Điểm báo ngày 15/7/2019

(CDC Hà Nam)
 Cứu sống người đàn ông đã ngừng tim, ngừng tuần hoàn; Bộ Y tế yêu cầu báo cáo vụ sản phụ tử vong ở Bắc Ninh và Thanh Hóa; Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm: Phải quyết liệt và thực chất…

 

Lấy 0,5 ky sỏi từ bàng quang của bệnh nhân

Ngày 13-7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cho biết, vừa phẫu thuật thành công lấy ra 7 viên sỏi lớn (hình tháp) với tổng trọng lượng khoảng 0,5kg trong bụng bệnh nhân Trần Văn Mai (45 tuổi, ngụ huyện Bù Gia Mập, Bình Phước).

Thep Bác sỹ Nguyễn Hữu Trịnh, Trưởng khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân Mai: Anh Mai nhập viện với các biểu hiện đau vùng hạ vị dưới rốn, cộng với vết loét chảy mủ kéo dài ở vùng mông bên trái. Khi chụp phim và siêu âm, bệnh viện phát hiện trong người anh Mai có những viên sỏi lớn ở bàng quang. Sau hơn 1 giờ đồng hồ phẫu thuật, ê kíp mổ lấy ra 7 viên sỏi trên.

Trước đó, anh Mai không hề hay biết trong bụng mình có những viên sỏi lớn. Anh Mai bị tai nạn lao động, tổn thương tủy sống, liệt nửa người từ ngang lưng trở xuống hơn 15 năm nay. Bệnh nhân đã điều trị tại một số bệnh viện nhưng không khỏi. Gần đây, việc tiểu tiện quá đau buốt, nên gia đình anh Mai mới chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Bình Phước cấp cứu.

Bác sĩ Trịnh cho biết thêm, nguyên nhân hình thành sỏi là do sự liên thông của dòng nước tiểu của bệnh nhân không được tốt. Mặt khác, cũng do anh Mai bị nằm liệt lâu ngày không được vận động nên nước tiểu bị ứ đọng. Còn việc các viên sỏi có hình thù kim tự tháp là do trong quá trình nằm, bệnh nhân thường nghiêng qua nghiêng lại nên lần lượt hình thành các viên sỏi có hình dạng trên.

Hiện, anh Mai đã qua cơn nguy hiểm và dần hồi phục sức khỏe. (Công an Nhân dân, trang 7)

 

Bộ Y tế yêu cầu báo cáo vụ sản phụ tử vong ở Bắc Ninh và Thanh Hóa

Trước các ca tai biến sản khoa liên tiếp gây tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, Bộ Y tế vừa có các văn bản yêu cầu Sở Y tế Thanh Hóa và Sở Y tế Bắc Ninh báo cáo sự cố y khoa tại BV huyện Thạch Thành và BV Sản Nhi Bắc Ninh.

Trong Công văn 3988/BYT-BM-TE, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Thanh Hóa kiểm tra, xác minh về trường hợp sản phụ Bùi Thị G, Sn 1988, có thai 3 lần, đến sinh con tại BV Đa khoa Thạch Thành, Thanh Hóa vào sáng 4-7 và đã tử vong cả sản phụ và thai nhi sau khi sinh. Tại Công văn 4008/BTY-BM-TE, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Bắc Ninh xác minh thông tin về trường hợp sản phụ Nguyễn Thị H, 33 tuổi, có thai lần hai, sinh con tại BV Sản Nhi Bắc Ninh tối 8-7 và tử vong sau khi sinh. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế của cả hai tỉnh khẩn trương gửi báo cáo nhanh quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của hai bệnh viện đối với 2 sản phụ.

Đồng thời Bộ Y tế yêu cầu hai bệnh viện khẩn trương họp hội đồng chuyên môn đánh giá quá trình đón tiếp, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với các trường hợp sản phụ trên; xử lý nghiêm cá nhân, tập thể có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ đạo đức nghề nghiệp nếu có.  (Công an Nhân dân, trang 7)

 

Cách phân biệt ung thư vòm họng và viêm họng

Ở nước ta, bệnh ung thư vòm họng (UTVH) đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư vùng đầu cổ và đứng thứ 5 trong các bệnh ung thư nói chung.

Tỷ lệ mắc bệnh cao là như vậy, nhưng các triệu chứng của bệnh lại không điển hình. Chính vì vậy, phát hiện UTVH gặp nhiều khó khăn.

UTVH và những dấu hiệu không thể bỏ qua

UTVH còn được gọi với cái tên là ung thư biểu mô vòm họng (NPC). UTVH là một dạng bệnh hiếm của ung thư đầu cổ, nó xảy ra ở vòm họng, có nghĩa là phần trên của họng phía sau mũi. Vị trí của vòm họng có thể mô tả như sau: mũi họng nằm “bấp bênh” ở đáy hộp sọ, phía trên vòm miệng. Lỗ mũi sẽ thông với vòm họng. Khi bạn hít thở, không khí sẽ đi vào mũi và đi qua cổ họng và vòm họng, sau đó mới đi vào phổi.

Để phát hiện UTVH sớm ở giai đoạn đầu là khá khó khăn, ngay cả đối với các bác sĩ, bởi rất khó để khám vùng mũi họng và hơn thế nữa triệu chứng của UTVH giống một số bệnh khác. Ung thư có thể di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể thông qua mô, hệ thống bạch huyết và máu. Di căn phổ biến nhất là xương, phổi và gan. Bệnh UTVH gồm có 4 giai đoạn, phát hiện càng sớm thì khả năng ung thư di căn đến các cơ quan khác càng thấp, nếu được chữa trị kịp thời thì cơ hội hồi phục tương đối cao. 4 giai đoạn của UTVH gồm: UTVH giai đoạn đầu; UTVH giai đoạn trung gian; UTVH giai đoạn tiến triển; UTVH giai đoạn cuối.

Cách phát hiện UTVH

Có thể phát hiện UTVH thông qua những triệu chứng phổ biến như:

Sưng cổ, xuất hiện hạch cổ: Đây là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân UTVH, chiếm tới 60-90% các trường hợp. Bởi vòm họng có cấu trúc mô bạch huyết phong phú, vì vậy khi có sự xuất hiện của tế bào ung thư ở đây sẽ lây lan nhanh chóng tới các hạch vùng cổ. Ngạt mũi một bên, chảy nước mũi có máu: là một trong các triệu chứng sớm của UTVH.

Ho dai dẳng: Bệnh nhân UTVH hay có triệu chứng ho dai dẳng, ho khạc ra đờm dính máu.

Khàn tiếng, khó nghe, cảm giác bị vọng tiếng.

Đau đầu: Thường là đau nửa đầu hoặc đau sâu trong hốc mắt, đây là một triệu chứng thần kinh hay gặp ở bệnh nhân UTVH. Với những bệnh nhân đến muộn có thể có cảm giác tê bì vùng mặt cùng bên đau đầu do dây thần kinh tam thoa bị chèn ép.

Ngoài ra, khi khối u đã xâm lấn và di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể, bệnh nhân có thể có các triệu chứng khác như mệt mỏi, giảm cân, khó thở, đau xương…

Nguyên nhân gây bệnh UTVH

Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh UTVH chưa được xác định rõ ràng. Căn nguyên gây bệnh UTVH không phải chỉ do một yếu tố mà có thể do nhiều yếu tố cùng tác động gây ra. Những yếu tố liên quan được xem xét tới như:

Yếu tố môi trường: Gồm điều kiện vi khí hậu, khói bụi, tình trạng ô nhiễm cùng với tập quán ăn uống như ăn cá muối, ăn tương, cà và các chất mốc,… bởi các thứ này có chứa nitrosamine là chất gây ung thư.

Do virut Epstein Barr (EBV): Các nhà khoa học đã phát hiện được bộ gene của virut Epstein Barr trong tế bào của khối u vòm họng và trong huyết thanh của bệnh nhân UTVH. Đồng thời hiệu giá kháng thể IgA kháng VCA-EBV rất cao ở bệnh nhân mắc ung thư vòm họng, trong khi đó kháng thể này lại rất thấp hoặc không có ở người bình thường hoặc bị các bệnh ung thư khác.

Yếu tố gene di truyền: Người cùng huyết thống có khả năng cùng mắc bệnh UTVH, đã tìm thấy khoảng 30 gene ung thư nội sinh. Bình thường, các gene này ở trạng thái nằm im, khi có một cơ chế cảm ứng nào đó, chúng sẽ thúc đẩy phát triển tạo thành ung thư.

Nam giới có nguy cơ mắc UTVH cao hơn nữ giới. Những thói quen, lối sống không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh UTVH bao gồm: hút thuốc, nghiện rượu, thức ăn kém dưỡng chất, bụi amiăng, vệ sinh kém…

UTVH còn liên quan đến một số loại ung thư khác, ví dụ như nhiều bệnh nhân được chẩn đoán mắc UTVH và đồng thời cũng bị ung thư phổi hay bàng quang cùng một lúc. Có thể do các loại ung thư này có cùng một số yếu tố nguy cơ.

Phân biệt UTVH và viêm họng

Triệu chứng của bệnh viêm họng bao gồm: ngứa, rát, rét run, cơ thể yếu, sưng tấy vùng cổ họng; bệnh nhân thể đau khi nuốt hoặc nói chuyện; họng hoặc amidan có thể sưng tấy đỏ lên… Bên cạnh những triệu chứng điển hình, bệnh nhân có thể có các triệu chứng khác như: ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, hắt hơi, sốt, ớn lạnh, sưng ở cổ, thay đổi giọng nói, toàn thân đau nhức. Đau đầu. Khó nuốt. Ăn không ngon…

UTVH và viêm họng đều có một vài triệu chứng giống nhau như khó nuốt, đau họng hay sưng ở cổ. Đôi khi mọi người vẫn còn nhầm lẫn giữa 2 bệnh này. Rất khó để phân biệt UTVH và viêm họng vì các triệu chứng đều rất giống nhau. Nhưng ở UTVH có một vài sự khác biệt như sụt cân nhanh nhưng cũng thường rất mờ nhạt. Tuy vậy điều khác biệt lớn nhất chính là thời gian kéo dài triệu chứng. Nếu các triệu chứng trên tiếp tục kéo dài trong vòng 2 tuần, thì tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để có kết quả chính xác nhất.

Dù viêm họng hay UTVH đều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, việc thay đổi lối sống lành mạnh, luyện tập đều đặn và xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học là cách để bạn bảo vệ sức khỏe của mình trước những căn bệnh xung quanh. Cách tốt nhất để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là đi tầm soát ung thư 1 năm ít nhất 2 lần. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1)

 

Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm: Phải quyết liệt và thực chất

Như Báo Hànộimới đã đưa tin, từ ngày 10-7-2019 đến ngày 10-7-2020, thành phố Hà Nội mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Với một địa bàn rộng, tập trung số lượng lớn các cơ sở kinh doanh thực phẩm, việc nhân rộng mô hình này là rất cần thiết. Song, để đạt hiệu quả, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, quá trình thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm thực chất.

Việc triển khai mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến cơ sở góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh.

Vẫn còn tâm lý… nể nang

Từ ngày 15-11-2015 đến ngày 15-11-2016, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm theo Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg ngày 9-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian thí điểm tại 5 quận, huyện (với 10 xã, phường), Hà Nội đã thành lập 65 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

Qua thanh tra, kiểm tra hơn 3.500 cơ sở, các đoàn đã phát hiện 786 cơ sở vi phạm, trong đó phạt tiền 371 cơ sở, với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng. So với trước khi thí điểm, số cơ sở bị phạt tiền tăng 237% và tổng số tiền phạt tăng 240%.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của thành phố cho rằng, mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến cơ sở đã giúp tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đơn cử như, thời gian đào tạo lực lượng thanh tra ngắn, thiếu nhân lực, nên thanh tra viên tại các địa phương vẫn chủ yếu là kiêm nhiệm. Đặc biệt, ở tuyến xã, phường, việc thanh tra, kiểm tra vẫn còn nể nang, đôi lúc xử lý vi phạm chưa quyết liệt.

Tại huyện Đông Anh, năm 2016 đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở xã Kim Chung và xã Uy Nỗ. Bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh chia sẻ: “Ban đầu khi bắt tay triển khai, chúng tôi cũng vấp phải nhiều khó khăn. Cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm thiếu, trong khi các cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhỏ lẻ, không có địa điểm cố định, thường xuyên biến động gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, rà soát và tổ chức thanh tra.

Hơn nữa, cán bộ ở cấp xã còn tâm lý “tình làng, nghĩa xóm”, vì đa phần các hộ kinh doanh là người quen biết, nên khi kiểm tra, chủ yếu là nhắc nhở, chứ không xử phạt. Huyện đã phải bố trí lực lượng hỗ trợ cho các đoàn thanh tra của xã để việc thanh tra, xử lý vi phạm được nghiêm minh”.

Còn theo ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại địa phương đã được tiến hành thường xuyên. Song, tổ chức thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận và phường là vấn đề mới, nên ban đầu triển khai cũng không tránh khỏi lúng túng.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, quận đã hỗ trợ các phường đào tạo thanh tra viên, đào tạo cán bộ lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm… Trong thời gian tới, quận sẽ kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thí điểm tại tất cả các phường để kịp thời khắc phục những tồn tại.

Về phía doanh nghiệp, bà Chu Hương Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương bày tỏ, việc thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm có thể mang lại hiệu quả thiết thực, nhưng nếu xảy ra tình trạng lạm dụng quyền sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân. Thậm chí, trong quá trình kiểm tra, một số cán bộ có thể vận dụng máy móc, thiếu linh hoạt hoặc chưa nắm vững nghiệp vụ, thiếu kiến thức về pháp luật dẫn đến xử phạt chưa đúng…

Tránh chồng chéo, lạm quyền

Rút kinh nghiệm từ đợt đầu thí điểm, ngay từ đầu năm 2019, thành phố đã tổ chức đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra viên. Sau hơn 6 tháng tổ chức đào tạo (tổng cộng hơn 3.000 thanh tra viên), đến nay, 100% các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã có đủ lực lượng để thành lập từ 1 đến 2 đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết, trong khi lực lượng thanh tra ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh, thành phố còn mỏng, thì việc thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã huy động thêm nguồn lực, nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát ở lĩnh vực này.

Giải đáp về việc doanh nghiệp lo lắng tình trạng thanh tra chồng chéo, ông Nguyễn Văn Nhiên thông tin, theo quy định của Luật Thanh tra và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc thanh tra không được trùng lặp. Đối với doanh nghiệp, thanh tra không quá 1 lần/năm, trừ trường hợp có vi phạm rõ ràng hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau những lần thanh tra, phải có đánh giá về những yếu tố nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm. Từ đó xác định mục đích thanh tra trong những lần sau. Điều này vừa tránh tình trạng thanh tra chồng chéo, vừa bảo đảm hiệu quả công việc.

Vì vậy, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn để phân loại rõ nơi nào có nguy cơ cao cần tập trung thanh tra, kiểm tra.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, quá trình thanh tra, kiểm tra phải được tiến hành thực chất. Cụ thể, tuyến quận, huyện, thị xã phải kiểm tra được ít nhất 25%; tuyến xã, phường, thị trấn phải kiểm tra ít nhất 50% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Việc thanh tra phải minh bạch, xử phạt phải công minh và nếu cơ sở, doanh nghiệp không đồng ý kết quả thanh tra phải tiến hành xem xét, thanh tra lại. Mục đích là ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nguy cơ gây hại tới sức khỏe người dân từ thực phẩm bẩn.

Trong quá trình thanh tra, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền không chỉ cho cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, mà cho cả người tiêu dùng, tiến tới thay đổi hành vi, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm. ( Hà Nội mới, trang 1)

 

Hà Nội lập tổ công tác đặc biệt giải quyết vướng mắc bảo hiểm y tế

Một tổ công tác đặc biệt do UBND TP Hà Nội quyết định thành lập sẽ tiếp nhận, tổng hợp, phân tích thông tin về những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn…

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3405/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác giải quyết vướng mắc trong thực hiện BHYT.

Tổ công tác đặc biệt này gồm 16 người, do bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế làm Tổ trưởng; ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội và ông Nguyễn Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Tài chính làm Tổ phó.

Theo quyết định thành lập, Tổ công tác có nhiệm vụ: Tiếp nhận, tổng hợp, phân tích thông tin từ cơ quan, tổ chức, cá nhân về những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách pháp luật về BHYT; Giải quyết theo thẩm quyền;

Đồng thời, đôn đốc giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện BHYT, thực hiện hợp đồng khám, chữa bệnh, giám định, tạm ứng và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định pháp luật; tham mưu, đề xuất với UBND Thành phố việc giải quyết…

Trong quá trình hoạt động, Tổ công tác chủ động báo cáo, xin ý kiến các cơ quan chuyên môn của các Bộ, ngành Trung ương, các Sở, ngành liên quan. Tổ công tác tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Trước đó, sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2019, BHXH Việt Nam đã chỉ ra nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT hiện nay như: chưa rõ trong việc xác định tiêu chí khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế tư nhân; khó khăn trong xác định tổng mức thanh toán khám, chữa bệnh BHYT;

Hay vướng trong thực hiện quy định cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tư nhân của bác sĩ đang công tác tại bệnh viện công lập; tồn tại, vướng mắc trong đấu thầu thuốc, thanh toán thuốc, vật tư y tế; quy định thanh toán tiền giường điều trị ban ngày; còn tình trạng thu gom người bệnh, nhất là tại các cơ sở KCB y dược dân tộc, phục hồi chức năng… (An ninh Thủ đô, trang 3)

 

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ tai biến y khoa xảy ra ở Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Ninh

Sau khi Báo ANTĐ và một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về trường hợp sản phụ Nguyễn Thị H. đột ngột tử vong khi đến sinh con tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh vào cuộc xác minh…

Cụ thể, Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em (Bộ Y tế) vừa có công văn số 4008/BYT-BM-TE gửi Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, yêu cầu Sở này kiểm tra, xác minh thông tin mà báo chí đăng phản ánh về trường hợp sản phụ Nguyễn Thị H. (33 tuổi), có thai lần hai, đến sinh con tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh tối ngày 8-7-2019 và đã tử vong sau khi sinh.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Bắc Ninh phải gửi báo cáo nhanh quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của Bệnh viện sản nhi tỉnh Bắc Ninh đối với sản phụ Nguyễn Thị H. về Bộ Y tế trước 16h ngày 16-7 tới.

Đồng thời, yêu cầu Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh khẩn trương họp hội đồng chuyên môn đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với trường hợp sản phụ Nguyễn Thị H. và thông báo kết luận tới gia đình và các cơ quan truyền thông; xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân nếu có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ và đạo đức nghề nghiệp.

“Trong trường hợp gia đình vẫn không đồng ý với kết luận của Hội đồng bệnh viện thì Sở Y tế cần thành lập Hội đồng chuyên môn cấp tỉnh xem xét và kết luận trả lời gia đình” – Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em yêu cầu.

Mặt khác, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cần chỉ đạo Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Nhi Trung ương tạo điều kiện tốt nhất chăm sóc, điều trị cho trẻ sơ sinh con của sản phụ H. đang được điều trị tại đây.

Như ANTĐ đã đăng tải, tối 8-7 vừa qua, sản phụ Nguyễn Thị H. đến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh để chờ sinh, kết quả thăm khám trước khi đẻ cho thấy thể trạng cả sản phụ và thai nhi đều hoàn toàn bình thường nên được chỉ định đẻ thường.

Thế nhưng trong quá trình đẻ, sản phụ H. kêu đau nên được bác sĩ tư vấn cho làm thủ thuật giảm đau bằng tiêm thuốc tê giảm đau dịch vụ (gia đình phải bỏ tiền mua với giá 1,5 triệu đồng).

Sau đó, sản phụ diễn biến xấu rất nhanh, ngừng tuần hoàn, các bác sĩ đã phải lập tức mổ lấy thai và tiến hành cấp cứu sản phụ. Sau khoảng 30 phút cấp cứu, sản phụ H. có mạch trở lại, được chuyển đi Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhưng đã tử vong trên đường đi.

Trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ, bà Nguyễn Thị Bích Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh cho rằng, bệnh viện kết luận sản phụ H. ngừng tuần hoàn chưa rõ nguyên nhân, nghĩ nhiều đến tắc mạch ối. Song về phía người nhà sản phụ nghi ngờ sản phụ tử vong do sốc phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê giảm đau.

Hiện cả phía bệnh viện và gia đình sản phụ đều đang chờ kết luận cuối cùng từ cơ quan pháp y và kết luận của cơ quan điều tra để làm sáng tỏ nguyên nhân cái chết đột ngột của sản phụ Nguyễn Thị H. (An ninh Thủ đô, trang 7)

 

Thu hồi 2 giấy chứng nhận đã cấp cho công ty dược phẩm Thành Hưng

Sở Y tế Hà Nội vừa ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và Giấy chứng nhận “Thực hành tốt phân phối thuốc” GDP của Công ty TNHH Dược phẩm Thành Hưng.

Theo Sở Y tế Hà Nội, Công ty Dược phẩm Thành Hưng có địa chỉ tại số 44, ngách 328/42 phố Lê Trọng Tấn (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội), đã được Sở cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc vào tháng 11-2015 và cấp chứng nhận GDP vào tháng 10-2016.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động đến nay, Công ty dược phẩm Thành Hưng đã không đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định tại Luật Dược.

Vì thế, Sở Y tế Hà Nội quyết định thu hồi 2 Giấy chứng nhận đã cấp cho công ty này kể từ ngày 11-7-2019.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Công ty Dược phẩm Thành Hưng không được phép kinh doanh thuốc kể từ ngày bị thu hồi giấy chứng nhận.

Trước đó, với lý do tương tự, Sở Y tế Hà Nội cũng đã ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và Giấy chứng nhận GDP của Công ty CP Dược phẩm Megapharco (khu đô thị Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội). (An ninh Thủ đô, trang 7)

 

Cứu sống người đàn ông đã ngừng tim, ngừng tuần hoàn

Rơi vào tình trạng suy hô hấp rất nặng, thở ngáp rồi ngừng tim, bệnh nhân Ngô Huy M. đã may mắn được cứu sống thần kỳ…

Trước khi rơi vào tình trạng nguy kịch 3 ngày, ông Ngô Huy M. (60 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) thấy đau vùng thắt lưng trái, sốt nhẹ, tiểu ít dần, buồn nôn và nôn khan, nhưng ở nhà không điều trị.

Đến khi thấy khó thở, ông được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa thì lúc này đã rơi vào tình trạng suy hô hấp cấp.

ThS. Đinh Trọng Hiếu, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Bệnh viện Đống Đa) cho biết, thời điểm nhập viện, ngoài suy hô hấp cấp, bệnh nhân còn bị suy thận nặng, xét nghiệm có tình trạng toan chuyển hóa nặng, điện tâm đồ có rối loạn, siêu âm có sỏi thận trái, giãn đài bể thận trái.

Bệnh nhân được dùng thuốc điều chỉnh rối loạn điện giải và hội chẩn lọc máu cấp cứu, nhưng sau 20 phút người bệnh xuất hiện tụt huyết áp, thở ngáp và ngừng tim.

Ngay lập tức, ê kíp cấp cứu từ các khoa Hồi sức tích cực – Chống độc và Đơn nguyên Lọc máu của bệnh viện đã tập trung lực lượng để tiến hành cấp cứu hồi sinh tim phổi cho người bệnh.

Sau 8 phút chạy đua với thời gian để nỗ lực níu kéo sự sống cho người bệnh, người bệnh đã có mạch trở lại, phải duy trì 2 vận mạch liều cao, thở máy. Tiếp đó, người bệnh được lọc máu liên tục, thở máy, sức khỏe dần hồi phục. Sau 10 ngày nằm điều trị, ông . đã được xuất viện, không để lại di chứng.

ThS Đinh Trọng Hiếu cho biết thêm, việc cứu sống người bệnh ngừng tuần hoàn trong 8 phút mà không để lại di chứng thần kinh cho người bệnh là thành công lớn của ê kíp trực và tập thể khoa Hồi sức tích cực – Chống độc của bệnh viện. (An ninh Thủ đô, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 08/9/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/8/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/6/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận