Điểm báo ngày 11/3/2019

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 11/3/2019

Khẩn trương ngăn chặn dịch sởi lây lan ra cộng đồng ; Hà Nội: Bác sĩ dùng Ipad để chỉ định và kê thuốc thay vì ghi sổ khám bệnh; 70% số người hút thuốc lá đã cố gắng để bỏ thuốc; Mở cổng nhắn tin ủng hộ bệnh nhân lao; Bác sĩ Nguyễn Đình Phú – người chỉ biết lo cho người khác; Bệnh nhân HIV/AIDS được nhận thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế…

 

Khẩn trương ngăn chặn dịch sởi lây lan ra cộng đồng ​

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các trạm y tế của TP Hồ Chí Minh nâng số ngày tiêm chủng từ 1 ngày như hiện nay lên thành 2-3 ngày, thậm chí là 4 ngày; đồng thời, lập các đội tiêm chủng lưu động, tìm mọi cách “vá lỗ hổng” đang tồn tại trong tiêm chủng, sớm ngăn chặn dịch sởi lây lan ra cộng đồng.

Lỗ hổng khiến bệnh sởi gia tăng

Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu vừa kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, nơi đang có số ca mắc bệnh sởi tăng cao bất thường từ cuối năm 2018 đến nay.

Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Từ năm 2018 đến hết tháng 2-2019, thành phố ghi nhận 4.327ca sởi, trong đó riêng 2 tháng đầu năm 2019 có đến hơn 2.600 ca. Dù hiện nay số ca sởi đang có xu hướng giảm nhưng vẫn còn rất cao so với những năm trước. Bệnh sởi xuất hiện ở 285/319 phường xã, chiếm 89%, riêng những quận, huyện giáp ranh các tỉnh và có khu công nghiệp thì số ca mắc sởi tăng cao.

Trước tình hình đó, Sở Y tế thành phố đã thực hiện chiến dịch bổ sung tiêm vaccine sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi. Thành phố có khoảng 300.000 trẻ trong độ tuổi này chưa tiêm chủng hoặc chưa rõ lịch sử tiêm chủng. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai tích cực, độ bao phủ vaccine này của thành phố cũng mới chỉ đạt 85%.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, một trong những khó khăn hiện nay là các địa phương vẫn chưa thể quản lý được tình trạng tiêm chủng của trẻ trong cộng đồng, nhất là những trẻ không đến trường, ở nhà ông bà giữ hoặc gửi người quen… Đây chính là những “lỗ hổng” khiến cho bệnh sởi gia tăng nhanh trong thời gian qua.

Vận động phụ huynh cho trẻ đi tiêm đầy đủ

Liên quan đến những vấn đề khó khăn hiện nay, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng: Sở Y tế thành phố nên triển khai tiêm phòng vaccine trong các bệnh viện nhi bởi hiện 3 bệnh viện nhi đồng của TP Hồ Chí Minh mỗi ngày tiếp nhận số lượng lớn trẻ đến khám bệnh và điều trị.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần “đẩy” vaccine sởi của chương trình tiêm chủng mở rộng vào các cơ sở tiêm chủng dịch vụ vì đặc điểm của cư dân đô thị là ưa chuộng vaccine dịch vụ và sẵn sàng bỏ qua mũi sởi 9 tháng để chờ đến khi trẻ 12 tháng mới tiêm dịch vụ mũi tổng hợp sởi – quai bị – rubella.

Mặt khác, theo bác sĩ Trương Hữu Khánh, cần đẩy mạnh tuyên truyền đúng để người dân nâng cao nhận thức, không theo phong trào “anti vaccine” (bài trừ vắc xin) trên mạng xã hội. Kiểm tra thực tế về công tác phòng chống dịch tại thành phố, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phối hợp với ngành giáo dục, UBND các quận, huyện tích cực triển khai các biện pháp đẩy mạnh điều tra tình trạng tiêm chủng trong cộng đồng, nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi để vận động phụ huynh tiêm chủng cho trẻ đầy đủ.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông trực tiếp tại những khu vực đông dân nhập cư, nhà trọ công nhân để họ hiểu đúng về tiêm chủng vắc xin cũng cần được chú trọng, kết hợp với tuyên truyền về phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các trạm y tế cần nâng số ngày tiêm chủng từ 1 ngày như hiện nay lên thành 2-3 ngày, thậm chí là 4 ngày trong 1 tháng để tạo thuận lợi hơn cho người dân khi đưa trẻ ra tiêm chủng. Đồng thời, Trung tâm Y tế thành phố cần lập các đội tiêm chủng lưu động, tìm mọi cách “vá lỗ hổng” đang tồn tại trong tiêm chủng, sớm ngăn chặn dịch sởi lây lan ra cộng đồng. (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Hà Nội: Bác sĩ dùng Ipad để chỉ định và kê thuốc thay vì ghi sổ khám bệnh

Chỉ với vài thao tác trên máy tính, các bác sĩ đã có đầy đủ thông tin của bệnh nhân nhờ áp dụng bệnh án điện tử, thậm chí có bệnh viện còn thí điểm ứng dụng nhận diện vân tay bệnh nhân, bác sĩ ra y lệnh và kê thuốc trên Ipad…Như Báo ANTĐ đã đưa tin, bắt đầu từ 1-3 vừa qua, các cơ sở y tế đã chính thức áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định tại Thông tư 46 của Bộ Y tế.

Bệnh án điện tử là kho dữ liệu thông tin sức khỏe cá nhân trong suốt cuộc đời mỗi người. Hơn nữa, khi bệnh án này được thông suốt giữa các tuyến y tế sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn.

Tại Hà Nội, đến thời điểm này, một số bệnh viện của thành phố đã bước đầu áp dụng bệnh án điện tử và mang lại thay đổi tích cực, giúp người bệnh thuận lợi hơn khi khám, chữa bệnh.

Chẳng hạn, tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, trước khi triển khai quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh viện đã ứng dụng thẻ từ thông minh. Hơn 15.000 người dân đã được cấp thẻ từ của bệnh viện, khi vào viện chỉ cần quẹt thẻ mất 5-10 giây là hoàn thành đăng ký khám bệnh thay vì phải xếp hàng lấy số chờ khám hàng tiếng đồng hồ như trước.

Năm 2018, bệnh viện này cũng đã thí điểm ứng dụng nhận diện vân tay bệnh nhân. Theo đó, những bệnh nhân đã từng đến khám tại bệnh viện, sau khi quét vân tay thì hệ thống sẽ hiển thị các thông tin cá nhân, lịch sử khám chữa bệnh và hỗ trợ đăng ký khám.

Đặc biệt, từ cuối năm 2018, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã được UBND TP Hà Nội giao thực hiện thí điểm phần mềm mới để chuẩn bị cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Đến nay, phần mềm này được triển khai thí điểm ở một số khoa. Theo đó, khi khám và điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ dùng Ipad để cập nhật tình trạng bệnh nhân và chỉ định thay vì dùng bút ghi sổ khám bệnh như trước.

Hay tại Bệnh viện Tim Hà Nội, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối đồng bộ tất cả các quy trình từ tiếp đón, khám bệnh, nhập viện, thanh toán viện phí đã giúp giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.

Theo bác sĩ Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, việc triển khai bệnh án điện tử giúp các bác sĩ gần như có toàn bộ bệnh án của bệnh nhân chỉ sau vài phút thao tác trên máy vi tính.

Cũng theo đại diện các bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử, khi triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh nhân sẽ không còn phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh; việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế minh bạch hơn. Mặt khác, bác sĩ ra y lệnh và kê thuốc trên Ipad nên không có tình trạng bệnh nhân không thể đọc được chữ bác sĩ; bệnh viện không mất nhiều diện tích để lưu trữ hồ sơ bệnh án…

Tuy nhiên, hiện nay, việc ứng dụng bệnh án điện tử trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước chưa toàn diện, gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là do thiếu kinh phí để đầu tư phần mềm quản lý dữ liệu, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực… Vì vậy, việc triển khai chủ trương này cũng cần lộ trình phù hợp. (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

70% số người hút thuốc lá đã cố gắng để bỏ thuốc

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) – Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, điều tra mới đây cho thấy tỷ lệ người nghiện thuốc lá cố gắng bỏ thuốc đã tăng lên, tỷ lệ người hút thuốc đã giảm…

Sáng nay, 10-3, tại Hà Nội, Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá phối hợp với Hội mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức phát động Cuộc thi vẽ tranh cổ động về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Phát biểu tại buổi phát động, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, mục đích của cuộc thi nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế và môi trường; tuyên truyền về Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và tiếp tục nâng cao nhận thức về tác hại của hút thuốc…

Theo ông Khuê, 4 năm vừa qua, nhờ đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông đã tác động tích cực đến thái độ và hành vi của cả người hút thuốc lá cũng như người không hút thuốc. Kết quả, số người hút thuốc nhận được lời khuyên bỏ thuốc từ người thân tăng từ 44% năm 2017 lên 50% vào năm 2018.

Đặc biệt, 70% số người hút thuốc đã cố gắng bỏ thuốc, hơn 60% người không hút thuốc đã có cố gắng nhắc và khuyên người hút thuốc bỏ thuốc. Quan trọng hơn, tỷ lệ hút thuốc chung của nam giới khu vực thành thị đã giảm được 5% so với năm 2010.

Cuộc thi vẽ tranh cổ động về phòng, chống tác hại của thuốc lá thu hút đối tượng tham gia gồm cả chọa sỹ chuyên nghiệp và không chuyên. Tác phẩm dự thi là các tranh cổ động phản ánh các thông tin liên quan đến tác hại của thuốc lá, ý nghĩa và mong muốn của mọi người về việc được sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc…

Ban Tổ chức cuộc thi bắt đầu nhận tranh dự thi từ ngày 10-3 đến hết ngày 4-5-2019. Về cơ cấu giải thưởng, cuộc thi sẽ có 1 giải nhất trị giá 15 triệu đồng, 2 giải nhì (mỗi giải 13 triệu đồng), 3 giải ba (mỗi giải 12 triệu đồng), 7 giải khuyến khích (mỗi giải 8 triệu đồng) và 1 giải phong trào trị giá 15 triệu đồng cho đơn vị vận động được nhiều tác giả, tác phẩm có chất lượng tốt tham gia dự thi. (An ninh Thủ đô, trang 3; Hà Nội mới, trang 7).

 

Mở cổng nhắn tin ủng hộ bệnh nhân lao

Bắt đầu từ ngày 10-3, Bệnh viện Phổi Trung ương – Chương trình Chống lao quốc gia – Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB. Mỗi tin nhắn sẽ đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao 18.000 đồng để giúp đỡ bệnh nhân lao. Thời gian nhắn tin từ 0h ngày 10-3 đến 24h ngày 9-5-2019. Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402 (18.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn).

“Mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của 12.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao, trong đó có người thân của mỗi chúng ta. Đầu tư 1 đồng cho lao, chúng ta có thể thu về cho xã hội 46 đồng theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2017 Việt Nam có 124.000 người mắc lao mới. Chương trình Chống lao Quốc gia đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, còn lại hơn 20.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng. Số người chết do lao năm 2017 ở Việt Nam ước tính là 12.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông. Số người chết do lao chủ yếu là những người chưa được phát hiện và điều trị theo đúng hướng dẫn của Chương trình Chống lao quốc gia.

Trong đợt vận động nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao năm 2018, Chương trình đã nhận được 23.232 tin nhắn, tương đương với 418.176.000 đồng tiền ủng hộ. Ban Tổ chức chương trình đã sử dụng số tiền trên hỗ trợ hơn 100 lượt người bệnh có hoàn cảnh khó khăn mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ viện phí, dinh dưỡng… (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Bác sĩ Nguyễn Đình Phú – người chỉ biết lo cho người khác

Cứu người, lo lắng cho đồng nghiệp nhưng ông lại không cứu được chính mình bởi mắc căn bệnh ác tính. Ông mãi mãi ra đi ở tuổi 59…

  1. Trong một ca mổ.

– Cho kháng sinh trước mổ chưa?

– Dạ rồi.

– Bác sĩ mổ được chưa?

– Dạ, được rồi.

– Bắt đầu!

Đó là cuộc hội thoại giữa phẫu thuật viên (PTV) Nguyễn Đình Phú, đồng thời là phó giám đốc BV Nhân dân 115, với bác sĩ gây mê trong phòng mổ cho bệnh nhân thay khớp háng vào ngày 22-2-2014.

Dù làm việc nhiều lần với ông nhưng đây là lần tôi vào phòng mổ cùng ông và tận mắt chứng kiến cảnh thay khớp háng cho bệnh nhân. Dù là PTV chính nhưng khi nói về ca mổ, ông lại tán thưởng bác sĩ gây mê.

Ông nói: “Bác sĩ gây mê-hồi sức là những chiến sĩ thầm lặng, đứng sau PTV. Nếu một ca mổ, PTV đảm bảo được nhưng trên nền bệnh nhân có quá nhiều bệnh nội khoa thì phải cân nhắc mổ làm sao để thành công cao, lúc này vai trò của bác sĩ gây mê-hồi sức là phải điều chỉnh bệnh nhân, đề ra phương pháp gây mê, thời gian phẫu thuật hợp lý. Trong lúc mổ, họ theo dõi sát bệnh nhân từ huyết động đến sinh hiệu và PTV đừng gây ra những tai biến bất thường. Thí dụ trong mổ tim, họ cho ngưng tim hoàn toàn, nếu sơ suất một tí là bệnh nhân tử vong ngay. Trong giới chuyên môn đánh giá rất cao bác sĩ gây mê-hồi sức, tuy nhiên còn có một ít người chỉ biết mổ mà không nghĩ đến gây mê-hồi sức. Còn ngoài xã hội ít thấy vai trò của họ”.

  1. Tôi còn nhớ tháng 12-2015, bà cụ 103 tuổi té gãy liên mấu xương đùi, kèm một số bệnh nội khoa khác, ông hội chẩn và quyết định thay khớp háng cho cụ.

Nói về quyết định táo bạo của mình vì nguy cơ bà cụ tử vong trên bàn mổ là rất cao, ông bảo nếu để bà cụ nằm một chỗ chắc chắn sẽ chết rất nhanh. Phải làm cho bà cụ tự sinh hoạt được. Và ca phẫu thuật đầy tâm huyết của ông đã thành công. Bà cụ tự đi đứng được. Bà cụ vui một, có lẽ ông vui đến mười.

Không chỉ giỏi chuyên môn, ông còn là một thầy thuốc có tấm lòng rộng mở. Ông không chỉ lo viện phí mà còn giúp cả tiền ăn uống bồi bổ sau khi ra viện, thậm chí giúp trả nợ cho bệnh nhân.

Có lần tôi vào khoa Chấn thương chỉnh hình để viết về một ca bệnh nhân nghèo gặp tai nạn nguy kịch. Viết xong, ông bảo ở khoa này, PV nên tìm hiểu các anh chị em điều dưỡng, họ tự góp tiền, kêu gọi giúp cho bệnh nhân hàng trăm triệu đồng.

  1. Cứu người, lo lắng cho đồng nghiệp nhưng ông lại không cứu được chính bản thân mình bởi mắc phải căn bệnh ác tính. Nhiều lần chữa trị đều tái phát. Rồi có lần ông nói thôi thì bản thân đến đâu hay đến đó như buông xuôi. Nói là nói về mình nhưng với công việc, ông không hề buông xuôi.

Bốn tháng trước nằm phòng săn sóc đặc biệt, cách ly tại BV Nhân dân 115 nhưng nhớ phòng làm việc nên ông mặc áo blouse lên phòng ngồi đọc tài liệu. Mệt, ông trở xuống phòng bệnh…

Tưởng nhớ ông, người đã hết lòng vì bệnh nhân, yêu thương đồng nghiệp.

Cánh chim đầu đàn của ngành cơ xương khớp

Cả đời TS.BS. Nguyễn Đình Phú, Phó GĐ BV Nhân Dân 115, theo đuổi sự nghiệp cứu người, sáng tạo ra những kỹ thuật mới.

Nói đến BS Nguyễn Đình Phú là nói đến cánh chim đầu đàn của ngành cơ xương khớp. Tự nhận mình có duyên với người già, BS Phú đã đi đầu trong việc xây dựng quy trình nghiêm ngặt để thay khớp háng ít xâm lấn, trả lại những bước đi quý giá cho người bệnh lớn tuổi.

Không ít lần chứng kiến bệnh nhân bị biến chứng nhiễm trùng viêm xương sau mổ hở để đặt nẹp, ông ôm ấp ý tưởng điều trị gãy kín mâm chày bằng khung cố định ngoài tự tạo.

Sau sáu năm mày mò nghiên cứu với bao lần thí nghiệm, ý tưởng khung cố định gọn nhẹ, không cản quang của ông ra đời, nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trong điều trị các chấn thương vùng gối ở nhiều bệnh viện. Sáng kiến này đã trở thành phương pháp mới trong phẫu thuật ngoại khoa xương khớp, đặc biệt phẫu thuật xương chày của cả nước… (Pháp luật TP. HCM, trang 5).

 

Bệnh nhân HIV/AIDS được nhận thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế

Ngày 8/3, tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), Bộ Y tế phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đã chính thức khởi động sự kiện ‘Những bệnh nhân HIV/AIDS đầu tiên điều trị thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế (BHYT)’. Trên cả nước hiện có hơn 115.000 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc ức chế sự phát triển của virus HIV trong cơ thể người bệnh (ARV). 10 năm qua, việc triển khai điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc ARV hầu hết từ nguồn tài trợ quốc tế. Điều này đã góp phần nâng cao sức khỏe cho người bệnh và loại bỏ nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, các nguồn tài trợ cho bệnh nhân HIV/AIDS đã bị cắt giảm gần hết, vì vậy việc tham gia BHYT và nhận thuốc ARV từ bảo hiểm sẽ giúp người nhiễm đảm bảo chất lượng điều trị. Phát biểu tại buổi lễ, đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ cho hay, trên thế giới hiện nay, có rất ít nước đang phát triển dùng BHYT để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV. Việt Nam là nước duy nhất huy động nguồn lực trong nước thông qua BHYT để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV. Điều này có được nhờ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về tính lâu dài cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Việc Việt Nam chính thức chi trả thuốc ARV từ nguồn BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS được bạn bè quốc tế, các tổ chức, xã hội đánh giá cao. Đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong việc bảo đảm nguồn lực hoạt động tài chính trong nước cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam và đảm bảo người sống chung với HIV được tiếp cận các dịch vụ điều trị.

Ngay trong ngày đầu phát động sự kiện, có không ít bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS khu vực quận Nam Từ Liêm đã đến nhận thuốc và họ có chung chia sẻ: Việc thanh toán điều trị thuốc ARV từ nguồn BHYT đã giúp họ có tâm lý ổn định hơn, vì người bệnh giảm tải được nhiều khó khăn khi điều trị lâu dài.

Bộ Y tế cũng đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV để tránh tình trạng nhận thuốc nhiều nguồn. (Pháp luật TP. HCM, trang 5).

 

Tự chủ bệnh viện gây khó người bệnh?

Bộ Y tế đánh giá điểm được nhất khi thực hiện tự chủ tài chính là tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế. Thế nhưng vẫn còn thiếu nhiều chính sách để “quản” tự chủ, đặc biệt người bệnh sẽ “thiệt đơn thiệt kép” bởi khi liên doanh liên kết, giá thiết bị, máy móc bị đẩy cao lên so với thực tế … (Tuổi trẻ, trang 1).

 

Thầy thuốc của người dân làng biển

Mười năm qua, người dân làng biển Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã quen với hình ảnh thầy thuốc mang quân hàm xanh, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), y sĩ Ninh Công Khánh, nhân viên quân y Đồn Biên phòng Hải Vân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đà Nẵng tận tình khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Mô hình Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên được triển khai theo sáng kiến của Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng và được Quỹ hỗ trợ thiên tai miền trung đầu tư kinh phí 2,5 tỷ đồng xây dựng công trình dân sinh “3 trong 1”: nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà tránh trú bão và phòng khám quân, dân y kết hợp của biên phòng thành phố nói chung và Đồn Biên phòng Hải Vân nói riêng. Đây cũng là nơi làm việc của y sĩ Ninh Công Khánh từ năm 2009 đến nay. Cùng với việc thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, y sĩ Khánh luôn tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo được niềm tin trong cộng đồng dân cư. Lúc đầu, mọi người còn e dè, nhưng khi người này đỡ bệnh rồi đi nói với người kia, bà con dần tin tưởng đến châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt và chữa trị ngày càng đông. Ngoài giờ hành chính, anh còn đi khắp làng biển khám, chữa bệnh lưu động cho những người bệnh đi lại khó khăn.

Cuối năm 2015, y sĩ Khánh được điều chuyển về Bệnh xá Biên phòng thành phố. Biết tin này, bà con làng biển kéo về chật kín cả phòng khám mong muốn anh ở lại. Trước tình cảm sâu nặng ấy, mượn tạm một căn nhà của người dân địa phương, hằng ngày, cứ sau giờ làm việc ở Bệnh xá Biên phòng thành phố, y sĩ Khánh lại chạy xe máy vượt hơn 20 km về làng biển khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân. Mọi máy móc, vật dụng anh đều tự bỏ tiền túi ra mua sắm. Sau đó, anh chủ động đề nghị với địa phương cho mượn nhà sinh hoạt cộng đồng của Tổ dân phố số 8, phường Hòa Hiệp Bắc để tác nghiệp. Năm 2016, người dân khu vực Kim Liên làm đơn đề nghị với Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng điều động “thầy thuốc Khánh” trở lại với phòng khám quân dân y kết hợp. Về lại làng biển, được giao phụ trách cả hai nơi khám và chữa bệnh, trung bình mỗi ngày anh chữa trị cho gần 50 lượt người, công việc thường kéo dài đến gần 22 giờ mới xong.

Trước đây, mỗi năm có hai cơ số thuốc dự phòng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của trên cấp cho nên có thể vận dụng cấp miễn phí cho người dân. Nhưng từ năm 2017, thuốc được quyết toán theo quy định bảo hiểm y tế. Trước khó khăn đó, Đại úy QNCN Ninh Công Khánh đã bàn với khu dân cư vận động các nhà hảo tâm và cả sự đóng góp, ủng hộ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Vân để mua thuốc. Thấy vậy, bà con đề nghị xin góp thêm 15 nghìn đồng/hai ngày thuốc điều trị. Tính đến nay, anh đã vận động được hơn 60 triệu đồng mua thuốc và trang thiết bị y tế. Mười năm qua, thầy thuốc Khánh đã khám, chữa bệnh cho hơn 4.000 lượt người bệnh trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc và người dân từ các quận, huyện khác. Những chứng bệnh như thoái hóa xương khớp, tai biến mạch máu, hay tai nạn giao thông… được anh sử dụng kết hợp đông tây y, hay phương pháp tác động cột sống tùy theo từng người bệnh cho phù hợp. Những năm qua, anh đã chữa trị thành công nhiều người mắc bệnh xương khớp mãn tính, tai biến mạch máu não ở phường Hòa Hiệp Bắc. Đặc biệt, bệnh nhân Lê Thị Thanh Hiền, tổ 28, bị tai nạn giao thông với chẩn đoán của Bệnh viện Đà Nẵng là chấn thương sọ não, liệt tứ chi; qua thời gian điều trị tại phòng khám quân dân y kết hợp, đến nay đã chống nạng đi lại và tự làm được sinh hoạt cá nhân. Bệnh nhân Nguyễn Văn Định bị liệt tứ chi do tai biến mạch máu não, qua thời gian điều trị đã làm được những việc phổ thông…

Chia sẻ về những dự định của mình, Đại úy QNCN Ninh Công Khánh bộc bạch: “Sau này, nghỉ hưu rồi, tôi sẽ vẫn tiếp tục công việc ở đây. Bà con còn nhiều khó khăn, còn cần đến, mình giúp được chừng nào cũng cố gắng làm hết sức”. (Nhân dân, trang 7).

 

Người dân từ chối tiêm vắc xin, dịch sởi bùng phát mạnh

Dịch sởi vẫn chưa có dấu hiệu giảm, các ca mắc tiếp tục tăng. Đáng lo ngại, khoảng 90% các trường hợp mắc sởi là do chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Lo ngại trước vấn đề này, Bộ Y tế vừa ra chỉ thị mới nhất về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi … (Lao động, trang 1).

 

Bộ trưởng Bộ Y tế: Con trẻ mắc sởi, mẹ cũng cần tiêm ngừa

Không chỉ ưu tiên tiêm ngừa sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 18 tháng tuổi, những người mẹ có con mắc sởi cũng cần đi chích ngừa sởi càng sớm càng tốt, bởi nếu sau đó họ tiếp tục sinh con, những đứa trẻ đó sẽ có nguy cơ mắc sởi khi chưa đủ 9 tháng tuổi. Đó là lời khuyến cáo mà TTND. PGS. TS. BS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, đã đưa ra trong chuyến công tác kiểm tra tình hình phòng chống dịch sởi tại TP.HCM. Bộ trưởng Bộ Y tế đã khảo sát thực tế tại Trạm Y tế phường 15 – Quận 8, BV. Nhi Đồng 1, sau đó làm việc chung với lãnh đạo UBND và các Trung tâm Y tế của 24 quận huyện của địa bàn TP.HCM.

Lần theo dấu vết, truy tìm vì sao trẻ mắc sởi?

2 tháng đầu năm 2019, TP.HCM ghi nhận 2.634 ca sởi trong khi cả năm 2018 chỉ 1.693 ca. Phân tích theo nhóm tuổi, ghi nhận tần suất mắc bệnh ở các nhóm tuổi như sau: 14% dưới 9 tháng tuổi, 9% từ 9 – 11 tháng tuổi; 12% từ 12 – 24 tháng; 19% từ 2 – 4 tuổi; 28% từ 5 – 16 tuổi; 17% từ 17 tuổi trở lên.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặt câu hỏi: “Vì sao tiêm chủng vắc xin ngừa sởi tại TP.HCM mũi 1 đạt trên 95% và mũi 2 là 85%, nhưng vì sao sởi vẫn tăng?”

Giải đáp câu hỏi đó, theo BS. Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, quản lý đối tượng tiêm là việc vô cùng khó khăn, nhất là dân nhập cư biến động. Thứ 2 là trong phần mềm tiêm chủng, địa chỉ khai báo không rõ ràng, không đúng số điện thoại nên khi các phường, xã cập nhật thông tin lên gần 30% trẻ không thể tiếp cận được…

Hàng năm có đến 4 – 5% trẻ chưa tiêm chủng mũi 1, cứ 4 – 5 năm như vậy số trẻ chưa tiêm có thể lên đến gần 20.000, khả năng mắc bệnh cho trẻ và lây truyền trong cộng đồng rất cao.

Qua rà soát số trẻ không không tham gia tiêm trong chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi – rubella cho trẻ 1 – 5 tuổi toàn thành phố, các chuyên gia y tế dự phòng nhận thấy: trẻ được tiêm ít nhất 1 mũi MMR trước đó là 96.893 trẻ (32,8%, trong tổng số trẻ cần tiêm sau khi điều tra trên địa bàn thành phố là 295.637 trẻ).

“Vì vậy, độ bao phủ phòng bệnh sởi, rubella của đối tượng cần tiêm sởi trên toàn thành phố đạt 85,8%, không đạt mục tiêu 95% miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng,” BS. Dũng cho biết

Bên cạnh đó, trẻ đồng ý tiêm chiến dịch nhưng hoãn tiêm, vắng tại buổi tiêm, chống chỉ định là 6%. Trẻ không đồng ý tham gia tiêm chiến dịch nhưng không cung cấp tiền sử tiêm chủng là gần 9%.

Mặt khác, trong chương trình tiêm chủng mở rộng, mũi sởi 1 sẽ được chích vào lúc trẻ được 9 tháng tuổi, mũi 2 là 18 tháng. BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm -Thần kinh (BV Nhi Đồng 1), cho biết cần phải có một “kế hoạch cho tương lai”, tập trung vào các nhóm chích ngừa nhiều “nguy cơ” như trường học, tiêm ngừa sởi cho trẻ (nhập viện do các bệnh khác) tại bệnh viện trước khi xuất viện, nhóm trẻ gia đình, nhà trọ.

  1. Trương Hữu Khanh vô cùng e ngại khi nêu lên một hiện tượng mà ông gọi đó là “mũi sởi đơn 9 tháng” khi người thành thị chờ mũi dịch vụ chích vào lúc 12 tháng tuổi. Sau đó, phụ huynh được “huấn luyện” chờ đến 3 – 4 năm sau mới tiêm lại mũi 2, như vậy trẻ mất rất nhiều cơ hội tiêm mũi 2 sớm hay thậm chí là không tiêm đủ hai mũi và sẽ mắc sởi.

Tiêm chủng ưu tiên cho trẻ dưới 5 tuổi, tập trung tiêm sởi cho đối tượng trẻ 9 tháng tuổi. Tiêm chủng dịch vụ đối với vắc xin sởi – quai bị – rubella theo yêu cầu của nhà sản xuất là tiêm mũi 1 bắt đầu khi trẻ 12 tháng. PGS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, đề nghị, “quyền trong tay Sở Y tế” do đó nếu đơn vị tiêm chủng dịch vụ nào không thực hiện tiêm vắc xin ngừa sởi cho trẻ theo đúng yêu cầu của chương trình tiêm chủng quốc gia, Sở Y tế TP.HCM có thể xử lý quyết liệt. Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh sởi bùng phát là do ông bà ngày xưa không tiêm ngừa sởi cho con gái. Sau đó, con gái lớn lên, có con nhưng không có kháng thể truyền cho con nên con cái dễ mắc sởi khi chưa đến 9 tháng tuổi…

Tăng cường lịch tiêm chủng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo: “Các trạm y tế phường/xã cần tạo cơ hội để mỗi tuần đều tổ chức tiêm chủng, tập trung công tác y tế công cộng, phòng bệnh, đặc biệt ở các phường có tỷ lệ mắc bệnh sởi nhiều; dù chỉ có 2 trẻ đến tiêm vào ngày hôm đó. Vì có nhiều lý do khiến trẻ “vuột mất” ngày tiêm ngừa như trẻ sốt, cha mẹ bận, quên…”

PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, không quan trọng trẻ ở đâu, mà quan trọng trẻ đã được tiêm chủng chưa. Mất nhiều công sức nhất vẫn là công tác quản lý đối tượng: sinh trên địa bàn, nhập cư, báo xong lại đi…

Phần mềm quản lý tiêm chủng hỗ trợ rất nhiều trong việc quản lý trẻ trong diện tiêm chủng. Tuy nhiên, việc quản lý các đối tượng tiêm vẫn phải bắt đầu từ thực tế, quản lý từ hộ gia đình cho đến trường học, phối hợp các ngành chức năng như tổ dân phố, công an phường.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, việc tiêm ngừa không ngại trẻ ở đâu vì đâu cũng là dân mình; nhưng trên hết vẫn phải tìm cho được trẻ chưa được tiêm ngừa sởi.

Bộ Y tế cũng đang thành lập hội đồng khoa học xem xét việc mở rộng tiêm chủng cho những trẻ chống chỉ định tiêm trước đây như mắc các bệnh lý tim mạch, để giảm số trẻ mắc và tử vong. Nhưng nhóm trẻ này phải được tiêm ở bệnh viện hoặc các cơ sở đủ điều kiện khám chữa bệnh.

Các chuyên gia sẽ thống nhất về các chỉ định và chống chỉ định, cụ thể hoá đối với từng loại vắc xin nhằm mở rộng độ bao phủ chích ngừa, đặc biệt là đối với vắc xin sởi. Vắc xin sởi là một vắc xin gần như không có biến chứng, hiệu lực bảo vệ lên đến 100%.

Một ca mắc sởi là một ổ dịch

Sởi là một một bệnh lây dễ nhất trong các loại bệnh truyền nhiễm, nên phải coi một ca bệnh sởi là một “ổ dịch.” Khi một trẻ mắc bệnh cần phải tuyệt đối cách ly, càng sớm càng tốt.

Qua kiểm tra tình hình nhập viện điều trị tại BV Nhi Đồng 1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng lo ngại và yêu cầu di dời ngay Phòng lọc bệnh Mers-CoV/Cúm; bởi lẽ khu vực dù biệt lập, nhưng vẫn nằm chung với khu vực cấp cứu các bệnh nặng như viêm màng não mủ, tim bẩm sinh… Do vậy, nguy cơ mầm bệnh sẽ bám lên quần áo nhân viên y tế, lây truyền trong không khí và truyền sang cho nhiều bệnh nhân nặng, sức yếu khác khá cao.

Cũng trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế sáng 9/3/2019, đại diện UBND Q. Bình Tân khẳng định dịch bệnh tại quận này đang có xu hướng gia tăng, do đó, nếu đến giữa tháng 3, trường nào không đảo bảm phòng chống dịch, tiêm chủng xem xét trách nhiệm trừ phụ cấp, khen thưởng; trường tư thục nào trên địa bàn quận không hợp tác nhằm đảm bảo 100% trẻ được tiêm phòng sởi, cơ sở đó sẽ bị quận xem xét rút giấy phép hoạt động. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 19/6/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 24/7/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 23/11/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận