Điểm báo ngày 12/08/2019

(CDC Hà Nam)
Muốn người bệnh hài lòng phải chú ý từ những việc rất nhỏ; Đấu thầu giá thuốc tập trung, giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ cho Quỹ BHYT; 8 vaccine người lớn không thể bỏ qua để phòng những bệnh nguy hiểm; Bệnh viện tận thu giường dịch vụ?…

Muốn người bệnh hài lòng phải chú ý từ những việc rất nhỏ

Sáng 9/8, hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các bệnh viện khu vực phía Nam đã có mặt tại TP.HCM để tham gia Hội nghị thường niên câu lạc bộ giám đốc bệnh viện lần thứ XVIII. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, PSG.TS Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực rất lớn của hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương, từ lãnh đạo các sở, lãnh đạo các bệnh viện tuyến trung ương cho đến bệnh viện tuyến quận, huyện và phường, xã. Tất cả đã tạo nên những biến chuyển rõ rệt trong ngành và đã nhận được sự ghi nhận tích cực từ phía nhân dân. Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều vấn đề hạn chế vẫn còn tồn đọng cần có giải pháp để sớm thay đổi.

Phải chú ý từ những việc nhỏ nhất

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau 5 năm thực hiện đổi mới thái độ, phong cách phục vụ, nhìn chung các kết quả đánh giá sự hài lòng của người bệnh cho thấy tỷ lệ hài lòng đã ở mức hơn 80% và chỉ số này ngày càng tăng so với những năm trước. Ở chỉ số tham nhũng vặt tại bệnh viện tuyến huyện, kết quả đánh giá cho thấy chỉ còn 0,4% (2018), so với 9% (2017) và 16%(2016). Về chuẩn bệnh viện xanh sạch đẹp, tỷ lệ bệnh viện được đánh giá mức tốt theo khảo sát của Cục Quản lý Môi trường Y tế cho thấy đã đạt được 60,7% (2018), so với 49% (2017). Riêng nhà vệ sinh đã có 80% đạt yêu cầu.

Bên cạnh những thành quả, ngành y tế vẫn còn một số hạn chế như người dân vẫn còn phàn nàn về hạ tầng bệnh viện, cổng một số bệnh viện còn lộn xộn, một số nhà vệ sinh chưa sạch sẽ, một số nhân viên y tế cần niềm nở, vui vẻ hơn, thủ tục thanh toán còn rườm rà, phức tạp, công nghệ thông tin chưa đồng bộ.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo lãnh đạo các bệnh viện, các khoa phòng cần có sự cam kết, quyết liệt, sâu sát hơn nữa trong tập huấn tinh thần thái độ, phong cách ứng xử của nhân viên y tế, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở xanh-sạch-đẹp, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Thông tư, Quyết định, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng, lưu ý nhà vệ sinh.

“Phải chú ý từ những việc làm nhỏ nhất như nhà vệ sinh, bàn hướng dẫn, nơi để giấy bút, cách ứng xử niềm nở. Cần thay đổi quyết liệt quy trình chờ lấy số khám bệnh, tránh tình trạng người bệnh khám, chờ trả tiền, chờ kết quả xét nghiệm, chờ mua thuốc, chờ lấy thuốc. Không để tình trạng chờ mãi ở từng khâu. Tại sao lại dồn hết vào buổi sáng? Tại sao ô này đông kín mà ô kia không có người? Điều này cho thấy ta chưa biết điều hành. Nếu những điều thế này còn tồn tại thì người bệnh không bao giờ cảm thấy hài lòng”, Bộ trưởng nói.

Phải đổi mới cung ứng dịch vụ y tế

Sau 5 năm thực hiện đổi mới quản lý chất lượng bệnh viện, kết quả đạt được thấy rõ nhất ở tỷ lệ nằm ghép giảm đều từ tuyến trung ương đến tuyến tỉnh. Tại bệnh viện tuyến trung ương năm 2012 tỷ lệ nằm ghép chiếm 58% thì nay chỉ còn 16,7%. Bệnh viện tuyến tỉnh 47% nằm ghép năm 2012 thì đến 2018 chỉ còn 11,4%. Mức chất lượng bệnh viện toàn quốc theo 83 tiêu chí cải  thiện rõ rệt, một số bệnh viện bước đầu có uy tín, được người nước ngoài lựa chọn (300.000 lượt khám chữa bệnh, 57.000 lượt điều trị nội trú. Bên cạnh đó, nhiều kỹ thuật cao được triển khai và chuyển giao (thông qua Đề án BV vệ tinh, 1816).

Tuy nhiên bên cạnh những việc đã làm được, các bệnh viện vẫn còn mắc nhiều hạn chế, cụ thể vẫn còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép trong vòng 24h, tình trạng quá tải khoa khám bệnh ở một số bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối trong khi bệnh viện tuyến dưới lại không có bệnh nhân. Hiện tượng chuyển tuyến, chuyển viện còn khá cao, thời gian nằm viện một số chuyên khoa chưa giảm. Chưa thực sự thu hút người nước ngoài, người Việt Nam khám chữa bệnh trong nước (40.000 lượt người ra nước ngoài, chi phí >2 tỷ USD), tình trạng nhiễm khuẩn chéo bệnh viện, kháng kháng sinh, an toàn bệnh nhân vẫn chưa thực sự được lưu tâm.

Để khắc phục những tồn đọng, các giải pháp đã được ban hành bao gồm Đề án giảm quá tải bệnh viện (QĐ 92/QĐ-TTg 2013), Đề án BV vệ tinh (QĐ 774/QĐ-BYT 2013), Đề án luân phiên cán bộ (QĐ 1816/QĐ-BYT 2008, xây dựng tiêu chí chất lượng bệnh viện dựa trên kinh nghiệm quốc tế (QĐ 6858/QĐ-BYT 2016). Bộ Y tế đã ban hành một loạt các Thông tư, văn bản về an toàn, xét nghiệm, chống nhiễm khuẩn, kháng kháng sinh, dinh dưỡng, tiết chế, chống nhiễm khuẩn…

Giải pháp sắp tới cần làm là thực hiện đề án “Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019 – 2025” (Quyết định 1718/QĐ-BYT 2019); Đề án giảm người Việt Nam khám chữa bệnh và thu hút người nước ngoài khám chữa bệnh ở Việt Nam. Đặc biệt phải thực hiện việc chăm sóc toàn diện, kéo ngược dòng bệnh nhân từ trung ương về tuyến tỉnh, từ tỉnh về huyện và về xã phường. Tiếp tục thực hiện 83 Tiêu chí chất lượng bệnh viện, phấn đấu một số bệnh viện đạt tiêu chuẩn JCI, phát triển cơ sở hạ tầng bệnh viện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (bệnh viện thông minh, tele-medicine, bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe cá nhân).

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ

Bộ trưởng cho biết, trong 5 năm qua, công tác đổi mới tài chính y tế đã có những thành quả đáng kể. Bảo hiểm y tế nguồn thu bệnh viện tăng, chất lượng khám chữa bệnh tăng, thu nhập người lao động tăng nhờ thực hiện tự chủ và điều chỉnh giá dịch vụ. Bệnh viện có nguồn quỹ phát triển sự nghiệp để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ người bệnh. Người tham gia bào hiểm y tế được hưởng gói quyền lợi khá rộng (trong khi mức đóng thấp); người nghèo, cận nghèo, chính sách… được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, ngành vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Giá dịch vụ chưa tính đúng, tính đủ chi phí, một số bệnh viện khó khăn trong thực hiện tự chủ, mệnh giá bảo hiểm y tế thấp, quỹ bảo hiểm y tế không bao phủ các dịch vụ kỹ thuật cao, thuốc, vật tư, tiện nghi mà người dân có điều kiện, có khả năng chi trả, vướng mắc trong thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa cơ sở y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội…

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ, thực hiện xã hội hóa, liên doanh liên kết, tự chủ; triển khai lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Bước đầu thực hiện đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh (định suất, thí điểm DRGs). Tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ; Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định thay thế NĐ 16/NĐ-CP; Bộ Y tế ban hành thông tư giá dịch vụ theo yêu cầu, thông tư liên doanh liên kết; Đa dạng các gói bảo hiểm y tế; Có giải pháp để hạn chế tác động không mong muốn của thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc (từ 2021); Tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh lạm dụng; Bảo hiểm y tế thương mại…

Đổi mới quản lý nhiễm khuẩn bệnh viện

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đặc biệt nhắc nhở các bệnh viện lưu tâm đến vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn bởi đây là việc làm cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe của người bệnh.

Kết quả đạt được, hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn bước đầu thiết lập tại các bệnh viện (các khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, nhân lực làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn). Xây dựng hệ thống giám sát kháng kháng sinh. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế. Một số lãnh đạo bệnh viện chưa thật sự hiểu tầm quan trọng của chống nhiễm khuẩn nên chưa đầu tư nguồn lực hiệu quả. Khoa chăm sóc tích cực (ICU) thiết kế không hợp lý, quy trình cách ly không được tuân thủ. Không ít bệnh viện hạn chế trong thực hiện quy chế (rửa tay, trang phục, dụng cụ, sát trùng, tẩy trùng). Phân loại, sàng lọc người bệnh chưa tốt dẫn đến lây chéo. Nhiều bệnh viện chưa thực hiện được quản lý kháng thuốc.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế đã ban hành một số quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, ban hành thông tư 16/2018/TT-BYT quy định công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia kiểm soát nhiễm khuẩn 2016-2020. Tổ chức  một số khóa đào tạo, tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn và kháng kháng sinh.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhắc nhở nhiệm vụ cần làm trong thời gian tới tại các bệnh viện là phải thực nghiêm túc Thông tư quy định về khoa chăm sóc tích cực; bố trí lại khu vực lây nhiễm, cách ly hợp lý, đầu tư thích đáng cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và kháng kháng sinh (cơ sở, trang thiết bị, vật tư, đào tạo/tập huấn); thực hiện nghiêm các quy định, quy trình về kiểm soát nhiễm khuẩn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Đấu thầu giá thuốc tập trung, giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ cho Quỹ BHYT

Thời gian qua, với lĩnh vực quản lý giá thuốc, ngành BHXH đã có vai trò tích cực khi góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, tham gia quá trình đấu thầu thuốc và thí điểm tổ chức đấu thầu thuốc tập trung mang lại kết quả tốt.

Những năm qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với nhiều bộ, ngành xây dựng chính sách liên quan đến thuốc. Trong đó, BHXH Việt Nam đã tích cực tham gia với Bộ Y tế xây dựng Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 26/5/2016 hướng dẫn việc đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế (Thông tư đã quy định chi tiết các hình thức, phương thức triển khai đấu thầu thuốc); Thông tư số 09/2016/TT-BYT ngày 05/5/2016 quy định danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá. Theo đó, quy định rõ các thuốc được đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đấu thầu tập trung tại địa phương.

Việc hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu thầu thuốc đã giúp cho công tác đấu thầu, mua sắm, sử dụng thuốc được thực hiện theo các quy định thống nhất, góp phần quan trọng vào việc lựa chọn, mua sắm các thuốc chữa bệnh có chất lượng và giá phù hợp, khắc phục tình trạng chênh lệch bất hợp lý về giá thuốc giữa các địa phương đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 68/2013/QH13.

BHXH Việt Nam cũng tích cực tham gia xây dựng danh mục thuốc tân dược, thuốc y học cổ truyền được Quỹ BHYT chi trả. Danh mục bao gồm các thuốc cần thiết cho việc điều trị, quy định tỷ lệ được Quỹ BHYT chi trả đối với một số loại thuốc có chi phí lớn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

8 vaccine người lớn không thể bỏ qua để phòng những bệnh nguy hiểm

Không chỉ có trẻ em mà người lớn cũng cần được tiêm vaccine để phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm.

Vaccine cúm

Cúm lây lan qua không khí do ho, hắt hơi, nói chuyện, hoặc chỉ đơn thuần là hơi thở. Những virus này có thể được hít vào phổi, gây sốt, ho, đau nhức cơ thể và thậm chí có thể gây tử vong cho người già hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ đề nghị, mỗi người nên tiêm ngừa 1 liều vaccine cúm mỗi năm, đặc biệt với đối tượng như trẻ trên 6 tháng tuổi, những người có nguy cơ cao bị biến chứng liên quan đến cúm như phụ nữ mang thai và người mắc bệnh hen suyễn, tiểu đường hoặc bệnh tim.

Vaccine uốn ván, bạch hầu và ho gà

Vaccine uốn ván và bạch hầu (TD) hoặc bạch hầu, ho gà, uốn ván (TdAP hay DTAP) giúp bạn chống lại bệnh uốn ván (một căn bệnh gây ra do nhiễm trùng bởi vi khuẩn), bạch hầu (nhiễm trùng đường hô hấp) và ho gà. Vi khuẩn gây ra uốn ván xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hoặc các vết đứt. Uốn ván có thể dẫn đến co thắt, co cứng cơ hoặc cứng hàm nghiêm trọng, khiến bạn không thể mở miệng hoặc nuốt và một số trường hợp có thể gây tử vong. Một mũi tiêm 3 trong 1 (bạch hầu – ho gà – uốn ván) hoặc loại 2 trong 1 (bạch hầu – uốn ván) nhắc lại mỗi 10 năm có thể giúp bạn phòng uốn ván. Với các bà mẹ mang thai, để phòng uốn ván khi sinh, hãy tuân thủ đúng lịch tiêm phòng uốn ván.

Vaccine phòng HPV

HPV là loại virus lây truyền qua đường tình dục. Vaccine HPV giúp chống lại một số tuýp HPV gây ra hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và nhiều trường hợp ung thư họng ở nam giới. Vaccine này có thể phòng hầu hết những mụn cóc ở cả nam và nữ. Nên tiêm vaccine sớm cho những trẻ từ 9 tuổi, nhưng những người lớn trẻ tuổi, đặc biệt là nếu chưa quan hệ tình dục cũng có thể tiêm vaccine. Vaccine HPV được tiêm cho cả nam và nữ đến 26 tuổi.

Vaccine phòng thủy đậu

Người lớn và trẻ em đều có thể mắc thủy đậu – thậm chí tử vong vì những biến chứng của căn bệnh này như: viêm phổi, nhiễm trùng não, xương, da và mạch máu. Người lớn bị thủy đậu có nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng và thậm chí tử vong. Vaccine cũng giúp làm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, đặc biệt ở những người có cơ địa dễ mắc bệnh nhưng không thể tiêm vaccine như phụ nữ mang thai. Từ 13 tuổi trở lên, nên tiêm 2 liều vaccine cách nhau từ 4 – 8 tuần.

Vaccine viêm gan

Bạn nên tiêm thuốc chủng ngừa viêm gan A nếu bạn bị rối loạn đông máu, hoặc bệnh gan mãn tính và có thể tiêm bất cứ lúc nào. Nhắc lại liều thứ hai từ 6-18 tháng sau liều đầu tiên. Bạn nên tiêm thuốc chủng ngừa viêm gan B nếu bạn đang sinh hoạt tình dục không chung thủy. Tiêm nhắc lại một liều thứ hai 1 tháng sau liều đầu tiên, liều thứ ba ít nhất 2 tháng sau liều thứ hai và ít nhất 4 tháng sau liều đầu tiên.

Vaccine viêm màng não do não mô cầu

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), viêm màng não có thể dẫn đến tử vong cho khoảng một nửa số trường hợp nếu không được điều trị. Trong số những người sống sót sau nhiễm bệnh, cứ 5 người sẽ có 1 người bị di chứng vĩnh viễn, bao gồm tổn thương não bộ và mất đi thính lực. Ở Việt Nam, có 2 loại vaccine phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu là vaccine não mô cầu AC và vaccine não mô cầu BC.

Vaccine viêm phổi

Bạn nên tiêm ngừa vaccine viêm phổi nếu bạn đang ở độ tuổi 65 trở lên; bạn có một bệnh mãn tính hoặc một hệ thống miễn dịch yếu; hoặc lá lách bị cắt. Bạn nên nhận được một liều thuốc chủng ngừa bệnh viêm phổi tại bất kỳ thời điểm nào. Bạn có thể cần tiêm liều thứ hai nếu bạn 65 tuổi trở lên và đã được tiêm liều đầu tiên trước khi 65 tuổi; người hệ thống miễn dịch yếu hoặc bệnh thận; người đã cấy ghép tủy xương…

Vaccine sởi, quai bị và rubella

Bạn nên tiêm phòng bệnh sởi – quai bị – rubella kết hợp (MMR) nếu bạn được sinh ra trong hoặc sau năm 1957 và chưa bao giờ được tiêm phòng chủng ngừa MMR. Bạn có thể tiêm phòng một liều vaccine MMR bất kỳ lúc nào. Tiêm nhắc lại liều thứ hai 4 tuần sau liều đầu tiên nếu mới đây bạn tiếp xúc với bệnh sởi hay phát sinh ổ dịch xảy ra trong cộng đồng. Thuốc chủng ngừa MMR không được khuyến cáo nếu bạn được sinh ra trước năm 1957, bạn có hệ thống miễn dịch yếu, bạn đang mang thai, hoặc bạn có thể có thai trong vòng 4 tuần sau khi tiêm chủng ngừa.(An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Không nên kiêng tắm, kiêng gió với trẻ bị sởi

Bệnh sởi thường hay xảy ra vào mùa đông – xuân. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh xảy ra quanh năm. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, Hà Nội có hơn 1.500 ca mắc sởi, tăng gấp gần 8 lần cùng kỳ 2018. Sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… có thể gây tử vong.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện… Trẻ nhiễm bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7- 21 ngày, sau đó có thể có đầy đủ các triệu chứng như sau: Sốt cao trên 39 độ C; Viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng, có hạt  Koplik trong miệng; Chảy nước mắt, mũi, ho, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt; Ban mọc theo thứ tự, ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ hai là ngực, lưng, cánh tay, ngày thứ ba xuống bụng, mông, đùi, chân. Khi ban mọc tới chân thì hết sốt và ban bắt đầu bay.

Khi trẻ mắc sởi, cần đưa trẻ đi khám. Với trường hợp nhẹ, bác sỹ có thể hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị tại nhà cho trẻ; Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành; Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C; Vệ sinh thân thể như tắm hàng ngày, tránh để lạnh, tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió vì sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn. Thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ. Nhỏ mắt bằng nước muối 0,9% ngày 3 lần.

Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ trên 6 tháng). Chọn thức ăn mềm, dễ tiêu, nấu chín kỹ, chia thành nhiều bữa. Lưu ý, không kiêng khem trong chế độ ăn để bù kịp thời các chất dinh dưỡng bị mất do quá trình nhiễm trùng. Không dùng các loại gia vị gây khó tiêu. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống. Trẻ lớn đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều vitamin A. Bổ sung vitamin A để dự phòng thiếu vitamin này, giúp bảo vệ mắt.

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau: Trẻ sốt cao liên tục trên 39- 40 độ C; Khó thở, thở nhanh; Mệt mỏi, không ăn uống, không chơi, lơ mơ…; Phát ban toàn thân mà vẫn sốt. Tiêm vaccine là biện pháp phòng sởi an toàn nhất. Mũi đầu được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Đây cũng là cách để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Bệnh viện tận thu giường dịch vụ?

Thực tế đang diễn ra ở nhiều bệnh viện công, dẫn đến lo ngại phòng dịch vụ được “ưu ái” tăng cường trong khi giường phục vụ số đông người bệnh còn khó khăn thì bị bó hẹp, bỏ bê.

Tận dụng tối đa

Ghi nhận thực tế mới đây, ở Khoa Nội tiêu hóa – Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TP.HCM), bệnh nhân (BN) đông nghẹt, ở các phòng, BN nằm san sát, hành lang vẫn không còn chỗ. Trong số BN nhằm ngoài hành lang có ông P.T.Đ (48 tuổi) bị bệnh xơ gan. Bà Thu – chị gái ông Đ. chỉ vào chiếc “giường bệnh” em trai mình nằm và nói “giá 200.000 đồng/ngày”. Đây thực ra là cái ghế gấp bằng bố, cao cách mặt đất tầm 40 cm, được trải tấm drap. Với phí 200.000 đồng/ngày, vài BN nằm 1 ngày là có thể mua được cái “giường” này.

“Nằm giá đó còn không đủ tiền chứ nói gì giường vài triệu đồng. Bữa đầu tôi đưa em từ Phú Yên vào Sài Gòn, đến một BV lớn lắm, khi chưa nhập viện họ hỏi thăm dò “gia đình đủ khả năng không thì cho ở lại. Họ bảo giá giường bệnh đến 1,4 triệu đồng/ngày. Tôi nói không đủ khả năng nên xin chuyển em tôi qua BV Nhân dân 115”, bà Thu nói. “Nằm giá đó còn không đủ tiền chứ nói gì giường vài triệu đồng. Bữa đầu tôi đưa em từ Phú Yên vào Sài Gòn, đến một BV lớn lắm, khi chưa nhập viện họ hỏi thăm dò “gia đình đủ khả năng không thì cho ở lại. Họ bảo giá giường bệnh đến 1,4 triệu đồng/ngày. Tôi nói không đủ khả năng nên xin chuyển em tôi qua BV Nhân dân 115”, bà Thu nói. Tại khu N2 (khu dịch vụ) BV Phụ sản Từ Dũ, TP.HCM, chị Thái Diễm V. (Q.10) bế con nhỏ mới sinh. Phòng chị V. đặt rộng chừng 25 m2, trang bị ti vi LCD 32 inch, tủ lạnh, bình đun nước, 2 chiếc giường, nôi em bé, tủ gỗ áp tường đựng quần áo khá lớn. Nhà vệ sinh sạch sẽ, rộng, BV cung cấp xà phòng và giấy vệ sinh. “Với giá phòng 2 triệu đồng/ngày nhưng chỉ ở vài ba ngày là chấp nhận được. Ở phòng này yên tĩnh, mẹ con và gia đình đều có không gian để nghỉ ngơi”, chị V. nói.

Tại một phòng bệnh khác của khu N2 BV Từ Dũ, căn phòng rộng 50 – 60 m2, có 7 giường, 2 nhà vệ sinh, quạt máy. Ở mỗi đầu giường bệnh là một tủ đựng đồ, ghế bố cho người nuôi bệnh, nôi em bé, máy lạnh trung tâm.

“Vợ chồng tôi làm công nhân viên, giá giường bệnh 600.000 đồng/ngày là chấp nhận được. Căn phòng khá sạch, yên tĩnh. Nếu giường 2 – 4 triệu đồng thì tôi không kham nổi”, chị Thái Thị P. (ngụ Q.Bình Tân) vừa cầm hóa đơn tính tiền xuất viện vừa nói.

Ở BV Phụ sản Từ Dũ còn có khu dành cho BN BHYT và không có BHYT nhưng không sử dụng dịch vụ, đó là Khoa Hậu phẫu A. Ở khoa này, hiện quá tải, BN được kê giường nằm ở hành lang và có rèm che chắn lại.

Chúng tôi tiếp tục đến BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM). Tại Khoa Nội tim mạch có rất nhiều phòng dịch vụ, tương đối sạch sẽ. Tại phòng có 14 giường, giá 350.000 đồng/giường/ngày, có máy lạnh, quạt, nhà vệ sinh nam/nữ… Nhưng người nuôi bệnh phải thuê ghế bố 15.000 đồng/ngày.

“Tôi nghĩ giường dịch vụ dưới 500.000 đồng là phù hợp với người lao động thu nhập bình thường, chứ giường 2 – 4 triệu đồng/ngày thì chỉ có đại gia nằm thôi”, BN Biện Ngọc Q. (55 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) nói. Còn con của BN Nguyễn Thị Y. (80 tuổi, ngụ Q.6, nằm ở phòng khác của BV này) nói: “Phải bấm bụng đặt cho mẹ nằm giường dịch vụ 400.000 đồng/ngày, lấy đâu ra tiền nằm giường vài triệu đồng?”.

Có dồn bệnh nhân để làm gường dịch vụ?

Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ, TP.HCM, cho biết BV có 4 khu nhà xây dựng ở 3 thời điểm khác nhau, kinh phí từ nguồn vốn vay kích cầu. Giá thu dịch vụ của BV được thông qua nằm trong dự án vay tiền, trả nợ được UBND TP phê duyệt. Sau khi trả nợ vay xong, nếu BV đảm bảo cân đối được thì tái đầu tư để phục vụ cho nhu cầu của BN.

Theo bác sĩ Hải, các phòng bệnh khác nhau về tiện ích, điều kiện phục vụ, trang thiết bị… Còn về phục vụ chuyên môn là giống nhau. Theo BV Từ Dũ, hiện nay giá dịch vụ chưa có quy định hướng dẫn nào, các BV xây dựng dựa trên luật Giá, quy định về BHYT, quy định không BHYT để kết cấu một số yếu tố theo quy định.

Trả lời câu hỏi: “Có dồn bệnh nhân để lấy giường dịch vụ?”, GS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, cho biết tại BV này có các mức giá giường bệnh khác nhau; với phòng riêng điều trị theo yêu cầu (dịch vụ – PV) cao nhất 3 triệu đồng/phòng/ngày. Không có chuyện dồn BN BHYT để lấy “đất” cho giường dịch vụ. Các khu phòng của BN BHYT đều được nâng cấp và đảm bảo điều kiện cơ bản, sạch sẽ. Tuy nhiên, GS Giang cũng nhìn nhận, một số khoa quá đông BN như chấn thương chỉnh hình, không gian phòng bệnh chật chội.

Một trưởng phòng của Sở Y tế TP.HCM cho rằng khi làm dịch vụ giường bệnh thì các BV phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp. BV được quyền quyết định xây dựng giá nhưng khi xây dựng xong phải gửi về Sở Y tế để Sở kiểm tra xem giá đó có phù hợp. Việc xây dựng tiền giường dịch vụ dựa trên cơ sở tính toán: tiền lương y bác sĩ; các chi phí phục vụ; chi phí công nghệ thông tin – đào tạo và chi phí khấu hao khác (giá này hiện chưa tính).

“Tôi nghĩ, sau khi Bộ Y tế cho rà soát lại thì giường dịch vụ ở các BV sẽ giảm vì đòi hỏi phần diện tích đủ chuẩn. Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao đủ giường bệnh cho BN dịch vụ và các BN khác? Lúc này khả năng BV sẽ dồn giường vào các phòng khác để làm giường dịch dụ, thay vì phòng 7 giường thì còn 4 giường, số giường dư ra sẽ dồn vào phòng khác”, vị này nói.

TP.HCM

BV Từ Dũ: Có 1.900 giường bệnh. Trong đó 829 giường dịch vụ chiếm 45%, gồm: 8 giường loại 2 triệu đồng/giường/ngày, 36 giường 1,5 triệu đồng, 106 giường 1,2 triệu đồng, 56 giường 1 triệu đồng, 353 giường 600.000 đồng, 82 giường 400.000 đồng, 118 giường 350.000 đồng; 70 giường 250.000 đồng.

BV Nhi đồng 2: Hiện có 1.900 giường thực kê, nhiều trẻ phải nằm võng ở hành lang, đặc biệt là ở khoa hô hấp, khoa tiêu hóa. BV này có 15% phòng dịch vụ và chia nhiều loại, phòng 4 – 6 giường giá 250.000 đồng/giường/ngày; phòng 2 giường có giá từ 400.000 – 700.000 đồng/giường/ngày và phòng 1 giường (2 – 3 cái) giá 1,5 triệu đồng/giường/ngày (ở phòng này có tủ lạnh, nhà vệ sinh, nước nóng lạnh, wifi…).

BV Nhân dân 115: Có 425 giường dịch vụ trong tổng số 1.600 giường bệnh. Giá giường cao nhất là 1,5 triệu đồng/ngày và thấp nhất là 350.000 đồng/ngày. BV Nguyễn Tri Phương, giá giường bệnh cao nhất là 500.000 đồng (trừ giường hồi sức) và thấp nhất là 100.000 đồng. Nếu BN có BHYT thì được trừ phần BHYT chi trả.

Hà Nội

BV Phụ sản: Theo giá niêm yết trên website, khoa D có các phòng VIP (303, 305) giá 2,5 triệu đồng/ngày; còn loại 2 – 3 giường/phòng có giá 600.000 đồng hoặc từ 800.000 – 1 triệu đồng/giường/ngày.

BV Hữu nghị Việt Đức: Phòng dịch vụ tại khu nhà D cao nhất 2,5 triệu đồng, có trang bị các thiết bị y tế hỗ trợ theo dõi sức khỏe BN, điều dưỡng trực 24/24. Ngoài ra có các mức 500.000 – 750.000 đồng/giường/ngày. (Thanh niên (trang 1):

 

Bệnh nhân xin “về nhà chờ chết” vì lóc động mạch chủ, bác sĩ giành giật sự sống thần kỳ

 Ca mổ kéo dài tới 8 tiếng đồng hồ, với quyết tâm “còn nước còn tát”, kíp bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã thành công trong việc giành giật sự sống cho ông H.V.V. (61 tuổi, ở Hưng Yên), dù trước đó gia đình bệnh nhân đã có lúc xin “về nhà chờ chết”. Chiều nay, 9-8, Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân H.V.V. vào cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch vì bị lóc tách động mạch chủ cấp type A, nguyên nhân do tăng huyết áp không phát hiện dẫn đến đột quỵ.

Trước đó, bệnh nhân V. được hồi tỉnh ở tuyến dưới và nhanh chóng được chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương nhưng do tình trạng quá nặng nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà nằm chờ chết. Sau khi được các bác sĩ động viên và với hy vọng “còn nước còn tát”, gia đình đã chuyển bệnh nhân V. đến Bệnh viện Việt Đức.

TS.BS Vũ Ngọc Tú. Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực – Bệnh viện Việt Đức cho biết, qua thăm khám và chụp phim cho thấy, bệnh nhân V. bị phù phổi nặng, suy thận độ III, tắc động mạch nuôi não bên phải, lóc toàn bộ hệ thống động mạch chủ từ ngực đến bụng.

Bệnh nhân phải đặt máy thở, dùng thuốc trợ tim, mổ cấp cứu khẩn cấp, thay thế toàn bộ cuống tim và các động mạch nuôi não.

Ca phẫu thuật kéo dài tới 8 tiếng đồng hồ, dưới tuần hoàn ngoài cơ thể, hạ nhiệt độ sâu, tưới máu riêng cho các cơ quan. Đây là những kỹ thuật khó có nguy cơ rối loạn biến chứng nặng sau mổ. Sau ca mổ cực kỳ phức tạp này, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch,  nhịp tim, huyết áp được cải thiện, phổi tiến triển tốt.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực – Bệnh viện Việt Đức cho biết, lóc tách động mạch chủ cấp type A cấp tính là biến chứng tim mạch rất nặng, đe dọa tính mạng người bệnh, nên đòi hỏi phải được chẩn đoán và phẫu thuật cấp cứu kịp thời ngay tại chỗ.

Theo thống kê trên thế giới nếu không được can thiệp thì bệnh nhân lóc động mạch chủ type A cấp tính sẽ tử vong 25% trong ngày đầu tiên, 50% sau 3 ngày, 80% sau 2 tuần và 90% trong tháng đầu sau khởi bệnh.  (An ninh Thủ đô, trang 6).

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 24/3/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/10/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 04/8/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận