Điểm báo ngày 09/8/2022

(CDC Hà Nam)
Đẩy mạnh tiêm vắc-xin tăng cường phòng Covid-19; Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống bệnh cúm múa; Hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 để trẻ an toàn tới trường; Lại xảy ra ngộ độc methanol sau uống rượu…

 

Đẩy mạnh tiêm vắc-xin tăng cường phòng Covid-19

Trước nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại, thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19 ngay trong tháng 8 này.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 2430-UBND/KGVX về việc tăng cường công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Thành phố yêu cầu các địa phương không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin cho người dân, không để tình trạng vắc-xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí; đồng thời, giao chỉ tiêu tiêm vắc-xin Covid-19 đến cấp phường, xã, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng đủ điều kiện tiêm và chịu trách nhiệm về kết quả trong tháng 8/2022.

Thực hiện yêu cầu nêu trên, các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ tới các phòng, ban, các phường, xã, thị trấn bảo đảm an toàn trong tiêm chủng và đúng tiến độ theo hình thức tiêm chủng chiến dịch.

Theo Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình Hoàng Hy Thiêm, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, quận Ba Đình đã đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4; đồng thời, xây dựng phương án huy động các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập triển khai các phương án bảo đảm an toàn trong tiêm chủng. Xác định phương pháp tuyên truyền hiệu quả nhất là nêu gương, cán bộ, công chức quận Long Biên và các phường trong quận đã gương mẫu tiêm mũi nhắc lại.

Theo Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh Hoàng Văn Lực, 100% số cán bộ, công chức của phường thuộc đối tượng nguy cơ đã hoàn thành tiêm mũi nhắc lại, đồng thời, từng thành viên tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và hàng xóm ở nơi cư trú đi tiêm mũi nhắc lại.

Tại quận Hoàn Kiếm, thực hiện kế hoạch trong tháng 8 không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin, quận đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Theo số liệu điều tra của các phường, địa bàn quận Hoàn Kiếm có khoảng 44 nghìn người thuộc nhóm đối tượng tiêm chủng mũi 4.

Hiện, quận đang triển khai tiêm vắc-xin mũi 4 theo số lượng vắc-xin được thành phố cấp, tỷ lệ bao phủ tiêm mũi 4 của quận là hơn 40% (đối tượng tiêm đợt tháng 8/2022). Mới đây, UBND quận đã thành lập các đoàn kiểm tra các điểm tiêm trên địa bàn nhằm đôn đốc triển khai tiêm chủng. Vừa hoàn thành liều nhắc lại lần 2 (mũi 4), bà Nguyễn Thị Nghì (60 tuổi, Hoàn Kiếm) cho biết: “Mấy lần tiêm trước, tôi cũng bị mệt, nhưng quan trọng là không bị bệnh, mà lỡ có bị thì cũng không nặng, nên tôi thấy rất yên tâm khi tiêm”- bà Nghì chia sẻ.

Tại các huyện ngoại thành, để nâng cao tỷ lệ tiêm, các huyện tiếp tục tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền về vai trò, lợi ích của việc tiêm vắc-xin Covid-19 để người dân hiểu và tự giác đi tiêm. Riêng huyện Phú Xuyên đã tổ chức 59 đợt tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 với 479.470 mũi được tiêm. Trong đó, 78,9% số trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đã được tiêm mũi 1, số trẻ tiêm mũi 2 đạt 45%; trẻ từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1 đạt 99,97%; tiêm mũi 2 đạt 99,9%…

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, tính tới ngày 5/8, Hà Nội là một trong năm tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp, đạt 18,3%. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 không chỉ bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người được tiêm, mà còn thể hiện ý thức giữ gìn sức khỏe đối với người thân và cộng đồng. Nhất là khi hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin phòng Covid-19 không giống các loại vắc-xin khác, sẽ giảm dần trong từ bốn đến sáu tháng, vì vậy cần tiếp tục tiêm các mũi bổ sung và nhắc lại để cơ thể có đủ lượng kháng thể cần thiết.

Tại hội nghị trực tuyến do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 2/8, đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, đến thời điểm hiện tại, chiến lược tiêm vắc-xin Covid-19 vẫn hết sức quan trọng trong bối cảnh các biến thể mới lây lan nhanh hơn, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh trở nặng và tử vong khi mắc. Chương trình tiêm vắc-xin cũng sẽ giúp giảm thiểu quá tải hệ thống y tế, giúp giảm tỷ lệ truyền nhiễm bệnh trên phạm vi toàn thế giới, vì thông qua giảm nhiễm sẽ hạn chế được biến chủng mới.

Vì vậy, các địa phương đẩy mạnh tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi bảo đảm thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học; tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ. (Nhân dân, trang Hà Nội).

 

Hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 để trẻ an toàn tới trường

Theo đánh giá của Bộ Y tế, sự xuất hiện biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omircon đã làm gia tăng số ca mắc Covid-19. Trong khi đó, dù tiêm chủng vaccine là biện pháp hiệu quả, bền vững để phòng chống dịch nhưng thực tế tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 mũi 3, mũi 4 và tiêm vaccine cho trẻ em vẫn còn thấp.

Để làm rõ hơn về công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 hiện nay, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với GS-TS Đặng Đức Anh (ảnh), Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

* PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá kết quả tiêm chủng vaccine Covid-19 trong toàn quốc hiện nay như thế nào?

* GS-TS ĐẶNG ĐỨC ANH: Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các đơn vị chức năng, công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 đang được triển khai rộng khắp trong cả nước. Hiện nay, kết quả tiêm vaccine mũi 3, 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 3 cho người từ 12-17 tuổi, cũng như tiêm mũi 1, 2 cho trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi đã tốt hơn so với những tháng trước.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm đối với các mũi tiêm nhắc lại vẫn cần cố gắng hơn, nhất là đối với trẻ em thì cần phải hoàn thành trong tháng 8 và quý 3 năm nay, trước khi các cháu trở lại trường. Để đạt được mục tiêu đặt ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, giáo dục, các bộ, ban ngành và địa phương.

* Hiện nay, kết quả tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi vẫn rất thấp, ông có thể cho biết nguyên nhân và các biện pháp hỗ trợ của ngành y tế trong thời gian tới?

* Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi tương đối thấp: do đang trong giai đoạn các cháu nghỉ hè, tiếp đó là tâm lý lo ngại của các bậc phụ huynh về ảnh hưởng của vaccine đối với sức khỏe các cháu.

Trước thực tế này, ngành y tế đã đề xuất phối hợp với ngành giáo dục lên danh sách những trẻ chưa được tiêm vaccine nhằm vận động gia đình đưa các cháu tới các điểm tiêm chủng vaccine. Đồng thời tăng cường truyền thông để người dân hiểu rõ về hiệu quả và tính an toàn của vaccine Covid-19, giúp các gia đình yên tâm hơn khi đưa trẻ đi tiêm vaccine.

* Qua việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi thời gian qua, ông có thể cho biết rõ hơn về tỷ lệ phản ứng phụ sau tiêm ở lứa tuổi này?

* Hiện nay, trẻ nhỏ trong độ tuổi này được tiêm vaccine mới đạt khoảng 50%. Do đó, hàng triệu trẻ có nguy cơ đến trường không an toàn trong thời gian tới. Tuy nhiên, qua những trẻ được tiêm vaccine thời gian qua, có thể thấy tỷ lệ bị phản ứng sau tiêm rất thấp, do đó có thể khẳng định vaccine sử dụng tiêm cho trẻ trong độ tuổi này an toàn và cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng cho trẻ để khi năm học mới bắt đầu, các cháu đi học sẽ an toàn hơn trước dịch Covid-19.

Tháng 8 cũng là tháng cao điểm triển khai tiêm vaccine Covid-19, nhất là cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng, nên rất cần sự phối hợp, hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía các gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương.

* Với tiến độ tiêm chủng hiện nay, liệu có xảy ra tình trạng dư thừa vaccine Covid-19, thưa ông?

* Bộ Y tế đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị đăng ký nhu cầu vaccine cho tiêm chủng từ tháng 6 tới tháng 12.

Thống kê từ đề nghị của các địa phương gửi lên cho thấy, từ nay tới hết năm, chúng ta không lo ngại vấn đề dư thừa vaccine Covid-19. Hiện nay, lượng vaccine có sẵn sẽ không đủ để cung ứng, thậm chí, chúng ta còn cần bổ sung thêm các nguồn vaccine từ cơ chế COVAX, chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế hỗ trợ.

Trong đó, đối với nhóm trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi, dự kiến cần thêm khoảng 500.000 liều và ngành y tế cố gắng đảm bảo cung ứng đủ lượng vaccine này từ nay tới cuối năm.

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, số vaccine Covid-19 còn tồn trong cả nước hiện khoảng 17,9 triệu liều, trong đó chủ yếu là vaccine Pfizer hạn dùng tháng 9 và 2,9 triệu liều Vero Cell hạn dùng tháng 10-2023.

Trong đó, tuyến tỉnh tồn 3,9 triệu liều vaccine, tuyến khu vực còn 10,3 triệu liều vaccine và tuyến trung ương còn 3,7 triệu liều vaccine.

Tính đến ngày 7-8, cả nước đã tiêm chủng được trên 248,2 triệu mũi vaccine Covid-19 các loại. Trong đó, đối với nhóm người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3 là hơn 48,6 triệu người, đạt tỷ lệ 74%; tiêm mũi 4 là hơn 10,5 triệu người, đạt tỷ lệ 54,5%.

Đối với nhóm 12-17 tuổi, tiêm nhắc lại được hơn 3,2 triệu trẻ, đạt 37,7%. Đối với nhóm trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi, có hơn 12,6 triệu trẻ được tiêm chủng, trong đó trên 8,1 triệu trẻ đã tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 71,6% và hơn 4,5 triệu trẻ được tiêm mũi 2, đạt tỷ lệ 39,6%. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp

Ngày 8-8, trước số ca mắc cúm mùa đang gia tăng nhanh tại nhiều địa phương, Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Theo đó, Bộ Y tế cho biết, hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa, bao gồm cả cúm A. Đặc biệt, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng… (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 15: “Khó phân biệt cúm với bệnh hô hấp khác”.

 

Hiểm họa ngộ độc rượu

Mới đây, một nhóm sinh viên đã tổ chức ăn nhậu và sử dụng rượu không rõ nguồn gốc khiến 2 người tử vong, 4 người nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn, dẫn đến ngộ độc rượu.

Ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm. Thường gặp 2 loại ngộ độc rượu chính: ngộ độc rượu Etylic (Ethanol) và ngộ độc rượu Metylic (Methanol).

Ngộ độc rượu Etylic (Ethanol): Bao gồm ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu uống và tần suất, thời gian uống rượu. Thông thường, hàm lượng rượu trong máu từ 1-1,5g/lít có thể gây “say” và 4-6g/lít có thể gây tử vong.

Ngộ độc rượu mạn tính do uống rượu kéo dài, dẫn đến sút cân; chán ăn; tiêu chảy do tổn thương gan và ruột; da niêm mạc nhợt do thiếu máu; xơ gan; ung thư.

Ngộ độc rượu Metylic (Methanol): Methanol được dùng trong công nghiệp hóa chất, ngộ độc Methanol xảy ra khi uống nhầm Methanol hoặc uống rượu có chứa Methanol. Methanol rất độc vì chúng thải trừ chậm, oxy hóa thành Formol (Formaldehyd) và axit Formic. Chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30ml có thể gây tử vong. Độc tính của Methanol bao gồm tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương; ảnh hưởng tới thần kinh mắt…

Trường hợp ngộ độc Methanol nhẹ có biểu hiện cảm giác say say, chóng mặt; buồn nôn, nôn ói; nhức đầu. Trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân); rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp); rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm); đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.

Khi xử trí người say rượu, cần cho bệnh nhân nằm nghỉ nơi yên tĩnh, có thể cho uống 10-20 giọt Amoniac hay 1-5g Amonium acetat trong một ly nước muối. Với người ngộ độc rượu, nếu bệnh nhân mất ý thức hoặc lơ mơ hay có biểu hiện ngừng thở hoặc hôn mê, co giật, cần đưa ngay đến cơ sở điều trị gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Một người bình thường không nên uống quá 1 đơn vị rượu/ngày (1 đơn vị rượu chứa 10g cồn), tương đương 30ml rượu mạnh (40-430); 100ml rượu vang (13,50); 330ml bia hơi (50); 2/3 chai 500ml hoặc lon bia 330ml (50).

Người dân cần thận trọng trong việc sử dụng rượu, tuyệt đối không sử dụng các loại rượu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nếu có bất cứ triệu chứng bất thường nào xảy ra khi sử dụng rượu, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Đồng tính không phải là bệnh, không cần chữa

Bộ Y tế vừa có Công văn số 4132/BYT-PC gửi các sở y tế và các cơ sở khám chữa bệnh chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Bộ Y tế cho biết đã nhận được thông tin phản ánh về việc hiện nay một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và một số bác sĩ tự nhận là “chữa khỏi bệnh đồng tính”, trong khi Hiệp hội Tâm thần học Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định đồng tính hoàn toàn không phải là bệnh, do đó đồng tính không thể “chữa” và không cần “chữa”.

Hiệp hội Tâm thần học Mỹ đã loại đồng tính luyến ái khỏi danh sách các bệnh sau một cuộc bỏ phiếu năm 1973, tiếp đó năm 1975 Hiệp hội Tâm lý học Mỹ cũng đưa ra kết luận tương tự. Từ ngày 17.5.1990, WHO đã chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Kể từ năm 1994, đồng tính luyến ái không còn bị coi là bệnh, không có tên trong bảng DSM 5 (Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần). WHO cũng đã xác định đồng tính không phải là bệnh, mà là một xu hướng tính dục, trong đó một người có cảm xúc yêu đương và ham muốn với người cùng giới tính với mình. Đồng tính và chuyển giới từ lâu đã được WHO đưa ra khỏi danh mục bệnh rối loạn tâm thần và hành vi.

Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của mình quán triệt trên toàn quốc, tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các bác sĩ, nhân viên y tế và người dân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiểu đúng về người đồng tính, song tính và chuyển giới; khi tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người đồng tính, song tính, chuyển giới phải bình đẳng, tôn trọng, không phân biệt đối xử, kỳ thị; tuyệt đối không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu không can thiệp, ép buộc điều trị đối với các đối tượng này; nếu có chỉ là hỗ trợ về tâm lý, và phải do người có hiểu biết về bản dạng giới thực hiện. Các sở y tế cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề trong việc thực hiện, tuân thủ các nguyên tắc theo đúng quy định của pháp luật. (Thanh niên, trang 15).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Bộ Y tế nói gì về việc có cơ sở khám chữa bệnh, bác sĩ tự nhận “chữa khỏi bệnh” đồng tính?”; Công an Nhân dân, trang1: “Bộ Y tế chấn chỉnh việc khám, chữa bệnh với người đồng tính, song tính và chuyển giới”.

 

Lại xảy ra ngộ độc methanol sau uống rượu

Các bệnh nhân ngộ độc methanol cho biết, cả 5 người uống rượu chung với nhau (thông tin ban đầu là lỡ pha nhầm cồn rửa tay vào rượu).

Ngày 8.8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định thông tin về 5 nam bệnh nhân (BN) ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) nhập vào BV này trong 2 ngày 6 và 7.8.2022.

Theo đó, khuya 6.8, nam BN T.C.T (28 tuổi) nhập viện với nồng độ methanol trong máu là 242,25 mg/dL. Đến chiều 7.8, có thêm 4 BN nữa, gồm: P.T.Q (21 tuổi), nồng độ methanol trong máu là 112,21 mg/dL; P.H.T (31 tuổi) nồng độ methanol máu là 116,6 mg/dL; N.D.L (28 tuổi) nồng độ methanol máu là 139,11 mg/dL; N.V.Đ (25 tuổi) nồng độ methanol máu là 113 mg/dL.

Các BN cho biết ngày 5.8, cả 5 người uống rượu chung với nhau (thông tin ban đầu là lỡ pha nhầm cồn rửa tay vào rượu). Hiện cả 5 BN được điều trị tại khoa Hồi sức – tích cực chống độc với chẩn đoán ngộ độc methanol ngày thứ 3. Cả 5 BN đều được lọc máu, bù dịch, điều trị nội khoa theo phác đồ điều trị ngộ độc methanol của Bộ Y tế.

Trước đó, ngày 3.8, nhóm 8 người mà đa số là sinh viên nhậu rượu pha nước ngọt tại nhà hàng Mr Bao (số 10A, đường Tăng Nhơn Phú, khu phố 4, P.Phước Long B, TP.Thủ Đức). Đến ngày 5.8, 1 người tử vong tại phòng trọ, 1 người tử vong tại BV. Hiện còn 6 người bị ngộ độc methanol đang được điều trị tại BV đa khoa khu vực Thủ Đức, 4 người điều trị tại BV Nhân dân Gia Định.

Trả lời Thanh Niên về việc ngộ độc rượu chứa methanol gây tử vong, PGS-TS Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết sau giãn cách dịch Covid-19 với một số ca ngộ độc methanol tử vong, tháng 10.2021, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP đã có công văn gửi quận, huyện, TP.Thủ Đức cảnh báo ngộ độc methanol (công văn thứ 2 trong năm 2021).

Theo báo cáo của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP, từ năm 2017 đến tháng 6.2022, trên địa bàn TP xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 185 người mắc và 7 người tử vong. Trong đó, có 8 vụ do tác nhân vi sinh vật, 3 vụ do tác nhân hóa lý, 1 vụ do tác nhân độc tố. (Thanh niên, trang 15).

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 14: “Thêm nhiều người nhiễm độc rượu methanol”.

 

Tháo gỡ nhanh các vướng mắc, đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 229/TB-VPCP ngày 5/8/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

Thông báo nêu rõ, căn cứ Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022, trên cơ sở kết quả thảo luận tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chủ động, khẩn trương rà soát, xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ Y tế chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, thống nhất phương án báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định, bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc và tập trung vào các vấn đề cấp bách nhằm bảo đảm thuốc, trang thiết bị và thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT kịp thời, phù hợp tình hình thực tiễn và đúng quy định; hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ trước ngày 15/8/2022.

Các Bộ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp và BHXH Việt Nam tích cực phối hợp với Bộ Y tế hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Biến thể phụ BA.5 bắt đầu chiếm ưu thế: Cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine COVID-19

Biến thể phụ BA.4, BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, do đó trong thời gian tới số ca mắc COVID-19 với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng; Ở nước ta biến thể phụ BA.5 bắt đầu chiếm ưu thế tại một số tỉnh phía Nam

Biến thể phụ BA.5 bắt đầu chiếm ưu thế tại một số tỉnh phía Nam

Bộ Y tế cho biết ngày 4/8 có 2.012 ca COVID-19; Sở Y tế Hải Phòng đăng ký bổ sung với số lượng kỷ lục- 402.830 ca COVID-19; trong ngày hơn 7.700 bệnh nhân khỏi.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.189.968 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 112.844 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi là: 9.948.174 ca. Trong số các bệnh nhân đang điều trị và giám sát có 112 ca đang thở ô xy là 112 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 101 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 6 ca. Số ca nặng này tăng vọt, gấp hơn 2 lần so với ngày trước đó.

Theo Bộ Y tế trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, do đó trong thời gian tới số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.

Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam các biến thể này đã bắt đầu chiếm ưu thế; tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp. Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng.

Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả

Quán triệt mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên; thực hiện hiệu quả việc kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội; trong thời gian tới các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ:kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch;

Tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; chỉ đạo đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.

Tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt chú ý đối với nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị.

Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là thực hiện 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) và tiêm vaccine, lợi ích, hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cấp ngành, địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm vaccine COVID-19; tăng cường sự phối hợp giữa các bên thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp khác: thuốc, điều trị, công nghệ, ý thức người dân,… với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị và kêu gọi sự ủng hộ của người dân tuân thủ các quy định, làm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Quyết liệt ngăn chặn thuốc lá điện tử

Mặc dù các phương tiện truyền thông đại chúng và cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về tác hại của thuốc lá điện tử có pha trộn ma túy thế hệ mới, tuy nhiên, thời gian gần đây vẫn xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc, tử vong do sử dụng loại thuốc này. Đã đến lúc các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là các gia đình càng quyết liệt thực hiện các giải pháp ngăn chặn việc kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử nhằm hạn chế tối đa các vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Tràn lan thuốc lá điện tử

Cuối tháng 7 vừa qua, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều vụ ngộ độc do dùng thuốc lá điện tử. Điển hình là vụ việc nữ bệnh nhân 20 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương gan, tổn thương não… sau khi hút thuốc lá điện tử. Kết quả xét nghiệm mẫu sản phẩm khẳng định có chất cần sa tổng hợp trong lọ dung dịch gây ảo giác tương tự như các chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp được tẩm vào.

Trước đó, tháng 10-2021, một học sinh ở huyện Thạch Thất sau khi hút thuốc lá điện tử đã bị ngã từ trên ghế đập đầu xuống nền đất cứng kèm theo co giật, phải đưa đi cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn tối đa.

Trong khi hàng loạt vụ ngộ độc thuốc lá điện tử xảy ra, gây ra nhiều hệ luỵ khôn lường, thì ở nhiều tuyến phố Hà Nội, các cửa hàng bán thuốc lá điện tử trực tiếp hay trực tuyến trên mạng vẫn luôn tấp nập kẻ bán, người mua. Dù đã có nhiều cảnh báo nguy hiểm khi sử dụng thuốc lá điện tử của các cơ quan chức năng nhưng mặt hàng này luôn hấp dẫn những tín đồ của các chất hướng thần mới.

Em Lê Thanh Nam, học sinh lớp 12 ở quận Thanh Xuân rất tự tin khi đọc vanh vách các tên Facebook, số điện thoại người cung cấp thuốc lá điện tử cho giới trẻ. Hàng chục loại tinh dầu, loại nào đang là xu hướng lựa chọn của giới trẻ cũng được em đọc tên.

Được rủ rê chuyển từ thuốc lào, thuốc lá sang thuốc lá điện tử vì chỉ phải đầu tư 1 lần nhưng tiện dụng và “thời thượng”, em T.K.H đang học lớp 11 ở huyện Thanh Trì đã giấu bố mẹ lên mạng xã hội mua về dùng thử. Sau khi dùng thử, T.K.H mệt mỏi, lơ mơ. May mắn là gia đình em đã sớm phát hiện và kịp thời ngăn chặn không cho tiếp xúc với chất kích thích nguy hiểm, không rõ nguồn gốc này nữa. Mới đây, 2 học sinh giỏi một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội vì tò mò cũng đã rủ nhau mua thuốc lá điện tử dùng thử và đã bị thầy cô phát hiện.

Đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), người sử dụng thuốc lá điện tử có thể mắc các bệnh như: Trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn thần kinh. Những cảm xúc tiêu cực, ý nghĩ tự sát… cũng đã được báo cáo trên những người sử dụng thuốc lá điện tử trong thời gian dài.

Chuyên gia tội phạm học – Tiến sĩ, Trung tá Đào Trung Hiếu (Cục Truyền thông, Bộ Công an) cảnh báo, giới trẻ hiện nay sử dụng thuốc lá điện tử để trải nghiệm và để chứng minh bản thân một cách mù quáng. Điều này làm gia tăng tình trạng cô lập và bạo lực gây nhiều bất ổn trong môi trường học đường. Khi biết được tác hại của thuốc lá điện tử, phụ huynh phải trang bị cho mình nhiều kiến thức hơn về loại thuốc này để nói chuyện với con mình, góp phần ngăn chặn việc các em tự tìm hiểu, tự dùng thử chỉ vì tâm lý tò mò.

Trao đổi về vấn đề này, Đại úy Phạm Văn Bá, Phó Trưởng Công an phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) cho biết, thuốc lá điện tử không nằm trong danh mục cấm nên nhiều người vẫn sử dụng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo người sử dụng cần biết rõ nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu dành cho thuốc lá điện tử để tránh “tiền mất tật mang”.

“Gần đây cơ quan chức năng đã cảnh báo ma túy bị trộn lẫn cùng kẹo, nước giải khát nên thuốc lá điện tử cũng không ngoại lệ. Là địa bàn thu hút rất đông khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài nên Công an phường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử để người dân, du khách cảnh giác, từ đó không sử dụng”, Đại úy Phạm Văn Bá nhấn mạnh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Giám định ma túy, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), hiện có hàng trăm chất cần sa tổng hợp được tạo mới để cung cấp cho người sử dụng và thường được biến tướng dưới dạng thuốc lá điện tử, thuốc, bánh kẹo, thực phẩm… Thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, thường xuyên đưa các hoạt chất gây nghiện mới không thuộc danh mục chất ma túy để đối phó với cơ quan chức năng. Trong khi đó, việc mua, bán thuốc lá điện tử thông qua các mạng xã hội hiện nay dễ dãi, giá rẻ, được đóng gói gửi hàng thông qua các dịch vụ vận chuyển nên nhiều gia đình không phát hiện được con em mình mua, bán gì. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, các bậc phụ huynh cần thường xuyên kiểm tra, giám sát con em mình nhằm chung tay ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá điện tử. (Hà Nội mới, trang 6).

 

Dịch cúm gia tăng, nhiều nơi “cháy” vaccine!

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là cúm mùa (bao gồm cả cúm A). Cúm có vaccine phòng bệnh, nhưng hiện nay, do người dân đổ xô đi tiêm vaccine phòng cúm khiến nhiều trung tâm tiêm chủng “cháy” vaccine.

Theo chị Nguyễn Mai Phương (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, cơ địa của chị hay nhiễm cúm, gần đây dịch cúm tăng mạnh nên chị đã đi tiêm vaccine phòng bệnh. Khi đến Trung tâm tiêm chủng ở quận Hà Đông, chị được nhân viên thông báo “hết vaccine cúm”. Theo nhân viên này thì vaccine cúm đã hết từ tháng 3 và chưa biết đến khi nào có. Liên hệ với mấy nơi khác để tiêm, chị cũng nhận được thông báo hết vaccine.

Tình trạng khan hiếm vaccine cúm diễn ra vài tuần nay. Anh Trần Tuấn Phong (Tây Hồ, Hà Nội) đưa cả nhà ra phòng tiêm chủng của Trung tâm Y tế dự phòng (CDC) Hà Nội tại 70 Nguyễn Chí Thanh và phải quay về vì nơi đây đóng cửa.

Theo một lãnh đạo của CDC Hà Nội, không chỉ vaccine cúm, mà nhiều loại vaccine khác tại đây đã hết và phòng tiêm gần như không hoạt động từ nhiều tháng nay. “Hai gia đình hàng xóm nhà tôi mắc cúm rất nặng nên tôi khá lo lắng, sợ lây nhiễm nên đưa cả gia đình đi tiêm phòng, nhưng đến nhiều nơi đều được thông báo hết vaccine”, anh Phong phiền muộn cho biết.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại Trung tâm tiêm chủng – xét nghiệm 131 Lò Đúc của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng hết vaccine cúm cho trẻ em trên 3 tuổi của Hà Lan và trẻ em trên 6 tháng tuổi của Pháp. Không chỉ vậy, nhiều loại vaccine khác như: Rota virus, viêm gan B người lớn và trẻ em, dại, viêm màng não mô cầu, viêm não Nhật Bản… cũng hết.

Đến Phòng tiêm chủng vaccine Safpo tại 135 Lò Đúc, chúng tôi cũng nhận được thông tin, giá tiêm vaccine cúm là 360.000đ/mũi, nhưng vaccine đang tạm hết, chưa biết khi nào có. Nhiều người đến hỏi tiêm cúm ở đây đã phải ra về.

Hiện nay, một số nơi còn vaccine phòng cúm như Trung tâm tiêm chủng của Bệnh viện Medlatec, Hệ thống tiêm chủng VNVC… Theo các nơi này, trong vài tuần lại đây, lượng người đến tiêm vaccine phòng cúm tăng mạnh, một số nơi còn vaccine nhưng lượng cung ít, khách muốn tiêm cần đăng ký trước để “giữ” vaccine. Bên cạnh đó, một số đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tiêm phòng cúm cho 500 – 1.000 công nhân để tránh đứt gãy sản xuất, nên lượng vaccine tiêu thụ mạnh.

Hiện giá vaccine cúm không tăng so với thời điểm chưa “sốt”, tuy nhiên nguồn cung khan hiếm nên nhiều người phải đi tới 3-4 nơi mới tiêm được. Việt Nam hiện có 5 loại vaccine phòng cúm gồm: Quadrivalent phòng cúm mùa 4 chủng bất hoạt (2 chủng cúm A và 2 chủng cúm B), sử dụng cho mọi đối tượng từ 6 tháng tuổi, an toàn cho phụ nữ có thai; Vaxigrip Tetra (Pháp) 4 chủng, tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi; Influvac Tetra (Hà Lan) 4 chủng, tiêm cho trẻ từ 3 tuổi; GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc) 4 chủng, tiêm cho trẻ từ 6 tháng và loại Ivacflu-S (Việt Nam) 3 chủng, tiêm cho người từ 18 – 60 tuổi.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, cúm mùa cần được tiêm phòng hàng năm vì sau một năm tiêm, kháng thể sẽ dần ít đi. Tuy nhiên, vaccine vào cơ thể cần có thời gian để sản sinh miễn dịch. Vì vậy, người dân cần tiêm phòng cúm sớm, không nên đợi tới khi dịch bùng phát mới đổ xô đi tiêm chủng dẫn tới khan hiếm vaccine. (Công an Nhân dân, trang 2).

 

“Cơn khát” thuốc, vật tư y tế lan sang các phòng khám tư

Hiện nay tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại các bệnh viện công lập đang dần được giải quyết nhưng “cơn khát” thuốc và vật tư y tế lại đang bắt đầu lan sang các phòng khám tư nhân. Các bác sĩ cho biết hết thuốc tê, hết chỉ khâu, dao mổ cũng khan hiếm… là tình trạng mà họ chưa từng gặp phải từ trước đến nay.

Hết thuốc tê, hết chỉ khâu, các phòng khám không dám nhận bệnh nhân

Hiện nay, không ít phòng khám nha khoa, các phòng khám trong lĩnh vực thẩm mỹ… đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế.

“Chưa bao giờ chúng tôi lâm vào tình cảnh như vậy. Phòng khám hết thuốc tê, tôi phải nhờ mối quen mua hộ ở miền Nam ra, đến giờ vẫn không biết có mua được không. Hiện thuốc tê chỉ còn mấy hộp, có thể “cầm cự” được khoảng 1 tháng. Hiện bên cung cấp trả lời là không ai ký để công ty nhập hàng về Việt Nam nên không có hàng. Không chỉ vậy, tôi phải đi lùng sục dao mổ tốt để sử dụng nhưng cũng hết. Chỉ khâu cũng đã cạn mà không thể mua được” – bác sĩ V tại một phòng khám ở Hà Nội cho biết.

Theo bác sĩ V, may mắn là phòng khám của anh còn dự trữ được một ít, hy vọng có thể kéo dài được đến khi có hàng về. Tuy nhiên, phòng khám hiện đang rất dè dặt, cầm chừng trong việc tiếp nhận các bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh răng miệng. “Bên hãng thông báo lại phải tối thiểu 3 tháng nữa mới có hàng về. Vì thế tôi đang phải nhờ mua thuốc tê ở miền Nam với giá gấp 3 lần” – bác sĩ V nói.

Theo bác sĩ này, với những ca bệnh cần phải mổ ngay, điều trị ngay thì buộc phải mang đồ dự trữ ra dùng, còn nếu hết thì “đành chịu”, không dám tiếp nhận bệnh nhân nữa. Hiện tại đồ dự trữ tại các phòng khám vẫn còn nhưng bảo đi mua là cực kỳ khó khăn, nhiều chỗ không thể mua được. Nếu hết thuốc tê, hết chỉ khâu thì các bệnh nhân cần phẫu thuật sẽ rất “gay go”.

Đây là tình trạng chung của không ít phòng khám tư nhân hiện nay. Mặc dù đã cẩn thận dự trữ thuốc và vật tư y tế từ trước để đảm bảo khám chữa bệnh nhưng phòng khám nha khoa của bác sĩ H.A.N (Hà Nội) cũng gặp phải câu chuyện tương tự.

“Hết thuốc tê đỏ thì chúng tôi lại phải chuyển sang thuốc tê xanh dương. Thuốc tê thì một số chỗ khác nói không thiếu, nhưng bị tăng giá rất cao. Trong các bệnh viện thì khó khăn về công tác đấu thầu, còn ở các phòng khám ngoài thì có thể mua ở bên ngoài, nhưng với giá cao ngất ngưởng. Bên hãng quen báo lại rằng thuốc tê đỏ họ có nhưng chưa được ký lưu hành nên không thể nhập khẩu được” – bác sĩ H.A chia sẻ.

Còn theo chia sẻ của bác sĩ N.Đ.M (Hà Nội), hiện nay nhiều phòng khám tư đang rơi vào tình trạng “thiếu thê thảm, thiếu trầm trọng” các loại thuốc và vật tư y tế. “Mua bên ngoài cũng cực kỳ khó khăn. Nhiều bác sĩ thẩm mỹ do không thể mua được túi ngực ở ngoài mà không dám nhận bệnh nhân đặt túi ngực. Thiếu nhiều nhất là thuốc tê và chỉ khâu. Nếu trước kia bệnh nhân rất sợ đau, bác sĩ có thể tiêm với liều thuốc tê nhiều hơn vẫn nằm trong mức cho phép thì nay chỉ dám tiêm vừa khít, vừa đủ, vì thuốc tê giờ khan hiếm. Muốn mua chỉ khâu cũng không có mà mua” – bác sĩ M chia sẻ.

Tiếp tục rà soát đăng ký lưu hành thuốc, vật tư y tế

Về giải pháp trong ngắn hạn cho tình trạng thiếu thuốc thiếu vật tư y tế, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ cấp phép quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán tại Trung ương và địa phương; sửa đổi bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Đồng thời, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết quả kiểm tra tại các địa phương, Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, các địa phương triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị để tránh tình trạng tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám mua sắm. Về triển khai các biện pháp dài hạn, Bộ Y tế cũng đang xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung các Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dược…

Nhờ đó, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại các bệnh viện công lập đang phần nào được giải quyết. Tuy nhiên, việc nhiều thuốc, vật tư y tế hết thời hạn lưu hành trên thị trường nhưng hiện vẫn chưa được tiếp tục cấp phép lưu hành sẽ khiến thị trường xáo trộn, các mặt hàng khan hiếm, gây khó khăn cho hoạt động của hệ thống các phòng khám tư nhân.

Theo tờ trình của Bộ Y tế gửi Thủ tướng đề xuất ban hành nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho biết, qua báo cáo của các địa phương, đơn vị tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cụ thể, có 28/34 sở y tế và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc. Các loại thuốc thiếu gồm thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.

Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, Bộ Y tế đề xuất một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết về việc đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế phục vụ công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Với quy định “Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá công khai và không được mua cao hơn giá công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán”, Bộ Y tế đề xuất ghi rõ thời điểm mua sắm, đấu thầu được xác định là thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Điều này cũng tương tự với việc mua sắm, đấu thầu thuốc.

Vừa qua, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia – Bộ Y tế đã công bố quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023.

Theo ông Lê Thanh Dũng – Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia là những thuốc có tỉ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước. Vì vậy, kết quả đấu thầu lần này góp phần giảm tình trạng thiếu thuốc tại các địa phương, đặc biệt có ý nghĩa đối với các thuốc có số lượng nhu cầu sử dụng lớn như thuốc kháng sinh, tiêu hóa, tim mạch và thuốc điều trị bệnh tiểu đường.

Bên cạnh đó, việc công bố kết quả đấu thầu lần này có ảnh hưởng tích cực đến các hội đồng đấu thầu trên toàn quốc, đặc biệt đối với những đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương, góp phần thúc đẩy hoạt động của các đơn vị này, nhằm sớm có kết quả đấu thầu và tình trạng thiếu thuốc sẽ sớm được khắc phục. (Lao động, trang 1).

 

Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống bệnh cúm mùa

Ngày 8-8, Bộ Y tế cho biết, hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A).

Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. (An ninh Thủ đô, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Bộ Y tế khuyến cáo về phòng chống bệnh cúm”; Hà Nội mới, trang 7: “Bộ Y tế khuyến cáo đeo khẩu trang, vệ sinh tay để phòng bệnh cúm mùa”.

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/10/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 24/12/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/10/2021

Ngọc Nga