Điểm báo ngày 15/6/2020

(CDC Hà Nam)
Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ, số mắc ở Thanh Oai tăng gấp đôi; Thành phố Hồ Chí Minh sắp xếp lại các cơ sở y tế: Nâng chất lượng khám, chữa bệnh; Cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ hai…

 

Không để dịch bệnh sốt xuất huyết lan rộng

Sốt xuất huyết (SXH) là một trong những căn bệnh do muỗi truyền bệnh có tốc độ lây nhiễm nhanh nhất trên thế giới. Trong 50 năm qua, số người mắc SXH đã tăng gấp 30 lần tại 128 quốc gia và vùng lãnh thổ; có khoảng 3,9 tỷ người trên toàn cầu sống trong vùng có bệnh SXH. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, hằng năm có từ 50 đến 100 triệu người mắc bệnh và khoảng 24 nghìn người chết do SXH. Ðáng chú ý, khoảng 70% số người mắc SXH là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và bệnh có xu hướng ngày càng tăng, nhất là ở các quốc gia Ðông – Nam Á.

Ðể kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN trong phòng, chống SXH, hướng tới một cộng đồng ASEAN không có SXH, tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN tổ chức tại Xin-ga-po năm 2010, WHO và đại diện 10 nước thành viên ASEAN đã thông qua quyết định thống nhất chọn ngày 15-6 hằng năm là Ngày ASEAN phòng, chống SXH. Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH là một cơ hội để Việt Nam và các nước trong khu vực tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, giám sát tình hình dịch bệnh tại mỗi quốc gia và khu vực.

Những năm qua, Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm công tác phòng, chống SXH và đã đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia, nhờ đó góp phần đạt ba mục tiêu: Giảm tỷ lệ mắc; giảm tỷ lệ chết và không để dịch lớn xảy ra. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu vùng nhiệt đới; tốc độ đô thị hóa nhanh, sự giao lưu giữa các vùng, quốc gia… làm cho việc kiểm soát, phòng, chống SXH ngày càng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, SXH vẫn tiếp tục lưu hành ở nước ta với số người mắc hằng năm khoảng hơn 100 nghìn và hàng trăm trường hợp chết. Theo số liệu của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 32 nghìn người mắc SXH, giảm 55,4% so cùng kỳ năm 2019; tuy nhiên những tuần trở lại đây, tình hình SXH ở nước ta có xu hướng gia tăng trở lại tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía nam và miền trung.

Thực tế này đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch SXH trong nước. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp tổ chức vệ sinh môi trường, phun hóa chất, diệt bọ gậy, thả cá… tại các khu vực có nguy cơ gây bệnh cao. Các đơn vị y tế giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, phát hiện dịch ngay ca đầu tiên, tổ chức phun hóa chất dập dịch tránh để lây lan; tổ chức tập huấn cho toàn hệ thống, nhất là cán bộ điều trị làm sao chẩn đoán đúng, sàng lọc phân tuyến hiệu quả, điều trị tích cực tránh quá tải, giảm thấp nhất số người chết nếu dịch xảy ra…

Tại các địa phương, tiếp tục rà soát, kiện toàn đội ngũ cộng tác viên, đội xung kích, tổ giám sát phòng, chống SXH… bảo đảm đúng tiêu chí về số lượng, thành phần và số hộ phụ trách. Trong đó, yêu cầu lực lượng này phải đến từng hộ gia đình để hướng dẫn và trực tiếp thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, kiểm tra kết quả thực hiện. Cần kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể không hợp tác, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, lãnh đạo các đơn vị trong kiểm tra, giám sát việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch…

Mặt khác, mọi người dân, mỗi hộ gia đình cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền, cơ quan chuyên môn thực hiện các chiến dịch diệt bọ gậy, phun hóa chất, vệ sinh môi trường, với phương châm “phòng, chống SXH là trách nhiệm của tất cả mọi người và toàn xã hội”. Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chủ động của ngành y tế, nhất là sự tham gia tích cực của người dân, dịch bệnh SXH sẽ được ngăn chặn, không lây lan trong cộng đồng, góp phần cùng các nước ASEAN từng bước khống chế, đẩy lùi dịch SXH. (Nhân dân, trang 1).

 

Cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ hai

Theo tin nước ngoài và TTXVN, theo số liệu mới nhất do chính quyền Bắc Kinh (Trung Quốc) cung cấp, trong ngày 13-6, thành phố này có thêm 36 người được xác định bị nhiễm Covid-19. Tất cả những trường hợp đều liên quan ổ dịch mới tại khu chợ bán buôn Tân Phát Ðịa ở phía nam Bắc Kinh. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Bắc Kinh từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát là 463 người, trong đó 411 người đã được điều trị khỏi và xuất viện, và chín người chết. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, các nước cần cảnh giác cao độ trước nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát do đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh.

★ Ngày 14-6, chính quyền Bắc Kinh yêu cầu các bệnh viện tiến hành thêm xét nghiệm sàng lọc những bệnh nhân đang sốt để phát hiện các ca nhiễm Covid-19. Ðợt lây nhiễm mới tại Bắc Kinh đang làm gia tăng quan ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Trung Quốc. Nhà chức trách Bắc Kinh đã nhanh chóng thực hiện một loạt biện pháp kiểm dịch quyết liệt, như phong tỏa một số khu dân cư, chợ bán buôn, tăng cường xét nghiệm và cách ly các ca nghi nhiễm.

★ Trên toàn Trung Quốc, trong ngày 13-6 phát hiện tổng cộng 57 ca nhiễm mới, trong đó số ca lây nhiễm trong nước là 38, gồm 36 ca tại Bắc Kinh và hai ca tại Liêu Ninh. 19 ca còn lại là các trường hợp nhập cảnh. Ðến nay, Trung Quốc có tổng cộng 84.767 ca nhiễm Covid-19, trong đó 4.645 trường hợp tử vong và 79.903 người đã được điều trị khỏi bệnh.

★ Ngày 14-6, Ấn Ðộ ghi nhận thêm 11.929 ca nhiễm Covid-19 trong vòng một ngày. Ðến nay, tại Ấn Ðộ có tổng số hơn 322.000 ca nhiễm, trong đó có hơn 9.200 người chết. Như vậy, số ca mắc Covid-19 và số người chết ở Ấn Ðộ đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu tháng 6. Thủ tướng Ấn Ðộ N.Mô-đi cho biết sẽ họp trực tuyến với các thủ hiến bang vào các ngày 16 và 17-6 tới để bàn về nỗ lực chống dịch Covid-19.

★ Tính đến tối 14-6 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 432.800 người chết trong số hơn 7,8 triệu ca nhiễm Covid-19. Tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, có hơn 2,1 triệu ca nhiễm và 117.527 ca tử vong, tăng lần lượt hơn 25.000 và 700 ca trong một ngày. Hai trong số các bang đông dân nhất ở Mỹ là Texas và Florida tuần qua ghi nhận mức tăng ca nhiễm trong một ngày cao kỷ lục, dấu hiệu đáng lo ngại khi tất cả 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở các cấp độ khác nhau.

★ Ngày 13-6, Brazil có thêm 20.894 ca nhiễm và 890 người chết, nâng tổng số lên lần lượt 850.796 và 42.791. Giới chuyên gia cho rằng số ca nhiễm thật sự ở Brazil có thể cao hơn nhiều do năng lực xét nghiệm hạn chế.

★ Cùng ngày, Bộ Y tế Mexico xác nhận 3.494 ca mắc mới, đưa tổng số trường hợp nhiễm ở Mexico lên 142.690 người, trong đó có 16.872 người chết (tăng 424 người trong vòng một ngày). Thứ trưởng Y tế L.Gatell nhấn mạnh, Mexico vẫn đang ở trong giai đoạn đỉnh dịch và dự báo số người chết do Covid-19 có thể lên đến 35.000 người.

★ Tại châu Âu, ngày 14-6, Nga thông báo có thêm 119 người chết, nâng tổng số người chết lên 6.948. Số ca nhiễm tăng thêm 8.835, lên 528.964. Anh có thêm 1.425 ca nhiễm và 181 người chết, nâng tổng số lên lần lượt 294.375 và 41.662. Tây Ban Nha ghi nhận thêm 396 ca nhiễm, nâng tổng số lên 290.685, số người chết là 27.136. Italy ghi nhận thêm 346 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 236.651 trường hợp, số người chết tăng lên 34.301 trường hợp (tăng 55 ca).

★ Ngày 14-6, Hàn Quốc ghi nhận thêm 34 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc lên tới 12.085 ca. Hàn Quốc đã nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 6-5 vừa qua, song ngay sau đó cơ quan y tế phát hiện một số ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm rất cao ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận.

★ Ngày 13-6, Thống đốc Washington (Mỹ) J.Inslee cảnh báo về tình trạng gia tăng lây nhiễm Covid-19 ở bang này. Cơ quan y tế bang Washington cho biết, tình trạng lây lan của dịch bệnh tiếp tục gia tăng ở khu vực phía đông của bang này vào cuối tháng 5 vừa qua và khu vực phía tây cũng đang đối mặt nguy cơ tương tự. Theo Thống đốc J.Inslee, các cư dân ở bang Washington phải tăng cường hoạt động xét nghiệm và đeo khẩu trang, đồng thời bảo đảm cự ly giãn cách xã hội để ngăn chặn đại dịch Covid-19.

★ Ngày 14-6, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) cho biết, 43 nước ở châu Phi đang đóng cửa biên giới hoàn toàn để phòng, chống dịch Covid-19. Hiện tổng số ca mắc Covid-19 tại châu Phi lên tới hơn 230.000 ca, trong đó có hơn 6.300 người chết.

★ Ngày 14-6, Bộ trưởng Y tế Australia G.Hăn cho biết, Australia đang xem xét kế hoạch mở cửa biên giới cho các doanh nhân, thương gia nước ngoài được phép nhập cảnh. Ông G.Hăn nêu rõ, Chính phủ Australia đang tiến hành “song song” cả hai phương án mở cửa biên giới cho các thương gia và sinh viên quốc tế, nhưng sẽ chỉ được thực hiện trong điều kiện bảo đảm “môi trường kiểm soát chặt chẽ” và theo các kế hoạch được phê duyệt trước.

★ Ngày 13-6, Bộ Y tế liên bang Ðức công bố, Ðức cùng với Pháp, Italy và Hà Lan đã ký hợp đồng đầu tiên với công ty dược phẩm AstraZeneca, nhằm cung cấp ít nhất 300 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU). Ðơn đặt hàng với Công ty dược phẩm AstraZeneca lên tới 400 triệu liều vắc-xin và trong trường hợp thuận lợi sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay. (Nhân dân, trang 8).

 

Thành phố Hồ Chí Minh sắp xếp lại các cơ sở y tế: Nâng chất lượng khám, chữa bệnh

Ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã và đang quyết liệt triển khai việc sắp xếp lại các cơ sở y tế trực thuộc theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Mục tiêu là nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Tập trung về một đầu mối

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ sở y tế trực thuộc, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 3017/QĐ-UBND ngày 20-7-2018 về sắp xếp lại các cơ sở khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng của thành phố.

Theo đó lộ trình sắp xếp hệ thống cơ sở y tế như sau: Từ quý III-2018 đến quý I-2019 sáp nhập 14 bệnh viện quận, huyện (bệnh viện hạng III) trực thuộc UBND quận, huyện vào 14 trung tâm y tế quận, huyện. Những bệnh viện này thuộc các quận 1, 3, 5, 7, 9, 10, 11, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận và các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi. Các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh khu vực (nếu có) và trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn quận, huyện sẽ trực thuộc trung tâm y tế mới tại quận, huyện. Từ quý II-2019 đến quý IV-2020, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh sẽ lần lượt tiếp nhận 14 cơ sở y tế trên, cùng với 9 bệnh viện quận, huyện đang là bệnh viện hạng II…

Đánh giá về việc sắp xếp lại hệ thống cơ sở y tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc sắp xếp lại hệ thống cơ sở y tế nhằm mục tiêu tổng quát là bệnh viện quận, huyện phải thu hút được bệnh nhân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến thành phố và phát huy tối đa năng lực cơ sở y tế địa bàn phường, xã.

“Thực tế cho thấy, các bệnh viện tuyến thành phố được quan tâm tạo điều kiện đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất từ nhiều nguồn, đã tạo uy tín đối với người bệnh. Trong khi đó, tại các bệnh viện quận, huyện, nguồn kinh phí hoạt động và đầu tư cho y tế chủ yếu là nguồn chi thường xuyên và nguồn ngân sách phân cấp cho quận, huyện nên có nhiều hạn chế trong quá trình hoạt động”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng cho biết.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin, qua gần 2 năm thực hiện Quyết định số 3017/QĐ-UBND, đến ngày 12-6, chỉ còn 4 bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện chưa chuyển về Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh. “Việc sắp xếp lại hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng tập trung về một đầu mối đã bước đầu nâng cao chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân theo hướng toàn diện, liên tục”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định.

Hiệu quả bước đầu

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, qua đợt phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, hiệu quả của mô hình tập trung quản lý cả về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động và công tác chuyên môn của các cơ sở y tế đã phát huy tác dụng. Điển hình là việc chỉ trong một tháng, thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức được các bệnh viện chuyên điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại các huyện Củ Chi và Cần Giờ, trên cơ sở các trung tâm y tế địa phương. “Do có đầu mối là Sở Y tế quyết định, tổ chức và chỉ đạo thực hiện nên mọi việc được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả”, ông Tăng Chí Thượng nói.

Người dân thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bước đầu cảm nhận hiệu quả của mô hình thống nhất quản lý, chỉ đạo chuyên môn từ Sở Y tế đến các cơ sở trong hệ thống. Bà Nguyễn Tường Anh, 79 tuổi, là bệnh nhân đang được theo dõi huyết áp và bệnh đái tháo đường tại Trạm Y tế phường 5 (quận 6), rất vui mừng khi có thể trao đổi trực tiếp qua hệ thống telemedicine (chẩn đoán bệnh từ xa) với các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

“Ngoài 2 bác sĩ của bệnh viện và Trung tâm Y tế quận 6 luân phiên tăng cường cho Trạm Y tế phường 5, tôi còn được các bác sĩ tuyến trên tư vấn trực tuyến về chỉ định xét nghiệm HbA1C và chụp đáy mắt”, bà Nguyễn Tường Anh phấn khởi nói.

Bên cạnh những thuận lợi, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, việc sắp xếp lại hệ thống cơ sở y tế cũng gặp một số khó khăn, trong đó vấn đề lớn nhất các nhân viên y tế băn khoăn về ổn định công việc khi sáp nhập, chuyển đổi.

“Sở Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan sớm xây dựng và ban hành quy chế phối hợp trong lĩnh vực quản lý y tế giữa UBND quận, huyện và Sở Y tế, để phát huy tối đa tiềm lực cơ sở vật chất, nguồn nhân lực…, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định. (Hà Nội mới,  trang 6).

 

Nghiện game online: Điều trị càng sớm càng tốt

Vụ việc bé trai 5 tuổi ở tỉnh Nghệ An tử vong sau khi bị một đối tượng nghiện game online (trò chơi điện tử trực tuyến) giấu vào rừng mới đây đã gây rúng động dư luận. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo về tình trạng nghiện game online trong giới trẻ hiện nay. Trong khi đó, theo các chuyên gia, nếu được phát hiện và khám chữa sớm, việc điều trị chứng nghiện game sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Rối loạn tâm thần do game online

Sống với bố, bị thiếu hụt tình cảm của mẹ, T.V.L (15 tuổi ở quận Long Biên) thường tìm đến game online. Cách đây 4 năm, mặc dù phát hiện con có những dấu hiệu bất thường, dễ bị kích động, đập phá đồ đạc, sức khỏe và kết quả học tập giảm sút…, nhưng bố T.V.L vẫn không nghĩ con bị nghiện game và ảnh hưởng đến tâm lý. Chỉ đến khi thấy con có ý định nhảy từ tầng cao xuống đất, bố T.V.L mới hoảng hốt đưa con đến Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Ban đầu, T.V.L đập phá, la hét, không hợp tác với bác sĩ. Sau 2 tháng điều trị tại bệnh viện, tâm lý của T.V.L đã ổn định hơn.

Theo thống kê, năm 2019, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tiếp nhận điều trị cho 15 bệnh nhân và từ đầu năm 2020 đến nay, đã điều trị cho 9 bệnh nhân liên quan đến nghiện trò chơi điện tử trực tuyến, chủ yếu ở độ tuổi từ 13 đến 17. Bác sĩ Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, dịp nghỉ hè, khi học sinh được nghỉ học, số lượng trẻ đến khám và điều trị nghiện game nhiều hơn các thời điểm khác trong năm.

Khi rơi vào thế giới “ảo” của trò chơi trực tuyến, trẻ sẽ thay đổi nhân cách, cảm xúc, thường xuyên căng thẳng, cáu gắt, bực tức. Trẻ cũng không quan tâm đến việc học hành, “cày” game từ 16-20 giờ/ngày, gây rối loạn giấc ngủ. Đặc biệt, trẻ còn ảo tưởng mình chính là nhân vật trong game, từ đó, luôn có những hành động bất thường, hành vi bạo lực, như: Tìm những đối tượng yếu thế hơn để bắt nạt, nghĩ mình là siêu nhân có thể bay, nhảy trên tầng cao xuống, bắt chước theo những trò chơi trong game…

Hiện tại, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội đang áp dụng phác đồ điều trị nghiện game giống với điều trị rối loạn hành vi ở độ tuổi thanh, thiếu niên do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế quy định. Cụ thể, bệnh nhân nghiện game được sử dụng thuốc chống trầm cảm, các thuốc an thần thế hệ mới phối hợp song song với liệu pháp điều trị tâm lý. Trung bình, một bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện từ 2 đến 4 tuần. Sau thời gian điều trị, khoảng 70%-90% trẻ không còn tình trạng nghiện game.

Thế nhưng, có những bệnh nhân khi quay trở về với gia đình, chỉ 3-6 tháng sau đã quay lại bệnh viện. “Trung bình thời gian điều trị duy trì kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm. Thời gian này, bệnh nhân phải tuân thủ việc tái khám, uống thuốc định kỳ và nhất là phải xa rời máy tính…”, bác sĩ Trần Quyết Thắng lưu ý.

Tương tự, tại Bệnh viện Quân y 103 cũng áp dụng phác đồ điều trị cắt cơn cai nghiện game bằng thuốc an thần, chống trầm cảm hoặc bằng các liệu pháp tâm lý. Các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng tích hợp cả nhóm biểu hiện giống người nghiện ma túy cũng như các triệu chứng của người trầm cảm nặng, thậm chí có trường hợp còn có ý định tự sát.

Gia đình quyết định sự thành công của việc điều trị

Theo báo cáo của Hội đồng Khoa học và Sức khỏe cộng đồng của Mỹ, người nào chơi trò chơi trên máy tính quá 2 giờ mỗi ngày, trong thời gian trên 1 tháng được coi là nghiện game máy tính.

PGS.TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103) cho rằng, để việc điều trị hiệu quả, bệnh nhân bị buộc phải từ bỏ game online hoàn toàn, nghĩa là không được chơi game dù chỉ 1 phút. Nhiều người đã lầm tưởng rằng, sau khi điều trị, chỉ cần giới hạn thời gian chơi mỗi ngày dưới 1 giờ là đủ. Điều này là sai lầm vì bệnh nhân đã mất khả năng kiểm soát việc chơi game. Khi được chơi game 1 giờ mỗi ngày, họ lại muốn chơi game lâu hơn. Khi bị cấm ở nhà, họ sẽ tìm cách chơi ở nơi khác.

Cũng theo bác sĩ Trần Quyết Thắng, kết quả điều trị có thành công hay không được quyết định ở thời gian điều trị duy trì tại gia đình (chiếm 60%-70%). Do đó, sau quá trình điều trị nội trú, khi về gia đình, cha mẹ cần hạn chế tuyệt đối cho trẻ tiếp xúc các thiết bị điện tử.

Bác sĩ điều trị tâm lý, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội Hoàng Việt Hà cho rằng, chữa trị bệnh nghiện game online rất kỳ công, đòi hỏi nhiều thời gian và sự hợp tác từ gia đình, người thân. Việc phát hiện trẻ bị nghiện game từ sớm giúp cho hiệu quả điều trị cao hơn. Dấu hiệu để nhận biết sớm trẻ nghiện game online, đó là trẻ bồn chồn, hay đập phá, không thích giao tiếp, rối loạn giấc ngủ, nhất là không muốn đi học, phản ứng mạnh mẽ khi bị hạn chế thời gian chơi game… Nếu trẻ có những dấu hiệu trên, thì cần nghi ngờ con mình đã bị nghiện game online và nên sớm đưa đi khám ở các bác sĩ tâm thần. (Hà Nội mới, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Khoa học & Đời sống, trang 1: “Trẻ cô đơn dễ nghiện game”.

 

”Cơn sốt” vắc xin ngừa Covid-19: Cần sự hợp tác toàn cầu

Khi nhiều nước trên thế giới đã “vượt đỉnh” dịch Covid-19, việc nhanh chóng sở hữu các loại vắc xin phòng SARS-CoV-2 được coi là “lệnh bài” quan trọng của nhiều quốc gia trong việc đưa các hoạt động xã hội trở lại bình thường.

Trước “cơn sốt” vắc xin ngừa Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục kêu gọi sự hợp tác toàn cầu, đề nghị các quốc gia coi vắc xin phòng SARS-CoV-2 là một hàng hóa công toàn cầu và phải bảo đảm tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận công bằng…

Tại hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Y tế các nước Liên minh châu Âu (EU) về biện pháp chống lại sự lây lan của dịch bệnh mới đây, các bộ trưởng đã ủng hộ đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) sử dụng quỹ khẩn cấp khoảng 2,4 tỷ euro (tương đương 2,7 tỷ USD) để thương lượng mua trước các loại vắc xin có tác dụng phòng ngừa vi rút SARS-CoV-2.

Theo đó, EU sẽ mua hoặc cam kết mua các loại vắc xin tiềm năng ngay cả khi chưa được bào chế, bất chấp nguy cơ có thể thất bại trong thử nghiệm lâm sàng. Đổi lại, EU sẽ được quyền tiếp cận ưu tiên với những lô vắc xin đầu tiên xuất xưởng. Việc chấp nhận rủi ro được xem là chiến lược của EU trong cuộc chạy đua sở hữu vắc xin. Mức dự toán EU dành cho kế hoạch này vượt xa con số 1,2 tỷ USD mà Mỹ đã ký với Hãng Dược phẩm AstraZeneca hồi tháng trước nhằm bảo đảm có được 300 triệu liều vắc xin.

Đáng chú ý, Hãng Dược phẩm AstraZeneca cũng là đơn vị nhận được hợp đồng của “liên minh” gồm Đức, Pháp, Italia và Hà Lan nhằm cung cấp 400 triệu liều vắc xin. Tập đoàn dược phẩm này cũng ký kết các thỏa thuận tương tự với Anh (dưới một danh nghĩa khác), đồng thời đạt được thỏa thuận về sáng chế tiến tới cung cấp 1 tỷ liều vắc xin cho Ấn Độ.

Theo các chuyên gia y tế, việc nhiều quốc gia gấp rút đầu tư để bảo đảm nguồn cung vắc xin cho người dân vào thời điểm này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, “cơn sốt” cũng có thể dẫn tới những hệ lụy đáng lo ngại.

Thứ nhất, việc mua và tích trữ số lượng lớn vắc xin ngừa Covid-19 của các quốc gia có tiềm lực về kinh tế sẽ khiến các quốc gia nghèo không đủ điều kiện để tiếp cận các nguồn vắc xin.

Thứ hai, những hợp đồng béo bở với giá trị lên đến hàng tỷ USD sẽ tạo ra một cuộc đua khác ngay trong chính các nhà nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Việc vội vã phát triển vắc xin và các loại thuốc chống Covid-19 thiếu đi sự hợp tác toàn cầu có thể dẫn đến những sản phẩm không an toàn, chưa đủ thời gian kiểm chứng. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì khi vắc xin không đạt tiêu chuẩn có thể sẽ gây biến chứng, làm suy yếu hệ miễn dịch của con người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có hơn 10 loại vắc xin ngừa Covid-19 tiềm năng được thử nghiệm lâm sàng và hứa hẹn sẽ sớm sản xuất hàng loạt.

Trước “cơn sốt” vắc xin ngừa Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây lên tiếng kêu gọi các quốc gia hãy coi vắc xin phòng SARS-CoV-2 là hàng hóa công toàn cầu và phải bảo đảm tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận công bằng đối với bất kỳ loại vắc xin nào đang được phát triển. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thậm chí còn đề nghị các nhà lãnh đạo nên đưa ra cam kết chính trị về vấn đề này.

Ủng hộ quan điểm của WHO, nhiều nhà khoa học đồng tình cho rằng, thành quả nghiên cứu vắc xin Covid-19 nên được xem như tài sản của nhân loại, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất nên chú trọng tới việc đẩy lùi dịch bệnh hơn là lợi nhuận. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo, các quốc gia không nên phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung cấp vắc xin – vốn là bài học đắt giá đã từng xảy ra khi nguồn cung không đáp ứng đủ khẩu trang và vật tư y tế thời gian qua. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Hành trình cứu chữa bệnh nhân đặc biệt phi công người Anh

Đến ngày 14.6 là 108 ngày phi công người Anh nhiễm Covid-19 (bệnh nhân 91) được điều trị. Sức khỏe bệnh nhân hiện tiến triển rất tốt, dù trước đó có những lúc tưởng khó qua khỏi.

Đó cũng là khoảng thời gian bệnh nhân 91 (BN91) phải chiến đấu để sinh tồn, bước qua “cửa tử”, với sự nỗ lực của các y bác sĩ (BS).

Có lúc tưởng không cứu được

Theo BS Nguyễn Thanh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM, ngày 17.3, BN91 khởi phát sốt sau 4 ngày vào bar Buddha ở Q.2, TP.HCM (bar Buddha được xác định là “ổ dịch” Covid-19 với 18 người mắc liên quan đến nơi này).

Ngày 18.3, BN91 đến BV Bệnh nhiệt đới khám trong tình trạng sốt cao, ho nhiều, đau ngực, mệt và khó thở. Xác định đây là ca thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 cao nên BV cách ly, xét nghiệm (XN). Kết quả XN trong đêm 18.3 khẳng định BN91 nhiễm Covid-19 với tải lượng vi rút rất cao.

BN91 có 2 yếu tố liên quan gây khó khăn cho điều trị: dư cân và rất dễ dị ứng với tất cả các loại thuốc, huyết tương; nhận định BN91 sẽ diễn tiến nặng ngay từ lúc nhập viện và là ca bệnh nặng nhất trong các ca bệnh Covid-19 nặng ở Việt Nam. Và cũng từ ngày đầu nhập viện, BN91 đã được thở ô xy, sau đó thở không xâm lấn.

Theo BS Nguyễn Thanh Trường, sau đó BN diễn tiến nặng, biến chứng nặng kéo dài 50 ngày, với các biến chứng ARDS (suy hô hấp cấp tiến triển nhanh), “cơn bão cytokine ào ạt”, vi huyết khối, xuất huyết – rối loạn đông máu nặng, suy đa tạng (tổn thương thận, tổn thương gan), nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng máu…

“Biến chứng này tiếp nối biến chứng khác, sự sống – chết của BN91 chỉ trong gang tấc, có lúc sự sống gần như là không còn và nếu “buông” thì BN91 ra đi. Nhưng BV Bệnh nhiệt đới can thiệp khẩn trương nhất nhằm duy trì sự sống cho BN91”, BS Thanh Trường kể lại.

BN91 được chỉ định thở máy ngày 5.4, khi biện pháp hỗ trợ hô hấp không xâm lấn không hiệu quả. Lúc này, BN91 cùng lúc được sử dụng 5 loại thuốc an thần để ngủ sâu nhằm đảm bảo thở máy, điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.

Tuy nhiên, thở máy cũng không làm sức khỏe BN cải thiện. Nếu thở máy không hiệu quả và cố điều chỉnh những thông số trên máy thì phổi BN “tiêu”. Do vậy, ngày 6.4, các BS quyết định đặt ECMO (ô xy hóa máu màng ngoài cơ thể) nhằm để phổi BN91 nghỉ ngơi. Cũng trong ngày 6.4, BN91 bị suy đa tạng nên BS chỉ định lọc máu, nhằm rút bớt dịch chủ động tránh gây phù phổi (do BN truyền rất nhiều dịch).

Song song đó, BN91 xuất hiện “cơn bão cytokine” ào ạt. Theo BS Thanh Trường, cytokine là loại hoạt chất sinh ra trong quá trình phản ứng viêm của cơ thể. Nồng độ cytokine trong cơ thể càng tăng cao thì bệnh diễn tiến càng nặng, nguy cơ tử vong cao. Một trong những phương pháp loại bỏ cytokine là lọc máu với quả lọc hấp phụ cytokine (quả lọc này rất đắt tiền).

Ngày 24.4, BN được chỉ định mở khí quản để tiếp tục thở máy nhằm đảm bảo đường thở trên hoạt động tốt, chống phù nề, viêm nhiễm.

 “Biệt đội Covid-19”

Sau nhiều lần XN lại âm tính, lại dương tính Covid-19, từ ngày 7.5, vi rút đã sạch trong các mẫu bệnh phẩm cơ thể BN91. Theo BS Thanh Trường, kể từ đây, BN91 xuất hiện những dấu hiệu hồi phục, những biến chứng lui dần và được kiểm soát tốt. Phổi hồi phục từ 10% lên 20%. Chức năng hô hấp cải thiện tốt. Lúc này, BN91 được tập cai dần các máy thở, ECMO và giảm dần thuốc an thần để dần tỉnh lại.

“Khoa hồi sức của BV Bệnh nhiệt đới có hơn 60 nhân viên chăm sóc cho 20 BN. Nhưng BV đã “biệt phái” 20 người gồm 4 BS, 16 điều dưỡng trực chiến 24/24 để cứu BN91. Nên 20 người này (BS, điều dưỡng) được BV gọi là biệt đội Covid-19”, BS Thanh Trường chia sẻ.

Theo BS Thanh Trường, một trong những điều ít ai biết được là BN nhiễm Covid-19 không ăn được do thay đổi vị giác. Có một BN nói với BS là uống nước suối mà giống như uống… nước ngọt. BN91 cũng không ngoại lệ nên mỗi bữa ăn, các y BS phải “ép” BN91 ăn. Việc chăm sóc BN91 như chăm… con mọn.

Ngày 22.5, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, BN91 được chuyển qua BV Chợ Rẫy nhằm chuẩn bị phương án ghép phổi nếu tình trạng tổn thương phổi không tiến triển tốt thêm.

Hồi tỉnh

BS Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), BV Chợ Rẫy (là BS điều trị cho BN91), cho biết trước khi đón BN91 về, BV đã lên phương án xây dựng phòng cách ly đặc biệt, đảm bảo vô khuẩn. Xây dựng phương án vận chuyển, nhân sự, trang thiết bị… Khi BN về thì có BS điều trị hằng ngày và 2 điều dưỡng luôn túc trực.

Theo BS Thanh Linh, lúc BN91 về Chợ Rẫy tình trạng còn rất nặng, phụ thuộc vào máy thở và ECMO, phổi hồi phục khoảng 20 – 30%. Lúc này, Tiểu ban điều trị quốc gia xác định BN đã âm tính Covid-19 nên chuyển về BV Chợ Rẫy, nơi có nhiều chuyên khoa để phối hợp điều trị, tăng cơ hội hồi phục cho BN. BV tập trung toàn lực 1 tuần thì hô hấp BN91 cải thiện, phổi khá lên, ô xy máu cũng cải thiện. “Chúng tôi tập trung hội chẩn chuyên gia nhiều chuyên khoa nhiễm, hô hấp, huyết học, thận, vật lý trị liệu…”, BS Thanh Linh nói.

Trong điều trị cho BN91, chăm sóc điều dưỡng không chỉ là thực hiện thuốc mỗi ngày mà còn cả tâm lý trị liệu. Khi BN tỉnh thì cố gắng nói chuyện, động viên BN. Kết hợp BS dinh dưỡng để cải thiện dinh dưỡng cho BN91 phục hồi sức cơ. Theo dõi xuyên suốt mức độ nhiễm trùng, phác đồ điều trị và kiểm soát được nhiễm trùng thì phổi BN91 cải thiện.

Sau 1 tuần về BV Chợ Rẫy, BN đáp ứng thuốc, chức năng thận ở mức cho phép. Đặc biệt khi ngừng thuốc an thần, giãn cơ thì BN91 đã tỉnh và ho, khạc được.

Từ đó BS cho giảm dần các thông số máy thở, ECMO nhằm tiến tới cai máy thở. Đến nay BN91 không còn phải thở máy, phổi hồi phục trên 60%. Tuần này sẽ chụp CT Scanner lại…

Vậy BN91 có cần ghép phổi? Theo BS Linh, có những BN hồi phục phổi trên 50% nhưng còn phụ thuộc vào máy thở thì không thể bỏ máy thở và sẽ phải cân nhắc thay phổi mới. Nếu BN hồi phục trên 60% và ho, khạc tốt thì cơ hội sẽ hồi phục từ từ, bỏ máy thở thì sẽ không cần ghép phổi. Với BN91, thời điểm này không nghĩ đến ghép phổi, tuy nhiên vẫn cần theo dõi.

“Sự hồi phục của BN91 là nỗ lực rất lớn không chỉ từ phía BV Chợ Rẫy mà của các chuyên gia cả nước. Đặc biệt là sự duy trì tính mạng của BN91 từ BV Bệnh nhiệt đới trước đó. Nếu ở giai đoạn nặng nhất mà BV Bệnh nhiệt đới không duy trì được tính mạng BN91 thì đến nay BN91 khó có thể tỉnh táo và tiến triển mỗi ngày tốt hơn như vậy”, BS Thanh Linh nhận định.

Theo BS Thanh Linh, do BN91 nằm kéo dài, phải dùng rất nhiều thuốc… nên các cơ teo nhiều. Do đó cần điều trị kết hợp với vật lý trị liệu để cải thiện sức cơ, đặc biệt là cải thiện sức cơ hô hấp để BN91 ho, khạc, giúp tống các đàm từ phổi ra, góp phần để phổi nở ra và hồi phục nhanh hơn. (Thanh niên, trang 13).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 2: “Nam phi công người Anh đã cai thở máy được 48 giờ”; An ninh Thủ đô, trang 6: “Không có ca Covid-19 mắc mới, bệnh nhân phi công người Anh đã tự thở được 24h”.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Vì “Mục tiêu kép” nhưng phải đảm bảo an toàn

Chia sẻ trên diễn đàn Quốc hội ngày 13/6, Phó Thủ tướng Vũ Đam cho rằng, tới đây, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn rất lớn. “Chúng ta như trong cánh đồng trũng, nước ở ngoài sông lại cao hơn rất nhiều và vẫn tiếp tục mưa nên buộc phải giữ thật chặt. Nhưng chúng ta cũng không thể đóng cửa cực đoan mà phải thực hiện “mục tiêu kép”, song cần đảm bảo an toàn trước hết”, Phó Thủ tướng nói.

Tại sao Việt Nam chiến thắng dịch COVID-19?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, dân số Việt Nam đông nhưng cả nước ghi nhận 333 ca nhiễm (tính đến hết sáng 13/6), chưa có ca tử vong, chỉ còn 10 người đang điều trị. Đã qua 58 ngày, Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, chừng ấy ngày thì thế giới đã thêm 5,6 triệu ca mắc và thêm gần 300.000 ca tử vong.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tất cả cuộc sống của người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước trên thế giới. Chúng ta có được thành công đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta có đội ngũ thầy thuốc, lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân và nhiều lực lượng chức năng khác nhưng đặc biệt là nhân dân Việt Nam rất tuyệt vời!”.

Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm, chúng ta đạt được thành công đó là do ngay từ ban đầu khi có những thông tin đầu tiên về dịch bệnh – lúc đó còn chưa biết tên virus, chưa đặt tên dịch bệnh thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế, từ tháng 12/2019 tham vấn với các tổ chức quốc tế, lên kế hoạch để chống dịch rất căn cơ, bài bản theo đúng nguyên lý chống dịch đã được đúc kết kinh nghiệm từ các đợt chống dịch trước đây. Việt Nam là nước đưa ra các giải pháp sớm hơn một bước và cao hơn một bước so với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế.

Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng khai báo y tế bắt buộc với tất cả người nhập cảnh từ vùng dịch. Các tổ chức, bạn bè quốc tế sau này đã đánh giá những biện pháp của Việt Nam rất đúng, rất sớm, rất kiên quyết và hiệu quả kinh tế cao nhất, bởi tổng chi phí cho chống dịch chúng ta đến ngày hôm nay là rất thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Chữa trị cho bệnh nhân nước ngoài: Đạo đức ngành y và truyền thống Việt Nam

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã có những hành động thiết thực để chữa trị cho các bệnh nhân người nước ngoài. Đã có 49/50 người nước ngoài đã được chữa khỏi, hiện chỉ còn BN 91 là phi công người Anh.

Việc Việt Nam tập trung cứu chữa cho các bệnh nhân, nhất là BN 91 không chỉ thể hiện tinh thần của người thầy thuốc là tất cả bệnh nhân đều được cứu chữa như nhau, mà còn thể hiện đạo lý của người Việt Nam như câu nói “nhịn miệng đãi khách đường xa”.

“Chúng ta rất may mắn là chưa phải vào thế lựa chọn là ưu tiên chữa cho ai hơn, vì Việt Nam đã khống chế tốt dịch bệnh. Nhưng giả sử đặt ra trường hợp đó thì Việt Nam nhất định không vì người Việt Nam mà không chăm lo tốt cho người nước ngoài. Tất cả những giá trị đó, tôi cho rằng, chúng ta tiếp tục khơi dậy và phát huy để Việt Nam ngày càng được bạn bè quốc tế tin yêu hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Nhân dân Việt Nam – hai chữ tuyệt vời!

Việt Nam chiến thắng đại dịch COVID-19 là nhờ những người dân mà như đánh giá của bạn bè quốc tế là rất tuyệt vời. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, ngành y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn tới tất cả các tầng lớp nhân dân, các lực lượng tham gia phòng chống dịch.

Đó là hàng ngàn thầy thuốc không quản ngày đêm, trong đó có những người thì lội rừng đi chống dịch, xa vợ mới cưới, xa con mới sinh, hay những cặp vợ chồng cùng ở trong bệnh viện nhưng cả tháng không gặp mặt nhau.

Hàng ngàn chiến sĩ đã nằm rừng, canh lối mòn dọc tuyến biên giới, nhường doanh trại cho người dân cách ly, từ những ngày Tết mưa dầm, gió rét đến những ngày hè nắng như đổ lửa.

Còn có biết bao cụ già, em nhỏ, người dân mang rau, mang gạo, lấy tiền tiết kiệm gửi vào quỹ chống dịch.

Rất nhiều doanh nghiệp đóng góp vật tư, thiết bị, kinh phí cho hoạt động phòng chống dịch.

Hàng nghìn nhà báo không quản khó khăn, nguy hiểm, vào tận những ổ dịch, nơi đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 để phản ánh đầy đủ tình hình dịch bệnh, góp phần quan trọng để toàn dân đồng lòng, cùng toàn Đảng, toàn quân chống dịch.

Có rất nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ, người thì nghiên cứu, người thì sáng tác, kể cả các cụ lão thành cách mạng, các em nhỏ…

“Chúng ta càng thấy rõ một điều là mỗi một khi đất nước đứng trước thử thách lớn thì lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cùng những giá trị tốt đẹp nhất của mấy nghìn năm văn hiến lại bừng lên… Chúng ta không thể gửi lời cảm ơn đến từng người, nhưng lời cảm ơn tốt nhất đó là cùng nhau quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch. Đến giờ phút này, chúng ta đã giữ được rất tốt”, Phó Thủ tướng nói. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Bệnh nhi mắc tim bẩm sinh nhồi máu não hồi sinh thần kỳ

Giây phút tuyệt vọng, gia đình bệnh Nhi đã xin cho con về. Tuy nhiên, các bác sỹ Khoa cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 đã động viên người nhà để bé lại và hợp sức với bác sỹ Khoa Tim mạch giành lại mạng sống cho bệnh Nhi cũng như điều trị di chứng do nhồi máu mãu và nhiễm trùng huyết gây ra.

Bệnh Nhi là bé trai N.M.T (SN 2014, tại ấp Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), là con thứ hai trong gia đình có bố là lao động tự do, mẹ là công nhân may. Bé đã được mổ chỉnh sửa tim 2 lần vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi do tình trạng thông liên thất và không có lỗ van động mạch phổi.

Ngày 6/5, người nhà đưa bé vào cấp cứu tại BV tỉnh và phát hiện ra em bị nhiều bệnh lý nguy hiểm trong đó có suy tim. Các bác sỹ lập tức chuyển bé lên BV Nhi Đồng 2 trong tình trạng sức khỏe yếu, liệt nửa người bên phải. Các xét nghiệm sau đó cho thấy bé bị nhồi máu não diện rộng bán cầu phải giờ thứ 22, có tổn thương thân não, suy tim, viêm phổi.

Các bác sỹ BV Nhi Đồng 2 đã tiến hành cấp cứu, điều trị tích cực nhưng bệnh nhi vẫn diễn tiến ngày càng xấu với tình trạng sốc nhiễm trùng, phù não khó kiểm soát. Có thời điểm bệnh nhi rơi vào tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn.

Trước tình hình trên, đội ngũ bác sỹ BV Nhi Đồng 2 đã tiến hành hội chẩn với các chuyên gia để tìm hướng điều trị cho bệnh nhân. Ê kíp trực lúc đó quyết định tiếp tục chống phù não tích cực cho bệnh nhi theo phương pháp nội khoa. Rất nhiều chỉ định mang tính quyết đoán lúc đó được đưa ra, kết quả tri giác bé đã cải thiện nhưng huyết áp giảm, các bác sỹ đã cho truyền dịch, chỉnh vận mạch, cuối cùng huyết áp cũng dần ổn định.

Sự nỗ lực của đội ngũ bác sỹ đã mang lại kết quả khi bé T. hồi phục trở lại. Sau vài ngày, bệnh nhi giảm sốt, chân tay cử động và biết đau. Đến ngày 14/5, bệnh nhi mở mắt và được chuyển xuống phòng Hồi sức của khoa Tim Mạch điều trị.

Ngày 22/5, bé được cai máy thở, phần cơ thể bị liệt dần dần được cải thiện, bé có thể cử động chân tay, cầm nắm, ăn uống được, vận động cơ mặt  đều hơn. Ngày 28/5, bé được chuyển ra giường ngoài để theo dõi và tập vật lý trị liệu.

Chị Chị P.P.T – mẹ của bé nói xúc động: “Con tôi đã biết gọi ba mẹ ngay khi tỉnh dậy. Biết làm theo những gì bố mẹ yêu cầu, điều mà chúng tôi không thể tưởng tượng nổi trong những ngày trước đó, khi mà bé đang ở trong tình trạng thập tử nhất sinh. Cảm ơn các bác sĩ đã cứu tính mạng cho con tôi, giúp chúng tôi còn thấy con cười vui mỗi ngày”. (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ, số mắc ở Thanh Oai tăng gấp đôi

Chỉ riêng trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội), tính đến nay đã ghi nhận 8 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) với 33 trường hợp mắc, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Thống kê từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 247 trường hợp mắc SXH, với nhiều ổ dịch nhỏ rải rác, trong đó 2 ổ dịch có nguy cơ bùng phát là tại xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) và xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai).

Là một trong những địa phương “nóng” nhất về dịch SXH lúc này, Trung tâm Y tế huyện Thanh Oai cho biết, hiện trên địa bàn huyện đã có 33 trường hợp mắc tại 11/21 xã, thị trấn, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019 (17 ca).

Riêng tại xã Thanh Thùy có 18 ca mắc SXH, phân bố tại 4/6 thôn. Các ổ dịch còn lại trên địa bàn huyện này gồm xã Tam Hưng (02 ổ dịch) và tại một số xã như Phương Trung, Dân Hòa, Kim An, Cao Dương.

Cũng liên quan đến tình hình dịch SXH trên địa bàn Hà Nội, sáng 12-6 vừa qua, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Hoài Đức tổ chức phát động hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống SXH năm 2020”.

Thông tin tại lễ phát động cho biết, trung bình hằng năm trên địa bàn Hà Nội ghi nhận từ 3.000 đến 5.000 trường hợp mắc SXH, đặc biệt năm 2017 dịch bùng phát với 37.651 trường hợp mắc và 7 trường hợp tử vong.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh, dù hiện tại số ca mắc SXH giảm nhiều so với cùng kỳ của năm 2019 nhưng với diễn biến thời tiết mùa hè, nắng nóng mưa nhiều như hiện nay thì dịch bệnh này sẽ có thể gia tăng trong thời gian tới. (An ninh Thủ đô, trang 6).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 22/10/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 12/08/2019

Mậu Ngọ

Điểm báo ngày 13/5/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận