Điểm báo ngày 10/7/2020

(CDC Hà Nam)
Dập bạch hầu như dập Covid-19; Nhiều người đi tiêm vaccine phòng bạch hầu; Ngày hội hiến màu “Giọt hồng yêu thương”

Dập bạch hầu như dập Covid-19

Chỉ hai ngày sau khi có quyết định triển khai tiêm ngừa vắcxin bạch hầu diện rộng tại 4 tỉnh Tây Nguyên, chiến dịch tiêm ngừa bệnh bạch hầu đã được phát động tại huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai chiều 9-7.

Theo ông Nguyễn Thanh Long – quyền bộ trưởng Bộ Y tế, sẽ có 4,7 triệu người dân từ 2 tháng tuổi trở lên của 4 tỉnh Tây Nguyên được tiêm ngừa vắcxin này.

Gấp rút triển khai chiến dịch

Có 2 điểm lạ trong vụ dịch này: thông thường bạch hầu xuất hiện ở trẻ nhỏ, nhưng trong vụ dịch này phần lớn người mắc bệnh lại trên 7 tuổi, thậm chí có người gần 60 tuổi. Điểm thứ 2, tỉ lệ tử vong trong số mắc bệnh cao hơn trung bình, khoảng 5,6%, trong khi thông thường ở cộng đồng đã được tiêm ngừa tỉ lệ tử vong khoảng 3%.

Số mắc bệnh vẫn có dấu hiệu gia tăng, dù cơ quan chức năng khẳng định đã tích cực khoanh vùng dập dịch. Vài ngày trước vùng Tây Nguyên có 53 ca mắc bạch hầu, đến ngày 9-7 con số này đã là 68 ca, 3 ca tử vong.

Chính vì vậy, chiến dịch tiêm vắcxin ngừa bạch hầu diện rộng đã được triển khai rất nhanh, thay vì bắt đầu từ quý 4-2020 theo lịch trước đây. Chiều 7-7, Bộ Y tế thông báo kế hoạch tiêm chủng và hai ngày sau chiến dịch đã được triển khai với một số lượng người được tiêm rất lớn: khoảng 4,7 triệu mũi tiêm và còn đang rà soát thêm, khoảng 11 triệu mũi tiêm.

“Chúng tôi đã sẵn sàng vắcxin và cung cấp ngay cho 4 tỉnh Tây Nguyên, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ luôn bơm kim tiêm cho chiến dịch. Trẻ 2-4 tháng tuổi sẽ tiêm vắcxin 5 trong 1, từ 18 tháng tuổi trở lên tiêm vắcxin 3 trong 1 (có thành phần bạch hầu), 7 tuổi trở lên tiêm vắcxin bạch hầu – uốn ván giảm liều. Đây là loại vắcxin rất an toàn” – phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương Dương Thị Hồng cho biết.

Vẫn có một số khó khăn khi triển khai chiến dịch. Vắcxin đủ, vật tư y tế đủ, nhưng người dân có đi tiêm hay không? Thời gian qua đã có tình trạng người có chỉ định tiêm vắcxin, uống kháng sinh phòng bệnh không tiêm hay uống do cho rằng mình không có bệnh nên không phải dự phòng.

Tuy nhiên, ông Viên Chinh Chiến, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết một số vùng đã lập nhóm vận động, mang thuốc kháng sinh đến tận nhà người dân. Giải pháp vận động sẽ được áp dụng với chiến dịch tiêm ngừa này.

“Truy vết” bạch hầu như COVID-19

Theo quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế sẽ đưa phần mềm và nhóm “truy vết” áp dụng trong dịch COVID-19 vào ngăn dịch bạch hầu. Trong dịch COVID-19, nhóm này đã làm việc 24/24 giờ với hiệu quả tốt, nay dịch bạch hầu cũng là bệnh lây qua đường hô hấp, nguy cơ lây lan cao nên cũng áp dụng truy vết để khoanh vùng ổ dịch tương tự.

“Tiêm vắcxin ngừa bạch hầu làm giảm nguy cơ biến chứng, nguy cơ mắc bệnh nhưng mầm bệnh vẫn còn, vì vậy phải phát hiện thật sớm ca mắc, khoanh vùng ổ dịch, cho uống kháng sinh dự phòng và cuối cùng tiêm vắcxin là giải pháp căn cơ để năm sau, năm sau nữa không có dịch” – ông Long chia sẻ.

Đây là chiến dịch tiêm ngừa có quy mô lớn thứ 2 ở Việt Nam trong 10 năm qua. Trước đó, năm 2014-2015 đã có khoảng 20 triệu trẻ được tiêm vắcxin ngừa sởi – rubella. Tuy nhiên, đây là tiêm ngăn chặn dịch nên thời gian chuẩn bị nhanh chóng hơn, gấp rút hơn để sớm có miễn dịch rộng rãi trong cộng đồng khu vực Tây Nguyên và từ đó ngăn dịch lây lan sang các tỉnh lân cận, cả nước. (Tuổi trẻ, trang 14; Nhân dân, trang 8; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Lao động, trang 1; An ninh thủ đô, trang 7; Tiền phong, trang 1; Phụ nữ Việt Nam, trang 14).

 

Nhiều người đi tiêm vaccine phòng bạch hầu

Sáng 9-7, tại nhiều trung tâm y tế quận, huyện ở TPHCM, lượng người đến tiêm vaccine bạch hầu tăng mạnh.

Nhiều trung tâm không đủ vaccine ngừa bệnh bạch hầu dạng dịch vụ, chỉ có loại nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí và chỉ tiêm cho trẻ em. Người lớn có nhu cầu tiêm không được đáp ứng vì hết vaccine dịch vụ, qua tuần mới có hàng. Đến Trung tâm Y tế quận 12 từ sáng, anh Nguyễn Tất Đạt (ngụ phường Hiệp Thành) cho biết, hôm nay chở vợ đi tiêm chủng vì sợ lây bệnh nhưng trung tâm đã hết nên phải đi nhanh sang cơ sở khác để chích ngừa.

Tại Viện Pasteur TPHCM, khu tiêm ngừa đông nghẹt bệnh nhân đứng xếp hàng. Mới 8 giờ sáng, bảng hiển thị số thứ tự tiếp nhận đã lên con số 1.280. Hầu hết khách hàng ngồi chờ là người lớn. Anh Nguyễn Cao Cường (40 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết, anh phải xin nghỉ làm để đưa vợ và em trai đi tiêm vaccine phòng bạch hầu. “Tôi nghe nói bệnh bạch hầu nguy hiểm, tỷ lệ mắc và tử vong cao hơn cả Covid-19, nhưng bệnh này đã có vaccine nên tôi đưa cả nhà đi chích ngừa, phòng bệnh hơn chữa bệnh”, anh Cường cho hay.

Còn tại Trung tâm Tiêm chủng Việt Nam (VNVC), đặc biệt là VNVC tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng…, số lượng người đến tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu tăng đột biến 200% – 300%. Đa số khách hàng là trẻ em nhưng cũng có khá nhiều người trưởng thành, người lớn tuổi có ý thức chủ động đi tiêm chủng phòng bệnh. Hiện VNVC đang còn vaccine 3 trong 1 BOOSTRIX giá 735.000 đồng/liều và vacicne 6 trong 1 INFARIX HEXA (đều do Bỉ sản xuất) giá 1.015.000 đồng/liều và vaccine 4 trong 1 TETRAXIM giá 458.000 đồng/liều (dành cho trẻ từ hai tháng tới 13 tuổi).

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC, từ năm 1990, Việt Nam đã sản xuất được vaccine bạch hầu – ho gà – uốn ván và đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng dành cho trẻ 2 – 4 tháng. Chương trình tiêm chủng quốc gia có loại vaccine bạch hầu – uốn ván nhưng loại vaccine này chỉ tiêm cho trẻ lớn và người lớn, chỉ tiêm chiến dịch khi có bệnh bùng phát, không tiêm chủng rộng rãi.

Bạch hầu là bệnh có vaccine nên người dân không cần quá hoang mang. Trẻ em đã lớn dù từng chích vacicne bạch hầu rồi nay vẫn có thể chích nhắc lại. Những người lớn không nhớ rõ mình đã được chích vaccine bạch hầu hay chưa thì bây giờ cũng chỉ cần chích một mũi. Thời gian cơ thể được bảo vệ sau khi chích vaccine bạch hầu khoảng 5 – 10 năm. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Ngày hội hiến màu “Giọt hồng yêu thương”

Tại Ngày hội hiến máu “Giọt hồng yêu thương”, đã có gần 1.000 người tham gia hiến máu, trong đó lực lượng Công an Sơn La có hơn 200 CBCS tham gia.

Ngày 9/7, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Sơn La đã phối hợp với Viện Huyết học Truyền máu trung ương tổ chức Chương trình “Hành trình đỏ kết nối dòng máu Việt” với chủ đề: Ngày hội hiến máu “Giọt hồng yêu thương”.

Tại Ngày hội hiến máu “Giọt hồng yêu thương”, đã có gần 1.000 người tham gia hiến máu, trong đó Công an Sơn La có hơn 200 CBCS tham gia. Hiến máu tình nguyện đã trở thành truyền thống tốt đẹp của cán bộ đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Sơn La.

Những giọt máu nghĩa tình đã góp phần chia sẻ khó khăn, hoạn nạn của người bệnh đồng thời khơi dậy truyền thống tình yêu thương con người trong lòng mỗi cán bộ chiến sĩ, nêu cao tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ Công an đối với cộng đồng xã hội. (Công an nhân dân, trang 1)

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 15/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/6/2019

Mậu Ngọ

Điểm báo ngày 13/9/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận