Điểm báo ngày 14/8/2019

(CDC Hà Nam)
 Bóc tách thành công khối u hạch thần kinh giúp bệnh nhân thoát nguy cơ bị liệt; Ngành Y tế Thủ đô triển khai đánh giá chất lượng xét nghiệm tại các bệnh viện; Điều trị kịp thời một bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng bàn chân…

Cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết

Trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết liên tục tăng tại nhiều tỉnh, thành phố. Dự báo, dịch bệnh này sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Đáng nói là, ở nhiều nơi, người dân vẫn có tâm lý chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Vì thế, tập trung cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết ngay từ bây giờ là yêu cầu mà ngành Y tế Thủ đô đặt ra.

Nguyên nhân khách quan và chủ quan

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong những tuần gần đây, số ca mắc mới sốt xuất huyết ghi nhận trên địa bàn cả nước từ 5.000 đến 10.000 ca bệnh/tuần. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có gần 130.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 15 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 3 lần và tăng nhanh tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Riêng tại Hà Nội, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, dù số ca mắc sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ của giai đoạn 5 năm (từ năm 2014 đến 2018) và chưa ghi nhận ca bệnh tử vong, song dịch bệnh có xu hướng gia tăng. Trong tuần qua (từ ngày 5 đến 11-8), thành phố ghi nhận 246 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 122 xã, phường, thị trấn của 28 quận, huyện, thị xã. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 2.098 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Mặc dù ngành Y tế Thủ đô đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống, nhưng dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến khó lường do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về nguyên nhân khách quan, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, hiện tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới và tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước đang gia tăng, diễn biến phức tạp. Do dân cư di biến động lớn, đặc biệt là học sinh, sinh viên từ các tỉnh, thành phố đang trở về Hà Nội để bước vào năm học mới. Bên cạnh đó, do tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều công trình xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại, ao tù… và thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn những đợt mưa là môi trường rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Còn về nguyên nhân chủ quan, tại một số nơi, các chiến dịch diệt bọ gậy vẫn mang tính hình thức và chưa được duy trì thường xuyên, bền vững…

Trong tuần qua, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Thường Tín. Hiện tại, toàn huyện ghi nhận hơn 140 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm đánh giá, dù công tác phòng, chống dịch bệnh đã được chính quyền địa phương nghiêm túc triển khai, thực hiện. Thế nhưng, qua kiểm tra trên thực tế, một số bể nước ngầm không được đậy kín. Hiện tượng chai, lọ, bát đĩa, đường ống nước… không được thu gom, còn tồn đọng nước mưa có ổ bọ gậy, nếu không được xử lý ngay, đây sẽ là nguồn truyền bệnh sốt xuất huyết.

Tương tự, tại huyện Đông Anh, bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để tránh dịch bệnh sốt xuất huyết lây lan diện rộng và bùng phát, huyện Đông Anh đã chủ động tổ chức 2 chiến dịch vệ sinh môi trường tại 24 xã, thị trấn. Ngoài ra, huyện còn kiểm tra hơn 130.000 hộ dân, qua đó phát hiện, xử lý 15.668 dụng cụ chứa nước có bọ gậy…

Dựa vào cộng đồng

Đề cập đến biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), muỗi lây bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn cái, đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết không đẻ ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20ºC. Do vậy, biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết đơn giản, dễ thực hiện, như: Thu gom phế thải, lật úp các dụng cụ chứa nước, không để nước tù đọng làm phát sinh ổ bọ gậy, lăng quăng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh, thời gian này, mọi biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết chủ yếu dựa vào cộng đồng. Các ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn cần tập trung tuyên truyền, vận động các gia đình tự giác loại bỏ phế liệu, phế thải còn đọng nước. Mặt khác, hướng dẫn người dân thau rửa, thả cá, che màn cho các bể chứa nước. Riêng với các trường học, phải giữ được vệ sinh môi trường, loại bỏ dụng cụ chứa nước không cần thiết và phun hóa chất diệt muỗi trước khi bước vào năm học mới. Việc thực hiện cần triệt để, tránh tình trạng làm đại trà, chung chung. Bên cạnh đó, việc phát hiện ca bệnh cần được tiến hành ngay từ trường hợp đầu tiên để xử lý dứt điểm. Các trạm y tế xã, phường, thị trấn cần hướng dẫn người dân nhận biết các dấu hiệu, cảnh báo khi mắc sốt xuất huyết, tránh tình trạng người dân tự ý mua thuốc hay truyền dịch điều trị.

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh như hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trong ngành có kế hoạch cụ thể theo từng tình huống; chuẩn bị đủ máy phun, hóa chất cho phòng, chống dịch bệnh. Lãnh đạo các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tiếp tục kiểm tra các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn – nơi có nhiều bệnh nhân, có ổ dịch kéo dài. Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện địa bàn nào, chính quyền địa phương và người dân còn lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Ngành Y tế Thủ đô triển khai đánh giá chất lượng xét nghiệm tại các bệnh viện

Sở Y tế Hà Nội vừa có Văn bản số 3244/SYT-NVY gửi các đơn vị trong và ngoài công lập trực thuộc ngành về việc tự đánh giá và công khai chất lượng xét nghiệm của phòng xét nghiệm để liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm.

Theo đó, Sở Y tế đã có quyết định thành lập đoàn đánh giá và công khai mức chất lượng xét nghiệm của phòng xét nghiệm. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm túc công việc này; đồng thời thực hiện các giải pháp để chuẩn hóa chất lượng kết quả xét nghiệm giữa các khoa xét nghiệm trong mỗi bệnh viện.

Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là đầu ngành xét nghiệm hướng dẫn các đơn vị triển khai để thực hiện tự đánh giá và công khai mức chất lượng của phòng xét nghiệm. Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện tự đánh giá của các đơn vị theo quy định.

Sau khi có kết quả tự đánh giá của các đơn vị, Sở Y tế sẽ báo cáo Bộ Y tế để thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế theo lộ trình. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Điều trị kịp thời một bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng bàn chân

Ngày 13-8, theo tin từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, tại đây vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Văn V. (48 tuổi ở xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ) bị bệnh đái tháo đường gây biến chứng bàn chân nghiêm trọng.

Theo đó, bệnh nhân V. bị đái tháo đường từ năm 2012, nhưng không đi khám mà tự dùng thuốc. Trước khi vào bệnh viện một tháng, bệnh nhân bị sưng, đau, loét và chảy dịch mủ vùng bàn chân phải. Sau đó, gia đình đã tự mua thuốc do thầy lang bào chế đắp vào vết loét, nhưng không khỏi.

Sau khi khám cho bệnh nhân V. tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, các bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị hoại tử lan tỏa 1/2 bàn chân phải và đã được điều trị tích cực. Sau 3 tháng điều trị, các vết loét đã sạch và phát triển tốt, bệnh viện tiến hành hội chẩn để ghép da tự thân cho bệnh nhân. Sau 7 ngày ghép da, vùng loét bàn chân của bệnh nhân đã được bảo tồn, phục hồi.

Bác sĩ Đinh Văn Tuy, Trưởng đơn nguyên Nội tiết (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, bên cạnh việc kiểm soát đường huyết và các biến chứng khác, chăm sóc bàn chân là một trong những vấn đề quan trọng trong việc điều trị đái tháo đường. Người bệnh đái tháo đường cần được thăm khám, đánh giá tầm soát biến chứng bàn chân định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa nội tiết. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Từ 20-8 điều chỉnh giá khám chữa bệnh theo mức lương cơ sở

Bộ Y tế cho biết, từ 20-8, các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc điều chỉnh mức giá khám, chữa bệnh (KCB) theo mức lương cơ sở 1.490.000đ theo Thông tư 13/2019/TT-BYT.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế mức giá điều chỉnh tăng bình quân như sau: giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật tăng 1,1%.

Theo ông Liên, Thông tư không ảnh hưởng đến người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách thuộc diện được Ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua BHYT…, khi đi KCB được BHYT thanh toán 100%.

Đối với người cận nghèo có tỷ lệ đồng chi trả là 5% mức tác động không đáng kể (tăng thêm 5% của 4,4% đối với ngày giường là 0,22%, tăng thêm 5% của 1,1% đối với các dịch vụ khác là 0,05%). Với người có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí KCB, BHYT có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều (tăng thêm 20% của 4,4% ngày giường là 0,88%, tăng thêm 5% của 1,1% đối với các dịch vụ khác là 0,2%).

Ông Liên cũng cho biết, với người tham gia BHYT liên tục từ 5 năm trở lên đi KCB đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở thì việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế teo mức 1.490.000đ tạo điều kiện ho các trường hợp này được thanh toán chi phí KCB BHYT hơn khi thực hiện mức giá theo Thông tư 39 (từ 8.340.000đ lên 8.940.000đ). (Công an Nhân dân, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 7: “Từ ngày 20/8, điều chỉnh giá dịch vụ y tế”

 

Có cơ chế giám sát chặt chẽ, bệnh viện khó thực hiện tận thu

Theo thông tư “Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập” của Bộ Y tế dự kiến ban hành và có hiệu lực trong quý 3/2019, tới đây, các cơ sở y tế công lập có thể thu giá giường bệnh theo yêu cầu tới 4 triệu đồng/giường/ngày, tiền khám tối đa 500.000 đồng/lượt.

Vì thế, nhiều người lo lắng các bệnh viện sẽ cố tận thu để tăng lợi nhuận… Tuy nhiên, tại buổi cung cấp thông tin đến báo chí xung quanh những điểm mới của Thông tư này, Bộ Y tế khẳng định không có chuyện các bệnh viện tận thu bởi sẽ có những cơ chế giám sát chặt chẽ và các bệnh viện phải đủ điều kiện mới được khám chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu.

Có rất nhiều mức giá dịch vụ khác nhau

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính – Bộ Y tế, cơ quan này đang rà soát lại lần cuối trước khi chính thức ban hành Thông tư trên và Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ phù hợp với giá dịch vụ, tránh trường hợp dịch vụ chưa tương xứng với chất lượng cung cấp. Theo đó, sẽ quy định về tiêu chuẩn diện tích buồng bệnh, số giường, cơ sở vật chất…

Không có chuyện các bệnh viện tận thu bởi sẽ có những cơ chế giám sát chặt chẽ. Ảnh: TM

Đồng thời, Thông tư này chỉ ban hành khung giá tối đa chứ không phải ban hành một mức giá dịch vụ khám chữa bệnh cố định. Trong đó, giá giường dịch vụ theo yêu cầu tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với bệnh viện hạng đặc biệt), các cơ sở y tế khác tại các thành phố lớn được thu tối đa từ 900.000 đồng – 3 triệu đồng/giường/ ngày. Với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1, tiền công khám bệnh theo yêu cầu không quá 500.000 đồng/lần khám; bệnh viện hạng 2 không quá 400.000 đồng/lần khám.

“Trong khung giá này có rất nhiều mức giá dịch vụ khác nhau, ngay tiền giường bệnh cũng được phân ra làm rất nhiều loại. Trên cơ sở khung giá tối đa Bộ Y tế ban hành, các bệnh viện phải xây dựng các khung giá của bệnh viện mình cho phù hợp. Đặc biệt, các bệnh viện không được áp dụng ngay mức giá tối đa mà phải xây dựng mức giá cụ thể của đơn vị trên cơ sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế – xã hội tại địa phương, theo phương pháp xây dựng giá do Bộ Tài chính hướng dẫn, trong đó có so sánh mặt bằng giá thị trường của dịch vụ đó để quyết định”- ông Nguyễn Nam Liên nêu rõ.

Chẳng hạn, đối với dịch vụ ngày giường bệnh, Thông tư có quy định mức giá tối đa là 4 triệu đồng/ giường/ngày đối loại 1 giường/1 phòng. Song theo ông Liên, giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng mà các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như: hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, loại 1, giường điều trị nội khoa.

Tương tự, chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường. Tiền lương phải tính theo trình độ bác sĩ điều trị và mức độ chăm sóc của điều dưỡng. Người bệnh nặng phải luôn có 1 điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ, người nhà không phải chăm sóc thì giá khác với giường cũng chăm sóc 24/24 giờ nhưng 1 điều dưỡng có thể phục vụ 2-3 hoặc 4 giường…

Các bệnh viện phải đủ điều kiện mới được KCB theo yêu cầu

Tại buổi cung cấp thông tin báo chí, ông Nam Liên cũng cho hay, cũng có nhiều ý kiến lo ngại với Thông tư này, các bệnh viện sẽ lạm thu, tận thu để tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên. “Tuy nhiên, tôi khẳng định chắc chắn các bệnh viện không thể tận thu được, bởi sẽ có những cơ chế giám sát chặt chẽ và các bệnh viện phải đủ điều kiện mới được KCB theo yêu cầu” – ông Liên nói.

Với các bệnh viện sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, Thông tư mới của Bộ Y tế yêu cầu phải có Đề án sử dụng tài sản vào mục đích liên doanh, liên kết, hoạt động dịch vụ được cấp có thẩm quyền quyết định. Các cơ sở này được quyết định mức giá nhưng không được vượt quá mức giá tối đa quy định tại Thông tư.

Bộ Y tế nhấn mạnh, giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, KCB theo yêu cầu chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, KCB theo yêu cầu. Người có thẻ BHYT đi KCB theo quy định của pháp luật về BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ KCB theo yêu cầu thì sẽ vẫn thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế và mức giá do UBND cấp tỉnh quy định. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Nông thôn Ngày nay, trang 2: “Dự thảo Thông tư “định” giá dịch vụ y tế theo yêu cầu: Dịch vụ “đáng đồng tiền bát gạo”?”

 

Cơ hội cho sinh viên y dược Việt Nam được nhận học bổng toàn phần và làm việc tại Nhật Bản

Ngày 13.8, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế Việt Nam và Trường Đại học Quốc tế Sức khỏe và Phúc lợi Nhật Bản dưới sự chứng kiến của PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, Trưởng Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

Lễ Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Trường Đại học Quốc tế Sức khỏe và Phúc lợi Nhật Bản (IUHW) đã diễn ra tại Bộ Y tế đánh dấu quan hệ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế.

PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế và ông Kuninori Takagi, Chủ tịch IUHW thay mặt hai bên ký kết Bản ghi nhớ dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến (Trưởng Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương).

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến – Trưởng Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết, trong 45 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được mở rộng và phát triển. Đến nay, Nhật Bản đã trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam và là một trong những nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất cho ngành y tế.

Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ cho ngành y tế Việt Nam nhiều dự án viện trợ không hoàn lại, hợp tác kỹ thuật và nguồn vốn vay ưu đãi. Các dự án hợp tác với Nhật Bản đều được thực hiện rất hiệu quả, toàn diện và bền vững mang lại những đóng góp tích cực cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh các dự án truyền thống thông qua JICA, gần đây các dự án song phương giữa các Bệnh viện, Viện nghiên cứu, Trường Đại học của Việt Nam và Nhật Bản ngày càng được tăng cường và phát huy hiệu quả. Cho đến nay, nhiều cán bộ của Việt Nam được đào tạo tại Nhật Bản đã trở thành các Giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính trong các trường đại học hoặc đang giữ những chức vụ chủ chốt tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội , thành phố HCM và các tỉnh thành phố khác.

Bộ trưởng nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế luôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của ngành trong nhiều năm qua, công tác đào tạo, công tác đào tạo lại cho đội ngũ các y bác sĩ và đào tạo cho cán bộ quản lý luôn được Bộ Y tế coi trọng.

Trong những năm qua, Đại học Quốc tế Sức khỏe và Phúc lợi Nhật Bản đã cấp học bổng và đào tạo cho 26 sinh viên. Lễ ký kết bản ghi nhớ ngày hôm nay sẽ đem lại cơ hội cho sinh viên các Trường đại học Y Dược của Việt Nam nhận được học bổng toàn phần theo học Đại học và Thạc sỹ tại các cơ sở đào tạo hàng đầu của Trường Đại học Quốc tế Sức khỏe và Phúc lợi Nhật Bản và có cơ hội làm việc tại các cơ sở y tế của Nhật Bản và Việt Nam mà Trường IUHW đầu tư và quản lý, các công chức của Bộ Y tế sẽ có cơ hội được tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý y tế, chính sách y tế và chính sách an ninh xã hội.

Các nội dung đào tạo trong khuôn khổ chương trình học bổng đều là những thế mạnh của trường IUHW, hy vọng Nhật Bản sẽ là môi trường học tập rất tốt cho các em sinh viên, cũng như các công chức của Bộ Y tế được nâng cao năng lực quản lý góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thông tin học bổng của Trường Đại học Quốc tế Sức khỏe và Phúc lợi Nhật Bản (IUHW)

Theo nội dung bản ghi nhớ hợp tác, Đại học Quốc tế Sức khỏe và Phúc lợi Nhật Bản (IUHW) sẽ cấp học bổng toàn phần cho nhiều nhất 10 sinh viên/năm theo học tại Nhật Bản tại các cơ sở là các Trường của Đại học Quốc tế Sức khỏe và Phúc lợi Nhật Bản. Chương trình hợp tác sẽ kéo dài trong 5 năm tập trung vào các lĩnh vực:

– Trình độ Đại học (học bằng tiếng Nhật):

Chuyên ngành: Điều dưỡng, Vật lý trị liệu,Bệnh nghề nghiệp, Khoa học ngôn ngữ và thính giác, Khoa học chỉnh hình và thị giác, Khoa học X-quang, Khoa học Dược, Công nghệ Y khoa và khoa học, các dịch vụ xã hội và quản lý chăm sóc sức khỏe

Thời gian đào tạo: 4-6 năm (tùy theo từng chuyên ngành)

Giá trị học bổng: 9.720.000 – 18.300.000 Yên/sinh viên (khoảng 2,1 – 4 tỉ đồng) bao gồm cả tiền học phí, sinh hoạt phí và tài liệu học tập.

Học bổng chương trình đào tạo Đại học của Trường IUHW dành cho sinh viên Việt Nam lên tới trong 4-6 năm học tại các trường thuộc hệ thống các trường của IUHW.

– Trình độ Thạc sỹ:

Chuyên ngành: Thạc sỹ Y tế công cộng (học bằng Tiếng Anh):

Thời gian đào tạo: 2 năm

Giá trị học bổng: 5.320.000 Yên/sinh viên (khoảng 1,2 tỉ đồng)

Sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ làm việc cho các cơ sở y tế của IUHW tại Nhật Bản hoặc Việt Nam (do IUHW bố trí) ít nhất bằng thời gian sinh viên được đào tạo tại Nhật Bản.

– Khóa đào tạo ngắn hạn cho công chức Bộ Y tế:

Bên cạnh chương trình học bổng cho sinh viên Việt Nam, IUHW sẽ hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho các cán bộ của Bộ Y tế như quản lý y tế, chính sách y tế, và các chính sách an ninh xã hội. (Sức khỏe & Đời sống, trang 16)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 4: “Cơ hội cho sinh viên y, dược học tập, làm việc tại Nhật Bản”

 

Bộ Y tế số hóa quản lý dữ liệu ngành dược

Chiều ngày 12/8, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) tổ chức lễ ra mắt website “Ngân hàng dữ liệu ngành Dược – Drugbank.vn” lần đầu tiên tại Việt Nam.

Theo ông Vũ Tuấn Cường- Cục trưởng Cục Quản lý Dược, ngân Hàng dữ liệu ngành dược – Drugbank.vn là hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành Dược, được xây dựng với mục đích tạo ra một hệ cơ sở dữ liệu hỗ trợ quản lý ngành một cách nhanh chóng, thuận tiện và thống nhất, giúp ích cho sự phát triển của các doanh nghiệp và nâng cao nhận thức về y tế – sức khỏe và thói quen sử dụng thuốc của nhân dân. “Với kho dữ liệu chứa thông tin của hơn 10.000 đầu thuốc đang lưu hành, gần 41.000 cơ sở sản xuất, phân phối thuốc và dược sĩ đã được cấp chứng hành nghề, Ngân hàng dữ liệu ngành Dược cung cấp cho người dùng một nền tảng tra cứu toàn diện, thuận tiện mọi lúc nọi nơi thông qua website hoặc ngay trên ứng dụng di động”- ông Vũ Tuấn Cường nói.

Như vậy, với việc thực hiện Dự án Ngân hàng Dữ liệu ngành Dược, Cục Quản lý Dược đã tạo ra một dấu ấn tiên phong trong việc số hóa dữ liệu thuốc và các dữ liệu liên quan không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới.Theo Cục trưởng Vũ Tuấn Cường, giờ đây, cùng với Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) của Mỹ, Bộ Y tế Canada, Tổ chức kiểm soát tiêu chuẩn thuốc trung ương (CDSCO) của Ấn Độ, Cục Quản lý Dược Việt Nam trở thành một trong số ít những cơ quan quản lý cấp quốc gia xây dựng hệ thống dữ liệu về thuốc và cung cấp công cụ tra cứu cho cộng đồng.

Cục trưởng Vũ Tuấn Cường cũng cho biết, ngân hàng dữ liệu ngành dược ra đời sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng, từ cơ quan quản lý, các y bác sĩ, doanh nghiệp dược và cộng đồng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Không khống chế số phòng dịch vụ tại bệnh viện công

Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập, Bộ Y tế quy định giường bệnh có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày. Một số ý kiến cho rằng mức giá này đắt ngang khách sạn hạng sang. Tuy nhiên đại diện Bộ Y tế khẳng định, sẽ không khống chế các bệnh viện công xây dựng phòng dịch vụ.

Tham vọng “hút” bệnh nhân

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho hay, các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như: hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, loại 1, giường điều trị nội khoa…. chứ không phải 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng.

Chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường. Tiền lương tính theo trình độ bác sĩ điều trị và mức độ chăm sóc của điều dưỡng. Người bệnh nặng, phải luôn có 1 điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ, người nhà không phải chăm sóc giá khác với giường cũng chăm sóc 24/24 giờ nhưng 1 điều dưỡng có thể phục vụ 2-3 hoặc 4 giường.

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính thừa nhận, bệnh viện tư hút rất nhiều bệnh nhân vì có cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của người bệnh, thêm nữa lại mời được nhiều bác sĩ giỏi ở bệnh viện công khám, mổ và điều trị.

Một thực tế là các bệnh viện công có trình độ chuyên môn tốt nhưng do chất lượng phục vụ, chăm sóc chưa đáp ứng nên nhiều bệnh nhân phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Theo ông Liên, ngày càng nhiều người dân tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe thương mại, được chi trả với mức cao nên cần có các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh chất lượng cao. Bộ Y tế tính toán, chỉ cần “nắm” được một nửa số bệnh nhân ra nước ngoài cũng đã thu được hơn 20.000 tỷ đồng.

Không có bệnh nhân nằm ghép mới được mở phòng dịch vụ

Nhiều ý kiến lo ngại, với thông tư này các bệnh viện sẽ lạm thu, tận thu. Ông Nam Liên nhận định, điều này không thể xảy ra vì có những cơ chế giám sát chặt chẽ, các bệnh viện phải đủ điều kiện mới được khám chữa bệnh theo yêu cầu. Trả lời câu hỏi có nên khống chế tỷ lệ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và khám chữa bệnh theo dịch vụ, vì hiện tại, tỷ lệ phòng dịch vụ tại các bệnh viện công đang chiếm 25% nhưng bệnh nhân vẫn đang phải nằm ghép, ông Liên khẳng định, không khống chế tỷ lệ.

Theo quy định của Bộ Y tế, khám chữa bệnh theo yêu cầu có 2 loại hình là đơn vị sử dụng vay vốn, liên doanh liên kết hoạt động theo yêu cầu và sử dụng tài sản công. Ông Liên cho rằng phải khuyến khích xây dựng hiện đại,  có thể 100-200 phòng dịch vụ vì số lượng bác sĩ, điều dưỡng không thiếu. Với việc sử dụng tài sản công của nhà nước thì đơn vị phải hoàn thành nhiệm được giao trước.

Những đơn vị này phải có đề án sử dụng tài sản vào mục đích liên doanh, liên kết, hoạt động dịch vụ được cấp có thẩm quyền quyết định. Được quyết định mức giá nhưng không được vượt quá mức giá tối đa quy định tại thông tư.

“Điều kiện cơ bản nhất hiện nay của các bệnh viện là phải hoàn thành nhiệm vụ do nhà nước giao, quan trọng nhất là khám chữa bệnh BHYT, không được để người bệnh nằm ghép, khi đó mới được sử dụng cơ sở hạ tầng của bệnh viện để thực hiện dịch vụ theo yêu cầu. Còn bệnh viện muốn làm dịch vụ theo yêu cầu thì phải huy động vốn xã hội hoá để đầu tư khu mới thực hiện dịch vụ theo yêu cầu”, ông Liên nói.

Không được áp dụng ngay mức giá tối đa

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện không được áp dụng ngay mức giá tối đa mà phải xây dựng mức giá cụ thể của đơn vị trên cơ sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương, theo một trong 2 phương pháp xây dựng giá do Bộ Tài chính hướng dẫn. Cụ thể, đơn vị xây dựng định mức, tính toán chi phí để quyết định mức giá hoặc so sánh mặt bằng giá thị trường của dịch vụ đó để quyết định giá.

Thông tư cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng về cơ sở hạ tầng, nhân lực khi các cơ sở y tế tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ theo yêu cầu. Yêu cầu các đơn vị phải công khai danh mục (khả năng cung cấp), mức giá của từng dịch vụ để người biết, lựa chọn và quyết định việc sử dụng. (Tiền phong, trang 6)

 

Đến trường học… sơ cấp cứu

Sơ cứu (sơ cấp cứu) ngày càng được nhiều nước trên thế giới xem là một kỹ năng cơ bản cần được phổ cập.

 Học vì rất cần thiết

Hơn 10 năm trước, khi còn học tại Pháp, tôi từng đăng ký dự một khóa phòng hộ và sơ cứu cộng đồng bậc 1 (PSC1) do trường đại học tổ chức, hoàn toàn miễn phí và người đứng lớp là một giảng viên của khoa thể thao. Vị giảng viên này cũng là một chuyên viên đào tạo sơ cứu, tham gia các lớp dạy cho lính cứu hỏa Paris.

Tôi vẫn nhớ, câu đầu tiên thầy hỏi lớp là: “Các bạn học sơ cứu để làm gì? Có phải vì công việc bắt buộc?”. Tại Pháp, ngoài ngành y, rất nhiều công việc yêu cầu phải có chứng chỉ PSC1, chẳng hạn sinh viên đi làm thêm tại trại hè cho trẻ em. Khi ấy, lớp của tôi không có ai nằm trong số này, hầu hết đều tự nguyện tham gia với cùng lý do là “học vì rất cần thiết”.

Mở đầu chương trình học, thầy dành hơn 1 giờ để nhắc lại những số điện thoại khẩn cấp, cách phân biệt… các loại còi xe được ưu tiên đường và đặc biệt, học viên được hướng dẫn vô cùng kỹ về cách trình bày khi gọi cấp cứu: báo địa chỉ ra sao, mô tả tình trạng bệnh nhân thế nào, những chi tiết nhỏ cần phải lưu ý để báo. Gọi điện thì ai cũng biết, nhưng phải học qua mới có thể giữ được bình tĩnh trong tình huống khẩn cấp để trong thời gian ngắn nhất cung cấp được những thông tin cần thiết cho người trực tổng đài, giúp việc cấp cứu bệnh nhân đạt hiệu quả cao.

Sau đó là phần thực hành xử lý khi gặp những trường hợp: bỏng, co giật, chảy máu do chấn thương, dị vật gây tắc đường thở, ngưng tim, ngưng thở… Kết thúc khóa học, mỗi học viên nhận được chứng chỉ PSC1 do Bộ Nội vụ Pháp cấp. Những kỹ năng tưởng chừng chỉ liên quan đến ngành y thì tại Pháp được xem là yếu tố có thể giúp tăng cường sự an toàn và chất lượng cuộc sống của công dân, nên cơ quan cấp chứng chỉ là Bộ Nội vụ.

Có thể học từ mẫu giáo

Hồi tháng 9.2018, chính phủ nước này đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2022 toàn bộ học sinh tốt nghiệp THCS đều được học chương trình căn bản về sơ cứu, hướng đến việc 80% dân số được phổ cập những kỹ năng này. Để đạt được chỉ tiêu, hiện sơ cứu là một nội dung bắt buộc trong chương trình học tại Pháp.

Năm 2018, ít nhất 2 lần truyền thông Pháp đồng loạt đăng tin về những “anh hùng nhí” 5 tuổi đã góp công đầu cứu sống người thân của mình từ những kỹ năng sơ cứu học trong nhà trường. (Thanh niên, trang 11)

 

Bóc tách thành công khối u hạch thần kinh giúp bệnh nhân thoát nguy cơ bị liệt

Các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội vừa phẫu thuật thành công, bóc tách hoàn toàn khối u hạch thần kinh chèn ép mạch máu, dây thần kinh, giúp bệnh nhân Vũ Mạnh C. (15 tuổi ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) tránh được biến chứng bị liệt tay, chân.

Theo đó, bệnh nhân C. bị ho kéo dài suốt nhiều tháng và được gia đình đưa đến Bệnh viện Ung bướu Hà Nội để kiểm tra phổi. Qua thăm khám và kết quả chụp X-quang, CT ngực, các bác sĩ xác định, bệnh nhân có khối u trung thất (kích thước 7x8cm) nằm ở lồng ngực phải.

Kết quả giải phẫu bệnh là u hạch thần kinh. Đặc biệt, khối u đã lớn, nếu không được phẫu thuật sớm, sẽ có nguy cơ chèn ép vào đường thở. Hơn nữa, u phát triển vào bên trong sẽ chèn tủy sống, khiến bệnh nhân có thể bị liệt tay phải, thậm chí còn ảnh hưởng tới cả 2 chân nên các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật bóc tách khối u.

Ca phẫu thuật kéo dài gần 3 giờ, khối u đã được cắt bỏ hoàn toàn. Hiện, sức khỏe bệnh nhân C. tiến triển tốt, tay phải đã cử động được hoàn toàn. (Hà Nội mới, trang 5).

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 12/11/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 24/1/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 30/6/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận