Điểm báo ngày 13/12/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 13/12/2018

Cơn lốc ung thư: Để vơi đi nỗi đau; Cứu sống nam thanh niên đứt động mạch ở cổ; Bắt đầu chiến dịch kiểm tra an toàn thực phẩm Tết; Nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm trong bếp ăn tập thể…

 

Cứu sống nam thanh niên đứt động mạch ở cổ

Chiều 12-12, bác sỹ Trần Quốc Tuấn, phó Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, cho biết: Hiện nay, bệnh nhân Hồ Sỹ Hậu (25 tuổi, ngụ thị xã Phước Long, Bình Phước) đã qua cơn nguy kịch và sức khỏe có tiến triển tốt.

Trước đó, lúc 13h30’ ngày 10-12, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận anh Hậu từ Trung tâm y tế thị xã Phước Long trong tình trạng mất máu cấp, vết thương cổ phải do đạn bắn. Nhận định vết thương của anh Hậu rất nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng, các y, bác sỹ đã tiến hành khâu cầm máu, hồi sức tích cực và chuyển mổ cấp cứu.

Bác sỹ Trần Quốc Tuấn, cho biết thêm: Kíp mổ gồm 6 y, bác sỹ. Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ mới lấy được dị vật là viên kim loại (kích thước khoảng 0,5x1cm) ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Quá trình phẫu thuật, phát hiện thấy động mạch cảnh chung bên phải đứt gần hoàn toàn. Các bác sỹ đã tiến hành kẹp động mạch, cắt lọc, khâu nối động mạch đứt.

Bà Lê Thị Lan (mẹ của a Hậu), chia sẻ: “Thấy con trong tình trạng nguy kịch, gia đình rất lo lắng. Được các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cấp cứu tận tình, kịp thời nên Hậu đã qua cơn nguy kịch và dần khỏe lại. Gia đình rất cảm ơn các y, bác sỹ”. (Công an Nhân dân, trang 7)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 9: “Cứu sống bệnh nhân đứt động mạch cảnh chung do trúng đạn”

 

Bắt đầu chiến dịch kiểm tra an toàn thực phẩm Tết

Đến hẹn lại lên, dịp Tết Nguyên đán, các vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng lại xuất hiện nhiều. Nếu không có kế hoạch bảo đảm tốt an toàn thực phẩm, thì rất dễ dẫn đến tình trạng các sản phẩm kém chất lượng trà trộn đưa ra thị trường.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các ngành chức năng đã sớm lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra các mặt hàng liên quan nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Thành lập các đoàn kiểm tra

Thời điểm cuối năm, không khí mua sắm trên thị trường đã sôi động hơn trước. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu giới thiệu các sản phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đến người tiêu dùng. Trước nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dự báo sẽ tăng cao, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm vừa ban hành kế hoạch về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội Xuân 2019.

Theo đó sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đồng Tháp, Tiền Giang từ ngày 1-1 đến 25-3-2019.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc thanh tra, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: Bánh kẹo, mứt, bia, rượu, nước giải khát; thịt cá, trứng, sữa, các loại trái cây và các dịch vụ ăn uống khác, nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; phát hiện và cảnh báo các mối nguy về an toàn thực phẩm. Cương quyết xử lý nghiêm các cơ sở thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Cùng với đó, các địa phương thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh, thành phố đến quận, huyện, xã, phường. Việc kiểm tra được triển khai trước, trong, sau Tết và lễ hội, tùy theo đặc thù, điều kiện của từng địa phương.

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, ngành Y tế Hà Nội sẽ phối hợp với ngành Công Thương và ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, thanh tra để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán cũng như suốt mùa lễ hội Xuân 2019. Ngoài nhiệm vụ chung, Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã xây dựng kế hoạch riêng về bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội Xuân 2019.

Theo lĩnh vực được phân công, dịp này, Chi cục sẽ tập trung giám sát chất lượng các loại thực phẩm đóng gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm… Chi cục cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết về cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Tẩy chay thực phẩm kém chất lượng

Trong dịp Tết, các mặt hàng: Bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát… có sức tiêu thụ tăng gấp 10 lần ngày bình thường. Do đó, các mặt hàng này có thể bị làm giả, làm nhái, không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân không nên dùng rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo… trôi nổi trên thị trường. Người tiêu dùng cần từ chối, kiên quyết tẩy chay các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh, không bảo đảm an toàn. Không chấp nhận những sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi, thiu, mốc, hư hỏng… Khi mua, nên chọn những mặt hàng còn hạn sử dụng, bao bì không bị rách, nhãn mác đầy đủ, rõ ràng.

“Chúng tôi sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ thành phố xuống quận, huyện, xã, phường, trong đó kết hợp lấy mẫu để xét nghiệm nhanh và có thể xử lý tại chỗ; đồng thời, công bố các sai phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng”, ông Trần Văn Chung cho biết.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm lưu ý, với thời gian nghỉ Tết kéo dài, người dân thường có thói quen tích lũy nhiều thực phẩm trong nhà, nhất là các loại có nhu cầu tiêu dùng nhiều như: Bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, cá, rau, củ quả…

Tuy nhiên, ở các tỉnh miền Bắc, dịp Tết Nguyên đán hay có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng, đặc biệt là các loại hạt có dầu như: Hướng dương, đậu tương, đậu phộng, lạc…

Ở miền Nam, thời tiết nóng, nhiệt độ cao cũng khiến các sản phẩm có nhiều đạm: Thịt, cá, cua, tôm… rất dễ ôi thiu. Vì vậy, người dân không nên tích lũy nhiều thực phẩm trong dịp Tết. Hiện tại, các sản phẩm tươi sống luôn sẵn có, đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm trong bếp ăn tập thể

Với mục đích tạo phong trào sâu rộng, nâng cao nhận thức và thực hành của người tổ chức phục vụ, chế biến trong bếp ăn tập thể về an toàn thực phẩm, UBND quận Cầu Giấy vừa tổ chức Hội thi “An toàn thực phẩm trong bếp ăn tập thể năm 2018”. Đây là dịp nhắc nhở các nhà trường, các doanh nghiệp cần chú ý hơn nữa về vấn đề an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho giáo viên, học sinh và người lao động.

8 đội thi đại diện cho 8 phường, gồm: Trường Tiểu học Nghĩa Đô (phường Nghĩa Đô), Trường Tiểu học Quan Hoa (phường Quan Hoa), Trường Mầm non Mai Dịch (phường Mai Dịch), bếp ăn tập thể Nhà máy In tiền quốc gia (phường Dịch Vọng Hậu), bếp ăn khách sạn Grand Plaza (phường Trung Hòa); Trường Mầm non Ánh Sao (phường Nghĩa Tân); Trường THCS – THPT Đa trí tuệ (phường Dịch Vọng) và bếp ăn tập thể Công ty MobiFone (phường Yên Hòa) mang các màu sắc khác nhau đã tham gia hội thi.

Dưới hình thức sân khấu hóa, các đội đã trải qua 4 phần thi: Màn chào hỏi, trắc nghiệm kiến thức về an toàn thực phẩm, hùng biện và tiểu phẩm. Thường ngày, họ là những đầu bếp tại doanh nghiệp, khách sạn, trường học, nhưng đến với hội thi, tất cả như những nghệ sĩ điêu luyện, vừa thể hiện tài năng diễn xuất, vừa am hiểu các kiến thức về an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Không chỉ vậy, các đội cho thấy sự chuẩn bị chu đáo, kỹ năng thực hành thuần thục trong lĩnh vực bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, thể hiện qua việc xử lý các tình huống mang tính thực tiễn mà Ban Tổ chức đưa ra…

Sau các phần thi sôi nổi, hấp dẫn, Ban Tổ chức hội thi đã trao giải Đặc biệt cho Trường Mầm non Mai Dịch (phường Mai Dịch); giải Nhất cho bếp ăn tập thể Công ty MobiFone (phường Yên Hòa); giải Nhì cho Trường Mầm non Ánh Sao (phường Nghĩa Tân); 2 giải Ba cho Trường Tiểu học Nghĩa Đô (phường Nghĩa Đô) và bếp ăn tập thể Nhà máy In tiền quốc gia (phường Dịch Vọng Hậu) cùng 2 giải Khuyến khích và 5 giải phụ cho các đội tham gia.

Ông Nguyễn Đức Viên, Trưởng phòng Y tế quận, Phó Trưởng ban Thường trực Hội thi “An toàn thực phẩm trong bếp ăn tập thể năm 2018” quận Cầu Giấy chia sẻ, bếp ăn tập thể ngày càng trở nên phổ biến trong các trường học, cơ quan, doanh nghiệp… Việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm đối với bếp ăn tập thể vì thế càng trở nên cấp thiết. Thông qua hội thi này, chúng tôi mong muốn nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và thực hành về an toàn thực phẩm của người quản lý, người trực tiếp chế biến tại các bếp ăn tập thể, đồng thời gắn kết các nhà quản lý an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp, tạo sự quyết tâm, thống nhất cao về bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình hiện nay.

Còn theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong bối cảnh thời gian gần đây xảy ra một số vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể, việc tổ chức hội thi góp phần tăng cường, nâng cao nhận thức cho những người nấu ăn tại các bếp ăn phục vụ đông người. Các quận, huyện, thị xã cần tổ chức thêm nhiều sân chơi bổ ích như vậy, vừa là nơi các đơn vị giao lưu, học hỏi, vừa là dịp nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về an toàn thực phẩm đối với người dân. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Từ Phân viện 8 đến bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt

Trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12), những người chiến sĩ, thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đón niềm vui “kép”. Ðón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp và khánh thành cụm công trình trung tâm, một công trình y tế hiện đại bậc nhất cả nước.

Tháng 7-1951, Bệnh viện Trung ương Yên Trạch được đổi tên thành Phân viện 8 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) theo quyết định của Cục Quân y với các nhiệm vụ: phục vụ sức khỏe cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh ở ATK; cứu chữa thương binh, bệnh binh; cấp cứu, điều trị cho nhân dân vùng đóng quân; cơ sở huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, thực hành cho cán bộ quân y toàn quân… Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, khó khăn, gian khổ và thiếu thốn về trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men, nhưng với quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, nhân viên, Phân viện 8 đã lập được nhiều chiến công xuất sắc góp phần xây dựng, phát triển ngành quân y cách mạng và nền y tế Việt Nam.

Trải qua gần 5 năm vừa xây dựng, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Phân viện 8 đã trưởng thành rõ rệt về mọi mặt, theo hướng ngày càng chính quy; không những tiến bộ về chăm sóc điều trị, nghiên cứu khoa học, đào tạo, mà còn tiến bộ cả về giác ngộ tư tưởng, quan điểm y học cách mạng; đáp ứng kịp thời yêu cầu cứu chữa thương binh, bệnh binh, phục vụ đắc lực cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bước đầu đặt nền móng cho việc hình thành các chuyên khoa lâm sàng và cận lâm sàng, tạo nền móng vững chắc cho Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát triển như ngày nay, một bệnh viện hạng đặc biệt của cả nước, ngọn cờ tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng của toàn quân và toàn quốc. Toàn thể cán bộ, nhân viên Phân viện không quản ngày đêm, khó khăn, gian khổ, hết lòng phục vụ thương binh, bệnh binh. Những người thầy thuốc nâng niu từng bữa ăn, giấc ngủ, bón từng thìa cháo, tắm cho người bệnh, hát cho người bệnh nghe; ngồi để người bệnh khó thở tựa lưng suốt đêm, trăn trở sao cho các mũi tiêm, việc thay băng không gây đau đớn thêm cho người bệnh… Băng gạc thiếu thốn, được giặt, hấp tái sử dụng; dao mổ, kim phẫu thuật được mài lại, sử dụng nhiều lần; liên tục cử cán bộ giỏi, đến các đội phẫu thuật, thành lập bệnh viện dã chiến đi phục vụ các chiến dịch… Nhờ đó, Phân viện 8 nhanh chóng được xây dựng thành bệnh viện đa khoa, tuyến cuối của toàn chiến khu, những nền tảng, cơ sở đầu tiên vững chắc để bệnh viện phát huy và phát triển bền vững về sau.

Qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một bệnh viện đa khoa, chuyên sâu, bệnh viện tuyến cuối toàn quân; Viện Nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng, cơ sở đào tạo sau đại học của quân đội và cả nước. Ðể làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ đó, cũng như khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, sau hơn bảy năm xây dựng, cụm công trình Tòa nhà trung tâm của bệnh viện chính thức được đưa vào hoạt động. Theo đánh giá, đây là một công trình mang tầm cỡ quốc gia khi công năng của bệnh viện được bố trí khoa học, chặt chẽ, hệ thống kỹ thuật sử dụng các công nghệ tiên tiến để công trình có giá trị lâu dài, bền vững.

Cụm Tòa nhà trung tâm gồm ba tòa nhà (hai tòa cao 22 tầng, một tòa cao 10 tầng) với quy mô 2.000 giường bệnh (trong tình huống khẩn cấp có thể tăng lên thành 4.000 giường). Ðáng chú ý, với định hướng lấy người bệnh làm trung tâm, cho nên bệnh viện trang bị nhiều thiết bị hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm mang đến sự chính xác, nhanh chóng và sự hài lòng cho người bệnh khi đến khám bệnh, chữa bệnh. Bệnh viện là cơ sở y tế đầu tiên trong cả nước có hai hệ thống vận chuyển bằng khí và băng chuyền. Hệ thống vận chuyển bằng khí được sử dụng vận chuyển các mẫu xét nghiệm, thuốc, dụng cụ y tế nặng từ 3 đến 5 kg. Các ống của hệ thống được điều khiển bởi hệ thống máy tính trung tâm dựa trên số liệu của các trạm và có hệ thống dỡ tải tự động. Còn hệ thống vận chuyển băng chuyền được sử dụng cho vận chuyển đồ sạch và đồ bẩn (vận chuyển khối lượng lớn từ 25 đến 30 kg) được sử dụng cho khu vực trạm y tá của tất cả các khoa lâm sàng; phòng mổ; hồi sức tích cực (ICU); cấp cứu ban đầu; kiểm soát nhiễm khuẩn; kho dược; vật tư tiêu hao… Hệ thống vận chuyển băng chuyền cũng được điều khiển bởi máy tính dựa trên tín hiệu từ các trạm.

Ðáng chú ý, bệnh viện có tới 50 phòng mổ hiện đại, áp lực dương, trong đó có 45 phòng mổ tiêu chuẩn, năm phòng mổ ghép tạng và phòng mổ Hybrid. Hệ thống xét nghiệm hoàn toàn tự động từ băng chuyền chuyên vận chuyển ống mẫu xét nghiệm đến các máy xét nghiệm miễn dịch, sinh hóa, huyết học. Hệ thống xét nghiệm tự động này giúp nâng cao chất lượng xét nghiệm, đáp ứng yêu cầu về số lượng xét nghiệm ngày càng tăng, rút ngắn thời gian chờ đợi kết quả của người bệnh.

Cụm tòa nhà trung tâm cũng được trang bị hệ thống xạ trị, xạ phẫu đa năng suất liều cao dưới hướng dẫn hình ảnh thời gian thực. Ðây là hệ thống xạ trị, xạ phẫu tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay có khả năng xạ trị, xạ phẫu với độ chính xác cao và điều trị hiệu quả các bệnh ung thư: U não, ung thư đầu – cổ, phổi, vú, gan, tụy, thực quản, trực tràng, tiền liệt tuyến… Có khả năng thực hiện tất cả các kỹ thuật xạ trị, xạ phẫu: Xạ trị điều biến liều; xạ trị cung điều biến thể tích; xạ phẫu, xạ trị lập thể định vị thân; xạ trị, xạ phẫu đồng bộ nhịp thở thời gian thực điều trị các khối u di động (u phổi, u gan). Hệ thống rô-bốt chụp mạch số hóa xóa nền chuyên dụng giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị trong lĩnh vực can thiệp tim mạch; tăng cường tiềm lực khoa học kỹ thuật cho công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo huấn luyện, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ bác sĩ trong toàn quân và toàn quốc chuyên ngành can thiệp mạch.

Cụm Tòa nhà trung tâm của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được đánh giá là công trình tiêu biểu cùng trang thiết bị y tế hiện đại nhất Việt Nam và khu vực Ðông – Nam Á. Công trình góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ của một bệnh viện hạng đặc biệt trong công tác khám bệnh, chữa bệnh cho các cán bộ cấp cao của Ðảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân. (Nhân dân, trang 5)

 

Điều trỉnh giá hơn 1.900 dịch vụ y tế từ 15-12-2018

Từ ngày 15/12, sẽ có hơn 1.900 dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở. Mức giá điều chỉnh các dịch vụ y tế tăng trung bình 3,2%, trong đó giá khám bệnh ngày giường tăng bình quân 11%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3%.

Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở y tế, đơn vị, tổ chức và cá nhân có tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế.

Theo đó, chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế được điều chỉnh từ 1.150.000 đồng sang mức lương cơ sở 1.390.000 đồng và mức giá điều chỉnh các dịch vụ y tế tăng trung bình là 3,2%.

Cụ thể, ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 giá khám bệnh hiện là 33.100 đồng/lượt, sẽ điều chỉnh tăng lên 37.000 đồng/lượt khám; bệnh viện hạng 2 hiện 29.600 sẽ tăng lên 33.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng 3 từ 26.600 đồng tăng lên 29.000 đồng; bệnh viện hạng 4 và trạm y tế xã từ 23.300 đồng lên 26.000 đồng/lượt khám.

Các mức giá trên do Bảo hiểm xã hội chi trả cho quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế theo mức hưởng. (An ninh Thủ đô, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 5: “Điều trỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở”

 

Cơn lốc ung thư: Để vơi đi nỗi đau

Bệnh nhân ung thư phải chịu đựng những cơn đau hành hạ ngày này qua ngày khác. Ngoài nghị lực chiến đấu với bệnh tật, điều trị chăm sóc giảm nhẹ được coi là cứu cánh giúp người bệnh hồi sinh từ án tử.

Từ năm 2012, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM đã điều trị cho khoảng 500 bệnh nhân, trong đó có gần 90% bị ung thư phổi không còn lây nặng giai đoạn cuối, giảm nhẹ các triệu chứng và cải thiện chất lượng sống.

Ít nặng nề hơn

TS.BS Phan Vương Khắc Thái (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP) cho biết các bệnh nhân thuộc thể bệnh phổi như ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ phổi… khi nhập viện đã ở giai đoạn cuối điều trị đặc hiệu không còn hiệu quả. Họ thường có nguy cơ cao chịu nhiều đau khổ do các triệu chứng nặng và dai dẳng. Kéo theo là các rối loạn hô hấp, bệnh thường xuyên tiến triển khiến cho việc điều trị có thể làm nặng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ.

Với các trường hợp bệnh nhân này, chăm sóc giảm nhẹ (CSGN) mang lại cho bệnh nhân ung thư nhiều lợi ích như chất lượng cuộc sống tốt hơn, đạt được sự thỏa mãn ở người bệnh và gia đình bởi sự hiểu biết bệnh được cải thiện. Người bệnh sẽ ít phải gánh nặng triệu chứng, ít trầm cảm và việc chăm sóc cuối đời ít nặng nề. Đó cũng là lý do CSGN được khuyến cáo áp dụng cho bệnh nhân di căn hay triệu chứng dai dẳng.

Bác sĩ Quách Thanh Khánh – trưởng khoa CSGN, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – cho rằng triệu chứng đau và chịu đựng về đau là biểu hiện thường gặp ở người nhiễm HIV, ung thư và những người mắc các căn bệnh đe dọa đến tính mạng. Cụ thể, có từ 60 – 80% số người nhiễm HIV và ung thư có biểu hiện đau đớn, suy sụp tinh thần, đặc biệt trong thời gian cuối đời. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay chỉ có số ít bệnh nhân có thể tiếp cận được với việc CSGN này.

Dinh dưỡng và phương pháp điều trị rất quan trọng

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Tiến – trưởng khoa ngoại 1 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – cho biết ung thư cổ tử cung ngày càng trẻ hóa, thực sự là báo động.

Trước đây, với những người phụ nữ mang trên mình thiên chức làm mẹ, họ phải đau đớn quyết định lựa chọn “một trong hai” – điều trị ung thư hoặc sinh đẻ. Nay với đề tài nghiên cứu “phẫu thuật bảo tồn tử cung” đối với bệnh nhân trẻ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn xâm lấn sớm của nhóm bác sĩ Tiến đã mở ra cơ hội cho hàng ngàn bà mẹ trẻ.

Với phương pháp điều trị này, mới đây các bác sĩ khoa ngoại 1 tiến hành phẫu thuật bảo tồn thành công trong điều trị ung thư cổ tử cung cho một bệnh nhân 30 tuổi (quê Vĩnh Long) bị ung thư cổ tử cung nhưng lại mong muốn sinh con. Đây là lần đầu tiên phẫu thuật bảo tồn này được thực hiện ở phía Nam, cắt cổ tử cung tận gốc chừa lại thân tử cung.

“Đây là bài toán khá hóc búa liên quan các khoa phẫu – hóa – nội tiết- miễn dịch. Hiện tại ở nước ta chưa thực hiện nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để đem lại hạnh phúc nhỏ nhoi cho người phụ nữ trẻ bị ung thư có niềm hi vọng có con” – bác sĩ Tiến tâm sự.

Một nghiên cứu của nhóm bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho rằng tình trạng dinh dưỡng kém là yếu tố tiên lượng quan trọng đối với người bệnh bị ung thư. Do đó vấn đề hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân trước và trong quá trình điều trị là điều sống còn.

Cụ thể, đối với các bệnh nhân ung thư thực quản và ung thư đầu cổ thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn với các triệu chứng khó nuốt nên dinh dưỡng kém. Tình trạng này kéo dài trong quá trình điều trị khiến người bệnh càng sa sút hơn.

Với thực tế này, trước đây các bệnh nhân thường được nuôi ăn qua ống thông mũi, dạ dày với rất nhiều phiền toái và biến chứng. Chỉ khi nào bệnh nhân không thể đặt ống thông mũi, dạ dày mới phải mổ dạ dày ra da để nuôi ăn. Các biến chứng của mổ mở dạ dày khá cao, chiếm 25 – 48%, bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn vết mổ, rò chân ống mở dạ dày.

“Để giảm thiểu nguy cơ, đồng thời giúp bệnh nhân tiếp nhận dinh dưỡng một cách tốt nhất, mới đây đơn vị đã thực hiện thành công mở dạ dày ra da qua nội soi giúp người bệnh có cơ hội tiếp dinh dưỡng một cách an toàn, hiệu quả” – PGS.TS Phạm Hùng Cường (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) nói.

Về dinh dưỡng, mới đây nhóm của điều dưỡng Hồng (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) tiến hành khảo sát trên 210 điều dưỡng tại 15 khoa lâm sàng của bệnh viện. Kết quả cho thấy gần 46% điều dưỡng cho rằng bác sĩ mới là người chịu trách nhiệm chính trong việc tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh hoặc nếu tư vấn chỉ khi bệnh nhân có nhu cầu.

“Rào cản lớn nhất dẫn đến việc không coi trọng tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh ung thư là do thiếu thời gian, quá tải công việc, thiếu phương tiện thực hiện tư vấn, hoặc thiếu kiến thức…” – khảo sát đánh giá.

Các chuyên gia y tế cho biết dinh dưỡng chính là một trong những yếu tố chính trong việc hỗ trợ bệnh nhân ung thư, ảnh hưởng đến sự tiến triển, đáp ứng và phục hồi của bệnh. Thế nhưng nhận thức tư vấn dinh dưỡng trong đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt là điều dưỡng, còn hạn chế. (Tuổi trẻ, trang 13).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 30/9/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/3/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 18/5/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận