Điểm báo ngày 13/9/2018

(CDC Hà Nam)

13Đổi mới đào tạo nhân lực y tế; Ngư dân ngộ độc cá nóc qua cơn nguy kịch; Bệnh viện thiếu thuốc bảo hiểm y tế: Người bệnh phải tự mua

Đổi mới đào tạo nhân lực y tế

Ngành y tế đang thực hiện đổi mới đào tạo nhân lực hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu thực tiễn chăm sóc sức khỏe nhân dân và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để làm được việc đó, cần có thời gian và nhất là cần sự tham gia hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.

Hệ thống đào tạo nhân lực y tế đã có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên cả nước. Nhờ đó đã cung cấp nguồn nhân lực y tế có trình độ chuyên môn kỹ thuật đáp ứng về cơ bản yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân tất cả các tuyến y tế từ trung ương đến vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, cả nước có 43 cơ sở đào tạo trình độ đại học, với số lượng sinh viên đại học khối ngành sức khỏe tốt nghiệp ra trường giai đoạn 2006 – 2017 tăng gấp bốn lần, riêng số lượng bác sĩ tốt nghiệp ra trường giai đoạn này tăng khoảng gấp ba lần. Số lượng bác sĩ tăng từ 7,2 (năm 2010) lên hơn 8 bác sĩ/10 nghìn dân (năm 2017); tương tự, số dược sĩ có trình độ đại học tăng từ 1,76 (năm 2010) lên khoảng 2,5 (năm 2017)/10 nghìn dân.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác đào tạo đang đứng trước không ít những khó khăn, thách thức. Mạng lưới cơ sở đào tạo và số lượng cơ sở đào tạo tăng nhanh, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn với sự tham gia của các trường đa ngành. Chương trình đào tạo hầu hết chưa được điều chỉnh, chủ yếu dựa trên chương trình nặng về lý thuyết, chưa chú trọng đúng mức về năng lực cần thiết cho người học, chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của hệ thống y tế. Trong khi đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân đang thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh kinh tế – xã hội phát triển hơn, dân số tăng và già hóa, đòi hỏi chuẩn mực chăm sóc sức khỏe cao hơn cả về số lượng, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mô hình bệnh tật đã thay đổi theo xu hướng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm gia tăng liên tục ở mức cao… Mặt khác, về hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký thỏa thuận khung công nhận lẫn nhau giữa các nước trong khu vực ASEAN về các lĩnh vực y khoa, nha khoa và điều dưỡng; cuối năm 2015, Việt Nam đã tham gia Cộng đồng ASEAN. Qua đó, về nguyên tắc, nhân lực ở các lĩnh vực nêu trên được phép đăng ký hành nghề tại các quốc gia trong khu vực. Các nước phải công bố chuẩn năng lực cơ bản cho từng đối tượng và tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề…

Theo Thứ trưởng Y tế Lê Quang Cường, chất lượng đội ngũ nhân lực y tế (bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng…) hiện nay chưa cao, nguyên nhân là do chương trình đào tạo của các trường phần lớn tập trung vào cung cấp kiến thức; sự phối hợp chưa tốt giữa cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành. Ðáng chú ý, các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe chưa được kiểm định (đang triển khai); các chương trình đào tạo chưa có sự tham gia thường xuyên của các cơ sở (bệnh viện) thực hành, sinh viên chủ yếu nghe giảng trên giảng đường, thiếu cơ hội thực hành cho nên chưa đáp ứng các yêu cầu. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước thiếu các quy định phù hợp (đặc thù), chưa có tiêu chí kiểm định riêng chương trình đào tạo khối ngành sức khỏe, chưa đánh giá đầu ra cấp quốc gia…

Một bất cập khá rõ khác trong đào tạo nhân lực y tế ở nước ta hiện nay là chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa các năng lực nghiên cứu và năng lực hành nghề khám, chữa bệnh. Chỉ có các bằng hàn lâm (thạc sĩ, tiến sĩ) được công nhận ở cấp quốc gia, dẫn tới các chương trình thạc sĩ (hai năm) được thiết kế để cung cấp cả năng lực hành nghề và nghiên cứu, nhưng thực tế học viên không được đào tạo tốt ở cả hai năng lực. Các chương trình chuyên khoa (chuyên khoa I, chuyên khoa II, bác sĩ nội trú chỉ dành cho sinh viên giỏi) lại không được kiểm định và không có sự thống nhất về đầu ra. Các học viên theo học tại các trường y, phần đào tạo thực hành không được thiết kế tốt (vai trò của bệnh viện không rõ ràng), vì vậy năng lực thực hành sau khi ra trường còn hạn chế.

Những thách thức đó, đòi hỏi những giải pháp hợp lý cả trước mắt và lâu dài để đạt mục tiêu bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và hướng tới hội nhập quốc tế. Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu rõ hai nhiệm vụ và giải pháp đối với đào tạo nhân lực y tế đó là: Ðổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật và triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia trong đào tạo nhân lực y tế, phát huy trách nhiệm, vai trò các bệnh viện trong đào tạo, phát triển bệnh viện đại học. “Thành lập hội đồng y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế. Thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề”. Chính vì vậy, việc thể chế hóa các nội dung nêu trên là một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách trong hoàn thiện các chính sách liên quan trong thời gian tới.

Bộ Y tế chủ trương triển khai đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng tiếp cận các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Trước mắt, để đổi mới đào tạo nhân lực y tế, cần đi sâu vào đổi mới một số chương trình đào tạo chủ chốt theo hướng hình thành năng lực nhằm tạo ra nguồn nhân lực y tế đáp ứng mô hình bệnh tật và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, gắn đào tạo với sử dụng nhân lực y tế. Tiến hành nghiên cứu và đề xuất mô hình đào tạo ngành y, dược. Tập trung điều chỉnh chương trình đào tạo chuyên khoa sau đại học, gắn kết quả đào tạo chuyên khoa với ngạch, bậc viên chức y tế, bổ nhiệm chức vụ chuyên môn, đưa hệ đào tạo bác sĩ chuyên khoa chính thức vào hệ thống giáo dục đại học. Việc đổi mới đào tạo hướng đến làm rõ hai loại năng lực: nghiên cứu và khám, chữa bệnh; ban hành các quy định về cơ chế phối hợp điều kiện đào tạo và thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe; chuyển đổi chương trình từ đào tạo thiên về cung cấp kiến thức thành đào tạo ra năng lực giải quyết được các vấn đề cơ bản. Ðồng thời, xây dựng và ban hành các chuẩn quốc gia về năng lực cho nhân lực y tế; chuẩn hóa mô hình đào tạo phù hợp khung trình độ quốc gia và hội nhập quốc tế. Chuẩn bị cơ sở, điều kiện cho tổ chức kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề… (Nhân dân, trang 5).

Ngư dân ngộ độc cá nóc qua cơn nguy kịch

Chiều 12-9, Trung tâm Y tế huyện U Minh cho biết, hiện cả 5 trường hợp ngộ độc do ăn cá nóc đã qua cơn nguy kịch và đang được các y, bác sỹ tại Trung tâm tiếp tục theo dõi. Trước đó, sáng 11/9, ghe biển của ông Trần Thanh Tuấn (ngụ ấp 7, xã Khánh Tiến) cập bến, sau chuyến đi biển đã đánh bắt được khoảng 2kg cá nóc. Ông Tuấn đã mang số cá nóc về chế biến và tổ chức nhậu với 4 người bạn khác. Đến chiều cùng ngày, cả 5 người đều có những biểu hiện như tê môi, tê lưỡi, chóng mặt, yếu tay chân đi không vững nên nhanh chóng được người thân đưa đi cấp cứu. (Nhân dân, trang 5).

Bệnh viện thiếu thuốc bảo hiểm y tế: Người bệnh phải tự mua

Tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) tại bệnh viện, cơ sở y tế công lập khiến người dân phải tự bỏ tiền túi ra mua. Thực trạng đang diễn ra tại Quảng Nam.

Tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) tại bệnh viện, cơ sở y tế công lập khiến người dân phải tự bỏ tiền túi ra mua. Thực trạng đang diễn ra tại Quảng Nam.

Nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam bức xúc khi không được nhận một số loại thuốc nằm trong danh mục thuốc BHYT. Theo lãnh đạo bệnh viện này, tình trạng thiếu thuốc BHYT của bệnh viện xảy ra khoảng nửa tháng nay, hầu hết loại thuốc đều thiếu, trong đó có cả thuốc cấp cứu. Bệnh viện chỉ chi tiền mua thuốc cấp cứu, còn các loại thuốc khác bệnh nhân phải bỏ tiền ra mua. Lãnh đạo bệnh viện này cũng cho hay, đến hết tháng 6/ 2018 đơn vị đã dùng gần hết số thuốc đấu thầu theo kế hoạch. Tuy nhiên, đến nay việc đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện vẫn chưa được Sở Y tế thực hiện xong.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bác sỹ Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho rằng, thực trạng thiếu thuốc BHYT tại một số bệnh viện, cơ sở y tế công có nhiều nguyên nhân, trong đó có phần do đấu thầu thuốc chậm. Ngoài ra còn có nguyên nhân do bệnh viện xây dựng kế hoạch không được sát và nguyên nhân trong vấn đề điều chỉnh thuốc dùng ở các đơn vị. Theo quy định, khi xây dựng kế hoạch thì đơn vị đó có quyền mua được 120% so với kế hoạch.  Cũng có nguyên nhân khách quan do số lượng bệnh nhân tăng mạnh…

Lãnh đạo Sở Y tế Quảng Nam giải thích, kết quả đấu thầu thuốc chậm 2 tháng so với kế hoạch, do công tác đấu thầu gặp những trở ngại về việc thủ tục hồ sơ. Tuy nhiên, theo ông Hai, việc đấu thầu thuốc chậm cũng đã được tiên lượng, và Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị mua thuốc để sử dụng trong tháng 7 và tháng 8, cùng với bảo hiểm thống nhất việc mua thuốc để cung ứng thuốc trong tháng 7 và tháng 8/2018.

“Thực tế không phải tất cả các nơi đều thiếu và không phải tất cả các loại thuốc đều thiếu, do đó nguyên nhân không hoàn toàn chỉ do đấu thầu thuốc chậm. Về nguyên tắc, bệnh viện phải có dự trữ thuốc. Các đơn vị, bệnh viện xây dựng kế hoạch không được sát và trong vấn đề điều chỉnh thuốc dùng ở các đơn vị. Theo quy định, khi xây dựng kế hoạch thì đơn vị đó có quyền mua được 120% so với kế hoạch. Nếu rà soát bài bản sử dụng thì có thể mua được 3,6 tháng” – ông Hai nói.

Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc cục bộ, Sở Y tế đã điều phối thuốc giữa các cơ sở y tế theo quy định. Cụ thể, Sở Y tế đã điều phối thuốc từ các BVĐK miền núi phía Bắc và BVĐK bắc Quảng Nam cho BVĐK tỉnh Quảng Nam.

“Cho dù nguyên nhân gì đi nữa thì để xảy ra tình trạng thiếu thuốc trước hết là trách nhiệm của lãnh đạo Sở Y tế, trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện. Sở chịu trách nhiệm do chậm có kết quả đấu thầu thuốc, còn phía bệnh viện chịu trách nhiệm do lập kế hoạch không sát”. Ông Hai thừa nhận. (Tiền phong, trang 5).

Bộ Y tế thông tin về việc sử dụng vaccine 5 trong 1

Quinvaxem là vaccine phối hợp có thành phần ho gà toàn tế bào, phòng 5 bệnh Bạch hầu- Ho gà- Uốn ván, Viêm gan B, viêm màng não mủ do Hib sử dụng cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vaccine này do tập đoàn vaccine Janssen tại Hàn Quốc đã ngừng sản xuất và cung ứng cho Việt Nam từ ngày 15/12/2017. Ngay sau khi có thông báo ngừng sản xuất của Nhà sản xuất, Bộ Y tế đã khẩn trương tìm kiếm loại vaccine tương tự Quinvaxem để chuyển đổi, thay thế và đã lựa chọn vaccine ComBE Five do Công ty Biological E, Ấn Độ sản xuất. Đây là loại vaccine có thành phần tương tự Quinvaxem và đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiền thẩm định, đã được sử dụng trên 72 quốc gia, với khoảng 362 triệu liều đã được sử dụng, được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Sau khi lựa chọn vaccine này, Bộ Y tế đã tiến hành các thủ tục mua sắm, nhập khẩu tuân thủ các quy định hiện hành và theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi chi tiết việc sử dụng loại vaccine này thay thế Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bước đầu dự kiến triển khai tại 7 tỉnh trước khi triển khai trên qui mô toàn quốc.

Theo quy định của Việt Nam, để bảo đảm vaccine an toàn, chất lượng, hiệu quả trước khi đưa vào sử dụng, tất cả các loại vaccine đều phải tuân thủ việc kiểm định nghiêm ngặt, chặt chẽ. Vì vậy, Bộ Y tế đã chỉ đạo Dự án tiêm chủng mở rộng ngày 8/6 nhập 3 lô ComBE Five do GAVI viện trợ cho Việt Nam thông qua UNICEF để tiến hành kiểm định trước khi đưa vào sử dụng.

Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu nhà sản xuất tiếp tục cung cấp lô vaccine mới để tiến hành kiểm định. Đến hôm qua (10/9), kết quả kiểm định lô vaccine mới này đạt yêu cầu. Ngay sau khi có kết quả kiểm định đạt yêu cầu của lô vaccine mới này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Vụ, Cục, đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành thủ tục mua sắm theo qui định để sớm đưa ComBE Five vào trong chương trình tiêm chủng để tiêm phòng cho trẻ.

Trong thời gian chờ có vaccine mới, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo dự án tiêm chủng mở rộng và các địa phương tiến hành rà soát, cân đối, điều phối sử dụng vắc xin hiện có trong toàn hệ thống để bảo đảm sự thiếu hụt vaccine đến mức thấp nhất. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ có văn bản yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng chủ động lập kế hoạch, rà soát và tiến hành tiêm bù cho những trẻ chưa được tiêm đủ các mũi ComBE Five khi lô vaccine này hoàn thành các thủ tục mua sắm để chuyển đổi, thay thế Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. (Gia đình & Xã hội, trang 6).

Thí điểm phố Duy Tân là tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát

UBND quận Cầu Giấy đã ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND về việc thí điểm xây dựng tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Theo đó, quận đã lựa chọn tuyến phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu) để triển khai thí điểm tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Tuyến phố này có 33 cơ sở dịch vụ ăn uống, phục vụ khoảng 5.000 lượt khách/ngày và được coi là trung tâm ẩm thực của quận Cầu Giấy. Hiện các cơ sở dịch vụ ăn uống tại tuyến phố Duy Tân đã có bảng, biển nhận diện “Nhà hàng (cửa hàng) an toàn thực phẩm có kiểm soát”.

Để bảo đảm tất cả các cơ sở dịch vụ ăn uống tại tuyến phố này tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, lực lượng chức năng của quận và phường thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát, tư vấn, từ đó kịp thời nhắc nhở, xử lý các hộ vi phạm. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo an toàn, vệ sinh thực phẩm của quận hỗ trợ trang bị cho các cơ sở một số thiết bị, vật dụng thiết yếu như: Tủ kính, tạp dề, mũ, khẩu trang, găng tay 1 lần, thùng rác, bảng công khai nguồn gốc thực phẩm, các loại sổ sách ghi chép… (Hà Nội mới, trang 5).

Quận Ba Đình triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm

UBND quận Ba Đình vừa ban hành Kế hoạch số 179/KH-UBND về việc triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn quận năm 2018.

Theo đó, từ tháng 9 đến hết tháng 12-2018, cơ quan chức năng quận sẽ tiến hành hậu kiểm việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, tài liệu pháp lý quy định. Mặt khác, tiến hành hậu kiểm cơ sở thuộc diện cấp và không cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng hậu kiểm đối với cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; hậu kiểm về ghi nhãn sản phẩm; hậu kiểm về truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Trong công tác hậu kiểm, các cơ quan chức năng phải tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các sản phẩm thực phẩm thuộc diện cơ sở tự công bố… (Hà Nội mới, trang 5).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 9/9/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/7/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/10/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận