Điểm báo ngày 09/6/2021

(CDC Hà Nam)
Cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế: Phê duyệt cấp phép nhập khẩu vaccine covid-19 chỉ mất 5-10 ngày; Triển khai sớm các giải pháp phòng dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp

Cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế: Phê duyệt cấp phép nhập khẩu vaccine covid-19 chỉ mất 5-10 ngày

Liên quan đến thông tin Cục Quản lý Dược công bố danh sách 36 đơn vị đủ thẩm quyền nhập khẩu vaccine, kinh doanh, bảo quản vaccine phòng COVID-19, hiện đang có những thông tin cho rằng Bộ Y tế có phần ưu tiên các đơn vị này trong nhập khẩu vaccine phòng COVID-19.

Về vấn đề này, ông Vũ Tuấn Cường- Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết: Hiện nay hệ thống quản lý vaccine quốc gia của Việt Nam (NRA) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá và công nhận đạt chứng chỉ cấp độ 3. Việc Cục Quản lý Dược công khai các đơn vị đạt yêu cầu về nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 trên website của Cục là theo hướng dẫn của WHO.

Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn số 4433/BYT-QLD về việc tăng cường tiếp cận vaccine phòng COVID-19 gửi UBND các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc; các doanh nghiệp, tổ chức có nguồn cung vaccine phòng COVID-19. Tại công văn mới nhất này một lần nữa, Bộ Y tế đã khuyến khích các địa phương, các tập đoàn, các doanh nghiệp, cá nhân… nếu tiếp cận được vaccine phòng COVID-19 thì Bộ Y tế sẵn sàng tạo mọi điều kiện hỗ trợ về các thủ tục nhập khẩu.

Theo đó, để tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 cho nhu cầu cấp bách, Bộ Y tế đề nghị, trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng với cơ sở sản xuất hoặc cung ứng vaccine, các đơn vị lưu ý một số nội dung sau:

Với các vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp (từ các cơ sở sản xuất: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Johnson & Johnson …), Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt trong thời gian 5 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Với các vaccine đã được các quốc gia khác phê duyệt, nhưng chưa được WHO phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp, Bộ Y tế sẽ xem xét, phê duyệt trong thời gian 10 ngày làm việc khi nhận được đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Cục trưởng Vũ Tuấn Cường cho biết khi làm thủ tục nhập khẩu vaccine vào Việt Nam, các đơn vị khẩn trương gửi hồ sơ chất lượng theo quy định (bao gồm: Giấy chứng nhận xuất xưởng của cơ sở sản xuất và/hoặc Giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan quản lý) để Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế (NICVB) thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng trong vòng 48 giờ theo khuyến cáo của WHO để đảm bảo chất lượng, tránh việc nhập khẩu vaccine không rõ nguồn gốc.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Dược, trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức chưa có kinh nghiệm nhập khẩu vaccine theo quy định, đề nghị liên hệ với các đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu vaccine để phối hợp thực hiện, hoặc liên hệ với Cục Quản lý Dược để được hỗ trợ. Đối với các đơn vị không có khả năng tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế tổ chức tiêm chủng cho người dân.

“Riêng đối với các địa phương, đơn vị có khả năng nhập khẩu, tiếp cận nguồn cung vaccine phòng COVID-19 nêu trên, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện cấp phép nhập khẩu, kiểm định và chỉ đạo tổ chức công tác tiêm chủng đảm bảo tiến độ, an toàn, hiệu quả”- ông Cường nói.

Đồng thời, trước đó, theo ông Cường, Cục Quản lý Dược cũng đã ban hành các công văn khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận vaccine COVID-19.

“Các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp… đơn vị khi tiếp cận được vaccine phòng COVID-19 muốn nhập khẩu về Việt Nam, nếu đủ hồ sơ hợp lệ thì Bộ Y tế sẽ phê duyệt cấp phép nhập khẩu trong tình trạng cấp bách theo các khung thời gian là từ 5-10 ngày làm việc. Hiện nay tất cả các quy trình liên quan đến cấp phép và nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế rút gọn một cách tối đa, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân…”- ông Vũ Tuấn Cường khẳng định. (Lao động, trang 1)

 

Triển khai sớm các giải pháp phòng dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp

Ngày 8-6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch; hoàn thiện quy trình cách ly người nhập cảnh đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Tại cuộc họp, các thành viên thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, qua thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Bắc Ninh và Bắc Giang, một trong những vấn đề đáng lo nhất hiện nay là dịch bệnh xuất hiện trong các khu công nghiệp nhưng không được phát hiện sớm. Do vậy, cần tích cực triển khai các giải pháp ngay từ sớm để đề phòng dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi, nhất là tại các khu công nghiệp; công tác xét nghiệm phải tổ chức ngay từ những ngày đầu. Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm; thúc đẩy thí điểm công nghệ xét nghiệm Covid-19 sử dụng mẫu nước bọt; nhanh chóng tiếp cận công nghệ kết hợp giữa xét nghiệm sinh học với quang học, công nghệ trí tuệ nhân tạo… Hiện các công nghệ mới này đang được thực hiện thử nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, sẽ sớm được đánh giá để đề xuất, triển khai thí điểm tại các vùng có dịch. Mặt khác, Bộ Y tế khẩn trương rút kinh nghiệm, xây dựng sổ tay phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp và phổ biến ngay cho các địa phương.

Thường trực Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo tình hình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc chấn chỉnh các khâu đưa đón chuyên gia, người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước thành quy trình khép kín. Ðược biết, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện quy trình quản lý khép kín, từ khi tiếp nhận đăng ký nhập cảnh đến hết thời gian theo dõi y tế tại nhà… Dự kiến, những người nhập cảnh vào Việt Nam được phân loại thành các nhóm khác nhau. Người đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được kiểm tra bằng các xét nghiệm để chứng minh hiệu quả việc tiêm vắc-xin, sau đó việc thực hiện cách ly rút ngắn xuống còn 7 ngày.

Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, để làm tốt công tác này cần phân rõ trách nhiệm của cá nhân đối với các quy định, hệ thống công nghệ; người nhập cảnh thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Ðồng thời, các ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức như đại sứ quán; các thành viên “Tổ năm người” trong việc quyết định các chuyến bay nhập cảnh, giải cứu công dân; chính quyền cơ sở, cơ quan y tế trong việc theo dõi người nhập cảnh thực hiện theo dõi y tế tại địa phương sau khi hoàn thành cách ly tập trung…

Thường trực Ban Chỉ đạo nhận định, nếu kiểm soát tốt, trong tháng 6 này có thể khống chế được dịch bệnh, nhưng sẽ vẫn ghi nhận các ca mắc lẻ tẻ trong cộng đồng. Trong khi đó, việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở trong nước và nhiều nước trên thế giới chưa thể có miễn dịch cộng đồng sớm… Cho nên các lực lượng không chủ quan, lơ là, luôn sẵn sàng phòng, chống dịch.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 8-6, cả nước ghi nhận 175 trường hợp mắc Covid-19 (người bệnh 8.984 đến 9.158), trong đó có bốn ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại An Giang, Quảng Nam, Kiên Giang và 171 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (98 ca), TP Hồ Chí Minh (39 ca), Bắc Ninh (25 ca), Lạng Sơn (năm ca), Hà Nội (hai ca), Hà Tĩnh (một ca), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (một ca). Trong ngày, có 40 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh; 388 người bệnh đang điều trị tại các cơ sở y tế cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 từ một đến ba lần. Trong ngày cũng ghi nhận hai người bệnh (thứ 54 và 55) tử vong có liên quan đến Covid-19. Trường hợp thứ 54 là người bệnh 3.422 (51 tuổi, ở Hưng Yên) và thứ 55 là người bệnh 4.632 (88 tuổi, ở Bắc Giang).

Tiểu ban Ðiều trị cho biết, trong số hơn 6. 400 người mắc Covid-19 đang điều trị tại 106 cơ sở y tế hiện có 82 trường hợp tiên lượng nặng, 9 trường hợp đang can thiệp ECMO. Thời gian qua, các chuyên gia đầu ngành thường xuyên tiến hành hội chẩn qua telehealth điều trị người bệnh Covid- 19 nặng trên toàn quốc. Với sự góp ý của các chuyên gia đầu ngành và sự nỗ lực không ngừng của các y, bác sĩ, nhiều trường hợp bệnh nặng, tiên lượng nguy cơ tử vong đã được cứu sống…

Ê-kíp y, bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy mang thiết bị sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để tiến hành đặt ECMO, sau đó vận chuyển an toàn chiến sĩ công an ở quận Tân Phú mắc Covid-19 (người bệnh 8.944) về khu vực cách ly tại Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.

Cách ly y tế gần như toàn bộ TP Hà Tĩnh

Ngày 8-6, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định thiết lập vùng cách ly y tế trên phạm vi toàn bộ TP Hà Tĩnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Từ 12 giờ ngày 8-6, toàn bộ TP Hà Tĩnh, gồm 14 xã, phường (trừ xã Thạch Bình), với tổng số 24.759 hộ gia đình, 100.254 nhân khẩu sẽ thực hiện vùng cách ly đến khi có quyết định tiếp theo. Tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu người dân thành phố thực hiện cách ly theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly với thôn, xã/phường cách ly với xã/phường. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết…

Liên quan ca nghi nhiễm Covid-19 được phát hiện vào sáng 8-6, lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa toàn bộ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài ra, TP Hà Tĩnh cũng lập sáu chốt phong tỏa tại tổ 3, phường Nguyễn Du và tổ 6, phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh). Sở Y tế Hà Tĩnh cũng đang phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho tất cả các hộ gia đình trên địa bàn TP Hà Tĩnh.

Sở Y tế tỉnh Ninh Bình có thông tin về ba trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2. Hiện nay cả ba trường hợp đang được cách ly, điều trị tại Phòng khám đa khoa khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình). Sở Y tế Ninh Bình nhận định, nguy cơ lây lan và bùng phát ra cộng đồng không cao, do người bệnh đều được cách ly, điều trị, xét nghiệm và đánh giá đủ tiêu chuẩn ra viện mới chuyển về địa phương với kết quả xét nghiệm ít nhất ba lần âm tính liên tiếp.

Trong khi đó, một số địa phương bước đầu nới lỏng quy định phòng, chống dịch. UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, kể từ 12 giờ ngày 8-6, các khu, điểm du lịch, di tích, danh thắng, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở dịch vụ mở cửa trở lại, tổ chức đón du khách nội tỉnh. Các quán cà-phê, giải khát, nhà hàng, quán ăn, quán nước, xổ số; các dịch vụ văn hóa, thể thao, phòng tập gym, fitness, yoga, câu lạc bộ bi-a được hoạt động trở lại (trừ ka-ra-ô-kê, vũ trường, mát xa, bar, pub, club, trò chơi điện tử); các sân gôn được hoạt động đón khách nội tỉnh. Các cơ sở dịch vụ, du lịch phải tổ chức các hoạt động nêu trên một cách có kiểm soát, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Tại cuộc họp chiều 8-6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Ðà Nẵng đã xem xét cho phép một số dịch vụ thiết yếu hoạt động trở lại. Theo đó, từ 0 giờ ngày 9-6, các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (kể cả quán cà-phê, vỉa hè) được mở bán tại chỗ nhưng không được quá 21 giờ. Chủ cơ sở buôn bán phải ký cam kết với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ phải khai báo y tế thường xuyên… Thành phố khuyến khích chủ nhà hàng có điều kiện lắp vách ngăn chống giọt bắn khi khách hàng ăn, uống; cho phép hoạt động tắm biển trở lại, nhưng nghiêm cấm tập trung đông người vui chơi, chơi thể thao, ăn uống, bán hàng rong… tại bãi biển. Một số hoạt động thể thao không tiếp xúc trực tiếp như quần vợt, gôn, cầu lông, bóng bàn được hoạt động trở lại…

Ngày 8-6, UBND tỉnh Lâm Ðồng ban hành văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị và địa phương trong tỉnh, về thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế. Theo đó, những người đến tỉnh Lâm Ðồng từ các địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, phải thực hiện cách ly tại nhà và từ các địa bàn đang thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các địa điểm dịch tễ có ca dương tính Covid-19, phải thực hiện cách ly tập trung.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng thay đổi các biện pháp áp dụng để phòng, chống dịch phù hợp trạng thái “bình thường mới” từ ngày 8-6. Cụ thể, cách ly tập trung đối với người dân đến từ TP Hồ Chí Minh đang áp dụng Chỉ thị 16 và vùng, địa điểm có ca F0 theo công bố của Bộ Y tế tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cách ly tại nhà 21 ngày đối với tất cả người dân từ TP Hồ Chí Minh về Quảng Ngãi (trừ các trường hợp cách ly tập trung). Tiếp tục tạm dừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu; hoạt động phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định và hợp đồng tuyến Quảng Ngãi – TP Hồ Chí Minh và ngược lại; hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung; khách du lịch (người ngoài tỉnh và người nước ngoài) đến đảo Lý Sơn…

Thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch

Ngày 8-6, các đơn vị, địa phương đã tiếp nhận kinh phí, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch và ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Ðỗ Xuân Tuyên tiếp nhận hỗ trợ các vật dụng y tế và hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch từ đại diện Công ty TNHH DKSH Việt Nam; Công ty Humasis Vina hỗ trợ 3.000 bộ test nhanh kháng nguyên Covid-19 do Humasis Hàn Quốc sản xuất; Công ty Wakamono trao tặng 100 nghìn khẩu trang và Bệnh viện FV TP Hồ Chí Minh trao tặng Bộ Y tế máy móc, thiết bị trị giá một tỷ đồng.

Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận ủng hộ từ bà Trương Thị Thu Hương, Việt kiều tại Quảng Châu (Trung Quốc) 300 triệu đồng; Hội nước sạch Việt Nam 71 triệu đồng; Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Thanh Mộc Hương 200 triệu đồng; Chi nhánh Công ty cổ phần Bệnh viện mắt Sài Gòn – Hà Nội 16,25 triệu đồng; Công ty TNHH Cây xanh Công Minh 200 triệu đồng; Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên ở Trung ương 471,1 triệu đồng; Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam 363 triệu đồng.

Thành ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị vận động đóng góp ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19. Tại hội nghị, 30 doanh nghiệp đã trao số tiền hơn 225 tỷ đồng ủng hộ Quỹ. Trong đó, nhiều đơn vị đã dành số kinh phí lớn ủng hộ Quỹ như: Công ty CP Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD GROUP); Công ty CP Ðầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy; Công ty CP Ðầu tư và dịch vụ Vạn Hương (Tập đoàn Geleximco); Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng… Ủy ban MTTQ thành phố Cần Thơ tiếp nhận 1 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 và 5.000 bộ test nhanh Covid-19 (trị giá 1 tỷ đồng) do Công ty cổ phần Dược Hậu Giang trao tặng. Bên cạnh đó, Dược Hậu Giang tài trợ 1.600 chai gel rửa tay kháng khuẩn cho chín UBND quận, huyện; tặng 5.600 chai gel rửa tay kháng khuẩn cho 14 bệnh viện trọng điểm tại TP Cần Thơ… Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình tiếp nhận sự ủng hộ của Tổng công ty VIGLACERA-CTCP số tiền hai tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương. Cùng ngày, Công ty TNHH Medicon trao tặng Sở Y tế tỉnh Thái Bình 10 nghìn bộ test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 và 300 kính chắn giọt bắn với tổng trị giá 1,35 tỷ đồng. Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận hơn 17 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận từ đại diện Công ty cổ phần Gang thép Nghi Sơn hỗ trợ 10 hệ thống điện năng lượng mặt trời, 13 máy lọc nước có tổng trị giá hơn 500 triệu đồng nhằm trang bị cho các chốt biên phòng phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Quan Sơn. (Nhân dân, trang 1; Công an nhân dân, trang 1; Tuổi trẻ, trang 3)

 

Tiếp sức nơi tuyến đầu chống dịch

Không cầu kỳ, không hoa mỹ, với tinh thần xung kích, sáng tạo, tương thân tương ái, lớp lớp đoàn viên, thanh niên đang ngày đêm góp sức trẻ, bằng nhiều chương trình, hành động thiết thực trên khắp các mặt trận phòng, chống dịch Covid-19, quyết tâm bảo vệ sức khỏe toàn dân.

Tình nguyện tại chỗ

Dưới cái nắng nóng gay gắt đầu hè, tại một khu đất rừng ở xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) gấp rút dựng lều trại. Cách đó không xa, tại xã Phượng Sơn (huyện Lục Ngạn), tập thể cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 219 (Quân đoàn 2) cũng đang nhanh chóng ổn định tổ chức, triển khai nơi ăn ở, sinh hoạt. Ðây không phải chương trình luyện tập hành quân đột xuất, mà là thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, toàn bộ quân số của Sư đoàn 325 và Lữ đoàn 219 đã cơ động ra khu vực dã ngoại, nhường doanh trại để đón người dân đến thực hiện công tác cách ly tập trung.

Với tinh thần “Tất cả vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân”, trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ của hai đơn vị đều đã dọn vệ sinh kỹ lưỡng, phun khử khuẩn toàn bộ doanh trại, chuẩn bị chu đáo trang phục bảo hộ y tế, vật tư phòng, chống dịch, nhu yếu phẩm cá nhân cần thiết phục vụ đồng bào sinh hoạt trong thời gian cách ly. Trao đổi với chúng tôi, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325 và Lữ đoàn 219 đều khẳng định đây là nhiệm vụ vinh quang trong thời bình, đồng thời thể hiện quyết tâm chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh, cùng toàn dân chiến thắng dịch bệnh.

Cùng với tuổi trẻ các lực lượng vũ trang, trước sự bùng phát phức tạp của đại dịch, Tỉnh đoàn Bắc Giang đã gấp rút chỉ đạo các cơ sở Ðoàn Thanh niên trên địa bàn thành lập 574 Ðội hình thanh niên xung kích “Phòng tuyến áo xanh” với sự tham gia trực tiếp của hơn 7.300 tình nguyện viên. Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang Thân Trung Kiên cho biết: Tuổi trẻ Bắc Giang đã triển khai sáu Ðội hình thanh niên phản ứng nhanh theo các mặt công tác: hậu cần; nhập liệu mẫu xét nghiệm; giám sát, hỗ trợ khai báo y tế; vận chuyển nhu yếu phẩm; hỗ trợ xây dựng bệnh viện dã chiến. Với cách làm bài bản, nhanh chóng, các đội hình đã và đang thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ, như phục vụ hậu cần cho các đoàn tình nguyện đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước; hỗ trợ tuyến đầu lấy mẫu xét nghiệm; triển khai nhiều “Siêu thị 0 đồng” phục vụ công nhân; giúp nông dân tiêu thụ nông sản; tổ chức bệnh viện dã chiến…

Hòa chung không khí khẩn trương, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, các hội viên Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Giang cũng không quản ngày đêm, vượt mọi vất vả, hiểm nguy để thường trực ở tuyến đầu chống dịch. Bất kể trưa hè nắng gắt hay đêm tối mịt mù, hàng loạt đoàn công tác với các y, bác sĩ trẻ tình nguyện đã tăng cường đến các địa phương để khoanh vùng, dập dịch. Ðối với trường hợp người cao tuổi, ốm đau, lực lượng thầy thuốc trẻ đến tận nhà xét nghiệm, bảo đảm không để sót, lọt. Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang, nhiều hội viên Hội Thầy thuốc trẻ thức trắng hàng tuần để chạy đua với dịch bệnh. Những dòng chữ ghi vội họ tên trên bộ đồ bảo hộ y tế dần nhòe đi vì mồ hôi ướt sũng. Vậy nhưng, dù khát đến mấy cũng không ai dám cởi bỏ đồ bảo hộ để uống nước. Bữa ăn hằng ngày cũng không còn đúng giờ, có chăng chỉ là những phút tranh thủ thật nhanh để tiếp tục quay lại công việc còn dang dở.

“Phòng tuyến tuổi xuân”

Với tinh thần sẻ chia, truyền thống “tương thân tương ái” quý báu của dân tộc, nhiều ngày qua, tuổi trẻ cả nước đã đồng loạt, liên tiếp triển khai nhiều hoạt động, phần việc cụ thể nhằm chi viện cho các địa phương chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh. Vừa qua, T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tiếp tục nối dài chuỗi chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch”, kêu gọi các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ được hơn bốn tỷ đồng tiền mặt và hiện vật hỗ trợ ba tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Ðiện Biên phòng, chống dịch. Ngay sau khi tiếp nhận các khoản ủng hộ, T.Ư Ðoàn đã phối hợp Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình Việt Nam (thành viên Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hà Nội) vận chuyển toàn bộ nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế quyên góp được đến ba tỉnh nêu trên. Bí thư T.Ư Ðoàn Nguyễn Tường Lâm cho biết: “Kể từ khi phát động vào ngày 22-4-2020, chương trình đã triển khai thành công nhiều mô hình sáng tạo như “Triệu bữa cơm”, “Trạm rửa tay dã chiến”,… góp phần hiệu quả bảo vệ sức khỏe cộng đồng, được nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao. Thời gian tới, Ðoàn, Hội các cấp sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động cùng Ðảng, Chính phủ và nhân dân cả nước thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế đất nước, ổn định đời sống”.

Có thể khẳng định, chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch” là một trong những mũi nhọn của tuổi trẻ trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19. Với các giá trị cốt lõi, thế mạnh đặc biệt như sức trẻ, sự sáng tạo, tinh thần xung kích, tình nguyện, chương trình đã lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều cấp bộ Ðoàn, Hội và cả Ðội TNTP Hồ Chí Minh. Từ cuối tháng 4 đến nay, Thành đoàn Hà Nội đã kêu gọi các nguồn lực xã hội, chuyển tặng các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Ðiện Biên và hỗ trợ nhiều khu cách ly trên địa bàn Thủ đô nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế có tổng giá trị hơn hai tỷ đồng. Song song với tổ chức Ðoàn, Hội đồng Ðội T.Ư cũng nhanh chóng triển khai sáng kiến về chương trình “Chia sẻ cùng em thơ”, tập trung hỗ trợ thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, con em lực lượng chống dịch ở tuyến đầu hoặc thuộc diện cách ly. Dịp cuối tháng 5 và đầu tháng 6, đoàn công tác của Hội đồng Ðội T.Ư đã đến các tỉnh Ðiện Biên, Hải Dương, Bắc Giang để trao hàng nghìn phần quà, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế… với tổng giá trị gần 700 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Nguyễn Hữu Tú cho biết: Thời gian qua, T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã huy động nguồn lực xã hội ủng hộ ba nghìn bộ đồ bảo hộ cấp 4, hai nghìn bộ kit xét nghiệm nhanh, sáu nghìn khẩu trang N95 và nhiều trang thiết bị y tế khác với tổng giá trị hơn 1,6 tỷ đồng để hỗ trợ tỉnh Bắc Giang dập dịch. Ðồng thời, kêu gọi toàn thể hội viên cả nước tình nguyện tham gia chống dịch. Ðáp lại lời kêu gọi đó, hàng nghìn y, bác sĩ trẻ, sinh viên ngành y đã hăng hái viết đơn xin lên đường bảo vệ sức khỏe toàn dân theo lời thề Hi-pô-crát.

Ngay khi đợt dịch đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh bùng phát, ngày 20-5, Trường đại học Y Hà Nội đã cử đoàn công tác tình nguyện đến phối hợp Trung tâm Y tế huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) tổ chức lấy mẫu xét nghiệm lưu động. Bác sĩ Ngô Văn Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Phong xúc động chia sẻ: “Với sự hỗ trợ kịp thời của 50 cán bộ, sinh viên Trường đại học Y Hà Nội, chúng tôi đã lấy được hơn 3.000 mẫu xét nghiệm chỉ trong một ngày để phục vụ truy vết, khoanh vùng nhanh, phát hiện sớm. Ở thời điểm dịch diễn biến quá phức tạp và khó lường, đây là sự giúp đỡ quý báu không gì sánh được”. Tiếp nối những thành công đó, những ngày qua, Trường đại học Y Hà Nội đã tiếp tục chọn cử thêm hơn 100 cán bộ, sinh viên ưu tú, chia thành hai đoàn công tác tình nguyện đến hỗ trợ lực lượng tại chỗ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Ðiện Biên dập dịch.

Không chỉ có sức trẻ từ các tỉnh, thành phố lân cận vùng dịch (tiêu biểu là Trường đại học Y Hà Nội, Trường đại học Y tế công cộng, Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai…) mà nhiều y, bác sĩ trẻ ở miền nam xa xôi cũng tạm gác công việc, đời sống cá nhân, gia đình để tình nguyện lên đường “chi viện”. Những ngày qua, cộng đồng mạng đã liên tiếp chia sẻ tấm ảnh về một bác sĩ trẻ nở nụ cười thật tươi khi quyết định hy sinh mái tóc để sẵn sàng bước vào “trận chiến” với dịch bệnh tại Bắc Giang. Anh là Ðặng Minh Hiệu, một bác sĩ trẻ công tác tại Bệnh viện Ðại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Vốn là con út trong gia đình, quyết định của anh đã khiến người thân không khỏi lo lắng. “Tôi đã giải thích với bố mẹ rằng, đây là một trong những mong mỏi lớn nhất đời mình. Có mặt ở tuyến đầu chống dịch, đối với tôi là niềm tự hào, bởi tôi sẽ có cơ hội thực hiện lý tưởng tuổi trẻ, được cống hiến cho cuộc chiến chống đại dịch, sớm trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân”, bác sĩ trẻ Ðặng Minh Hiệu cho biết.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã bao lần chứng kiến tinh thần tương thân tương ái, đồng sức đồng lòng, truyền thống chia ngọt sẻ bùi của các tầng lớp nhân dân mà hiếm có dân tộc nào sánh được. Và nay, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, để lại nhiều hậu quả tiêu cực trên mọi mặt đời sống, tinh thần ấy lại bùng cháy qua những hành động cách mạng đậm chất tiên phong, sáng tạo của lớp đoàn viên, thanh niên thế hệ mới. Không cầu kỳ, không hoa mỹ, chỉ có sức trẻ xung kích, lăn xả và chiến đấu đến cùng để bảo vệ đồng bào như một “phòng tuyến tuổi xuân”. Tin tưởng rằng, dẫu cuộc chiến chống lại dịch bệnh sẽ còn lắm chông gai, nhưng với sự tham gia thường trực, thường xuyên của các bạn trẻ trên khắp mọi miền Tổ quốc, Việt Nam sẽ một lần nữa chiến thắng. (Nhân dân, trang 2)

 

Kiểm soát tốt, dịch sẽ được dập trong tháng 6

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 chiều 8/6, các chuyên gia nhận định nếu các địa phương kiểm soát tốt thì tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế, dập được dịch trong tháng 6. Tuy nhiên sẽ vẫn ghi nhận những ca mắc lẻ tẻ trong cộng đồng.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, đợt dịch lần 4 diễn biến nhanh, phức tạp và làm bệnh nặng hơn so với các đợt trước. Số trường hợp mắc gia tăng nhanh trong thời gian ngắn đã gây áp lực lớn lên hệ thống y tế.

Dịch lây lan chủ yếu giữa các khu công nghiệp và cộng đồng và tại các sự kiện tập trung đông người (đám ma, đám cưới, hoạt động tôn giáo…), đặc biệt, dịch xảy ra trong khu công nghiệp nên lây lan nhanh trên phạm vi rộng. Các địa phương ban đầu có sự lúng túng, bị động do chưa lường hết mức độ nguy hiểm và lây lan nhanh chóng của chủng virus mới.

Trong hai tuần gần đây, các địa phương đã nỗ lực triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trong nước cơ bản đã được kiểm soát.

Bộ Y tế nhận định trong những ngày tới, tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới do nhiều trường hợp đã bị phơi nhiễm từ trước, hầu hết đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa, số ca mắc mới bắt đầu có xu hướng chững lại.

Cũng theo Bộ Y tế, sẽ vẫn có thể ghi nhận một số trường hợp mắc đơn lẻ tại một số địa phương khác từ những người nhập cảnh trái phép hoặc từ những trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh tại một số ổ dịch cũ.

Ban Chỉ đạo lưu ý, các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang và TPHCM cần tiếp tục huy động toàn bộ lực lượng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, chú trọng ở mức cao nhất công tác giám sát, phát hiện tại cộng đồng và đảm bảo an toàn cao nhất với các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Thường trực Ban Chỉ đạo lưu ý Bộ Y tế cần tiếp tục theo dõi chặt tình hình dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang; TPHCM và một số địa phương lân cận (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu),… theo sát tình hình Lạng Sơn; rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch tại Điện Biên.

Hoàn thiện chu trình quản lý người nhập cảnh

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã nghe báo cáo về quá trình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo về chấn chỉnh công tác đưa đón chuyên gia, người Việt Nam từ nước ngoài về thành khâu, quy trình khép kín. Sau khi được Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế “đặt đầu bài”, Bộ TT&TT đã tiến hành tích hợp các giải pháp công nghệ, phối hợp với các đơn vị hoàn chỉnh, đang trong giai đoạn chạy thử.

Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Bộ TT&TT khẩn trương hoàn thiện hệ thống công nghệ quản lý người nhập cảnh trong 1 tuần nữa để Bộ Y tế nghiệm thu, đưa vào hoạt động chính thức, bởi nhu cầu đưa đón chuyên gia, người Việt Nam từ nước ngoài về rất lớn.

Hệ thống công nghệ này kết hợp với quy trình, quy định đang được Bộ Y tế hoàn thiện, sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, sẽ tạo thành chu trình quản lý khép kín từ khi tiếp nhận nhu cầu nhập cảnh của người Việt Nam, người nước ngoài, nhập cảnh vào Việt Nam, cách ly tập trung, đến hết thời gian theo dõi y tế tại nhà; xây dựng hệ cơ sở dữ liệu tập trung về người nhập cảnh của Ban Chỉ đạo để phục vụ phòng, chống dịch.

Dự kiến các đối tượng nhập cảnh sẽ được phân loại thành nhóm, trong đó những người nhập cảnh đã được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 sẽ được kiểm tra bằng những xét nghiệm khác nhau để khẳng định việc tiêm vắc-xin đã có tác dụng (hiệu quả của các loại vắc-xin từ 70% đến 90%) sẽ được rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống khoảng 1 tuần. (Tiền phong, trang 2+3)

 

Vắc xin Sputnik V của Nga có thể sẽ được sản xuất ngay tại Việt Nam

Chiều 8/6, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga vui mừng khi quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – Liên bang Nga ngày càng được củng cố và phát triển tốt đẹp; mong muốn Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Liên bang Nga tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy hợp tác Việt – Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, phát triển toàn diện, đáp ứng lợi ích thiết thực của hai nước và nhân dân hai nước.

Hai bên cũng ủng hộ hợp tác giữa các địa phương hai nước là kênh rất hiệu quả thời gian qua, không chỉ giữa các thủ đô, thành phố lớn như Hà Nội – Moscow, Thành phố Hồ Chí Minh – Saint Peterburg mà cả giữa các địa phương giàu tiềm năng khác như giữa tỉnh Bình Thuận với tỉnh Kaluga, tỉnh Hà Tĩnh với tỉnh Tula, Nam Định – Krasnodar… và bày tỏ ủng hộ tổ chức một hội nghị trực tuyến Hội nghị hợp tác giữa các địa phương trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và ghi nhớ sự giúp đỡ của nhân dân Nga trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bày tỏ vui mừng trước những thành quả mà nước Nga đạt được gần đây, trong đó có nỗ lực của Nga trong ứng phó, kiểm soát đại dịch COVID-19, đặc biệt đã nghiên cứu, sản xuất được vắc xin phòng bệnh.

Cảm ơn Liên bang Nga đã tặng Việt Nam 1.000 liều vắc xin Sputnik V từ đầu năm nay và mới đây đã cam kết ưu tiên để Việt Nam tiếp cận 20 triệu liều vắc xin Sputnik V… Chủ tịch Quốc hội mong muốn Liên bang Nga hợp tác và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng COVID – 19 tại Việt Nam.

Chủ tịch Valentina Matvienko nhấn mạnh, Hội đồng Liên bang Nga sẽ nỗ lực làm hết sức mình để thúc đẩy hợp tác song phương. Nga là nước đầu tiên nghiên cứu và sản xuất được vắc xin phòng COVID – 19 có độ an toàn và hiệu quả cao. Hiện nay, các cơ quan của Việt Nam và Liên bang Nga cũng đang tích cực đàm phán về việc cung ứng nguồn vắc xin phòng COVID – 19.

Chủ tịch Valentina Matvienko cho biết, Liên bang Nga đang xem xét việc chuyển giao công nghệ để sản xuất vắc xin Sputnik V trên lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó, Liên bang Nga sẽ nỗ lực duy trì xu hướng phát triển hợp tác kinh tế, thương mại trong thời gian tới.

Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định, hợp tác nghị viện là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga. Quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Liên bang nói riêng, Quốc hội Liên bang Nga nói chung thời gian qua phát triển tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương, triển khai tích cực các nội dung của Thỏa thuận hợp tác được ký từ năm 2012. (Tiền phong, trang 3; Công an nhân dân, trang 1; Hà nội mới, trang 8)

 

Đề nghị Bộ Y tế phê duyệt khẩn cấp vắc xin của Pfizer

Thông tin từ Bộ Y tế cho hay Hội đồng tư vấn cấp phép lưu hành thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế của bộ này đã nhóm họp từ hôm qua 7-6, đến nay đã thống nhất đề nghị bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt nhập khẩu khẩn cấp vắc xin này.

Theo nguồn tin trên, khi bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt, đây là vắc xin ngừa COVID-19 thứ 4 được nhập khẩu vào Việt Nam, sau vắc xin AstraZeneca của Anh, vắc xin Sputnik V của Nga và vắc xin của Công ty Sinopharm (Trung Quốc).

Trước đó, từ ngày 7-6, Hội đồng tư vấn của Bộ Y tế với sự tham gia của các chuyên gia về thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế đã nhóm họp. Đến thời điểm này, hội đồng đã thống nhất đệ trình bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt nhập khẩu.

Vắc xin Pfizer là một trong số các vắc xin ngừa COVID-19 được quan tâm nhiều nhất hiện nay và được sử dụng nhiều tại Mỹ và châu Âu. Được phát triển từ đầu năm 2020, vắc xin này cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt, dựa trên các hồ sơ về tính an toàn và sinh miễn dịch của vắc xin.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết đã đàm phán mua 31 triệu liều Pfizer và lô vắc xin đầu tiên có thể về Việt Nam trong thời gian từ nay đến tháng 7-2021. (Tuổi trẻ, trang 3)

 

Nữ công nhân mong muốn được tiêm vaccine phòng COVID-19

Chị Nguyễn Thị Thắm (quê ở Bắc Giang) – hiện đang là công nhân Công ty Hoya Glass Disk (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) – chia sẻ mong muốn được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Ngày 27.5, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Thắm đang đi chợ mua thức ăn cho bữa cơm chiều. Theo chân chị về phòng trọ, chúng tôi được biết chị Thắm làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long đã nhiều năm nay. Hiện chị và chồng đang thuê trọ gần công ty, bữa cơm mà chị chuẩn bị có rau và vài miếng đậu phụ.

Chị Thắm lấy chồng ở huyện Ba Vì, TP. Hà Nội và có hai cháu nhỏ đang gửi cho ông bà nội chăm giúp.

Trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, trung bình 10 ngày, chị lại về thăm các con ở Ba Vì, cũng như về thăm bố mẹ đẻ ở Bắc Giang vài tháng một lần. Thế nhưng, Bắc Giang đang là tâm dịch của cả nước, còn Khu công nghiệp Thăng Long – nơi vợ chồng chị đang sinh sống và làm việc – cũng có ca mắc COVID-19 nên đôi vợ chồng trẻ rơi vào cảnh đi không được, ở không xong.

Chị Thắm làm 12 tiếng mỗi ngày, chị cho biết mình may mắn hơn nhiều công nhân khác vì không bị giãn việc. Thu nhập trung bình một tháng của hai vợ chồng cũng rơi vào khoảng 15 triệu – 17 triệu đồng.

Tuy nhiên, chi phí nuôi con ăn học và phụng dưỡng bố mẹ hai bên khiến hai vợ chồng chị phải làm ngày, đêm và hầu như không tích cóp được nhiều.

“Thu nhập của vợ chồng tôi phải “chia 5 xẻ 7″ để lo cho cuộc sống. Tiền thuê trọ, ăn uống sinh hoạt, nuôi các con ăn học, phụng dưỡng bố mẹ 2 bên… Nhưng nếu được tiêm vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tôi sẵn sàng bỏ ra chi phí” – chị Thắm nói.

Chị Thắm tâm sự, chị và đồng nghiệp làm cùng công ty rất hy vọng được tiêm vaccine vì công nhân là đối tượng rất dễ bị lây nhiễm khi làm trong môi trường khép kín với số đông công nhân lao động.

Thu nhập của công nhân không cao nhưng nếu phải bỏ chi phí để tiêm vaccine, công nhân vẫn sẽ cố chi trả được. Nhưng theo chị Thắm, điều bất cập ở đây là công nhân không biết phải tìm hiểu ở đâu, hỏi ai, đơn vị tổ chức nào đứng ra để giúp họ tiêm phòng vaccine.

Sau khi biết được Báo Lao Động triển khai chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo” với mục tiêu để người lao động được tiếp cận nguồn vaccine nhanh nhất, chị Thắm rất đồng tình và muốn chia sẻ cho thật nhiều người biết đến. “Bởi lẽ, đây là việc giúp bảo vệ bản thân, gia đình…” – chị Thắm nói.

Nhắc đến Bắc Giang, giọng chị Thắm nghẹn lại vì bản thân chị cùng làm công nhân nên càng hiểu nỗi khổ của công nhân.

“Những công nhân xa nhà, đi làm tại các công ty, nhà máy ở khu công nghiệp thiếu thốn trăm bề. Xa quê hương, xa gia dình, đi làm vất vả nay lại mắc dịch bệnh. Xem các video trên báo, mạng xã hội đăng tải về tình hình dịch ở Bắc Giang, tôi thấy rất thương họ và lo lắng cho bố mẹ, anh em ở quê. Tôi hy vọng có nhiều tổ chức, cá nhân cùng chung tay giúp Bắc Giang vượt qua đợt dịch này” – chị Thắm bày tỏ. (Lao động, trang 5).

Nguyễn Thị Thanh Huyền tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 01/10/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 01/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 24/5/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận