Điểm báo ngày 14/8/2018

(CDC Hà Nam)

 

 

Bệnh viện quá tải, cấp cứu cũng phải… chờ phòng; Xác minh thông tin nhiều người nghi nhiễm HIV ở Phú Thọ; Rúng động làng quê phát hiện 42 người nhiễm HIV; Xử phạt hai cơ sở kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc

 

Bệnh viện quá tải, cấp cứu cũng phải… chờ phòng

Thực trạng này đang xảy ra ở nhiều bệnh viện tuyến trên, trong đó có bệnh viện khám tới 8.000 bệnh nhân/ngày và đây là điều mà theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là “không thể chấp nhận”.  Ngày 13.8, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đến làm việc tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy và BV Đại học Y Dược TP.HCM liên quan đến công tác khám, chữa bệnh.

Tại 2 BV này, Bộ trưởng đã “phỏng vấn” nhiều bệnh nhân và đều nhận được câu trả lời là chấp nhận không sử dụng bảo hiểm y tế (BHYT) để lên tuyến trên, do không tin tuyến dưới hoặc không biết tuyến dưới điều trị được. Tuy nhiên, lên tuyến trên lại phải chờ đợi khám bệnh quá lâu.

Xây mới, mở rộng cũng quá tải

Theo báo cáo từ BV Đại học Y Dược, hiện BV đang quá tải cả nội trú lẫn ngoại trú, cấp cứu. Mỗi ngày BV khám ngoại trú, tư vấn cho khoảng 8.000 – 8.500 lượt bệnh nhân, trong đó 90% bệnh nhân không sử dụng BHYT. Về nội trú, BV có 1.000 giường bệnh (cơ sở 1 có 900 giường, cơ sở 2 có 65 giường và cơ sở 3 là 35 giường) nhưng lượng bệnh nhân lúc nào cũng vượt lên 104% và 80% bệnh nhân nội trú có sử dụng BHYT.

Do quá tải nên khi cấp cứu dù người bệnh có chỉ định nhập viện nhưng phải chờ có phòng mới nhập; khu vực phòng mổ bệnh nhân sau khi hồi tỉnh cũng phải chờ có người xuất viện mới được nhập vào.

Đáng lưu ý, mỗi ngày khoa cấp cứu phải chuyển viện 15 – 20 người do hết giường bệnh. “BV còn rất nhiều chuyên khoa, đề án nâng cao chất lượng cần mở rộng nhưng không có đất. Nhưng dù có xây thì chắc chắn vẫn sẽ quá tải”, PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV Đại học Y Dược, nói.

PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cũng cho biết 6 tháng đầu năm 2018 BV tiếp nhận khám, cấp cứu 755.000 bệnh nhân, trung bình một ngày có 5.500 bệnh nhân đến khám, cấp cứu, gần 50% bệnh nhân không sử dụng hoặc không có BHYT. Về nội trú, mỗi ngày có hơn 2.700 trường hợp nằm viện, hơn 76% bệnh nhân sử dụng BHYT. Do BV quá tải nên đã có nhiều BV vệ tinh và hợp tác với 13 BV, chuyển gần 7.000 bệnh nhân trong 6 tháng qua.

Chuyển bệnh nhân về lại tuyến dưới

“Ở các BV tuyến trên bệnh nhân ngoại trú quá đông nên phải chờ đợi lâu đến 4 tiếng đồng hồ mới được khám, đó là trở ngại khó khăn, mặc dù các BV ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết được nhanh. Cần phải thay đổi việc này vì hơn một nửa bệnh tuyến tỉnh khám được”, Bộ trưởng Y tế nói và nhấn mạnh sắp tới phải chuyển bớt bệnh nhân ngoại trú và nội trú về tuyến dưới, vì nhiều người chỉ khám đau đầu, chóng mặt, đái tháo đường typ 2 không biến chứng…

“Những người tái khám cùng phác đồ (tuyến dưới làm được) là truyến trên không nhận”, Bộ trưởng nhắc và lưu ý “Một đất nước văn minh không thể một BV mỗi ngày khám 8.000 bệnh nhân”. Vì vậy, BV Đại học Y Dược phải giảm bớt khám ngoại trú ở BV tuyến trên xuống dưới 4.000 lượt, tăng số cơ sở vệ tinh ở quận huyện, đồng thời đẩy nhanh xây dựng cơ sở 2, 3. BV Chợ Rẫy mỗi ngày khám ngoại trú chỉ hơn 4.000; không nằm ghép; phẫu thuật trong ngày; đẩy mạnh công nghệ thông tin (Thanh niên, trang 6).

 

Xác minh thông tin nhiều người nghi nhiễm HIV ở Phú Thọ

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, mấy ngày gần đây, người dân xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) rơi vào trạng thái hoang mang tột độ khi nhiều người trong xã bị nghi nhiễm HIV, đã phải đến bệnh viện xét nghiệm máu.

Theo phản ánh ban đầu từ người dân địa phương, những người nghi nhiễm HIV đều điều trị, tiêm truyền tại một phòng khám tư ở trong xã, nên họ nghi ngờ bác sĩ này đã dùng chung 1 bơm kim tiêm từng sử dụng cho người nhiễm HIV để tiêm truyền cho nhiều người khác.

Sáng nay, 13-8, đoàn công tác của Cục Phòng chống HIV/AIDS – Bộ Y tế đã về khảo sát tình hình cụ thể tại xã Kim Thượng để điều tra dịch tễ, tư vấn hỗ trợ người dân, đồng thời làm việc với ngành y tế địa phương để tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc.

Khảo sát thực tế cho thấy, xã Kim Thượng hiện có khoảng 6.600 người dân sinh sống, chủ yếu là dân tộc Mường, sống bằng nghề nông, thỉnh thoảng mới có người đi ra khỏi huyện tới nơi khác làm việc.

Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn đã về làm việc trực tiếp với anh Hà Trần Thảo – người khám bệnh tại nhà cho nhiều người dân ở Kim Thượng và cũng là cán bộ y tế đang bị nghi vấn dùng dùng chung bơm kim tiêm khiến nhiều người dân xã Kim Thượng nghi nhiễm HIV. Anh Thảo khẳng định mình không dùng chung bơm kim tiêm cho nhiều người dân như phản ánh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn cho biết, anh Thảo hiện là điều dưỡng viên khoa Khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Sơn, hành nghề từ năm 2009, sau đó chuyển ngạch là y sĩ. Bản thân anh Thảo có hoạt động tiêm truyền tại nhà. “Anh Thảo đã có giải trình với Trung tâm Y tế huyện và khẳng định không dùng bơm kim tiêm cho bệnh nhân” – bà Hoa nói.

Trao đổi với báo chí, TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, hiện cơ quan công an của Phú Thọ đã vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc.

Về phía Bộ Y tế, đoàn công tác của Bộ sẽ phối hợp cùng địa phương tuyên truyền, giải thích cho người dân để tránh hoang mang dư luận; nếu cần thiết sẽ mở rộng đối tượng lấy mẫu máu xét nghiệm, cung cấp đầy đủ sinh phẩm xét nghiệm, miễn phí việc lấy mẫu, thực hiện các xét nghiệm cho các đối tượng trong diện liên quan.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành các nghiên cứu chuyên biệt để tiến hành các nghiên cứu định tính, định lượng và nghiên cứu hồi cứu, điều tra dịch tễ xã hội, tìm ra các mối liên quan giữa những người nghi nhiễm HIV tại xã Kim Thượng (nếu có) (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Rúng động làng quê phát hiện 42 người nhiễm HIV

Qua xét nghiệm máu ngẫu nhiên 490 người dân tại xã Kim Thượng, Sở Y tế Phú Thọ phát hiện 42 người dương tính với vi rút HIV nhưng chưa thể truy ra nguồn lây nhiễm. Ngay ở xã miền núi Kim Thượng (H.Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ), những ngày này người dân ở đây túm tụm bàn luận về căn bệnh HIV khi nhiều người được xét nghiệm ngẫu nhiên sửng sốt nhận kết quả thông báo “dương tính”.

Đi khám phổi ra… HIV

Chúng tôi gặp ông Hà Đình Bế ở tiệm tạp hóa của nhà con dâu ngay đầu xóm Nhàng, xã Kim Thượng, giữa buổi chiều 13.8. Khoảng giờ này ngày thường, người dân đều đi rừng, lên nương làm việc. Nhưng hôm nay, câu chuyện bên chén trà với gần chục phụ nữ vẻ mặt trầm ngâm lo lắng, xoay quanh căn bệnh HIV/AIDS. “Đúng là sau khi hay tin, tư tưởng và tinh thần người dân hoang mang, dao động không màng đến chuyện làm ăn”, ông Bế nói.

Trong số trường hợp nhiễm HIV ở Kim Thượng, bà Hà Thị G. (59 tuổi) là trường hợp khá đặc biệt. Khoảng vài tháng gần đây, bà bỗng dưng sút cân không rõ nguyên nhân, người mệt mỏi, thi thoảng có bị ho nhẹ. Đầu tháng 6 vừa qua, bà được gia đình đưa tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ điều trị. Qua 10 ngày điều trị ở đây, bà G. và người thân sững sờ khi nhận kết quả chẩn đoán bị viêm phổi, nấm miệng và dương tính với vi rút HIV. “Tôi cũng không hiểu mình lây nhiễm HIV từ đâu và từ bao giờ, nhưng may mắn là qua kiểm tra người thân trong gia đình đều âm tính với vi rút”, bà G. nói.

Có chung thắc mắc như bà G. là chị Phạm Thị D., sau khi trải qua cảm giác sững sờ vì tin con gái út Hoàng Thị Q. (18 tháng tuổi) bị nhiễm HIV. Chị D. cho biết đợt xét nghiệm sàng lọc đầu tiên vào khoảng đầu tháng 6, cả gia đình 4 người được cán bộ y tế đến tận nhà lấy mẫu máu. Nhưng sau đó, gia đình chị có thêm một lần lấy máu xét nghiệm tại trạm y tế xã. “Cách đây vài hôm, tôi được cán bộ y tế gọi lên thông báo con gái bị nhiễm HIV và ngày 15.8 là đợt lấy thuốc điều trị đầu tiên, trong khi vợ chồng và con cả đều âm tính”, chị D. bàng hoàng kể lại.

Theo chị D., mỗi khi ốm đau, bệnh tật chị đều mang con đến nhà y sĩ Th. – một cán bộ y tế tại H.Tân Sơn, để khám và điều trị.

Chưa đủ kết luận lây nhiễm qua dùng chung kim tiêm

Trước “nghi án” lây HIV do dùng chung kim tiêm tại phòng khám của y sĩ Th. mở ở nhà, chiều 13.8, UBND tỉnh Phú Thọ và đoàn công tác của Bộ Y tế đã có cuộc gặp báo chí để thông tin về sự việc.

Ông Hà Kế San, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, thông tin hiện cơ quan chức năng của tỉnh chưa thể khẳng định được nguyên nhân nào là chủ yếu dẫn tới phát hiện số ca nhiễm HIV tại xã Kim Thượng. “Ngay cả các chuyên gia cũng chưa thể khẳng định được”, ông San nói.

PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho rằng với xã miền núi hơn 6.000 người và con số 42 người được phát hiện nhiễm HIV là tương đối cao, nhưng chưa thể xác định được đây là số người nhiễm HIV mới hay tích lũy hằng năm. Cá nhân ông Long cho rằng đây là con số tích lũy, vì trong những người mới phát hiện có người đã chuyển sang giai đoạn AIDS tương đối nặng. “Thông thường từ khi bị nhiễm đến khi có thể phát hiện được bằng xét nghiệm thì mất khoảng 3 tháng. Còn khi chuyển sang giai đoạn AIDS và nặng thì tùy từng người, trung bình 5 – 7 năm. Cho nên nhiều khả năng số người bị nhiễm HIV được ghi nhận là con số tích lũy”, ông Long phân tích (Thanh niên, trang 5).

 

 

Xử phạt hai cơ sở kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc

Ngày 13-8, Sở Y tế tỉnh Đác Nông cho biết, đã ban hành quyết định xử phạt đối với hai cơ sở kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại xã Đác Sác, huyện Đác Min với số tiền 40 triệu đồng/một cơ sở. Đồng thời, thu hồi giấy phép kinh doanh, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc trong thời gian ba tháng. Trước đó, người dân phản ánh có hai cơ sở ở xã Đác Sác kinh doanh thuốc với tên gọi “thuốc thần tiên” không rõ nguồn gốc xuất xứ, nên Đoàn kiểm tra của Sở Y tế tỉnh Đác Nông đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hai cơ sở bán thuốc, gồm: quầy thuốc Thảo, do ông Nguyễn Hữu Thảo làm chủ, có địa chỉ tại thôn 3 và quầy thuốc số 07, do bà Nguyễn Thị Trang làm chủ, có địa chỉ tại thôn Phong Hòa.

Qua kiểm tra, đoàn đã thu giữ được hai loại thuốc bao gồm: “thuốc thần tiên” mang nhãn hiệu Sư tử lớn, đóng gói quy cách 10 viên/túi và một loại thuốc không có tên, chỉ có ký hiệu, mã số trên sản phẩm, đóng gói quy cách 12 viên/túi. Cả hai loại thuốc này đều có dạng bào chế viên trụ tròn đơn giản và được bán với giá 55.000 đồng/túi. Hai chủ cơ sở đều không nắm rõ được nguồn gốc, xuất xứ và không xuất trình được các giấy tờ liên quan.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với hai cơ sở nêu trên về hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc không được phép lưu hành theo quy định. Buộc chủ hai cơ sở phải giao nộp và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số thuốc kinh doanh trái phép. Đồng thời, lấy mẫu gửi đến Viện Kiểm nghiệm Dược phẩm – Mỹ phẩm TP Hồ Chí Minh để xác định thành phần dược chất, hiệu quả và hệ quả của hai loại thuốc này (Nhân dân, trang 5).

 

Thêm người tử vong do nhiễm virus cúm A/H1N1

Theo bác sĩ Thạch Hoàng Dũng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Trà Vinh, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vừa có hai bệnh nhân tử vong xác định dương tính với cúm A/H1N1. Theo đó, ngày 6-8, một ca bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh xác nhận tử vong có dương tính với cúm A/H1N1. Đó là bệnh nhân nam 60 tuổi, trú tại xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần tử vong tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngày 9-8, thêm ca bệnh thứ hai tử vong được xác nhận dương tính với cúm A/H1N1. Đó là bệnh nhân nữ, 82 tuổi, ngụ ấp Kinh Xáng, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần. Bệnh nhân này khởi phát bệnh nóng, sốt vào ngày 27, đến ngày 30-7 mới nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh. Với chẩn đoán là viêm phổi và nhồi máu cơ tim, có tiền sử bệnh thấp khớp mãn tính. Đến ngày 9-8, bệnh chuyển nặng và tử vong. Theo xác nhận của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này dương tính với cúm A/H1N1.

Sau khi nhhận được thông báo, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp địa phương triển khai các biện pháp xử lý khoanh vùng ổ dịch, phun hóa chất diệt khuẩn tại hai hộ có người tử vong dương tính với cúm A/H1N1 và môi trường chung quanh, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng bệnh để người dân hiểu và thực hiện; lập danh sách 18 người có tiếp xúc với hai bệnh nhân để theo dõi.

Theo bác sĩ Thạch Hoàng Dũng, đến nay, địa bàn tỉnh Trà Vinh xác nhận có bốn ca dương tính với cúm A/H1N1, trước đó có hai ca người Trà Vinh mắc bệnh ở Bệnh viện Từ Dũ hồi đầu tháng 6. Về địa bàn bốn ca bệnh có dương tính với cúm A/H1N1 ở cách xa nhau, hai ca ở huyện Trà Cú, hai ca ở huyện Tiểu Cần (Nhân dân, trang 5).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 5/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/12/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/12/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận