Điểm báo ngày 10/6/2021

(CDC Hà Nam)
‘Chặn’ dịch COVID-19 nhờ ứng dụng 4.0; Những người được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19: ‘Giấy thông hành’ nội địa?; Cách ly F1 tại nhà chống COVID-19: Phân loại kỹ, không làm đại trà; TPHCM: Phát hiện ca nghi mắc Covid-19 làm việc tại Công ty Pouyuen Việt Nam, lấy 3.000 mẫu xét nghiệm; Đề nghị COVAX cung ứng vaccine sớm nhất cho Việt Nam

‘Chặn’ dịch COVID-19 nhờ ứng dụng 4.0

Thăm bệnh trực tuyến, quét dấu vân tay, nhận diện khuôn mặt… là những ứng dụng công nghệ của thời công nghiệp 4.0 tại nhiều bệnh viện (BV) TPHCM nhằm kiểm soát, phòng dịch COVID-19.

Thăm người thân qua màn hình

Mẹ anh T.V.H (70 tuổi, ngụ TPHCM) không may trượt chân ngã khiến khớp háng bị gãy được đưa vào BV Đại học Y dược TPHCM cấp cứu. Sau khi thực hiện phẫu thuật thay khớp háng, bà phải nằm theo dõi tại BV trong vòng 2 tuần. Do dịch bệnh, BV có quy định chỉ được một người nuôi bệnh. Để chăm sóc cho bà một cách tốt nhất, đồng thời có thêm thời gian giải quyết công việc, anh H. đã sử dụng dịch vụ thay người thân chăm sóc của BV để chăm mẹ. Với dịch vụ này, nhân viên y tế sẽ giúp người nhà chăm sóc bệnh nhân.

Trong khi đó, người nhà của anh H. vẫn có thể thăm bệnh nhân trực tuyến qua màn hình máy tính được bố trí tại Phòng Giải thích tình trạng bệnh của BV. Hình ảnh bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị và chăm sóc, cùng người bệnh được tích hợp truyền trực tuyến đến. Thông qua màn hình, thân nhân được nghe các bác sĩ giải thích tình trạng bệnh, đồng thời trò chuyện trực tuyến với người thân của mình.

“Dịch vụ thăm bệnh trực tuyến được áp dụng đối với các đơn vị hồi sức và các phòng bệnh nặng tại các khoa lâm sàng (không có người nuôi bệnh) như khoa Thần kinh – Phòng Điều trị tích cực Đột quỵ cấp, khoa Hô hấp – Phòng Bệnh nặng, khoa Tim mạch can thiệp – Phòng Hồi sức tim… Mỗi khoa, đơn vị sẽ có một khung giờ nhất định để giải thích tình trạng bệnh trực tuyến với người nhà người bệnh. Với hình thức này, BV vừa đảm bảo quy định không thăm bệnh, đáp ứng mục tiêu phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện cho thân nhân cập nhật tình hình sức khỏe của người thân đang điều trị” – đại diện BV cho biết.

Những ngày qua, người thăm nuôi ở BV Chợ Rẫy (TPHCM) đã được tiếp cận phương thức giám sát mới, đó là quét vân tay để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tốt hơn. Theo BV Chợ Rẫy, cách thức giám sát hoạt động thăm nuôi thực hiện từ trước đến nay, gồm thẻ thăm nuôi và áo thân nhân (màu vàng), chưa giúp mục tiêu giám sát triệt để. Thân nhân người bệnh quét vân tay mỗi khi ra- vào BV sẽ đảm bảo đúng người đã đăng ký trước đó. Sau khi thân nhân bệnh nhân ấn tay vào máy xong, bảo vệ luôn nhắc nhở mọi người rửa tay bằng nước khử khuẩn đã chuẩn bị sẵn.

“Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn tiến phức tạp, vấn đề phòng dịch lây lan trong BV là ưu tiên. Bởi vậy, chúng tôi nỗ lực hiện đại hơn phương thức giám sát, quản lý hoạt động thăm nuôi. Phía BV rất mong người bệnh và thân nhân cùng chia sẻ nỗ lực này và chung tay thực hiện, để hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả hơn”, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy chia sẻ.

Nhận diện bằng “nhấp, chạm”

Trong khi đó, để giám sát hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19, BV Nguyễn Trãi phối hợp với một đơn vị công nghệ thông tin xây dựng phần mềm “quản lý lưu trú người nuôi bệnh” và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2021. Theo đó, sau khai báo y tế tại cổng, người nuôi bệnh khi đến các khoa điều trị sẽ khai báo lần hai và trình căn cước công dân, cung cấp số điện thoại, chụp ảnh… Sau đó nhân viên nhập vào phần mềm và in “Thẻ nuôi bệnh” có tên bệnh nhân, tên người nuôi bệnh, khoa điều trị, phòng bệnh, ngày đăng ký và mã đăng ký. Trong quá trình giám sát, bảo vệ chỉ cần nhập mã đăng ký vào phần mềm được cài đặt trong điện thoại di động, tất cả thông tin và hình ảnh người nuôi bệnh hiện ra trên màn hình. Thông tin trùng khớp, người nuôi mới được vào khoa. Tương tự, BV Nhi đồng 2 cũng ứng dụng nhận diện gương mặt thân nhân bệnh nhi trước khi vào khoa chăm trẻ. BS Lê Thị Minh Hồng, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 2 cho biết, việc kiểm soát người nuôi bệnh bằng gương mặt giúp thân nhân bệnh nhi cũng như nhân viên y tế hạn chế tối đa lây nhiễm COVID-19… Ngoài ra, ứng dụng này còn góp phần quản lý an ninh nội viện, bởi kẻ gian không có cơ hội trà trộn vào bên trong thông qua thẻ nuôi bệnh thông thường như trước.

BS Minh Hồng cho biết thêm, hiện BV có 777 bệnh nhi, mỗi bệnh nhân chỉ được phép một người thân nuôi trực tiếp. Từ khi có mã nhận dạng gương mặt người nuôi bệnh, số lượng người tại BV đã được kiểm soát chặt chẽ. Nếu người nuôi bệnh cần được nghỉ ngơi, BV sẽ hỗ trợ đăng ký nhận diện gương mặt cho người thân khác để thay thế. Theo các BV, phần mềm quản lý, nhận diện người nuôi bệnh cập nhật thời gian từng ngày nên chẳng may có trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 vào BV, sẽ truy vết những người có liên quan rất nhanh và chính xác chỉ bằng cái “nhấp chuột, quẹt tay”. Điều này giúp cơ quan y tế khoanh vùng và xử lý kịp thời, ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 lây lan (Tiền phong, trang 4).

 

Những người được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19: ‘Giấy thông hành’ nội địa?

Việt Nam đã tiêm được hơn 1 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho người dân, và những người đã tiêm được cấp giấy chứng nhận tiêm chủng. Tuy nhiên, hiện tại, việc tiêm vắc-xin mới nhằm phòng, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Còn giấy chứng nhận tiêm chủng chưa được sử dụng như một “giấy thông hành” để dân tự do đi lại nội địa và xa hơn là có “hộ chiếu vắc-xin”. Lý do là còn thiếu quy định.

Ðề xuất nới hạn chế đi lại nội địa

Anh Vũ Văn Thông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh đã được tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca gần 1 tháng trước. Dự kiến, tháng tới anh có thể được tiêm mũi thứ 2. Anh đã được cấp chứng nhận tiêm chủng vắc-xin mũi 1 của bệnh viện. Do yêu cầu công việc, anh Thông thường xuyên phải đi các tỉnh, nhưng từ khi Hà Nội có các ca nhiễm Covid- 19 trong cộng đồng, nhiều địa phương áp dụng cách ly bắt buộc tại nhà từ 14 đến 21 ngày với người tới từ Hà Nội, bất kể họ được tiêm vắc-xin hay chưa. Vì thế, cả tháng nay anh Thông đành làm việc từ xa. “Tới nay chưa thấy địa phương nào áp dụng miễn trừ cách ly với người đã tiêm vắc-xin COVID-19. Thậm chí, nhiều dịch vụ đang cấm phục vụ tại chỗ, kể cả với người đã tiêm vắc-xin hay chưa, chỉ được bán mang về”, anh Thông nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), bày tỏ sự đồng thuận với ý tưởng xem chứng nhận tiêm vắc-xin COVID-19 như “giấy thông hành” nội địa. “Người đã tiêm vắc-xin COVID-19 đầy đủ phải có gì đó khác người chưa tiêm, như được đi lại trong nước tự do hơn. Qua đó để những người còn băn khoăn có động lực đi tiêm vắc-xin. Hơn nữa, việc nới lỏng hạn chế đi lại trong nước với người đã tiêm đủ vắc-xin cũng là phép thử để đánh giá khả năng an toàn với cộng đồng. Từ đó, cơ quan chức năng đánh giá và rút kinh nghiệm cho áp dụng hộ chiếu vắc – xin với khách quốc tế trong tương lai”, ông Nam nói. Theo ông Nam, hiện tại, ý tưởng “hộ chiếu vắc-xin” hay quá trình triển khai “giấy thông hành vắc-xin” vẫn gặp một số lo ngại, vì có ý kiến cho rằng, người được tiêm không mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng làm lây bệnh. Do đó, sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng để đi lại nội địa là cơ hội để đánh giá lo ngại trên có đúng hay không.

Tiến tới mở cửa, đi lại giữa các nước

Đại diện một hãng hàng không nội địa cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất nới lỏng hạn chế đi lại nội địa với người có giấy chứng nhận tiêm vắc-xin COVID-19. Việc có “giấy thông hành” nội địa là chứng nhận đã tiêm vắc-xin sẽ tăng nhu cầu đi lại, qua đó hỗ trợ vận tải, du lịch hiện tại gần như “đóng băng” do đợt bùng phát dịch lần thứ 4.

Dự kiến, trong tháng 6 này, Vietnam Airlines bắt đầu thử nghiệm ứng dụng sức khỏe điện tử IATA Travel Pass (ITP) với khách của hãng sau khi đã đạt được thỏa thuận với IATA. Một số hành khách của hãng sẽ được thí điểm cài đặt ứng dụng ITP trên thiết bị di động với mã QR duy nhất để thay cho các loại giấy chứng nhận thông thường. ITP được kỳ vọng có thể trở thành “hộ chiếu vắc-xin”, tiến tới mở cửa đi lại giữa các nước, nối lại du lịch quốc tế. Singapore, Panama và Estonia đã cho phép hành khách sử dụng ứng dụng ITP khi nhập cảnh thay cho các loại giấy xác nhận thông thường. Trên thế giới cũng có hơn 30 hãng hàng không thử nghiệm ứng dụng này. Trước đó, tháng 3/2021, Cục Hàng không cũng kiến nghị Bộ GTVT báo cáo các cấp có thẩm quyền về việc triển khai cơ chế với ứng dụng ITP. Qua đó có thể mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ tới Việt Nam. Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, ứng dụng ITP được kỳ vọng có thể giúp mở cửa lại biên giới các nước, hỗ trợ mở cửa lại bầu trời và du lịch quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, để trở thành hộ chiếu vắc xin, nó cần được chính phủ các nước cho phép và công nhận lẫn nhau về dữ liệu trên ứng dụng, khi đó mới áp dụng được với khách quốc tế.

Ông Trần Tuấn Linh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng, việc áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” là cơ hội mở lại hoạt động vận tải khách quốc tế (Tiền phong, trang 3).

 

Cách ly F1 tại nhà chống COVID-19: Phân loại kỹ, không làm đại trà

Cách ly tại nhà là phương án đã được Bộ Y tế tính đến khi số trường hợp F1 phải cách ly tăng gấp nhiều lần trong đợt dịch này khiến sức ép đè nặng lên các khu cách ly tập trung, đòi hỏi phải có phương thức thay đổi cho phù hợp tình hình mới. Hơn nữa, số ca khỏi bệnh sẽ ngày càng nhiều, việc giám sát cách ly tại nhà lại càng quan trọng hơn. Cách thức cách ly tại nhà chặt chẽ hơn trước, nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Phải phân loại thật kỹ, quy trình cách ly rất nghiêm ngặt

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, về việc thí điểm cách ly F1 tại nhà, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về thí điểm cách ly F1 tại nhà đối với 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, tại thời điểm các F1 tăng quá cao, theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, tại cuộc họp chiều 24.5.

Theo đó, đối với các ổ dịch lớn, xảy ra tại các KCN, khu vực đông người, có số lượng lớn người tiếp xúc thuộc diện phải cách ly, thì áp dụng thí điểm một số biện pháp như: Phân loại các trường hợp lao động cùng phân xưởng với các trường hợp nhiễm COVID-19. Trong đó, những trường hợp nào có tiếp xúc gần hoặc làm cùng dây chuyền, cùng trong phòng hẹp có không gian kín có nguy cơ cao phải đưa đi cách ly tập trung; các trường hợp còn lại có thể xem xét chuyển về cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Cùng với hướng dẫn về cách ly F1 tại nhà, Bộ Y tế cũng hướng dẫn tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội, vùng phong tỏa, Bắc Ninh, Bắc Giang được áp dụng thí điểm cho phép người dân được tiếp tục lao động, sản xuất tại gia đình và thu hoạch nông sản tại vườn, vùng sản xuất của địa phương; đồng thời phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, như: Chỉ được phép làm việc theo nhóm từng hộ gia đình; không được tiếp xúc giữa các hộ gia đình với nhau trong quá trình lao động, sản xuất, thu hoạch. Bắt buộc phải sử dụng khẩu trang và thường xuyên sử dụng dung dịch sát khuẩn.

Trong trường hợp các gia đình có sử dụng chung máy móc, trang thiết bị, phải thực hiện việc khử khuẩn máy móc, trang thiết bị bằng dung dịch sát khuẩn thông thường trước khi bàn giao cho nhau và không được tiếp xúc gần trong quá trình bàn giao.

Khi phát hiện dịch trong các KCN, thì cách ly các trường hợp F0 tại chỗ và thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly; phân xưởng nào ở yên phân xưởng đó; khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần (F1), các trường hợp tiếp xúc với F1 (F2).

Theo Bộ Y tế, nguyên tắc chung về cách ly y tế khi phòng dịch tại KCN là ưu tiên cách ly tại chỗ, hạn chế di chuyển người lao động ra các khu vực không có dịch.

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đã thay đổi, số ca mắc tăng cao so với các đợt dịch trước, kéo theo đó là các trường hợp tiếp xúc gần cũng vượt lên mức kỷ lục, điều này đòi hỏi cần phải có sự thay đổi trong cách quản lý, cách ly y tế. Chúng ta sẽ phải tiếp tục mở rộng quy mô khu cách ly tập trung, nếu như số ca mắc lên đến hàng nghìn ca, hàng chục nghìn ca mỗi ngày. Điều này dẫn đến những gánh nặng cực kỳ lớn và không phải lựa chọn khôn ngoan nhất.

Tuy nhiên, ý thức của các cá nhân trở thành nỗi lo ngại của nhiều người khi đề cập đến vấn đề cách ly tại nhà. Chỉ một hay một vài cá nhân không tuân thủ hoặc kém ý thức khi cách ly tại nhà thì rủi ro lớn, nguy cơ sẽ “vỡ trận” cả hệ thống là có thật.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đã nhấn mạnh, việc áp dụng cách ly tại nhà với các F1 không thể đại trà, mà cần được phân loại rất kỹ.

“Những người tiếp xúc rất gần và có nguy cơ cao vẫn phải cách ly tập trung. Chỉ người tiếp xúc ở khoảng cách xa với ca F0 mới có thể được cách ly tại nhà”, theo ông Tuyên.

Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất để cách ly tại nhà cũng phải đảm bảo, như: Gia đình có phòng riêng, thoáng và điều kiện vệ sinh riêng biệt; quá trình cách ly F1 không tiếp xúc các thành viên khác trong gia đình; tuyệt đối không ra ngoài; thực hiện theo dõi thân nhiệt ngày 2 lần và lấy mẫu xét nghiệm như trong khu cách ly tập trung. Người cách ly tại nhà phải ký cam kết thực hiện các biện pháp như cách ly ở điểm tập trung và nếu vi phạm khi cách ly tại nhà, sẽ bị xử lý nghiêm. Quá trình cách ly F1 tại nhà, chính quyền cũng phải cử người giám sát, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và đảm bảo đủ thời gian cách ly như cách ly tập trung.

Ông Tuyên cũng lưu ý, việc chuyển những người làm cùng phân xưởng với trường hợp nhiễm COVID-19 có nguy cơ thấp hơn về cách ly tại nhà, nơi lưu trú phải đảm bảo các điều kiện sau: Chỉ áp dụng tại các vùng có áp dụng giãn cách xã hội, vùng phong tỏa để giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện. Tại các nơi cách ly F1 tại nhà phải có biển cảnh báo.

Có thể thay đổi phương thức quản lý cách ly và điều trị hay không?

Không chỉ cách ly tại nhà đối với các trường hợp tiếp xúc gần, hay các ca bệnh đã chữa khỏi, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng điều trị các bệnh nhân COVID-19 tại nhà đối với các trường hợp nhẹ, không có triệu chứng, Việt Nam liệu có thể áp dụng như vậy hay không?

Trả lời vấn đề này, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, ở các nước có số bệnh nhân lớn, dịch lưu hành trong cộng đồng, các bệnh nhân nhẹ sẽ điều trị tại nhà, bệnh nhân nặng sẽ tới bệnh viện.

Tuy nhiên tại Việt Nam, rất may mắn là dịch cộng đồng vẫn đang kiểm soát được và số ca bệnh không quá lớn, hệ thống y tế vẫn đang đáp ứng được. Do vậy, chúng ta vẫn đang ưu tiên chiếm lược điều trị bệnh nhân tại bệnh viện.

Theo tiến trình của bệnh, ở tuần đầu sẽ diễn biến nhẹ, nhưng tuần thứ 2 sẽ diễn biến rất nặng. Nếu như chúng ta phát hiện sớm các yếu tố nặng để xử lý, sẽ giảm được bệnh nhân rất nặng và nguy kịch, giảm tỉ lệ tử vong.

“Nếu chúng ta áp dụng chiến lược bệnh nhân nhẹ ít triệu chứng điều trị tại nhà như một số nước, sẽ gặp phải 2 vấn đề: Nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình là rất cao. Do gia đình tại Việt Nam thường sống mô hình 3-4 thế hệ (người già, trẻ nhỏ, ở cùng những người có bệnh lý nền), khi lây sang những nhóm nguy cơ cao đó sẽ rất nguy hiểm;

Thứ 2, khi điều trị tại nhà, chúng ta sẽ rất khó để phát hiện thay đổi bệnh lý sớm để kiểm soát nguy cơ tiến triển nặng, khi bệnh nặng mới vào viện thì hiệu quả điều trị sẽ thấp hơn”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.

Về tình hình điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 lần này khá lớn, kéo theo việc gia tăng các ca bệnh nhân nặng. Và biến chủng virus bệnh nhân phản ứng viêm cao nên phải thực hiện lọc máu cao.

“Hiện nay, số ca mắc COVID-19 tại các ổ dịch Bắc Ninh, Bắc Giang, TPHCM, Hà Nội vẫn tiếp tục tăng, nhiều người lo ngại tới nguy cơ quá tải bệnh viện.

Riêng đối với tỉnh Bắc Ninh là đơn vị được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hỗ trợ kỹ thuật, đã xây dựng chiến lược để đảm bảo tiếp nhận 3.000 bệnh nhân có thể phải điều trị.

Còn tại Bắc Giang, ở đây đang hết sức nỗ lực mở rộng các đơn vị điều trị bệnh viện dã chiến, hồi sức tích cực. Tôi nghĩ rằng với tình hình điều trị hiện nay, sẽ không xảy ra tình trạng không đáp ứng được điều trị” – BS Cấp nhận định (Lao động, trang 2).

 

TPHCM: Phát hiện ca nghi mắc Covid-19 làm việc tại Công ty Pouyuen Việt Nam, lấy 3.000 mẫu xét nghiệm

Chiều 9-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, vừa ghi nhận 1 trường hợp nghi mắc Covid-19 tại Công ty Pouyuen Việt Nam thuộc phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Trường hợp nghi mắc đã được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm vào tối 8-6 do tiếp xúc gần với người chồng mắc Covid-19, đã được công bố vào trưa ngày 9-6. Hai vợ chồng cư trú tại hẻm 1E, đường số 6, Khu dân cư Nam Long, phường An Lạc, quận Bình Tân.

Theo HCDC, người chồng có tiếp xúc với bệnh nhân 9.096 tại nơi làm việc. Bệnh nhân 9.096 là tiếp xúc gần của bệnh nhân 8.737. Bệnh nhân 8.737 được phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện.

Ngay khi nhận được thông tin, Công ty Pouyuen Việt Nam tiến hành phong tỏa khu vực làm việc của bệnh nhân, thực hiện phun khử khuẩn. Đồng thời, công ty thông báo đến toàn bộ nhân viên làm việc chung khu vực với bệnh nhân và yêu cầu tất cả cách ly tạm thời tại nhà, khai báo y tế địa phương và lấy mẫu xét nghiệm.

Trung tâm Y tế quận Bình Tân thông tin đến các Trung tâm Y tế quận huyện khác danh sách các trường hợp tiếp xúc gần để điều tra truy vết.

Hiện HCDC, Trung tâm Y tế quận Bình Tân và các đơn vị liên quan đã đến công ty triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Kiểm tra và xác định danh sách tiếp xúc gần tại nơi làm việc, điều động khẩn đội lấy mẫu xét nghiệm đến trực tiếp công ty để lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp có nguy cơ, dự kiến 3.000 mẫu.

Sau khi lấy xong mẫu xét nghiệm, tất cả người lao động chung tầng lầu với ca nghi mắc sẽ phải cách ly tại nhà. Do công ty đã thực hiện các tiêu chuẩn an toàn trong phòng chống dịch, bệnh nhân chỉ tiếp xúc trong khu vực làm việc của mình nên không ảnh hưởng đến các khu vực khác.

Nơi cư trú của hai vợ chồng bệnh nhân tại Khu dân cư Nam Long, phường An Lạc, quận Bình Tân đã được phong tỏa, xử lý theo quy định từ tối 8-6 (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Đề nghị COVAX cung ứng vaccine sớm nhất cho Việt Nam

Tại buổi làm việc với bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đến việc UNICEF tăng cường trao đổi với COVAX để cung ứng vaccine càng sớm càng tốt về Việt Nam.

Song song với nỗ lực tìm kiếm, đàm phán và trao đổi với các đối tác, nhà sản xuất để đưa vaccine về Việt Nam, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cũng tập trung phát triển vaccine trong nước để dần tự chủ vaccine và gia nhập cơ chế cung ứng vaccine toàn cầu của COVAX.

Dù Bộ Y tế đã và đang nỗ lực cố gắng tiếp cận các nguồn vaccine để từ nay đến cuối năm tiêm cho 70% dân số nhằm tạo miễn dịch cộng đồng nhưng đến thời điểm này các nguồn vaccine về Việt Nam rất chậm.

Bà Rana Flowers cho biết, vaccine chuẩn bị chuyển về cho các quốc gia được cung ứng bởi cơ sở sản xuất mới đang được xem xét phê duyệt đưa vào danh sách sử dụng trong trường hợp khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngay sau khi được phê duyệt, vaccine sẽ được chuyển về cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam, dự kiến trong tháng 7 (Sài Gòn giải phóng, trang 11). 

 

Cả nước thêm 407 ca mắc Covid- 19

Chiều tối 9-6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày cả nước ghi nhận thêm 407 ca mắc Covid-19, trong đó có 26 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh; 381 ca ghi nhận trong nước, gồm: Bắc Giang (296 ca), TPHCM (40 ca), Bắc Ninh (35 ca), Hà Nội (5 ca)…

Tính đến tối cùng ngày, Việt Nam có 7.954 ca mắc Covid-19 trong nước và 1.611 ca nhập cảnh. Từ ngày 27-4 đến nay có 6.384 ca mắc. Cả nước có thêm 87 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng số người khỏi bệnh lên 3.636. Số ca tử vong vẫn là 55 (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

TP.HCM chuyển đổi 2 bệnh viện chuyên điều trị Covid-19

Hôm qua 9.6, Sở Y tế TP.HCM có công văn khẩn gửi các bệnh viện (BV) của TP.HCM về việc chuyển công năng BV Nhiệt đới. Theo đó, BV Bệnh nhiệt đới sẽ dành 400 giường để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19 và 40 giường hồi sức. BV Bệnh nhiệt đới tạm chuyển BN nội trú mắc các bệnh nhiễm khác (ngoại trừ BN uốn ván) đến các BV đa khoa, chuyên khoa có khoa nhiễm.

Cùng ngày, Sở Y tế cũng có công văn chỉ đạo khẩn BV huyện Củ Chi tạm chuyển đổi thành BV điều trị Covid- 19 Củ Chi với quy mô 500 giường, trong đó có 20 giường cấp cứu, hồi sức (khi có yêu cầu). Để triển khai thực hiện kế hoạch 2.000 giường điều trị với 200 giường hồi sức cho giai đoạn hiện nay và sẵn sàng mở rộng lên 5.000 giường cho tình huống xấu hơn, TP.HCM sẽ tạm chuyển đổi công năng 2 BV trên.

Hiện TP.HCM có 7 BV điều trị BN Covid-19 (chưa tính BV H.Củ Chi nếu chuyển đổi công năng) với quy mô 1.944 giường, 202 giường hồi sức, đang điều trị cho 550 BN (có 22 ca nặng) (Thanh niên, trang 4).

 

67% người được khảo sát cho biết sẵn sàng tiêm vắc xin Covid-19

Hôm qua, BYT thông tin, kết quả một khảo sát do UNICEF (Quỹ Nhi đồng LHQ) tại Việt Nam cùng đối tác thực hiện cho thấy, 67% người dân Việt Nam được hỏi cho biết sẵn sàng tiêm vắc xin phòng Covid- 19.

UNICEF thông báo, các đợt vắc xin chuẩn bị chuyển về cho các quốc gia tham gia cơ chế COVAX được cung ứng từ một cơ sở sản xuất mới đang được WHO xem xét phê duyệt đưa vào danh sách sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Ngay sau khi được phê duyệt, các liều vắc xin này sẽ được chuyển đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam, dự kiến trong tháng 7 tới (Thanh niên, trang 4).

Thanh Huyền tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 16/7/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/1/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 27/4/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận