT chi trả tới 1,58 tỷ đồng, phía gia đình bệnh nhân chỉ phải đồng chi trả hơn 7,1 triệu đồng. Hay trường hợp bệnh nhân Nguyễn Tuấn Anh (25 tuổi) điều trị viêm phổi, tác nhân không đặc hiệu, được quỹ BHYT chi trả hơn 1,09 tỷ đồng…

Mới đây nhất, ngày 2-4, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 713/BHXH-CSYT về việc đổi mã hưởng BHYT theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đối với đối tượng mang mã CK, CB, KC. Văn bản này nêu rõ, tại Khoản 2, Điều 22 Luật BHYT quy định “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.

Như vậy, một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau, thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định, mức hưởng BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất (An ninh thủ đô, trang 2).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 03/3/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/10/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/10/2018

Ngọc Nga

Để lại bình luận