Điểm báo ngày 09/7/2020

(CDC Hà Nam)
GS.TS Nguyễn Thanh Long giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế; Tăng cường công tác điều trị bệnh bạch hầu

GS.TS Nguyễn Thanh Long giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế

Ngày 7/7, Bộ Chính trị đã có Quyết định số 2228-QĐNS/TW do đồng chí Trần Quốc Vượng ký, chỉ định GS.TS Nguyễn Thanh Long giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế.

Cùng ngày, tại Quyết định 976/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thôi trực tiếp điều hành các công việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế theo Quyết định 1780/QĐ-TTg ngày 10/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong hôm nay, tại Quyết định số 977/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ Quyết định về việc giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đối với GS.TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

GS.TS Nguyễn Thanh Long sinh ngày 3/9/1966 tại xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ y khoa chuyên ngành truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội năm 1995; Tiến sĩ y khoa năm 2003; Phó Giáo sư y học năm 2009; Giáo sư y học năm 2013.

Từ năm 1995 đến năm 2003, ông là chuyên viên Vụ Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Từ tháng 12/2003 đến tháng 5/2005, ông là Trưởng phòng Kiểm soát và phòng chống HIV/AIDS, Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Từ tháng 6/2005 đến tháng 3/2008, ông là Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Từ tháng 3/2008 đến tháng 11/2011 là Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS.

Từ tháng 12/2011 đến tháng 10/2018, ông là Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế.

GS.TS Nguyễn Thanh Long có 7 năm đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Y tế trước khi được Ban Bí thư điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương vào tháng 10/2018.

Ngày 31/1/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 171/QĐ-TTg điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế. Sau đó, GS.TS Nguyễn Thanh Long là Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Tăng cường công tác điều trị bệnh bạch hầu

Ngày 8-7, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản khẩn gửi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng 2 về việc tăng cường công tác điều trị bệnh bạch hầu.

Theo đó, trước tình hình dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên, Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu giám đốc các bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, Bệnh Nhiệt đới TPHCM và Nhi đồng 2 TPHCM là các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống điều trị bệnh truyền nhiễm khẩn trương phối hợp tổ chức tránh trùng lắp các đoàn công tác đến làm việc, hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh Tây Nguyên.

Triển khai tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bạch hầu cho các cơ sở y tế. Phối hợp rà soát và hoàn chỉnh các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị, chuyển tuyến bệnh bạch hầu đối với các cơ sở y tế trong khu vực Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, phối hợp rà soát và bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, kháng huyết thanh điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh bạch hầu.

Thiết lập đường dây nóng và các hình thức hỗ trợ trực tuyến, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở y tế khu vực Tây Nguyên khi có yêu cầu để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, hỗ trợ khi cần thiết.

Cùng ngày, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk yêu cầu tăng cường công tác điều trị bệnh bạch hầu.

Cụ thể, tiếp tục triển khai tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho tất cả các cơ sở y tế trong toàn tỉnh, bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân để phát hiện sớm, cách ly kịp thời, điều trị và theo dõi người bị bệnh bạch hầu, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.

Rà soát, bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, kháng huyết thanh điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu, kịp thời báo cáo các vướng mắc, khó khăn về Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, sở y tế của 4 tỉnh cần chủ động liên hệ, phối hợp với các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống bệnh truyền nhiễm gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 để được hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết. (Sài Gòn giải phóng, trang 11; Công an nhân dân, trang 4; Sức khỏe & Đời sống, trang 3; An ninh thủ đô, trang 8; Hà Nội mới, trang 2; Pháp luật TP.HCM, ngày 8/7, trang 2).

 

Triển khai tiêm chủng diện rộng để ngăn bệnh bạch hầu

Chiều 7/7, Bộ Y tế đã họp khẩn với các chuyên gia về phòng chống bệnh bạch hầu trong bối cảnh bệnh đang gia tăng tại một số tỉnh Tây Nguyên. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu gia tăng. Đến thời điểm này, số mắc đã gấp 3 lần năm ngoái. Bệnh có khả năng lan rộng do tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ở những vùng có dịch rất thấp. Từ đầu năm tới nay, đã ghi nhận 63 ca bệnh bạch hầu tại 4 tỉnh, trong đó, Đắk Lắk đã ghi nhận ca mắc đầu tiên. Đắk Nông có thêm 4 ca bệnh, nâng tổng số ca mắc ở đây lên 25 người. Gia Lai có thêm 5 ca, nâng số ca mắc lên 15 ca. Riêng tỉnh Kon Tum vẫn giữ nguyên 22 ca mắc.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tình hình bệnh bạch hầu có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước đây. Diện mắc rộng hơn, nhiều địa bàn mắc hơn, đối tượng mắc rải rộng mọi lứa tuổi, không riêng ở trẻ em. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong do bệnh này đến thời điểm hiện nay khá cao. Ông Nguyễn Thanh Long yêu cầu toàn ngành cần tập trung hết sức phòng, chống bệnh bạch hầu như đã từng cố gắng để phòng, chống dịch COVID-19… (Gia đình & Xã hội, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 02/4/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/7/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/4/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận