Điểm báo ngày 10/1/2020

(CDC Hà Nam)
Họp khẩn với chuyên gia của WHO, FAO, CDC Hoa Kỳ về dịch viêm phổi cấp “lạ”; Bệnh viện vắng bệnh nhân tai nạn do rượu, bia; Bệnh nhi đầu tiên tại miền Trung được ghép tế bào gốc thành công; Cấp bách “gỡ” tình trạng thiếu thuốc ung thư máu khiến hơn 4.000 bệnh nhân lao đao

 

Họp khẩn với chuyên gia của WHO, FAO, CDC Hoa Kỳ về dịch viêm phổi cấp “lạ”

Trước diễn biến của dịch bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), Bộ Y tế Việt Nam đã họp khẩn với các chuyên gia của những tổ chức y tế thế giới nhằm đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp. Theo đó, Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC) đặt tại Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan liên quan và chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa kỳ (CDC), Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO).

Cập nhật tình hình dịch bệnh tại cuộc họp cho thấy, đến nay tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc) đã ghi nhận 59 trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân, nhiều trường hợp có liên quan đến chợ hải sản lớn nhất tại Vũ Hán.

WHO thông tin, kết quả xét nghiệm đã loại trừ các tác nhân gây bệnh như cúm, Adenovirus, cúm gia cầm, SARS và hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do virus Corona (MERS-CoV). Tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Cuộc họp đi đến nhận định, trong thời gian tới là dịp Tết, giao lưu đi lại giữa các nước gia tăng, nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam là hoàn toàn có thể nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia đã thống nhất đề xuất thực hiện một số hoạt động để ứng phó với tình hình dịch bệnh. Cụ thể, Bộ Y tế Việt Nam sẽ phối hợp với WHO, các tổ chức quốc tế theo dõi chặt chẽ và cập nhật thường xuyên thông tin tình hình dịch bệnh tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc).

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát viêm phổi nặng chưa rõ nguyên nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp có tiền sử về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chuyên môn xây dựng kế hoạch, tổ chức đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại một số địa phương nơi có cửa khẩu lớn và có đường biên giới giáp với Trung Quốc; rà soát, chuẩn bị các trang thiết bị, xét nghiệm, sinh phẩm phục vụ chuẩn đoán bệnh tại các cơ sở y tế và 4 Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Bệnh viện vắng bệnh nhân tai nạn do rượu, bia

Một tuần sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống, số ca nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông có uống rượu, bia giảm đáng kể.

Hà Nội: Bác sĩ cấp cứu giảm áp lực

Chiều 9/1, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Việt Đức) vắng vẻ hẳn so với khoảng chục ngày trước. Chung khung cảnh đó là Bệnh viện Thanh Nhàn, Saint Paul. Đây được nhìn nhận là do Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đi vào cuộc sống khi số bệnh nhân nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông có uống rượu bia giảm đáng kể.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong khoảng 2,5 tiếng có chưa đến 10 ca bệnh cấp cứu. Một số ca bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, vài ca chuyển từ Hưng Yên, Thái Bình lên vì bị đại tràng, dạ dày. Một bệnh nhân nam giới chừng gần 60 tuổi được người nhà chở đến bằng xe máy.

Bệnh nhân này không tự đi được, cần đến 4 người đỡ mới lên được giường bệnh. Bệnh nhân cho biết có uống bia, đi bộ bị ngã đập đầu nên choáng váng. Không có bệnh nhân nào bị tai nạn giao thông khi đi xe máy, ô tô nhập viện.

Thống kê của Phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Việt Đức) cho thấy từ ngày 1 đến 7/1 tiếp nhận 305 trường hợp bị tai nạn giao thông, trong đó có 46 bệnh nhân có sử dụng rượu, bia (chiếm 11,8%). So với cùng kỳ năm ngoái con số này giảm  gần 4%.

Bác sĩ Vũ Xuân Hùng, Trưởng Khoa chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, thông thường tại đây mỗi ngày tiếp nhận 100-120 bệnh nhân cấp cứu, trong đó khoảng 30% có liên quan tai nạn giao thông. Tuy nhiên từ ngày Nghị định 100 có hiệu lực, số ca cấp cứu giảm 50%.

Đáng chú ý, trong 1 tuần qua, không có bệnh nhân nào nhập viện vì tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia. ThS. Bác sĩ Lê Văn Dẫn, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Bệnh viện Thanh Nhàn) thông tin, trước đây số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu rất đông, đặc biệt có người hôn mê, nôn nhiều, suy đa tạng, phải lọc máu khẩn nhưng vẫn tử vong. Năm 2019 trở về trước, gần như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận các trường hợp ngộ độc rượu metanol.

Tuy nhiên tình trạng này đã không còn xảy ra từ khi Nghị định 100 có hiệu lực. Bác sĩ Dẫn cho biết: “Từ đợt nghỉ Tết Dương lịch đến nay, khoa chưa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân ngộ độc metanol nào. Đó là tín hiệu đáng mừng từ khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực”.

Tại Bệnh viện Hữu Nghị, từ Tết Dương lịch đến nay, số người nhập viện do tai nạn giao thông cũng giảm dần, giúp giảm tải sức ép cho đội ngũ y bác sĩ. Số liệu từ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho thấy, trước đây, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 90 ca cấp cứu, trong đó có 20% là tai nạn do lái xe có nồng độ cồn thì từ ngày 1 đến 6/1, trong tổng số gần 530 ca cấp cứu, chỉ có 44 vụ là tai nạn giao thông do lái xe có nồng độ cồn (chiếm 8,3%).

TP HCM: Tai nạn giao thông giảm

Ghi nhận tại một số bệnh viện ở TPHCM trong những ngày qua, tình trạng bệnh nhân nhập viện do ẩu đả, tai nạn giao do rượu bia vẫn còn nhưng đã giảm nhiều so với trước đây. Bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh, Phó khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, bệnh viện Thống Nhất cho biết, từ ngày 1/1 đến nay, số người nhập viện do bị tai nạn va quẹt ngoài đường chủ yếu do các lỗi bất cẩn khi tham gia giao thông, nguyên nhân do sử dụng rượu bia giảm hẳn.

“Việc nâng cao mức xử phạt người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu bia không chỉ làm giảm số vụ tai nạn mà kể cả các tai nạn sinh hoạt, bị tai biến mạch máu não (do huyết áp tăng cao)… sau uống rượu bia cũng sẽ giảm đáng kể”- bác sĩ Ngọc Ánh cho hay.

Tương tự, tại bệnh viện quận 11, TPHCM, từ ngày 1-8/1, có 31 bệnh nhân nhập viện vì TNGT, trong đó, có 15 người sử dụng rượu bia (chưa đến 50%). Con số này giảm 50% so với tuần trước đó, khi nghị định 100 chưa có hiệu lực.

Trong khi đó, ghi nhận số ca nhập viện do tai nạn giao thông tại BV Chợ Rẫy trong 10 ngày qua giảm nhiều so với trước đó, đặc biệt trong 100 ca nhập viện trong hai ngày 6-7/1 thì chỉ có 5 ca trong người có nồng độ cồn (Tiền phong, trang 6).

 

Bệnh nhi đầu tiên tại miền Trung được ghép tế bào gốc thành công

Ngày 9.1, Trung tâm Nhi khoa thuộc Bệnh viện Trung ương (T.Ư) Huế đã làm thủ tục ra viện cho bệnh nhi được ghép tế bào gốc thành công tại bệnh viện.

Bệnh nhi là cháu Nguyễn Ánh H. (4 tuổi, ở  huyện Đakrong, Quảng Trị) mắc bệnh u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao. Đây là căn bệnh có tỉ lệ tử vong rất cao nếu không được điều trị kịp thời và triệt để, bệnh nhân cần phải điều trị hóa chất liều cao kèm ghép tế bào gốc tự thân để cứu sống.

Theo đó, cháu bé đã được Trung tâm Nhi khoa phối hợp với Trung tâm Huyết học Truyền máu, Trung tâm Ung bướu thực hiện với sự hỗ trợ của các bác sĩ bệnh viện Huyết học Truyền máu TP.HCM.

Ca ghép tế bào gốc đã được tiến hành bằng cách ghép tủy tự thân. Sau 32 ngày ghép, sk cháu đã hồi phục trở lại, các xét nghiệm máu của bệnh nhân đã trở về bình thường.

Theo giáo sư, thầy thuốc nhân dân Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, đến nay BV TƯ Huế là đơn vị thứ ba và là bệnh viện đầu tiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên, thực hiện thành công kỹ thuật này sau Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Huyết học Truyền máu TP.HCM.

Ghép tủy tự thân là phương pháp thu hoạch tế bào gốc từ chính bản thân bệnh nhân sau khi bệnh ở giai đoạn ổn định. Tế bào gốc có thể lấy từ máu ngoại vi huy động hoặc từ tủy xương, sau đó, được bảo quản đông lạnh ở – 196 độ.

Bệnh nhân sẽ được điều trị hóa chất liều cao để loại bỏ các tế bào ác tính còn sót lại trong cơ thể, sau đó truyền tế bào gốc đã bảo quản để phục hồi hệ thống tạo máu, giúp rút ngắn giai đoạn suy tủy (Thanh niên, trang 13).

 

Cấp bách “gỡ” tình trạng thiếu thuốc ung thư máu khiến hơn 4.000 bệnh nhân lao đao

Hơn 1 tuần nay, do thuốc Glivec điều trị ung thư máu bị cắt tài trợ nên hàng nghìn bệnh nhân đã bị cắt giảm liều dùng thuốc xuống tới 50%…Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Y tế, thống nhất gia hạn thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc Glivec, Tasigna cho bệnh nhân ung thư. Đây là loại thuốc nhắm đích điều trị cho bệnh nhân mắc chứng bạch cầu mạn dòng tủy hoặc u đường tiêu hóa có di căn.

Trước đó, theo thông tin phản ánh từ nhiều bệnh nhân đang điều trị ung thư bạch cầu mạn dòng tủy tại một số bệnh viện trên cả nước, từ 1-1-2020 đến nay, liều dùng thuốc Glivec của nhiều bệnh nhân đã được chỉ định giảm xuống tới 1/3, hoặc gần 50% ngày uống thuốc trong tháng.

Không chỉ bị cắt giảm liều dùng thuốc, có những bệnh nhân phải đi mua thuốc bên ngoài thị trường với giá cao.

Thời gian qua, thuốc Glivec thông qua các chương trình viện trợ nhằm hỗ trợ điều trị ung thư bạch cầu mạn dòng tủy tại 7 bệnh viện của Việt Nam, gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.Hồ Chí Minh và Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc này trong khoảng 1 tuần nay là từ ngày 31-12-2019, nhà tài trợ nguồn thuốc (theo dự án do 3 bên – nhà sản xuất thuốc, Quỹ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế – hỗ trợ thuốc cho bệnh nhân) đã hết hiệu lực.

Cũng vì thế, để giải quyết tình hình cấp bách trước mắt, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã thống nhất gia hạn thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc Glivec, Tasigna cho bệnh nhân trong 2 tháng kế tiếp là tháng 1 và 2-2020.

Đây là thời gian chờ sửa Thông tư 30 theo hướng nhà sản xuất sẽ giảm giá thuốc xuống còn 65% so với hiện nay và phía BHYT sẽ nâng tỷ lệ chi trả lên 80-100% tiền thuốc, phần còn lại bệnh nhân phải đồng chi trả.

Sau khi liên ngành cùng vào cuộc tháo gỡ, dự kiến trong ngày hôm nay, 8-1, bệnh nhân đang điều trị ung thư bạch cầu mạn dòng tủy tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và một số bệnh viện sẽ nhận được thuốc Glivec.

Được biết, hiện cả nước có gần 3.000 bệnh nhân đang sử dụng loại thuốc này (có 2 dòng mang tên Glivec và Tasigna), với chi phí phía bảo hiểm chi trả từ 225-413 triệu đồng/bệnh nhân/năm, và gần 1.500 bệnh nhân được hãng thuốc cấp miễn phí.

Các bác sĩ cho biết, thuốc Glivec hiện không có thuốc thay thế, song bệnh nhân có thể trì hoãn sử dụng thuốc trong thời gian ngắn hoặc uống giảm liều. Mức độ ảnh hưởng của việc ngưng hoặc giảm thuốc sẽ tùy thuộc vào tình trạng từng bệnh nhân nên bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc việc ngưng, giảm liều hay tạm dùng thuốc khác thay thế (An ninh thủ đô, trang 6).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 25/10/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 15/4/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/6/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận