Điểm báo ngày 09/1/2020

(CDC Hà Nam)
Sau 1 tuần phạt nặng lái xe có nồng độ cồn, bệnh viện “vắng” hẳn bệnh nhân tai nạn giao thông; Chấn chỉnh các cơ sở khám chữa bệnh lạm dụng bảo hiểm y tế

Sau 1 tuần phạt nặng lái xe có nồng độ cồn, bệnh viện “vắng” hẳn bệnh nhân tai nạn giao thông

Tại Bệnh viện Việt Đức, khoảng một tuần này, số ca tai nạn giao thông vào cấp cứu có nồng độ cồn trong máu đã giảm đáng kể. Tại nhiều bệnh viện khác cũng ghi nhận thực trạng tương tự…

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46/2016) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020, quy định mức xử phạt hành chính với lái xe có nồng độ cồn lên tới 40 triệu đồng (đối với lái xe ô tô), 7 triệu đồng (đối với lái xe máy).

Đến nay, sau 1 tuần triển khai quy định mới nói trên, bước đầu đã đem lại kết quả tích cực ở khía cạnh đảm bảo an toàn giao thông. Theo đó, lượng bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia đã giảm hẳn so với trước.

Tại Bệnh viện Việt Đức – cơ sở đầu ngành về ngoại khoa ở miền Bắc, số liệu từ Phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện cho thấy, từ ngày 1-1 đến 6-1-2020, bệnh viện tiếp nhận 305 trường hợp bị tai nạn giao thông, trong đó có 46 bệnh nhân có sử dụng rượu, bia (chiếm 11,8%).

Con số này giảm so với cùng kỳ năm 2019 (bệnh nhân tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia chiếm 15%).

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, bác sĩ Vũ Xuân Hùng – Trưởng Khoa chấn thương chỉnh hình cho biết, nếu như bình thường 1 ngày cấp cứu khoảng 100-120 bệnh nhân, trong đó khoảng 30% có liên quan tai nạn giao thông thì gần đây con số chỉ còn một nửa. Đặc biệt, trong 1 tuần qua, không có bệnh nhân nào nhập viện vì tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia.

Trong khi đó, số liệu từ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cũng cho thấy, nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 90 ca cấp cứu, trong đó có 20% là tai nạn do lái xe có nồng độ cồn thì từ ngày 1-1 đến 6-1-2020, trong tổng số gần 530 ca cấp cứu, chỉ có 44 vụ là tai nạn giao thông do lái xe có nồng độ cồn (chiếm 8,3%). (An ninh thủ đô, trang 9).

 

Chấn chỉnh các cơ sở khám chữa bệnh lạm dụng bảo hiểm y tế

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Khánh Hòa cho biết, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) không kiểm soát tốt dự toán chi do Chính phủ giao, để xảy ra lạm dụng, trục lợi thì cơ quan BHXH sẽ không thực hiện ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT.

Theo dự toán năm 2019, Chính phủ giao cho tỉnh thu quỹ khám, chữa bệnh BHYT là 1.117 tỷ đồng, dự toán chi hơn 1.023 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 6-2019, tỷ lệ sử dụng nguồn kinh phí theo tiến độ đã vượt 124%, cao thứ 3 cả nước. Trước tình trạng bội chi BHYT, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường kiểm soát chi khám, chữa bệnh BHYT 6 tháng cuối năm 2019; đồng thời giao Thanh tra tỉnh thực hiện thanh tra đối với các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT; Công an tỉnh và cơ quan BHXH tỉnh tiếp tục thực hiện kiểm tra tại một số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT.

Ông Bùi Đăng An – Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, qua kiểm tra bước đầu đã xác định có tình trạng một số cơ sở y tế lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Một số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT kê khống bệnh nhân (BN) nằm viện; cố tình kéo dài ngày nằm viện không cần thiết; thanh toán tiền công khám đối với những trường hợp BN chỉ đến thay băng, cắt chỉ… theo hẹn; có nhiều trường hợp thanh toán trùng, áp sai giá tiền giường bệnh; một số BN thực hiện khám, chữa bệnh nhiều lần trong thời gian ngắn; có trường hợp đơn thuốc cũ bác sĩ chỉ định sử dụng chưa hết, nhưng lại được cơ sở khám, chữa bệnh cấp cho đơn thuốc điều trị mới cùng loại thuốc… Bên cạnh đó, một số cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục sai sót trong việc chỉ định xét nghiệm, chỉ định dịch vụ kỹ thuật, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, kê thuốc cho người bệnh không hợp lý, số lượng sử dụng nhiều, sai giá phẫu thuật, thủ thuật… “Khi kiểm tra thực tế tại Bệnh viện Giao thông vận tải Nha Trang vào ngày 1-12-2019, ở 3 khoa đang có BN điều trị theo BHYT là 60 người nhưng chỉ có 10 BN có mặt. Đến ngày 9-12-2019, đoàn kiểm tra lại 3 khoa, đang có BN điều trị theo BHYT là 54 người, thì chỉ có 8 BN có mặt tại viện. Kiểm tra tại các bệnh viện khác thì nhiều BN còn phản ánh được cho về ngày thứ Sáu nhưng bệnh viện yêu cầu sang thứ Hai tuần sau mới làm thủ tục thanh toán tiền xuất viện, trong khi quỹ BHYT phải chi trả tiền giường bệnh cho ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Có trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh còn cấp thuốc BHYT cho người đã khuất”, ông An nói.

Theo BHXH tỉnh, báo cáo đến tháng 11-2019, Khánh Hòa đã vượt dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT do Chính phủ giao hơn 55,651 tỷ đồng. BHXH tỉnh đã kiểm tra, giám định và từ chối chi phí khám, chữa bệnh là 7,684 tỷ đồng.
Ông Lê Hùng Chính – Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh cho biết, so với năm 2018, vượt chi Quỹ khám, chữa bệnh BHYT là 201 tỷ đồng thì năm 2019 đã giảm đáng kể, tỷ lệ vượt dự toán giao giảm còn 10%. “Qua rà soát cho thấy, nhiều trường hợp lạm dụng BHYT đã khiến nguồn chi này không hợp lý, dẫn đến thiệt thòi cho người dân. Mới đây, chúng tôi đã làm việc với 1 cơ sở khám, chữa bệnh về việc ký kết hợp đồng khám, chữa bệnh năm 2020. Nếu đơn vị không tuân thủ quy định về khám, chữa bệnh BHYT thì sẽ đề xuất cơ quan chức năng vào cuộc. Đối với những đơn vị vi phạm, BHXH tỉnh báo cáo UBND tỉnh và BHXH Việt Nam không thực hiện ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT hoặc không ký hợp đồng nằm viện nội trú khi kết thúc đợt kiểm tra”, ông Chính nói.
Hiện nay, BHXH tỉnh đang tổng hợp số liệu để báo cáo UBND tỉnh và BHXH Việt Nam chấm dứt ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT đối với những cơ sở khám, chữa bệnh không kiểm soát được chi khám, chữa bệnh BHYT; không chấp hành theo quy định của pháp luật về kiểm soát dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT do Chính phủ giao. (Lao động, trang 4).

 

Bỏ thuốc, ăn thực dưỡng để chữa bệnh tiểu đường, một phụ nữ tử vong

Mới đây, khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một nữ bệnh nhân sinh năm 1961 (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào cấp cứu trong tình trạng rất nguy cấp vì bỏ điều trị chuyển sang ăn thực dưỡng.

Ngay thời điểm nhập viện, các bác sĩ đã tiên lượng bệnh nhân khó lòng qua khỏi, có thể tử vong bất cứ lúc nào.

“Theo người nhà, nữ bệnh nhân được người quen tư vấn chỉ cần thực dưỡng là khỏi. Bệnh do nghiệp gây ra nên ngồi thiền để giải nghiệp. Kết quả, sau 2 tháng ăn thực dưỡng nhai gạo lứt, uống sữa hạt và ngồi thiền, bệnh nhân giảm 7 kg, phải đi cấp cứu” – bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được cho thở máy và lọc máu liên tục. Tổn thương gan nặng nề, cơ thể suy kiệt, nhiễm toan chuyển hoá nặng, men gan cao đến hàng nghìn đơn vị. Kết quả siêu âm phát hiện bệnh nhân có thêm nhiều khối trong gan, tăng tín hiệu mạch, bụng có dịch. Sau 4 ngày điều trị tích cực bệnh nhân đã không thể qua khỏi.

Theo bác sĩ Hùng, hiện nay, trào lưu thực dưỡng trong điều trị ung thư lại nở rộ trên mạng xã hội. Không ít người coi thực dưỡng là cách chữa bệnh không dùng thuốc, phẫu thuật không dùng dao. Song thực tế khỏi bệnh đâu không thấy mà đã có trường hợp nguy kịch vì chế độ ăn này. (Gia đình & Xã hội, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 06/9/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 22/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/9/2020

Ngọc Nga

Để lại bình luận