Điểm báo ngày 10/5/2019

(CDC Hà Nam)
Xây dựng Trung tâm phẫu thuật tại Đà Nẵng; Ổ dịch ở Bắc Cạn là cúm mùa; Thiếu thuốc, bệnh nhân ung thư phải bù cả trăm triệu đồng

Xây dựng Trung tâm phẫu thuật tại Đà Nẵng

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký ban hành Quyết định số 1905/QĐ-UBND phê duyệt đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình, với tổng mức đầu tư gần 472 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Khối nhà trung tâm phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình, với hai tầng hầm, 11 tầng nổi, một tầng kỹ thuật, quy mô khoảng 407 giường bệnh. Dự án nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong công tác khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 đến 2022. (Nhân dân, trang 5)

 

Ổ dịch ở Bắc Cạn là cúm mùa

NDĐT – Sáng 9-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Cạn cho biết, ổ dịch tại Trường PTDT nội trú huyện Ngân Sơn là cúm thông thường.

Theo kết quả của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kết quả xét nghiệm bảy mẫu bệnh phẩm của học sinh Trường PTDT Nội trú huyện Ngân Sơn cho thấy, đây là bệnh cúm mùa thông thường do thời tiết giao mùa, lây qua đường hô hấp.

Tính đến hết ngày 8-5, tổng cộng tại Trường PTDT nội trú huyện Ngân Sơn có 114 học sinh và ba giáo viên bị mắc cúm với các triệu chứng sốt, đau đầu, sổ mũi. Trong đó, có 34 em bị nặng đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Đến nay, không có trường hợp nào nặng thêm hoặc biến chứng.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Cạn Nguyễn Tiến Tôn cho biết, do là trường nội trú, các em ở tập trung trong khu ký túc xá nên mức độ lây lan của mầm bệnh nhanh hơn dẫn tới nhiều em, giáo viên cùng bị mắc như vậy. Chúng tôi đã xét nghiệm, điều trị kỹ lưỡng, bệnh tình các em đều thuyên giảm, sẽ sớm được xuất viện.

Chiều ngày 8-5, Sở Y tế tỉnh Bắc Cạn đã tới giám sát các ca bệnh điều trị tại Trung tâm Y tế huyện, đồng thời chỉ đạo Trung tâm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe cho học sinh, có biện pháp xử lý phòng các biến chứng bội nhiễm và lây nhiễm chéo. Theo dõi, báo cáo tình hình dịch bệnh cho các cấp có thẩm quyền; tăng cường trực chuyên môn, tổ chức truyền thông về dịch cúm tại các trường học; bảo đảm cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ khám, điều trị. (Nhân dân, trang 5)

 

Thiếu thuốc, bệnh nhân ung thư phải bù cả trăm triệu đồng

Những ngày vừa qua, thông tin từ một số cơ sở điều trị ung thư cho biết hiện đang xảy ra tình trạng thiếu hụt thuốc điều trị do nhà thầu chưa có thuốc cung ứng. Tại Bệnh viện K việc thiếu hụt thuốc điều trị liên quan đến triển khai đấu thầu thuốc tập trung trong năm 2018.

Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng xảy ra tình trạng thiếu 2 loại thuốc generic cách đây 2 tuần. Được biết lọ thuốc cuối cùng rời kho ngày 25/4. Trong khi đợi chờ kế hoạch đấu thầu quốc gia, bệnh viện đã có văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội xin phép mua tạm thuốc generic có thành phần tương tự là Allipem 500mg và 100mg với giá lần lượt gần 6 triệu đồng và hơn 1 triệu đồng. Song lượng dự trù chỉ vừa sát đến ngày có kết quả đấu thầu.

Trước đó, ngày  22/5/2018, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đã có Công văn số 106/TTMS-NVĐT về việc hướng dẫn xây dựng, tổng hợp nhu cầu thuốc đấu thầu tập trung cấp Quốc gia năm 2018. Theo đó: “Trung tâm dự kiến tổ chức và công bố kết quả lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc trước ngày 31/12/2018”; và “Trường hợp kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 27/4/2018 thì cơ sở y tế chỉ được dự trù, trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức đấu thầu nhằm đảm bảo thuốc điều trị và cơ số tồn kho đến hết ngày 31/12/2018”.

Tuy nhiên, đến ngày 14/2/2019, Trung tâm mới có Quyết định số 07/QĐ-TTMS phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 1: cung cấp thuốc Biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị năm 2019-2020 cho các cơ sở y tế trên toàn quốc. Và đến ngày 23/4/2019, Trung tâm mới có Quyết định số 25/QĐ-TTMS và số 28/QĐ-TTMS phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 2: Cung cấp thuốc generic năm 2019-2020 và Gói thầu số 5: Cung cấp thuốc generic năm 2019-2020 cho các tỉnh miền Bắc; Mã hiệu: ĐTTT.generic.05.2018.

Do có nhu cầu sử dụng ngay một số mặt hàng trong đó có mặt hàng chứa hoạt chất Pemetrexed, các bệnh viện đã liên lạc với nhà thầu là Liên danh Codupha – An Thiên (trúng thầu mặt hàng Pemehope 100mg) và Công ty TNHH dược phẩm và trang thiết bị y tế Hoàng Đức (trúng thầu mặt hàng Podoxred 500mg) để lên kế hoạch nhập hàng, nhưng các nhà thầu thông báo chỉ có thể cung ứng hàng sau 2-4 tháng nữa.

Như vậy, đối với các thuốc có chứa hoạt chất Pemetrexed; các bệnh viện hiện chỉ có thuốc biệt dược gốc (Alimta) để điều trị nhưng giá thành cao, bên cạnh đó bảo hiểm y tế chỉ thanh toán 50%, do đó số tiền mà bệnh nhân đồng chi trả chênh nhau nhiều khi sử dụng giữa thuốc biệt dược gốc và thuốc generic. Cụ thể: Thuốc biệt dược gốc Alimta 500mg giá trúng thầu 24.217.800 đ/lọ. Alimta 100mg giá trúng thầu 5.676.500đ/lọ. Thuốc nhóm 2 Podoxred 500mg trúng thầu tại Trung tâm với giá 2.617.500 đ/lọ; thuốc nhóm 2 Pemehope 100mg trúng thầu giá 882.500đ/lọ.

Theo Bệnh viện K, trong phác đồ điều trị ung thư phổi, liệu trình điều trị ít nhất 6 chu kỳ, liều trung bình 800mg/chu kỳ; nếu sử dụng điều trị bằng thuốc biệt dược gốc thì bệnh nhân phải đồng chi trả số tiền là khoảng 20.000.000đ/chu kỳ x 6 chu kỳ = 120.000.000 đ; nếu điều trị bằng thuốc Generic bệnh nhân chỉ phải đồng chi trả số tiền là 2.600.000đ/chu kỳ x 6 chu kỳ = 15.600.000đ. Như vậy, số tiền bệnh nhân phải đồng chi trả chênh lệch giữa sử dụng thuốc Biệt dược gốc và thuốc generic là khoảng 104.400.000đ.

Một lãnh đạo Bệnh viện K cho biết: “Với khoản tiền chênh lệch như vậy, nhiều bệnh nhân không có đủ tiền để sử dụng thuốc biệt dược gốc và phải dừng điều trị. Việc gián đoạn điều trị này sẽ dẫn tới hậu quả là các bệnh nhân đang sử dụng giữa chừng bị mất đi toàn bộ chi phí điều trị trước đó mà không mang lại kết quả”. (Tiền phong, trang 6)

 

Mới sinh con 1 tháng, nữ bệnh nhân 23 tuổi tử vong sau tiêm thuốc cản quang chụp CT

Mới sinh con khoảng 1 tháng, chị Nguyễn Thị Hải H. (23 tuổi, ở Văn Chấn, Yên Bái) có biểu hiện đau vùng hạ sườn phải nên xuống Bệnh viện Bạch Mai khám. Nhưng tại đây, sau khi được tiêm thuốc cản quang để chụp CT, chị H. có biểu hiện sốc phản vệ và tử vong.

Chiều nay, 8-5, Bệnh viện Bạch Mai đã thông tin ban về vụ việc nữ bệnh nhân 23 tuổi tử vong sau khi tiêm thuốc cản quang chụp cắt lớp vi tính tại bệnh viện.

Theo đó, sáng 6-5, bệnh nhân Nguyễn Thị Hải H. có biểu hiện đau vùng hạ sườn phải và bụng nên xuống Bệnh viện Bạch Mai khám. Chị H. mới sinh con được khoảng 1 tháng nên được bác sĩ chỉ định chụp CT để xác định nguyên nhân đau bụng vùng hạ sườn phải.

Khoảng 15h ngày 6-5, bệnh nhân được đưa tới phòng chụp CT. Sau khi được tiêm thuốc cản quang để tiến hành chụp, bệnh nhân có những biểu hiện của “sốc phản vệ” như nôn mửa, người tím tái.

Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa bệnh nhân sang khu cấp cứu để tiến hành cấp cứu sốc phản vệ. Tuy nhiên bệnh nhân đã không qua khỏi và tử vong vào khoảng 4h sáng ngày 7-5.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, trưa cùng ngày (7-5), Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức một cuộc gặp gỡ với gia đình bệnh nhân Nguyễn Thị Hải H..

Tại cuộc gặp, đại diện Bệnh viện Bạch Mai khẳng định sẽ khẩn trương làm rõ việc tuân thủ quy trình chuyên môn trong quá trình khám chữa bệnh, cũng như xác định nguyên nhân gây tử vong của người bệnh. Cá nhân, tập thể nào để xảy ra sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ và cung cấp đầy đủ thông tin có liên quan đến sự việc đáng tiếc này khi đại diện gia đình bệnh nhân có yêu cầu.

Được biết, gia đình bệnh nhân không đồng ý mổ tử thi. Bệnh viện Bạch Mai đã bố trí phương tiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ đưa nạn nhân về quê nhà làm thủ tục mai táng theo nguyện vọng của gia đình.

Đồng thời, Bệnh viện Bạch Mai và gia đình bệnh nhân tử vong đã thống nhất sẽ có buổi làm việc tiếp theo, dự kiến vào ngày 21-5 tới. (An ninh thủ đô, trang 8)

 

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tạm dừng điều chỉnh giá dịch vụ y tế ngoài BHYT

Nhằm tránh tác động tâm lý người dân trong bối cảnh điều chỉnh tăng giá xăng dầu, điện, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạm thời chưa điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh ngoài bảo hiểm y tế theo Thông tư số 37/2018/TT-BYT.

Bộ Y tế cho biết, sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 Quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp, đã có bảy tỉnh, thành phố (gồm Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa, Hưng Yên, Đồng Tháp và thành phố Hà Nội) ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế theo mức giá quy định tại Thông tư 37.

Theo Bộ Y tế, mặc dù thực hiện mức giá theo Thông tư số 37/2018/TT-BYT chỉ tác động đến khoảng 12% dân số chưa tham gia Bảo hiểm Y tế và nhiều tỉnh sẽ tác động đến CPI giảm (chỉ số giá tiêu dùng).

Tuy nhiên, để tránh tác động đến tâm lý người dân trong bối cảnh điểu chỉnh tăng giá xăng dầu và điện thời gian qua, Bộ Y tế đề nghị các địa phương (chưa có Nghị quyết Hội đồng nhân dân về điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Thông tư 37) tạm thời chưa quyết định điều chỉnh mức giá để chờ thời điểm phù hợp.

Bộ Y tế cũng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu được chủ trương điều chỉnh giá dịch vụ y tế là nhằm xóa bỏ bao cấp qua giá, thực hiện giá thị trường đối với dịch vụ công có sự kiểm soát của Nhà nước… (Sức khỏe & Đời sống, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 02/6/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 27/6/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 30/8/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận