Điểm báo ngày 16/10/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 16/10/2018

Trạm y tế xã phường còn nhiều “khoảng trống”; Ô nhiễm không khí đang gây nên nhiều bệnh tật; Bệnh tay chân miệng bùng phát ở Cần Thơ và các tỉnh lân cận: Bệnh viện quá tải, bệnh nhi phải nằm ngoài hành lang; Rửa tay sạch giúp ngăn lây nhiễm bệnh

 

Trạm y tế xã phường còn nhiều “khoảng trống”

Để nâng cao chất lượng trạm y tế (TYT) xã, phường, Bộ Y tế đang triển khai thí điểm 26 TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Tuy nhiên, tại hội nghị về vấn đề này diễn ra ở TPHCM mới đây, người đứng đầu ngành y tế đã chỉ ra nhiều hạn chế của tuyến y tế cơ sở trong công tác khám chữa bệnh, nguồn nhân lực, cơ chế tài chính – đầu tư…

Thiếu đủ thứ

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng y tế cơ sở chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít… Trong khi đó, nhiều người dân chưa quan tâm đến y tế dự phòng nâng cao sức khỏe, chỉ khi có bệnh mới chịu đi chữa trị. Đặc biệt ở nhiều TYT, đội ngũ bác sĩ còn thiếu và yếu.

Cụ thể, có 8/26 TYT xã, phường điểm chưa có bác sĩ làm việc gồm Thạch Mỹ (Lâm Đồng), Bản Vược, Mường Vi, Dền Sáng (Lào Cai), Sơn Diệm (Hà Tĩnh), Ninh Hà, Ninh Sơn (Khánh Hòa), Bình Thành (Long An); 9/26 TYT chưa có y sĩ y học cổ truyền, cơ cấu chưa phù hợp, có vị trí thừa, vị trí thiếu… Bên cạnh đó, cán bộ ở phần lớn TYT xã còn thiếu các chứng chỉ hành nghề để cung cấp dịch vụ và được BHYT thanh toán; cán bộ chưa được đào tạo và cấp chứng chỉ về nguyên lý y học gia đình; việc thu hút, huy động bác sĩ có trình độ về làm việc tại các TYT xã gặp khó khăn.

Chờ cú hích

Việc các TYT không đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người bệnh đã gây nên tình trạng vượt tuyến. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, có khoảng 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể được điều trị ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể được điều trị ở TYT xã, phường. Để giảm tải cho y tế tuyến trên, ngành y tế đặt ra yêu cầu phát huy vai trò y tế cơ sở, tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở để thực hiện nhiệm vụ phát hiện, quản lý và điều trị người bệnh mắc các bệnh mãn tính. Trong các giải pháp, Bộ Y tế chú trọng đầu tư 26 TYT điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đây là mô hình được chú trọng phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới và được người dân tin tưởng lựa chọn. Mô hình hoạt động dựa trên 6 nguyên tắc của nguyên lý y học gia đình là: Liên tục – toàn diện – lồng ghép – phối hợp – dự phòng – gia đình – cộng đồng. Theo đó, các TYT sẽ thực hiện 7 nhiệm vụ chuyên môn, gồm: truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân; lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, quản lý theo dõi các bệnh không lây nhiễm; chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số – kế hoạch hóa gia đình; phòng bệnh, dinh dưỡng, tiêm chủng; y dược học cổ truyền…

Tới đây, Bộ Y tế sẽ triển khai hệ thống y tế từ xa (telemedicine) cho các TYT xã, phường điểm trong cả nước nhằm tối ưu hóa sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên trong công tác khám chữa bệnh. Đề án sẽ bắt đầu tiến hành từ đầu năm 2019 với tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng.

Với hệ thống telemedicine, chỉ cần một màn hình máy tính và thiết bị đầu cuối trên nền tảng mạng internet có sẵn, cán bộ y tế TYT xã, phường có thể kết nối với tuyến trên để tiếp nhận kiến thức y tế một cách nhanh chóng, kịp thời, tiện lợi bất cứ lúc nào mà không cần phải di chuyển lên tuyến trên. Bên cạnh đó, các bác sĩ bệnh viện tuyến trên có thể tham gia hội chẩn, chẩn đoán, hướng dẫn điều trị từ xa các ca bệnh tại TYT, không cần phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Ô nhiễm không khí đang gây nên nhiều bệnh tật

Số người tử vong do ô nhiễm không khí cao gấp 15 lần so với số người thiệt mạng do chiến tranh. Đặc biệt, “phơi nhiễm bụi ở người nghèo cao hơn người không nghèo”. Đây là những số liệu mang tính cảnh báo được các chuyên gia y tế đưa ra tại Hội thảo “Môi trường không khí và các bệnh có liên quan” do Hội Y học TPHCM tổ chức mới đây.

Thông tin tại hội thảo cho thấy, trong năm 2015 thế giới có khoảng 9 triệu ca tử vong sớm do liên quan đến ô nhiễm không khí, chiếm tới 16% số tử vong toàn cầu và cao gấp 15 lần số người thiệt mạng do chiến tranh gây ra, cao gấp 3 lần tổng số nạn nhân tử vong do đại dịch AIDS cộng với bệnh lao và sốt rét cộng lại.

Trong khi đó, theo kết quả quan trắc tại TPHCM giai đoạn 2010 – 2017 cho thấy, tổng bụi lơ lửng dao động trong khoảng từ 243,8ug/m3 – 810ug/m3, tức cao gấp 2,4 – 8,3 lần quy chuẩn Việt Nam.

Song đáng chú ý hơn cả, theo Thạc sĩ Vũ Xuân Đán, Trưởng khoa Vệ sinh Lao động – Sức khỏe trường học (Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe lao động – Môi trường, thuộc Sở Y tế TPHCM), sau khi lấy mẫu so sánh nồng độ bụi cá nhân, kết quả cho thấy người nghèo có nguy cơ phơi nhiễm bụi cá nhân cao hơn người không nghèo vì những thói quen sinh hoạt trong gia đình vẫn không thay đổi.

Cụ thể, nồng độ bụi cá nhân bên ngoài nhà của nhóm nghèo hơn 40ug/m3, ở nhóm không nghèo chỉ 28.2ug/m3. Trong đó, bụi gây ra bệnh tật và tử vong là loại bụi mịn có đường kính khí động nhỏ hơn PM2.5. Đối với nhóm nghèo, nguồn phát sinh phơi nhiễm là bụi đất, bụi giao thông, bụi công nghiệp, bụi do hoạt động bên trong nhà và bụi từ đại dương; ở nhóm không nghèo chỉ phải đối mặt với bụi công nghiệp trong nhà, bụi giao thông và bụi đại dương.

Còn theo một nghiên cứu của BS Trần Bảo Ngọc, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tỷ lệ mắc độc tố bụi tại quần thể người sống trong nhà kiểu nông thôn và nhà trọ cao gấp nhiều lần so với người sống trong căn hộ. Điều đó cho thấy kiểu nhà có ảnh hưởng rất lớn đối với sự xâm nhập của bụi. Vì vậy, nhà trọ và nhà nông thôn (rơi vào nhóm người có thu nhập thấp) cần được chú ý cải thiện chất lượng không khí.

Các chuyên gia y tế của Hội Y học TPHCM nhận định, việc loại bỏ hẳn bụi không khí ở ngoài trời là điều không thể, tuy nhiên vẫn có nhiều biện pháp để hạn chế chúng. Trước hết, phải có luật nghiêm về chất lượng không khí, giảm thiểu ô nhiễm trong nhà hay thay đổi sự phơi nhiễm cá nhân.

Ngoài ra, người dân cần áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa và giảm bớt tác hại của ô nhiễm. Đặc biệt, bệnh nghề nghiệp ở nhóm người lao động vẫn còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng nên cần phải được quan tâm trong khám, giám định và phòng bệnh (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Bệnh tay chân miệng bùng phát ở Cần Thơ và các tỉnh lân cận: Bệnh viện quá tải, bệnh nhi phải nằm ngoài hành lang

Do bệnh tay chân miệng bùng phát, số lượng bệnh nhi đến điều trị tại khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ quá đông, tình trạng 2 bé nằm điều trị tại 1 giường rất nhiều. Nhiều bé còn được người nhà bế ra nằm gần thang máy do số lượng giường tại khoa không đủ đáp ứng…

Theo thông tin được cung cấp từ Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ, chỉ trong vòng nửa đầu tháng 10.2018, bệnh viện đã tiếp nhận gần 500 ca bệnh nhi nhiễm bệnh tay chân miệng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.

Đa phần các bé đều đến từ các quận, huyện TP.Cần Thơ và một số tỉnh thành khu vực ĐBSCL. Các bé khi nhập viện đa phần có triệu chứng nổi bóng nước, sốt cao, tiêu chảy, phần lớn đều ở dưới 3 tuổi có sức đề kháng và hệ tiêu hóa còn khá yếu.

Chị Thạch Thị Sô Phanh, ngụ xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Con gái tôi với 20 tháng tuổi, mắc bệnh tay chân miệng khá nặng, nhập viện đã 2 ngày nay. Bé không ăn uống được nhiều, phải khó khăn lắm tôi mới đút ít sữa được cho con. Người bệnh ở đây rất đông, tôi cùng con phải trải chiếu nằm dưới sàn nhà do khoa không đủ giường bệnh”.Trao đổi với PV báo Lao Động, bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ, cho biết, tình trạng quá tải tại khoa Nhiễm của bệnh viện là có thật, có lúc 2 đến 3 bệnh nhi phải nằm chung 1 giường. Hiện nay, khoa đang có khoảng 80 giường bệnh, bổ sung thêm 1 dãy phòng ở đằng sau nữa cũng chỉ có gần 140 giường, hoàn toàn không đủ đáp ứng số lượng hơn 200 bệnh nhi ở thời điểm hiện tại. “Hiện nay, các bệnh nhi nằm điều trị ở đây phần lớn mắc bệnh tay chân miệng ở mức độ 2A, tức là vẫn chưa đến mức nguy kịch và có thể nằm điều trị, theo dõi. Riêng đối với các ca bệnh nặng, ở tình trạng nguy hiểm như ở mức độ 3 và 4, chúng tôi buộc phải đưa đến phòng điều trị đặc biệt, cho thở máy và theo dõi gắt gao bởi vì bất cứ lúc nào bệnh cũng sẽ có những biến chuyển khó lường.

Trung bình, mỗi trường hợp mắc bệnh ở mức độ 2A sẽ phải nằm điều trị tại bệnh viện khoảng 7 ngày mới được trở về nhà, nếu nặng thì có thể lâu hơn”, bác sĩ Dũng thông tin thêm (Lao động, trang 2).

 

Rửa tay sạch giúp ngăn lây nhiễm bệnh

Mít tinh hưởng ứng “Ngày thế giới rửa tay với xà phòng 15.10” với chủ đề “Giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm – Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn” đã được Bộ Y tế tổ chức sáng qua tại Trường tiểu học Ngô Gia Tự, Gia Lâm, Hà Nội. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), bàn tay chứa nhiều tác nhân gây bệnh nguy hiểm, bệnh gây dịch như viêm phổi,TCM, cúm, tiêu chảy…Thực hiện rửa tay sạch với xà phòng có thể giảm 50% các ca mắc tiêu chảy cho trẻ nhỏ, giảm 25% các ca nhiễm khuẩn ở trẻ dưới 5 tuổi; giảm 15% các trẻ suy dinh dưỡng thấp còi và giảm nguy cơ mắc các bệnh gây dịch và gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ nhỏ như tay chân miệng, cúm. Cùng ngày, Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương TP.HCM phát động rửa tay năm 2018 với chủ đề: Đề phòng nhiễm trùng huyết liên quan đến chăm sóc tại cơ sở y tế. Bác sĩ Lê Văn Tuân, Trưởng văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại TP.HCM, cho biết ước tính hằng năm trên thế giới nhiễm trùng huyết đã tác động lên hơn 30 triệu bệnh nhân và gây tử vong khoảng 6 triệu người. Nhiễm trùng huyết liên quan đến chăm sóc y tế và nhiễm trùng mắc phải trong quá trình điều trị thường hay xảy (Thanh niên, trang 22). 

 

Ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị ung thư vú

Chiều 15-10, Bệnh viện Ung bướu TPHCM thông tin, hơn 200 bệnh nhân ung thư vú ít xâm lấn đã được bệnh viện thực hiện thành công bằng phương pháp mới là sinh thiết u vú có hỗ trợ thiết bị hút chân không dưới hướng dẫn của siêu âm (Vacuum Assisted Breast Biopsy – gọi tắt là VABB). Đây là kỹ thuật mới, mở ra cơ hội lớn cho người bệnh, giúp đảm bảo thẩm mỹ cho bầu vú, ít đau hơn mổ hở mà vẫn đạt được yêu cầu về chuyên môn. Theo các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM, nếu như trước đây, để lấy cả khối bướu hay một phần khối bướu ở vú đi sinh thiết (xét nghiệm xem u ác tính hay lành tính), bệnh viện thường áp dụng phương pháp sinh thiết mở hoặc sinh thiết lõi kim.

Cả hai phương pháp này có những hạn chế nhất định như sinh thiết mở để lại vết sẹo khoảng 2 – 3 cm mất thẩm mỹ, gây tổn thương nhiều hơn, cần phải chăm sóc sau mổ; còn sinh thiết lõi kim tuy ít xâm lấn, nhưng khi thực hiện cần phải đâm kim nhiều lần, và không thể dùng để sinh thiết cho những tổn thương nhỏ hơn 5mm.

Với phương pháp VABB, sẽ đưa cây kim có đường kính khoảng 2mm vào dưới khối u, từ tác động của lực hút chân không, khối u sẽ được hút vào cây kim, được cắt nhỏ từng phần và đưa ra ngoài.

Bác sĩ Lê Hồng Cúc, Trưởng êkíp thực hiện, cho biết: Ưu điểm của phương pháp này là chỉ cần đâm kim một lần khi sinh thiết; có thế lấy trọn các tổn thương lành tính dưới 5cm mà không cần mổ (như bướu sợi tuyến, bướu nhú, tổn thương viêm), để lại vết sẹo nhỏ (bằng đầu đũa), không gây đau, có thể dùng để lấy nhiều u cùng một lúc.

Kỹ thuật này còn dùng để sinh thiết cho những tổn thương nghi ngờ ung thư, đặc biệt là những tổn thương nhỏ hơn 0,5cm. Khi đó thì tỷ lệ phải sinh thiết lại của VABB thấp hơn sinh thiết lõi kim (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 31/8/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 24/8/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/8/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận