Điểm báo ngày 14/10/2019

(CDC Hà Nam)
Hôm nay công bố kết quả xét nghiệm nước máy nhiễm hóa chất ở Hà Nội?; Cần hay không một trung tâm công nghệ thông tin cho ngành y tế?; Mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới rửa tay với xà phòng; 40% người bệnh nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không dùng vì sợ… kỳ thị

Hôm nay công bố kết quả xét nghiệm nước máy nhiễm hóa chất ở Hà Nội?

Chiều 13.10, trao đổi với PV Thanh niên, PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội, cho biết sau khi có phản ánh về nước sinh hoạt do Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) sản xuất cung cấp cho nhiều khu dân cư trên địa bàn TP.Hà Nội “có mùi hóa chất nồng nặc”, hôm thứ sáu (11.10) cán bộ của trung tâm này đã lấy mẫu nước để xét nghiệm.

Các mẫu được lấy tại 4 điểm: đầu nguồn nơi nước sông Đà đấu nối với hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho dân, lấy mẫu trực tiếp tại khu dân cư – nơi người dân phản ánh nước sinh hoạt có mùi khác lạ. Mỗi điểm lấy 2 – 3 mẫu nước, đem xét nghiệm các chỉ tiêu về chất lượng (bao gồm chỉ tiêu hóa, lý và vi sinh vật). Dự kiến kết quả xét nghiệm sẽ có trong hôm nay (14.10), được chuyển đến Sở Xây dựng Hà Nội, là cơ quan quản lý về cung cấp nước sạch và cơ quan y tế chịu trách nhiệm giám sát về chất lượng. Theo ông Cảm, sự cố về nước sinh hoạt như người dân phản ánh là chưa từng ghi nhận trong nhiều năm qua.

Người dân vẫn chưa dám sử dụng nước nấu ăn

Trong khi đó, hôm qua 13.10, ở các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, H.Hoài Đức… nước máy đã đỡ mùi hơn hôm trước nhưng người dân chưa dám dùng để ăn, uống. Tại khu đô thị Linh Đàm, Q.Hoàng Mai, một số ban đại diện cư dân đã mua nước sạch từ nơi khác và chở bằng xe bồn về cho cư dân xách lên nhà để nấu ăn.

GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, chia sẻ ông cũng phải dùng nước có mùi hóa chất mấy ngày qua. Đến chiều 13.10, mùi khét, hôi trong nước đã giảm, tuy nhiên ông Hồng không hài lòng với cách phản ứng của TP.Hà Nội trong sự cố này. “Gần 1 tuần, cả triệu người dân thủ đô lo lắng nhưng không thấy vai trò của cơ quan chức năng. Trong khi đây là lúc dân cần chính quyền và chính quyền thể hiện vai trò, vậy mà không thấy ai khuyến cáo người dân phải làm gì, có hạn chế dùng nước hay không”, ông Hồng nói và cho rằng: “Cách làm như hiện nay của Hà Nội là tắc trách, trì trệ với dân”.

“Không thể im lặng mãi thế này được, rất nguy hiểm. Trong tình huống khẩn cấp như vậy, cần mời Viện Hàn lâm khoa học VN vào cuộc vì họ có trình độ chuyên môn tốt, có thể đưa ra kết quả chính xác hơn, nhanh hơn. Trong thời gian chờ đợi kết quả thì TP.Hà Nội phải có khuyến cáo để người dân yên tâm. Tôi cho rằng, việc để cả triệu người dân dùng nước sinh hoạt không đảm bảo là có trách nhiệm của lãnh đạo Sở Xây dựng, UBND TP.Hà Nội. Không biết gia đình những cán bộ có trách nhiệm trong việc này có dùng phải nước nặng mùi hóa chất hay không?”, GS-TS Vũ Trọng Hồng nói (Thanh niên, trang 4).

 

Cần hay không một trung tâm công nghệ thông tin cho ngành y tế?

Đó là câu hỏi đã được bàn luận trong thời gian qua, xuất phát từ các khó khăn thực tiễn của bệnh viện công lập trên địa bàn TPHCM khi muốn đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào mọi hoạt động của bệnh viện, hướng đến xây dựng y tế thông minh – một thành phần không thể thiếu khi xây dựng đô thị thông minh.

Nhiều rào cản hình thành y tế thông minh

Các bệnh viện của TPHCM đã triển khai ứng dụng CNTT sớm hơn so với những tỉnh thành khác trên cả nước, từ những năm của thập niên 90, và đã gặt hái được một số thành quả nhất định trong nỗ lực nâng cao chất lượng quản trị bệnh viện cũng như chất lượng phục vụ người bệnh.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc đầu tư cho hạ tầng CNTT, nhất là nguồn nhân lực chuyên trách, còn rất khác nhau giữa các đơn vị nên vẫn còn không ít bệnh viện chưa đạt kết quả như mong đợi.

Khó khăn phổ biến đầu tiên phải nhắc đến (mà các bệnh viện gặp phải trong nhiều năm qua khi triển khai ứng dụng CNTT) chính là hạ tầng công nghệ không tương thích với phạm vi và quy mô triển khai các ứng dụng.

Nguyên nhân chính của khó khăn này là do thiếu tính chuyên nghiệp trong tư vấn cho các dự án phát triển hạ tầng CNTT của bệnh viện. Một nguyên nhân khách quan khác cũng phải kể đến là một số bệnh viện còn gặp khó khăn về kinh phí để đầu tư cho hạ tầng CNTT, nhất là hệ thống máy chủ của trung tâm dữ liệu.

Khó khăn thứ hai mang tính quyết định cho sự thành công khi muốn đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các bệnh viện chính là nguồn nhân lực chuyên trách CNTT. Cho đến nay, thực tiễn cho thấy những bệnh viện được xem là có hệ thống thông tin mạnh chính là những bệnh viện có đội ngũ chuyên trách CNTT mạnh, cả về số lượng và kinh nghiệm chuyên môn, có thể kể đến các bệnh viện như Đại học Y Dược TPHCM, Quận Thủ Đức, Nhi đồng 1. Đây là những bệnh viện tự tạo ra các phần mềm ứng dụng cho riêng mình xuất phát từ nhu cầu phát triển của đơn vị.

Tuy nhiên, số bệnh viện như vậy chỉ là số ít và rất khó nhân rộng, do không tuyển dụng được các chuyên gia CNTT có kinh nghiệm. Hầu hết dự án ứng dụng CNTT tại bệnh viện là do các công ty phần mềm thực hiện, nhưng không phải tất cả chuyên gia CNTT của các công ty đều am hiểu những quy trình hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành y tế và cũng không ít trường hợp bệnh viện vẫn không hài lòng với sản phẩm, trong đó phải kể đến ứng dụng cốt lõi cho hoạt động của bệnh viện, đó là phần mềm thông tin bệnh viện (HIS).

Khó khăn thứ ba không thể không nhắc đến, nhất là ở giai đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, đó là không tương thích được dữ liệu giữa các bệnh viện và giữa các cơ sở y tế với nhau. Điều này ảnh hưởng không nhỏ, nếu không muốn nói là yếu tố quyết định, cho sự thành công khi ngành y tế của cả nước đang tăng tốc triển khai bệnh án điện tử và bắt đầu lộ trình xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng người dân.

Rõ ràng, khó khăn này nằm ngoài khả năng giải quyết của các bệnh viện. Khó khăn thứ tư, tuy ít được các bệnh viện nhắc đến trong giai đoạn hiện nay nhưng không thể bỏ qua, đó là vấn đề an ninh mạng. Vấn đề này cũng nằm ngoài khả năng của các bệnh viện do chưa có chuyên viên CNTT chuyên sâu về lĩnh vực này.

Y tế thông minh bắt đầu từ quản trị

Giải pháp nào để tháo gỡ những khó khăn trên? Nên chăng, TPHCM cần thêm một trung tâm CNTT chuyên trách trong lĩnh vực y tế, một trung tâm quy tụ các chuyên gia quản lý và chuyên gia CNTT có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị bệnh viện, một trung tâm làm đầu mối để triển khai các chiến lược phát triển CNTT của ngành y tế, một trung tâm tư vấn chuyên nghiệp cho các bệnh viện triển khai những dự án CNTT. Đó là mong muốn của hầu hết các giám đốc bệnh viện hiện nay.

Một ví dụ là tại New Zealand, trung tâm công nghệ chuyên ngành y tế có tên là “HealthAlliance NZ” đã ra đời, đi vào hoạt động ở khu vực phía Bắc của quốc gia này hơn 19 năm qua. Đây là trung tâm chuyên trách về hoạt động CNTT của 15 bệnh viện và các cơ sở y tế khác trong khu vực. Hội đồng quản trị bao gồm 7 người và 525 nhân viên chuyên trách, chủ yếu chuyên ngành CNTT và quản lý dự án. Trung tâm này hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp tư nhân, đồng thời chịu trách nhiệm trước các hội đồng y tế quận về phát triển CNTT theo định hướng phát triển của Bộ Y tế. Các hội đồng y tế quận sẽ ký hợp đồng và cấp kinh phí cho trung tâm; trung tâm sẽ hoạch định chiến lược phát triển ứng dụng CNTT cho các bệnh viện và các cơ sở y tế với sự chấp thuận của hội đồng y tế quận, triển khai thực hiện và báo cáo kết quả hoạt động.

Ngoài việc triển khai các ứng dụng như bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử theo hướng kết nối liên thông giữa các cơ sở y tế, trung tâm “HealthAlliance NZ” còn có 2 hoạt động quan trọng mà trước đây các cơ sở y tế còn gặp khó khăn, đó là dịch vụ chăm sóc khách hàng và an ninh mạng.

Cho đến nay, chưa có sự cố lớn nào xảy ra tại các bệnh viện và các cơ sở y tế trong ứng dụng CNTT. Ngoài ra, ngành y tế tại thành phố Auckland (New Zealand) hướng đến mô hình “Smart treet” của ngành giao thông để xây dựng bệnh viện thông minh.

Hiện nay, thành phố Auckland đã đầu tư mạnh cho ứng dụng kết nối dữ liệu đồng bộ theo thời gian thực các loại hình phương tiện giao thông, phân tích dữ liệu, sử dụng các công cụ như camera thông minh, cảm biến để thông tin cho người dân biết tình hình tắc nghẽn giao thông, chọn lựa phương tiện giao thông phù hợp và tuân thủ luật lệ giao thông (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới rửa tay với xà phòng

Ngày 13-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Hà Nội và Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng năm 2019 (15-10), với chủ đề “Rửa tay với xà phòng – Cùng hành động vì sức khỏe Việt Nam”. Tới dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, lãnh đạo Bộ Y tế và đại diện các bộ, ban, ngành của trung ương, Hà Nội. Theo báo cáo của Bộ Y tế, rửa tay với xà phòng ở các thời điểm quan trọng như trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh có thể ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh. Rửa tay với xà phòng làm giảm tới gần 50% các trường hợp mắc tiêu chảy, 25% các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi; rửa tay với xà phòng và sử dụng nước ăn uống sạch làm giảm 15% các trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhóm trẻ này. Rửa tay với xà phòng cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, cúm… Thế nhưng, hiện còn nhiều người vẫn chưa tuân thủ biện pháp phòng bệnh đơn giản này, nhất là trẻ em, người dân sống tại vùng nông thôn.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố đã ghi nhận 830 trường hợp mắc tay chân miệng, chưa có trường hợp tử vong. Mặc dù số mắc giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2018, nhưng dự báo thời gian tới, khi bước vào mùa đông – xuân, tình hình dịch bệnh này có thể diễn biến phức tạp, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.

Đồng chí Ngô Văn Quý nhấn mạnh, bệnh tay chân miệng nói riêng và các dịch bệnh khác lây qua đường tiêu hóa, hô hấp nói chung có thể dự phòng bằng cách thực hành tốt công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Do đó, nếu trẻ em được chăm sóc bằng những bàn tay sạch thông qua việc thực hiện rửa tay bằng xà phòng đúng cách sẽ giúp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả (Hà Nội mới, trang 7).

 

40% người bệnh nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không dùng vì sợ… kỳ thị

Đây là thực trạng đáng suy nghĩ bởi từ năm 2020 tới đây, các nguồn thuốc kháng virus ARV điều trị HIV sẽ không còn, khi đó toàn bộ chi phí điều trị ARV sẽ được hỗ trợ qua BHYT.

Và như vậy, với kinh phí điều trị ARV trung bình vào khoảng 6-13 triệu đồng/ người/ năm, nếu không có BHYT, người bệnh sẽ khó theo nổi.

Lây truyền HIV qua tình dục đồng giới nam tăng báo động

Có mặt tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đống Đa – cơ sở tuyến đầu về điều trị HIV của thành phố Hà Nội, chúng tôi ghi nhận khu vực phòng khám, quầy tiếp đón làm thủ tục BHYT cho bệnh nhân HIV đã được sắp xếp lại thành một khu riêng biệt.

Trong khi đó, tại khu vực điều trị nội trú cũng chỉ có một số ít người bệnh HIV đang điều trị, chủ yếu là người bệnh mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội nặng.

Trao đổi với chúng tôi, BS.CKII Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Đống Đa cho biết, với vai trò được Sở Y tế phân công là bệnh viện tuyến đầu về quản lý điều trị bệnh nhân HIV của toàn thành phố, hiện Bệnh viện Đống Đa đang quản lý điều trị khoảng 1.300 bệnh nhân HIV, bao gồm cả những bệnh nhân là người ngoại tỉnh nhưng đang sống ở Hà Nội.

Qua theo dõi trong 9 tháng đầu năm nay, bệnh nhân HIV được phát hiện mới vào khám, điều trị đa số là người trẻ, bị lây truyền HIV chủ yếu qua đường tình dục, tiếp đó mới đến tiêm chích ma túy. Đặc biệt, thời gian gần đây, xu hướng lây truyền HIV qua con đường quan hệ tình dục đồng giới nam gia tăng báo động.

“Nhiều bệnh nhân còn rất trẻ. Qua tiếp xúc cho thấy, các bạn trẻ này tiếp cận những thông tin về tình dục đồng giới trên mạng một cách khá dễ dãi và lại không hiểu biết đầy đủ về các biện pháp phòng tránh bệnh qua đường tình dục. Đây là xu hướng cần cảnh báo” – bác sĩ Minh chia sẻ.

Ngược lại, tín hiệu tích cực là hiện nay, người bệnh HIV vào khám, điều trị thường ở giai đoạn sớm chứ không như trước đây thường có các biểu hiện bệnh, xuất hiện các nhiễm trùng cơ hội ồ ạt rồi mới vào viện.

Cũng vì được phát hiện bệnh sớm và điều trị theo đúng phác đồ nên đa số đều có tình trạng sức khỏe tiến triển tốt lên, không phải nhập viện nằm nội trú.

Đa phần người bệnh vẫn lo sợ kỳ thị

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thái Minh, HIV giờ được coi như là một căn bệnh mãn tính của xã hội hiện đại, cũng giống như bệnh tiểu đường, huyết áp, viêm gan B… chứ không còn là căn bệnh thế kỷ nữa. Dù chưa có thuốc chữa khỏi bệnh song nếu được phác hiện sớm và tuân thủ đúng phác đồ điều trị ARV thì bệnh nhân vẫn hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh trong nhiều năm.

Thế nhưng, dù tính chất bệnh thay đổi, nhận thức của người bệnh thay đổi, song phần đa người bệnh vẫn còn mặc cảm và lo sợ sự kỳ thị của cộng đồng, thậm chí tìm cách giấu giếm bệnh.

Trong số 1.300 bệnh nhân HIV được quản lý điều trị tại Bệnh viện Đống Đa, khoảng 80% bệnh nhân có BHYT. 20% số bệnh nhân HIV chưa có thẻ BHYT chủ yếu rơi vào đối tượng học sinh sinh viên, một số đối tượng vừa đi tù, đi trại về và một số đối tượng hộ nghèo.

Tuy nhiên, qua theo dõi, trong số 80 người có thẻ BHYT thì chỉ khoảng 40% người bệnh thường xuyên sử dụng thẻ BHYT mỗi lần đi khám chữa bệnh. Bác sĩ Minh phân tích, một phần bệnh nhân ở ngoại tỉnh nên không chuyển đúng tuyến BHYT được hoặc bệnh nhân từ tuyến dưới của thành phố chủ động vượt tuyến lên.

“Mặt khác, có một tỷ lệ không nhỏ lượng bệnh nhân HIV mà bệnh viện đang tiếp nhận, điều trị là viên chức, công chức hoặc người đang đi làm việc ở các doanh nghiệp, đơn vị… nên họ ngại sử dụng thẻ BHYT vì lo sợ bị lộ danh tính, sợ sự kỳ thị của cộng đồng” – bác sĩ Minh cho biết.

Hiện thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV) vẫn đang được cấp miễn phí theo tài trợ của các dự án, tuy nhiên chương trình này chỉ kéo dài đến hết năm nay. Bắt đầu từ năm 2020 tới đây, tất cả chi phí điều trị thuốc kháng virus đều được hỗ trợ chi trả qua BHYT, khi đó nếu bệnh nhân nhiễm HIV không có thẻ BHYT thì rất khó có thể theo điều trị được.

Để chuẩn bị cho việc chuyển từ cấp miễn phí thuốc ARV sang hỗ trợ chi trả thuốc ARV qua BHYT, vừa qua, Bệnh viện Đống Đa đã triển khai đề án khám chữa bệnh cho người bệnh HIV bằng BHYT. Theo đó, bệnh viện đã tổ chức một khu làm thủ tục BHYT riêng cho người bệnh HIV để giúp người bệnh thuận tiện hơn và “đỡ ngại” khi phải làm thủ tục BHYT ở chung quầy với các bệnh nhân thông thường…

Các bác sĩ cho biết, ước tính, một người nhiễm HIV khi điều trị bằng thuốc ARV thì quỹ BHYT phải chi trả khoảng 6-13 triệu đồng/người/năm cho tiền thuốc và các chi phí xét nghiệm, thuốc nhiễm trùng cơ hội… Nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV rất khó có đủ khả năng chi trả chi phí điều trị. Vì thuốc ARV phải uống suốt đời nên người bệnh cần chủ động tham gia BHYT và đi khám chữa bệnh bằng BHYT để được chi trả.

Hơn 9.100 bệnh nhân HIV ở Hà Nội đang được điều trị ARV

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đến hết năm 2018, thành phố đã ghi nhận 21.038 trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống. Hiện, Hà Nội duy trì 22 phòng khám ngoại trú cho bệnh nhân HIV, trong đó có hơn 9.148 người đang được điều trị ARV.

Năm 2019, cùng với cả nước, thành phố triển khai cấp thuốc ARV bằng nguồn BHYT tại 5 cơ sở điều trị. Hà Nội cũng đã phê duyệt kinh phí 1,6 tỷ đồng để hỗ trợ cùng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân HIV có thẻ BHYT. Tính đến hết tháng 7-2019, thành phố đã có 7.801 người nhiễm HIV đang điều trị ARV có thẻ BHYT (chiếm 85,3%).

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến nay, Việt Nam là nước duy nhất huy động nguồn lực trong nước thông qua BHYT để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV/AIDS (An ninh thủ đô, trang 8).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 07/9/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/9/2020

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 8/8/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận