Điểm báo ngày 16/1/2019

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 16/1/2019

Hơn 300.000 lượt người nước ngoài tìm đến Việt Nam chữa bệnh trong năm 2018; Xét xử vụ chạy thận: Hoàng Công Lương không chịu trách nhiệm chất lượng nước lọc máu; Cựu giám đốc nói về tình nghĩa với bị cáo Hoàng Công Lương

 

Hơn 300.000 lượt người nước ngoài tìm đến Việt Nam chữa bệnh trong năm 2018

Chiều nay, 15-1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành Y tế năm 2019 với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Báo cáo công tác y tế trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm vừa qua, ngành Y tế đã hoàn thành và vượt 9/11 chỉ tiêu y tế cơ bản. Trong đó vượt 2 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, đó là số giường bệnh/vạn dân đạt 26,5 (giao 26,0); tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 87,7% (giao 85,2%).

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành y tế tập trung triển khai trong năm qua là nâng cao chất lượng y tế cơ sở, chất lượng khám, chữa bệnh kết hợp với đổi mới tinh thần thái độ, phong cách phục vụ người bệnh và đổi mới cơ chế tài chính.

Nhờ đó, hiện đã có khoảng 90% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, gần 90% trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Số lượt khám, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở chiếm khoảng 70.

Với các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là tuyến trung ương, nhờ tập trung vào phát triển kỹ thuật cao, triển khai được nhiều kỹ thuật cao ngang tầm quốc tế nên năm 2018 đã có khoảng 300.000 lượt bệnh nhân là người nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam, trong đó có 57.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú.

Ngay cả những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe, bệnh tật cũng điều trị tại các bệnh viện ở nước ta thay vì trở về nước như trước. Các kỹ thuật được người nước ngoài lựa chọn nhiều nhất như: Can thiệp tim mạch, nha khoa, ngoại khoa, ung thư và thẩm mỹ.

Dù vậỵ, trong năm qua vẫn có khoảng 40.000 người ra nước ngoài khám, chữa bệnh với chi phí hơn 2 tỷ USD.

Cũng trong năm 2018, qua đường dây nóng 1900-9095, Bộ Y tế đã tiếp nhận tổng số 65.702 cuộc gọi phản ánh của người dân về cán bộ nhân viên y tế và các cơ sở y tế, qua đó đã thanh kiểm tra, xử lý cắt thi đua 91 trường hợp, điều chuyển sang bộ phận khác 18 trường hợp, khiển trách 171 trường hợp, xử lý kỷ luật 7 trường hợp, nghỉ việc 4 trường hợp, cải tiến quy trình khám chữa bệnh 590 trường hợp, cải thiện cơ sở vật chất 259 trường hợp, khen thưởng 126 trường hợp…

Dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương những nỗ lực của toàn bộ cán bộ ngành Y tế thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, năm 2019, ngành Y tế cần tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tiếp tục mở rộng độ bao phủ BHYT. Cùng với đó, phải có cơ chế thanh toán BHYT bảo đảm đúng tinh thần phòng bệnh là chính, y tế cơ sơ là nền tảng.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hiện nay, trình độ và tay nghề của các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trung ương không thua kém bác sĩ nước ngoài. Do đó, chúng ta cần tập trung tạo cơ chế thoáng cho các bệnh viện lớn phát triển, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường y tế chất lượng cao để từ đó giảm người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh (An ninh thủ đô, trang 7).

 

Xét xử vụ chạy thận: Hoàng Công Lương không chịu trách nhiệm chất lượng nước lọc máu

Bị cáo, bác sĩ Hoàng Công Lương cho rằng nguyên nhân chết người do tồn dư hóa chất trong nước dùng lọc máu chạy thận. Việc này thuộc quản lý của phòng vật tư, bản thân ông không có trách nhiệm. Không có quy định sử dụng nước

Ngày 15/1, TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét xử vụ án 9 người tử vong sau sự cố chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình). Tại tòa, bị cáo Hoàng Công Lương – nguyên bác sĩ Đơn nguyên thận nhân tạo (Khoa Hồi sức tích cực, BV Hòa Bình) cho biết không đồng ý việc VKSND  truy tố mình về tội “Vô ý làm chết người”. Theo ông Lương, nguyên nhân gây chết người do: “Tồn dư hóa chất trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống lọc nước RO dùng cho chạy thận. Những hành vi của bị cáo được VKSND mô tả trong cáo trạng không theo một quy định pháp luật nào”.

Bác sĩ Lương khai, bản thân được đào tạo 2 tháng về kỹ thuật lọc máu nhân tạo tại BV Bạch Mai và không phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước trong chạy thận, việc này thuộc về trưởng khoa do đơn nguyên thận không có kỹ sư phụ trách chất lượng nước. Tuy vậy, bác sĩ  Lương thừa nhận có biết ngày 28/5/2017, hệ thống lọc nước RO được sửa chữa.

Chủ tọa đặt câu hỏi sau sửa chữa cần phải có quy định gì trước khi đưa vào vận hành? Ông Hoàng Công Lương đáp: “Việc này không phải trách nhiệm của bị cáo. Sáng 29/5 điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp thông báo hệ thống đã sửa xong… Bị cáo không biết điều dưỡng Điệp có được giao quản lý chất lượng nước hay không nhưng bị cáo có niềm tin là có thể sử dụng được. Sau đó điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hậu thông báo các chỉ số trong giới hạn an toàn”.

Ông Lương thừa nhận phòng vật tư bệnh viện không thông báo cho mình nội dung sửa chữa xong nhưng nhân viên phòng vật tư là bị cáo Trần Văn Sơn đã thông báo cho điều dưỡng Điệp. Ngoài ra, các bị cáo Trần Văn Sơn và Hoàng Đình Khiếu – nguyên Phó GĐ BV Hòa Bình kiêm trưởng Khoa Hồi sức tích cực cùng bác sĩ Hoàng Công Tình – phó khoa (chú ruột bị cáo Lương) cũng không thông báo việc sửa chữa vì không có quy định bắt buộc trưởng/phó khoa đồng ý mới được sử dụng nước RO.

Hợp tác chạy thận

Được xét hỏi, bị cáo Đỗ Anh Tuấn – GĐ Công ty dược phẩm Thiên Sơn cũng  phản đối bản cáo trạng truy tố mình về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do ông Tuấn là đại diện của Cty Thiên Sơn – một cá nhân không phải là chủ thể của tội danh này. Ông Tuấn khai thêm, Cty Thiên Sơn đã cho BV Hòa Bình thuê máy chạy thận từ năm 2009 trên phương diện pháp nhân. Bệnh viện có nghĩa vụ là phải đảm bảo được cơ sở hạ tầng và đội ngũ nhân viên y tế có chuyên môn, Thiên Sơn chỉ có trách nhiệm liên quan máy móc.

Về hệ thống lọc nước RO, bị cáo Tuấn khai do Cty Thiên Sơn lắp đặt theo hợp đồng mua bán năm 2010 và đã hết thời gian bảo hành từ năm 2011. “Trách nhiệm của Thiên Sơn đối với hệ thống RO số 2 này là không còn do đã hết thời hạn bảo hành. Đây là tài sản của bệnh viện nên tự bệnh viện phải có trách nhiệm bảo quản, sửa chữa” – ông Tuấn nói.

Chủ tọa cũng hỏi về lý do Thiên Sơn không thực hiện sửa chữa hệ thống RO theo hợp đồng với BV Hòa Bình ký ngày 25/5/2017 nhưng lại thuê bị cáo Bùi Mạnh Quốc – GĐ Cty Trâm Anh thi công. Bị cáo Tuấn không trả lời được tính pháp lý trong việc thuê Cty Trâm Anh nhưng đánh giá: “Bùi Mạnh Quốc là người có kinh nghiệm, là đối tác tin tưởng của Thiên Sơn… Tôi đã trực tiếp trao đổi với Quốc nhiều lần về việc sửa chữa này” (Tiền phong, trang 11). 

 

Cựu giám đốc nói về tình nghĩa với bị cáo Hoàng Công Lương

‘Bị cáo với bị cáo Lương tình như chú cháu, nghĩa như thầy trò. Lương là một trong những người bị cáo rất tin tưởng’ – nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương khai tại tòa. Ngày 15.1, tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án tai biến chạy thận tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, HĐXX tập trung làm rõ trách nhiệm của các bị cáo trong việc thực hiện hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 dùng cho máy chạy thận giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn, nguyên nhân dẫn tới tai nạn khiến 9 người tử vong hồi tháng 5.2017.

Khai tại tòa, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương nói việc ký hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 hoàn toàn đúng quy trình; còn việc sử dụng, quản lý máy móc, thiết bị trong BV cũng như phân công nhân sự phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo thuộc khoa hồi sức tích cực là thẩm quyền của các trưởng khoa, phòng chuyên môn nên bản thân không biết. Được tòa hỏi về ý kiến đối với truy tố của Viện kiểm sát, bị cáo Dương lại dành khá nhiều thời gian nói về tình cảm với bị cáo Hoàng Công Lương (bác sĩ BVĐK tỉnh Hòa Bình). “Bị cáo với bị cáo Lương tình như chú cháu, nghĩa như thầy trò. Lương là một trong những người bị cáo rất tin tưởng”, bị cáo này nói và khai thêm bị cáo Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc BVĐK Hòa Bình kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực) từng nói là cuối năm 2017 sẽ thành lập khoa lọc máu – thận tiết niệu và giao Lương đảm trách công việc tại khoa này. Việc cho Lương đi học chuyên môn về lọc máu cũng là chuẩn bị cho kế hoạch trên. “Thế nên bị cáo Lương bị như vậy, bản thân bị cáo cũng rất đau”, bị cáo Dương nói.

Khai tại tòa chiều cùng ngày, bị cáo Lương không đồng ý với cáo buộc của Viện kiểm sát về tội danh “vô ý làm chết người”. “Nguyên nhân gây chết người là do tồn dư hóa chất trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO. Bị cáo không thể là nguyên nhân gây chết người”, bị cáo Lương nói và cho biết ngay từ khi nhận được cáo trạng đã có khiếu nại đối với các nội dung bị truy tố.

Về sự cố ngày 29.5.2017, bị cáo Lương khai do điều dưỡng Đỗ Thị Điệp thông báo hệ thống nước RO số 2 đã được phòng vật tư – thiết bị y tế sửa xong và có thể vận hành được nên tin và ra y lệnh chạy thận. Theo bị cáo, từ trước tới nay phòng vật tư bàn giao cho Đơn nguyên thận nhân tạo thì đơn nguyên sẽ tiếp tục sử dụng và đương nhiên là nguồn nước phải an toàn.

Tuy nhiên, trước đó, bị cáo Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Vật tư – thiết bị y tế BVĐK Hòa Bình, lại cho rằng phòng vật tư chỉ có trách nhiệm sửa chữa thiết bị, còn việc có đưa thiết bị vào hoạt động hay không thuộc thẩm quyền của khoa hồi sức tích cực. Do đó, phòng vật tư cũng không có trách nhiệm phải cảnh báo khoa hồi sức tích cực phải chờ xét nghiệm mẫu nước mới được vận hành hệ thống lọc nước RO số 2 (Thanh niên, trang 18).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 18/5/2022

CDC Hà Nam

Dịch Covid-19, Cập nhật lúc 08h00 ngày 12-2-2020

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 05/10/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận