Điểm báo ngày 16/11/2020

(CDC Hà Nam)
Bắt đầu xử phạt hành vi bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi; Việt Nam đã ghi nhận 1.281 ca mắc Covid-19; Tiền đái tháo đường – một hiểm họa cần cảnh báo…

 

Thủ tướng Chính phủ giao 10 nhiệm vụ cho tân Bộ trưởng Bộ Y tế

Chiều 15/11 tại trụ sở Bộ Y tế diễn ra buổi lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế cho đồng chí Nguyễn Thanh Long.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị thay mặt Bộ Chính trị, Chủ tịch nước chúc mừng đồng chí Nguyễn Thanh Long đã được Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021. Thủ tướng Chính phủ đã trao quyết định bổ nhiệm cho đồng chí Nguyễn Thanh Long.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Đồng chí tân Bộ trưởng Y tế – GS.TS. Nguyễn Thanh Long là một người lãnh đạo có trình độ, kinh nghiệm và đã trải qua nhiều vị trí từ công tác chuyên môn đến công tác quản lý trong ngành y tế. Đặc biệt khi dịch COVID-19 xảy ra và bùng phát, với rất nhiều kinh nghiệm trong công tác dự phòng và phòng, chống dịch, đồng chí đã nhanh chóng phát huy vai trò tham mưu cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia nhiều quyết sách quan trọng góp phần vào thành công trong cuộc chiến với COVID-19”.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cần chỉ đạo ngành Y tế thực hiện tốt 10 nhiệm vụ:

Kiểm soát tốt dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác như bạch hầu, sốt xuất huyết và cúm mùa….Hoàn thiện cơ chế chính sách, cơ chế tài chính để nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh với yêu cầu dễ tiếp cận dịch vụ y tế hơn và giảm chi phí hơn nữa trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; Tập trung cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, kiểm soát tốt hơn nữa chi phí y tế, dược phẩm, thực phẩm, vật tư trang thiết bị y tế; công khai minh bạch trong quản lý cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc; công khai giá thuốc, giá trang thiết bị, giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh; Nâng cao chất lượng công tác an toàn thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn trường học, khu công nghiệp; Mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế toàn dân và phạm vi thanh toán bằng bảo hiểm y tế, quan tâm các đối tượng chính sách như người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt, người có công, người già; Đảm bảo mọi người dân được chăm sóc sức khỏe bình đẳng. Ngành y tế phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân tốt hơn nữa.

Thủ tướng yêu cầu tân bộ trưởng chấn chỉnh hoạt động xã hội hóa nguồn lực trong phát triển y tế tại các bệnh viện công lập. Xã hội hóa nguồn lực trong y tế là một chủ trương đúng đắn, Bộ Y tế cần tập trung cơ chế chính sách và công cụ quản lý không để tình trạng thương mại hóa quá mức; Tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở, thúc đẩy hệ thống khám chữa bệnh từ xa cả về số lượng và chất lượng, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận y tế chất lượng tốt ngay tại y tế cơ sở. Ngành y tế cần đổi mới hình thức thông tin để nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ tự chăm sóc sức khỏe bản thân, quản lý theo dõi sức khỏe từng người dân tầm soát phát hiện sớm bệnh; Nâng cao nội lực y tế nước nhà phát triển hài hòa cả đông y và tây y trên nền tảng ứng dụng công nghệ mới; Đổi mới toàn diện công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế cả về chuyên môn nghiệp vụ và y đức; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ mới trong y học, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y.

Những cam kết của tân Bộ trưởng Bộ Y tế

Đồng chí Nguyễn Thanh Long trân trọng cám ơn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, tín nhiệm phân công giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế. Nhấn mạnh sẽ tiếp tục kế thừa những truyền thống tốt đẹp của ngành, phát huy trí tuệ, sức mạnh đoàn kết của ngành để phục vụ người dân ngày một tốt hơn, đồng chí Nguyễn Thanh Long khẳng định trong thời gian tới ngành y tế sẽ tập trung cho một số nội dung trọng tâm trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20 và Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương và các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, thực hiện tốt 10 nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu.

Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau, bao gồm: nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân theo hướng công bằng, hiệu quả; Đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, công tác phòng, chống dịch bệnh; Đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân; Đổi mới toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế; Tăng cường đầu tư, đổi mới tài chính y tế; Công khai, minh bạch trong quản lý, cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế từng bước nâng cao vai trò, vị thế của y tế Việt Nam trên trường quốc tế.

Nâng cao đạo đức, tinh thần cống hiến, phục vụ nhân dân đối với cán bộ ngành y; Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, nhân viên y tế; Nâng cao vị thế xã hội của ngành y nhằm động viên, khuyến khích sự cống hiến của đội ngũ thầy thuốc đối với nhân dân.

Phát huy trí tuệ, bản lĩnh của ngành để vượt qua các khó khăn, thử thách, biến nguy thành cơ để phát triển; phát triển mạnh mẽ nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành y tế với các chương trình như khám chữa bệnh từ xa, công khai y tế, hệ thống điều hành trạm y tế xã, mạng y tế Việt Nam kết nối thầy thuốc trên toàn quốc, hồ sơ sức khỏe toàn dân; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

Tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cam kết: “Để xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi giao phó trọng trách quan trọng này, tôi xin hứa sẽ luôn tâm huyết, sáng tạo, cùng tập thể Ban Cán sự Đảng, tập thể Lãnh đạo Bộ Y tế và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế đoàn kết, thống nhất một lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng mọi mặt của ngành Y tế đảm bảo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”. (Tiền phong, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 4: “Thủ tướng giao 10 nhiệm vụ cho Tân Bộ trưởng Bộ Y tế”; Sức khỏe & Đời sống, trang 1: “Thủ tướng trao Quyết định bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế cho GS.TS. Nguyễn Thanh Long”.

 

Việt Nam đã ghi nhận 1.281 ca mắc Covid-19

Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 18h ngày 14-11 đến 18h ngày 15-11, nước ta ghi nhận 25 ca mắc mới, đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Quảng Ninh, Hưng Yên, Hoà Bình, Khánh Hòa và Bình Dương.

Như vậy, đã 74 ngày liên tiếp (tính từ ngày 3-9 đến nay), nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 1.281 ca, trong đó có 691 ca lây nhiễm trong nước.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 15.721, trong đó có 211 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 14.639 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và số còn lại cách  ly tại nhà, nơi lưu trú.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến thời điểm hiện tại, nước ta đã điều trị khỏi cho 1.103 ca mắc Covid-19, ghi nhận 35 ca tử vong. Ngoài ra, trong số ca bệnh còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế, 39 ca đã có kết quả xét nghiệm từ 1 đến 3 lần âm tính với vi rút SARS-CoV-2. (Hà Nội mới, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Cách ly thêm 25 người nhiễm Covid-19 từ nước ngoài về”; Tiền phong, trang 14: “Thêm 25 ca mắc Covid-19”; Thanh niên, trang 3: “Một ngày ghi nhận 25 ca nhập cảnh nhiễm Covid-19”.

 

Báo động bệnh trầm cảm ở trẻ em

Trầm cảm là một bệnh lý nguy hiểm, không chỉ xảy ra ở người lớn, mà còn gặp ở trẻ em. Dấu hiệu sớm ở trẻ mắc trầm cảm là rối loạn giấc ngủ, mất ngủ triền miên, luôn rơi vào trạng thái lo âu. Các bậc phụ huynh cần nhận biết sớm các dấu hiệu trầm cảm ở con mình để có những can thiệp kịp thời, không để bệnh tiến triển nặng mới đưa con nhập viện…

Bệnh của xã hội hiện đại

Bố mẹ thường xuyên đi công tác xa nhà, nên bé gái H.Q.H. (15 tuổi ở Hà Nội) chủ yếu sống cùng bà nội. Từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi, bỗng H. lầm lì, ít nói, sao nhãng việc học hành. Chỉ đến khi giáo viên chủ nhiệm phản ánh về tình hình học tập ngày một sa sút, mẹ H. mới để ý thấy con gái có những biểu hiện bất thường, thường xuyên mất ngủ, thậm chí còn tìm hiểu về cách tự sát trên mạng xã hội. Sau khi được khám bệnh, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi trung ương kết luận, H. có dấu hiệu của trầm cảm nặng. Những câu chuyện trẻ bị trầm cảm và nảy sinh các hành vi tiêu cực như trên không còn là cá biệt. Tiến sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh trầm cảm sẽ tiến triển nặng, khiến trẻ mệt mỏi, buồn chán, bi quan. Điều đó cũng là một nguyên nhân khiến nhiều trẻ xuất hiện ý nghĩ muốn tự tử, vì không còn cảm thấy hứng thú trong cuộc sống. Ngay tại bệnh viện, các bác sĩ đều phải giám sát chặt việc sử dụng các thuốc hướng thần. Bởi, ở những trẻ khi mắc trầm cảm nặng, dễ nảy sinh suy nghĩ tích trữ thuốc ngủ để tự tử…

Trầm cảm cũng được xem là bệnh của xã hội hiện đại. Đặc điểm chung của những trẻ này là gia đình không hạnh phúc, bố mẹ ly hôn, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, cha mẹ, hoặc do áp lực của việc học tập, rồi trẻ bị nghiện trò chơi điện tử (games), mạng xã hội…

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, bệnh viện đã điều trị cho một bé trai 12 tuổi (ở Hà Nội) đang đi học bình thường, nhưng đợt nghỉ học vì dịch Covid-19, ở nhà chơi game quá nhiều, dẫn đến trầm cảm. Lúc nào bé trai này cũng chỉ ngồi một chỗ, không thích tiếp xúc với ai. Có những trường hợp đang đi du học nước ngoài, buộc phải về nước vì bị trầm cảm, u uất…

Theo báo cáo của Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm. Ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm cao hơn so với nhóm quần thể chung từ 4% đến 6%. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Viện Sức khỏe tâm thần cho rằng, bệnh trầm cảm không tự biến mất, nếu không điều trị. Thậm chí, nếu không được điều trị kịp thời, các triệu chứng trầm cảm tiếp tục trong nhiều tuần hoặc vài tháng, thậm chí nhiều năm…

Chia sẻ áp lực, làm bạn cùng con

Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở nước ta là từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên. Một khảo sát dịch tễ học được thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố của nước ta cho thấy, mức trung bình các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em cũng vào khoảng 12%, tương đương với hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất ở trẻ em là các vấn đề hướng nội (lo âu, trầm cảm, cô đơn…) và các vấn đề hướng ngoại (tăng động và giảm chú ý…).

Theo Tiến sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương), dấu hiệu đầu tiên của trầm cảm là mất ngủ. Khi phát hiện trẻ “bỗng dưng” có dấu hiệu mất ngủ, cha mẹ cần lắng nghe, chia sẻ và tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này để tìm cách xử lý. Ở giai đoạn đầu, khi trẻ xuất hiện các triệu chứng, cha mẹ nên chia sẻ, động viên con tham gia các hoạt động cộng đồng, cùng con điều chỉnh thói quen sinh hoạt hằng ngày để khắc phục tình trạng rối loạn giấc ngủ. “Trẻ hoàn toàn có thể hồi phục khi được trị liệu tại nhà, mà không cần phải nằm viện điều trị nội trú, nếu phát hiện sớm”, Tiến sĩ Ngô Anh Vinh cho biết.

Để phòng ngừa sớm tình trạng trầm cảm ở trẻ, bác sĩ Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội chia sẻ, với trẻ em, nhất là ở tuổi học đường – lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý, nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi những áp lực, suy nghĩ, lối sống tiêu cực dẫn đến tâm lý bi quan, chán nản, thậm chí là ý nghĩ tự sát. Việc cha mẹ làm bạn cùng con, lắng nghe, chia sẻ và nắm bắt tâm lý trẻ là điều cực kỳ quan trọng. Mặt khác, hạn chế trẻ sử dụng thiết bị điện tử thông minh cũng là cách để ngăn chặn tình trạng trầm cảm gia tăng. Khi cha mẹ thấy con có dấu hiệu mất ngủ, lo âu, mệt mỏi, kém tập trung… kéo dài từ 2 tuần trở lên, cần phải đưa con đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, tư vấn và hỗ trợ kịp thời. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh xã hội hóa tại các bệnh viện công lập

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấn chỉnh hoạt động xã hội hóa nguồn lực trong phát triển y tế tại các bệnh viện công lập; không để tình trạng thương mại hóa quá mức…

Chiều 15.11, lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế cho ông Nguyễn Thanh Long đã được tổ chức tại Bộ Y tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự, chúc mừng và trao quyết định bổ nhiệm cho ông Nguyễn Thanh Long.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cần chỉ đạo ngành y tế thực hiện tốt 10 nhiệm vụ.

Cụ thể là kiểm soát tốt dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Hoàn thiện cơ chế chính sách, cơ chế tài chính để nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh với yêu cầu dễ tiếp cận dịch vụ y tế hơn và giảm chi phí hơn nữa trong chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân. Tập trung cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, kiểm soát tốt hơn chi phí y tế, dược phẩm, thực phẩm, vật tư trang thiết bị y tế. Minh bạch trong quản lý cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc; công khai giá thuốc, giá trang thiết bị, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đặc biệt, chấn chỉnh hoạt động xã hội hóa nguồn lực trong phát triển y tế tại các bệnh viện công lập; không để tình trạng thương mại hóa quá mức… (Thanh niên, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 2: “Chấn chỉnh xã hội hóa nguồn lực y tế”.

 

Hai dự án bệnh viện lớn ở TP.HCM nguy cơ thiếu vốn đầu tư

Ngày 15.11, UBND TP.HCM đã có báo cáo gửi Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính về nhu cầu vốn ngân sách T.Ư (vốn trong nước) giai đoạn 2021 – 2025 để thực hiện các dự án (DA) công.

Theo đó, TP.HCM dự kiến có 11 DA với tổng nhu cầu vốn hơn 24.000 tỉ đồng; trong đó riêng nhu cầu vốn của DA xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM hơn 1.151 tỉ đồng và DA xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu hơn 1.873 tỉ đồng.

Tuy nhiên, dự kiến kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 mà T.Ư bố trí cho TP.HCM có khả năng thấp hơn so với nhu cầu vốn đã đề xuất, thậm chí không đủ để bố trí cho 2 DA bệnh viện hoàn thành. Bởi trước đó, tại công văn ngày 16.10.2020 của Bộ KH-ĐT về việc phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021, thì nguồn vốn ngân sách T.Ư trong nước dự kiến phân bổ cho TP.HCM là hơn 211 tỉ đồng; trong khi đó, nhu cầu vốn trong năm 2021 của 2 DA bệnh viện là 2.362 tỉ đồng.

Trên thực tế, 2 DA bệnh viện đã được TP.HCM tập trung triển khai và sắp hoàn thành. DA xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng từ ngày 1.6.2018. Chủ đầu tư đang hoàn tất các thủ tục trình thẩm định, phê duyệt tổng dự toán của DA, làm cơ sở thanh toán khối lượng cho nhà thầu. DA Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu đã cơ bản xong phần xây lắp, các gói thầu trang thiết bị y tế đã hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu, dự kiến đưa vào sử dụng trong quý 4/2020. Như vậy, theo UBND TP.HCM, trường hợp không bố trí đủ vốn cho 2 DA thì sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán khối lượng cho nhà thầu. Nếu không được tiếp tục sử dụng số vốn chưa giải ngân hết các năm 2017 – 2018 thì có khả năng phải trả về ngân sách T.Ư; trong khi 2 DA đang thiếu vốn, không thể tiếp tục triển khai, gây gánh nặng về việc tiếp tục bố trí vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 – 2025.

Trước tình hình đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục sử dụng số vốn chưa giải ngân hết từ số vốn đã giao năm 2017 – 2018 của 2 DA (hơn 1.930 tỉ đồng). Trường hợp không được phép tiếp tục sử dụng số vốn này thì Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ đủ từ nguồn vốn ngân sách T.Ư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. (Thanh niên, trang 5).

 

Khi bí thư huyện khám bệnh cho bà con

“Ở đây ai thấy mệt mệt trong người là gọi. Ổng dặn khi có gì thì điện, hết giờ làm ổng tới. Có bữa tui đau đầu gọi, ổng bảo đang bận họp, hứa chiều hết giờ làm việc cơ quan sẽ xuống. Hôm đó gần 7h tối ổng vẫn đến”.

23 năm nay, người bác sĩ ấy dù hiện giờ đã là bí thư huyện ủy nhưng cứ hết giờ làm là chạy chiếc xe cà tàng đến từng nhà khám bệnh miễn phí cho bà con nghèo…

Đồ nghề mỗi lần đi khám bệnh của bác sĩ Mấu Văn Phi là hai cặp táp to. Một cặp là “tủ thuốc di động” chứa đầy thuốc chữa một số bệnh thường gặp như: đau bụng, đau đầu, dạ dày… và cả thuốc bổ. Cặp còn lại chứa các dụng cụ cơ bản để khám bệnh như ống nghe, máy đo huyết áp, kẹp thân nhiệt, hộp chứa xilanh, kéo, cồn…

Ông bí thư và chiếc xe máy cà tàng…

8h sáng, ông Mấu Văn Phi – bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh, một huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa – chạy từ nhà mình (thị trấn Khánh Vĩnh) đến nhà vợ chồng ông Cao Thật ở thôn Chà Liên, xã Liên Sang trên chiếc xe máy cũ cọc cạch. Chiếc xe này ông mua 20 năm trước, khi còn làm phó giám đốc trung tâm y tế huyện, trong đợt hóa giá để giải quyết vấn đề đi lại.

Đó là chiếc xe đầu tiên trong đời ông có được. Để tới được những nơi đèo dốc, đường đất gồ ghề khám bệnh cho bà con miền núi, ông bảo chỉ có con xe này mới chạy nổi. “20 năm rồi mà nó vẫn hoạt động rất tốt. Mình chỉ bỏ tiền làm lại máy thôi. Với lại mình mà đi xe đẹp, bà con thấy xa cách, khó tiếp cận lắm” – ông Mấu Văn Phi cười thiệt hiền, nói.

Chiều hôm trước, ông Cao Thật đã gọi điện nhờ “bác sĩ Phi” đến nhà khám khi thấy người mệt mệt. Vợ chồng ông Cao Thật đã chờ sẵn ở nhà. Cả hai đều là người Raglai. Bác sĩ Phi lần lượt đo huyết áp, khám tổng quát cho vợ chồng ông Cao Thật. Ông Thật năm nay 50 tuổi, bị nang thận. Còn vợ ông, bà Cà Thánh, 51 tuổi, bị xơ gan. Do bà Cà Thánh bị xơ gan nên sau khi đo mạch, huyết áp, ông Mấu Văn Phi còn kiểm tra xem một số phản xạ của thần kinh có bình thường không rồi sẵn khám luôn phổi.

“Cũng nhờ ổng mà tui mới biết bệnh mình để đi bệnh viện sớm đó. Hồi đó tôi sốt miết, đau không muốn ăn, sụt cân. Gọi cho ổng tới khám. Khám xong ổng biểu đi xuống Nha Trang ngay, vô Bệnh viện Bệnh nhiệt đới siêu âm. Nhờ vậy mới biết mình bị xơ gan”, bà Cà Thánh cho hay.

Chồng bà cũng nhờ bác sĩ Phi mà phát hiện sớm bệnh. “Cách đây một tháng, ổng khám xong phát hiện tui có những triệu chứng về thận, kêu phải ra Nha Trang siêu âm. Kết quả là bị nang thận” – ông Cao Thật kể.

“Ở đây ai thấy mệt mệt trong người là gọi. Ổng dặn khi có gì thì điện, hết giờ làm ổng tới. Có bữa tui đau đầu gọi, ổng bảo đang bận họp, hứa chiều hết giờ làm việc cơ quan sẽ xuống. Hôm đó gần 7h tối ổng vẫn đến” – bà Cà Thánh nói.

Khám xong, Bí thư Phi lấy ra hai hộp thuốc, một loại làm giảm sự phát triển của nang thận, một loại tăng cường chức năng thận. Ông Phi cẩn thận dặn ông Cao Thật liều lượng uống từng loại. Ông Cao Thật hỏi bao nhiêu tiền, ông Phi cười bảo: “Cái này tôi tặng, không lấy tiền đâu. Có lấy anh cũng không có tiền trả đâu”. “Lần này anh cũng cho thuốc nữa…” – ông Cao Thật bối rối nói.

Sau khi khám cho vợ chồng ông Cao Thật xong, ông Mấu Văn Phi qua nhà khám cho cụ Măng Liên, 97 tuổi, cha vợ ông Thật. Cụ Măng Liên bị rối loạn tuần hoàn não và viêm khớp. Đây là một trong những bệnh nhân “thân thiết” của bác sĩ Phi.

“Cách đây 5 năm, cụ Măng Liên bị viêm cơ cả hai mu bàn chân nhưng nhất quyết không chịu đi bệnh viện. Ông cụ thà chết chứ không chịu đi bệnh viện. Cứ đòi kêu bác sĩ Phi lên” – ông Thật kể. Được bác sĩ Phi chích thuốc suốt một tháng, bệnh đỡ dần, bây giờ cụ Măng Liên đã đi lại được.

16 năm không dám đổi số điện thoại

Tốt nghiệp ĐH Tây Nguyên năm 1997, bác sĩ Mấu Văn Phi về làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh – quê hương mình. Lúc đó, ông Mấu Văn Phi là bác sĩ người Raglai đầu tiên của huyện Khánh Vĩnh. Sáu tháng sau, ông được bổ nhiệm làm phó trưởng khoa nội nhi.

Năm 2001, ông hoàn thành khóa học chuyên khoa 1 ở ĐH Y Huế. Gần 3 năm sau, ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh. “Đến tháng 12-2005, Ban tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa đặt vấn đề chuyển tôi sang công tác lĩnh vực khác, quản lý nhà nước, bổ nhiệm tôi làm phó chủ tịch huyện Khánh Vĩnh” – ông Phi cho hay.

Tháng 10-2019, tháng 9-2020, ông lần lượt là phó bí thư rồi bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh. Ở cương vị mới, trách nhiệm cao hơn, công việc nhiều hơn. Nhưng vẫn như 23 năm nay, buổi chiều sau giờ làm, ông lại chạy xe đến từng nhà khám bệnh cho bà con. “Một phần tôi cũng muốn giảm bớt stress sau cả ngày giải quyết công việc cơ quan. Hơn nữa, tôi cũng là người Raglai nên hiểu được bà con nhanh hơn. Bà con nghèo, bệnh đơn giản mà đi ra tận Nha Trang khám thì không có điều kiện” – Bí thư Phi giải thích.

Huyện Khánh Vĩnh có 14 xã. Người dân ở xã nào cũng có số điện thoại của “bác sĩ Phi”. “Số thuê bao này tôi dùng từ năm 2004 – bí thư huyện Khánh Vĩnh cho hay – Tôi không dám đổi số điện thoại. Thay số mới, bà con không biết, không gọi được”. Khánh Vĩnh là huyện miền núi nên đường vào các xã toàn đường đất, đường rẫy gồ ghề. Xã xa nhất cách nhà 23km. Vất vả nhất là mùa mưa, nhưng mưa gió cỡ nào ông Phi cũng đội áo mưa đi.

Tiền xăng xe, tiền mua thuốc ông trích từ khoản chi tiêu gia đình, mua những loại thuốc thông thường: cảm, sốt, ho, giảm đau… Với những bệnh phức tạp, thuốc đắt tiền mấy trăm ngàn đồng một hộp mà người bệnh nghèo quá, ông cũng sẵn lòng mua cho luôn.

“Lúc đầu vợ mình cằn nhằn sao cứ làm cái việc không có tiền đem về nhà. Mình cứ thuyết phục bà con khổ quá, mình phải làm cái gì đó giúp bà con đỡ khổ hơn. Đây là việc tốt mà, ăn bao nhiêu cũng hết. Dần dần vợ cũng hiểu rồi ủng hộ và rất hài lòng về việc mình làm” – Bí thư Mấu Văn Phi nở nụ cười hiền lành nói. (Tuổi trẻ, trang 9).

 

Tiền đái tháo đường – một hiểm họa cần cảnh báo

Bệnh đái tháo đường được xếp vào 1 trong 4 loại bệnh không lây nhiễm chính và cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Theo số liệu của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2019, Việt Nam có tới 3,8 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường nhưng có đến 5,3 triệu bệnh nhân mắc tiền đái tháo đường, gấp 1,4 bệnh nhân đái tháo đường. Điều đáng báo động, tỷ lệ người không biết mình mắc tiền đái tháo đường rất cao. Dự báo đến năm 2045, số lượng bệnh nhân tiền đái tháo đường ở Việt Nam sẽ tăng gần 50%, tức lên đến gần 8 triệu người.

Tiền đái tháo đường – “kẻ thù thầm lặng”

Đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, anh Phạm Văn Mạnh (42 tuổi, ở Hà Nội) bất ngờ được bác sĩ thông báo mình mắc đái tháo đường tuyp 2. Anh Mạnh cho biết, cách đây hơn 2 năm, anh đã có những triệu chứng của tiền đái tháo đường nhưng không nghĩ mình lại mắc bệnh này nên không chú ý. Giống anh Mạnh, nhiều bệnh nhân khi tới đây khám đã bị “sốc” khi được chẩn đoán bị đái tháo đường tuyp 2 đã có biến chứng sang mắt, mà trước đó họ có cả quá trình tiền đái tháo đường nhưng không biết.

PGS.TS Trần Hữu Giàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, đái tháo đường là một gánh nặng bệnh tật đang gia tăng tại Việt Nam khi gây ra nhiều biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận, mù lòa, cụt chi… Số liệu từ nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, 11% người tiền đái tháo đường sẽ tiến triển thành đái tháo đường mỗi năm; 15-30% người tiền đái tháo đường sẽ mắc đái tháo đường trong vòng 5 năm, ước tính con số này lên đến 50% trong vòng 10 năm và tổng cộng 70% người tiền đái tháo đường sẽ thành đái tháo đường thực sự.

Tuy nhiên, theo ông Giàng, rất ít người có thể nhận biết đầy đủ về tiền đái tháo đường cũng như có thể sớm nhận biết mình mắc tiền đái tháo đường. Ở quốc gia phát triển như Mỹ, cứ 3 người trưởng thành sẽ có 1 người mắc tiền đái tháo đường nhưng có đến 90% số người mắc tiền đái tháo đường không biết mình mắc bệnh. Còn tại Việt Nam, theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện.

Cần chiến lược ngăn chặn căn bệnh này

Ngày 14/11 hàng năm được chọn là Ngày đái tháo đường thế giới, đây là dịp để chúng ta đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của bệnh đái tháo đường, có những kế hoạch thăm khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm tiền đái đường đường.

Chiến lược quốc gia về phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 – 2025 cũng nêu rõ mục tiêu hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm tại cộng đồng do các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính và viêm phế quản. Trong đó có vạch ra mục tiêu khống chế tỷ lệ tiền đái tháo đường dưới 16% ở người 30-69 tuổi.

Với bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là đái tháo đường, nguy cơ bệnh tim mạch gia tăng có thể từ 15 năm trước khi chẩn đoán đái tháo đường. Vì thế, việc phát hiện sớm ở giai đoạn tiền bệnh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm tỷ lệ người mắc, giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng. (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Bắt đầu xử phạt hành vi bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi

Từ ngày 15/11, Nghị định 117/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực. Nghị định 117 có nhiều điểm mới, tăng mức phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực y tế để bảo đảm tính răn đe. Bắt đầu từ ngày 15/11, những hành vi như ép người khác uống rượu, bia; bán thuốc lá, rượu bia cho người dưới 18 tuổi đều bị xử phạt.

Người dưới 18 tuổi uống rượu bia có thể bị phạt đến 500.000 đồng

Tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP (NĐ117) quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về uống rượu bia và địa điểm không uống rượu, bia. Theo đó, người dưới 18 tuổi uống rượu, bia có thể bị phạt đến 500.000 đồng.

Ông Phạm Tiến Đông, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Nghị định quy định, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia. Nhưng ai là người kiểm soát tuổi và phát hiện người dưới 18 tuổi uống rượu, bia khi người đó uống tại nhà riêng hoặc ngay uống ở hàng, quán, chẳng lẽ trước khi uống phải xuất trình chứng minh thư hay sao? Theo tôi thấy đây là vấn đề khó thực hiện”.

Nghị định còn quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật; xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia. Hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu bia.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng quy định cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng. Tại Điều 31 của Luật, việc xử phạt giao cho UBND các cấp. Tại Điều 23 của Nghị định 176, hành vi này bị xử phạt từ 100.000-300.000 đồng. Sau một thời gian triển khai, việc thực hiện không hiệu quả, bởi hành vi hút thuốc lá nơi công cộng diễn ra rất nhiều, nhưng lực lượng xử lý hầu như không có.

Lần này, Nghị định 117 ra đời hy vọng sẽ có những bước tiến mới trong vấn đề xử phạt vi phạm thuốc lá. Tại Hội nghị triển khai Nghị định 117 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, liên quan đến vấn đề xử phạt vi phạm thuốc lá hiện nay đang có trong rất nhiều quy định của nhiều văn bản khác nhau, nhiều luật khác nhau. Đối với Nghị định 117, nội dung các xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thuốc lá quy định từ Điều 25 – Điều 29. Tại Điều 25 quy định về xử phạt vi phạm về địa điểm cấm hút thuốc lá, nếu như trước đây chỉ xử phạt từ 100-200 nghìn đồng thì hiện nay tăng lên từ 200-500 nghìn đồng.

Đáng chú ý, tại Điều 26 nghị định này quy định về mức phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Vậy, làm thế nào để người bán xác định khách hàng đủ 18 tuổi, theo nhiều ý kiến, đây là vấn đề khó, khi không có quy định người đi mua thuốc lá phải mang theo giấy tờ chứng minh mình đủ 18 tuổi.

Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá. Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà không bị xử phạt theo lĩnh vực y tế…

Tăng mức phạt để bảo đảm tính răn đe

Theo đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Nghị định mới số 117 có một số điểm mới như rà soát lại các hành vi vi phạm để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế đã được ban hành mới trong thời gian qua. Trong đó có tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm để bảo đảm tính răn đe. Nghị định 117 cũng bổ sung một số hành vi vi phạm mới trong các lĩnh vực như: Hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của rượu, bia, dược, trang thiết bị y tế…; bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số chức danh như lực lượng Công an, cơ quan bảo hiểm xã hội.

Một trong những điểm đáng chú ý tiếp theo của Nghị định 117 là đưa mức phạt đối với các hành vi vi phạm về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Cụ thể, Nghị định 117 đã bổ sung thêm quy định về việc vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá và sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá. Theo đó, tại Điều 29 quy định phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với các hành vi này.

Cũng theo đại diện Vụ Pháp chế, lâu nay đã có những ý kiến cho rằng chúng ta chưa chú trọng đến công tác kiểm tra và xử phạt vi phạm quy định về phòng chống tác hại thuốc lá, nhưng với những quy định của Nghị định 117 về tăng thẩm quyền, tăng hình thức xử phạt nguội đối với vi phạm về thuốc lá, hy vọng cơ quan chức năng liên quan tăng cường xử phạt.

Nghị định phân định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để tránh tình trạng các cơ quan không có chuyên môn về y tế có thể thanh tra, kiểm tra và xử phạt đối với các cơ sở y tế có hoạt động chuyên môn.

Nghị định đã liệt kê cụ thể các chức danh có thẩm quyền xử phạt đối với từng hành vi cụ thể. Nghị định quy định các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về địa điểm cấm hút thuốc lá; phòng, chống tác hại của rượu, bia…

Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 117 và đã chuyển đến các Sở Y tế, đồng thời sẽ tổ chức các hội thảo, tập huấn để giới thiệu các nội dung chính của Nghị định 117 đến đông đảo các đơn vị, tổ chức liên quan… Tuy nhiên, để việc thực thi Nghị định mang lại hiệu quả, các địa phương phải thành lập Ban Chỉ đạo để có sự quyết liệt và đồng bộ trong triển khai. (Công an Nhân dân, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 25/8/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/3/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/5/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận