Điểm báo ngày 08/8/2018

(CDC Hà Nam)

 

08/08/2018 10:13 AM

Phương thuốc chữa “căn bệnh” quá tải bệnh viện; Sản phẩm “Nấm giảm cân tan mỡ x2” chưa được cấp phép đã bán tràn lan trên thị trường; ĐBSCL: Nguồn nhân lực y tế thiếu trầm trọng; TP. Hồ Chí Minh: Lo ngại sốt xuất huyết hoành hành

Phương thuốc chữa “căn bệnh” quá tải bệnh viện

Trong khuôn khổ phiên họp lần thứ 10, ngày 7.8 tại Hà Nội, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về chất lượng và hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở. Trong đó nổi bật lên vấn đề về những hạn chế khiến bệnh viện luôn quá tải. Phóng viên Lao Động đã tìm hiểu tại Đà Nẵng – nơi sự quá tải xuất phát từ việc bệnh nhân không tin bệnh viện tuyến dưới.

Y tế cơ sở kém hiệu quả: Lỗi tại ai?

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, y tế cơ sở gồm tuyến huyện và tuyến xã còn nhiều hạn chế về chất lượng chuyên môn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, khiến người bệnh chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám – chữa bệnh (KCB) tại một số bệnh viện huyện, trạm y tế xã và thường vượt lên tuyến.

Cụ thể, số lượng và chất lượng dịch vụ của tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các huyện vùng khó khăn, ở trạm y tế xã vẫn còn hạn chế; chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế cơ sở chưa thỏa đáng; nhận thức, quan điểm chỉ đạo của cấp chính quyền và cơ quan y tế chưa quan tâm đến y tế cơ sở…

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ cấp thêm quỹ BHYT, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế xã: “Vừa rồi, chúng tôi làm 26 trạm y tế mẫu, phấn đấu trạm y tế xã ít nhất phải được như Thái Lan, các trạm còn lại phải nâng cấp, sửa chữa, cần luân chuyển cán bộ từ huyện về xã và ngược lại, không để bác sĩ tuyến xã suốt đời ở xã”- Bộ trưởng nói.

Trong khi đó, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam lại chỉ ra rằng, tự chủ tài chính bệnh viện đã thúc đẩy các bệnh viện tăng thu người bệnh, kéo dài thời gian nằm viện để tăng số tiền thanh toán với cơ quan BHXH. Ví dụ như ở một số bệnh viện, bệnh nhân phẫu thuật Phaco phải nằm viện từ 5-7 ngày, hay đẻ thường nằm viện tới 5-6 ngày. Hay có những bệnh nhân chỉ bị viêm họng nhưng y tế cơ sở vẫn giữ lại điều trị tới 3 ngày để được BHYT chi trả nhiều hơn. Cũng do tự chủ tài chính nên bệnh viện huyện, trạm y tế chỉ định quá mức quy định, kê thêm giường, sử dụng thuốc, vật tư chưa hợp lý.

Đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, quốc hội cần điều chỉnh chính sách thông tuyến KCB BHYT để tránh tình trạng người dân đi KCB không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, kéo theo việc giảm vai trò của trạm y tế xã trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị các bệnh thông thường. Đối với các bệnh thông thường mà người bệnh điều trị ở tuyến trên, cần tăng mức đồng chi trả hoặc không thanh toán BHYT.

“Quốc hội cần điều chỉnh chính sách thông tuyến KCB BHYT để tránh tình trạng người dân đi khám chữa bệnh không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, kéo theo việc giảm vai trò của trạm y tế xã trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị các bệnh thông thường. Đối với các bệnh thông thường mà người bệnh điều trị ở tuyến trên, cần tăng mức đồng chi trả hoặc không thanh toán BHYT”- bà Minh nói.

Quá tải vì… giảm giá dịch vụ

Thông tư 15/2018/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ 17.7.2018 về việc điều chỉnh giá (chủ yếu làm giảm) của 88 dịch vụ y tế. Những tưởng, thông tư này ra đời sẽ giúp người bệnh được tiếp cận với dịch vụ y tế giá rẻ, song thực tế, thông tư này góp phần làm cho các bệnh viện trở nên quá tải.

Lý do đầu tiên là việc giảm giá này là nhằm giảm phần chi trả của BHYT và áp dụng đối với những bệnh viện không tự chủ về tài chính.

Một số chuyên gia y tế cho biết: Người bệnh sẽ phải tăng phần chi trả chênh lệch giữa giá của Bộ Y tế ban hành và giá của cơ sở y tế đã tự chủ tài chính. Còn các cơ sở chưa thể tự chủ về tài chính thì bắt buộc phải giảm giá các dịch vụ theo quy định. Việc giảm giá lần này làm cho họ phải thực hiện việc cắt giảm chi phí, giảm lương… Từ đó, sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến chất lượng thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh.

Trên tờ Thời báo kinh tế Sài gòn số ra đầu tháng 7.2018, bác sĩ Võ Xuân Sơn phân tích: “Theo Thông tư 15 này, đồng thời với việc Bộ Y tế thỏa hiệp giảm giá các dịch vụ KCB là việc BHXH thỏa hiệp chi trả cho việc 1 bác sĩ khám trên 65 bệnh nhân 1 ngày. Việc quy định mỗi bác sĩ khám 1 ngày 65 bệnh nhân theo tôi đã là quá cao. Nếu vẫn chi trả cho những ca khám từ số 66 trở đi, dù với mức giá bằng 50% mức thông thường, có nghĩa là vẫn nuôi dưỡng quá tải”.

Ngoài sự quá tải đối với chính bác sĩ dẫn đến khó đảm chất lượng KCB. Trong bối cảnh hiện nay, để bảo đảm ngân sách hoạt động, các bệnh viện phải duy trì quá tải mới bảo đảm được việc đó. Càng cắt giảm giá dịch vụ, càng phải nuôi dưỡng quá tải.

Cùng với việc nuôi dưỡng quá tải của các bệnh viện tuyến trên, việc chuyển giao công nghệ về các bệnh viện tuyến dưới càng khó khăn. Từ đó, sự chênh lệch chuyên môn giữa các tuyến sẽ không thể san bằng được. Người bệnh sẽ lại bỏ qua tuyến dưới và đổ lên các tuyến trên. Ngân sách đầu tư cho tuyến dưới bỏ phí. Chất lượng KCB của tuyến trên không bảo đảm vì quá tải.

Nghĩa là, bài toán quá tải bệnh viện vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Trong khuôn khổ phiên họp ngày hôm qua, ông Nguyễn Văn Tiên – nguyên Phó Chủ nhiệm các vấn đề xã hội của Quốc hội – đưa ra thông tin: “Theo báo cáo của Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách y tế, 31% trường hợp khám bệnh ở tuyến trung ương có thể giải quyết ở tỉnh, 41% KCB ở tuyến tỉnh có thể chữa ở huyện… Tuy nhiên, hiện chưa có quy định pháp lý để BV tuyến trung ương, tuyến tỉnh hạn chế nhận KCB bệnh nhân thông thường ở tuyến dưới”.

Các ý kiến phản biện của đại biểu tại phiên họp đã đề nghị Bộ Y tế nêu rõ trách nhiệm của mình và chính quyền các địa phương về những yếu kém của y tế cơ sở và việc xây dựng y tế theo hướng phát triển bệnh viện chứ chưa quan tâm đúng mức đến y tế dự phòng như vừa qua. Bộ Y tế cần cân bằng giữa việc phát triển y tế chuyên sâu với y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đó mới tìm ra “phương thuốc” chữa căn bệnh quá tải bệnh viện (Lao động, trang 7).

 

Sản phẩm “Nấm giảm cân tan mỡ x2” chưa được cấp phép đã bán tràn lan trên thị trường

Ngày 7-8, Cục ATTP cho biết đã đã có Công văn gửi Sở Y tế các tỉnh/thành và Chi cục ATVSTP các tỉnh, thành phố về việc xử lý nghiêm với 2 sản phẩm của Công ty TNHH SX TM DV Hoài Thương Organic (địa chỉ: TT. Long Thành, Đồng Nai) bán hàng khi chưa được cấp phép. Cụ thể, theo thông tin trên nhãn mác, sản phẩm “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bột thảo dược tăng cân đẹp da x2” (sản xuất ngày 24/5/2018, HSD 25/11/2019, Lô sản xuất 0015018/007288) làm từ bột bắp, bột sữa non… có tác dụng tăng cân cho người suy dinh dưỡng, gầy yếu; thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố. Sản phẩm còn được quảng cáo điều trị tình trạng suy nhược cơ thể; chống xơ vữa động mạch…

Sản phẩm thứ hai là Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên thảo dược Giảm cân tan mỡ x2, hay thường được các shop bán hàng online quảng cáo là “Nấm giảm cân tan mỡ X2” (sản xuất ngày 26/7/2018, HSD 25/08/2019, lô sản xuất 000010708) có dạng viên nén. Sản phẩm này cũng được quảng cáo 100% từ nguyên liệu thiên nhiên như chè vằng, lá sen, tinh bưởi, linh chi, tiểu nhân sâm…, giúp Detox thanh lọc cơ thể, thúc đẩy quá trình giảm cân, thải độc gan thận, mỡ máu…

Được biết, hai sản phẩm đang được bày bán tràn lan trên mạng xã hội, với quảng cáo được bào chế 100% từ thảo dược, tuyệt đối an toàn, có thể dành cho phụ nữ sau sinh… nên thu hút được sự quan tâm khá lớn từ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, Cục ATTP cho biết, các sản phẩm này chưa được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc Giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm. Do đó, Cục ATTP đề nghị các đơn vị chức năng chỉ đạo kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật (An ninh thủ đô, trang 8).

 

ĐBSCL: Nguồn nhân lực y tế thiếu trầm trọng

Chiều 7-8, tại trường Đại học Y dược Cần Thơ diễn ra hội nghị “Nhân lực y tế vùng ĐBSCL năm 2018”. Theo thống kê của ngành chức năng, tính đến năm 2018, toàn vùng ĐBSCL có 7,85 bác sĩ và 1,39 dược sĩ trên vạn dân, còn khá xa so với chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 122/QĐ-TTg về “Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Cụ thể, tỉnh có tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân thấp nhất tại ĐBSCL là An Giang (6,30 bác sĩ/vạn dân), kế đến là Tiền Giang (6,32 bác sĩ/vạn dân). Tỉnh có số lượng dược sĩ thấp nhất là Long An (0,71 dược sĩ/vạn dân). Thành phố Cần Thơ là địa phương có tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ trên vạn dân cao nhất (11,54 bác sĩ và 12,49 trên vạn dân). Ngoài ra, đối với các chuyên ngành hiếm (như lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu), thì tình trạng thiếu hụt càng nghiêm trọng hơn. Tại 13 Trung tâm Pháp y thuộc 13 tỉnh thành ĐBSCL nhưng chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành Pháp y. Hiện nay, 8 bệnh viện lao và phổi trong khu vực đã đi vào hoạt động, tuy nhiên số bác sĩ có chuyên ngành rất ít, trung bình mỗi tỉnh chỉ có từ 1 – 5 bác sĩ.

Năm 2018, trường Đại học Y dược Cần Thơ có 1.229 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tốt nghiệp các ngành. Đến nay, trường có 1.450 chỉ tiêu đào tạo (trong đó ưu tiên tối đa 85% chỉ tiêu cho khu vực ĐBSCL); tuy nhiên với năng lực đào tạo này các địa phương vẫn cho rằng không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế, đồng thời đề nghị tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh thật sự rất khó. Cụ thể, năm 2018 trường Đại học Y dược Cần Thơ đã xin thêm 450 chỉ tiêu ngành hiếm, nhưng Bộ Y tế chỉ cho tăng 150 chỉ tiêu (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

 

  1. Hồ Chí Minh: Lo ngại sốt xuất huyết hoành hành

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang bắt đầu vào mùa tại TPHCM. Bình quân mỗi tuần, các bệnh viện TPHCM tiếp nhận khoảng 300 – 450 ca SXH. Đáng lo ngại hơn là TPHCM vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhi 7 tuổi tại Q.12 bị tử vong vì SXH. Dự báo sắp tới tình hình dịch SXH sẽ còn diễn biến phức tạp và đỉnh điểm của dịch bệnh có thể rơi vào tháng 10.

Đã có ca tử vong do SXH

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TPHCM thì tại TPHCM vừa ghi nhận một trường hợp bị tử vong so bệnh SXH. Bác sĩ Vũ Đức Diễn (TTYTDP Q.12) cho biết, đó là trường một bệnh nhi 7 tuổi tại phường Hiệp Thành, Q.12. Theo đó, bệnh nhi là bé gái, bị SXH, được gia đình cho đi bệnh viện theo dõi. Mặc dù các bác sĩ đã tích cực điều trị, kê đơn thuốc theo phác đồ điều trị nhưng bé đã tử vong ở ngày thứ 6 của quá trình bệnh.

Từ đầu năm 2018 đến nay, tại TPHCM ghi nhận có khoảng 6.000 ca nhập viện vì SXH, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, TPHCM đang bắt đầu mùa mưa nên tình hình bệnh SXH trên địa bàn TPHCM có dấu hiệu tăng cao khiến người dân lo ngại, dự báo đỉnh điểm dịch SXH rơi vào khoảng tháng 10. Theo TTYTDP TPHCM, trung bình mỗi tuần hiện nay thành phố có khoảng 350 trường hợp nhập viện do mắc SXH, có tuần lên đến 450 trường hợp.

Anh Trần Công Trình (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: “Thông tin có người tử vong do SXH khiến tôi lo ngại về khả năng mắc bệnh cao đối với 2 con nhỏ hiện nay. Do vậy, gia đình tôi đã chủ động tiến hành vệ sinh sạch sẽ bể cá, bình bông, lu chứa nước, dọn sạch nhà cửa, điểm dễ phát sinh lăng quăng phòng chống SXH và ngủ mùng cho an toàn”.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số khu dân cư, điểm chợ tự phát… trên địa bàn Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 12… vẫn tồn tại thực trạng vệ sinh không đảm bảo, nhiều rác thải sinh hoạt, có vũng nước đọng lại tiềm ẩn nguy cơ muỗi đẻ trứng. Ngoài ra, tồn tại một số hộ gia đình thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh như để chai lọ, vứt rác bừa bãi, ít vệ sinh nhà cửa….

Ráo riết phòng chống SXH thời điểm bệnh bùng phát

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khuyến cáo, cần tích cực, chủ động phòng chống bệnh SXH trước mùa dịch. Tại TPHCM, đại diện TTYTDP quận 12, quận Hóc Môn, Gò Vấp… đã triển khai nhiều biện pháp như ra quân phát động chiến dịch diệt lăng quăng, kêu gọi người dân hưởng ứng phòng, chống SXH, tích cực thực hiện các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. “Hiện nay đã kiểm soát và xóa được nhiều điểm nguy cơ có thể phát sinh lăng quăng trong cộng đồng. Tuy nhiên, TTYTDP thành phố chỉ kiểm soát được các điểm nguy cơ ở nơi công cộng, còn những điểm dễ phát sinh lăng quăng ở trong các hộ gia đình như bể cá, bình bông, ly nước để trên bàn thờ, lu chứa nước… thì cần sự chung tay, ý thức phòng ngừa của người dân” – đại diện TTYTDP cho biết.

ThS-BS Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng khoa SXH BV Nhi Đồng 1 TPHCM) cho biết, mỗi ngày trung bình có khoảng vài chục trẻ đang điều trị tại khoa… Theo đó, SXH có thể xảy ra nhiều người từ trẻ em đến người già, triệu chứng ban đầu của bệnh SXH dễ bị nhầm lẫn với các bệnh sốt siêu vi, viêm họng, tay chân miệng. Mới đầu bệnh SXH khó xác định, nhưng từ ngày 3 đến ngày 6 thì dễ chẩn đoán vì đã có dấu hiệu SXH. SXH không diễn tiến từ sốt nhẹ rồi mới chuyển lên sốt cao, mà ngay khi sốt đã rất cao (39 độ), khi bị SXH sẽ cảm thấy mệt mỏi khắp người, lừ đừ, biếng ăn…

ThS-BS Nguyễn Minh Tuấn cũng khuyến cáo các phụ huynh cần theo dõi trẻ, khi có các dấu hiệu trở nặng: Chảy máu chân răng, đi tiêu ra máu, người lừ đừ thì lập tức đưa trẻ tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời (Lao động, trang 2).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 29/5/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 18/6/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/4/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận