Điểm báo ngày 16/4/2019

(CDC Hà Nam)
Giảm cân cấp tốc, nhập viện cấp kỳ; Bệnh nhân phản ứng vì bệnh viện đổi thuốc; Siết chặt an ninh trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Đề xuất bảo vệ bệnh viện được dùng súng bắn điện, lựu đạn cay; Nhiều địa phương khan hiếm vaccine dịch vụ, Cục Quản lý dược vào cuộc điều phối…

Giảm cân cấp tốc, nhập viện cấp kỳ

Bệnh viện Bình Dân TP.HCM vừa công bố một nữ bệnh nhân bị hư thận không hồi phục sau khi dùng sản phẩm giảm cân, một lần nữa cảnh báo tình trạng “loạn” quảng bá cũng như dùng bừa bãi sản phẩm giảm cân. Đó là trường hợp chị N. (22 tuổi, ngụ Đồng Nai), cao 1,5 m, nặng 60 kg. Chị N. mua lại 250 viên sản phẩm giảm cân (không rõ tên, nguồn gốc) từ một người quen giá 500.000 đồng, uống liên tục 1 tháng.

Chị N. nghe giới thiệu đây là thảo dược uống an toàn. Những ngày đầu uống, chị giảm 6 kg, nhưng sau đó mệt mỏi, hoa mắt… phải đi cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Bình Dân, được bác sĩ (BS) xác định hư thận vĩnh viễn phải lọc máu.

Trước chị N., BV Bình Dân đã tiếp nhận nhiều trường hợp khác cũng nhập viện với tình trạng và tổn thương thận tương tự chị N. sau khi dùng sản phẩm giảm cân không rõ ràng.

BV Nội tiết T.Ư (Hà Nội) mới đây cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân 19 tuổi (ngụ Hà Nam), trong tình trạng nguy kịch do uống trà giảm cân không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kết quả xét nghiệm, bệnh nhân có chỉ số men gan 1.103 U/L, tăng gấp mấy chục lần so với mức bình thường (bình thường dưới hoặc bằng 31 U/L), tổn thương tế bào gan, suy gan; suy giảm chức năng thận.

Nữ bệnh nhân cho biết, do tin sản phẩm giảm cân được quảng cáo “thành phần hoàn toàn từ hoa quả thiên nhiên” nên đã dùng. Uống 2 – 3 tuần, bệnh nhân giảm được 5 kg nhưng thấy người mệt mỏi, khát nước, sụt cân, đầy bụng…

Quảng bá tràn lan, nguy hiểm

Gõ tìm trên Google “sản phẩm giảm cân” là xuất hiện hàng trăm loại với những lời quảng cáo có cánh “giảm cân nhanh, giảm cân an toàn, không tác dụng phụ…”, giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/sản phẩm. PV thử vào một trang quảng cáo sản phẩm giảm cân và được tư vấn dùng sản phẩm S. nhập khẩu từ Mỹ, thành phần gồm các loại trái cây, uống vào rất an toàn. Một hộp 1,5 triệu đồng uống 1 tháng. Muốn hiệu quả uống 3 hộp…

Tìm “trà giảm cân” cũng cho kết quả tương tự. Có sản phẩm còn được quảng cáo khi uống vào không cần tập luyện cũng giảm cân, không hề gây tác dụng phụ vì đã được kiểm nghiệm bởi… hàng ngàn khách hàng (?). Mọi người từ già trẻ đều sử dụng được (trừ người mang thai) và không mập lại sau khi dừng sử dụng… Có thể giảm 5 – 10 kg theo ý muốn. Trang bán hàng online thì không có địa chỉ, chỉ có số hotline.

BS Lê Thị Đan Thùy, Trưởng khoa Lọc máu – nội thận BV Bình Dân, cho biết với phụ nữ, thừa cân luôn làm họ mặc cảm. Nhiều sản phẩm giảm cân được quảng cáo tràn lan trên mạng: giảm cân nhanh, an toàn với chiết xuất thảo dược. Đặc điểm chung của các sản phẩm này là làm lợi tiểu gây mất nước, làm sụt cân nhanh để đánh đúng tâm lý muốn giảm cân thần tốc của nhiều người.

BS Thùy cảnh báo, các sản phẩm giảm cân trôi nổi, có nguy cơ gây tai biến và nguy hiểm là có độc tính làm phá hủy cầu thận không thể phục hồi.

Y văn thế giới từng ghi nhận có trường hợp suy thận mãn tính do dùng sản phẩm có chứa acid aristolochic 1 (chiết xuất cây phòng kỷ), độc tính cao và đã được chứng minh có liên quan tới suy thận mãn tính.

Ngoài dùng viên giảm cân, có phụ nữ còn dùng trà giảm cân hoặc bột giảm cân không rõ tên, nguồn gốc. Theo BS Thùy, tình trạng suy thận diễn tiến rất nhanh chỉ sau khoảng hơn một tháng sử dụng các sản phẩm giảm cân, người dùng đi tiểu nhiều hơn bình thường, mất khoảng 10% trọng lượng chỉ khoảng 1 – 2 tuần và tiếp theo rơi vào tình trạng suy đa cơ quan như suy thận cấp, suy gan cấp, cơ thể mệt mỏi, phù toàn thân…

Nhiều thực phẩm chức năng chứa chất cấm

Trả lời PV Thanh Niên, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, cho biết thời gian qua đã phát hiện các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm chức năng giảm cân chứa sibutramine (tác dụng làm mau no) – là chất đã bị cấm sử dụng trong thuốc, thực phẩm cho người vì gây tác hại sức khỏe.

Tháng 3 vừa qua, Cục ATTP đã nhận được thông tin cảnh báo của Cơ quan Khoa học y tế Singapore (HSA) không mua và sử dụng hai sản phẩm: “Hickel” và “Solomon Island – Soloco Traditional Candy” được bán online. Phòng thí nghiệm của HSA đã phát hiện hai sản phẩm này có chứa hàm lượng cao tadalafil, là dược chất không ghi trên nhãn sản phẩm; hoạt chất này được sử dụng để điều trị chứng rối loạn cương dương. Hàm lượng tadalafil trong “kẹo” này cao gấp 30 lần so với liều dùng hằng ngày cho phép. Nếu sử dụng hàm lượng cao tadalafil như vậy rất nguy hiểm, có thể gây tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, mất thị giác và thính giác.

Đầu tháng 4, Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) cho biết, Cơ quan Quản lý dược phẩm Úc qua kiểm tra một loạt thực phẩm chức năng đã phát hiện một số sản phẩm có chứa hoạt chất phải kê đơn và chất đã bị cấm lưu hành.

Các sản phẩm gồm: viên nang Magnum XXL chứa tadalafil; viên nén X Power 3 chứa sidenafil; viên nang JOYSMI (chứa sibutramin); viên nang mềm Meizitang Botanical chứa sidenafil, sidenafil N-oxyd. Sidenafil cũng là hoạt chất của thuốc điều trị rối loạn cương, chỉ dùng khi có đơn của thầy thuốc.

Cục khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng khi mua sản phẩm qua mạng vì rất nhiều sản phẩm được quảng cáo, rao bán trên mạng nhưng khi làm việc với Cục ATTP, đại diện nhà sản xuất lại cho biết họ không thực hiện quảng cáo, không chịu trách nhiệm về sản phẩm trên các trang mạng đó. Thực tế đã có sản phẩm giảm cân được quảng cáo là thảo dược nhưng xét nghiệm đã phát hiện chứa chất cấm.

Theo ông Phong, qua thanh tra, kiểm tra, Cục ATTP cùng các cơ quan chức năng đã xử lý rất nhiều vụ, ngăn chặn nhiều sản phẩm vi phạm, song thực trạng này vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều nội dung quảng cáo hoàn toàn sai sự thật, thậm chí có nơi còn tổ chức tư vấn qua điện thoại, đặc biệt là các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm làm đẹp, giảm cân.

“Hồi tháng 3, bản thân tôi còn được giới thiệu dùng sản phẩm giảm cân với cam kết giảm 10 kg trong 3 – 5 tuần. Đáng nói, sản phẩm mà họ mời tôi mua là loại mà Cục đã thu hồi từ năm 2017, nhưng người gọi điện chào bán vẫn khẳng định sản phẩm có giấy phép đầy đủ!”, ông Phong cho biết.

Những sai lầm khi giảm cân

Chuyên gia dinh dưỡng, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp (TP.HCM), cho biết hiện nay chị em thực hiện giảm cân nhưng mắc nhiều sai lầm, như: Nhịn ăn để giảm cân khiến người mệt lả, không làm việc được. Bỏ bữa dẫn đến rối loạn chuyển hóa nên sau đó hay ăn vặt. Ăn thiên về loại thực phẩm này, bỏ thực phẩm kia, dẫn đến rối loạn chuyển hóa, người mệt mỏi, tim đập nhanh, hụt hơi. Sai lầm quá cả tin vào những quảng cáo vô tội vạ trên mạng, các trang không chính thống, không biết nội dung đó do ai đưa ra rồi sử dụng sản phẩm dẫn đến nguy kịch phải cấp cứu. Hoặc tập luyện thể thao theo kiểu “ép xác”. “Muốn giảm cân, đầu tiên phải đi khám để được đánh giá tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng. Mục tiêu là để phát hiện bất thường để có thực đơn phù hợp”, theo BS Diệp. (Thanh niên, trang 6).

 

Bệnh nhân phản ứng vì bệnh viện đổi thuốc

Một số bệnh nhân, thân nhân có con em mắc bệnh tan máu bẩm sinh phản ứng vì bệnh viện đổi thuốc biệt dược gốc của Thụy Sĩ sang thuốc sản xuất theo công thức. Tuần qua, một số bệnh nhân (BN) và thân nhân có con em đang mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia, hay còn gọi là bệnh thiếu máu) đã họp nhau và gặp lãnh đạo Bệnh viện (BV) Truyền máu huyết học TP.HCM phản ánh việc không đồng ý BV thay thế từ thuốc biệt dược gốc của Thụy Sĩ sang thuốc generic (thuốc sản xuất theo công thức) do VN sản xuất. Lý do, BN và thân nhân cho rằng thuốc VN sản xuất có quá nhiều tác dụng phụ nên không yên tâm.

Người bệnh bất an

Ông N.V.H (ngụ Q.Gò Vấp) phản ánh con ông bị căn bệnh trên đã 20 năm, đã truyền máu và uống thuốc thải sắt ngần ấy thời gian. 3 năm qua BV cấp cho con ông thuốc Exjade 250 mg (do Hãng Novartis, Thụy Sĩ sản xuất); bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả 100%; con ông uống cơ thể rất tốt. Hai tuần qua, BV Truyền máu huyết học TP.HCM thông báo thuốc Exjade đã hết và được thay thế bằng thuốc Duritex 500 mg do một công ty đăng ký và sản xuất tại VN.

“Tôi đọc thấy thuốc VN có tác dụng phụ. Nếu uống không hợp thì có thể bị ói ra máu phải đi cấp cứu, nếu không xử lý được sẽ tử vong. Thuốc chống chỉ định cho người tim, gan có sắt nhưng những BN truyền máu thì BN nào tim gan không có sắt? Như vậy làm sao tôi dám cho con uống”, ông H. đặt vấn đề.

Anh Đ.Q.Đ (ngụ Q.10) có con bị bệnh thiếu máu 10 năm cũng bày tỏ sự nghi ngờ thuốc mới nên chưa dám nhận cho con uống.

Còn chị T. (ngụ Đồng Nai) có 2 con bị bệnh, cho biết hiện chị còn gần 200 viên thuốc Exjade nên chưa vội nhận thuốc khác cho con uống. Khi nào con uống hết thuốc Exjade thì chị tính tiếp.

Cũng theo người nhà của những bệnh nhân nói trên, thuốc Exjade được BHYT thanh toán 80% hoặc 100% theo quy định. Có trường hợp 3 năm qua BHYT thanh toán riêng tiền thuốc Exjade là gần 1,5 tỉ đồng.

Bác sĩ khuyên “yên tâm điều trị”

Bác sĩ (BS) CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu huyết học TP.HCM, giải thích 2 loại thuốc Exjade và Duritex đều là thuốc thải sắt có cùng hoạt chất là Deferasirox thường được chỉ định cho BN bị quá tải sắt do truyền máu thường xuyên. Cả hai loại thuốc trên đều được Cục Quản lý dược cấp phép lưu hành tại VN. Vì là thuốc ngoại nhập nên Exjade có giá thành cao hơn Duritex. Ngoài hiệu quả thải sắt thì các thuốc thải sắt nói chung (không phải riêng nhóm Deferasirox) đều có thể có các tác dụng không mong muốn kèm theo. Tuy nhiên không phải BN nào cũng bị tác dụng không mong muốn và một số BN có thể dung nạp với các tác dụng phụ này sau khi dùng thuốc một thời gian ngắn. “Riêng với hai loại thuốc này thì tác dụng phụ là gần như nhau. Về phương diện điều trị, khi BN xuất hiện phản ứng bất lợi từ thuốc nào thì nên báo với BS điều trị để điều chỉnh liều cũng như chuyển đổi phương hướng điều trị nếu cần thiết”, BS Dũng nói.

Về vấn đề vì sao đang cho BN sử dụng biệt dược gốc lại bất ngờ chuyển sang thuốc generic, theo BS Dũng, năm 2018, BV thực hiện đấu thầu cả hai thuốc trên theo kế hoạch thầu được Sở Y tế TP phê duyệt với số lượng 99.250 viên Exjade và 21.000 viên Duritex. Vì Exjade trúng thầu vào tháng 5.2018, nên được đưa vào sử dụng trước. Hiện tại, số lượn thuốc Exjade BV mua sắm theo thầu đã hết và chỉ còn lại Duritex (Duritex trúng thầu tháng 9.2018). BS Dũng cho rằng, vì thuốc Duritex xuất hiện trên thị trường sau Exjade nên BN vẫn còn chưa quen thuộc với loại thuốc này.

“Hai loại thuốc trên cùng được thanh toán BHYT và cùng có hiệu quả điều trị thải sắt, đều được cấp phép lưu hành và quan trọng hơn là Duritex có giá thành thấp hơn Exjade. Với BN Thalassemia, việc điều trị truyền máu và thải sắt gắn liền cả đời thì việc tiết kiệm chi phí điều trị là một điều hết sức ý nghĩa”, BS Dũng khẳng định.

BS Dũng cho biết thêm, từ tháng 3.2019 đến nay, BV đã chỉ định và cấp phát 2.417 viên thuốc Duritex cho 170 BN nhưng chưa thấy BN nào phản hồi về việc có tác dụng phụ.

Tính toán để khỏi vượt trần, vượt quỹ

Liên quan vấn đề trên, đại diện Sở Y tế TP cho rằng khi đấu thầu mua thuốc, giám đốc các BV cân đối tự chủ tài chính để mua thuốc biệt dược gốc và thuốc generic, thông thường thuốc biệt dược gốc chiếm 30%. Tuy nhiên, các BV cần phải đảm bảo chuyên môn trong những bệnh lý nặng cần phải dùng biệt dược gốc để đáp ứng điều trị. Còn thuốc generic có 3 nhóm. Hiện nay có 2 nhóm chất lượng, hiệu quả điều trị cao được sản xuất ở các nước tiên tiến, nhưng rẻ hơn, đáp ứng điều trị các bệnh lý mạn tính. Còn nhóm thuốc generic thứ 3 sản xuất trong nước đáp ứng tốt với những bệnh lý dùng kháng sinh, giảm đau, hạ sốt và hiện hầu hết BV đều sử dụng.

“Với BN tham gia BHYT, tùy theo việc chẩn đoán, BS đưa ra phác đồ và đánh giá hiệu quả từng BN cụ thể để quyết định chuyên môn dùng thuốc ra sao. Nếu BN nào cũng đòi sử dụng biệt dược gốc thì BV sẽ không đáp ứng nổi. Tuy nhiên, dù dùng thuốc gì đi nữa thì thuốc đó phải trúng thầu, đảm bảo yêu cầu điều trị. Nhưng giám đốc BV sẽ tính để khỏi vượt trần, vượt quỹ do khống chế trong việc thanh toán BHYT. Ngành y tế luôn sử dụng thuốc tốt, thuốc biệt dược cho BN”, đại diện Sở Y tế nói.

Đại diện BHXH TP.HCM cho hay, theo quy định đấu thầu, các BV chỉ được sử dụng 30% thuốc biệt dược, còn lại là generic nhưng phải đảm bảo chuyên môn. Trong những trường hợp nặng cần sử dụng biệt dược gốc thì phải dùng biệt dược. (Thanh niên, trang 14).

 

Kháng sinh, từ vũ khí tối tân đến kẻ bại trận

Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, có tới 76% bác sĩ kê đơn kháng sinh không phù hợp. Đây là nguyên nhân khiến 33% người bệnh bị kháng thuốc. Theo Tổ chức Y tế thế giới, dự kiến, đến năm 2050, toàn cầu sẽ có khoảng 10 triệu ca tử vong do kháng kháng sinh. Việt Nam thuộc 1 trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới.

Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) từng tiếp nhận bệnh nhân nam trong tình trạng khó thở, tiền sử suy tim, tăng huyết áp. Sau hơn 20 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân vẫn phải thở máy, sốt cao liên tục, thể trạng suy kiệt. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị viêm phổi kháng thuốc và kháng tất cả các loại kháng sinh hiện có. Hy vọng duy nhất bây giờ chỉ là trông chờ vào hệ miễn dịch của chính người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, thời gian qua bình quân mỗi ngày viện tiếp nhận từ 5-6 ca bệnh bị sốc nhiễm khuẩn nặng mà trong đó chủ yếu do vi khuẩn kháng thuốc gây ra. Bác sĩ Cấp nhận định, kháng kháng sinh là 1 tình trạng nguy hiểm. Khi người bệnh mang mầm bệnh kháng kháng sinh thông thường sẽ phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới, kết hợp nhiều loại, cao liều, khả năng thành công thấp, tỷ lệ tử vong cao, thời gian nằm viện kéo dài, điều trị khó khăn.  Với những bệnh nhân mắc các bệnh lý do vi khuẩn kháng kháng sinh, tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều bệnh nhân bình thường, từ 30-90%. Đặc biệt với những bệnh do vi khuẩn đa kháng thuốc thì tỷ lệ tử vong lên tới 99%, bởi không còn thuốc chữa.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do sử dụng kháng sinh bừa bãi, tùy tiện. Bất cứ bệnh gì từ sốt, đau đầu đến ho, chảy mũi… người bệnh đều tự ý dùng kháng sinh, dù chưa biết nguyên nhân gây bệnh là gì và dùng quá thường xuyên. Hậu quả là vi khuẩn quen dần với kháng sinh, làm vi khuẩn có sức đề kháng với kháng sinh. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác nữa là do sự tiếp xúc giữa những người bị nhiễm trùng (nhiễm trùng chéo) dẫn đến tình trạng là có những người bị đề kháng với những kháng sinh mà mình chưa dùng bao giờ, gọi là đề kháng chéo.

Nhiều kháng sinh đầu hàng vi khuẩn

GS.TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) – chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu và chống độc, cho biết, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh với số lượng vi khuẩn kháng thuốc và mức độ kháng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ kháng với kháng sinh nhóm carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay đã lên đến 50-60%. Trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả thì Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Có những bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn đã kháng thuốc, đến mức, các bác sĩ cho dùng loại kháng sinh thế hệ mới nhất cũng không hiệu quả, phải kết hợp với nhiều kháng sinh khác. Đáng lo ngại hơn, đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh, phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.

TS Đoàn Mai Phương, nguyên Trưởng khoa Vi sinh (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện nay có nhiều vi khuẩn kháng kháng sinh, trong đó đặc biệt là vi khuẩn E.coli kháng kháng sinh Carbapenem – một loại kháng sinh được coi là vũ khí cuối cùng để điều trị.

Tại Việt Nam, tình trạng kháng kháng sinh đang tăng cao và đã có trường hợp mắc vi khuẩn đa kháng, kháng mở rộng, toàn kháng. Lúc đó, các bác sĩ không còn kháng sinh điều trị, chỉ hy vọng vào sức đề kháng của bệnh nhân có chống đỡ được với loại vi khuẩn này.

Cách nào hạn chế gia tăng vi khuẩn kháng thuốc?

TS Đoàn Mai Phương cho hay, trong tương lai, thế giới có thể hạn chế gia tăng vi khuẩn kháng thuốc dựa tên bằng chứng khoa học của phòng xét nghiệm vi sinh. “Bác sĩ dựa vào kháng sinh đồ sẽ cách ly bệnh nhân, phòng chống không cho vi khuẩn lây lan thì mức độ kháng kháng sinh không lan rộng. Chúng ta duy trì mức độ đề kháng giảm xuống, sau đó kéo dài tuổi thọ của kháng sinh đang có, bảo vệ kháng sinh trong tương lai cho con cháu”, TS Phương chia sẻ. Theo TS Đoàn Mai Phương, muốn biết vi khuẩn có thực sự kháng kháng sinh hay không hay do sử dụng liều không đúng thì chỉ phòng xét nghiệm vi sinh mới trả lời được qua làm kháng sinh đồ. Phòng xét nghiệm làm kháng sinh đồ sẽ trả lời kết quả cho bác sĩ và bác sĩ có biện pháp cách ly bệnh nhân, không làm cho lây lan giữa bệnh nhân này với bệnh nhân khác.

Theo điều tra của WHO tại Việt Nam, 83% vi khuẩn Pneumococal  (vi khuẩn gây ra viêm phổi, viêm màng não…) đã kháng với kháng sinh penicillin. Có tới 72% vi khuẩn Ecoli gây các bệnh về tiêu chảy và đường ruột đã kháng ceftriaxon. Nếu nhiễm các vi khuẩn này, những thế hệ kháng sinh phổ biến trước đây như penicillin hay ceftriaxon sẽ không còn tác dụng. (Tiền phong, trang 6).

 

Siết chặt an ninh trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Đề xuất bảo vệ bệnh viện được dùng súng bắn điện, lựu đạn cay

Bộ Y tế vửa đưa ra dự thảo về Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Một điểm đáng chú ý là Bộ Y tế đã đề nghị lực lượng bảo vệ bệnh viện được phép sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháo luật như súng bắn điện, dùi cui điện, còng số 8… nhằm tăng cường và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo đảm an ninh bệnh viện, bảo đảm an toàn cho người bệnh , người hành nghề y, bác sĩ (chi tiết xem báo). (Lao động, trang 1).

 

Nhiều địa phương khan hiếm vaccine dịch vụ, Cục Quản lý dược vào cuộc điều phối

Theo phản ánh, những ngày gần đây, nhiều tỉnh/ thành phố, nhất là khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế đang xảy ra tình trạng thiếu cục bộ vaccine dịch vụ “5 trong 1”, “6 trong 1”, ảnh hưởng đến việc tiêm chủng cho trẻ. Trên thực tế, tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ đã xảy ra cục bộ ở một số địa phương từ vài tháng gần đây, song đến nay vẫn chưa được khắc phục. Tại Đà Nẵng, theo nguồn tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố này đã thông báo trong tháng 4-2019 tạm thời hết vaccine “6 trong 1” và “5 trong 1”….

Trước thực trạng trên, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương; các cơ sở sản xuất, đăng ký, nhập khẩu vaccine… cần thông tin chi tiết về việc đặt hàng mua vaccine (loại vaccine đặt hàng, cơ sở cung ứng vaccine, số lượng vaccine đặt hàng, thời điểm đặt – hàng, số lượng vaccine được cung ứng, thời điểm cung ứng…), báo cáo về Bộ Y tế để có giải pháp chỉ đạo tiếp theo.

Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các địa phương, các đơn vị liên quan báo cáo tình hình kiểm định vaccine trước khi lưu hành (số lượng và thời điểm gửi vaccine tới Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và sinh phẩm, thời gian có kết quả kiểm định…) cũng như các giải pháp đã thực hiện khi nhu cầu tiêm chủng tăng đột biến.

Trước mắt, để đảm bảo cung ứng kịp thời vaccine “5 in 1” và vaccine “6 in 1” tại một số địa phương, Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị cung ứng (công ty nhập khâu, công ty phân phối, chương trình Tiêm chủng mở rộng) ưu tiên cung ứng ngay lượng vaccine còn tồn kho và lượng vaccine sắp nhập kho cho các cơ sở tiêm chủng đang thiếu vaccine đột biến (như Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng…), hoặc theo sự điều phối của Cục Quản lý Dược hay Cục Y tế Dự phòng để tránh hiện tượng thừa, thiếu cục bộ vaccine.

Đối với vaccine đã nhập khẩu về và chờ Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (NICVB) kiểm định, Cục Quản lý Dược yêu cầu NICVB tập trung nguồn lực để khẩn trương kiểm định vaccine nhằm sớm cung cấp cho các đơn vị tiêm chủng. (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Bất thường tiêu hóa, coi chừng đại trực tràng

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng hiện đứng thứ 2 trong 5 bệnh ung thư phổ biến. Mỗi năm có khoảng 8.700 ca mắc, gây tử vong 6.000 người. Đến năm 2020, nguy cơ số người mắc bệnh lên đến 24.000 người.

Các bác sĩ cho hay, thông thường các bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, rất ít bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn sớm. Nguyên nhân là do các triệu chứng giai đoạn đầu biểu hiện rất im lìm nên người bệnh thường chủ quan hoặc không biết, không đi khám bệnh dẫn đến khó phát hiện bệnh.

Chú ý bất thường đường tiêu hóa

Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, năm 2018 bệnh viện tiếp nhận, điều trị 1.760 bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù đã cắt polyp đại trực tràng vào cuối năm 2013 nhưng kết quả sinh thiết anh N.M.T. (32 tuổi, ngụ TP.HCM) vẫn bị ung thư đại trực tràng. Sau hơn 1 tháng cắt polyp, anh T. quyết định đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM phẫu thuật.

Cách đây vài tháng, bác sĩ thông báo khối u di căn sang hạch đòn. Sau nhiều đợt hóa trị và sinh học tại bệnh viện này, hiện tế bào hạch trong cơ thể anh T. đang dần teo nhỏ lại.

Anh T. nhớ lại: “Những ngày cuối năm 2013, tôi thấy việc đi đại tiện có nhiều bất thường như số lần đi đến 5-6 lần/ngày, phân sống lẫn máu kèm đau bụng. Dù cắt polyp kịp thời nhưng bác sĩ cho biết tôi mắc ung thư dạng biến thể, nghĩa là khối u từ trực tràng di căn sang hạch đòn”.

May mắn hơn anh T., mới đây ông N.V.L. (54 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) ngỡ ngàng khi hay tin mình mắc ung thư đại trực tràng. Hiện ông L. đang mắc bệnh ở giai đoạn đầu. “Tôi thường mắc các bệnh về rối loạn tiêu hóa. Tôi đi khám ngay và phát hiện bệnh. Cũng may bệnh chỉ mới ở giai đoạn đầu nên dễ điều trị” – ông L. nói.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Bá Trung – trưởng khoa Điều trị tổng hợp Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – cho biết có khoảng 40% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn bởi vì khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng như sờ được khối u ở bụng, đi cầu ra máu, tắc ruột do khối u chèn ép… mới đi khám bệnh. Rất ít bệnh nhân đến khám ở giai đoạn sớm.

Tuy nhiên, bệnh giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ nên dễ gây nhầm lẫn các bệnh khác như đau bụng ngấm ngầm, đầy bụng, thiếu máu, sụt cân, đi cầu ra máu… Trong đó, đi cầu ra máu là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện ung thư đại trực tràng nhưng dấu hiệu này lại dễ nhầm lẫn với bệnh trĩ.

Tầm soát bệnh giảm 60-70% tỉ lệ tử vong

Các bác sĩ cho biết hiện nay nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng chưa rõ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy những yếu tố khiến người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư đại trực tràng thường là người trên 50 tuổi, viêm nhiễm đường ruột, có polyp đại tràng, tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng…

Ngoài ra thói quen ăn uống, sinh hoạt “góp phần” không nhỏ trong việc gây bệnh như ăn nhiều thịt đỏ, ăn ít chất xơ, quá béo; hút thuốc lá, uống rượu bia…

PGS Nguyễn Tấn Cường – trưởng khoa Tiêu hóa gan mật tụy Bệnh viện quốc tế City – cho hay polyp chiếm đến 80% nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng. Ở nước ta, do bệnh nhân nhập viện muộn nên chỉ có khoảng 8% số bệnh nhân này sống đến 5 năm.

Phòng tránh ra sao?

Để phòng ngừa bệnh ung thư đại trực tràng, các bác sĩ cho biết có nhiều cách như ăn nhiều rau xanh, hạn chế hút thuốc, tránh môi trường ô nhiễm… và tầm soát ung thư. Đối với tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, thông thường người bệnh sẽ được nội soi đại tràng, nếu phát hiện polyp thì cắt, từ đó có thể giảm 60-70% tỉ lệ tử vong.

Theo các bác sĩ, người dân có thể tầm soát ung thư định kỳ 5 năm/lần bằng cách thử máu ẩn trong phân hay nội soi cắt polyp đại trực tràng. Đối với những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao như người trên 50 tuổi, viêm loét đại tràng, tiền sử gia đình có người mắc bệnh… thì cần rút ngắn thời gian tầm soát 1-2 năm/lần.

Theo các bác sĩ, một polyp phải mất 5-10 năm mới chuyển sang ung thư nhưng lại chiếm đến 80% nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng. Điều này cho thấy nếu người dân nhận thức được vai trò của việc khám tầm soát, nội soi ngăn ngừa bệnh thì sẽ giảm được số tử vong. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Cứu sống bệnh nhân vỡ u gan đa ổ bằng kỹ thuật mới không cần mổ

Ông Bùi Văn Ằn, 58 tuổi (ở Cao Phong, Hòa Bình) vừa mới lên Hà Nội làm bảo vệ được 3-4 ngày thì bị đau dữ dội nên đến Bệnh viện Thanh Nhàn khám. Tại đây, bệnh nhân được phát hiện bị vỡ u gan đa ổ, mất máu…Theo bác sĩ Trịnh Văn Sơn, khoa Hồi sức tích cực ngoại – Bệnh viện Thanh Nhàn, các bác sĩ tại bệnh viện vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân nam bị vỡ u gan đa ổ bằng kỹ thuật mới mà không cần phải mổ như trước. Bệnh nhân là ông Bùi Văn Ằn, nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, quằn quại. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, ông Ằn bị vỡ u gan đa ổ, mất máu. Ngay lập tức, bệnh nhân được hồi sức tích cực, truyền máu, dịch.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định áp dụng phương pháp can thiệp nút mạch gan cấp cứu tại phòng Can thiệp. Theo đó, các bác sĩ đưa 1 ống siêu nhỏ từ mạch máu đùi lên mạch máu gan bệnh nhân, rồi bơm chất keo để bịt chỗ đang chảy máu.

Theo bác sĩ Trịnh Văn Sơn, trước đây khi chưa thể áp dụng được phương pháp mới này, những bệnh nhân bị vỡ u gan đa ổ sẽ phải mổ mở để cầm máu hoặc cắt một phần gan, sau đó thường phải nằm viện 1-2 tháng mới có thể hồi phục. Còn với kỹ thuật can thiệp nút mạch gan, do đây là can thiệp tối thiểu nên có ưu điểm cầm máu tốt, ít biến chứng, bệnh nhân đau ít và đỡ phải nằm viện dài ngày. (An ninh Thủ đô, trang 3).

Bài viết liên quan

Theo hướng dẫn mới nhất áp dụng toàn quốc, F0 nào được cách ly, điều trị ở nhà?

Ngọc Nga

Phòng bệnh viêm phổi ở người cao tuổi lúc giao mùa

Ngọc Nga

Bộ Y tế thông tin 8 chuyến bay có hành khách mắc COVID-19

Ngọc Nga

Để lại bình luận